Đức Huỳnh Giáo Chủ Đản Sanh ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ ĐẢN SANH Phan Thanh Nhàn Việt Nam xuất hiện Hạ Nguơn kỳ, Thánh Tổ lâm phàm hiệp ngũ chi. Ba tiếng sấm vang khai địa huyệt, Bảy nguồn thủy dựng tảo sơn kỳ. Rồng Mây Phật hội Phong Thần mạng, Sen nở Long Hoa vạn quốc quy. Ơ' hỡi ! Lạc Hồng nền Bích Ngọc, Vững lòng Chúa ẩn, hạnh tùy duyên . A.T.Y Nội dung bài thơ đã tóm lược những điều Sấm Giảng đã giải về cõi đời Hạ Nguơn, hiện tượng sấm nổ, Hội Long Vân, Hội Long Hoa, Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt, giống Hồng Lạc lập nên dòng Bích Ngọc sau nầy. Những điều sơ dẫn trên đây là nguyên lý để hiểu do đâu nuuớc Việt Nam sẽ là cõi Trung Ương trong thời Thuuợng Nguơn và dân tộc Việt Nam sẽ dẫn đạo sau nầy, như Sấm Giảng đã từng cho biết: Nước Nam Việt nhằm cõi Trung Ương, Sau sẽ có Phật Tiên tại thế. Kệ Dân Hoặc là: Cõi Trung Ương luân chuyển phương Nam, Mở hội Thánh chọn người trung hiếu. Diệu Pháp Quang Minh Hay là: Cõi Trung Ương nhằm đất nước Việt Nam, Chọn một chàng tuổi trẻ tục phàm, Mượn tay gã tờ hoa Thần hạ bút, Khuyên bá tánh tầm Tiên rời tục. Chỉ máy Trời bày tỏ việc về sau, Gái cùng trai gìa trẻ bước vào . Đường trí huệ quy y gìn Đạo pháp. Trao Lời Cùng Ông Táo Cũng như: Việt Nam là giống Hồng Bàng, Không còn hung bạo lăn loàn như nay. Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo cho biết lần xuống thế kỳ nầy là Ngài vưng lịnh Phật Tổ: Ta vì vưng sắc lịnh Ngọc Tòa, Đền Linh Khứu sơn trung chịu mạng. Giác Mê Tâm Kệ Ngài cho biết Ngài xuống thế gian để truyền diệu pháp cho người đời cải tà quy chánh: Ngọc Tòa Phật Tổ nấy sai Ta, Xuống cứu thế gian nẻo vại tà. Hiệp sức tớ Thầy truyền diệu pháp, Cho đời thấu rõ đạo Ma Ha. Tối Mùng Một Trong bài "Sứ Mạng Của Đức Thầy", Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết, nguyên do Ngài lâm phàm: - DO THỜI CƠ: là cơ vận mạmg của một nước và thế lực thạnh suy của nhân tâm cần đến sức lực của Thánh Nhân, Ngài nói " ... vì thời cơ đã đến, lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan .Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn khốc do loài người tàn bạo gây nên ... " và " ... lòng quảng đại từ bi, hềm vì nỗi cảnh quốc phá gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao,chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ " - DO HOÀN CẢNH: địa thế và xã hội để Thánh Nhân giáng trần, trên thì hạp lòng Trời, dưới thì hợp với chúng sanh để cho Ngài dạy dỗ được mau lẹ, Ngài nói : " ...Thiên Tào đà xét định, khắp chúng sanh trong thế giới trong cái buổi Hạ Nguơn nầy, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiêp qủa , luật trời đà trị tội, xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác qúa nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vị chơn Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện hồi đầu, cải tà quy chánh thì mới mong Thiên Đình ân xá bớt tội căn để kíp đến Long Hoa chầu Phật, trước biết rõ luật Trời thưởng phạt, cùng hữu duyên nghe Phật pháp nhiệm mầu, kiến diện bậc Chơn Sư, tu hành mau đắc qủa, sau làm dân Phật quốc hưởng sự thái bình " - DO CƠ DUYÊN: Thánh Nhân ra đời ở xứ nào có tiền duyên với Ngài, phần đông có chí tu hành đến nấc thang tiến hóa cần thiết, Ngài mới lâm phàm giúp đỡ, Ngài nhận rằng :" ... Ai liễu Đạo nơi quốc độ nào thi` cũng phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân, vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh ". Ngài cũng cho biết: Dạy Đạo chánh vì thương Nam Việt, Ở Cao Miên vì mến Tần Hoàng . Trở về Nam đặng có sửa sang, Cho thiện tín được rành chơn lý. Kệ Dân Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết Ngài lâm phàm tại An Giang, nhằm vào lãnh thổ tỉnh Châu Đốc, miền Nam nước Việt: Tây Phương trở gót qúa xa đàng, Thương xót Nam Kỳ lại An Giang. Lộ chút Cơ Huyền Và chuyển kiếp vào một xác "thanh sắc trẻ", họ HUỲNH, ở thôn Hòa Hảo. Chính với địa danh nầy, Ngài đặt cho nền Đạo của Ngài là PHẬT GIÁO HÒA HẢO: HÒA thôn HẢO cảnh xứ chi ta, Tạm dắt nhơn sanh khỏi ái hà . Tạo xác HUỲNH danh thanh sắc trẻ, Chờ thời Thiên định thiết hùng ca . Hai Mươi Chín Tháng Chạp Hoặc là: Kỷ Mão hạ san mượn xác trần, Cảnh tình đồng loại lão khuyên dân . Thậm thâm đây đó niềm liên ái, Hợp tác cùng nhau nối bút thần. Cho Ông Hương Chủ Bó Hay là: Lòng yêu sanh chúng luân chuyển kiếp, Dạ ái dương trần đổi sắc thân. Cho Ông Nguyễn Thanh Tân Ngài xuống trần để "nối bút thần", là tiếp tục công cuộc cứu thế của Ngài . Đây không phải là lần đầu tiên, mà trong qúa khứ Ngài cũng đã từng lâm phàm: Chim Ô đà dựa cầu Ngân, Người xưa trở gót cho gần người nay. Thiên lý Ca Hoặc là: Lời khuyên xưa cũng một lần, Nay mượn xác trần xuống bút ra cơ. Sám Giảng Q3 Hay là: Lời của người di tịch Núi Sam, Chớ chẳng phải bày điều huyễn hoặc. Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc, Chẳng ở yên còn xuống phàm trần . Ấy vì thương trăm họ vạn dân, Nên chẳng kể tấm thân lao khổ. Kệ Dân Đức Huỳnh Giáo Chủ có thế danh là Huỳnh Phú Sổ, sanh taị làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, vào ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 15 tháng 1 năm 1920. Ngài là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm; một gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và uy tín với nhân dân địa phương. Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc Tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về nhà dưỡng bịnh . Từ 15 đến 21 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được. Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất Sơn và Tà Lơn - những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ - Ngài tỏ ra đại ngộ. Ngày 18-5 Kỷ Mão (1939) Ngài chính thức mở Đạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh, Ngài chữa lành các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật đơn giản là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến các bác sĩ Tây y, các dược sư Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị. Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm . Ngài chữa được hàng vạn chứng bịnh hiểm nghèo, thuyết pháp hàng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hà trăm bài thi ca, văn, chú, có giá trị siêu việt. Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp "Miệng nhích môi đầy văn tao nhã, Hạ bút thần thơ đã đề khai". Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo, vì trước khi Ngài ra đời, Đạo Phật thế giới chưa nói tới việc canh tân và Đạo Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà căn nguyên không phải của Đức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có. Ngài là một bậc "thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhân sự", như Ngài cho biết: Nào ai biết tâm Ta đời bát lãm. Không Buồn Ngủ Cũng như: Tiếng riêng than tai nghe thảnh thót. Nang Thơ Cẩm Tú Điều đó chứng tỏ rằng Ngài đã có Lục Thông. Đến đây chúng tôi xin mở một dấu ngoặc, nếu chúng ta đọc qua Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ bằng Chánh Kiến với trí năng trong khi phê đoán tường tận và đừng cho tà kiến chen vào thì chúng ta tin rằng Đức Giáo Chủ là vị Cổ Phật hóa hiện làm một vị Đại Bồ Tát cứu độ và hoằng hóa chúng sanh, như Ngài thố lộ: Xưa nay không có mấy khi, Dương trần có Phật vậy thì xuống đây. Sấm Giảng Q1 Hay là: Xưa nay sáu chữ lạnh tanh, Kim Sơn Phật ấy giáng sanh đành rành. Thơ Cho Ông Bán Chiếu Hoặc là: Bi động từ tâm gọi mấy lời, Chúng sanh Nam Bắc lụy tuôn rơi. Kim Sơn trông thấy lòng tha thiết, Mà còn nhiều lắm chúng sanh ôi! Lộ Chút Cơ Huyền Hay là: Thoàn nhỏ ly gia vị tất nan, Bửu sanh du lịch Lục Châu giang. Kim Sơn thương mãi toàn lê thứ, Thức tỉnh bá gia giấc mộng tràng. Cho Đức Ông mất gheNgài đã khiêm tốn đối lại cái gọi là "sự khôn" của người đời: Ta cũng tỏ đôi lời khờ khạo, Ngắm cảnh đời tâm não bắt cuồng. Hiệu Điên Khùng ban rãi dư muôn, Khùng đạo đức Khùng câu tuyệt diệu . Khùng toán biết âm dương kết liễu, Khùng huyền cơ Khùng Đạo Thích Ca. Diệu Pháp Quang Minh Đức Huỳnh Giáo Chủ xuất hiện giữa cõi đời nầy với tư cách là một bậc Giác Ngộ hoàn toàn có đầy đủ hai chất liệu đại trí và đại bi, đến và đi duyên theo đại nguyện. Chí nguyện của Ngài là độ tân chúng sanh, mặc tình trước sự ghét ưa của sanh chúng: Quyết lòng độ tận trong sanh chúng, Ai ghét ai ưa cũng mặt tình. Đầu Xuân Hoặc là: Có sông có núi cùng cây cỏ, Độ tận chúng sanh khỏi dại khờ. Đầu Xuân Ngài sẵn sàng gánh chịu hết mọi tai nàn thế giới, san sớt nỗi khổ đau của người có tâm lành một lòng lo tu tỉnh: Nhìn dân châu lụy ủ ê, Biết sao trút hết gánh về Ta mang. Mang cho hết tai nàn thế giới, Kẻ tâm lành bớt đợi chờ trông. Bóng Hồng Hay là: Nghiêng hai vai gáng nặng non sông, Vớt trăm họ lầm than bể khổ. Diệu Pháp Quang Minh Và chịu khổ thay cho bá tánh: Ta chịu khổ, khổ cho bá tánh. Sa Đéc Một lời thệ nguyện cao cả là nếu như một ngày nào mà thế gian nầy còn đau khổ, thì ngày ấy Ngài chẳng vui riêng nơi cõi Tịnh Độ: Nếu thế gian còn chốn mê tân, Thì Ta chẳng an vui Cực Lạc. Giác Mê Tâm Kệ Cho đến khi nào nền Đai Đạo được khai thông, bể trầm luân khô cạn sáu đàng, đuốc từ bi rọi khắp nhơn gian thì ngày ấy Ngài mới trở về ngôi vị cũ: Nếu chừng nào khai thông Đại Đạo, Đuốc từ bi rọi khắp nhơn gian: Bể trầm luân khô cạn sáu đàng, Tăng Sĩ mới trở về nơi thanh tịnh. Trao Lời Cùng Ông Táo Chừng nào chúng sanh hết trầm luân trong bể khổ, thế gian hết phiền não, ngày Chúa vững ngai vàng trong cõi đời Thượng Nguơn an lạc thì ngày đó Ngài mới rời cảnh tục tở về cảng Tiên: Chúa vững ngai vàng sãi mới yên, Rời xa cảnh tục trở về Tiên . Chẳng còn tham luyến nơi trần thế, Vì cả thế gian hết não phiền. Dụng Kinh Quyền Chí nguyện của Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ thật là vĩ đại, chỉ hàng Đại Bồ Tát mới phát hoằng thệ nguyện như thế. Vì muốn cứu độ, tiếp dẫn, thương tưởng chúng sanh, nên Ngài hóa hiện thành vị Bồ Tát thế giới Ta Bà ngũ trượt nầy. Nếu không có chúng sanh khổ nạn như chúng ta, Ngài đến thế giới khổ não nầy là chi nữa "Lòng đã quảng đại từ bi hềm vì nỗi cảnh quốc phá gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ". Ngài đã giải thoát khỏi sanh tử "an nhàn cuả người liễu đạo, muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần chịu cảnh khen chê? ". Ngài thị hiện xuống thế gian mang đến cho chúng sanh ánh sáng chân lý, chỉ cho chúng ta con đường chân chính giải thoát khổ đau, nhờ đó chúng dân mới có trí tuệ chân thật. Ân đức của Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ đối với chúng ta như biển sâu không đáy. Với chất liệu đại trí, Ngài có khả năng dẫn đường cho mọi người vượt ra khỏi đêm dài tăm tối: Trong bá tánh sầu thành chất ngất, Mãi nghi nan chẳng biết đàng nào. Khuyến Thiện Hay là: Thị thiềng thiên hạ lao xao, Chẳng có người nào tu niệm hiền lương . Thấy trong trần hạ thảm thương, Đâu có biết đường chơn chánh mà đi. Sấm Giảng Q1 Cho nên Ngài mới: Khai ngọn đuốc từ bi chí thiện, Tìm con lành dắt lại Phật đường. Giác Mê Tâm Kệ Hay là: Nhuần gội trên rải Đạo mầu, Thương đời chỉ vẽ nẻo cao sâu. Khai rừng kinh kệ câu huyền bí, Để cứu nhơn sanh khỏi thảm sầu. Tối Mồng Một Hoặc là: Cũng không thèm trọng bạc tiền, Quyết lòng tìm kiếm người hiền mà thôi. Để Chơn Đất Bắc Và làm nơi cho chúng ta nương tựa: Nay rừng bụi có người mở ngõ, Thì nương theo dấu thỏ đàng dê. Sa Đéc Như trước kia có những việc không thể làm nổi, sau khi học tập và thực hành phương pháp giải thoát của Đức Phật, Đức Thầy, thì có thêm khả năng làm hết sức dũng mãnh . Trước khi học Phật pháp, thân tâm đầy dẫy thống khổ , nhưng sau có học tập rồi cảm thấy dễ chịu, hoan hỷ. Đây là sức gia trì của Đức Phật, Đức Thầy ban cho chúng ta làm tăng trưởng năng lượng trong tâm. Người có học Phật pháp, hướng về con đường phía trước tràn ngập ánh sáng và hy vọng cho đến lúc mãn duyên trần vẫn được an ổn trong năng lượng gia trì của Phật pháp, nên không còn thống khổ và sợ hãi nữa: Phật từ bi độ tử độ sanh, Là độ kẻ hiền lương nhơn ái. Kệ Dân Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ dùng tâm từ bi rộng lớn,cứu độ và gia hộ chúng sanh, cho nên tuy Ngài vắng bóng, nhưng lúc nào Ngài cũng hiển hiện trong tâm chúng ta .Ngài đã ban cho chúng ta cái ân đức sâu nặng : "Phật cũng yêu hết chúng sanh, dầu kẻ ngu, người trí, yêu tất cả môn đồ (dầu kẻ biếng nhác với kẻ siêng năng). Bởi tại nghiệp duyên mỗi chúng sanh chẳng đồng nhau, tu cao thắp khác nhau, nhưng mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Vậy lòng từ bi của Phật là vì thương xót chúng sanh, lo dạy dỗ chúng sanh, nhưng mà sự gần gũi và ban phước huệ vẫn có khác, vì phải tùy theo mỗi kẻ tín đồ . Người tín đồ nào hằng ngày nghe lời Phật dạy, rán lo học hỏi, tìm kiếm đạo mầu, qúy trọng chuyện lành thì Phật thường gần gũi hơn đứa đã dạy nhiều lần mà chẳng chịu nghe theo, và thường ban thưởng cho kẻ tín đồ nào qúy trọng kinh luật của Phật, chăm lòng giữ theo giới luật, cẩn thận từ lời nói, việc làm, đừng để cho người ta nhạo báng Phật hay chê bay Thầy của mình. Còn những kẻ tín đồ dối tu, chẳng vâng lời dạy, chẳng giữ giới luật thì trên là Đức Phật và dưới là ông Thầy của kẻ ấy chỉ lấy lòng từ bi mà nhận sự trách cứ của kẻ ngoại đạo, chớ không thể nào mà gần gũi và ban phước huệ cho kẻ chẳng thành kính kia đặng " và Ngài khuyên tấn: "Thầy xét lại khẩu nghiệp của các trò nặng nề hơn hết. Hãy lấy gươm trí huệ mà dọn sạch ma lòng, hãy lấy lòng khoan dung mà đối đãi lẫn nhau, hãy lấy lòng bác ái nhân đạo mà cư xử với mọi người . Cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật . Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ ": Từ bi Trời Phật độ quần sanh, Cứu khỏi tai ương vạn sự lành. Đệ tử gội nhuần ân đức cả, Chung thân quyết chí dốc làm lành. Thiên Lý Ca Hay là: PhậtTiên thương hết cả nhơn sanh, Tu tỉnh trì tâm đạo rán hành. Cho Ông Nguyễn Thanh Tân. Từ bi có sâu có cạn, nhưng nguyên tắc cứu khổ, ban vui vẫn bất biến. Hễ còn là chúng sanh trầm luân trong sanh tử, lúc nào cũng ở trong trạng thái bai ai thống khổ; đương nhiên họ là thành phần được chư Phật từ bi gia hộ . Chư Phật cho hết thảy chúng sanh địa vị bình đẳng, cứu độ bình đẳng . Chúng ta nên thành kính tiếp nhận tâm từ bi của chư Phật, đồng thời cũng phải có tâm từ bi cứu độ chúng sanh, được như vậy mới có khả năng lìa khổ được vui . Chư Phật xem chúng sanh như con "Phật thương bổn đạo như con, Muốn cho bổn đạo lòng son ghi lời ". Trái với người đời ai thương thì gần gũi, còn không thích thì xa lánh, trong mối quan hệ với nhau, luôn biểu hiệu hiện tượng thân sơ. Chư Phật đánh tan quan niệm thân sơ, dùng từ bi và trí tuệ sâu rộng của mình để cứu độ chúng sanh: Nhân dân bá tánh cũng con lành, Thầy dạy cho đều khắp chúng sanh. Bác Ái Đại Đồng Hay là: Giàu sang nghèo khó cũng người, Nên Ta thương hết dầu cười hay khen. Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện Nhưng chúng ta phải hiểu cho thấu đáo, lời của chư Phật dạy về sự cứu độ:: Cứu lương hiền chẳng cứu người hung, Kẻ gian ác đến sau tiêu diệt. Kệ Dân Chúng ta tự đặt mình trong định luật nhơn qủa, làm mọi hạnh lành, tự nhiên chư Phật sẽ hộ trì không thể nghĩ bàn. Phật sẽ nương theo chánh hạnh cứu độ chúng ta. Bằng ngược lại oai đức từ bi của chư Phật tuy rộng lớn vô biên cũng không cứu nỗi chúng ta. Lòng từ bi gia hộ của chư Phật đối với chúng sanh không phải vì chúng sanh có lòng tin nơi các Ngài. Điều quan trọng ở đây, chúng ta làm hết các việc lành, tự nhiên nhận được qủa báo lành. Nuôi dưỡng tâm lành dù không tin Phật, nhưng chư Phật cũng quan tâm gia hộ và tự nhiên sẽ được chư Phật tiếp dẫn quay về nương tựa nơi các Ngài: Ai mà xét đến ăn năn, Quày đầu hướng thiện bần tăng dắt giùm. Bóng Hồng Chư Phật cứu độ chúng sanh, nhưng không ra ngoài quy luật nhơn qủa; đây là biểu hiệu lý tính trong từ bi. Cho nên người tu Phật chân chính, thực tập phương pháp giải thoát của Phật đà, phải thực tâm thực tập theo những gì chư Phật dạy, nhờ đó đạt được cứu cánh giải thoát thống khổ. Nếu chúng ta không nổ lực thực tập theo những gì chư Phật dạy mà chỉ mong chờ sự từ bi cứu độ của chư Phật, chư Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không có được sự cứu độ và vĩnh viễn xoay chuyển trong đường khổ nạn. Phật đạo là con đường dẫn đến đời sống giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ vô minh, giải thoát sanh tử. Dù cho con người có giàu sang cách mấy mà chưa thấy được bờ sanh tử thì vẫn còn mê mang, vẫn còn lưu chuyển trong vòng luân hồi và dù cho có trí mưu đến cở nào mà vẫn còn vọng tưởng, còn chấp ngã thì vẫn còn mù lòa trong tự tánh chân như của mình . Cho nên sứ mệnh của chư Phật, chư Bồ Tát ra đời là để dẫn đường cho mọi người đi đến phương trời cao rộng của giác ngộ và giải thoát của Phật đạo. Phật đạo là con đường duy nhứt đoạn tận khổ đau sanh tử và dẫn đến sự sống tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Tóm lại, Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ xuống trần lần nầy là chịu mạng lịnh của các Đấng Thiêng Liêng cao diệu và mang trọng trách của một vị Đại Bồ Tát hóa hiện, cứu độ chúng sanh, như: SẮC LỊNH của: - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hưng truyền Chánh Pháp vô vi: Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn, Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp. Tùy phong hóa dân sanh phù hạp, Chắp bút thần tả ít bổn kinh. Bởi luật trời mở rộng thinh thinh, Tri phong võ bất kỳ chuyển kiếp. Diệu Pháp Quang Minh Hay là: Đạo vô vi của Phật ân cần, Nối theo chí Thích Ca ngày trước. Giác Mê Tâm KệHoặc là: Ẩn xác phàm phu gìn Thích đạo, Mặc tình thế sự chúng khinh khi. Thiên Lý Ca - Đức Phật A Di Đà, truyền dạy pháp môn Tịnh Độ: Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc, Đức Di Đà truyền mở Đạo lành. Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh, Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy. Nên khổ lao Khùng không có nại, Miễn cho đời hiểu đặng Đạo mầu . Kệ Dân Hay là : Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh, Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa. Khuyến Thiện Hoặc là: Cũng biết càng khôn vẫn một bầu, Tây Phương yêu chúng chẳng ngồi lâu. Sắc của A Di là Phật Tổ, Bốn chữ xuống trần chớ ở đâu? Đức Thầy họa 4 câu thơ của Ô Tùng hỏi - Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế: Thừa vưng sắc lịnh của Trời, Cùng ông Phật Tổ giáo đời khuyên dân. Viếng Làng Mỹ Hội Đông Hay là: Lời văn tao nhã hữu tình, Bởi vưng sắc lịnh Thiên Đình sai Ta, Từ Giả Bổn Đạo Khắp Nơi Hoặc là: Liên hoa chín phẩm ở ngọc tòa, Được lịnh Thiên Hoàng nấy sai ta. Hạ giái dạy khuyên truyền đạo lý, Gỉa dạng Điên Khùng mượn thu ca. Để Chơn Đất Bắc - Phật Vương: Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng nói rõ lịnh Phật Vương quy định cho Ngài những việc gì như đoạn văn Ngài viết sau đây: " Phật Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công qủa để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền Đại Đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang " : Điên nầy vưng lịnh Minh Vương, Với lịnh Phật đường đi xuống giảng dân. Sấm Giảng Q1 - Đức Quan Thế Âm, để cứu độ chúng sanh trong thời kỳ đầy khổ ách của buổi Hạ Nguơn: Lệnh Quan Âm dạy bảo Khùng troàn, Cho bổn đạo rõ nguồn chơn lý. Kệ Dân Hay là: Quan Âm Nam Hải Phổ Đà, Cùng Thầy ra lịnh nên Ta giáo truyền. Sám Giảng Q3 TRỌNG TRÁCH: Đức Huỳnh Giáo Chủ phải hoàn thành trọng trách với mấy nhiệm vụ tóm lược sau đây: 1- Chấn hưng Phật pháp: Chơn pháp của Phật bị người đời làm sai tinh nghĩa nên bị suy đồi kể từ ngày chư Tổ bặt truyền y bát đến nay: Lòng thương lê thứ đáo ta bà, Thừa chuyển pháp luân dụng khuyến ca. Hay là: Phận tớ xác phàm tớ sẽ dưng, Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng. Dù cho phải chịu nhiều cay đắng, Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng. Hiến Thân Sãi Khó 2 - Cứu độ chúng sanh khỏi sông mê bể khổ bằng nhiều phương tiện: Ta quyết lòng rứt nợ oan khiên, Cứu bá tánh khỏi nơi lao khổ. Nang Thơ Cẩm Tú Hay là: Thấy biển khổ đâu an lòng đặng, Xông thuyền ra cứu vớt sanh linh. Thu Đã Cuối Hoặc là: Chờ con đầy đủ nghĩa nhân, Ra tay tế độ dắt lần về ngôi. Bóng Hồng Hay là: Môn Tịnh Độ là phương cứu cánh, Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa. Khuyến Thiện * Chỉ đường về Tây Phương Cực Lạc: Ngài quyết chỉ đường cho chúng sanh về Tây Phương Cực Lạc, hưởng quả bất sanh bất diệt: Tìm Cực Lạc, Đây rành đường ngõ, Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu. Tận thế gian còn có bao lâu, Mà chẳng chịu làm tròn nhơn đạo Kệ Dân Hay là: Nghe Điên dạy sau nầy thơi thảnh, Đây chỉ đường Cực Lạc vãng sanh. Kệ Dân Hoặc là: Chí toan gieo giống Bồ đề, Kiếm người lương thiện dắt về Tây Phang. Khuyến Thiện Hay là: Kiếm con hiền đức dắt về, Về nơi cửa Phật Tây Phương an nhàn. Viếng Làng Phú An *Đào tạo người hiền đức hầu có đủ điều kiện dự hội Long Hoa: Khùng vâng lịnh Tây Phương Phật Tổ, Nên giáo truyền khắp cả Nam Kỳ. Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi, Người hiền đức đặng phò chơn Chúa Kệ Dân Hay là: Lão đây vâng lịnh Phật Tôn, Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành. Khá chí tâm học hành kinh sám, Thoát nơi miền hắc ám phong ba. Trở chơn cho kịp Long Hoa, Long Hoa có mặt ấy là hiền nhơn. Thiên Lý Ca Hoặc là: Kíp mở Long Hoa xây máy tạo, Cho dân Hồng Lạc thọ ân thừa. Dụng Kinh Quyền Nếu ai muốn có mặt dự hội Long Hoa để gặp Phật thì hãy rán tu, rán nghe lời dạy của Đức Thầy: Mong cầu gặp Phật hội Long Hoa, Con rán trì tâm niệm Phật Đà. Cho cô Hai Gương Hay là: Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc quốc, Hưởng công niệm Phật rất yên lành. Cho cô Năm Võ Thị Hợi Cũng như: Mau chân bước đến Long Hoa hội, Chầu Phật hòa vui cõi Đại Đồng. Cho bà Năm Cò *Lãnh lịnh của Đức Ngọc Đế lập bảng Phong Thần, hầu phong tước cho kẻ có lòng trung nghĩa: Thân bần tăng mặc bộ sồng nâu, Cuộc thiên lý một bầu đều hãn. Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng. Trên đài cao gọi các linh hồn. Nang Thơ Cẩm Tú *Đưa người đến Bồng Lai Tiên Cảnh: Trả nợ thế nghĩa ân trọn vẹn, Cảnh non Bồng kỳ hẹn ngày kia. Vọng Bắc Hòa Nam Hay là: Ước mong dân khỏi nạn tai, Dắt dìu Tiên cảnh Bồng Lai nhiều người Sám Giảng Q3 Hoặc là: Ước trăm họ nhẹ mình có cánh, Đồng bay về Cực Lạc một đàng. Sa Đéc *Chỉ khi nào chèo thuyền đến chốn Bồng Lai, thì chừng đó Ngài mới thơi thảnh: Quyết chèo thoàn đến chốn Bồng Lai, Mới ngơi nghỉ tấm thân của Lão. Sa Đéc 3 - Trừ con nghiệt thú: Ngoài sứ mạng cứu độ người hiền, Ngài còn lãnh nhiệm vụ trừ con nghiệt thú trong ngày âm dương biến động, như Ngài cho biết: Con sông nước chảy vòng cầu, Ngài sau có việc thảm sầu thiết tha. Chừng ấy nổi dậy phong ba, Có con nghiệt thú nuốt mà người hung. Đến chừng thú ấy phục tùng, Bá gia mới biết người Khùng là ai. Sấm Giảng Q1 Hay là: Thâu cho được con long ác nghiệt, Thì khắp nơi mới biết mến yêu. Sa Đéc 4 - Cầm cân thưởng phạt: Ngài còn lãnh sứ mạng dại diện công lý cầm cân thưởng phạt kẻ làng dữ theo luật nhơn qủa báo ứng: Lão đây vâng lịnh Phật Tôn, Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành. Thiên Lý CaHay là: Có ngày mở hội qui khôi, Non thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân. Bóng Hồng 5 - Tá quốc an bang: Ngài còn có sứ mạng tá quốc an bang, xây dựng sơn hà, tạo nền hạnh phúc cho nhơn sanh trong ngày Thượng Nguơn hồi phục: Lục châu ta dạo bằng nay, Thấy trong lê thứ quá dài gian nan. Động tình tá quốc an bang, Nước nhà vững đặt Nam đàng hiển vinh. Thiên Lý Ca Hay là: Một tay tá quốc an bang, Nước nhà vững đặt Hớn đàng hiển vinh. Mượn cây Đuốc Huệ Hôm nay là ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ đản sanh trở về khắp năm Châu, tín đồ thọ nhận ân đức chiêu cảm của Ngài, hăng say tham gia mừng ngày Khánh đản của Ngài, thành kính biểu thị niềm hoan hỷ của mình. Đây cũng là cơ hội để cho hàng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khắp nơi trên thế giới làm lễ kỷ niệm ngày Đản Sanh, nguyện tiếp tục thừa kế và phát huy nền Đạo cùng khắp nhơn loại và muôn loài vạn vật, nhằm hàn gắn lại những gì bị đổ vở, dựng lại những gì bị xiêu vẹo, cùng tiến lên khai ngọn đuốc Chánh Pháp cho mọi người cùng thấy và chỉ đường cho mọi người cùng đi về nơi giải thoát và giác ngộ . Trong ngày Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng ta chỉ sắm hương, hoa thôi thì chưa làm tròn bổn phận. Chúng ta không chỉ tưởng niệm đến công ơn của Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ, mà còn phải tự xét mình đã xứng đáng làm người tín đồ của Ngài chưa, đã tiến bộ hơn trước chưa và chỉ khi nào chúng ta hoàn thiện hơn thì mới là đã và đang cúng dường chư Phật một cách cao thượng. Bất cứ ngày giờ nào trong đời, chúng ta đều biết đem tình thương đến với mọi người bằng cách sống vị tha, không phân biệt nhơn ngã và phải biết thế giới nầy chỉ là tạm bợ mà thôi . Do đó chúng ta phải trồng hạt giống tốt, để dù cho có đến thế giới nào đi nữa hoặc trở laị cõi nầy, cuộc sống của chúng ta vẫn luôn luôn tốt đẹp hơn, như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy: Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy .. Giác Mê Tâm Kệ Hay là: Trồng cây lành vị qủa thơm tho, Tuy không thấy mà sau chẳng mất. Khuyến Thiện Chúng ta tâm nguyện rằng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, dù được đối đãi trọng hậu, người tín đồ cũng không lấy đó làm vinh quang; dù bị đối xử bạc đãi, người tín đồ không lấy đó làm tủi nhục vì như Đức Tôn Sư đã dạy: Dù đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu .. Tự Thán Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cảm thấy tủi nhục, khi nhìn lại tự thân mình không làm được gì đúng như vị Tôn Sư của mình từng chỉ dạy và Ngài đã từng làm tấm gương sáng cho chúng ta soi đường. Hàng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chúng ta khắp nơi nơi, tùy theo cơ duyên và điều kiện của mình, cùng nhau đốt nén hương lòng dâng lên cúng dường ngày Đản sanh của Đức Tôn Sư Huỳnh Giáo Chủ, ngưỡng nguyện Ngài chứng giám. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật. Ngày 27 tháng 12 năm 2015 Phan Thanh Nhàn