ÔNG BA THỚI, TÁC GIẢ “KIM CỔ KỲ QUAN” VÀ SỰ THĂNG TRẦM CỦA TÁC PHẨM ẤY BỬU SƠN Ông Ba Thới chính danh là Nguyễn Văn Thới, sinh năm Bính dần (1866) tại Mỹ Trà (Cao Lãnh, Đồng Tháp), mất ngày mùng 9 tháng 4 năm Ất sửu (1925). Bình sinh ông Ba mưu sinh bằng nghề “lái rỗi”, nên sau nhiều lần lui tới vùng Láng Linh (Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang) mua cá về bán, ông có nghe danh và được diện kiến cậu Hai Trần Văn Nhu (trưởng nam của Quản cơ Thành) để cầu học đạo lý. Được chỉ dạy cách tu hiền, ông quy y với cậu Hai. Khoảng năm 1905 ông dời cả gia đình về Láng Linh sinh sống gần chùa Bửu Hương Tự của tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, nhân dân trong vùng thường gọi “chùa Nhà Láng”, tức “dinh Đức Cố Quản”, nay là “Đền thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành” toạ lạc tại ấp Long Châu 2 xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang), được xây cất vào năm 1897, bị thực dân Pháp đốt năm 1912, đến 1942 trùng tu lại, nhưng cũng bị chúng đốt. Đến 1953 cất mới như thấy hiện nay. Noi chí lớn Quản cơ Thành, cậu Hai Nhu và ông Ba Thới cùng các bạn đạo của mình đã cùng nhau mưu đồ đại sự – chống Pháp. Nhưng chưa kịp hành động thì việc bại lộ. Năm 1912 thực dân Pháp kéo quân đến bao vây Bửu Hương Tự bắt đi 56 người (trong đó 13 người bị kết án 13 tháng tù, giam tại khám lớn Sài Gòn 6 tháng, đưa đi Côn Đảo 7 tháng – có tài liệu ghi chúng bắt đi 83 người) riêng cậu Hai và ông Ba thoát khỏi. Do thực dân truy nã quá gắt nên cậu Hai buộc phải ẩn mặt chờ thời (12), thành ra hai người không liên lạc được nhau. Ông Ba, phần vì nhớ thầy, thương bạn, phần vì tức giận khởi nghĩa không thành, lại không nén được đau xót trước cảnh đồng bào đang bị chính quyền thực dân hà khắc nên không thể dồn nén mãi được đau buồn, ông dùng dao cạo tự cắt cổ mình! Liền lúc đó người nhà hay được bèn tức tốc đưa ông đi nhà thương cấp cứu. Tuy được các thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng do vết cắt sâu, máu ra quá nhiều nên cứ mãi mê man, bất tỉnh. Tình hình sức khoẻ ông ngày càng nguy kịch, hơi thở mỏn dần, mỏn dần... Các lương y đành chép miệng thở dài, cho phép người nhà chở ông về để sớm lo bề hậu sự. Tại nhà, với quan niệm “còn nước còn tát” thân nhân ông chạy ngược chạy xuôi rước thầy, kiếm thuốc chữa trị. Nhờ vậy nên ít hôm sau ông tỉnh lại! Có lẽ do chứng kiến cảnh người thân trong gia đình và bà con lối xóm đều hết lòng lo chăm sóc mình, nên ông Ba Thới cảm thấy cần phải sống, và sống sao cho có ý nghĩa để đáp đền trong muôn một thâm ân đầy nghĩa tình đó. Chùa Bửu Hương Tự bị nhà cầm quyền để ý. Ông dời nhà về xã Kiến An (Chợ Mới), lúc này tuy sức khoẻ đã bình phục hẳn, nhưng vết thương ở cổ không cho phép lao động nặng nhọc, vất vả, nên ông chỉ có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi bất đắc dĩ vào việc sáng tác thơ văn, kinh kệ, soạn viết tuồng hát gửi gấm tư tưởng yêu nước, thương dân, khai triển giáo thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc canh tân giáo lý nhà Phật đang lúc suy đồi, mà tác nhân chủ yếu là do những người tu hành không chân chính cố ý bày đặt thêm rất nhiều điều huyễn hoặc, mê tín dị đoan, đặng canh tân Phật đạo để xây dựng một xã hội văn minh, an lành. Bằng vào tinh thần khai thị của các bậc Tổ Thầy, và với trí tài thông minh của mình, ông Ba Thới đã đứng trên lập trường quan điểm của lẽ phải và ý thức tu niệm, mà xây dựng nên những tác phẩm mang tính lý luận khá chặt chẽ, quyết chấn hưng giá trị tinh thần dân tộc cả về việc đời, việc đạo. Do đó, để tiếp theo các quyển đã viết trong thời gian “xa Thầy lạc bạn” lúc sống ở Láng Linh, ông đóng trái cửa phòng miệt mài sáng tác được thêm 6 quyển nữa, vị chi 9 quyển là: Kim cổ kỳ quan, Giác mê, Cáo Thị, Vân Tiên (I, II, III), Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền giang và Kiểng tiên. (Có nơi kể ra tên của một số quyển này khác hơn – chắc nhan đề do người sau đặt). Tất cả tác phẩm nêu trên được lưu truyền trong dân gian là nhờ một số người đã hùn tiền ấn tống, và tái bản gần hàng chục lần; tổng cộng 9 quyển dầy 828 trang in khổ 12 x 19, nhan sách ghi là Kim cổ kỳ quan. Do sách không ai đứng ra coi in, sửa bản nên sai trật chính tả rất “khủng khiếp”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho người đọc chán nản. Sách in trước 1975, nay tất nhiên rất hiếm nếu không muốn nói là không còn, nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe các cụ nhắc lại lâm nhâm năm ba câu, kiểu “nói bắt quàng” trong những lúc trà đàm. Tưởng cũng nên nói sơ qua giai thoại khá lý thú liên quan đến “sự mất còn” của tác phẩm văn học tôn giáo này. Truyền rằng, sau khi ông Ba Thới qua đời ít lâu thì người cháu nội của ông (?) vốn là tay ham mê cờ bạc, rượu chè be bét, khi đã cháy túi, trong nhà không còn món gì khả dĩ bán được để thanh toán nợ nần, y đành phải đem vật gia bảo của gia đình là xấp bản thảo của ông Ba đi cầm thế. Được một người bạn rượu “chí cốt” bằng lòng cầm với ý nghĩ như một sự “cứu bồ” không hơn không kém. Tuy vậy, những lúc rỗi rảnh anh cũng để mắt xem trong đó viết những gì. Không ngờ càng đọc càng say mê thích thú. Rồi một hôm, anh ta tổ chức bữa tiệc mọn, ỳ hú đủ mặt bạn bè. Đến dự, ai nấy vẫn tưởng đây là chuyện “bắt mâm” bình thường, nhưng khi nhập tiệc không thấy có chai rượu như mọi khi, nên anh em không thể không nhao nhao lên kêu nhắc. Lúc đó anh mới tâm sự là, từ khi có dịp đọc những lời khuyến tu, khuyến thiện của ông Ba, anh lĩnh hội được rất nhiều điều, xét lại thấy mình còn phạm nhiều sai, tệ nên quyết bỏ hẳn chuyện cờ bạc, rượu chè, để tâm lo tu hành tích đức, sống sao cho có ý nghĩa, có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Nghe qua, ai nấy đều rỏ ra hết sức bàng hoàng, xúc động. Kẻ cảm thông, người hưởng ứng “quày đầu hướng thiện”. Thế là chiều nào anh cũng dành ra một khoảng thời gian thích đáng để nghiền ngẫm “Kim cổ kỳ quan”. Anh đọc rất say mê, mãi cho đến lúc mặt trời chen lặn, không còn thấy mặt chữ mới chịu cất sách, bằng cách nhét tạm trên mái lá nóc chuồng bò ngay chỗ anh giăng võng nằm đọc. Tối hôm ấy trời mưa, tuy nhỏ nhưng do giông gió thổi mạnh làm tốc mái lá, khiến tập bản thảo viết tay của ông Ba Thới rơi xuống cạnh đống un (xua muỗi cho bò). May mà không bị cháy rụi – có lẽ do đã bị thấm ít nhiều nước mưa, nên tàn lửa chỉ bị liếm xém xung quanh. Tuy vậy khói nóng cũng không thể không len lỏi vào, làm ngún hư mất đi một vài đoạn, rải rác ở một số trang bị mất lâm nhâm mấy chữ. Ngộ một điều là những trang bị hư, mất chữ như thế không liên tục mà cách xa ra, cứ 5, 3 trang mới có một trang hư. Do vậy mà nay, khi xem những cuốn được in, ở những chỗ bị mất chữ, người ta phải bỏ trống (hoặc chấm chấm), chứ không ai dám tự ý nghiệm đặt thêm vào. Lời bị mất thì ý phải tắt. Chính điều này đã làm cho ta không nắm biết được hết diễn biến hoạt động của binh Gia Nghị do Quản cơ Trần Văn Thành chỉ huy (trong tác phẩm Cáo Thị), hoặc sinh hoạt đời sống tín ngưỡng của nhân dân thời Pháp thuộc (Giác mê) v.v. Thật đáng tiếc! Qua khảo sát, một số nhà nghiên cứu văn học lịch sử tôn giáo cho rằng, do những tác phẩm bình dân nầy được sáng tác trong điều kiện bối cảnh xã hội, đất nước đang bị kẻ xâm lăng thống trị, ngày đêm rình rập theo dõi, làm tình làm tội bất cứ ai không chịu yên phận, nên ở đó hãy có nhiều câu, nhiều đoạn buộc lòng phải nói dần lân hoặc lửng lơ khó hiểu, tất nhiên tối nghĩa, “ma ma phần phật”, do đó người đọc phải đầu tư mạnh về tư duy mới có thể lĩnh hội được ý tại ngôn ngoại. Ngoài những thể thơ truyền thống như lục bát, song thất lục bát... tác giả đã biết triệt để khai thác thể nói lối, là thể văn được người bình dân rất ưa thích. Mà cách nói lối của ông cũng thể hiện rất tự nhiên, hình tượng, dưới dạng biến cách rất tự do, thậm chí “lời nói bắt quàng không hàng ngũ” (lời ông Ba Thới), nghĩa là rất tuỳ tiện. Tuy nhiên về tư tưởng, lý luận, ông cũng khá đanh thép, sắc sảo, như trong “Bổn Tuồng” ông đã tỏ bày quan điểm bất bình về sự bài xích đạo Phật của Nguyễn Cư Trinh. “Nhà nho” Nguyễn Cư Trinh viết trong Sãi Vãi: Kìa như Lương Võ Đế; Đã đứng cao minh Nọ như Tần Thuỷ Hoàng Đã nên trang hung bạo Tham lam vì đạo Lận đận tìm Tiên Mệt sức người mà thiên hạ chịu lao phiền Hao của nước mà muôn dân kêu đồ khổ Trăm chước tu hành thì có Mảy lông chứng nghiệm vốn không Tống Đạo Quân đời nào tu cho hơn Lương Võ Đế đời nào tu cho kịp Bại ải Bắc sao Phật chẳng ra mà cứu cấp? Ngạ Đài thành sao Phật không đến trợ nàn? “Nhà tu” Ba Thới chống lại kiểu quá khích ấy: “Đến nay ta mới nhắc lại việc tu hành từ cổ chí kim, những là việc tu làm sao, làm sao. Hoặc là thượng trí tu, hoặc là hạ ngu tu, cho nên mới nhắc lại việc tu trước thời mới biết việc tu sau. Thuở trước Lương Võ Đế người tu lập bảy mươi hai cảnh chùa, đến sau ngã tử đài thiềng, Phật bất ly cứu – Ấy vậy người cũng phải xét lại! Phật bất ly cứu cũng phải đó mà. Cứu làm sao! Của thập phương tín cúng mà mình tu cho mình, ấy làm vậy chẳng vô tình lắm! Đặc biệt, ông đã sáng tạo thành công một thể thơ mới: thất bát, tức câu trên bảy chữ, câu dưới tám chữ, đọc nghe vừa mạnh, vừa véo von lôi cuốn. Thí dụ như: Trâu Nhựt Bổn Việt Nam bắt cày Gay go chó sủa bằng ngày sủa dai (Tiên tri ngày sau sẽ có máy cày của Nhật trên đồng ruộng Việt Nam). Hay: Sau trở lại người Tây sợ ta Chừng nào tới đó quỷ ma thác nhiều (Tiên tri Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp; bọn nối giáo cho giặc sẽ bị trừng trị). Phật đẻ Phật hay Phật đẻ ma Ma ma Phật Phật tại ta chánh lòng Con của vợ sao họ của chồng Đồng sanh đồng dưỡng cái lòng nào đau Ý làm sao chàng rể nàng dâu Người dưng đem lại lòng đau một lòng Ý làm sao bên vợ bên chồng Tương tề nội ngoại đèo bồng chửi nhau. (Cười những chuyện trái khoáy – vị trí gia đình/ xã hội của người phụ nữ đã tự nghìn năm vẫn bị phủ nhận. Và ý tại ngôn ngoại?). Có khi “rất tự do” (không câu chấp số chữ trong câu) như: Hay đó! Nước Ó Rằn người có qua đây Thương nhiều thịt bỏ thây (Tiên tri Hoa Kỳ đem quân xâm lược Việt Nam, sẽ thất bại – chết nhiều!). Về lời, ông áp dụng thuật nhấn mạnh dưới hình thức lập lại kiểu liên huờn, nhưng không từng đoạn, từng khổ mà là từng câu, rất kêu: Giặc dậy lăng xăng Lăng xăng giặc dậy Đánh nhau tầm bậy Tầm bậy đánh nhau Nước nào ở đâu Ở đâu đánh đó (Tiên tri dân tộc các nước nổi lên đòi độc lập giành quyền tự trị) Các kiểu thơ, kệ ấy, không thể không xem là thi pháp lạ lùng, độc đáo trong thơ ca văn học, làm giàu ra cho văn chương tải đạo miền Nam như vừa được dẫn, bàng bạc trong các sáng tác của ông. Chính vì “tính mới “ dễ đọc, dễ nhớ rất độc đáo đó mà tác phẩm Kim cổ kỳ quan đã chuyển tải được ý đồ của mình là khuyên người làm lành lánh dữ (hiểu cả bọn dữ xâm lược) đã thực sự chiếm được cảm tình “người thưởng thức”. Con người và tác phẩm của ông ngấm sâu vào tâm tưởng quần chúng – giới bình dân có đạo trong vùng – từ hơn nửa thế kỷ nay. Qua một số huyền thoại về “những người mang kinh đi mở cõi” được dân gian nhắc kể truyền tụng rộng rãi trong vùng, ta được biết các vị đều là những bậc tiền hiền của tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, đóng góp nhiều công lao trong việc khai khẩn đất hoang một số vùng ở Tây Nam Bộ, chủ yếu là hai vùng đất trũng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đưa dân vào lập làng, làm nông nghiệp, đồng thời khuyến tu, khuyến thiện, trị bịnh độ đời. Trong số, có vị trở thành lãnh tụ chống Pháp. Bên cạnh những truyền thuyết dân gian kể lại mang khá đậm nét thần bí, những lời tiên tri..., cũng có không ít mẫu chuyện cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị như tấm gương sáng. Khi nghe lại không ai không bùi ngùi cảm động/ cảm kích, mà còn hơn thế nữa họ rất hãnh diện, tự hào. B.S.