Ý NGHĨA TỪ NGỮ “TRỔ SANH” - Gió Đồng

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 19/9/18.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    Ý NGHĨA TỪ NGỮ “TRỔ SANH”
    [​IMG]
    Cư sĩ PGHH Mai Thanh Tuấn

    Lật đọc những trang sấm thi Phật Giáo Hòa Hảo chúng ta sẽ thấy phưởng phất cái hương vị tươi mát, ngọt ngào của miền quê sông nước. Bởi Đức giáo chủ đã “Quyết dạy trần nên nói lời thường. Cho sanh chúng đời nay dễ biết.” Bằng vào những lời thi ca lục bát bình dị, chân quê, Ngài đã thổi vào đó những tinh yếu nhiệm mầu của đạo, để rồi qua đó giúp cho mọi tầng lớp nhân sinh, họ có thể lãnh ngộ được ý nghĩa Phật pháp một cách sâu sắc, dễ dàng và thực tế trong đời sống của họ. Phần tìm hiểu dưới đây sẽ là một luận cứ chứng minh cụ thể cho vấn đề không chút ngoa ngữ. Dù chỉ với vài từ ngữ trong hai câu thi thất ngôn đơn giản thôi, cũng đủ để chúng ta thán phục trước thánh tài siêu việt của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
    “ Ngày thắm thoát đông qua hạ chí,
    Bà trổ sanh thái tử đẹp tươi.”


    Hai câu thi được rút ra trong phẩm “Khuyến Thiện”, một trong sáu quyển giảng kệ của Ngài. Đoạn nầy là phần Ngài đang diễn tả về sự ra đời của Đức Phật, mở đầu cho nguyên nhân và sự có mặt của Phật giáo ngày nay.

    Từ khi Đức Ma Da hoàng hậu lâm thánh mộng thấy giáng lâm của Bạch Tượng sáu ngà, là điềm “có hỷ”! Lúc ấy là lúc đất trời mát mẻ, vườn ngự có trăng sáng hoa thơm, cỏ hoa vạn vật đang non nả vươn mình hứng lấy gió sương được hòa quyện trong cái tiết trời tươi mát, lành lạnh căng đầy nhựa sống và sự phát triển cho muôn loài giữa lúc thu phân. Dường như là sự vui mừng đón chào trong niềm tin tưởng thiêng liêng với những điềm báo lâm phàm kiết tường của đấng cứu thế. Rồi niềm vui cũng như hoa nở rộ tưng bừng giữa chốn hoàng cung, tháng ngày hỷ hạ dần trôi trong sự nô nức đón chờ vị vương... Hết thu rồi lại sang đông, đông qua, xuân tàn thì hạ đáo… Thế là, những gì tới rồi cũng tới, niềm vui lớn của nhân loại được kết thành, thái tử Sĩ Đạt Ta chào đời, đấng Như Lai của 30 năm sau xuất thế.”. Sự diễn tả một cách cô động, súc tích những năm tháng thái tử chào đời được gói ghém một cách đầy đủ qua hai câu thi là thế.

    Nhưng những thâm ý vi diệu vẫn chưa dừng lại ở đó, lời thơ như một dòng thác cuồn cuộn giữa chốn non cao, càng chảy càng mạnh, càng ban phát dòng nước tràn trề khắp ngõ ngách đồng quê. Hai câu thi là một dòng thác lớn. Từ ngữ 'thắm thoát' lột tả nên sự mau lẹ của thời gian như sự mong mỏi nôn nóng đang chảy mạnh trong lòng của những người chờ đợi, còn từ “đẹp tươi” diễn tả thật chân thật, nhẹ nhàng, không tô bóng hoa mỹ, cầu kỳ lên hảo tướng tự nhiên, tràn đầy khí phách thoát phàm của thái tử. Rồi chính những từ ngữ có mặt để tạo nên nhịp điệu và ý nghĩa của câu thi có sức mạnh truyền đi khắp nơi, nhằm báo tin cho sự có mặt của thái tử chính là một sự kiện vô cùng quan trọng được tiếp nối trong các từ 'bà trổ sanh' ở dưới. Mỗi từ ngữ trong hai câu thơ đều có nhiệm vụ riêng của nó, tất cả đều chung tay để làm thành một cách chu đáo cho sự chuẩn bị tiếp đón thái tử chào đời. Từng chữ, từng câu như bao ngọn đuốc đồng thời sáng lên, bừng tỏa muôn ánh hào quang lung linh, xoay ngược về chiếu sáng cho nguồn cội của nó.
    Từ ngữ “trổ sanh” là nguồn cội của các từ ngữ trong hai câu thi, mà tất cả các ý nghĩa đều được xuất phát và phải qui về như các vì sao đều phải chầu về ngôi bắc đẩu. Vốn là một từ ngữ rất đặc chất nôm mà Ngài khéo léo kết hợp để diễn tả một cách chính xác, tài tình sự kiện thái tử ra đời tại Lâm Tỳ Ni, vừa có thể chuyên chở tất cả những nghĩa lý từ cạn đến sâu về ý nghĩa lâm phàm của đấng cứu thế.

    Về mặt ngữ nghĩa, thì trổ là nở ra, còn sanh là sự sống. Một sự sống mới bắt đầu có mặt trong cuộc đời ví như một bông hoa được nở ra trên nhành cây của mẹ. Sự có mặt của thái tử ví như sự khai nở của một bông hoa. Hình ảnh đó đã thoát ly hoàn toàn tất cả những khổ đau hay nhơ uế của chu kỳ sinh sản. Bạn hãy nhìn xem những vẻ đẹp muôn màu của những bông hoa trong khu vườn bách hoa chi loại, rồi bạn sẽ thấy. Dù là bất cứ một loài hoa quý tiện nào, một cành hoa mẫu đơn hay một cành hoa hoang dại, dù cho mẹ nó có được nâng niu nuôi trồng trong chậu ngọc hay phải lây lất sống giữa nước đọng bùn lầy, thì với hoa một khi nở ra, hoa vẫn đẹp vẫn đủ màu tinh khiết. Điều đáng nói là ở chỗ nầy, cái hay tài tình khi Ngài diễn tả sự ra đời rất tinh khiết, thoát tục của thái tử là thế!
    Vả lại, hai từ “trổ sanh” còn có một nghĩa bóng là 'sanh ngang' chứ không phải hạ sanh như bao người thế gian bình thường khác. Theo truyện kể, trong lúc tùy hứng đưa tay bắt lấy vẻ đẹp tròn vình của cành Vô Ưu đang nở trên cây, cũng là lúc thái tử đã khai hong hoàng hậu chào đời. Mới ra đời liền cất đi bảy bước nở bảy hoa sen, một tay trỏ trời, một tay trỏ đất mà nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn, vô lượng sanh tử ư kim tận hỷ”. Thì nơi đây, từ ngữ “trổ sanh” của Ngài đã đạt đến đỉnh cao trong việc diễn tả thái tử chào đời quá ư chính xác và tài tình thán phục.

    Về mặt xuất thế, khi diễn tả “trổ sanh”, ngụ ý còn nói lên sự ra đời của Đức Phật cũng như hình ảnh của một 'hoa khai', trong đó thêm chứa đựng rất nhiều những đạo lý vô cùng thâm diệu.
    Trong dân gian “hoa” được dụ cho một nhân cách đạo hạnh tốt đẹp của con người 'hoa thơm nhờ nhị, người có giá trị nhờ đạo đức'. Bởi đạo đức chính là hương sắc của những cánh hoa thơm mà khi tỏa ra nó sẽ mang đến cho mọi người những hương vị ngọt ngào, an lạc đến bất tận “hương của trăm hoa thì bay theo chiều gió, hương của người đức hạnh sẽ tỏa khắp muôn phương”. Đức Thế Tôn là một cành hoa chúa trong cõi đời nầy, một khi đã “trổ sanh” thì muôn loài sẽ được ngập tràn trong hương thơm đạo đức!
    Trong đạo lý, ý nghĩa “trổ” hoa là ẩn dụ cho sự hội tụ một cơ duyên diệu kỳ. Bởi giữa thế gian có muôn ngàn kỳ hoa dị thảo, nhưng bất cứ loài nào cũng phải chờ đến đúng ngày tháng, hợp thời tiết mới kết nở hương hoa. Dĩ nhiên là có những loài hoa trổ sanh theo chu kỳ năm tháng, cũng có những loài hoa chỉ mong chờ vào sự hội tụ các yếu tố của thời tiết làm thành. Đức Phật ra đời là hình ảnh của cành hoa Ưu Đàm thiên thu mới nở, trong ấy lại cũng mang ý nghĩa của hai nguyên do tương đồng : một là lý do có sự khẳng định lựa chọn theo chu kỳ tháng năm, hai là lý do nguyên lý cơ duyên tự nhiên xuất hiện.

    Nếu thế gian người ta có thể lựa chọn cho sự trổ hoa theo quyết định chu kỳ, thì ở đây Bồ Tát Hộ Minh đã lựa chọn những nguyên do lâm phàm tất yếu:
    1.-Thời cơ đã đến chưa.
    2.- Nhân duyên của chúng sanh đã chín mùi chưa.
    3.- Nơi nào là trung tâm thế giới.
    4.- Dòng dõi nào quý thạnh.
    5.- Ai là người đáng bậc mẫu nghi.

    Biết thế chúng ta mới không lấy làm lạ khi các kinh sách kể chuyện lúc thái tử chào đời đã bước đi bảy bước trên bảy hoa sen, rồi đưa tay chỉ trời chỉ đất mà tuyên bố những câu nói cao siêu khó hiểu. Tất cả đều là những biểu hiện cho ý nghĩa đạo lý trong sự quán xét lựa chọn một cách tinh tường. Người ta nói: “Kỳ thánh nhân giả, động tinh tất hữu nguyên” (Các bậc thánh nhân từ việc động tịnh như đưa tay hay giở chân của các Ngài đều có nguyên do hết) là nghĩa như vậy.
    Về mặt ý nghĩa của chân lý tự nhiên, sách viết:“Phật chân pháp thân, do như hư không. Tùy vật hiện hình, như thủy trung nguyệt.” (Chân pháp thân của Phật, giống như hư không. Theo vật mà hiện hình, như trăng hiện trong nước). Cái tuyệt vời nhất là ở chỗ như trăng trong nước đó. Chân Như pháp thân Phật nào phải là một cái tướng đâu, nó không hề có sự động tịnh, đến đi hay qua lại. Sự có mặt của Ngài trong cõi thế gian chẳng qua là chỉ cái bóng (hóa thân) do nhân duyên hòa hợp với chúng sinh mà thành. Ví như ánh trăng bàng bạc trên khắp trăm ngàn nước sông, nơi nào có nước thì nơi đó có trăng, nơi nào không nước thì ánh trăng tự mất. Sự mất còn của bóng trăng đáy nước đó nào có ảnh hưởng gì đến ánh trăng vằng vặc giữa trời xanh vòi vọi ấy đâu. Để diễn tả một cách đúng đắn ý nghĩa vi diệu đó kinh sách đã dùng đến hai chữ thị hiện để nói lên sự có mặt của Phật vào đời. Chỗ nầy thêm một lần nữa, từ ngữ “trổ sanh” của Ngài đã chuyển tải cả một lý pháp thị hiện vô cùng tuyệt diệu!
    Nhìn vào những cành hoa đang khoe sắc mượt mà trên khắp nhành cây, chúng ta sẽ thấu ngộ được điều gì ở hiện tượng trổ hoa nhiệm mầu đó? Phải chăng những cánh hoa trắng đỏ vàng tím ấy đang ẩn núp chỗ nào đó trong cây? Nó là sở thuộc của cây hay không phải là sở thuộc? Nếu câu trả lời là phải thì ngay lúc chưa ra hoa, nó đang ở chỗ nào? Bằng như không phải thì từ đâu lại có những cành hoa thơm lạ đẹp mầu đến thế? Những câu hỏi bí hiểm mang đậm tính chất khai ngộ của thiền, khi tìm được câu trả lời sẽ cho ta thấy rõ Pháp tánh Chân Như từ trong việc “trổ” hoa mầu nhiệm đó.
    “Trong chất ướt luôn luôn có nước
    Trong nhành cây có chất bông hoa.
    Trong giả thân của kiếp người ta
    Có thân thật rán mà tìm kiếm.

    (Thanh Sĩ)
    Với Ngài Mãn Giác, điều ấy còn được diễn tả một cách duyên dáng, sâu sắc qua một tầm nhìn thẩm thấu tới cành mai xuân đang rực nở trước sân:
    “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua, sân trước một cành mai”.

    Bởi trong cây chất hoa là sẵn có, đừng nghĩ rằng khi cánh hoa kia tàn là bông hoa đã mất, chất hoa vẫn còn đó rất đầy đủ và nguyên vẹn đang cuồn cuộn chảy từng giờ phút không ngừng nghỉ trong cây, cũng như trong cõi thế gian nầy Pháp thân Phật lúc nào cũng hiện hữu. Pháp thân đó đang từng giờ khắc hiện diện khắp nơi, nó luôn đồng hành và hằng hữu trong tất cả vạn vật, trong từng gió thổi lá lay, trong từng nhành cây ngọn cỏ, trong mọi sự sinh hoạt động dụng, và trong tâm hồn của tất cả mỗi người chúng ta: “Thanh thanh thúy trúc, tận thị Pháp thân. Uất uất huỳnh hoa, vô phi Bát Nhã.” (Xa xa ở đám trúc xanh kia, nơi nào mà không có Pháp thân. Khuất khuất nơi đám hoa vàng kia, chỗ nào mà không có Bát Nhã).
    Từ ý nghĩa vi diệu đó, cho nên trong Đạo Phật hoa đã được sử dụng rất nhiều để chỉ cho Phật trí và Phật tính chân như. Đọc các từ ngữ “liên hoa hiệp chưởng” hay “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” chúng ta sẽ thấy được những nghĩa lý sâu mầu đó. Một người biết chấp tay hình hoa sen nơi ngực mình là người ấy đã bắt đầu biết đánh thức Phật tính trong tâm. Con đường còn lại của hành giả là phải sống được trọn vẹn với Phật tính vốn hữu đó.
    “Trong đạo Phật quá nên huyền bí
    Chỗ tâm thần tọa vị nơi thân”.


    Tuy nhiên, không phải dễ để được “phản bổn hoàn nguyên” khi lòng phàm còn đầy rẫy những nghiệp trần che lấp. Muốn dẹp tan đám mây mù vô minh cho trời tâm trong sáng, tất nhiên hành giả phải nhờ đến phương tiện pháp tu, là những pháp môn mà Đức Phật đã chỉ bày tường tận rất nhiều nơi kho tàng giáo pháp. Phá tan ngũ uẩn cho Phật tánh hiển bày cũng là một trong những cách công phu được nhắc nhở cho ta qua ý nghĩa lễ bái hằng ngày. Khi lễ Phật thì năm vóc mình đều gieo sát đất, đó là ý nghĩa khi ngũ uẩn bị đập tan, và lúc ấy là lúc Phật trí sẽ hiển bày khi đôi bàn tay búp sen của hành giả xòe ra, tức là lúc “hoa khai kiến Phật”.

    Vậy là, Đức Phật ra đời không ngoài mục đích giác ngộ chúng sinh, Ngài tuyên thuyết Phật pháp là để vun bón cho ngàn hoa Phật tính của chúng sinh được kết khai thành tựu: “Phật vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế, khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật.” Ngài là người đã hoàn mãn rồi hành trình giác ngộ như một cành hoa đã trổ sanh, còn chúng sinh cũng là những bông hoa đã nhuận thấm pháp hương, nếu khi thời gian của hành trình tu niệm chín mùi cũng là lúc Phật hoa của chúng ta được “trổ sanh” như vậy. “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, chắc chắn là một câu tuyên bố về chân lý bất dịch bất di.

    Tóm lại, chỉ với từ ngữ “trổ sanh”, Đức Thầy đã diễn tả tuyệt vời về sự kiện hy hữu của ngày Phật đản, ẩn chứa trong đó là những nghĩa lý thâm thúy về cơ duyên và mục đích tối yếu mà Đức Phật lâm phàm, về ý nghĩa của sự thị hiện Pháp Thân. Và còn qua đó, Ngài còn có dịp vẽ nên một nét chấm phá mới bằng bút pháp tân kỳ độc đáo cho làng văn Phật giáo soi chung.

    M
    ùa Đản Sanh 2015
    C
    ư sĩ PGHH Mai Thanh Tuấn
     

Chia sẻ trang này