ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ Không Hề Phản Quốc

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi TTT, 26/3/16.

  1. TTT

    TTT Member


    ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

    Không Hề Phản Quốc

    “KHÁNG LUẬN” quyển Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến (1945-1975) do Ban biên tập truyền thống Tây Nam Bộ xuất bản tháng 12 – 2000

    Các bằng hữu thân mến!

    Đọc lại di cảo của anh Nguyễn Văn Đon mà thấy lòng bùi ngùi chua xót quá! Vì có những tác phẩm gần 15 năm chưa có dịp ra mắt bạn đọc xa gần cùng đồng đạo khắp nơi đang ngưỡng mộ anh.
    Nay chúng tôi hết sức cố gắng để cho ra đời những gì mà “con tằm đã nhả sợi tơ lòng” cống hiến cho đời, cho đạo, nay đã “an lòng theo số phận” ra đi về miền vĩnh cửu.
    Mong rằng chúng ta sẽ đón nhận với tấc lòng cởi mở, khoan dung; mặc dầu có một vài điểm sẽ nghịch ý chúng ta. Là phàm nhân có ai hoàn hảo hết đâu, các bạn nhỉ!

    Chúc các bạn thành công trên đường đời, đường đạo.

    Cù Lao Ông Chưởng, đầu Xuân Bính Thân (2016).
    Hoàng Thụy Như Liên


    NGUYÊN VĂN QUYỂN TÂY NAM BỘ 30 NĂM KHÁNG CHIẾN (1945-1975)

    TRÍCH MỤC 5- ( Y NGUYÊN VĂN).
    * Dẹp bọn gây bạo loạn, phá hoại. “Sau khi khởi nghĩa thành công, Huỳnh Phú Sổ cầm đầu giáo phái Hòa Hảo ngang nhiên đòi Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ phải giao cho y 7 tỉnh miền Tây. Một số chức sắc Hòa Hảo ở Long Xuyên, Châu Ðốc, Cần Thơ cũng lên tiếng đòi được giữ chức vụ then chốt trong bộ máy chánh quyền mới.
    Trước những đòi hỏi vô lý đó, ta đã giải thích chi họ cần phải góp sức xây dựng đất nước, ai xứng đáng sẽ được nhân dân bầu cử.
    Huỳnh Phú Sổ có bọn phòng nhì mật thám cũ và mới góp sức, sử dụng tín đồ Hòa Hảo chống lại cách mạng, toan tính gây bạo loạn, cướp chính
    quyền ở tỉnh Long Xuyên, Châu Ðốc, Cần Thơ. Vì nơi đây có đông đủ tín đồ Hòa Hảo.
    Ngay cuối tháng 8 – 1945, khởi nghĩa thắng lợi vừa được vài ngày, bọn phản động cầm đâu Hòa Hảo ở Long Xuyên huy động hàng nghìn tín đồ từ Lấp Vò, Chợ Mới kéo vào thị xã, biểu tình tuần hành, bề ngoài lợi dụng danh nghĩa chào mừng cách mạng thành công, nhưng thực chất để cướp chính quyền.
    Lực lượng tự vệ Long Xuyên có cộng hòa vệ binh tỉnh Châu Ðốc chi viện, đã kịp thời chận hành động của chúng, làm thất bại âm mưu bạo loạn của
    bọn cầm đầu.
    Sang tháng chín năm 1945, bọn phản động lại huy động tín đồ tiến hành biểu tình ở thị xã Châu Ðốc với mục tiêu như trên. Ta đã bố trí lực lượng vũ trang kịp thời giải tán.
    Ngày 5-9-1945, Bộ tham mưu của Huỳnh Phú Sổ vạch kế hoạch cướp chính quyền ở thị xã Cần Thơ. Chúng huy động tín đồ mang theo cây roi, gậy gộc “đi rước Ðức Thầy” nhưng thực chất dùng lực lượng đông đảo tín đồ để cướp chính quyền tỉnh dự định vào ngày 9-9-1945. Các lực lượng vũ trang của chúng ở các tỉnh phía Bắc sông Hậu, tập trung tại Tổng hành dinh Cái Vồn. Số tín đồ phía Nam sông Hậu thì tập trung sớm ở thị xã Cần Thơ.
    Ngày 07-9-1945, Tỉnh Ủy Cần Thơ đã nắm được kế hoạch nầy. Ta chủ trương kiên quyết trấn áp bọn phản động đầu sỏ, còn đối với tín đồ thì giáo dục, thuyết phục làm cho họ thấy được âm mưu và hành động của bọn cầm đầu phản động. Chúng đã dự định huy động 15.000 tín đồ tiến vào thị xã Cần Thơ ngày 9-9, nhưng chúng đã bị thất bại. Lực lượng
    vũ trang của chúng ở Cái Vồn đã bị ta đánh tan khi chúng định vượt sông Hậu sang thị xã Cần Thơ. Ta bắt Nguyễn Xuân Thiếp (bút hiệu Việt Châu) người chuyên soạn thảo kinh sấm cho Huỳnh Phú Sổ, Trần Văn Hoành (con của Năm Lửa) Huỳnh Phú Mậu (em của Huỳnh Phú Sổ).
    Ngay sau đó, Tòa án tỉnh Cần Thơ mở phiên tòa xét xử, lên án tử hình 3 tên chủ mưu, cầm đầu; giáo dục miễn tố cho tín đồ nhẹ dạ, cả tin.
    Thành công của công tác dẹp bọn phản động đội lớp tôn giáo tạo bạo loạn chống lại chính quyền cách mạng, gây mâu thuẫn nội bộ dân tộc ta, đã tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị và tiến hành kháng chiến chống Pháp khi chúng tiến đánh miền Tây Nam Bộ”. (trang 84, 85,86)

    II. SỰ PHẪN UẤT CỦA TÍN ÐỒ PHẬT GIÁO HÒA HẢO.

    Đọc quyển ‘Tây Nam Bộ Kháng Chiến’do Ban Biên Tập truyền thống Tây Nam Bộ ‘xuất bản’ có đoạn liên quan đến Phật Giáo Hòa Hảo nhất là mục: 5- “…Dẹp bọn gây loạn phá hoại…”
    (trang 84, 85) đã chỉ thẳng vào Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chúng tôi là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vô cùng phẫn uất!!! Nhưng việc dĩ vãng ở Đốc Vàng Hạ (ngày 16-4-19470) hơn nhiều chục năm qua chúng tôi ý thức được lời Tôn Sư đã chỉ dạy:
    “Thù riêng muôn vạn cho cam,
    Cũng nên gác bỏ để làm nghĩa công.
    Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
    Tha thứ nhau để sống cùng nhau”…
    (Tiếng chuông cảnh tỉnh)

    Hoặc là:
    “Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn”
    (Quyển Năm)
    Đức Giáo Chủ còn dạy thêm:
    “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm… Hãy tùy tài tùy sức nổ lực hy sinh cho xứ sở.”
    Hay là:
    “Ta dầu có cách thôn hương,
    Vạn dân cứ chữ hiền lương mà làm”

    (Dặn Dò Bổn Đạo)
    Chấp hành theo lời nghiêm huấn của Đức Tôn Sư. Chúng tôi quên đi những gì trong qúa khứ! sẳn sàng đoàn kết với chính quyền, tùy năng lực mình đóng góp mọi công tác xã hội, thi hành nghĩa vụ công dân để kiến thiết quốc gia giàu mạnh và lo tu hiền chân chất.

    Việc qua rồi đã chất chồng trên đầu cổ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chúng tôi. Nay, Ban Biên tập các ông còn dùng ngụy lý tạo cớ hạ nhục danh dự Ðức Giáo Chủ và đạo Phật Giáo Hòa Hảo chúng tôi thêm. Ðiều nầy trên thực tế đã chứng tỏ mọi việc trước sau gì cũng đều do các ông tạo mầm chia rẽ, gây hấn, không còn đổ tội cho ai được cả!

    Một con người dù thất học cũng phải biết ít nhiều về “Tâm lý” để ứng xử cho tình chòm xóm được hòa vui và dễ nhìn mặt nhau khi hữu sự. Nay Ban Biên tập các ông với tư cách Cán bộ và Văn Nhân của nhà nước, lại dùng lời thô bỉ nặng nhẹ Thầy, Đạo chúng tôi bằng “Bọn này, bọn nọ…” gây oán, chác thù! Các ông có biết đó là cách ở đời không hiểu “tâm lý” và mất cách”lịch sự” chăng?

    Chữ “tín” là cội rể con người, mất chữ tín không còn là ý nghĩa con người nữa. Ban Biên tập các ông không màng chữ tín, chuyện có nói không, chuyện không nói có, vu khống Ðức Giáo Chủ chúng tôi! Trên bình diện phụng sự quốc gia các ông là hạng người như thế đó ư?

    Các sử gia xưa nói: Ðầu các Ngài có thể rơi được nhưng cây bút của các Ngài không thể viết sai sự thật được. Trái lại, Ban Biên tập các ông sử dụng cây bút điêu xảo để hạ nhục người vô tội. Các ông có thấy tự lòng mình hổ thẹn với người xưa chăng?
    Kinh nghiệm cho biết: một con người ăn ở bất lương với kẻ khác, họ cũng không nhân đạo với ta! Ban Biên tập các ông dụng ác ý đối với Thầy, Đạo chúng tôi, làm thương tổn chánh sách đoàn kết của Nhà nước thì các ông đâu có tốt lành gì với Nhà nước! Các ông chỉ vì việc cá nhân hoặc vì bát cơm manh áo nên sử dụng cây bút bất chánh đó thôi!
    Các ông nên biết: không có một nhà lãnh đạo hay một văn nhân sáng suốt nào dám mong tiêu diệt tôn giáo dù bằng hình thức sát hại, tù đày, hay bằng mọi cách chính trị lừa bịp, thâm độc. Bởi người dân đa số là có tôn giáo, chạm đến tôn giáo tức chạm đến lòng dân; chạm đến lòng dân là điều khó ổn cho việc bình định đất nước.
    Chứng tích tội ác của Tần Thủy Hoàng đốt sách, sát hại sĩ phu, quyết đánh tan đạo Khổng. Chế độ độc tài gian ác của Ngô Ðình Diệm mong tiêu diệt tôn giáo và đạo Phật. Ðó là một bài học đắt giá cho những con người cầm vận mạng đất nước và những cây bút đóng góp tư tưởng lợi, hại cho nền văn hóa quốc gia.
    Việc bênh vực tổ quốc mình khi bị xâm lăng giày xéo là trách nhiệm của anh hùng liệt sĩ. Bảo vệ thanh danh Thầy, Ðạo mình lúc bị ngoại nhân chà đạp là bổn phận của tín đồ trung nghĩa. Ðó là trách nhiệm và bổn phận thì không có công lý nào buộc tội và lịch sử nào bày bác được! Chúng tôi nói thẳng với Ban Biên tập các ông rằng: Ðầu chúng tôi có thể rơi nhưng không ai có thể giẫm nát trên danh dự của Tôn Sư chúng tôi được! Vì chúng ta đã trải qua bao thời kỳ binh lửa, trình độ dân trí không còn ấu trĩ như xưa. Và chúng ta vẫn là con người bằng xương, bằng thịt thì ai cũng như ai thôi!
    Tác phẩm của một tác giả chân chính có lợi cho đời người ta mến mộ, lưu truyền, như: Sấm kinh Phật Giáo Hòa Hảo đã được các văn nhân, học giả trong và ngoài nước nghiên cứu, phiên dịch truyền bá trên thế giới. Trái lại, những tác phẩm đồng chí của các ông nói về tôn giáo, vừa thập thò ra đời, không được người mến mộ và giới trí thức công nhận mà vẫn bị bài bác, phản đối! Rồi nào là thu hồi, cáo lỗi và chết non, chết yểu, vì không che đậy được cái chân tướng quái xảo của nó! Thế mà thỉnh thoảng các ông cũng cho ra đời thứ tác phẩm thối nát ấy. Các ông có tự biết sĩ nhục chưa?
    Sao các ông không nhớ: vì sự sinh sống và chỗ suy thịnh của quốc gia là việc lớn mà người Nhật phải lãng quên mối thù với nước Mỹ nên họ mới trở thành cường quốc như ngày hôm nay. Mọi hành động “vu khống”, đào thêm hố sâu thù hận, chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, đặt nặng thành kiến cá nhân trên đại nghĩa quốc gia là hành động mù quáng! Các ông có xứng danh cán bộ chân chính và văn nhân sáng suốt không?
    Tiền nhân ta phải đổ biết bao xương máu để gìn giữ dãy đất hình chữ “S” nầy! Nay chúng ta dù có khác tư tưởng, chính kiến nhưng vẫn là tình đồng bào chủng tộc. Lẽ ra chúng ta phải thật sự đoàn kết, thương nhau, xóa bỏ mọi tỵ hiềm để cùng lo giữ gìn vĩ nghiệp của tiền nhân hầu đáp lại phần nào công ơn của những người vì sự sống còn của chúng ta mà trước kia đã hy sinh xương máu! “Ban Biên tập tây nam bộ” các ông hành động trái lại, coi đồng chủng như kẻ địch thù, làm suy giảm tiềm lực bảo vệ đất nước! Các ông có tự biết lỗi mình đối với công ơn trọng đại của tiền nhân ta chăng?
    Tác phẩm của các ông được tàng trử nơi Thư Viện, Trường Sở, xây đắp cho nền văn hóa nước nhà, đào tạo hậu tấn trong định kiến sai lầm, không khoát đạt thì còn gì là tương lai của giống dân Việt Nam, một giống dân đã có trên bốn ngàn năm văn hiến!
    Mời “Ban Biên tập tây nam bộ” các ông nghe tiếp phần chúng tôi “kháng luận”.

    III. PHẦN KHÁNG LUẬN:

    1. ÐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ KHÔNG CẦM ÐẦU GIÁO PHÁI HÒA HẢO ÐÒI LÀM CHỦ 7 TỈNH MIỀN TÂY.
    Quyển “Tây nam bộ 30 năm kháng chiến” nói:
    “Ngay sau khởi nghĩa thành công, Huỳnh Phú Sổ cầm đầu giáo phái Hòa hảo ngang nhiên đòi Uỷ Ban Nhân dân Nam bộ phải giao cho y cai quản 7 tỉnh miền Tây…” (trang 84).
    Các ông kết tội người không đủ bằng chứng! Các ông nghe chúng tôi kháng luận:
    a.- Nếu Ðức Huỳnh Giáo Chủ đòi cai quản 7 tỉnh miền Tây, tức đòi chia cắt lãnh thổ, thì Ðức Huỳnh Giáo Chủ đòi với Ủy ban Hành Chính Nam bộ hay với chính phủ Trung Ương? Trường hợp này xảy ra trong một phiên họp tại đâu và thời gian nào hoặc có văn kiện chi để chứng minh? Chẳng lẽ việc phân chia lãnh thổ mà đòi bằng cách “lôi thôi” như chuyện chia cắt thịt, cá ở đầu đường xó chợ? Và ngay khi đó với tư cách chính quyền đâu còn sợ ai! Sao chính quyền không có một biện pháp nào công khai đối với Ðức Huỳnh Giáo Chủ? Trần Văn Giàu âm thầm bao vây bắt Ðức Huỳnh Giáo Chủ tại Sài Gòn (đêm 9-9-1945) như thế? Lại nữa, các cơ quan tuyên truyền, báo chí của nhà nước ở đâu, sao không loan báo tin tức quan trọng nói trên cho cả quốc dân hay biết? Sau đó Ủy Ban Hành Chính Nam bộ mời Ðức Giáo Chủ tham gia vào Ủy Ban Hành Chính Nam bộ? Cho mãi đến hôm nay trên nữa thế kỷ, Ban Biên tập các ông mới đưa ra chuyện phi lý này? Lúc Ðức Giáo Chủ còn trực diện, với tư thế chính quyền sao không luận tội trước mặt, để khi Người vắng bóng mới kết tội sau lưng. Ðây là điều trái lẽ phải mà xưa nay công lý không cho phép.
    b.- Khi thành lập “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng” (21-9-1946), Ðức Huỳnh Giáo Chủ nhường chức vụ “Tổng bí thư” cho ông Nguyễn Bảo Toàn đảm nhiệm. Và trong Ban chấp hành Trung Ương Ðảng gồm có 9 người, hết 6 người ngoại đạo giữ chức vụ quan trọng. Ðức Huỳnh Giáo Chủ và 2 người nữa của Hòa Hảo chỉ giữ chức vụ có tính cách trợ giúp đảng đó thôi. Nếu Ðức Giáo Chủ có ý đồ nắm chính quyền 7 tỉnh miền Tây, củng cố địa vị vương bá thì ngay khi thành lập Ðảng, Ngài có ưu thế nhận chức vụ lảnh đạo tức Tổng bí thư và đặt các nhân vật thuộc tay chân của Giáo Chủ đảm nhiệm chức vụ then chốt trong Ðảng. Ðức Giáo Chủ đâu có để ông Nguyễn Bảo Toàn và những nhân vật khác giữ chức vụ quan trọng?
    c.- Nếu nói Ðức Huỳnh Giáo Chủ có ý đồ nắm chánh quyền 7 tỉnh miền Tây, đương nhiên Ngài phải chuẩn bị đủ 3 cơ quan chủ yếu:
    1./ QUÂN ÐỘI để làm chủ tình hình lãnh thổ.
    2./ CẢNH SÁT để giữ gìn trật tự an ninh.
    3./ HÀNH CHÍNH để ủng hộ về tinh thần và vật chất cho bộ máy chánh quyền.
    Nhưng Phật Giáo Hòa Hảo thời gian đó (1945) không có tổ chức 3 cơ quan chủ yếu nói trên thì không thể nói rằng: Ðức Huỳnh Giáo Chủ đòi nắm giữ chánh quyền ở miền Tây Nanm bộ được!
    d.- Ðức Huỳnh Giáo Chủ luôn luôn chủ trương đoàn kết và thống nhất lãnh thổ. Ngài nói:
    “Từ Nam ra Bắc xa ngàn,
    Nhưng lòng phải một mới toàn mưu hay”

    Và khi tham gia vào Ủy ban hành chánh Nam bộ, Giáo Chủ công bố trên mặt báo QUẦN CHÚNG ngày 14-11-1946 trong bài “Vì sao tôi tham chánh”? Ngài cho biết:
    “ 1.- Ðể tỏ cho quốc dân và chính phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia.
    2.- Ðể biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mau đem lại thắng lợi cuối cùng.
    3.- Ðể tỏ cho các đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc”.
    Nếu vừa qua Ðức Giáo Chủ có những hành động tham vọng vì quyền lợi riêng tư, Ngài không thể mạnh dạn công bố trên mặt báo trước chính phủ, các đảng phái, quốc dân và nhất là với Ủy Ban Hành chánh Nam bộ như thế!
    Tóm lại, căn cứ vào những yếu tố nói trên, “Ban biên tập Tây Nam bộ”các ông cho rằng Ðức Huỳnh Giáo Chủ “đòi cai quản 7 tỉnh miền Tây” là hoàn toàn sai sự thật, bóp méo lịch sử tranh đấu của dân tộc ta trong thời kỳ kháng Pháp. Nhà cầm bút biết sỉ nhục không thể có những hành động gian trá này.

    2.- SỰ MÂU THUẪN CỦA CÁC TÁC GIẢ.

    Trong quyển “SƯ THÚC HÒA HẢO” tác giả Nguyên Hùng nói: “Huỳnh Phú Sổ đòi Việt Minh phải giao 4 tỉnh miền Tây cho Hòa Hảo” (hàng 24 trang 174).
    Trong quyển “Tây nam bộ” lại nói: “ Ðức Huỳnh Giáo chủ đòi 7 tỉnh miền Tây”? Sao lạ vậy, tác giả này nói “7 tỉnh”, tác giả kia lại nói “4 tỉnh”?
    Và trong quyển “Tây Nam bộ” nói: “ Huỳnh Phú Sổ có bọn phòng nhì, mật thám cũ và mới góp sức sử dụng tôn giáo kích động tín đồ Hòa Hảo chống lại cách mạng” (trang 84. Quyển “Về Tôn Giáo Tín Ngưởng Việt Nam Hiện Nay” lại nói: “Tháng tám năm 1945 cuộc tổng khởi nghĩa đã lôi cuốn cả dân tộc vào ngày hội lớn. Huỳnh Phú Sổ cũng tham gia cách mạng cùng các tín đồ Hòa Hảo. Nhưng Nam bộ bước ngay vào cuộc chiến. Ông Sổ được Ủy Ban Hành chánh Nam bộ mời làm Ủy viên đặc biệt. Có dấu riêng.”
    Tại sao cũng đồng chí của các ông mà tác giả này nói thời gian sau khởi nghĩa “Huỳnh Phú Sổ chống lại cách mạng” Tác giả kia lại nói: Giáo Chủ tham gia cách mạng? Nếu đã tham gia cách mạng, tức là “đồng chí”, làm việc theo hệ thống thì đâu có chống lại cách mạng? Nếu chống lại cách mạng, tức là “địch thủ” thì đâu có tham gia cách mạng?
    Ðiều này đủ chứng tỏ rằng các ông không cần sự nghiên cứu chính xác. Các ông cùng đồng chí, đồng nghiệp rồi đồng lõa cố tình “vu khống” tội người nên mới viết lu bu như thế! Các bậc lão thành tín đồ Hòa Hảo vẫn còn đây! Chính tích tranh đấu của Ðức Huỳnh Giáo Chủ vì quốc gia đại nghĩa đã sáng tỏ trên lịch sử đã vượt thời gian và không gian! Nay, Ban Biên tập Tây Nam bộ các ông không thể dùng cây bút vẽ vời theo chiều hướng cá nhân của các ông được. Bởi sự thật xưa nay vẫn thắng gian trá thôi!

    3.- VẤN ÐỀ SOẠN THẢO KINH SẤM.

    Ban Biên Tập “Tây Nam Bộ” cho rằng: “Việt Châu người chuyên soạn thảo Kinh Sấm cho Huỳnh Phú Sổ”. (hàng 2 trang 86).
    Các ông cố ý tuyên truyền sai sự thật, mong làm giảm uy tín Ðức Giáo Chủ và Kinh Sấm Phật Giáo Hòa Hảo.
    Các ông nông nổi quá, hãy nghe chúng tôi xác đính.
    a.)- Những bài vở của Ðức Giáo chủ do Ngài ứng khẩu thành thơ hoặc chính tay Ngài viết ra đã được thư ký và những tín đồ hầu cận lưu giữ hẳn hòi, đâu phải ai muốn xen vào bài nào cũng được! Năm quyển Sấm Giảng Ðức Giáo Chủ đã viết xong hồi mùa Thu năm Tân Tỵ (1941). Thi sĩ Việt Châu mới theo về với Ðức Giáo Chủ trong dịp Giáo Chủ đi khuyến nông từ miền Tây về Sài Gòn vào ngày 28 tháng 7 năm 1945 ( Hè năm Ất Dậu). Nghĩa là Ðức Giáo Chủ viết xong Kinh Sấm trước khi thi sĩ Việt Châu theo về với Ðức Giáo Chủ là bốn năm. Như vậy làm gì có chuyện thi sĩ Việt Châu soạn thảo Kinh Sấm cho Ðức Giáo chủ được?
    Hơn nữa, thi sĩ Việt Châu theo về với Ðức Giáo Chủ ngày 28 tháng 7 dl 1945. Giáo Chủ ủy nhiệm cho thi sĩ nhiều công tác quan trọng, nhất là đại diện cho Phật Giáo Hòa Hảo đi dự hội nghị Tân Trào với Tổng bộ Việt Minh ở Hà Nội và dự lễ thoái vị của Bảo Ðại ở Huế (24-8-1945).
    Ở Hà Nội về không mấy ngày, thi sĩ Việt Châu lại phải lo giải quyết vụ biểu tình gay cấn ở Cần Thơ (8-9-1945). Nghĩa là từ ngày thi sĩ Việt Châu theo về với Giáo Chủ chỉ trong vòng hai tháng thì thi sĩ lâm nạn! Công cuộc đi hội nghị Tân Trào và dự lễ thoái vị cũng mất hết mười ngày. Còn lại thời gian 30 ngày, thi sĩ Việt Châu còn bận lắm việc công tác, nhất là việc biểu tình ở Cần Thơ rồi bị bắt và thọ tử
    Như vậy, đâu còn dư thời gian nào nữa mà thi sĩ “soạn thảo” Kinh Sấm cho Ðức Huỳnh Giáo Chủ? Và sau thời gian thi sĩ thọ tử (7-10-1945 – đến ngày 16-4-1947) Ðức Giáo Chủ còn viết hằng trăm bài văn thơ nữa thì ai soạn thảo cho Ðức Giáo Chủ?
    b.)- Trước khi quy y theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ-trên đường từ miền Tây trở về Sài Gòn, thi sĩ Việt Châu trao cho Giáo Chủ tập thơ “Lông Ngỗng Gieo Tình” do ông sáng tác. Ðể thử tài văn thơ thi sĩ, Giáo Chủ bảo thi sĩ làm bài thơ tả cảnh. Thấy thi sĩ mãi nghĩ không ra thơ, Giáo Chủ liền ứng khẩu ngâm lên:
    “Xe về chở theo chàng thi sĩ,
    Bảo làm thơ mãi nghĩ không ra...”

    Và cũng trong bài thơ nầy. Ðức Giáo Chủ nói:
    “Theo dõi gót từ bi mấy bữa,
    Phàm tâm kia có rửa hay chăng?”

    Nếu nói thi sĩ Việt Châu là người chuyên soạn thảo Kinh Sấm cho Ðức Giáo Chủ, tức Ðức Giáo Chủ phải kính nể thi sĩ. Nhưng đọc hai câu:
    “Theo dõi gót từ bi mấy bữa,
    Phàm tâm kia có rửa hay chăng?”

    Chúng ta thấy Ðức Giáo Chủ đâu có kính nể thi sĩ Việt Châu. Không kính nể thi sĩ… thì không thể nói thi sĩ là người chuyên “soạn thảo” Kinh Sấm cho Ðức Giáo Chủ được!
    Và đọc hai câu:
    “Xe về chở theo chàng thi sĩ,
    Bảo làm thơ mãi nghĩ không ra”.

    Ðiều này đủ chứng tỏ rằng, tài văn thơ của thi sĩ Việt Châu kém xa Ðức Giáo Chủ. Giáo Chủ hà cần thi sĩ “soạn thảo” Kinh Sấm cho Ngài mà chi?
    c.)- Kinh Sấm của Ðức Giáo Chủ không như loại thi văn thường nhân. Nội dung hàm chứa giáo lý “thậm thâm vi diệu” của nhà Phật và tư tưởng siêu việt của Giáo Chủ. Dù cho thi sĩ Việt Châu hay bất cứ một thi sĩ thường nhân nào cũng không thể soạn thảo thay cho Ngài được.
    Nói dễ hiểu hơn, quyển Sấm Kinh của Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã trước tác: nơi, thời gian và trường hợp thi sĩ Việt Châu theo về với Ðức Giáo Chủ đã có ghi rõ trong quyển “Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ” của Ðức Huỳnh Giáo Chủ. Ban Biên Tập Tây Nam bộ các ông viết không đúng, tức các ông không tìm hiểu về Sấm Kinh Phật Giáo Hòa Hảo và thi sĩ Việt Châu. Ðã không tìm hiểu kĩ, các ông lại phê phán là điều bướng bỉnh sai lầm đáng tiếc! Chúng tôi kết luận rằng: Ðức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo yêu mến thi sĩ Việt Châu vì thi sĩ là một đệ tử trung thành của Ngài. Kinh Sấm của Giáo Chủ, chính tay Giáo Chủ viết ra thôi. Ban Biên tập các ông múa rìu qua mắt thợ, thật là trơ trẻn vô cùng!

    4.- TỔNG HÀNH DINH CÁI VỒN.

    Trong quyển “Tây Nam bộ 30 năm kháng chiến” nói: “Cái lực lượng vũ trang của chúng ở các tỉnh phía Bắc sông Hậu tập trung tại Tổng hành dinh Cái Vồn …” (hàng 20 trang 85).
    Tổng hành dinh là dinh trại của chủ tướng và bộ tham mưu chính yếu của một đạo binh. Thời gian tháng 9 năm 1945, Hòa Hảo chỉ có Bảo An đội (được tổ chức vào tháng 8 dl năm 1945) với vũ khí cây roi gậy gộc để giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm. Ðến tháng 6 năm 1946, Hòa Hảo mới có tổ chức quân đội nhưng chỉ lưu động trong bưng biền rày đây mai đó để đánh giặc Pháp. Khi biến cố Ðốc Vàng Hạ (16-4-1946) Ðức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt, tình thế bắt buộc ông Trần Văn Soái phải ký Hiệp định Liên quân với Pháp vào ngày 18-5-1947. Từ đó, ôngTrần Văn Soái mới đặt tổng hành dinh tại Cái Vồn. Thời gian tháng 9 năm 1945, Phật Giáo Hòa Hảo không có quân đội mà có tổng hành dinh ở Cái Vồn.
    Các ông thêu vẽ sai sự thật quá!

    5.- CUỘC BIỂU TÌNH Ở CẦN THƠ (8-9-1945):

    Trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ lúc này có lắm chuyện bất ổn về nội bộ, khiến cho các nhà ái quốc bất mãn, làm suy giảm tiềm năng kháng Pháp. Người công dân Hòa Hảo có bổn phận áp dụng quyền tự do dân chủ, tổ chức cuộc biểu tình tại tỉnh Cần Thơ. Tác giả Nguyên Hùng tường thuật vấn đề nầy trong quyển “Sư Thúc Hòa Hảo”, nguyên văn như sau :
    “Ngày 8 tháng 9 Ba Dự đến trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo làm việc với đại diện Hòa Hảo là Chung Bá Khánh, một địa chủ lớn ở Bạc Liêu và Tú tài Thiều, phó chủ tịch Ủy Ban nhân dân Cần Thơ. Tại đây, Việt Châu khoe vừa đi hội nghị Tân Trào về có ghé Huế dự lễ thoái vị của Bảo Ðại. Biết Ba Dự thuộc nhóm giải phóng, Việt Châu vui vẻ tiết lộ: Ngày mai, Phật Giáo Hòa Hảo sẽ biểu tình ở Cần Thơ với ba khẩu hiệu:
    1. Ủng hộ chính phủ Trung Ương do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
    2. Tẩy uế những phần tử thối nát trong Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ.
    3. Võ trang quần chúng…”(trang 175).
    Ban tổ chức biểu tình có xin phép với Ủy Ban Hành Chính tỉnh. Nhưng đến ngày biểu tình Ủy Ban mở cuộc hợp tại dinh chủ tịch do chủ tịch Trần Văn Khéo chủ tọa và mời Ban đại diện đến thảo luận. Ủy Ban tỉnh yêu cầu giải tán đoàn biểu tình! Song Ban đại diện đưa ra lý do là cuộc biểu tình hợp pháp đã có xin phép và được sự đồng ý của chính quyền, lại là cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền cách mạng thì không có lý do gì giải tán!
    Cuộc bàn cãi chưa ngã ngũ, thình lình có tiếng súng nhả đạn vào đám quần chúng biểu tình không vũ trang và bắt trọn ba đại diện: Nguyễn Xuân Thiếp, Huỳnh Thạnh Mậu, Trần Văn Hoành…
    Những yếu tố dưới đây chứng minh cho cuộc biểu tình hợp pháp; không phải tổ chức cướp chính quyền:
    a.)- Trên bình diện chính trị, nếu Hòa Hảo có ý đồ cướp chính quyền thì phải cướp chính quyền Sài Gòn mới có uy lực với Pháp với đồng minh và các tỉnh. Cướp chính quyền tỉnh Cần Thơ đâu có lợi gì cho Hòa Hảo? Những yếu nhân của Hòa Hảo tất cũng thừa hiểu điều này.
    b.)- Cướp chính quyền tức là đảo chính, đương nhiên Hòa Hảo phải trang bị vũ khí cho đoàn dân quân để chiến đấu. Chính quyền tỉnh Cần Thơ làm sao bắt trọn ba nhân vật đại diện cuộc biểu tình trong giây phút dễ dàng như vậy!
    c.)- Ba khẩu hiệu biểu tình, khẩu hiệu thứ nhất: “Ủng hộ chính phủ Trung Ương do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo”, tức đây là cuộc biểu tình để biểu dương lực lượng quần chúng ủng hộ chính quyền. Ðã nói là ủng hộ chính quyền thì không thể cho là cướp chính quyền được.
    d.)- Trong quyển “Sư Thúc Hòa Hảo”, Nguyên Hùng cho biết:
    “Ngày 8 tháng 9, Ba Dự đến trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo. Tại đây, Việt Châu khoe vừa đi hội nghị Tân Trào về có ghé Huế dự lễ thoái vị của Bảo Ðại. Biết Ba Dự thuộc nhóm giải phóng, Việt Châu vui vẻ tiết lộ: Ngày mai Phật Giáo Hòa Hảo sẽ biểu tình ở Cần Thơ với ba khẩu hiệu” (trang 175).
    Theo tài liệu nói trên, chính đồng chí của các ông làm nhân chứng, trước biểu tình một ngày, Việt Châu (Hòa Hảo) có thảo luận với Ba Dự (Việt Minh) về vấn đề này! Nếu Hòa Hảo định cướp chính quyền, thi sĩ Việt Châu phải giữ kín mọi việc, cớ đâu lại tiết lộ trước với Ba Dự làm cho bại lộ bí mật của mình?
    e. Từ bán niên 1945 về trước, Phật Giáo Hòa Hảo chưa có thành lập một tổ chức nào cả. Ðến tháng 5 dl năm 1945, Phật Giáo Hòa Hảo mới có tổ chức Ban Trị sự để điều hành về tín điều trong phạm vi tôn giáo. Và tháng 8 năm 1945, Bảo An đội được thành lập để giữ gìn trật tự hương thôn (trong khi thay đổi chính quyền, nạn trộm cướp bạo hành). Bảo An đội chỉ có cây roi, tầm vông vạt nhọn không có vũ khí súng đạn làm gì nói đến chuyện cướp chính quyền?
    Và trong quyển “Tây Nam Bộ…”, Ban biên tập cũng xác nhận: “Chúng huy động tín đồ mang theo cây roi gậy gộc đi rước Thầy, nhưng thực chất dùng lực lượng đông đảo tín đồ để cướp chánh quyền…”(hàng 17 trang 85).
    Ðoàn biểu tình chỉ mang theo cơm ăn nước uống không có vũ khí. Dầu có mang “cây roi gậy gộc” như các ông nói đi nữa, cũng không ai dại gì dám kéo nhau đi cướp chính quyền. Bởi cướp chính quyền tức là “đảo chính”, đánh chiếm các cơ quan chủ yếu hành chính và các nơi doanh trại quân sự của chính quyền, trong khi chính quyền đã có bộ đội cộng hòa vệ binh trang bị súng ống phòng thủ.
    Tóm lại, Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức cuộc tuần hành ở Cần Thơ với mục đích: Áp dụng quyền tự do dân chủ đòi cải tổ lành mạnh Ủy Ban Hành Chính Nam Bộ, thể hiện tinh thần bất khuất của nhân dân miền Tây và ủng hộ chính phủ Trung Ương trong công cuộc cứu quốc. Ý nghĩa cuộc tuần hành rất minh bạch và hợp pháp. Nay, Ban Biên tập Tây Nam bộ các ông gán tội cho Hòa Hảo tổ chức cướp chính quyền là phi lý. Bởi không đủ “biện chứng” kết tội người trong vấn đề nầy!

    6.- KHÔNG THỂ TIN SỰ TỐT LÒNG VÀ CÁCH DÙNG TỪ KHÔNG ÐÚNG NGHĨA.

    Ban Biên tập Tây Nam Bộ nói: “Ngay sau tòa án tỉnh Cần Thơ mở phiên tòa xét xử, lên án tử hình 3 tên chủ mưu cầm đầu, giáo dục miễn tố cho tín đồ nhẹ dạ cả tin” (hàng 6 trang 86).
    Các ông cho rằng năm xưa (1945), các ông đối xử tốt với tín đồ Hòa Hảo nhưng đến nay trên nửa thế kỷ, tình thế không còn căng thẳng như thời kỳ xô xát trước. Tại sao các ông còn hậm hực bươi xới lại chuyện cũ dụng ngụy lý để giẫm nát trên đầu cổ nhiều triệu tín đồ Hòa Hảo, gây mầm chia rẽ hận thù. Như vậy, không thể nói rằng năm xưa đang hồi gay cấn các ông tốt bụng với tín đồ Hòa Hảo được.
    Quyển “Tây Nam Bộ” các ông nói: “Ta bắt Nguyễn Xuân Thiếp (bút hiệu Việt Châu), Trần Văn Hoành (con Năm Lửa) và Huỳnh Phú Mậu (em của Huỳnh Phú Sổ) (hàng 1 trang 86).
    Nghiên cứu về Phật Giáo Hòa Hảo, các ông còn non nớt, cẩu thả quá! Ðức Ông Huỳnh Công Bộ có hai người con trai, thứ tư: Huỳnh Phú Sổ; thứ sáu: Huỳnh Thạnh Mậu. Ðức Ông không có người con trai nào tên Huỳnh Phú Mậu.
    Và các ông dùng tĩnh từ “miễn tố”, ở đây cũng không đúng nghĩa. Miễn tố có nghĩa là tha cho người bị “tố cáo” sau khi tòa dự thẩm xét thấy bị cáo vô tội. Nhưng đoàn tuần hành này đã có xin phép hợp pháp và cũng không bị ai kiện tụng tố cáo về tội chi mà các ông nói được tòa án “miễn tố”.
    Cách dụng từ bừa bãi, không hợp lý.

    7.- VẤN ÐỀ ÔNG TRỊNH XUÂN GIỚI PHÓ BAN DÂN VẬN TRUNG ƯƠNG CỦA CHÁNH PHỦ CHO BIẾT.

    Trong tập Hương Sen số 7, ông Bùi Văn Ðương thành viên Ban Ðại diện Phật Giáo Hòa Hảo nói: Ông Trịnh Xuân Giới tỏ ý vui mừng về chuyến đi thăm Thủ Ðô lần đầu tiên của Phật Giáo Hòa Hảo… Và ông Xuân Giới cho biết : “Hồ Chủ Tịch trước đây coi Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ là cố vấn của chính phủ”.
    Hồ Chủ Tịch coi Ðức Giáo Chủ là “cố vấn của chánh phủ” nhưng Ban Biên tập Tây Nam Bộ cho rằng Ðức Giáo Chủ “gây bạo loạn, phá hoại, phản động…” Như vậy, ý ông Trịnh Xuân Giới và Bác Hồ đúng hay Ban Biên tập Tây Nam Bộ đúng? Nếu ban Biên tập đúng, tức hành chính bị đảo huyền, thượng hạ không còn gì là nguyên tắc hệ thống? Nếu ý ông Trịnh Xuân Giới và Bác Hồ đúng, Ban Biên tập Tây Nam Bộ chính là phần tử ngang nhiên phá loại chính sách “đại đoàn kết” của nhà nước, làm thương tổn cho đất nước đó!
    Như vậy, luật pháp có nghiêm trị phần tử vi phạm chính sách Nhà nước chưa? Ðiều quái lạ này, chúng tôi xin nhường cho quốc dân, thế giới và những cây bút của bậc cao minh sau này xét xử!

    8.- VẤN ÐỀ BỌN PHÒNG NHÌ.

    Ban Biên tập Tây Nam bộ nói: “Huỳnh Phú Sổ có bọn phòng nhì, mật thám cũ và mới góp sức sử dụng tôn giáo kích động tín đồ Hòa Hảo chống lại cách mạng” (trang 84).
    Chúng tôi xin nói rõ:
    Ôn lại quá trình “lập giáo” và “cứu quốc” của Ðức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo thời gian không đầy 8 năm (1939-1947), Ðức Giáo Chủ vắng mặt.
    Khoảng 5 năm đầu, Ðức Giáo Chủ đã bị giặc Pháp đàn áp gắt gao, lưu đày đủ cách. Mặc dù Ngài được người Nhật giải cứu ít lâu nhưng Giáo Chủ vẫn phải sống trong vòng kềm kẹp luôn.
    Tháng 9 năm 1945 bị Trần Văn Giàu khủng bố, Giáo Chủ phải đi sâu vào rừng Chà Là lánh nạn suốt năm. Còn lại không đầy 2 năm, Giáo Chủ vẫn tiếp tục trên đường chính nghĩa: chống thực dân Pháp. Và thời gian này (1946), Ðức Giáo Chủ ở chiến khu miền Ðông (khu 7), đóng quân gần với các nhà chỉ huy quân sự trong chiến khu Bình Xuyên.
    Ðến thượng tuần tháng 4 dl 1947, do sự yêu cầu của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, Giáo Chủ phải từ miền Ðông (khu 7) trở về miền Tây (khu 9) để hòa giải sự xung đột giữa Hòa Hảo và Việt Minh. Sau đó, Ngài bị Bửu Vinh âm mưu ám hại tại Ðốc Vàng Hạ (16-4-1947), Ðức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo vắng mặt.
    Kể từ ngày Ðức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo (18-5-Kỷ Mão) đến khi Ngài vắng mặt (25-2-nhuần Ðinh Hợi) trên 7 năm, không thời gian nào bên cạnh Ðức Giáo Chủ có bọn phòng nhì, mật thám giúp sức gây bạo loạn, chống cách mạng, phản quốc cả! Thậm chí cho đến ngày Ðức Giáo Chủ thọ nạn cũng vẫn làm việc theo hệ thống trên đường thi hành công vụ đó thôi!
    *Nếu Ðức Giáo Chủ cấu kết với bọn phòng nhì, gây bạo loạn, phản quốc, Giáo Chủ không được các giới chính trị và quân sự uy tín bầu Ngài làm Chủ Tịch “Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp” và làm cố vấn Danh Dự “Việt Nam Ái Quốc Ðảng” đồng thời được giữ chức vụ “Ủy Viên Ðặc Biệt” trong Ủy Ban Hành Chính Nam Bộ.
    *Nếu Ðức Huỳnh Giáo Chủ cấu kết với bọn phòng nhì phản quốc, mất uy tín, Ngài không được các tướng lãnh Bình Xuyên cảm tình nồng hậu và đóng quân chúng nơi chiến khu miền Ðông, một chiến khu rất quan trọng trong thời kỳ kháng Pháp!
    *Nếu Ðức Huỳnh cấu kết với bọn phòng nhì, phản quốc, Trung Ương và Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ đã công khai xử lý Giáo Chủ. Và các cơ quan tuyên truyền, các báo chí của Nhà nước lúc đó không thể bỏ qua.
    Còn chuyện quân đội Phật Giáo Hòa Hảo chống Việt Minh trong thời quá khứ là do một nguyên nhân khác. Chúng tôi sẽ trình bày khái lược trong một chương mục sau.
    Tóm lại, thành tích lập giáo và tranh đấu của Ðức Huỳnh Giáo Chủ hơn 7 năm (1939-1947), không có một vết nhơ nào hoen ố trên lịch sử. Ban biên tập Tây Nam Bộ các ông dàn dựng câu chuyện phi lý để dối gạt những kẻ dại khờ, không hiểu sự thật diễn biến về lịch sử trong thời kháng Pháp đó thôi.

    9.- SỐ NGƯỜI ÐỘI LỐT TÔN GIÁO.

    Quyển “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến” nói: Thành công của công tác dẹp bọn phản động đội lốt tôn giáo tạo bạo loạn chống lại chính quyền cách mạng. (hàng 9 trang 86 ).
    Các ông dùng từ thô bỉ chỉ thẳng vào Ðức Huỳnh Giáo Chủ và những yếu nhân Phật Giáo Hòa Hảo “đội lốt tôn giáo”. Các ông chưa hiểu thế nào là đội lốt tôn giáo? Ðội lốt tôn giáo là số người gian dối, mượn hình thức tôn giáo, nương mình vào am tự, tịnh xá để sinh sống và tổ chức chính trị. Họ không thực chất là một tín đồ trung thành với đạo.
    Số người ấy:
    1.- Họ mang sắc áo tôn giáo, nương tựa nơi Thiền môn , bày ra mê tín dị đoan lợi dụng của bá tánh… Ðó là số người đội lốt tôn giáo để nuôi thân.
    2.- Trên đường chính trị đôi khi bị thảm bại họ vào tôn giáo, chùa am để ẩn mình và làm nơi giao liên để tổ chức. Họ không cần biết đến trách nhiệm một tín đồ và trung thành với đạo. Vì tôn giáo đối với họ, hai lý tưởng vẫn khác nhau.
    Khi thời thế thuận tiện, họ xuất đầu lộ diện là cán bộ nằm vùng. Ðó là số người cán bộ cộng sản đội lốt tôn giáo để làm chính trị. Nói rõ hơn số người thật sự của tôn giáo dù hoàn cảnh nào họ cũng trung thành giữ gìn căn gốc. Trái lại, số “người đội lốt tôn giáo” khi thời thế thay đổi, ăn trái xong họ chặt chồi nhổ gốc. Trường hợp Ðức Huỳnh Giáo Chủ và các yếu nhân của Phật Giáo Hòa Hảo, lúc nào họ cũng khép mình trong khuôn khổ đạo, lo phát huy và một lòng với đạo, trước sau như một. Họ khuất bóng, giáo sử vẫn sáng tỏ và tín đồ thờ kính luôn.
    Ðành rằng trong căn nhà Phật Giáo Hòa Hảo cũng có một ít phần tử hành động sai giới luật đạo. Nhưng đó là lẽ đương nhiên mà bất cứ một trường sở, một đảng chính trị và một tôn giáo nào cũng không tránh khỏi; huống chi Ðức Giáo Chủ vắng mặt, vị lãnh đạo không được trực tiếp điều hành.
    Về vấn đề Ðức Giáo Chủ và các yếu nhân Phật Giáo Hòa Hảo có ra làm chính trị, đây chỉ là phương tiện của chư Bồ Tát và trách nhiệm của công dân đối với đất nước lúc lâm nguy. Chớ không thể cho đây là số người đội lốt tôn giáo để làm chính trị được. Vì mưu đồ chính trị tức phải tiến đến việc củng cố chính quyền, lãnh đạo quốc gia. Ngược lại, trách nhiệm của người Phật Giáo Hòa Hảo chỉ làm theo đường lối cứu quốc như Ðức Giáo Chủ cho biết:
    “Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,
    Thương đời chưa vội ẩn non cao.”

    Và:
    “Tăng Sĩ quyết chùa am bế cửa,
    Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
    Ðền xong nợ nước thù nhà,
    Thiền môn trở gót Phật Ðà nam mô.”

    Việc làm này không phải chỉ riêng Phật Giáo Hòa Hảo, các đại sư trong lĩnh vực Phật giáo xưa kia với tình yêu chủng tộc, cũng phải thế thôi.
    Và các tướng lĩnh Phật Giáo Hòa Hảo đã làm vì suốt cả đời người, có phải là dù thăng trầm mấy lược cũng đeo đuổi theo chương trình Dân Chủ Xã Hội. Và lo bảo vệ đồng môn trong vùng đất đạo, cho đến ngày vùi xương nơi lòng đất lạnh, các ông không còn lưu lại sự nghiệp riêng tư nào đáng kể cho đời mình.
    Còn một chuyện tưởng cũng nên nhắc lại: năm 1951, ông Trần Văn Soái Tổng tư lệnh quân đội Phật Giáo Hòa Hảo đến viếng chùa Tòng Sơn của Ðức Phật Thầy. Sau khi lễ bái, ông xem mớ tóc của Ðức Phật Thầy. Nhìn kỷ vật, nhớ đến công đức người xưa, ông Tổng tư lệnh chạnh lòng rơi lệ trước Ban Quản Tự và tất cả mọi người. Ðồng thời ông còn giúp đỡ mọi phương tiện cho nhà chùa. Và năm 1963, Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ cũng đóng góp xây dựng khang trang ngôi chùa này và nhiều ngôi Thánh tích khác. Họ vẫn giữ “Một đời một đạo đến ngày chung thân”. Như thế, tướng lĩnh Hòa Hảo có phải số người đội lốt tôn giáo chăng?
    Tóm lại, đường lối chính trị của Ðức Huỳnh Giáo Chủ chỉ vì lòng từ bi phương tiện của chư Bồ Tát cùng trách nhiệm công dân đối với quốc gia khi hữu sự. Ban Biên Tập Tây Nam Bộ các ông không thạo việc cổ kim thế giới và những gì về Phật Giáo Hòa Hảo nên sự phán đoán nông cạn, không biết thế nào là số người “đội lốt tôn giáo”. Ðầu óc một con người cán bộ và một nhà văn lại thiển cận như thế, biết bao giờ đồng bào ta thực sự đoàn kết kiến thiết quốc gia giàu mạnh cho tiền nhân ta hài lòng nơi chín suối.

    10.- NGUYÊN NHÂN PHẬT GIÁO HÒA HẢO CÓ QUÂN ÐỘI TRONG THỜI QUÁ KHỨ.

    Ban Biên tập “Tây Nam Bộ” dùng tiếng bọn phản động chỉ thẳng vào Ðức Huỳnh Giáo Chủ và đạo Phật Giáo Hòa Hảo là sai lầm, thô bỉ. Bởi “bọn” là danh từ chỉ cho số người mất dạy, tụ năm, tụ bảy, phá xóm, phá làng, sống ngoài vòng pháp luật đáng khinh… như đám côn đồ, lũ trộm cắp, bọn gian tham .v.v… Nhưng quân đội Hòa Hảo của chúng tôi là dân quân cách mạng. Tổ chức này từ trong dân chúng mà ra và hợp tình hợp lý.
    Nhà nước lúc nào cũng kêu gọi toàn dân đoàn kết, coi đồng bào như anh em cốt nhục một nhà, song các ông cố tình chia rẽ.
    Một cán bộ mang lấy quân hàm, một nhà văn bỉnh bút đầu óc hẹp hòi, làm việc quanh quẩn như thế ư ?
    Trên bình diện giải phóng quốc gia khỏi ách nô lệ của ngoại xâm, chúng tôi xin nói rõ:
    Giặc Pháp đánh chiếm Việt Nam ta trên 80 năm, tiền nhân ta đã hy sinh rất nhiều xương máu trong công cuộc cứu quốc.
    Từ cương vực một vị Giáo chủ đang giảng dạy đạo lý giải thoát chúng sanh ở cửa Thiền lâm vì tình yêu tổ quốc, Ðức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo phải rời am tự, bước chân trên vũ đài chính trị tranh đấu giành lại chủ quyền độc lập quốc gia.
    Tháng 8 năm 1946 các nhà lãnh đạo quân sự triệu tập một phiên đại hội nghị quân sự tại Sài Gòn, quyết nghị thành lập bốn sư đoàn:
    1.- Dân Quân Cách Mạng Ðệ Nhất Sư Ðoàn do cựu chiến binh Bình Xuyên đảm trách.
    2.- Dân Quân Cách Mạng Ðệ Nhị Sư Ðoàn do Cao Ðài (tướng Nguyễn Thành Phương và Phạm Công Tắc) đảm trách.
    3.- Dân Quân Cách Mạng Ðệ Tam Sư Ðoàn do Nguyễn Hòa Hiệp (cựu Ðảng viên Quốc Dân Ðảng) đảm trách.
    4.- Dân Quân Cách Mạng Ðệ Tứ Sư Ðoàn do Phật Giáo Hòa Hảo đảm trách.
    Ðây là chính nghĩa, chủ lực chống xâm lăng giữ gìn cương thổ. Nhưng vận nước chưa gặp hồi sáng tỏ, nạn ganh tài tranh vị lại xảy ra. Ít lâu, Trần Văn Giàu lợi dụng vị thế Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính Nam Bộ giải tán bốn sư đoàn. Riêng Ðệ Tứ Sư Ðoàn còn tồn tại là lực lượng quân đội Phật Giáo Hòa Hảo sau này. Ðó là nguyên nhân Phật Giáo Hòa Hảo có quân đội.

    11.- LÝ DO QUÂN ÐỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CÁC GIÁO PHÁI CHỐNG VIỆT MINH TRONG THỜI QUÁ KHỨ.

    Sau vụ biến cố Bửu Vinh ám hại Ðức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo tại Ðốc Vàng Hạ (16-4-1947), Ðức Giáo Chủ vắng mặt. Nam Bộ vô cùng phức tạp, làm suy giảm tinh thần kháng Pháp ở miền Nam. Phật Giáo Hòa Hảo như “rắn không đầu”, mặt trước, sau lưng đều thọ địch.
    Ðứng trước tình thế rối beng lúc này, chẳng những riêng các tướng lĩnh Phật Giáo Hòa Hảo mà các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và quân sự cũng phải tự chọn cho mình một con đường sinh lộ: Tướng Lê Văn Viễn và số binh sĩ Bình Xuyên kéo ra thành hợp tác với chính phủ Trần Văn Xuân. Thiên Chúa giáo cũng hợp tác với Pháp để ủng hộ giáo dân. Cao Ðài cũng ra mặt với Pháp để bảo vệ Tòa Thánh Tây Ninh và chư tín đồ. Ông Trần Văn Soái (Hòa Hảo) cũng ký hiệp định “liên quân” với Pháp để đối phó với tình thế bất trắc nói trên, không có bọn phòng nhì nào góp sức “kích động tín đồ Hòa Hảo chống cách mạng” chi cả!
    Nếu Ban Biên Tập Tây Nam Bộ cho rằng “bọn phòng nhì…. kích động tín đồ Hòa Hảo chống lại cách mạng” thì Trần Văn Giàu sát hại những nhà ái quốc, những yếu nhân Phật Giáo Hòa Hảo, khủng bố Ðức Huỳnh Giáo Chủ phải vào rừng sâu lánh nạn (1945) và Bửu Vinh ám hại Ðức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo ở Ðốc Vàng Hạ (16-4-1947) cũng do nguyên nhân bọn phòng nhì “góp sức kích động” hay sao?
    Thử hỏi, nếu Trần Văn Giàu và Bửu Vinh không gây những tội ác tày trời này và đưa tín đồ Hòa Hảo vào con đường tử lộ thì làm sao có chuyện quân đội Hòa Hảo liên quân với Pháp đánh lui Việt Minh ra khỏi vùng đất đạo để tự vệ cho đồng đội và đồng đạo của mình? Ðó là lý do quân đội Phật Giáo Hòa Hảo chống lại Việt Minh trong thời quá khứ.
    Tóm lại, Phật Giáo Hòa Hảo có quân đội là vì trách nhiệm công dân đối với quốc gia khi hữu sự. Quân đội Phật Giáo Hòa Hảo chống Việt Minh trong thời ấy là điều bất đắc dĩ. Và đây là phương lược tự vệ. Người “tự vệ” (Hòa Hảo) đứng trước công lý không có tội. Kẻ “gây hấn” (Việt Minh) mới có tội. Chuyện ông Trần Văn Soái ký hiệp định liên quân với Pháp vì tình thế “ngộ biến” phải “tùng quyền”, dù cho bất cứ một đảng chính trị nào và thời chiến nào cũng không thể vạch cho mình một kế sách tiến, thoái khác hơn.

    IV. PHẦN KẾT LUẬN.

    1. HÀNH ÐỘNG CHÁNH ÐẠI QUANG MINH CỦA ÐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ.
    Có nghiên cứu các tài liệu lịch sử của các đảng phái chính trị thời đệ nhị thế chiến ở Việt Nam ta, nhất là ở Nam Bộ, ta mới thấy rõ hành động “chính đại quang minh” của Ðức Huỳnh Giáo Chủ.
    Dưới đây xin đơn cử một vài trường hợp.
    a.- Cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ.
    Bởi đệ nhị thế giới chiến tranh, nạn đói làm thiệt hại hai triệu đồng bào miền Bắc. Ngay khi đó, (hè năm Ất Dậu 1945) Ðức Huỳnh Giáo Chủ đi khắp các tỉnh miền Tây vận động cứu trợ nạn đói cho đồng bào miền Bắc và khuyến khích dân chúng lo khuyếch trương nông nghiệp để tránh nạn đói lan diễn khắp nơi trên đất nước.
    Trong bài “Khuyến Nông”, Giáo Chủ nói:
    “Cả kêu điền chủ phu nông,
    Ðứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang.
    Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,
    No dạ dày là chước đầu tiên.
    Nam Kỳ đâu phải sống riêng,
    Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung.”

    b.- Bảo An đội.
    Sau thời gian Ðức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đi khuyến nông khắp các tỉnh miền Tây trở về Sài Gòn (tháng 8 dl năm 1945) vì có chuyện thay đổi chính quyền. Trong lúc giao thời đó, việc kiểm soát không được chặt chẽ nên có nhiều địa phương, nhất là nơi hẻo lánh thường xảy ra lắm vụ cờ bạc, trộm cướp, giết người… Ðể cứu vãn tình thế nguy ngập này, Ðức Huỳnh Giáo Chủ cho thành lập Bảo An đội hầu giữ gìn trật tự hương thôn, bảo vệ mùa màng… Bảo An đội không có vũ khí súng đạn và không lưu động mà ở thôn xóm nào lo giữ gìn an ninh cho thôn xóm đó. Dù không được bảo đảm an ninh toàn diện các tỉnh miền Tây, nhưng cũng nhờ đây mà dân chúng tạm được yên ổn làm ăn .

    c.- Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp.
    Ngày 20-4-1946, một phiên đại hội đông đủ các giới chính trị và quân sự hợp tại Bà Quẹo, thành lập “Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp”. Ðức Huỳnh Giáo Chủ (biệt hiệu Hoàng Anh) được đại hội bầu cử giữ chức vụ Chủ tịch. Ông Vũ Tam Anh làm Phó chủ Tịch, ông Lê Trung Nghĩa làm Ủy viên thông tin và tuyên truyền…Các tướng lĩnh: Huỳnh Văn Trí, Lê Văn Viễn, Bùi Hữu Phiệt, Dương Văn Hà, Lại Hữu Tài, Bác vật Hồ Ngọc Chiếu… được tham dự vào ủy ban Quân sự Trung ương.
    “Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp” là một mặt trận võ phòng cho công cuộc chống xâm lăng. Nhưng sau đó, Nguyễn Bình lợi dụng danh nghĩa chính quyền giải tán và khủng bố những người có tên trong mặt trận.

    d.- Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng.
    Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng gọi tắt là Dân Xã Ðảng không phải một đảng riêng của Phật Giáo Hòa Hảo mà do những nhà ái quốc cùng Ðức Huỳnh Giáo Chủ thành lập và công bố trước quốc dân ngày 21-9-1946.
    Mục đích của Dân Xã Ðảng có hai phương lược: “cứu quốc” chống xâm lăng và chương trình “kiến quốc” theo đường lối tự do, dân chủ, đưa đất nước đến chỗ văn minh, cường thịnh.
    Thành phần Ban chấp hành trung ương Dân Xã Ðảng nhiệm kỳ I, gồm có:
    -Tổng Bí Thư: Nguyễn Bảo Toàn (Thiên Chúa - nhân sĩ).
    -Ủy Viên ngoại giao: Nguyễn Văn Sâm (nhân sĩ).
    -Ủy Viên chánh trị: Trần Văn Ân (nhân sĩ).
    -Ủy Viên tuyên huấn: Lê Văn Thu (nhân sĩ).
    -Ủy Viên: Lâm Văn Tết (nhân sĩ).
    -Ủy Viên: Ðỗå Phong Thuần (nhân sĩ).
    -Ủy Viên: Trần Văn Tâm (Phật Giáo Hòa Hảo).
    -Ủy Viên liên lạc: Lê Văn Thuận (Phật Giáo Hòa Hảo).
    -Ủy Viên: Ðức Huỳnh Giáo Chủ (Phật Giáo Hòa Hảo).
    Trong số Ủy viên trung ương Ðảng 9 người chỉ có 3 người Phật Giáo Hòa Hảo (kể cả Ðức Huỳnh Giáo Chủ) giữ nhiệm vụ có tính cách yểm trợ. Các chức vụ trọng yếu đều do những nhân vật trí thức, không phải người của Phật Giáo Hòa Hảo đảm trách. Ðiều này làm cho các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lo ngại về việc trao trọn quyền điều khiển cho người ngoại đạo, Ðức Giáo Chủ cho biết: “Phàm hễ hợp tác thì nên thành thật. Ðã tín nhiệm thì phải giao phó nhiệm vụ, đặt để đúng chỗ, xứng với tài năng. Việc cứu nước là việc mình nên ủng hộ cho người ta làm, chớ đừng tỵ hiềm tranh giành địa vị mà hư việc lớn. Mình nên thật tâm đem khối quần chúng hùng hậu của Phật Giáo Hòa Hảo mà ủng hộ các chiến sĩ cách mạng tranh đấu cho đất nước”.
    Dù Dân Xã Ðảng không được thành công, phải bị trở ngại như trường hợp TÂN PHÁP của Vương An Thạch (1068-1078) ở Trung Hoa và ý thức tiến bộ bản ÐIỀU TRẦN của Nguyễn Trường Tộ (1827-1871 ) ở Việt Nam ta. Nhưng công thức tiến bộ sáng suốt ấy vẫn là một bài học cần thiết cho những nhà lãnh đạo quốc gia trên khắp thế giới sau này.

    g.- Ðức Huỳnh Giáo Chủ Tham Chánh (14-11-1946).
    Dù là đối phương nhẫn tâm đối với Ðức Giáo Chủ, nhưng Ngài vẫn coi quyền lợi quốc gia quan trọng hơn hết nên Ngài xóa bỏ hiềm riêng, nhận lời mời tham gia vào Ủy Ban Hành Chính Nam Bộ hầu lo việc giải phóng đất nước.
    Sau thời gian Ðức Huỳnh Giáo Chủ tham chính, Ngài đóng quân chung trong chiến khu miền Ðông (khu 7) cùng các tướng lĩnh : Huỳnh Văn Trí, Lê Văn Viễn, Bùi Hữu Phiệt (Trưởng trung đoàn 25) …và đã được sự cảm tình nồng nhiệt với liên quân Bình Xuyên trong những ngày gian nguy kháng Pháp ở chiến khu này.

    2. NHỮNG THỦ ÐOẠN ÐEN TỐI CỦA ÐỐI PHƯƠNG.
    Dù trước, sau gì Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng vẫn đối xử tốt, nhưng Trần Văn Giàu và Bửu Vinh dùng thủ đoạn man trá đối với Ðức giáo Chủ.
    Xin kể lại một vài trường hợp:
    a.- Ngày 2 tháng 9 năm Ất Dậu (07-10-1945 ), họ hành quyết các nhân vật tay chân của Ðức Huỳnh Giáo Chủ, như: Huỳnh Thạnh Mậu (bào đệ của Ðức Giáo Chủ), thi sĩ Việt Châu - Nguyễn Xuân Thiếp, Trần Văn Hoành (con ông Trần Văn Soái) tại Cần Thơ. Và tiếp đó, họ sát hại nhiều yếu nhân của Phật Giáo Hòa Hảo ở các tỉnh miền Tây.
    b.- Ở Sài Gòn đêm mùng 4 tháng 8 năm Ất Dậu, Trần Văn Giàu bao vây trụ sở Phật Giáo Hào Hảo đường Sohier bắt nhiều cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ có Ðức Huỳnh Giáo Chủ thoát khỏi. Từ đó, Ðức Giáo Chủ phải di cư đến Biên Hòa, Bà Rịa và đi sâu vào rừng Chà Là để lánh nạn.
    Trong một khu rừng thâm u quạnh quẽ, Ðức Giáo Chủ tự thán:
    “Từ ấy lao mình vượt khổn nguy,
    Băng rừng lội suối giả man di.
    Ngày mong ải Bắc oan nầy giải,
    Ðem sức ra nâng lá quốc kỳ.”

    c.- Ðức Huỳnh Giáo Chủ Về Miền Tây Và Thọ Nạn.
    Theo tài liệu trong quyển “Sư Thúc Hòa Hảo” của tác giả Nguyên Hùng cho biết:
    “Nghiên cứu tình hình miền Tây, Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ thấy cách hay nhất là đưa Huỳnh Phú Sổ về miền Tây thuyết phục tín đồ dẹp bỏ hận thù để chung sức chống Pháp. Thư mời Ủy Viên Ðặc Biệt Nam Bộ được cấp tốc gởi Sổ… (hàng 20 trang 242).
    Ðể thi hành công vụ hòa giải nên thượng tuần tháng 4 dl năm 1947, Ðức Huỳnh Giáo Chủ từ miền Ðông (khu 7) trở về miền Tây (khu 9) gần hai tuần lễ, Giáo Chủ về đến chợ Ba Răng, thôn Phú Thành (Long Xuyên).
    Cũng trong tài liệu nói trên, Nguyên Hùng cho biết thêm:
    “Ngày 15 tháng 4 năm 1947 Sổ nhận được thư mời của giáo sư Trần Văn Nguyên thanh tra chánh trị miền Nam mời hợp tại Ba Răng về vấn đề hòa giải vụ xung đột giữa Hòa Hảo và Việt Minh” (hàng 27 trang 148).
    Y thư mời, lối 7 giờ sáng ngày 15-4-1947 Ðức Huỳnh Giáo Chủ xuống ghe đi tới chợ Ba Răng (rạch Ðốc Vàng Hạ) gặp giáo sư Nguyên. Sau 15 phút, Ðức Giáo Chủ đứng lên diễn thuyết kêu gọi đôi bên Hòa Hảo và Việt Minh xóa bỏ hận thù để chung lo vận mệnh đất nước. Ðồng thời, Ðức Giáo Chủ còn thảo ra nhiều tờ hiệu triệu bố cáo cho mọi người biết thượng cấp của hai bên đã bắt tay lo việc giải phóng quốc gia…
    Hôm sau (16-4-1947) Ðức giáo Chủ nhận thêm một bức thơ của Bửu Vinh mời Giáo Chủ hợp tại văn phòng của y (nhà ông Mười Ðủ, rạch Ðốc Vàng Hạ, xã Tân Phú, tỉnh Long Xuyên). Nơi đây, Bửu Vinh bố trí cuộc mưu sát Ðức Huỳnh Giáo Chủ (vào lúc 7 giờ rưỡi tối). Phòng vệ của Ðức Giáo Chủ chết ba, còn một chạy về Phú Thành báo tin.
    Tiếp được hung tin này, tất cả tướng binh của Ðức Giáo Chủ cương quyết đem hết toàn lực đi giải vây và báo thù. Nhưng khoảng 11 giờ khuya có một người tín đồ ở gần chỗ bạo hành đó phi ngựa đến Phú Thành trao cho ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ một bức thơ chính thủ bút và chữ ký của Ðức Giáo Chủ. Và bức thơ này chính Ðức Huỳnh Giáo Chủ trao tận tay cho người đưa thơ. Trong thơ có đoạn Ðức Giáo Chủ viết: “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu… Phải triệt để tuân lệnh”.
    Bởi có lệnh của Ðức Giáo Chủ cấm, nên binh sĩ của Ngài đành phải án binh bất động.
    Qua quá trình tranh đấu của Ðức Giáo Chủ, đứng về phương diện khách quan nhận xét: Em ruột của Ðức Giáo Chủ và tay chân thân tín của Ngài bị đối phương sát hại. Chính bản thân Ðức Giáo Chủ cũng bị khủng bố, phải đi vào rừng sâu lánh nạn. Thậm chí chuyến đi công vụ hòa giải lần sau cùng do Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ yêu cầu, Giáo chủ cũng bị Bửu Vinh ám hại. Nhưng Ðức Giáo Chủ vẫn đối xử tốt, cấm binh sĩ của Ngài không cho “báo oán trả thù”.
    Ðiều đáng nói hơn nữa là: Bửu Vinh, một Ủy viên quân sự cấp tỉnh, lại đi ám hại Ðức Huỳnh Giáo Chủ cấp Ủy viên Nam Bộ. Nhưng quân kỷ có thấy ai nói gì đâu?
    Tưởng trang sử bi đát qua rồi được sóng lặng gió êm, không ngờ tiếp theo hằng loạt sách báo của cán bộ văn nhân nhà nước cho ra đời như: DÒNG SÔNG THƠ ẤU, SƯ THÚC HÒA HẢO, TƯỚNG PHƯỜNG TUỒNG NĂM LỬATÂY NAM BỘ 30 NĂM KHÁNG CHIẾN… vu khống, mạ lỵ Ðức Giáo Chủ đạo Phật Giáo hòa Hảo là: Bọn gây bạo loạn, cướp chánh quyền, phản quốc v.v… Trong khi trên các đài truyền thanh, truyền hình của nhà nước vẫn tuyên bố: Việt Nam tôn trọng nhân quyền, tôn giáo được tự do tín ngưỡng.
    Tóm lại, Ban Biên Tập Tây Nam Bộ các ông cố tình bóp méo lịch sử dân tộc, ghi chép không đúng sự thật.
    Chuyện rất tầm thường như: Huỳnh Thạnh Mậu (bào đệ của Giáo Chủ), các ông cho là Huỳnh Phú Mậu. Năm 1945, Phật Giáo Hòa Hảo chưa có quân đội và tổng hành dinh ở Cái Vồn, các ông cho rằng thời gian ấy Phật Giáo Hòa Hảo có tổng hành dinh ở Cái Vồn v.v… Ðiều này người dân có đôi phần học thức hoặc cao niên kỷ ở miền Tây Nam bộ ai mà chẳng biết. Nhưng các ông lại viết, nói sai sự thật theo chiều hướng của các ông, những gì khó hiểu hơn, quan trọng hơn làm sao các ông ghi chép, phán đoán cho đúng được?
    Khi tìm xét kỹ thành tích tranh đấu của Ðức Huỳnh Giáo Chủ và hành động của đối phương, người kém trí đến đâu và nhận xét ngay thẳng cũng thấy rõ rằng: ai là người làm việc “chánh đại quang minh” theo nguyên tắc? Ai là kẻ bày trò dã man đen tối, mị dân? Ai thật sự đoàn kết, nhẫn nhịn lo đại nghĩa quốc gia? Ai lừa bịp chia rẽ và độc tài, gây hấn?
    Ngày giờ nào trên đất nước Việt Nam ta, nhất là giới hữu trách và văn nhân nhà nước còn đóng khung trong cố định, chưa quên hết hận thù,chưa thật sự đặt quyền lợi quốc gia trên tất cả thì biết bao giờ đất nước ta mới được phú cường và đồng bào ta mới được chung sống với cảnh : Tự do, Hạnh phúc, Thanh bình?


    C
    ố cư sĩ NGUYỄN VĂN ĐON
     
    Sửa lần cuối bởi điều hành viên: 22/12/22

Chia sẻ trang này