Ý NGHĨA PHẬT GIÁO HÒA HẢO Gió Đồng

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Hhuynh, 21/9/18.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    Ý NGHĨA PHẬT GIÁO HÒA HẢO

    Cư si MAI THANH TUN
    Sách viết: - Kỳ thánh nhân giả động tịnh tất hữu nguyên, nghĩa là nếu vào bậc thánh nhân thì nhất cử nhất động của các ngài đều có lý do cả. Câu nói đó nhằm giải thích những ý nghĩa đạo lý vi diệu được tìm ẩn qua cuộc sống đời thường của các bực vĩ nhân. Với các ngài thì từ mọi ngôn ngữ, hành động, mọi cử chỉ, thái độ đến như sự có mặt vào đời thông qua trách nhiệm cứu thế độ nhân, trong đó đều cất chứa những đạo hạnh cùng là những đạo lý cực kỳ hay đẹp. Những sự kiện lịch sử được xây dựng chung quanh cuộc đời các ngài đều không thiếu vắng điều huyền bí. Ở đây chúng ta không nhằm mục đích khảo nghiệm để tìm kiếm những ghi chép các vấn đề trong sử liệu đó ra trước ánh sáng khoa học bởi vì các vấn đề mà ta đem bàn bạc hôm nay bao gồm cả hai phương diện chính sử và truyền sử, những vấn đề thuộc lĩnh vực tinh thần đó hoàn toàn không đòi hỏi cũng không cần phải hỏi đến bất kỳ một sự nhúng tay can thiệp hay khảo quật thực tế của các nhà khoa học nào. Nhưng nói thế cũng không có nghĩa định nghĩa những tín ngưỡng phi khoa học. Tinh thần quốc gia và tinh thần tôn giáo luôn có những huyền sử lập quốc, cũng như những huyền sử lập đạo kỳ diệu cho riêng mình. Từ một Thánh Gióng cởi ngựa sắt bay trên không hay như Đức Giêsu bị đóng đinh cột Thánh Giá và sau đó phục sinh, Đức Phật đản sinh với bảy bước đi lúc mới chào đời nở bảy đóa hoa sen... tất cả đều được xuất hiện với một niềm tin trong sáng, có truyền thống, có đạo lý, là sự tôn sùng được ngợi ca bởi vì chính nó đã góp phần trưng bày và tô điểm cho những giá trị cao siêu của một con người, của một dân tộc, đồng thời với sự góp phần nuôi lớn những ý chí quật cường mà các giá trị tín ngưỡng, tâm linh cũng từ ấy được thăng hoa trên mãnh đất mầu nhiệm.

    Với Phật Giao Hoà Hảo những điều kỳ diệu đã được mở ra ngay đầu những trang sử đạo, điều ấy như một kỳ duyên cố tình đánh dấu những sự kiện vô cùng trọng đại của nền Tôn giáo mình, để rồi từ đó trang bị một cách đầy đủ về vai trò cũng như ý nghĩa sứ mệnh lâm phàm của đấng Giáo Chủ, từng bước thực hành và truyền bá giáo pháp của mình, nói theo đạo Phật là một “đại sự nhân duyên” đã được sắp bày từ trước. Sự gắn kết giữa tôn danh Phật Giao Hoà Hảo và địa danh của làng Hoà Hảo như là một điểm nhấn kỳ thú, một sự chọn lựa do chính Ngài mà quanh đó tất cả những huyền diệu đều được khơi nguồn theo truyền tích trên dòng chảy thượng nguồn từ thời Đức Phật Thầy Tây An:
    "Bửu ngọc quân minh thiên việt nguyên
    Sơn trung sư mạng địa nam tiền.
    Kỳ niên trạng tái tân phục quốc
    Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên."


    Vùng Thất Sơn hùng vĩ hôm nào vẫn hiên ngang vươn mình ngắm nhìn dòng Cửu Long giang chảy dài ươm mầm phù sa cho cây trái. Làng Hoà Hảo từ ấy đã mọc lên giữa sự bao bọc của vùng địa lý hữu tình nầy, những con người quần cư tứ xứ nhưng đong đầy tình cảm và chất phác hiền lương, bên cạnh có biết bao niềm tín ngưỡng đạo giáo, nhân gian được giao thoa và đồng hành tồn tại qua bao thế kỷ. Ngoài thổ nhưỡng khô ráo, đất đai phì nhiêu màu mỡ, sông nước hữu tình, nói theo cách của một nhà địa lý nơi ấy còn là một vùng đất “địa linh sanh nhân kiệt” vì sự có mặt kỳ diệu của miền Bảy Núi và dòng sông Cửu Long tạo nên thế khí âm dương giao hoà, linh khí hội tụ, chính vận khí phong thủy tương hoà đó đã kết tạo nên phong điều vũ thuận mang đến sự bình yên cuộc sống bao đời cho con người từ miền đất thân yêu, sản sinh nên bao vị anh hùng oanh liệt:
    Khí thiêng kiêng sông núi nhiệm mầu
    Un đúc giống anh hùng vang bốn bể.

    (Chí Nam Nhi)

    Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), một Tôn giáo nội sinh đã được ra đời tại đó đồng thời đã thực thi cuộc bảo tồn trọn vẹn những giá trị đạo đức truyền thống, những giá trị văn hoá cũng như tinh thần dân tộc thiêng liêng, nó luôn cúi rạp người với tư thế trang nghiêm để chở che cho đạo pháp, ban rãi tình người, và nhất là đã giao hoà nhất điệu với cái tên sơn dã của làng Hoà Hảo mến thương suốt bao đời qua đã gấm sâu tình quê cùng non nước:
    Hòa thôn Hảo cảnh xứ chi ta
    Tạm dắt nhơn sanh khỏi ái hà.
    Tạo xác Huỳnh thanh danh sắc trẻ
    Chờ thời thiên định thuyết hùng ca.

    (Hai Mươi Chín Tháng Chạp)

    Lịch sử Phật giáo đã từng ghi nhận cuộc ra đời của Đức Phật một cách rất ly kỳ, chung quanh các sự kiện huyền bí được diễn ra không những chỉ có mặt tại thế gian mà nó còn được kết nối mầu nhiệm hơn với cõi đất siêu hình từ trên Thiên thượng. Ngày ấy trước khi xuất thế, Đức Phật vốn còn là một vị hành giả tịnh cư tại Đâu Suất cung, pháp danh Hộ Minh bồ tát. Vì bi nguyện cứu đời mà khi nhịp cầu cơ duyên giữa mình và chúng sinh chín mùi, Phật pháp sớm thuần thục, nên Ngài đã oai thần hiển mộng thị hiện Bạch Tượng sáu ngà ngậm đóa kim Liên mà nhập lòng hoàng hậu. Để chuẩn bị chu đáo cho cuộc lâm phàm thành công nhất của mình, chính Ngài - bồ tát Hộ Minh đã một lần quán xét và tỉ mỉ chọn lựa năm điều hoàn tất khi đản sinh:
    - Một: Thời cơ đã đến chưa?
    - Hai: Căn cơ chúng sinh đã thuần thục chưa?
    - Ba: Nơi nào là trung tâm thế giới?
    - Bốn: Dòng dõi nào quý thạnh?
    - Năm: Ai là người đáng bậc mẫu nghi?
    Nơi đây có sự tương quan mật nhiệm và đồng điệu giữa sự ra đời của Ngài và Đức Phật qua năm điều quán xét trên, cho dù sự đồng điệu ấy chính là một hành động kế tục, học hỏi hay là vì bất cứ lý do khác nào thì điều ấy cũng đủ nói lên tầm quan trọng trong việc lâm phàm có cơ sở lựa chọn. Ngài muốn bước đi theo lối mòn của Đức Phật từ hơn hai nghìn năm qua, con đường phía trước mà Ngài phải đi là con đường cứu khổ chúng sinh đang đứng kề bên vực thẳm khổ nạn:
    "Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, vì thời-cơ đã đến, lý Thiên-Ðình hoạch-định, cuộc nguy-cơ thảm-họa sắp tràn lan" (Sứ Mạng)

    Khi ấy, từ những năm 1939, thế giới đã rụt rịt nhấn ngòi nổ chiến tranh. Tình hình đất nước Việt Nam còn tệ hại hơn hoàn cảnh lấm lem của tiền thân xã hội Ấn vào thời Đức Phật. Đứng trước họa xâm lăng, nỗi niềm vong quốc, sự khốn cùng vì chiến tranh... mọi thứ đều đang sẵn sàng bành trướng để chờ đợi cho tương lai khổ đau của những con người bị trị. Đôi vai gầy nhỏ bé khẳng khiu làm sao chóng đỡ nổi với tàu bơm, súng đạn. Hoang cảnh điêu tàn chồng chất lên những buổi chiều giông tố. Tiếng khóc trẻ thơ, tiếng kêu véo vắt bên bờ của những ngày ly tán. Cuộc dày vò lôi kéo những tâm hồn yếu đuối, sợ sệt cứ lần hồi ngã quỵ trước ngoại xâm. Sự tha hoá, sa đoạ cứ từng ngày gặm nhắm ý chí của người dân. Nền mỹ tục thuần phong nghìn đời tổ tiên cơ hồ lung lay trước ngọn cuồng phong của ngoại bang cứ ồ ạt thổi. Không lúc nào đau đớn hơn lúc nầy, tinh thần dân tộc bị chìm nghỉm giữa những mịt mùng khói lửa tang thương, tiếng khóc dâng trào, hồn thiêng núi sông đang giẫy giụa; ý chí trượng phu, tinh thần quân tử... tất cả đang chờ đợi một cuộc dấn thân vì nước quên mình:
    "Nghiêng hai vai gánh nặng non sông
    Vớt trăm họ lầm than bể khổ."

    (Diệu Pháp Quang Minh)

    Cho nên, cũng như Đức Phật Ngài đã chọn lựa thời cơ và nhân duyên lâm phàm thích ứng và cần thiết cao độ nhất cho mình, để rồi bắt đầu cho cuộc hành trình vạn lý truân chuyên đó “ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến”, ở tại xóm làng Hoà Hảo thân thương, khi ấy chân lý đã bùng lên, mở đầu cho một kỷ nguyên mới của một nền Tôn giáo mới phát nguồn từ bản xứ, gieo rắc niềm tin và hi vọng cho nhân loại, đồng bào. Nếu như xưa kia Đức Phật đã từng chọn đất Ấn Độ làm cơ sở trung tâm xuống đà phát triển rộng sâu cho tương lai nền Phật giáo, thì hôm nay đất nước Việt Nam thân yêu lại là một nơi cất cánh lý tưởng cho nền Tôn giáo của Ngài. Ở đấy ngoài sự có mặt của những con người chất phác hiền lương, dồi dào tín tâm, tình thương và sự cởi mở nồng hậu, đồng thời nơi đó còn là mãnh đất tươi màu của những nguồn tư tưởng, học thuyết và các nền triết học, Tôn giáo gặp nhau tạo nên một bầu không khí giao lưu hài hòa, phong phú và thân thiện. Con người càng cảm thấy gần gũi nhau hơn. Mọi duyên lành đều hội tụ nơi đây dường như đã có cuộc chuẩn bị sẵn sàng của ai đó để chào đón một sự ra đời mới mẻ nào mà cất cánh và thăng hoa cho những nguồn tâm linh dồi dào, nóng hổi ấy:
    “Cõi trung ương luân chuyển phương Nam
    Mở hội thánh chọn người trung hiếu.”

    (Diệu Pháp Quang Minh)

    Nếu Đức Phật đã lựa chọn dòng họ Thích để đi vào chốn đế vương, mở đầu cho nền đạo từ bi được xây dựng trên nền tảng trí tuệ - chữ "Thích Ca" tàu dịch là "Năng Nhơn" để chỉ cho một người cao cả về lòng từ hay thiện dụng mọi tài năng làm phương châm cứu độ. Và cũng bởi chính vì tiền duyên phụ mẫu đã định sẵn giữa Ngài với vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, nhất là thành Ca Tỳ La Vệ nơi xứ Ấn linh thiêng kia nhiều kiếp quá khứ cũng đã cùng Ngài đồng sinh cộng tử. Như một hệ thống dây chuyền được khép kín và cài đặt các khâu chế xuất đâu đấy hẳn hồi, mọi kết quả chỉ chờ đợi một tiếng nổ máy của trung tâm điều khiển. Trong guồng máy nhân duyên vốn hữu đó, Đức Giáo Chủ đã tìm thấy điểm đến nơi gánh họ Huỳnh, sự có mặt của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm là một hảo cơ duyên kết tạo nên những tinh hoa cho mầm sinh nở vi diệu trưởng thành:
    "Chọn một chàng tuổi trẻ tục phàm
    Mượn tay gã tờ hoa thần hạ bút."

    (Trao Lời Cùng Ông Táo)

    Sự đồng điệu với nhau là vậy, trong khi Đức Phật chọn họ Thích thì Ngài cũng đã chọn họ Huỳnh. Bởi chữ huỳnh là ý nghĩa của màu vàng, là màu của buổi hoàng hôn, bắt đầu ở phía cuối chân đồi xa xôi kia bóng chiều đang dần dà rũ xuống. Sự huyền bí một lần nữa tái hiện tại trần gian theo dòng đáo lệ tuần hoàn của dịch lý: "Lục vạn chi niên thiên khai huỳnh đạo" - sáu mười nghìn năm trời mở mối đạo huỳnh để kết thúc một thời kỳ đen tối. Nói theo thuyết “châu nhi phục thỉ” chính là sự tạo thành, sự vận hành tới mốc đáo hạn của chu kỳ thiên địa đi suốt một chặn đường dài từ thỉ tới chung. Sự quay đầu lại đồng nghĩa với sự đổi mới và xoá sổ những gì hư hao cũ kỹ, cái biến đổi có thể là một kỳ tích tiến hoá và cũng có thể là một sự mới bắt đầu. Định luật thành trụ hoại không sẽ mở cuộc tổng càn quét để thanh lý mọi nhơ bợn trên kiếp sống vô thường như thực hiện một cuộc thanh lọc và xử lý bồn cặn, loài người sẽ từ giã bóng đêm mà đón nhận ngày mới dưới ánh sáng mặt trời. Khúc bình mình vẫy gọi ở phía sau bức màn tương lai mà hiện thực cuộc đời vẫn đang nhốn nháo từng ngày dưới bóng chiều giông tố. Đồng thời với sự kiện đổi thay mới lạ đó lại vừa khế đúng vào lời huyền ký về đời mạt pháp của Đức Phật cách đây hơn hai nghìn năm. Điều đó càng minh chứng cho tầm quan trọng về giá trị và ý nghĩa sự xuất hiện của Ngài họ Huỳnh.

    Trong đạo pháp ý nghĩa của chữ huỳnh màu vàng đó còn được tượng trưng cho màu của ánh sáng trí tuệ, một con đường giác ngộ vinh quang mà ngày xưa Đức Phật đã đi. Ánh đạo vàng của hơn hai ngàn năm xa xôi kia, hôm nay Ngài mang nó về Việt Nam với nguyên bản thuần tuý, không pha trộn, màu mè hay tiêm nhiễm bất cứ mùi vị lạ lẫm nào của Phật giáo Tàu hay Phật giáo Ấn sau thời Đức Phật vốn đã bị pha chế. Bằng vào ngôn ngữ mẹ đẻ và một nền giáo pháp chân nguyên Ngài đã đưa PGHH trở về và sinh sống trọn vẹn trong tinh thần chánh pháp sau hơn nghìn năm bị đắm chìm trong giấc mộng ảo huyền của chủ nghĩa thinh âm sắc tướng:
    Đạo vô vi của Phật ân cần
    Nối theo chí Thích Ca ngày trước.

    (Giác Mê Tâm Kệ)

    Cho nên nền đạo của Ngài đã mang lên mình danh từ Phật giáo. Khởi nguyên từ một địa danh trú xứ thân quen, theo thời gian nghiễm nhiêm hoá mình thành tôn danh đồng hành cùng đạo pháp và dân tộc. Trong lịch sử Phật giáo những sự đồng hoá từ địa danh thành tôn danh như thế cũng không đến đổi lạ gì, từ một thiền sư Linh Hựu bỗng trở thành tổ Qui Sơn, đức Trần Nhân Tông thành ra tên tổ Trúc Lâm Yên Tử... gần đây nhất là Đức Phật Thầy với địa danh chùa Tây An. Vì sự ngưỡng mộ mà dân làng đã lấy địa danh trú xứ làm tên gọi các Ngài lâu ngày trở thành những pháp danh quen luôn như vậy. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định tầm ảnh hưởng của Ngài, và nền đạo PGHH đong đầy ý nghĩa tình thương cũng đã mỉm cười tự hào trong việc hoàn thành sứ mệnh liêng thiêng của nó:
    Ước mơ thế giới lân hoà hảo
    Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.

    (Phòng Vắng Đêm Khuya)

    PGHH là thế, nó gánh lấy trên mình ý nghĩa và trách nhiệm của tình thương. Bởi vì chữ Hòa là thuận thảo, còn chữ Hảo là tốt đẹp. Có biết yêu thương hòa thuận thì con người mới có cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp nhau: "Hòa giả tương thân, Hảo giả tương trợ. Tương thân tất bất chiến, tương trợ tất vô tranh. Bất chiến tự nhiên thành, vô tranh tự nhiên đắc." (Hoà là thương nhau, Hảo là giúp nhau. Thương nhau thì không chiến, giúp nhau thì không tranh. Không chiến mọi việc thành, không tranh mọi việc đắc). Sở dĩ con người còn khổ đau chính vì con người chưa có hoặc đã có mà vẫn chưa đủ tình thương Hòa Hảo. Khi những tham vọng đăng quang, chủ nghĩa cá nhân tất được tôn trọng, những quyền hành đều rơi hết về tay tự ngã không còn, và ngay trong các cuộc tìm kiếm vật lộn giữa trường danh lợi, mỗi người đèo một tham vọng riêng trong khi sự thương yêu nhường nhịn không đủ lớn thì sao tránh khỏi các cuộc ấu đả. Chiến trường khổ đau đã xây dựng nên từ sự háo thắng và lòng tham lam ích kỷ của tự ngã con người. PGHH chính là khắc tinh của chủ nghĩa cá nhân đó, nó luôn vươn mình khẳng định vị thế của mình, lúc nào cũng mở rộng lòng bao dung, chở che và sẵn sàng cứu độ. Do đó chúng ta sẽ không lạ gì khi thấy toàn cả người tín đồ của đạo đều sống bình đẳng nhau, họ đều xem nhau “như con một cha” không hề có bất cứ sự phân biệt nào về giai cấp, trước sau cả đời lẫn đạo. Sự cung kính chân thành một giáo lý từ bi là mọi người phải biết sống hảo hoà và đem tinh thần ấy thực hiện vào đời mở rộng đường lợi lạc nhân sinh.

    Với đà phát triển của khoa học hiện nay, nếu sự ích kỷ và tham vọng của con người không được dừng lại, có thể có một ngày sự sống nhân loại sẽ phải kết thúc bởi sự hung tàn khiến con người sẽ chém giết lẫn nhau. Sẵn có những vũ khí tối tân khó ai có thể tưởng lường trước hậu quả thế nào nếu một mai đạo đức nhân tâm bị đánh mất. Cho nên để đảm bảo sự sống của con người được bình yên thì đạo đức nhân luân bao giờ cũng phải được đề cao làm trọng. Vật chất phải được sự hướng dẫn bởi tinh thần cũng như khoa học phải đứng trên nền tảng đạo đức. PGHH với ý nghĩa của tình thương đó đã đóng vai trò xây dựng nền tảng đạo đức con người, nó như một dược chất trị liệu nhân tâm cần thiết không thể thiếu trong thời đương đại. Bối cảnh lịch sử ra đời của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã nói lên ý nghĩa trọng đại của nền Tôn giáo mình. Ngài phải làm sao mà giữa lúc thời đại nhiễu nhương nhân tâm ly tán ấy, gieo vào lòng họ một niềm tin và một sự tỉnh thức để cho họ có thể "buông đao đồ tể" mà "lập địa thành Phật". Khó khăn hơn bao giờ hết chính là lúc nầy nhưng cũng chính vì thế càng khẳng định được tầm quan trọng sự có mặt của Ngài và của PGHH trong kỳ loạn thế.

    Huyền thoại lịch sử Trung Hoa đã từng ghi chép sự tồn tại cực thịnh của hai thời đại tuyệt vời, không những từ sự sở hữu lý tưởng về hoàn cảnh địa lý, thời tiết phong vũ thuận thì, hoa lá xanh mát quanh năm, đồng thời với sự sở hữu một bức tranh xã hội cực kỳ mỹ lệ. Sự tuyệt vời ở đó là khi cuộc sống con người luôn biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, đạo đức luôn được tôn trọng. Không có trường án, cũng chẳng có khám giam, đó đây người ta không khỏi ngạc nhiên đến thú vị vì những ô cửa nhà chẳng ngại phiền khép lại, trên môi luôn đầy ấp nụ cười, gác bỏ ngoài tai mọi sự lo lắng về phường trộm cướp hoặc binh đao, không ai hại ai, của rơi bên đường cũng không ai thèm thuồng nhặt lượm. Thời cổ đại vàng son từng kéo dài hàng nghìn năm lịch sử đã tô thắm những nét đẹp đạo đức cùng vang bóng một thời. Đó chính là thời kỳ Tam Hoàng và Ngũ Đế. Thời Tam Hoàng chủ về “Thái Hoà”, còn thời Ngũ Đế chủ về “Tuyệt Hảo”. Sự kỳ diệu là ở đây, thêm một lần nữa PGHH đã khẳng định quan điểm Tôn giáo, đường hướng đạo đức cũng như lý tưởng cao đẹp của mình trong việc lồng ghép và sáng tạo một cách sống động về sự tuyệt vời của hai thời cổ đại kỳ bí đó vào ý nghĩa Tôn danh của nền Tôn giáo mình: Hoà là Thái Hoà, Hảo là Tuyệt Hảo. Nó ngầm mang một lý tưởng xây dựng “tịnh thổ giữa nhân gian”, đưa cõi sống đầy đấu tranh của con người trở về với sự sống thương yêu trong tinh thần Hoà Hảo:
    "Thuở xưa thời buổi Thuấn Nghiêu,
    Thái bình thạnh trị mến yêu khắn tình.
    Chớ đâu đồ thán sanh linh,
    Bởi nay lỗi đạo kệ kinh ngạo cười."

    (Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)

    Ở chiều sâu đạo hạnh, bốn chữ PGHH còn chuyên chở nguồn đạo lý quay trở về, nó khơi dậy nơi người một ý thức đi tìm kiếm sự tuyệt đối từ bên trong lý tính. Với vai trò còn là một pháp môn tu nó kêu gọi sự trở dậy trong nếp sống “bình thường tâm thị đạo”. Một người biết thực hành “pháp môn Hòa Hảo” đích thực phải là người biết tùy duyên mà xử, tùy cảnh mà làm, không hề có sự nắm lấy hay lìa bỏ. Ngoài việc đem đạo lý ấy sống với mọi người chúng ta còn phải biết dùng Hòa Hảo để trở về sống với tự tính thanh tịnh của chính ta. Đó mới là ý nghĩa quan trọng trong việc thực thi và thành tựu đạo hạnh:
    “Phật môn dục nhập tiên khai Tâm môn tức Phật Hòa. Giáo pháp cầu tu yếu ngộ Tánh pháp kỳ Giáo Hảo."
    (Muốn vào cửa Phật trước phải khai mở cửa Tâm, ấy là nghĩa Phật Hòa. Tu tập Giáo pháp mà ngộ được tự Tánh ấy là nghĩa Giáo Hảo.)
    Như thế, PGHH vốn không ngoài tâm, là bước tìm về của hành giả. Để có thể thực hành trọn vẹn ý nghĩa của đạo lý “Phật hoà” hành giả cần phải chuẩn bị thành công một đại sự kiện, cần phải chu đáo thực thi một cuộc chiếu phá hay một sự quay về nào đó quyết liệt hơn nhằm đủ để giúp mình khai ngộ tự tính. Con đường hoà nhập để sống lại với tự tâm “hảo hoà” một cách tự tại, an nhiên là con đường tất cánh của chân lý, mà ý nghĩa của danh từ PGHH trong phép môn tu lại có thể dung hội và đưa ta đến sự chứng ngộ một cách tuyệt vời. Sự liễu ngộ ở đây cần phải được tranh thủ và thành tựu không phải đơn giản chỉ bằng việc giũ bỏ những niệm tưởng, hoặc khô khan hoá dòng ý thức không ngừng trôi chảy. Khái niệm tu tập bằng sự cố gắng đi ngăn chặn dòng nước đang chảy xiết đó là một khái niệm không hoàn chỉnh nếu chúng ta không muốn nói là một khái niệm lệch lạc, và dĩ nhiên đáp số của bài toán đó không thể mang lại điểm 10 cho kết quả thành tựu. Phải biết rằng tâm thức con người là một vật sống, sự khác biệt giữa các loài hữu tình và vô tình là vậy, ở chỗ tâm người có ý thức, nó biết suy nghĩ, biết nhận biết và biết lắng nghe... nó vốn hữu là một cái gì đó linh minh thần diệu, biến hoá khôn cùng, như một dòng nước chảy xiết, sẽ không bao giờ dừng lại trước sức mạnh cản trở nào. Thay vì một hành động cấm cung hoặc giam giữ trong sự ràng buộc, khó chịu càng làm cho vật nuôi trở thành hung dữ hơn, sao chúng ta không thay đổi cách quản lý bằng phương pháp trả tự do mà dõi theo từng hành động của chúng. Chỉ cần biết rằng tâm ta đang ở đâu, đến đâu và làm gì, nghĩ gì, cái biết chính mình luôn hiện hữu, tức thời ta có chánh niệm. Đó mới là một nghệ thuật tự chủ tuyệt vời nhất của một anh nài khéo biết chăn tâm. Ý nghĩa của “Phật hoà” hay ở chỗ đó, nó giúp ta thấy rõ mọi hành động đương thời của tâm thức, để rồi ngay đó - ở ngay cái thấy, nghe, hay, biết ấy ta bỗng vén lên bức rèm mầu nhiệm tự tính, chỉ trong một cái nháy mắt, dở chân tức thời hành giả đi thẳng vào ngôi nhà linh quang tịch chiếu: Phật Hoà!
    Có lần khi trông thấy các huynh đệ đang phơi kinh, thiền sư Bùi Hưu bèn đi lại tảng đá rộng, nằm phơi bụng mình ra trước nắng. Thấy lạ, mọi người mới hỏi:
    “Chẳng hay ông nằm đây để làm gì?''
    Ngài bèn cười rồi đáp với họ:
    “Phơi kinh."
    Ai cũng cứ nhìn quanh quất không thấy một quyển kinh nào. Tưởng Ngài đùa, mới bảo:
    "Kinh đâu mà phơi?"
    Khi ấy Ngài mới lấy ngón tay mà trỏ vào cái bụng đang nằm: "Kinh ở đây! Tam tạng đều có đủ trong đó!"
    Đấy chính là đạo lý thâm huyền của hai từ "Giáo Hảo"!
    Trong học thuyết Lão, Nho - hai trong ba nguồn tư tưởng lớn và nồng cốt hình thành phong cách của nền triết học Phương Đông, mỗi một vị Giáo tổ đều chủ trương chữ Hòa theo mỗi góc độ, ý nghĩa trong tầm nhìn riêng khác. Ở Nho giáo, Đức Khổng Tử chủ chương chữ Hòa thuộc về Hữu đi vào cái Có, là đạo lý hữu vi. Trong khi Đức Lão Tử thì trái lại, Ngài chủ trương chữ Hòa đi về Không, thuộc về vô vi, hai lẽ khác nhau như hai mặt trái phải. Theo Hình Nhi Thượng, một hệ thống tư tưởng cấp cao cũng từng kết thành cho đạo lý Trung Dung làm nền, Đức Khổng Tử đã bày giải chữ “Hoà” cho các hàng môn sinh lãnh hội:
    “Trung giả dã thiên hạ chi đại bổn dã. Hòa giả dã thiên hạ chi đạt đạo dã. Chí trung hòa thiên địa vị yên, van vật dục yên. Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhơn Hòa."
    (Trung là cái gốc lớn của thiên hạ. Hòa là chỗ đạt được tới Đạo vậy. Đạt được đến Trung hòa thì trời đất, vạn vật đều được bình yên sanh trưởng. Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhơn Hòa.)
    Như vậy đạo lớn thiên hạ mà con người cần phải đạt được chỉ gồm vào một chữ Hoà, mà trong khoảng trời đất rộng thênh thang chữ Hòa của con người là nền tảng cơ bản nhất. Trách nhiệm của người quân tử là làm sao đạt được nền tảng căn bản đó để xây dựng đạo đức con người. Bởi vì có đạo đức con người mới được đúng đắn, khử ác hành thiện, trở nên tốt đẹp cao vời. Trong đó con đường tu thân là nền tảng để cải hóa chính mình, giáo hóa gia đình cùng xã hội, đưa con người đi đến chỗ hạnh phúc, an vui. Để đạt đươc mục tiêu tất cánh đó người quân tử phải lấy đạo chính làm gốc, đề cao cái thiện, bài trừ tiểu nhân, có thế mới mong được bình yên trong thiên hạ. Như thế là đạo lý “Nhân Hoà”.
    Trong khi đó thì Lão Tử lại đứng một bên phản đối. Ngài nói trong Đạo Đức kinh:
    “Tuyệt thánh khí trí, dân lợi bách bội.
    Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ.
    Tuyệt xảo khí lợi, đạo tặc vô hữu."

    (Dứt Thánh bỏ trí, dân lợi trăm phần.
    Dứt nhân bỏ nghĩa, dân trở hiền lành.
    Dứt xảo bỏ lợi, đạo tặc không sanh.)

    Thật không còn chủ trương nào táo bạo hơn tư tưởng đạo lý nầy! Ngài nói con người sở dĩ còn hơn thua giành giựt nhau chính là vì những tín điều đạo lý. Trong khi đề cao cái thiện, ca ngợi Đức Thánh nhân có khác nào đem khoe cái áo đẹp ra cho mọi người ham thích mà giựt lấy. Khi lòng người còn mưu cầu dù là mưu cầu điều nhân nghĩa thì biết bao giờ lòng người mới được yên. Khử ác thì cái ác sẽ cố sanh ra mà chống lại cái thiện, chi bằng hãy để cho vạn vật được tự nhiên mà trở về với cái vô tư thuần phác của mình, không suy tính không mong cầu ấy mới chính là cái cửa của sự yên ổn. Cho nên làm một con người cốt yếu là sao phải trở về được với cái tánh Vô vi thuần phác trời cho. Ngày nào được vậy con người mới được an vui trường cửu. Đó là đạo lý Hòa theo thuyết huyền đồng mà Lão Tử đã chủ trương:
    “Đạo sanh nhất. Nhất sanh nhị.
    Nhị sanh tam. Tam sanh vạn vật.
    Vạn vật phù âm nhi bảo dương,
    Xung khí dĩ vi Hòa."


    Đạo là nguyên lý hỗn độn sơ khai của tiền thái cực. Từ lúc thái cực chào đời làm nên số 1. Từ một mới sinh ra 2, là trời và đất tức lưỡng nghi trụ hình. Từ 2 lại tiếp tục sinh ra 3, là nghĩa tam tài thiên, địa, nhân tọa vị. Từ ấy vạn vật mới bắt đầu hoàn thành. Nguyên lý tuần tự sinh sinh hóa hoá vạn vật là thế vốn không ngoài cái lý hỗn độn lúc nguyên sơ. Con đường vạn vật cần phải đi là con đường hòa hợp nguyên khí âm dương tự hữu đó, làm sao cho được trở thành duy nhất với nhau: tức là “xung khí”, được thế ắt sẽ hoàn thành sứ mệnh quay trở lại thiên khí hỗn độn ban đầu mà tròn cái lẽ đạo, ấy gọi là “dĩ vi hoà” vậy.
    Từ những quan điểm đạo lý trái chiều đó, xưa nay Nho, Lão luôn đứng về hai phía, như hai đường thẳng song hành, chẳng bao giờ có dịp gặp nhau để có thể ngồi xuống đàm phán, dung hoà hay bổ khuyết. Trong đời sự việc bao giờ cũng có hai mặt của nó, hễ có nóng thì có lạnh, có trái tất có phải, có đúng thì phải có sai. Việc mang mểnh chủ nghĩa phiến diện đi tầm chân lý thì khác nào tái hiện lần nữa hình ảnh rờ voi của những anh mù. Những hành động có tính chất ngụ ngôn đó có thể góp cho người tham khảo một tràng cười dí dỏm hay một sự xả tress tinh thần nào đó, chứ tài nào có thể đưa họ chạm chân vào mãnh đất chân lý diệu huyền - một mãnh đất mà trong đó nó chỉ chấp nhận sự toàn hảo. Ý nghĩa PGHH đến đây như đã đặt những bước chân ở cảnh giới cuối cùng của nó, sự hoàn mỹ được tìm thấy trong nghệ thuật kếp hợp và dung hoà giữa hai chữ Hoà Hảo đứng kề nhau. Hòa mà đứng gần với Hảo là Hòa mà không có cái bất Hoà, Hảo mà đứng gần với chữ Hòa là Hảo mà không có cái bất Hảo. Thật tuyệt làm sao khi hai danh từ Hòa Hảo như là một tấm kính phản chiếu đa chiều dẫu nằm ở vị trí nào chúng ta cũng thấu được nghĩa lý hoàn hảo. Nếu tiền tuyến là Hòa thì hậu phương nhất định phải Hảo, nếu tiền tuyến là Hảo thì hậu phương cũng lại nhất định Hòa. Trên dưới, trước sau hay phải trái trong ngoài đều là một đạo lý trọn vẹn khít khao không hề có chỗ sơ hở! Hòa Hảo ấy đã đạt đến cảnh giới vô vi bất nhị của Pháp môn, bao trùm và vượt lên cái Hữu và cái Vô của chữ Hoà trong Khổng, Lão. Đó chính là đỉnh cao đã vươn đến cứu cánh viên mãn của tầng thâm ý nghĩa danh từ Phật Giao Hoà Hảo trong sự kết tụ đa sắc, đa diện một bức tranh tuyệt mỹ của đạo lý: Hoà Hảo - Hảo Hoà!

    Cư si MAI THANH TUN
     

Chia sẻ trang này