Còn mãi… Chú Tư Đậm

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi TTT, 12/8/16.

  1. TTT

    TTT Member

    Còn mãi… Chú Tư Đậm

    [​IMG]

    Sự phát sinh mọi việc trên thế gian nầy… đều không phải là một tình cờ hay ngẫu nhiên nào cả, dù cho nó đến hay nó đi như thế nào cũng đều do duyên sinh, duyên diệt! Có những gương hạnh đến để tô điểm cho cuộc đời thêm hương sắc, như những cành hoa mang lại vẻ đẹp tráng lệ và lan tõa mùi thơm êm dịu cho khoảng không gian, mà bất kỳ ai một khi đã cảm nhận sâu đậm được những tinh anh ấy thì không thể nào phôi phai. Với người con Phật… vẻ đẹp và mùi hương ấy là những công hạnh hành trì, là một đời sống biết tiết chế, biết quay về nơi chính thực tại, chính nơi cội nguồn của sự an vui, là kết tinh của những điều bình dị nhất trên cuộc đời này, bằng một trái tim đầy yêu thương, lắng đọng, cảm thông và biết lắng nghe.

    Chú Tư Đậm là một tín đồ PGHH như bao nhiêu tín đồ khác, Chú rất bình dị, chơn chất… mang hoàn toàn tính chất của người bình dân miền tây sông hậu, thêm nét điềm đạm trang nghiêm toát hiện ra nơi Chú đã gợi nên một ký ức xa xưa về sự chơn thật của người con Phật, gắn liền với phong tục tập quán và sự hành trì đạo pháp. Thoạt như có vẻ uy đơn sơ bên ngoài, nhưng tận sâu thẳm trong tấm lòng của Chú, một người cư sĩ cả đời dốc hết tâm nguyện của mình để thực hiện lời Đức Thầy chỉ dạy hầu kiện toàn cho bản thân và ước mơ đem lại sự an lạc cho những người mà Chú có duyên hỗ trợ về tinh thần. Chú được nhiều bạn đạo, đời đương thời kính trọng và nhất là đoàn hậu tấn nối tiếp, xem chú như một tấm gương sáng cần phải noi gương, những điều Chú truyền đạt rất bình dị, nên thơ, đây là những trải nghiệm từ đời sống tu tập của Chú để cùng chia sẻ với mọi người, với tôi những điều Chú đã truyền đạt nó mãi là hành trang để luôn nhắc nhở trên bước đường tu thân hành thiện, Chú là một cành hoa trong muôn ngàn cành hoa đạo đức. Chú đã hoàn thành xong một tâm nguyện, một kiếp người bằng tinh thần phụng sự Phật pháp.

    Trong một dịp tình cờ nơi buổi chiều nhề nhẹ gió, ánh nắng nhạt dần của một ngày cuối đông… Chú ghé thăm huynh đệ chúng tôi nơi mái ấm tu học, và nhân tiện chuyển đạt một vài điều nhằm để khuyến khích các huynh đệ rút tỉa kinh nghiệm trên con đường học đạo… Chú bước vào trại vẫn với dáng mảnh khảnh, nhanh nhẹn… nhưng đặc biệt giọng nói của Chú thật hùng hồn và sắc bén... Sau vài lời xã giao và trà nước, Chú nhìn chúng tôi với đôi mắt ưu tư và từ tốn trao đổi đạo vị trong tình thương “con một Cha, nhà cùng Đạo”, suốt buổi đàm đạo một câu nói mà tôi khắc sau vào tâm nảo đó là: “Chánh pháp dĩ truyền - chúng sanh dĩ độ” đây là nền tảng để lưu truyền mạng mạch của Phật pháp, là một vấn đề trọng yếu có tính cách thiêng liêng và quyết định sự thịnh suy của đạo pháp, nhưng theo Chú: - sự truyền bá không phải là thuyết giảng hay, từ thiện giỏi, mà là kiện toàn được bản chất của người tu hành, sự kiện toàn bản chất tu hành đó mà người hành đạo cần phải đặt tư tưởng cho được thanh cao, ngôn ngữ hiền hòa, hành động chân thật, lúc nào cũng không rời giới luật, đúng theo lời Đức Thầy đã chỉ dạy. Đây mới thật sự là “Chánh pháp dĩ truyền - chúng sanh dĩ độ”. Nói đến đây Chú trầm tư đôi chút đưa mắt nhìn ra phương trời xa thẳm… Chú nói tiếp, cái mong lớn nhất là làm sao bản chất của con người đừng thay đổi “mình sống thiệt với cái của mình”. Tôi hỏi Chú: ‘đời này là vô thường cái gì mà không bị thay đổi, biến đổi là tính chất tự nhiên của cõi đời hữu hình này mà chú’! Chú cười: Có cái không thay đổi, mả Đức Thầy đã dạy: “Ngoài kiếp phù du của trần thế có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn” lại có một cái không thay đổi nữa mà nó đi suốt với mình trong kiếp sống nhơn gian “Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan” cõi đời nầy là sanh - diệt, nhưng đừng để giá trị thật sự bị vật chất làm mờ đi lý trí, biến cái bất sanh, bất diệt thành cái sanh -diệt, biến cái nghĩa tình sắt đá thành những điều tạm bợ tầm thường, là ta đã làm mất bản chất của ta rồi đó... Chú nói chú có niềm tin sắt đá nơi những lời Đức Thầy chỉ dạy và Giáo pháp của Ngài để lại là con đường hướng dẫn chúng sanh sống có kỹ cang, sống thật để được bình yên cả lể xác lẫn linh hồn.

    Tuy nhiên mỗi chúng sanh đều có nghiệp lực khác nhau, nhưng tính căn bản là lành của mỗi người đều không mất, đó là chất xúc tác để mọi người hướng thượng và thực sự biết quay về thực hiện bổn phận của chính mình, từ đó rút ra những kinh nghiệm sống có ích và thiết thực hơn.

    Huynh đệ ai cũng nhìn chú với tấm lòng khả kính và lắng nghe từng lời trao đổi,. Thoạt nhìn bên ngoài khó có ai có thể ngờ được một con người có cuộc sống bình dị đơn sơ của Chú, mà lại có một nội tâm vững chãi, trong sáng và diễn đạt được ý nghĩa thâm sâu trong Phật pháp, ai nghe cũng cảm thấy yên vui, nhẹ nhàng.

    Có một cháu hỏi: Chú chọn con đường Tu mà có mơ ước gì không? Chú bảo tất cả chúng sanh đều có ước mơ cả, nhưng phần lớn sự ước mơ của loài người đều chưa chắc có thể trở thành hiện thực, nhưng họ vẫn ước mơ, nhưng chính nhờ niềm mơ ước đó mà họ có ý chí để tiếp tục sống còn, cho dù hoàn cảnh có đau thương! Với người Tu thì không cần phải có mơ ước gì cả, khi đã biết được hễ gây Nhân nào thì phải nhận Quả nấy, thì còn mơ ước để làm gì? Nếu hỏi Chú có ước mơ không? Cái đó còn tùy duyên theo câu hỏi… riêng Chú vẫn có ước mơ chớ: đó là ước mơ được sống với mọi người sống trong cái sống thực, hiểu biết chính mình, nhận ra điều mình đã sai lầm, hễ người biết mình sai lầm tất không còn sai lầm nữa, đó mới là người đúng. Còn sống trong sai lầm mà chấp chặc cho mình đúng, thì biết bao giờ ta mới hết sai, đó là ước mơ của Chú… phần Chú cũng có những điều sai chớ sao không! khi thấy sai thì sửa mà sao Chú sửa hoài cũng vẫn còn sai! Chú nói đến đây ai cũng cười rộ qua câu khiêm tốn, từ hòa của Chú, câu nói ấy như để nhắc nhở chung với mọi người có mặt trong buổi chiều hôm ấy. Chú bảo hồi trước mình không biết mình nói như cái máy thâu băng, nhận nút là nó hát, hát vô tội vạ… chớ chưa ý thức thế nào là sự thông đạt giữa người nói và người nghe, khi đã già mình mới có kinh nghiệm, mình phải nói cái gì mình đã học, đã làm, đã sống, đây mới là giá trị chân thật.
    Hôm đó Chú nói khá nhiều… lưu lại nơi tôi những chân lý cuộc sống cho hàng tu học thật hửu ích…

    Tiễn chân Chú ra về bóng đêm đã phủ dần, Chú vẫn nhìn tôi với vẻ mặt vui tươi như lúc mới bước vào. Chú nói thêm một câu trước khi lên xe, điều chú lưu tâm nhứt là phải có sống thật như lời Đức Thầy chỉ dạy: Là người tu hãy sống đời trọn vẹn với giáo pháp. Sống đúng với giáo pháp dù chết cũng là sống, bằng ngược lại dẫu có sống thì cũng xem như là đã chết…

    Từ đó về sau có vài lần Chú ghé thăm huynh đệ, lần nào cũng nói chuyện đạo đức nhưng với tôi buổi nói chuyện ban chiều hôm ấy là điều mãi mãi không quên!

    Đến hôm nay tôi viết những lời này, thì Chú đã ra người thiên cổ, nhưng hình ảnh và lời dạy của Chú vẫn còn mãi trong tôi. Ngày đám tang Chú, có rất đông người tham dự, tôi vẫn nhớ hoài những lời mà Chú nói với huynh đệ ở trại. Tôi chợt nhớ lại một câu của người xưa như tô đậm lời của chú hôm nào: “Chánh pháp linh truyền, chúng sanh linh độ” (Chánh pháp cần phải truyền, chúng sanh cần phải độ) đây là tâm nguyện của Chú, với tôi Chú vẫn mãi mãi là tấm gương để noi theo như lời Đức Thầy chỉ dạy.
    “Kẻ đã chết yên rồi một kiếp
    Người sống còn tái tiếp noi gương”

    Xin khấn nguyện Đức Phật, Đức Thầy từ bi tiếp dẫn anh linh Chú về cảnh an lạc hầu hoàn thành bổn nguyện và tiếp tục công hạnh vị tha hóa chúng.

    Cư sĩ Trần Văn Lợi
     

Chia sẻ trang này