ý nghĩa học phật tu nhân. -

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Hhuynh, 21/9/18.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    Ý NGHĨA HỌC PHẬT TU NHÂN


    [​IMG]
    Gió Đồng

    “Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ Học Phật Tu Nhân vậy.”
    Câu nói trên được trích dẫn từ quyển Tôn Chỉ Hành Đạo của Đức Thầy, một quyển Sấm Kinh nồng cốt toát yếu chỉ dẫn về phương pháp tu, bao gồm các nghi thức thờ phượng, lễ bái và sự hành trì giới luật. Pháp môn Học Phật Tu Nhân cũng từ đó hình thành, đồng thời hướng dẫn cụ thể, rành mạch về con đường hành đạo. Tư tưởng đạo pháp cấp tiến, mới mẻ đầy sáng tạo, đã được Đức Thầy tô điểm và nấu lọc thành phẩm một pháp tu khác riêng, vừa mang tính đặc trưng của Phật Giáo Hòa Hảo. Tinh thần tích cực dấn thân là chủ đích nồng cốt thúc đẩy sự hình thành một hệ thống sinh hoạt Tôn giáo thời đại, vừa thực tế, mới mẻ vừa gần gũi đời sống nhân sinh. Sự vinh quang sẽ được tìm thấy giữa cuộc đời khổ lụy, trong bể trần khói lửa điêu linh, nước mắt và tang thương, đắng cay và giông tố, như một đóa sen mọc lên giữa nước đọng bùn lầy, đạo hạnh đích thực cần được khảo nghiệm một cuộc nhồi nắn và nung nấu mà lớn lên từ trăm ngàn thử thách. Tráng chí hùng tâm phải được nuôi dưỡng từng ngày. Con đường thực nghiệm từ bi tất nhiên phải là kết quả của một hành trình dấn thân cứu khổ và một tâm hồn hi sinh vĩ đại. Pháp môn Học Phật Tu Nhân ra đời để đáp ứng thỏa đáng nhu cầu đạo hạnh quan thiết đó, nó trực tiếp cung cấp nguồn sinh lực và ý chí tiến thủ không ngừng, đồng thời ra tay mở màn một chiến dịch xông pha, đưa hành giả đối đầu, chạm trán để hoá giải những khổ đau, phiền não.

    Về mặt ngữ nghĩa: Học là bắt chước và làm theo, Tu là trau sửa, Phật là đấng giác ngộ, Nhân là con người tức là chúng sinh và mình. Bốn chữ cụm từ ấy vốn hiển bày một phương pháp tu tập hoàn thiện, nó vừa hội đủ tính chất đạo pháp và triết lý, bằng vào nhân quả nghiêm minh, nó vừa cọ sát thực tế một cách sống động, tài tình. Ngoài việc tạo ra sự kết nối kỳ diệu giữa con người với con người, cũng như sự tương giao kỳ diệu giữa tâm hồn hành giả với muôn cảnh vạn duyên, nó còn vạch ra một chương trình tu tập cao tay đầy tính logic và khoa học. Dĩ nhiên khi đánh dấu cuộc đời tu hành là ta đã mở ra cho mình một ý nghĩa giác ngộ, sự hồi tâm chuyển ý đồng nghĩa với sự chân thành đãnh lễ qui y. Nơi đây thuật ngữ “Học Phật” đã kịp thời ghi lại những hình ảnh kỷ niệm tu hành đầu đời một cách trọn vẹn, đẹp đẽ, ngọt ngào, đầy ấn tượng. Ngày ấy, khi sự giác ngộ phôi thai và ta đã tìm đến trước Phật, trong ánh mắt của ta Ngài thánh thiện hơn cả sự tuyệt vời. Qui y Ngài là để ta có dịp học tập những đức tính cao thượng đó, nhằm thăng hoá tâm linh. Cũng như người tìm học những ngành nghề thế gian, một người qui y “Học Phật” cốt nhiên là để mưu cầu “nghề làm Phật”. Tính logic của thuật ngữ “Học Phật” chính nằm ở chỗ đó, nó mặc định một nguyên lý nhân quả cố tình. Con đường “học nghề Phật” dĩ nhiên còn dài và đòi hỏi nhiều nổ lực, mọi đào tạo và đầu tư đều qui hướng vào giá trị nhân bản làm nền tảng tu hành. Chúng ta, cần phải làm một điều gì đó để kịp thời cải hoá, tu luyện và nâng cấp cho ý nghĩa đạo hạnh thăng hoa:
    "Xác trần-tục như cây cạnh khến,
    Làm hiền hoài ắt phải tiêu mòn.
    Đẽo với bào riết nó cũng tròn,
    Đến chừng đó trông vào rất tốt."

    (Giác Mê Tâm Kệ)

    Bắt đầu từ đấy, ý nghĩa “Tu Nhân” đã thực sự vào cuộc, một khi bắt tay thực hành nó hối thúc hành giả gội rửa thân tâm một cách nghiêm cẩn, nhiệt tình, nhằm thúc đẩy tiến trình “học cách làm Phật” tiến hoá một cách nhanh chóng. Sự thúc liễm, tinh chuyên chính là những chất liệu cần thiết để tạo nên sự thành công đạo hạnh tuyệt vời. Như một thợ gỗ khéo tay, trách nhiệm của hành giả “Tu Nhân” là trách nhiệm ngiem xet và tận trừ chướng nghiệp, làm sao khi giữa những bộn bề ngổn ngang cuộc sống ta có thể dập tắt ngọn lửa não phiền. Trách nhiệm báo đáp Tứ Ân, trì hành thập thiện diệt trừ tam nghiệp, thực hành Bát Chánh đạo... là những pháp tu tất yếu được thiết lập và sẵn dành cho hành giả từ hệ thống giáo lý Học Phật Tu Nhân:
    “Muốn làm tròn Nhân-Đạo, phải giữ vẹn tứ ân. Nhưng trước hết hãy tránh Tam-nghiệp và chừa Thập-ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.”
    (Q.6: Luận Về Tam Nghiệp)

    “Trừ xong ba nghiệp chướng, hãy làm theo tám điều chánh, và sau khi diệt được thập ác rồi, tự nhiên mười điều lành hiện ra; như thế ta đã đi thêm được một bước trên con đường Đạo-hạnh. Nhưng sự tấn-bộ ấy không có nghĩa là đạt được mục-đích. Thế nên, cần phải hành luôn Đạo Bát-Chánh tiếp theo, vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê-đồ, tấn-triển trên đường Giải-Thoát.”
    (Q.6: Luận Về Bát Chánh)

    Những pháp muôn thuần tuý giải thoát được rút ra từ giáo lý Đức Thế Tôn. Có lẽ sự có mặt của giáo thuyết Tứ Ân, thêm vào đó là sự hướng dẫn cách thức tu trì tưởng chừng như quá dễ dàng “Tu đầu tóc không cần phải cạo. Miễn cho rồi cái đạo làm người, đã không ít nhà nghiên cứu lầm tưởng rằng ý nghĩa “Tu Nhân” chỉ là một điểm dừng chân trên bờ nhân đạo, chân trời giải thoát vẫn còn ở khoảng cách khá xa đang cất tiếng gọi mời, muốn đến hành giả cần phải tiếp tục tu tập các pháp môn siêu việt nào hơn trong chương trình “Học Phật”. Sự khập khiễng lý luận ở đây chúng ta không đề cập đến. Điều chúng ta muốn chứng minh rằng, trong Phật lý ngũ thừa mỗi pháp tu đều có một sở đắc riêng, như việc mình bỏ tiền ra mua một sản phẩm, món hàng có được tất nhiên sẽ tuỳ thuộc vào giá cả túi tiền, không ai bắt buộc ta phải mua từng thứ một từ nhỏ đến lớn, ai tu thừa nào thì đắc quả thừa đó, không bắt buộc tu tập xong nhân thừa rồi mới tiến lên các đại thừa. Ý nghĩa đó hoàn toàn bất hợp lý và không bao giờ có kết cuộc, vừa trái ngược tinh thần giáo môn, bởi vì lý tưởng “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” là pháp hạnh hàng bồ tát đạo, hàng “tam qui ngũ giới” hoàn toàn không có cơ ngơi tá túc vào.

    Cho nên chữ Nhân trong Tu Nhân của pháp môn Học Phật Tu Nhân phải được hiểu là ý nghĩa của một con người, một đối tượng tu trì mà tất cả các đạo vị đều được qui thú về ấy, cũng bắt nguồn từ ấy sản sinh ra. Một đạo lý thực tế nghịch lý là một điểm nhấn kỳ thú trong pháp môn Học Phật Tu Nhân mà chúng ta cần đem ra bàn thảo - nói theo cách của một nhà vật lý đó là một sự vận hành của định luật nguyên động lực và phản động lực tương sinh. Để có thể cho một vật thể tiến về phía trước càng xa, càng đòi hỏi một lực đẩy ra sau càng mạnh. Cũng vậy, ý nghĩa của đạo lý muốn làm Phật, thực tế là sự đòi hỏi hoàn bị nhân cách, tâm hồn, cũng như trí tuệ của một con người. Học Phật hay là tu Phật không có nghĩa là ngoảnh mặt chạy trốn thế gian, thiền định thực sự phải được tìm thấy giữa những thiên phong vạn khởi. Giữa hai nẻo đường đời và đạo, giải thoát và tục trần... giáo pháp sẽ được thực hiện bằng một con đường sáng tỏ, dung hoà vì chân lý là bình đẳng và nhất như. Đức Phật, đơn giản, không có gì khác lạ là ý nghĩa của một người giác ngộ, vì Ngài đã đi nốt con đường hoàn mỹ đến thánh thiện tự thân, nguồn tâm linh cũng được phát huy đến mức độ tuyệt đỉnh. Cho nên ta nói Học Phật Tu Nhân đích thực là Học Phật Tu Phật. Đức Phật từ bi cao cả đến tuyệt vời, Ngài không cần gì ở ta. Trước Ngài ta không thể bộc lộ tánh xấu gì để trau sửa. Càng muốn thành Phật ta càng phải quay về và tu tập gần gũi hơn với con người. Việc tách bỏ nhân quần riêng ra khỏi thế giới tu hành là việc cuốn bỏ những giàn hoa xinh xắn, đưa đạo hạnh và những công đức tu hành đi vào ngõ cụt, ảo hư:
    “Đời không đạo đời vô liêm sỉ
    Đạo không đời đạo biết dạy ai.

    Hay như:
    “Đời đạo liên quan rạng chói ngời.”

    Khi vua Thánh Tông lên non cầu đạo, Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo rằng:
    “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm, tim tịch nhi tri, thị danh chân Phật. Kim bệ hạ nhược ngộ thử tâm đắc lập địa thành Phật, vô khổ ngoài cầu.” (Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lặng lòng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay bệ hai nếu ngộ được tâm ấy thì lập tức thành Phật, không phải nhọc lòng tìm kiếm bên ngoài.)

    Ý nghĩa giác ngộ tự tâm có thể thực thi trong mọi hoàn cảnh. Sự bất phân ly giữa đạo và đời, tinh thần tích cực nhập thế hay nói cách khác là việc đem đạo vào đời, hành trì đạo hạnh tại đời, hơn bao giờ hết, một lần nữa pháp môn Học Phật Tu Nhan trân trọng nêu cao tinh thần thượng thủ. Nó chấp nhận đứng ra làm tiền phong để cổ xuý tinh thần hợp nhất đạo đời, xoá bỏ mọi ranh giới và khoảng cách lạnh lùng lâu nay của những tâm hồn khô khan cố ý lánh thân trần thế. Tiền đề của nó đủ sức để vạch ra mục tiêu chung nhất cho tất cả hành trình. Cho dù chúng ta có tu trì bất cứ pháp môn nào, cao thấp hoặc cạn sâu, thì cứu cánh vẫn là điểm đến chung trong ngôi nhà Phật quả. Các chư bồ tát vì muốn sớm thành tựu bồ đề nên cũng ráo riết thực hành tế chúng, lòng từ bi tích cực không cho phép các ngài dửng dưng đứng ngó trước sinh linh đang khổ nàn. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đã bao đời trú ngụ nơi địa ngục, Quan Thế Âm không ngừng ứng hiện đến nghìn mắt nghìn tay... tất cả hàng đại thừa đều mang lòng cứu chúng.
    “Duy hành bồ tát hạnh giả đắc thành Phật
    Kỳ tu độc thiện kỳ thân vĩnh vô thành Phật.”

    (Chỉ hành hạnh bồ tát, mới đắc quả như lai
    Nếu lòng lành ích kỷ, ắt khó bề thành Phật.)

    Thế giới hiện đại có quá nhiều màu sắc. Sự trốn chạy hoặc ruồng bỏ cuộc đời đồng nghĩa với việc tụt hậu. Đạo Phật có một về dày lịch sử chính nhờ ở tính chất thích ứng đó, dù ở trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, dân tộc hay thời đại nào, giáo lý đạo Phật cũng tự uốn mình hoà nhập tồn tại. Nó có thể thích nghi và chuyển hoá mọi hướng đi về điểm cứu cánh của mình. PGHH với pháp môn Học Phật Tu Nhân đã mở đầu một cuộc hiện đại hóa pháp môn và hiện đại hoá Tôn giáo một cách mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Nó chủ trương một phương thức cách tân thời đại nhằm đem đến sự thích nghi cuộc sống, mà theo đó người hành trì pháp môn ấy có thể thực tế đứng giữa đời để tìm lấy những giá trị giải thoát, những ý nghĩa của Niết Bàn. Nó không nài ép bất cứ sự “cắt tóc ly gia” nào hoặc phụng sự bất kỳ một tư tưởng yếm thế bi quan nào mà nông nổi yếu lòng dành cho chủ nghĩa thụ động một chỗ đứng khiên cưỡng.

    Tư tưởng nầy đích thực là một tư tưởng đạo pháp cấp thiết, nó hoàn toàn không phải là một “dị nhân” cố tình làm cho nền Phật pháp bị biến dạng đi. Trái lại nó còn tích cực giúp cho giáo lý giải thoát Phật đà thực thi mọi khả năng “khế cơ” một cách tuyệt đối. Dấp dáng của sự hành đạo tại đời, trong đời đâu đó từ trước đã từng xuất hiện thấp thoáng trong những trang kinh, trong những cuộc đời cũng như lời dạy bảo của chư sư tổ. Từ những Ngài Bá Trượng “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, Đức Lục Tổ Huệ Năng “nếu muốn tu hành, ở nhà cũng đặng, chẳng cần vào chùa...”, hoặc hình ảnh đời thường của Phật tử Bồ Tát Duy Ma, hoặc Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ... đã cho ta thấy tinh thần giải thoát thực thi trên mọi hình thức trong giáo pháp của Phật. Thời nay là một thời kỳ chiếm lĩnh của những trí thức, thực tế đầy tư duy, sự khoa học đòi hỏi ở tính cách bình đẳng tuyệt đối giữa người và người, pháp tu phải thực sự lợi lạc không những chỉ dành riêng hàng tu sĩ mà ngay đến các hàng cư sĩ và thậm chí đến mọi tầng lớp dân sinh dù là người có đạo hay chưa qui y đạo. Pháp môn Học Phật Tu Nhân có mặt nơi đây chính là ý nghĩa đạo Phật dành cho cuộc đời. Chỉ khi nào Phật pháp trở thành tài sản chung của tất cả chúng sinh, chừng đó nó mới triệt để hoàn thành sứ mạng cứu đời của nó.

    Giáo pháp Thiền Tông đặc thù nghiêm khắc về đường vào tự tánh, nhưng kết quả cuối cùng cũng là hình ảnh mục đồng “thỏng tay vào chợ” rong chơi. Ai có ngờ đâu, suốt những tháng năm xuất ly trần thế, chết sống với tự tâm, con đường cứu cánh bỗng trở lại điểm đầu xuất phát. Chân lý được tìm thấy là việc Hương Nghiêm rũ bỏ kinh sách, sống đời giản dị của “bình thường tâm thị đạo” thuở nào. Đức Gotama sau những năm tháng lặn lội tuyết sương, chân lý mà Ngài tìm ra chính là lẽ thật của tự tính. Lẽ thật đó cũng chính là lẽ thật của mỗi người, nó đang tồn tại dưới dạng tìm ẩn sau lớp vô minh. Tên nó là Phật tính và cũng là tự nhiên tính, xưa nay chưa từng bị đổi thay sinh diệt. Con đường quay tìm sự thật nầy cực kỳ đơn giản là việc nhận ra chính ta, chấp nhận và sống lại với tự thể vốn hữu, mầu nhiệm. Pháp muôn Học Phật Tu Nhân là con đường tu tập giúp ta trực tiếp quay về bản thể đó, đừng cố gắng đi tìm nó sẽ càng bị rời xa. Nó không cần bất cứ một môi giới trung gian nào, mà ngay bây giờ, tại đây ở ngay chính con người nầy, quả tim buồng phổi chúng ta đang hoạt động. Bộ máy tư duy giúp ta ý thức được chủ thể nhân thân đang tồn tại trong mình. Ở giữa cõi thế vô thường bỗng nhiên ta tìm thấy chân lý. Chân lý đó không rời xa con người, nó luôn hiện hữu trong từng nếp tư tưởng, từng lối nghĩ suy, từng tiếng nói tiếng cười, trong mọi sinh hoạt động dụng được giàn trải thiền định một cách tỏ rỏ, sâu xa. Cách sống đó được gọi là cách sống thiền hay là cách sống đạo.
    Cư trần mạc đạo thả tuỳ duyên
    Cơ tất xan hề khốn tất miên.
    Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
    Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

    (Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
    Khát uống đói ăn mệt ngủ liền.
    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
    Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.)

    Có lần, ông khách hỏi quốc sư Huệ Trung:
    - Chẳng hay ba mươi năm trên núi, Ngài đã làm gì?
    - Ta đói ăn, khát uống, buồn ngủ.
    Người khách cười:
    - Cứ gì mấy việc tầm thường đó, ở đây có ai không làm được.
    Ngài bèn đáp:
    - Tất nhiên là không giống nhau. Thế nhân khi đói chẳng chịu ăn, đòi trăm cao lương mỹ vị; khi khát chẳng chịu uống; đòi trăm thứ ngon ngọt để dùng; khi mệt chẳng chịu ngủ, còn vắt tay tính toan đủ thứ. Còn ta đói đến thời ăn, khát đến thời uống, mọi thứ ngon dỡ đều như thế thôi, mệt thì duỗi cẳng thanh nhàn mà ngủ.

    Một đạo lý tuy đơn giản nhưng nó thể hiện một cách sống thiền lý thú, tuyệt vời. Một người khi đã liễu ngộ tự tâm, thì khắp nơi đâu không là thiền là đạo. Ý Tổ Sư bày hiện trên khắp cả động dụng sinh hoạt hằng ngày, trong tất cả sự giao thoa giữa người và cảnh vật, tự tính muôn pháp được hiển lộ một cách tự nhiên, rõ ràng. Tuyệt vời, ở đây pháp môn Học Phật Tu Nhân đã biểu hiện một trí tuệ thâm sâu đáo để. Chính nó là một đạo lý tu tập mang tính chất sống thiền. Bởi vì Học Phật ngoài ý nghĩa là học ở Đức Thế Tôn, nó còn mang ý nghĩa hướng người tìm về bản giác; còn Tu Nhân, chính là “thõng tay vào chợ” để sống, để cười. Ở trong tất cả sự có mặt của thế giới con người đó, hành giả đã được cái gọi là “bất biến tuỳ duyên” và “tuỳ duyên bất biến”, tự tại tràn trề. Ấy mới là đỉnh cao của nghệ thuật tam muội, là con đường đưa tới sự dung hội tánh tướng bình đẳng của pháp môn Học Phật Tu Nhân. Đạo pháp ứng dụng bỗng nhiên hoá màu vi diệu: Trong Học Phật vốn có Tu Nhân, trong Tu Nhân tràn đầy bản giác Học Phật; trong Nhân có Phật, cũng như trong Phật có Nhân. Nước chảy róc rách, hoa trôi lững lờ, bóng nhạn chao nghiêng, mây chiều lãng đãng... trong giáo pháp nhiệm mầu, vạn pháp đều hiển hiện đầy đủ, rõ ràng, viên mãn dưới ánh nhìn tuệ chiếu của con đường Học Phật Tu Nhân.
    "Chừng ấy mới tinh vô nhất vật
    Bụi hồng trần rứt sạch cửa không.
    Chuông linh ngân tiếng đại đồng
    Ta bà thế giới sắc không một màu."

    Cư sĩ Gió Đồng
     

Chia sẻ trang này