ĐÙA CHƠI VỚI “BÓNG MA”! Nguyễn Thị Bảo Pháp

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi Ngoctruc, 21/1/16.

  1. Ngoctruc

    Ngoctruc Member


    ĐÙA CHƠI VỚI “BÓNG MA”!
    Nguyễn Thị Bảo Pháp

    Gởi Anh chàng: ThaimaTung@gmail.com.

    Thực tình thì lão nương này không biết anh là ai, nhưng vì anh đã tự xưng mình là người tín đồ PGHH, nên lão có thể xem anh như là một bóng ma, như là một ảo ảnh, bởi không một người tín đồ PGHH nào lại có những ý tưởng quái đản như anh vậy. Lão nương ta không phải là người hay sợ ma, nên phải hô toáng lên khi có một bóng dáng ẩn hiện nào đó mưu toan hù doạ! Nhưng Lão nương ta cũng thể nào dửng dưng trước các thái độ lộng hành quái quỷ, của bất kỳ ai muốn phá vỡ sự yên bình của những người tu tập, muốn kích động sự rẽ chia, từ khối đoàn kết gắn bó keo sơn, trong cộng đồng PGHH!

    Lão nương ta cũng có lúc tự hỏi mình như thế, những điều phân bua của các đồng đạo có xúc phạm đến ngài Đại Đức Thích Phước Tiến không? Nhưng đó là những điều tự hỏi của người biết tu tập, của người biết uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, chứ mình không thể lấy ngay ý tưởng ấy để làm tiêu đề cho một bài viết được, cho dù nó là một bức thư “THÂN GỞI CÁC TÍN HỮU PGHH VỀ VIỆC XÚC PHẠM THÍCH PHƯỚC TIẾN”. Với cái tựa đề như thế,ngụ ý của anh Ma Tung muốn nói cái gì, nếu không ngoài ý là khi không anh em tín hữu PGHH xúc phạm đến Thích Phước Tiến? Anh cũng biết, không dưng thì ai xúc phạm đến mình, phải có một cái gì ấy tuỳ vào mức độ nặng nhẹ mà sanh ra sự phản kháng nhẹ nặng khác nhau, quả bóng không tự dưng nẩy lên được mà phải có một sự tác động nào đó chứ? Đúng ra anh Ma Tung phải ghi cho đúng đề tựa là: “THÂN GỞI CÁC TÍN HỮU PGHH VỀ VIỆC THÍCH PHƯỚC TIẾN XÚC PHẠM” mới là đúng, mới là khách quan!

    Lão nương ta, không bênh vực cho ai mà chỉ muốn nêu lên cái lợi ích chung cho những người đang tu tập thấy, còn thực hành hay không thì tuỳ!

    Trong phần biện giải 1 của anh Ma Tung nói rằng: “Nhà sư kia khẳng định đạo Hòa Hảo(?) không phải Phật giáo. Nhất là Phật giáo Việt Nam ”! Thường thì, khi mình mở lời can gián ai đó là một điều tốt, nhưng lời ấy phải là lời chân chính, chứ không phải là lời sai trái và nó không hề mang theo một dụng tâm nguỵ biện nào. Lời đúc kết lại của anh Ma Tung là sai trật, bởi Thích Phước Tiến không nói như vậy. Mở đầu Thích 2aPhước Tiến nói:“Xin thưa các vị Hòa Hảo là chuyện của Hòa Hảo, Phật giáo là chuyện của Phật giáo…” Điều này thì Thích Phước Tiến nói đúng trên tinh thần của kẻ bàng quang, nước sông không phạm nước giếng, nhưng lại không đúng với tinh thần của Như Lai, bởi một vị hoá chúng, phải ngồi toà Như Lai, mặc áo Như Lai, một khi đã ngồi toà Như Lai, đã mặc áo Như Lai thì tất cả mọi chúng sanh đều như nhau, không phân biệt áo bà ba hay áo cà sa, pháp vốn là vô pháp.Chẳng phải trước lúc nhập diệt Như Lai đã từng dạy: Pháp pháp bổn vô pháp, Vô pháp pháp, diệt pháp. Kim phú vô pháp thời, Pháp pháp hà tằng pháp. Đó hay sao? Cho nên một nhà sư đi hoằng pháp mà dạy chúng như Thích Phước Tiến là không đúng với tư cách sứ giả của Như Lai! Tại sao PGHH lại không liên quan gì đến Phật giáo? Thích Phước Tiến và Ma Tung nên nhớ Phật giáo mà mọi người thường nói và luôn gắn liền trước hai chữ Hoà Hảo là Tôn chỉ, là tinh tuý, là cốt lõi của một nền giáo pháp xuất hiện cách đây gần 3000 năm trên đất nước Ấn Độ…Phật giáo liền trước hai chữ Hòa Hảo không phải lấy từ danh xưng của Phật giáo Việt Nam, vì vậy không ai có quyền phê phán PGHH có liên hệ hay không đối với Phật giáo Việt Nam!

    Đã vậy, Thích Phước Tiến còn kết luận: “… Vì vậy,đây là vấn đề gọi những tôn giáo có mặt trong giai đoạn của thế kỷ 20 trên Việt Nam, chớ không mang cái nghĩa của một giáo chủ nào trên thế giới của những người như Đức Phật, hay là các vị như Khổng Tử hay thậm chí kể cả Thiên Chúa… thì ở đây họ không có được những cái điều mang tính cách lịch sử như vậy, mà điều đây là do một người nào đó đứng ra tổ chức và tập hợp lại những cái gì trước đó cảm thấy có lợi ích, có ý nghĩa… họ bổ xung vào trong họ. Nó thuộc về cái dạng tổng hợp để trở nên cái mới trong chính họ mà thôi. Thật sự nói mới mà không mới gì cả. Bởi vì cái đó qua quá trình truyền thống, qua tín ngưỡng,qua học thuyết…nó đã có trải dài hàng ngàn năm rồi, họ là những cái tập hợp nhất thời trong một cái để rồi gắn một cái tên mới mà thôi.A Di Đà Phật…”.Nhắc lại lời giáo chúng của Thích phước Tiến, xin hỏi anh Ma Tung;người pháp sư này đang dạy hàng Phật tử điều gì vậy? Nếu không phải là những điều kỳ thị và mạc thị! Tại sao không mang cái nghĩa của một giáo chủ nào trên thế giới? tất cả những người tín đồ PGHH, kể cả anh nữa Ma Tung (nếu thật sự anh là người tín đồ PGHH) đều xem mình là đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca! Bất luận anh đang ở vị thế nào, uy quyền anh bao lớn, trên cả hai mặt lý, tình thì quan điểm ấy của người PGHH đều không sai; bởi vì Đức Phật là bậc y vương, pháp phật là phương thuốc cấp phát miễn phí (pháp thí) cho mọi chúng sanh, kẻ nào ý thức được mình lâm bệnh đều được quyền dùng các phương trị liệu ấy, mà không một ai cho dù anh có là pháp sư cũng không có quyền ngăn cấm! Nếu người dùng thuốc cảm thấy có thuyên giảm và quyết định theo người thầy ấy, thì ai là người có quyền cho là phải với không phải! Bởi vì Đức Phật cũng là bậc Đạo Sư, chính Đức Phật đã nói những lời sau cùng trước khi nhập Niết Bàn: “Này Ananda, có Niết Bàn, có con đường đưa tới Niết Bàn, có Như Lai là người chỉ đường. Nhưng trong các đệ tử được nghe Như Lai thuyết giảng chỉ một số chứng đắc cứu cánh, một số khác thì không! Như Lai không làm gì hơn được! Như Lai chỉ là người chỉ đường…” Đức Phật không hề phân biệt những ai mới có quyền đi theo con đường của Ngài đã chỉ,vậy, nếu có ai đó có những động thái ngăn cấm, phân biệt là không đúng với yếu chỉ của Thế Tôn. Vả lại, nếu Ma Tung anh là người tín đồ PGHH thì anh cũng từng nghe và hiểu biết là Đức Huỳnh Giáo Chủ từng khẳng định:
    Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,
    Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca.

    Hay là:
    Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh,
    Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.


    Phật xưa là ai vậy Ma Tung? Phật xưa là Đức Phật chỉ có ba y, một bình bát, không có tài khoản trong ngân hàng… người PGHH luôn luôn tự hào được phụng hành ông Phật xưa, ngày nay hình như không còn ông Phật xưa ấy nữa, nên có lẽ Thích Phước Tiến khỏi sợ mất phần, khỏi phải sân si khinh bạc. Lão nương này chỉ nói tới những điều mà chúng ta sờ đụng được, chứ chưa nói đến những điều thiêng liêng huyền nhiệm khác, vì lão nương ta có nói thì Ma Tung anh chưa chắc tin và hiểu được!

    Trong phần biện giải 2, Ma Tung anh nhắc đến khái niệm cách dùng từ tĩnh lược trong văn nói, thì Ma tung anh chỉ nói đúng một phần nhỏ mà thôi; khi nói người ta không thể tĩnh lược nhiều vấn đề không thể tĩnh lược trong một thời điểm nào đó; như trước 1975 anh không thể tĩnh lược danh xưng Việt Nam để chỉ cho những người đang sinh sống trên dãi đất hình chữ S được, mà phải gọi cho chính danh là Việt Nam Cộng Hoà hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Anh cũng không thể tĩnh lược danh xưng Phật giáo để chỉ cho những người tu tập theo cùng giáo pháp của Đức Phật ở cõi thế gian nầy mà phải phân định là Phật Giáo Việt Nam, Phật giáo Nhật Bản, Phật Giáo Trung Hoa… hay phải nói cho đúng là Phật giáo Nam Tông hay Phật giáo Bắc Tông. Riêng danh xưng Phật Giáo Hòa Hảo là một danh xưng vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính pháp nhân nên không thể giản lược tách rời Phật giáo ra khỏi Hòa Hảo hoặc Hòa Hảo ra khỏi Phật Giáo được. Bởi vì, trước hết PGHH vừa chỉ cho nền tảng Giáo pháp Phật giáo được làm “mới” lại tại làng Hòa Hảo vừa đề cao căn bản tính HOÀ HẢO trong Phật Giáo. Hơn nữa, ngay trong phần Biểu tượng Tôn Thờ Tam Bảo, từ tấm vải màu ĐỎ chuyển qua tấm vải màu DÀ là nhằm phủ nhận những việc làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật do nhiều kẻ tự xưng Hoà Hảo gây ra! Cũng cần nhắc lại, đại danh từ Phật Giáo không phải là của riêng ai, nên không thể vì một lý do gì mà anh có thể tách rời đại danh từ ấy ra khỏi một cụm chỉ định từ chung; gọi PGHH là Hòa Hảo thì ngay trong bộ luật hình sự của ta không có quy định một hình thức xử phạt nào, nhưng gọi PGHH là Hoà Hoả với một ý đồ xuyên tạc, phỉ báng thì luật pháp có quy định hình thức chế tài đấy nhé.Ma Tung, anh không phải là tín đồ PGHH, bởi không một đồ chúng nào của PGHH lại tự xưng mình là người “tín đồ trung thành Đạo Hoà Hoả” như anh vậy! Anh chỉ là một tên phá bỉnh, một chi thứ năm đong đưa của Thích Phước Tiến, đúng thế không nào???

    Nếu anh thực sự là người tín đồ PGHH thì anh có thể tự trả lời cho chính câu chữ của mình: “Các nhà sư hay tín đồ bên Phật giáo chưa bao giờ và chắc chắn không bao giờ đi kích động tín đồ gây rối thiên hạ…”Lão nương ta cũng cầu Phật cho lời của Ma Tung anh nói là sự thật, nhưng than ôi! Kính lạy chư Phật mười phương, kính lạy Đức Thầy vô vàn tôn kính, xin các Đấng mở lượng từ bi mà tha thứ tội cho con, chỉ vì con muốn khai mở màn vô minh cho một chúng sanh còn quá u mê, nên con phải nhắc lại lời khó nghe tội lỗi của một kiêu tăng Thích Thiện Huệ! Ma Tung, anh giở ngay tập luận văn tốt nghiệp của Thích Thiện Huệ, tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam, khoá IV (1997-2001), tại trang 40, dòng thứ 15. Hắn viết “Xét cho cùng, Huỳnh Phú Sổ vẫn là một nhà thông thái của một đám người dốt nát đang tôn xưng ông là giáo chủ, một giáo chủ kiêu căng, khoác lác, hay loè đời bằng một mớ kiến thức rơm rác do học lóm mà được…”. Ma Tung nếu anh không đui, thì anh sẽ đọc được những lời mà anh đã cho rằng các nhà sư hay tín đồ bên Phật giáo chưa bao giờ và chắc chắn (?) không bao giờ đi kích động gây rối thiên hạ, thế, những lời của kiêu tăng trên là không khích động, là không phỉ báng tôn giáo, giáo chủ của người khác hay sao? Ma Tung, anh còn nói thêm rằng : “… kể cả bản thân của đạo chúng ta, gây biết bao điều tang thương cho Phật giáo…” Anh hãy nêu lên những chứng cứ cụ thể nhất về những điều tang thương cho Phật giáo do PGHH gây nên, bằng không có các chứng cứ thuyết phục thì đây lại là lời quy chụp, mạ lỵ và vu khống!!! Tiếc rằng anh chỉ là một bóng ma của Thích Phước Tiến, nếu là người bằng xương bằng thịt thì anh phải đứng trước vành móng ngựa là một điều chắc.

    Ma Tung anh tình nguyện thế thân cho Thích Phước Tiến, thì anh hãy nghe “thần tượng” của anh phê phán: “Tôi muốn nói cái gọi là Hội Long Hoa nầy, bà nội của quý vị chết đi rồi tái sinh lại 100 lần trên cuộc đời nầy cũng chưa bước tới hội Long Hoa nữa…” Thật là vô phước cho người Phật tử, khi mình đã đặt tron vẹn lòng kính tín đối với một vị Thầy mê si thiếu tế nhị! Trong kinh Di Lặc Thượng Sanh: “Sau khi Bồ Tát Di Lặc nhập diệt thì ở toà Su Sử của điện Ma Ni tại cung trời Đâu Suất, đột nhiên hoá sinh ngồi Kiết Già trên hoa sen, thân có màu vàng Diêm Phù Đàn với 32 tướng 80 vẻ đẹp, đỉnh đầu có nhục kế màu Lưu Ly xanh biếc, dùng báu Ma Ni làm mão Trời, trong mão phóng ra ánh sáng có vô số vị Hoá Phật với các vị Bồ Tát. Sợi lông trắng (bạch hào) ở tam tinh tuôn ra màu sắc trăm báu, cùng với các vị Thiên Tử đều ngồi tại toà hoa, ngày đêm thường nói Pháp chẳng thối chuyển, đợi Duyên sinh xuống ở cõi Diêm Phù Đề” Sau đó, Đức Phật cũng thọ ký cho các công hạnh: quét tháp, lau đất, cúng dường danh hương, diệu hoa, tam muội chính thọ, đọc tụng kinh điển, xưng danh niệm Phật… đều được vãng sinh về cung Trời Đâu Suất, quy y Bồ Tát Di Lặc, quán sát kỹ lưỡng ánh sáng của tướng Bạch Hào tại tam tinh của Di Lặc, liền vượt qua tội của chín mươi ức kiếp sinh tử, và ở nơi này nghe Pháp. Vậy thì tại sao bà nội của thí chủ (người đặt câu hỏi) không đến được Hội Long Hoa nếu trong đời sống tu tập của bà luôn nghiêm mật?

    Thích Phước Tiến còn tiếp tục phê phán: “Tất cả những cái từ mà để gọi là Hội Long Hoa nầy kia, kia nọ trong cái nầy đó, đôi khi các vị bị những người khác lợi dụng mình về từ ngữ để mà mê hoặc chúng ta…

    Cho nên những người nói Hội Long Hoa nơi nầy, Hội Long Hoa nơi kia là nói tầm bậy, nói mà không hiểu nó là cái gì. Cho nên cứ hở ra Hội Long Hoa chỗ nầy, Hội Long Hoa chỗ đó, năm nầy Hội Long Hoa, năm kia Hội Long Hoa… đó là những cái cách phịa,bày đặt mê tín, lợi dụng từ ngữ để tung hoả mù vào quần chúng mà thôi!
    Các vị nên nhớ và ý thức điều nầy. Đừng để bị lừa đảo. A Di Đà Phật”


    Tội lỗi cho một người mù sờ voi và không thể nào vượt thoát khỏi thế trí nhỏ hẹp để có thể giác ngộ giáo pháp siêu mầu của Thế Tôn! Theo Kinh Di Lặc Thượng Sanh và Kinh Di Lặc Hạ Sanh; Di Lặc xuất phát từ tiếng Phạn Maitreya và tiếng Pàli Metteyya, Hán dịch là Từ Thị là một vị Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ, nhập diệt trước Phật dùng thân Bồ Tát trụ ở cõi Trời Đâu Suất thuyết pháp cho các vị ở cõi nầy. Kinh điển chính thức nói về Bồ tát Di Lặc có 6 bộ:

    1-Kinh Quán Di Lặc Thượng Sanh,Thư Cừ Kinh Thanh dịch.
    2-Kinh Di Lặc Hạ Sanh,Cưu Ma La Thập dịch.
    3-Kinh Di Lặc Lai Thời,không rõ dịch giả.
    4-Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Hạ Sanh, Trúc Pháp Hộ dịch.
    5-Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật, Nghĩa Tịnh dịch
    6-Kinh Di Lặc Đại Thành Phật,Cưu Ma La Thập dịch.


    [Cộng thêm các chú sớ giải thích các bộ Kinh nầy thì rất nhiều, nổi tiếng nhất là các bộ Di Lặc Kinh Du Ý của ngài Cát Tạng,Di Lặc Thượng Sanh Kinh Tông Yếu của Ngài Nguyên Hiểu, Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh Tán của ngài Khuy Cơ và Tam Di Lặc Kinh Sớ của Ngài Cảnh Hưng…

    Dựa vào các Kinh điển, Hội Long Hoa gắn liền với vị Phật Đương lai Di Lặc, một biểu tượng hoàn toàn Phật giáo được tất cả các tông phái tôn trọng. Cung trời Đâu Suất là tầng trời thứ tư theo truyền thuyết Phật giáo, con người có thể đến đó bằng năng lực Thiền định. Trong lịch sử Phật giáo Bồ tát Thế Thân, vị tổ của Duy thức học đã nhiều lần nhập định đến cung trời Đâu Suất để nghe Bồ Tát Di Lặc giảng kinh, với trí nhớ tốt Ngài Thế Thân ghi lại được những lời thuyết giảng những bộ Kinh được khẳng định là do chính Bồ Tát Di Lặc giảng thuyết. Gần hơn nữa là Lão Hoà thượng Hư Vân ngài cũng đã nhập vào đại định đến thăm viếng cung Trời Đâu Suất và gặp gở Bồ Tát Di Lặc được ghi lại trong quyển Đường Mây Trên Đất Hoa do Nguyên Phong dịch (trang 136-138).

    Mỗi vị Phật xuất hiện ở thế gian đều là một đại sự nhân duyên, đó là một sự chuẩn bị lâu dài để khi cơ duyên đến là chẳng những có ngay một vị Phật ra đời mà còn có ngay các vị hộ pháp, vậy thì có phải ngay bây giờ đang có hàng thính chúng ngày đêm nghe Bồ Tát Di Lặc nói Pháp? Cho dù qua các Kinh điển xác định ngày giờ địa điểm xuất hiện của vị Phật đương lai, nhưng nếu chúng sanh ta một lòng đi theo hạnh nguyện của mỗi Đức Phật, thì có lý nào ta không thể đạt thành sở nguyện. Đức Phật A Di Đà chủ hạnh Trang Nghiêm, Đức Phật Thích Ca chủ hạnh Thanh Tịnh, Đức Phật Di Lặc chủ hạnh Hỷ Xả… Kinh điển vẫn là kho báu nghìn đời lưu giữ những lời Phật dạy, nhưng ngay chính kinh điển cũng đã mở ra cánh cửa nghìn trùng “ Pháp Phật là bất khả tư nghì” nghĩa là không thể dùng cái phàm trí nghĩ, bàn mà có thể nắm bắt được chân nghĩa của Phật Pháp, mà phải hiểu thẩm thấu bằng chính cái Tâm vô ngã! Nếu ai là người biết hoạt dụng những lời dạy của Phật thành những tâm tư, tình cảm của mình ngay trong cuộc sống hiện tại rồi dung hoá nó trong từng phút,từng giây thì bất kỳ ở đâu, thời gian nào mà ta không đến nơi được!

    Theo luận giải của Chư Tổ nhiều đời, Kinh Di Lặc nhiếp thâu vạn pháp, dung nạp tam thừa,dung nạp được mọi căn cơ…vậy thì, nếu mọi người chúng ta học tập được từ kinh điển với tấm lòng Hỷ Xả, với một tâm nguyện tín thành tột bậc thì có khác gì nhau giữa Tịnh độ Di Lặc và Tịnh độ A Di Đà; Từ bi Hỷ Xả là Tịnh độ Di lặc, chẳng những vừa trụ nơi vô sở trước là cội Cây Long Hoa, mà khắp mọi nơi mọi chốn do vô số hoá thân của Ngài. Nếu ai hành trì giới định huệ là đang lắng nghe ba hội thuyết pháp, chính cái Tâm Không là Đức Phật tại thế… Sáu mươi tỷ năm cũng ở tại bây giờ, cần gì phải chờ đợi ai, kiếm tìm gì khi pháp giới quy về trong gang tất!

    Thân khẩu ý thanh tịnh
    ]Thị danh Phật xuất thế
    Thân khẩu ý bất tịnh
    Thị danh Phật nhập diệt


    Tức tâm tức Phật vô dư pháp
    Mê giả đa ư ngoại tầm cầu
    Nhất niệm quách nhiên quy bổn tế
    Hoàn như tẩy khước thượng thuyền đầu


    (Ba nghiệp thanh tịnh, Là Phật ra đời. Ba nghiệp bất tịnh, Là Phật nhập diệt. -Ngay tâm là Phật, chẳng pháp nào ngoài.Kẻ ngu phần nhiều, Tìm cầu vật ngoại. Một niệm rỗng không, Quy về bổn tế. Dễ như rửa cẳng,Rồi bước lên thuyền)
    Sở dĩ Lão nương ta phải nói nhiều như vậy để Ma Tung anh và Thích Phước Tiến biết được rằng trong cõi thế nầy lúc nào cũng có Bồ tát, lúc nào cũng có Phật chỉ vì các người không thể nhìn ra do bởi tâm bất tịnh mà thôi.


    Long Xuyên, ngày 24/12/2015
    Nguyễn Thị Bảo Pháp
     
    Sửa lần cuối bởi điều hành viên: 22/12/22

Chia sẻ trang này