: "Bửu kiến trừng tâm..."của đồng đạo Gió Đồng

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Ngoctruc, 4/12/19.

  1. Ngoctruc

    Ngoctruc Member

    [​IMG]
    Chia sẻ giáo lý PGHH (phần hán văn): "Bửu kiến trừng tâm..."

    Tu Tâm:
    "Trong đạo Phật quá nên huyền bí,
    Chỗ Tâm thần tọa vị nơi thân."
    Đạo Phật đã trở nên cao siêu huyền bí không ngoài một chữ Tâm. Thế giới của tâm rộng lớn mênh mông như vũ trụ bao la không ngần mé. Ở nơi con người tâm lại đóng vai trò chủ quản, nó cũng chính là chiếc chìa khóa để mở cửa những hạnh phúc hay khổ đau, buồn vui, thương ghét, thành Phật thành Tiên cũng do một chữ Tâm làm chủ: “Cái chữ tâm mà quỉ hay ma. Tiên hay Phật cũng là tại nó.” Đứng vào lãnh vực trừu tượng Tâm đã trở nên quá huyền bí kín mầu, khó có thể hình dung để diễn tả một vài lời cho chính xác bao quát hết tất cả những nghĩa lý của nó, những vấn đề và sự kiện liên quan đến Tâm, tác dụng thiên biến vạn hóa của nó đến vô cùng.

    Theo Từ điển Phật học, nghĩa của Tâm đã được tổng quan kết quy làm sáu chủng loại:
    1: Nhục đoàn Tâm: trái tim thịt.
    2: Tinh yếu Tâm: chỉ cái tinh hoa cốt tủy.
    3: Kiên thật Tâm: chỉ cái tuyệt đối, là chân như các của Pháp.
    4: Tập khởi Tâm: là thức thứ 8, A-lại-da thức.
    5: Tư lượng Tâm: là thức thứ 7, Mạt-na thức.
    6: Duyên lự Tâm: là thức thứ 6, Ý thức.

    Như một nhà khoa học bay vào không gian khám phá vũ trụ vô cùng, người khám phá để Tu Tâm là người bước vào kho tàng tri thức, ý niệm cùng những siêu thức, bản thể thậm thâm vô tận.
    Duyên lự Tâm là cái Tâm luôn phan duyên theo ngoại trần vạn cảnh, không lúc nào yên ổn như ngựa đã tháo cương khỉ ngồi đủng đẳng giữa bao cây trái, làm sao bình yên cho sóng lòng không dậy tràn khi trước mắt là những sở thích, những đam mê vật dục đã được hun đúc trong mình từ bao nhiêu lũy kiếp đến giờ:
    "Hố sâu tình dục lại ghiền,
    Ghiền cho đến lúc chúng khiêng quan tài."
    "Làng ngựa xe cám dỗ tao nhân.
    Gây ra lắm nợ phong trần,
    Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra."

    Vậy thì người biết tu Tâm tức là người phải biết tự chủ lấy mình, gạn lọc những phiền não sân si bao đời nay đã nhận chìm cho lòng mình tăm tối. Cần phải có một sự quét sạch, không những chỉ quét sạch bằng các thủ thuật kiểm điểm từ những hành động sai phạm quấy ác bên ngoài do Tâm truyền tống ra, mà chúng ta cần phải diệu dụng khối tinh thần mạnh mẽ để quét sạch cả những bụi lòng vẩn đục đang quấy rộn tận dưới đáy nền sâu thẳm của tâm thức bên trong, nó là cơ sở của những vô minh phiền não làm chỗ náo thân sinh sống:
    "Tà với chánh còn đương trà trộn,
    Người muốn tu phải sớm lọc lừa."


    Lọc lừa đó là ta phải phủi sạch bao phiền não cấu trược ra ngoài. Không có sự quét sạch khi lá cứ đổ xuống hoài không dứt, phải biết kết hợp ngăn ngừa những phiền não tấn công từ phía cảnh duyên ràng rịt tâm trần. Chỉ có thể nhìn thấy được cặn cáu bên trong khi một mặt hồ không lao xao vì sóng gió. Cũng không có những ý niệm hay những khái niệm giết chết tên phiền não đang sinh như là một chiến tướng công thành đánh giặc. Tâm ta là một bầu trời, mây sẽ vần vũ nếu các yếu tố nhân duyên từ bụi đất gió sương vẫn còn kết tụ, làm sao có thể ngăn chặn được mưa ? Cũng không có những ý nghĩ giết chết phiền não như là một người đánh tan đám khói đang tích tụ vây vần, bởi vì bản chất của khói là một hình thể không nắm bắt hay xô đẩy mà có thể quật ngã được. Mọi sự cố gắng do không hiểu thấu này sẽ là kết quả của bài toán được mang đáp số bằng không, không thể hoàn thành sứ mệnh khử trừ thành công trong chiến dịch tảo phi phiền não.
    Mây này tan rồi mây khác sẽ tụ, những phiền não trong lòng là những đám mây tan tụ không ngơi liên tục trên vòm trời tâm, tất cả đều là những hiện tượng ảo huyền đổi thay thiên hình vạn trạng không ngừng đọng. Vậy thì chúng ta phải quét sạch đám mây nào khi nó vừa tụ lại cũng vừa tan đi, đám mây tụ của lần này hoàn toàn không phải là đám mây đã tích tụ của lần trước. Không diệt thì vọng tưởng cũng tự tan, muốn diệt thì nó cũng cứ sinh hoài, không diệt thì bầu trời tâm lại đen tối ? Làm sao để trừ khử vọng tâm?
    Bàn Đặc ngày xưa đã sử dụng công phu trong bàn tay "chổi quét": quét bụi trừ bẩn, quét bụi trừ bẩn là bảo bối thần kỳ đã giúp ông trừng tảo khô cạn những phiền não vẩn đục trong lòng, vén tay chạm vào cánh cửa huyền bí cuối cùng. Sự thành công của ông là vô tư mà quét, quét mãi đến không ngừng cho đến khi bất ngờ phát minh ra chân tính, sử dụng được kho tàng bí mật trong mình bao lâu nay. Sẽ có một ngày tâm ta bừng sáng khi vọng trần đã thanh tịnh. Nước có cá bơi thì rong tảo sẽ không sanh, trời có nắng soi thì mây mù tự biến. Đó là một cách sáng suốt, thông minh của những người có kinh nghiệm và diệu dụng khéo léo qui trình hành đạo như là một công thức Tu Tâm.
    Cần phải tích cực mà phát huy, đánh thức những ý niệm thiện trong lòng bừng dậy. Khi những niệm thiện có mặt đồng thời cũng là sự đẩy lùi cáo chung những niệm ác là một cái bóng đen ngòm ghê sợ của đám mây mù vô minh. Trì tâm lục tự là cách đơn giản và công hiệu nhất. Có điều ta phải biết yếu tố quan trọng là sự thành tâm chí thiết trong một quá trình kết nối liên tục dẻo bền, như một dòng nước phải được liên tục chảy mới nên thác suối. Dĩ nhiên là cơm sẽ sống nếu cứ bắc lên nhấc xuống, cây sẽ héo khô nếu cứ bỏ ba bốn ngày mới tưới một lần. Điều kiện tiên quyết cực kỳ đơn giản mà khó khăn nhất lâu nay sở dĩ hành giả không đạt thành đạo hạnh chính là vì công phu không chuyên nhất bền bỉ. Tội cũ chưa trừ mà ác mới đã phạm ngày nào mình mới tự do. Cánh cửa thất bại hay thành công chính nằm ở chỗ đó!
    Hãy nhìn xem công hạnh tu tập của các vị Tổ sư thuở trước hay các vị đã từng vãng sanh đắc đạo gần đây rồi ta sẽ có câu trả lời cho lòng mình vì sao ta không tịnh Tâm, vì sao ta không đắc đạo. Tại vì ta đang lấy sức của một con kiến để kéo xe, xe chẳng những không đi mà dù sức kiến kéo cả đời cũng chỉ bi ai mệt mỏi, phiền não vẫn trơ trơ đâu lay chuyển gì. Như nước cặn cáu bao lâu chỉ mới bỏ vào chút phèn làm sao trong sạch, công phu như thế ngày nào Tâm định mới kết nối tương thông với mình. Hãy giũ bỏ sự ô nhiễm đừng để cho lòng bám víu vào trần cảnh, xúc tiến tinh tấn để hội đủ sức mạnh khuếch đại bên trong mà đập ngã vọng tưởng là một hồi trống vang dội hào hùng, ta phải thẳng thắn tiến lên mới có ngày "công thành mã đáo".
    Cõi trần chỉ là những giả duyên hội ngộ, chợt đến chợt đi, sao cứ để cho sáu căn mình khuấy động ồn ào theo sáu trần cảnh: ngon dở, được mất, phải quấy, khen chê...là những con sóng lao xao nhô lên rồi hụp xuống tiếp nối không nghỉ nơi biển lòng, gây nên bao nghiệp chướng tối đen từ ấy tám gió, bảy tình, sáu dục, năm uẩn, tứ hoặc, tam độc, nhị biên...đua nhau khuấy rối. Cần phải dùng trí tuệ sâu sắc mà nhìn ra mặt mày chân thật của chúng, và nếu khi nào soi phóng được bản chất vô thường không vĩnh cửu của nó lòng mình sẽ được lặng yên vững vàng. Hãy nên nhớ rõ điều chủ yếu đó. Đừng bao giờ bị lừa đảo bám sát theo để quét sạch vô minh khi nó là một đám mây mù do hơi khí kết tụ vừa tan biến. Tự thể chúng chỉ là một cái bóng không thật, ảo mờ. Vọng tưởng là một quá trình nhân duyên kết nối sinh diệt không ngừng, vọng này vừa tan thì vọng sau bắt tay hiện diện. Người ta không biết và đã phải mệt mỏi hơn khi cố tình đi diệt những vọng tưởng đã qua. Nếu phải vì chẳng nghĩ đến thì vọng tưởng đã tan biến, chết mất từ lâu rồi, đằng này mình lại đem một hình ảnh chôn vùi quá khứ hư vô trong khi đó chỉ là một cái bóng vọng tưởng vì sự cố chấp của Tâm ta cho là thật rồi lấy làm đối tượng tu hành. Không những không thể loại trừ trái lại càng làm cho vọng tưởng có cơ hội tái sanh và sẽ công phá Tâm mình mãnh liệt hơn. Chứng bệnh tái phát bao giờ cũng khó trị vì là cơn bệnh đã bị chồng lên bệnh. Hãy chiêm nghiệm kỹ lời này sẽ cho ta ánh sáng soi tỏ bao vọng Tâm, rồi khi một phen buông tay tức khắc tự dưng lòng ta sẽ nhẹ nhàng, thanh thản:
    "Dục trừ phiền não trùng tăng bệnh
    Thú hướng chơn như tổng thị tà.
    Tùy thuận chúng sanh vô quái ngại

    Niết bàn sanh tử thị không hoa."
    (Muốn trừ phiền não nhồi thêm bệnh
    Muốn đến chân như thảy vọng phàm.
    Tùy thuận muôn duyên Tâm vô ngại,
    Sanh tử Niết Bàn chỉ là hoa đốm giữa hư không).


    Nếu khi nhẫn nhịn một người thì chỉ khi nào hình ảnh người đó hoàn toàn không còn hiện hữu một đối tượng nào trong lòng ta từ những cái gì của họ là không đúng, là sai lầm là khó chịu, từ những cái gì trong ta là bỏ qua, là tha thứ, là nhẫn nhục...Chỉ khi nào tâm ta loại bỏ hoàn toàn mọi sự có mặt các ý niệm dù là những ý niệm về nhẫn nhục hay tha thứ đó ta mới thật sự bước đi đến con đường nhẫn nhục siêu việt cuối cùng. Nhẫn cũng như không nhẫn vì trong lòng mình không còn một hình ảnh hay chấp trước, bó lòng trong khái niệm khách thể về nhẫn nhục nữa vì khi ấy đức nhẫn đã trở thành chủ thể tan chảy hòa quyện vào từng thớ thịt, từng dòng thở chảy cuồn cuồn trong ta, sẽ không còn một tìm hiểu hay một bóng dáng phân tích gì về nhẫn nhục cao thấp nữa khi chính ta đã là một chất nhẫn thực sự. Cái thật sự đúng nghĩa nhất phải được vượt qua mọi phạm trù nhận định hay khái niệm. Không thể ta là anh A, lại có những ý niệm suy nghĩ về mình là anh A thật hay anh A giả, không phải là một điều vô nghĩa đến kỳ lạ lắm sao?
    Hãy thật sự là chính mình trong những ý niệm thiện, trong sự trì niệm lục tự Di Đà mà trong đó đừng khuấy động tâm lòng bằng những lý lẽ phân tích cố tìm ra Tâm vọng khi nó đã tan mất không còn để diệt trừ, như thế là ta đang bị lừa đảo bởi vọng tưởng. Ngay lúc chí thành niệm Phật ấy là lòng ta hoàn toàn không có vọng tưởng, nếu biết duy trì miên mật hằng sống rõ ràng với sự chiếu kiến mình chu đáo như vậy là con đường đưa đến những niềm vui định tĩnh tuyệt vời, là con đường ly khai bình đẳng vọng tưởng.
    Bao nhiêu năm khổ sở dằn vật với những vọng tưởng và những ý niệm phá trừ nó thất bại, là một nỗi đau đằng đẳng kéo dài. Huệ Khả đã thành công khi được bái kiến Sư Tổ: "Tâm con không an, xin Ngài hãy dạy cho con một phép mầu nhiệm hóa giải vọng tâm?"
    Khi được nghe Đạt Ma bảo: "Hãy đem tâm con ra đây Ta sẽ an cho!"

    Một câu hỏi bất ngờ khiến Thần Quang chới với. Trong tâm thức quờ quạng tìm lại chính mình để nhìn ra rõ vọng tâm trình lên cho Tổ. Mọi nỗ lực vô nghĩa bây giờ chỉ là một bàn tay túm lấy hư không, làm sao thực hiện được dù cho có lập lại trăm nghìn lần thao tác: Bạch Ngài! "Con không tìm được vọng tâm?"
    Thế là: "Ta đã an Tâm cho con rồi đó!"

    Đó là một phép mầu cải tử hoàn sanh, là một cú đấm cuối cùng vỡ tan những ý niệm. Làm sao nắm lấy vọng Tâm khi nó là một dòng chảy hư ảo vô thường vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Ý niệm vọng tưởng chỉ là một hành động "coppy" sao chép lại bóng mờ không còn trong quá khứ, vọng tâm đúng nghĩa nhất ngay bây giờ là sự có mặt của những khao khát về ý niệm lục lạo những cái "vang bóng một thời" của kỷ niệm vọng tưởng ngày xưa. Khi nhìn lại chính mình để tìm kiếm nó ở đâu, mặt mũi đẹp xấu thế nào mới biết là sự lừa phỉnh khéo tạo, và chân thành hối ngộ quay về lại trạng thái ban đầu vô ý niệm mà khi thõng tay buông xuống, vô tư, lột bỏ cùm tay đang nắm kín những viên kẹo của một em bé, Huệ Khả mới bừng ngộ chính mình.
    Tuyệt nhiên đó không phải là một trạng thái sôi nổi, kịch liệt đấu tranh dằn xé mà xóa sổ vọng tưởng, bởi vì càng giận dỗi đánh phá mặt nước vọng tưởng sẽ càng phun tóe tứ tung gây nên một thảm kịch bi đát của một chàng hề đi hơn thua với lọ, mà đó chỉ là một trạng thái buông xả, chia tay, tự do phóng thích.
    Chúng ta hãy nhìn thẳng vào vọng tưởng như là nhìn thẳng vào vẻ mặt lo âu sợ sệt của một tên ăn trộm, như nhìn thẳng vào một bóng ma phiêu phưởng dật dờ do ảo giác vẽ tạo ra...rồi chúng ta sẽ tự mỉm cười với chính mình khi bao lâu nay mình chỉ là một đứa trẻ ngây ngô khi chưa từng biết hình thù của ma quái ra sao mà lại sợ, thấy được cái vẻ hốt hoảng run rẩy của tên ăn trộm vọng tưởng đang rình rập bên mình lúc Tâm thể chủ nhà đã nhìn ra nó. Và dĩ nhiên khi ấy chúng ta không cần phải tốn một công sức nặng nhọc gì để xua đuổi, đánh đập tống khứ nó đi khỏi vòng lẩn quẩn trong nhà Tâm mà gây nên bao tai họa, tức khắc liền khi bị nhận diện tự chúng cũng sẽ tìm kiếm con đường đào tẩu để thoát thân. Đó là những kinh nghiệm ứng xử khéo léo khôn ngoan ngăn ngừa giặc cướp lén lút trong nhà Tâm của một Ông Chủ.
    Chân Như Tâm là bản nguyên chân thật xưa nay của chúng sanh chưa từng bị ảnh hưởng của một niệm tưởng khuấy nhiễu nào mà bị biến hình thay đổi tính chất đi. Như một tấm kính không thể vì soi chiếu hình ảnh mà bị lem ố, như một bầu trời cao xanh lồng lộng không thể kinh hoàng hay biến chuyển vì một tiếng quát kêu của con vịt bay ngang qua mang theo những dư âm vang rền; một dòng nước không thể bị biến chất vì những con sóng lô nhô trên mặt nước. Một khi hình bóng không còn nữa, con vịt bay qua xa, gió hết rì rào thổi thì tất cả là một tấm kiếng sáng choang, một bầu trời xanh lơ thăm thẳm, một dòng nước trong vắt yên bình sẽ trở về với trạng thái vốn hữu nguyên sơ. Chân tâm con người sẽ được hiển diệu từ đó, nó hoàn toàn chối bỏ mọi động dụng, đánh giá, sầu thảm hay vui mừng của ý niệm hay nhận thức xôn xao về những tác dụng phản chiếu bên ngoài. Là thể sáng một tấm gương, là chất hư vô của một bầu trời, là tính chất tinh khiết của một dòng nước phẳng lặng. Chân tâm là vô nhiễm, là xả ly, là tự tại và tuyệt đối nguyên khôi tinh sạch.
    Trở về, nhận ra và sống lại với bản tâm Chân như hằng hữu xưa nay bằng một cuộc sống tự chủ, tu do, an nhiên và soi chiếu rõ ràng mà vẫn thanh tịnh trước ống nhòm vạn vật, đó là một phép Tu Tâm thần diệu nhất mà con đường cứu cánh phía trước đang chờ đợi những bàn tay dứt khoát, những bước chân ý chí hùng lực, kiên cố nhưng cũng rất tự nhiên, thoải mái, nhẹ nhàng. Một khi vén được bức màn bí ẩn sau cùng của khung trời tâm linh kỳ bí huyền diệu đó suối lòng chúng ta sẽ được khơi nguồn như dòng thác lưu thông buông mình cuồn cuộn khắp nơi, không còn bế tắc hay ngăn ngại, nó sẽ cuốn trôi tất cả trước sự chiếu kiến vạn cảnh khi dòng thác tâm này lướt qua.
    "Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật...
    Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình."


    Mọi sự động dụng huyền bí đều đầy đủ nơi tâm lọ là chúng ta phải nhọc lòng tìm kiếm nơi nào xa vời khác cho vất vả mà kết quả là nỗi buồn cô độc trong sự lẻ loi không tìm thấy được tâm mình. Làm sao có thể thấy mặt Trâu nơi khác khi ta đang ngồi trên Trâu, làm sao có thể thấy được mình khi ta không chịu quay về dòm xem lại chính ta. Cần phải có một cái gì đó thay đổi mới lạ là sự bừng dậy, đột phá qua giới tuyến bình thường của những ý niệm đang lao xao trên bề mặt tâm thức ta mới có thể chiếu phá, khai phóng được sự tự do tuyệt đối nơi chính mình, không còn bị ràng buộc vào những vọng tưởng, chính nó đã trói cột mình cứng ngắt trong lớp vỏ vô minh từ lũy kiếp đến giờ. Bao lâu nay chúng ta đã có thói quen cố hữu là sống trên ý thức rồi buộc chặt mình vào đó, xem nó như là tâm thật của chính mình mà rồi bao nhiêu phiền não ưu tư, nhân ngã thị phi vẫn không rời xa được bởi vì bản chất của ý thức là sự dao động, là chấp trước và dính mắc không thôi.
    Người biết Tu Tâm là người phải sớm nhận ra mấu chốt của vọng tưởng lại còn là vấn đề quan trọng chính vì ta đã đánh mất tâm thật của chính ta. Lâu nay ta đã sai lầm khi nhận khách làm chủ, bỏ chủ làm khách, đảo lộn những trật tự tự nhiên của tự tính khiến cho vọng tưởng cứ quay cuồng không thể dừng lại chính vì ta chưa xác định được chính ta. Một người không biết quê hương thì sao có chỗ dừng lại, tâm thức lang thang cuộc đời viễn xứ dãi dầu nắng mưa như một dòng nước bạt ngàn phiêu lưu càng ngày càng rời xa nguồn cội.
    Mọi sự phát kiến, chỉ dẫn nỗ lực của Tôn giáo qua bao lời lẽ chí thiết nhiều cách nhiều lần của kinh điển cũng không ngoài mục đích đưa cho con người trở về niềm vui chân thật nơi chính mình. Chỉ khi nào tỏ ngộ được Chân như Tâm ta mới có được cuộc sống vô sanh mà vào Niết Bàn xé tan dòng quay cuồng sinh tử lôi cuốn tả tơi trong sáu nẻo luân hồi đau khổ, bởi vì trong tự thể chân tính ấy vốn là bất diệt bất sinh, xưa nay chưa từng vắng bóng từ vô thỉ và mãi đến vô chung cũng thế.
    Tây Phương tịnh thổ hay Niết Bàn thanh tịnh đều không có thể tìm kiếm ở ngoài nơi nào xa xôi, nó hiện hữu ngay ở nơi mỗi người chúng ta qua sự chấp nhận, thể nhập, sống lại và có thể là qua cái nghe cái thấy của một tầm nhìn. Một khi toát lên mình chiếc kính mờ pha trộn quá nhiều màu sắc ta cũng sẽ nhìn ra cuộc đời, sự sống và chính tâm mình chớp nhoáng với nhiều màu sắc biến ảo vô thường không yên là do sự phản ánh và sự đánh giá của chính ta trong con mắt đã bị lớp màu kính che đậy, sẽ không thể thấu rõ được sắc màu thật sự của mọi vật, mọi cảnh trong đời thế nào. Khi con người chỉ sống trên những khái niệm, những ý thức ta sẽ thấy tâm ta là một bầu trời u ám với đầy dẫy những đám mây màu phủ giăng, che lấp bởi vì bản chất của ý thức là xôn xao là dao động như sóng gió không ngừng, làm sao tìm được sự bình yên khi ta đang đứng trước vòng xóay không ngừng của bao niệm tưởng. Vạn vật vạn pháp cũng vì thế mà biến đổi theo tâm vọng sinh diệt quay cuồng. Và một khi còn nằm trong vũng sâu của tâm sanh diệt đó, thì ắt nhiên ta chỉ có thể thấy được những cái gì tầm cở ngang bằng với sự biến đổi sanh diệt tầm thường, sẽ không bao giờ tìm ra được những gì huyền bí cao siêu, phi thường hơn nữa ở cái thế giới vô thường biến hóa mờ ảo này.
    Có một dịp nào đó ngồi yên lặng nhìn thật sâu vào trong mình, vượt qua lớp ý thức đang che chắn lớp vỏ ngoài tâm hồn biến động, lắng lòng nghe rõ ràng từng biến chuyển một của dòng tư tưởng trôi, của những cảnh những vật đang bày diễn ra trước mắt một cách tỉ mỉ rõ ràng từ một di chuyển, từ một sự cử động nhỏ nhặt, buông lòng lắng nghe thật tinh tường, thẩm thấu những âm thanh vang vọng vừa sâu thẳm vừa tỉ tê của một con ve sầu đang rền rĩ như thúc giục kêu. Ta sẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm đang chứa đựng âm thầm len lỏi và toát ra từ âm thanh mầu nhiệm đó:
    "Thử yên lặng để ve nó gáy,
    Gáy ít điều rõ máy thiên cơ."


    Máy thiên cơ ở đây là những sự huyền diệu của Đạo lý của nguồn Tâm vi diệu đang trôi chảy phản chiếu đến bề sâu ẩn núp kín đáo của vạn vật. Ngày nào lặn sâu được vào vùng biển tâm sâu thẳm này vượt qua mọi ý thức tiến đến chỗ đáy nền vô thức vô phân biệt của tâm linh, ngày ấy Ta mới có thể thưởng thức hết được cái hay cái mầu nhiệm tuyệt vời của một con ve đang kêu, một chiếc lá đang buông mình rơi rụng hay một giọt mưa đang thả hồn tí tách trước mái hiên...Từ trong Chân tâm vi diệu nhìn ra ta sẽ thấy được vạn cảnh vạn trần đều là chân như vi diệu.
    Nếu vọng tâm vô thường cho ta kết quả của cái biết cái nhìn về cảnh vật giả tạm vô thường thì cao siêu và sâu sắc hơn khi được sống với Chân tâm chân thường sẽ cho ta ánh mắt trí tuệ nhìn ra vạn cảnh đều là chân thường chưa từng sanh diệt, đây chính là cửa ngõ của tịch tịnh Niết Bàn. Bước được vào cõi tâm này là ta đã đặt gót chạm vào mảnh đất vô sanh, sự việc còn lại để làm chỉ là những thời gian biết tự sống với chính mình trên mảnh đất hương quê vi diệu đó.
    "Trổi bước tìm cõi vô sanh,
    Đến nơi sáng suốt tịnh thanh Niết Bàn."
    "Gẫm trong cõi tạm nhiệm mầu,
    Ngặt mang xác thị khó hầu cao bay."


    Không có gì là huyền bí kỳ lạ khó hiểu cả khi đó chỉ là một hành động lật ngược mặt khác vấn đề. Cũng trên một bàn tay nhưng nếu biết xoay trở lại thì đó chỉ toàn là màu trắng bên dưới của lưng tay màu đen, phiền não không xa Bồ Đề, Phật và chúng sanh, vô thường hay chân thường chỉ cách nhau gang tấc trong một ngoái đầu. "Quay đầu là bờ" chính vì như vậy. Nào có khác chi với những cái ăn, cái mặc, cái ở cùng mọi sinh hoạt động dụng trong đời thường như bao người, nhưng người một khi đã lột bỏ lớp vỏ ý thức thô thiển sống được với chiều sâu vi tế hàm tàng bí áo của Chân tâm thì mọi ý nghĩa thể hiện qua cuộc đời của họ hoàn toàn sai khác. Tất cả đều gói gọn vào một chỗ "bình thường Tâm thị đạo" rất siêu việt thâm mầu.
    Có người không vừa ý đã chất vấn Huệ Trung Quốc sư: "Thế 30 năm ở trên núi, thầy đã làm những gì?"
    Ngài chỉ trả lời vỏn vẹn: "Đói ăn, khát uống, buồn ngủ! 30 năm qua Ta chỉ có vậy thôi."

    Họ không đồng tình khi một vị Quốc sư cả nước cứ tưởng là đạo hạnh cao siêu lắm nào có ngờ đâu cũng chỉ tầm thường như mọi người: "Những người sống trên đời dù cho một đứa trẻ có ai lại không biết đói, ăn khát uống, buồn thì ngủ đâu. Hóa ra Ngài cũng chỉ tầm thường đến thế?"
    Huệ Trung bèn cười nhẹ rồi trả lời: "Người đời đói chẳng chịu ăn, đòi trăm ngàn món ngon vật lạ, khát chẳng chịu uống cũng phải muốn trăm thứ ngon ngọt khẩu vị mới dùng, buồn thì chẳng chịu ngủ còn phải tính trăm công ngàn việc. Ta khác hơn mọi người ở chỗ "tam thường tứ sự" đều chỉ tùy duyên. Hễ đói thì ăn không màng ngon hay dở, khát thì uống không phân biệt lạnh nóng, ngon ngọt làm gì, buồn thì cứ mà "duỗi cẳng thanh nhàn" ngủ."
    Cho nên chỉ một câu "đói ăn, khát uống, buồn thì ngủ" tuy đơn giản dễ nghe mà có thể hành xử được không phải là chuyện dễ dàng khi sự ham muốn trong lòng phàm phu vẫn còn đầy dẫy. Nếu đến ngày nào chúng ta thật sự diệu dụng đạo hạnh của mình vào đời mà trong mọi cảnh mọi duyên đều ứng hợp uyển chuyển an ổn, nhẹ nhàng, tự tại tự do như đức vua Trần Nhân Tôn:
    "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
    Cơ tắc san hề khốn tắc miên.
    Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
    Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền"
    “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
    Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
    Đối cảnh không Tâm chứ hỏi thiền."


    Thì ngày ấy ta mới mỉm cười mãn nguyện mà nắm lấy kết quả sau cùng kết thúc lại chặng đường Tu Tâm trong những bước đi thanh tịnh, nhiệm mầu, an lạc giải thoát!
    "Trời Tâm một cõi thênh thang,
    Thong dong bước tục nhẹ nhàng Pháp thân."

    Đồng đạo Gió Đồng.

     

Chia sẻ trang này