Ý NGHĨA LỄ HỘI VU LAN

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Hhuynh, 11/11/21.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    Ý NGHĨA LỄ HỘI VU LAN


    **** ​
    Mỗi năm cứ đến rằm tháng Bảy thì chúng ta lại cảm thấy như có một điều gì thiêng liêng nhắc nhở: một ngày cổ tục hay, đã ghi đậm trong mọi người mà chúng ta thường gọi là ngày xá tội vong nhân. Vong nhân được siêu thoát nhờ lời chú nguyện với tâm thành chí hiếu của chúng ta là người con dân nước Việt đầy lòng thương mến, đầy niềm hiếu đạo.
    Ngày rằm tháng Bảy còn nhắc chúng ta về cử chỉ cao đẹp của một vị Thánh Tăng, ngài Mục Kiền Liên, đã đem lòng hiếu hạnh, nhân ngày nầy cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ khổ não, báo đáp công đức sanh dưỡng cao như núi, rộng như biển của cha mẹ. Mục Kiền Liên, vốn là một trong “Thập Đại Đệ Tử” của Đức Phật Thích Ca. Ngài là bậc thần thông đệ nhất, khi chứng quả A la hán, Ngài dùng thiên nhãn nhìn thấy mẹ là bà Thanh Đề đang bị đọa địa ngục A tỳ chịu sự hình phạt đói khổ thảm thiết. Ngài dùng thần thông đem bát cơm đến dâng cho mẹ dùng. Nhưng khi vừa bưng lên, bỗng bát cơm hóa ra lửa bốc cháy, bà ăn không được nên bà rất hối hận tội lỗi của mình. Mục Kiền Liên trở về cầu Phật giúp cho phương cách cứu mẹ.
    Thấy lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên, Phật động từ tâm, dạy ông thiết lễ Vu Lan Bồn, để nhờ sự hồi hướng công đức của các Thánh Tăng cộng với sự hối hận của bà và oai lực của Đức Phật gia hộ, nên ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi ngục A tỳ. Chính đó là cử chỉ cao đẹp gương mẫu cho mọi người noi theo, cử chỉ đó không những dạy những người hiếu hạnh biết báo đáp hồng ân cha mẹ hợp cách, mà cũng dạy cho những kẻ bất hiếu vô ân phải nghĩ đến người chí thân của mình mà lo phần đền trả, do đó ngày rằm tháng Bảy đã trở thành một ngày hệ trọng: Ngày Vu Lan báo hiếu. Trong nền văn hóa dân tộc, hiếu đạo là di sản văn hóa tinh thần vô giá; di sản nầy truyền thừa từ thời mới lập quốc, đến khi Phật giáo mới du nhập vào Việt Nam thì đạo đức dân tộc hòa chung với đạo đức Phật giáo. Bản chất của người Việt Nam là yêu chuộng hiếu đạo, mà giáo lý của Phật giáo là giải thoát; vì vậy hai luồng tư tưởng gặp nhau làm thăng hoa giá trị văn hóa tinh thần của người dân Việt. Làm người ai cũng có cha mẹ, hai đấng sanh thành dưỡng dục ta nên người, cho ta thân thể hình hài nầy, cho ta đạo đức làm người, cho ta yêu thương và chia xẻ.
    Báo hiếu là một quan niệm chánh đáng, một hành động hợp lý trong đạo làm người: làm con chúng ta không thể quên được nỗi khổ của cha mẹ, miệt mài lo cho con từ miếng cơm manh áo, có đức rộng tài cao, lo cho con từ khi lọt lòng cho đến khi con thành nhân không kể vì nỗi khó khan vất vả. Vì lận đận lo cho con mà trên má người thân sớm bị nhăn nheo và tâm trí người thân sớm héo mòn kém lụt “Gìa nua là cảnh điêu tàn, Cây già cây cỗi người già người suy”. Nhìn vào đôi mắt mờ lệ đăm chiêu, chúng ta cũng đoán biết nỗi lo âu vô cùng khổ của cha mẹ. Hai đấng song thân của chúng ta có thể hy sinh trong những khi con mình khốn cùng, hoạn nạn ốm đau. Luôn luôn vì nghĩ làm sao cho con mình được thông minh nhân đức mà cha mẹ quên mình dốt nát tội lỗi. Những ai đã có làm cha mẹ mới biết lòng người mẹ tựa cửa trông con, nhìn trời nhớ con, nó thấm thía đến dường nào. Tấm lòng của cha mẹ đối với con như thế, nhưng đến khi đời con như hoa thì cha mẹ đã già như lá úa. Đời con khôn lớn thì tinh hoa sự sống của cha mẹ đã truyền hết cho con mà nhận lấy cái chết “Tuồng huyển hóa ai bày ra đấy, Kiếp phù sinh trông thấy mà đau. Trăm năm còn có gì đâu? Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”. Không ít người lầm tưởng cha mẹ qua đời rồi là hết không còn gì phải bận lòng nghĩ tới. Chết rồi thì tiêu ma, tuyệt tích, thân cát bụi tan vào cát bụi, chẳng có tiếp nối chịu ảnh hưởng của kiếp sống phù du nầy đã gây ra, như vậy buồn thương nghĩ nhớ mà làm chi. Cũng có người lầm tưởng, chết rồi linh hồn còn mãi mãi vật vờ giữa không trung, hoặc ra vào mồ mả, hoặc thường ở dưới cõi âm để nhận lấy hình phạt của Diêm Vương hay ở trong ngục tối; rồi nghĩ đến cảnh cơ hàn của họ mà bày đặt cỗ bàn, sắm đồ vàng mã đốt cho thân nhân tiêu dùng.
    Nhận ra như vậy, trong cuộc sống nầy có hai hạng người đối với người thân của mình khi đã qua đời: một bên thì thương tiếc đến điên loạn, còn một bên thì thờ ơ lạnh nhạt không nghĩ tới.
    Chúng ta nên suy xét, vạn vật tuy vô thường nhưng tương tục; thân mạng chết rồi lại sanh, bỏ thân cũ liền nhận thân mới theo sự đẫn dắt chi phối của hành động nghiệp nhân “Xác tuy mất hồn thiêng chẳng mất”. Cho nên, khi nào chúng ta nghĩ đến cha mẹ là phải nghĩ đến cách làm cho cha mẹ sống trong lẽ phải và nghĩ đến việc gây phước đức, tạo ảnh hưởng tốt đến các vong nhân, như chúng ta phải làm điều thiện để báo hiếu, cầu mong cha mẹ tiền nhân chúng ta được hưởng thọ an lạc.
    Chúng ta nhận tình yêu thương của cha mẹ đầu tiên thì chúng ta phải đáp trả lại tình yêu thương đó đối với cha mẹ thật tâm, chân thành, không thể thương yêu trên lý thuyết hay chỉ nói trên đầu môi chót lưỡi, mà chúng ta phải thương bằng sự báo đáp ân tình, ân nghĩa thật sự ngay trong cuộc sống nầy. Hiếu không phải hiếu chỉ trên mặt tri thức mà phải thể hiện ra bằng cái hạnh, cho nên mới gọi là hiếu hạnh. Hiếu hạnh có rồi thì chúng ta mới thể hiện sự hiếu dưỡng, tức là nuôi cha mẹ, lo cho cha mẹ từ vật chất đến tinh thần, “Mẹ cha là kẻ trọng ân, Dưỡng lo báo hiếu lúc thân yếu già” và nên nhớ “Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp”. Không có gì hạnh phúc, sung sướng khi còn có Mẹ, có Cha. Những người con phải biết trân quý và kính dưỡng Mẹ Cha khi họ còn đang sống, đừng để đến lúc cha mẹ qua đời mới bày lễ lược cúng kiến cho thật lớn, khóc cho thật nhiều:

    Quảy đơm cúng tế lệ xưa nay,
    Sát vật trâu heo đứa mị bày.
    Kẻ mất cho ăn suy khó hiểu,
    Người còn bạc đãi lạ lùng thay.
    Cháu con báo hiếu theo nhà Phật,
    Cha mẹ qua đời thủ lễ chay.
    Trong sạch nghĩa nhân vầy mới đáng,
    Hồn linh siêu thoát nhẹ cao bay.
    Mặt khác, theo quan niệm đạo Phật, tất cả chúng sanh là cha mẹ của mình ngoài việc báo đáp thâm ân cha mẹ của mình hiện nay, người tu Phật còn có nhiệm vụ báo hiếu cho cha mẹ nhiều đời của mình bằng phương thức gián tiếp. Tất cả mọi người ai cũng có trách nhiệm truyền bá tư tưởng đạo hiếu để cho những người con học tập và thực hành phương cách báo hiếu đúng chánh pháp, đem đến lợi ích cho tất cả những người cha mẹ khác trong xã hội, sẽ trở thành một nền tảng đạo đức cơ bản cho con người. Truyền bá đạo hiếu sẽ trở nên một truyền thống tốt đẹp, từ đó xã hội có điều kiện xây dựng hạnh phúc cho con người càng tiến bộ và tốt đẹp hơn.
    Ngày rằm tháng Bảy, lễ hội Vu Lan mang đậm tính nhân dân sâu sắc và ngày nầy được người ta gọi là ngày trở về nguồn “Cây có cội, nước có nguồn”, cây có gốc bám sâu vào lòng đất thì cây đó mới phát triển to lớn được và ngành ngọn được vững vàng là nơi từ gốc rễ. Còn nước, khi thấy nó chảy xuống suối, xuống sông hồ, ra biển cả, thì mình phải biết rằng nó có nguồn mạch của nó, nó xuất phát từ nơi đầu nguồn. Vậy cội và nguồn chính là gốc rễ yêu thương của cha mẹ, chúng ta phải biết yêu thương cha mẹ trước khi chúng ta yêu thương người khác, đó là căn bản đạo làm người. Đức Phật đã dạy: “Gặp thời không có Phật, nếu ai biết phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật”. Tại sao mình cứ chạy đầu nầy chạy đầu kia, vái lạy, cầu khẩn Phật ban phước cho mình, quan tâm đến mình, tạo điều tốt cho mình, mà trong nhà mình có hai vị Phật, đó là Cha và Mẹ mà mình lại không biết; mỗi chúng ta đều có Phật để thờ, đó là Cha và Mẹ. Rằm tháng Bảy Vu Lan là ngày chúng ta trở về nguồn cội tổ tông, thi ân, báo ân cho trọn vẹn hiếu đạo làm người, “Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ mới là chơn tu”. Con đường báo hiếu duy nhứt là phải chú trọng mục đích giải thoát, giải khổ đem vui lại cho ân nhân bằng cách chúng ta đem hết những gì cao quý nhất đời mình để phụng sự người. Sự cao quý ấy không là tiền bạc, quyền thế, danh vọng mà tâm ý chí thành, hành động trong sáng của chúng ta mới chuyển hướng được đời sống tiền nhân chúng ta vào đường chánh, vào nghiệp lành, để biến đổi cuộc sống khổ não ra cảnh sống an vui và giải thoát

    “Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,
    Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay”
    và:
    “Mình làm chữ hiếu mới hay,
    Chớ mướn người ngoài cầu nguyện khó siêu”.

    Độ thoát cha mẹ khỏi vòng sống chết luân hồi là cách thức báo hiếu cha mẹ đầy đủ nhất, hoàn hảo nhất, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi vì mình có tu hành chứng quả, độ thoát được mình, mới có thể độ thoát cho tổ tiên, cha mẹ được. Đức Thầy đã dạy:

    Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền,
    Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.
    Ngõ đáp ơn dày công sáng tạo,
    Cho ta hình vóc học cơ huyền.
    Đức Phật đã dạy: “Trong tất cả các hình thức bố thí,thì bố thí Pháp là đệ nhất”, cho nên tất cả chúng ta phải học Pháp, biết nói Pháp, khéo nói Pháp. Đừng nghĩ rằng nói Pháp phải là đăng đàn thuyết pháp. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã từng răn dạy rằng, nói trăm ngàn lời cũng không bằng nói một lời làm cho tâm người nghe được an tịnh. Học Pháp là học những lời Đức Phật, Đức Thầy dạy để biết rõ đâu là thiện, đâu là bất thiện, đâu là gốc rễ của thiện, của bất thiện. Tham Sân Si là gốc rễ của bất thiện. Ngược lại là thiện. Học rồi đem sở học ấy áp dụng vào đời sống hằng ngày của chính mình và khuyến khích người khác áp dụng thì gọi là hành pháp.
    Học Pháp và hành Pháp là nếp sống tu học của người tu theo đạo Phật. Nếp sống ấy vừa phù hợp với đạo lý tu nhân tích đức của người Việt Nam, vừa nói lên ý nghĩa đúng đắn của người con Phật biết sống vì mình và vì người. Đó là cách báo hiếu, báo ân tốt đẹp nhất của người tu Phật của chúng ta.
    Hôm nay dưới ánh từ quang của Đức Phật, Đức Thầy, noi dấu ngài Mục Kiền Liên, chúng ta hãy dồn hết bao nhiêu điều cao quý ở chúng ta và thành tâm nhờ diệu lực của Đức Phật, Đức Thầy để giải thoát cho cha mẹ. Được vậy mới mong báo đáp thâm ân cha mẹ của chúng ta trong muôn một.

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô A Di Đà Phật
    Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát

    Phan Thanh Nhàn
    Ngày 10-8-2021
     
    Sửa lần cuối: 8/11/23

Chia sẻ trang này