"ĐỨC HẠNH' - Cư sĩ Nguyễn Văn Lía

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Buile, 21/3/17.

  1. Buile

    Buile Member


    'ĐỨC HẠNH'
    Nguyễn Văn Lía

    Kết thúc quyển Khuyến Thiện (tức quyển thứ 5) Đức Huỳnh Giáo Chủ có dạy:
    “Ngôn từ đạo hạnh ý Thầy khuyên,
    Hạnh đức ân cần rán tập chuyên,
    Thất tổ cửu huyền nơi chín suối,
    Mỉa mai xa lánh sáu đường duyên”.

    Xuyên qua mỹ ý của Đức Thầy khuyên: Muốn cứu vớt cửu huyền thất tổ cha mẹ thoát khỏi sáu đường sanh tử luân hồi, trước hết phải trau giồi đức hạnh.
    Vậy Đức Hạnh là gì? Đức là tâm lành; hạnh là nết tốt. Người có tâm lành nết tốt là người có đức hạnh.
    Xưa nay người có dạ cương trực thẳng ngay không khi nào họ chịu khuất phục dưới kẻ bạo lực cường quyền áp bức, nhưng họ phải cúi đầu trước người có đầy đủ đức hạnh.
    Vì vậy hơn một lần Đức Thầy khuyên nhủ qua điều nầy, Ngài dạy:
    “Rán giữ gìn luân lý tam cang,
    Tròn đức hạnh mới là báu quí”.

    Đúng thế! Nếu người tu có gìn được nền luân lý tam cang, có hoàn thành được điều đức hạnh mới là điều quí báu nhứt.
    Trái lại kẻ không gìn giữ đức hạnh, trong kiếp sống hiện tại họ sẽ bị người đời ruồng bỏ và nguyền rủa, dầu cho họ có vẽ đẹp sắc nước hương trời đi nữa cũng không thể lấp bồi được sự thiếu đức kém hạnh của họ. Có thể, vì do: “Thiếu giáo dục thiếu thêm đức hạnh” mà ra. Khi mà: “cái nết đánh chết cái đẹp”. Ca dao có câu:
    “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
    Xấu người đẹp nết còn hơn tốt người”.

    Cho nên Đức Thầy thường khuyến khích môn nhơn:
    “Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh
    Chớ mang lốt bề ngoài chẳng tốt”.

    Người có vẽ đẹp ví như bông hoa, còn hương thơm ví như đức hạnh. Hoa dù có xinh đẹp đến đâu mà không có hương thơm thì không được người quí trọng. Vã lại nhan sắc của người tuy đẹp, song cũng theo dòng thời gian năm tháng mà phai tàn, hoại diệt; Và hương của đức hạnh sẽ “bay ngược chiều gió”và muôn năm vẫn sáng tỏ.
    Nhìn qua gương lành hạnh sáng của các bực vĩ nhân từ xưa chúng ta sẽ thấy rõ: - Đức Khổng Tử ra đời giữa cơn biến loạn, đạo lý thánh hiền suy đồi, nhưng Ngài có đức hạnh đủ đầy đã cảm hóa nhân sinh trong thời ấy quay về nền cương kỉ đạo lý,nên đến ngày nay dân gian còn ca tụng là “Vận Thế Sư Biểu” (Thầy của muôn đời).

    Đức Phật Thích Ca khi xưa cũng thế, Ngài là một con người lịch sử của bao thời đại, đã nêu lên bao công hạnh đủ đầy, nên mãi đến ngày nay và muôn đời vẫn sùng bái là Đức Thế Tôn.
    Trái lại, những kẻ thiếu đức kém hạnh, dầu cho họ có sức mạnh kiêu hùng,bách chiến bách thắng trên bình diện đấu tranh giải phóng cho dân tộc đi nữa, cũng phải bị tiếng đời khinh chê nguyền rủa.
    Xem như Tần Thủy Hoàng mộng làm bá chủ thiên hạ, xây “vạn lý trường thành” củng cố cho cơ ngiệp đế vương, nhưng cũng vì thiếu đức hạnh mà cơ nghiệp phải đổ nát. Quả đúng như câu:
    “Đức tuy không thấy mà còn,
    Tài tuy rầm rộ mà mòn như cưa”.

    Và Đức Thầy cũng đã dạy rằng:
    “Phước đức quí hơn bạc vàng, Những người bạc ác giàu sang ích gì”.

    Như trên , chúng ta đã hiểu tai hại của người thiếu đức hạnh, và lợi ích của người có đức hạnh. Vậy hôm nay chúng ta muốn có đức hạnh phải làm như thế nào?
    Theo thiển kiến chúng tôi là chúng ta cần phải trau giồi 3 đức tánh, như: ngôn ngữ, tư tưởng, hành động cho được thuần chơn thuần mĩ.

    1/- Về ngôn ngữ: Người muốn có đức hạnh lúc nào lời nói phải dịu ngọt, ôn hòa, nhã nhặn, khiêm tốn từ trong nhà chí đến ngoài xã hội, không nói lời độc ác, tục tằn, mà làm cho kém đức mất hạnh. Nho gia dạy rằng: “bán cú phi ngôn, ngộ tổn bình sanh chi đức” Nghĩa là nữa lời nói quấy làm mất đức lúc sống sanh. Cho nên Đức Thầy khuyên chúng ta:
    “Nói những điều đức hạnh hiền lương.”
    Và:

    “Dùng từ ngôn nói tận đáy lòng.”
    Trong mục Chánh ngữ Đức Thầy đã tận tường phân giải:“…Đối với kẻ dưới bề trên, lời nói phải cho hiền lương đức hạnh”.

    2/- Về tư tưởng: Cần tưởng nhớ những điều thanh cao, nghĩ đến việc lợi ích cho nhơn sanh, luôn luôn “đánh đổ những tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa đạo đức”.
    3/- Về hành động: Luôn phát triển hạnh lành , đem lại sự lợi ích cho quần sanh, hằng giữ dung mạo trang nghiêm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi…Đức Thầy thường nhắc nhở chúng ta:
    “Chốn Phật đường rán trau đức hạnh Phải bền lòng mới rảnh trần ai”

    Là người tu Phật, ta rán cố gắng cho mình bằng được: “Có đức hạnh”, để khỏi phụ lòng mong mỏi của ân sư, sự hoài vọng của Ngài:
    “Các chư Phật từ đây lựa tuyển
    Coi ai là đức hạnh hiền từ”
    Và :
    “Nữ nam muốn rõ am hao Rán trau đức hạnh ngày sau sẽ tường”

    Tóm lại, người tu Phật muốn được cứu cánh giải thoát, hay có mặt trong Hội Long Hoa cần phải trau sửa cho có đức hạnh đủ đầy. Vì theo lời Đức Thầy cho biết rằng:
    “Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi
    Người hiền đức được phò chơn chúa”

    Vậy những lời phán dạy nêu trên của Đức Huỳnh Giáo Chủ là khuôn vàng thước ngọc, chúng ta nên coi đó là phương châm duy nhứt để tạo cho mình có đầy đủ đức hạnh trong hiện tại và tương lai.

    NVL
     

Chia sẻ trang này