Chùa thầy "an hòa tự"

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 26/4/18.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    CHÙA THẦY "AN HÒA TỰ"

    [​IMG]
    Từ chợ Đình ở Thánh Địa Hòa Hảo, nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ đản sanh và khai đạo, nay là chợ huyện Phú Tân, theo hương lộ Phú Mỹ – Tân Hòa lối một cây số ngàn, nhìn về phía tay phải, khách sẽ thấy một ngôi chùa khá đồ sộ hiện dưới tàng cây cổ thụ u nhàn. Hai cổng gạch Đông Môn, Tây Môn ( 1 ) nhố lên nền trời cao, bên khóm lá xanh um, lúc nào cũng như nở nụ cười hiền dịu đón khách hành hương từ muôn nơi về viếng cảnh.

    Bước qua các cổng cao rộng, khách lần lượt thấy từng hàng liễn đối rậm nét nho phong, lẫn với hương vị của cửa thiền tịch mịch.Nhìn lên tòa chính cao trổi khách thấy hàng chữ to nét nêu bật danh hiệu chùaAN HÒA TỰ. Đây là ngôi An Hòa Tự, mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo quen gọi là Chùa Thầy.

    Cứ theo viễn tích do bô lão địa phương kể lại thì An Hòa Tự căn nguyên được khai cơ từ giữa thế kỷ 19, thời Phật Thầy Tây An du hóa đến miền châu thổ Cửu Long Giang. Chính Đoàn Phật Sư ( 2 ) đã dừng bước quang lâm nơi cuối cùng của Cù lao Kết ( 3 ) và nơi đây Ngài thu nạp một đệ tử họ Phạm ( 4 ), một cư sĩ có gia cư giữa hai thôn Mỹ Lương và Mỹ Hóa( 5 ). Rồi nhân một buổi đẹp trời, Phật Thầy dẫn người đệ tử thân tín kia rẽ sậy vạch lau men theo lối mòn cách bờ sông Vàm Nao( 6 ) không xa để làm một việc vô cùng lợi lạc cho thế hệ mai sau đó. Phật Thầy chỉ cho đệ tử len lỏi đến mấy địa điểm quanh vùng Vàm Nao để cắm mốc kỷ niệm. Trước nhứt cho nền Chùa Thầy ngày nay, kế đến là Đình làng Hòa Hảo, thứ ba là nền Chùa Cây Xanh Hưng Hòa Tự thuộc xã Hưng Nhơn, nay là xã Phú Hưng và thứ tư là nền Chùa An Thạnh thuộc xã Phú An ngày nay. Mấy điểm trên đây, bây giờ đều là đình, chùa nằm trong địa hạt huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cả.

    Kính vâng tôn ý Phật Thầy, tới đâu người đệ tử của Ngài cũng trồng cây tới đó, ấy là những chòm dầu, chòm sao, sến để đánh dấu về lâu dài. Trong dịp nầy, Phật Thầy còn dạy người đệ tử thân tín vừa kết nạp lập nên một ngôi chùa lợp tranh, bên trong chỉ thờ bức Trần Điều ( 7 ) để làm nơi quy ngưỡng Phật Trời. Ngài cũng đã ban tứ danh hiệu chùa là An Hòa Tự từ dạo ấy, khi nơi đây còn là thôn Mỹ Hóa tiếp cận thôn Mỹ Lương, chỗ gần ngã ba sông, bên bờ bắc ngọn Vàm Nao ấy. Bởi Ngài tiên tri miền cuối cùng Cù lao Kết tương lai sẽ có mối đạo xuất hiện kế thừa sự nghiệp Bửu Sơn Kỳ Hương do Ngài khai thị.

    Hành trang Phật Thầy Tây An trong chuyến du phương nầy Ngài vận dụng tinh vi phương thức mở rộng ảnh hưởng giáo lý Tứ Ân (Bửu Sơn Kỳ Hương), y như trước đó không lâu, chính Ngài đã thực hiện ở Núi Két (Anh Vũ Sơn) hay như ở Láng Linh (Châu Phú – An Giang). Tức là đặt chân quang lâm đến đâu, Phật Thầy đều có thu nhận đệ tử, lập trại ruộng, đình, chùa để gieo sâu niềm tin tưởng Phật Thầy trong dân gian đến đó. Chính Phật Thầy đã cùng đệ tử thành lập ngôi An Hòa Tự từ xa xưa. Đây quả là sự xếp đặt tiền nhiệm mang tính an bài cho tương lai diệu viễn: Thế hệ Bửu Sơn Kỳ Hương giữa thế kỷ 19 rõ là tiền thân của môn phái Phật Giáo Hòa Hảo giữa thế kỷ 20 nầy. Một cách ổn định diệu kỳ mà chỉ những bậc siêu nhân như Phật Thầy Tây An, hay Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ mới thi thiết nỗi viễn đồ kế vãng khai lai siêu việt như thế.

    Năm Bính Tý (1936), hương chức làng Hòa Hảo tiến hành đại trùng tu ngôi An Hòa Tự. Tường vôi mái ngói được thay cho mái tranh vách đất trước kia. Cụ Hương chủ Dương Lai Bửu ( 8 ) đứng ra đốc suất công tác. Kỳ trùng tu nầy có sự đổi hướng đáng để ý: Phật Thầy xưa định vịnh trí và phát họa sơ đồ cất chùa theo mô hình chữ Sơn : (9) , chánh điện ở giữa chồm về phía trước, Đông, Tây lan, hậu đường thì lui về phía sau và hai bên cho day cửa chùa trông ra đình làng Hòa Hảo, trước miễu sau chùa. Nhưng dịp tái thiết nầy, người ta xoay mặt tiền chùa hướng ra đường làng cách vị trí cũ bằng một góc 90 độ. Còn mô hình chữ Sơn thì không thay đổi y như ta thấy ngày nay.

    Có một thời không lâu, lối 1937- 1938 nhà chùa thiếu tăng ni trụ trì. Từ Thủ tọa Thìn đến Yết ma Thường, Yết Ma Kiển kẻ qui tiên, người tha phương cầu thực, do đó hương chức hội tề làng Hòa Hảo làm văn tự hiến chùa nầy về đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
    Mùa Hè năm Ất Dậu (1945) trong bước châu du khuyến nông, Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ có về làng Hòa Hảo. Chiều 30 tháng 5 âm lịch ( tháng 6- 1945), Ngài cung thỉnh lư hương Tam Bảo từ ngôi Kim Sơn Tự, nay là Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo(*) đưa về tôn trí ở ngôi chánh điện An Hòa Tự. Trước số đông chức sắc và tín đồ, Đức Thầy tuyên bố, đại ý:” Thầy ra giáo đạo độ dân, chỉ ngôi An Hòa Tự nầy là chùa căn bổn”.


    Từ đó trở đi, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo xem đây là bước kế thừa mang tính thiêng liêng do ơn trên sắp định, ứng hợp cơ duyên giữa hai thế hệ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo. Thời gian tuy có chuyển dịch hàng thế kỷ, song không gian chỉ là một ngôi duy nhứt, chùa xưa An Hòa Tự vẫn trường đại huy hoàng theo năm tháng. Thật không có gì phải suy nghĩ, vì đây là trường hợp rất đặc biệt và rất cụ thể, không thể phủ nhận bởi qua mấy điểm tương đồng:

    - Tây An Tự (Núi Sam).
    - Tây An Cổ Tự (Chợ Mới).
    - An Hòa Tự (Hòa Hảo).


    Tất cả đều không ngoài tỉnh An Giang linh địa, từ Tây An đến An Hòa cùng chung nguồn gốc phát sinh không thể đổi dời chia chẻ được. Mùa hè năm Mậu Tuất (1958) nhà chùa lại được dịp tu bổ: lót gạch bông toàn khu chánh điện, hậu đường thay vì nền cũ xưa chỉ láng xi măng.

    Năm Kỷ Hợi (1959) và Canh Tý (1960) liên tiếp hai dãy Đông lan và Tây Lan được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt sắt thay cho sườn gỗ đã hư cũ. Tất cả công trình tu bổ từ 1958 đến 1960 đếu do sự chỉ đạo của Đức Ông Cả Từ Hòa Hảo (10)

    Năm Nhâm Tý (1972) và Giáp Dần (1974) nhà chùa có dịp mở rộng hậu đường, tu bổ nhà trú. Công tác nầy do quý ông Thủ Bổn Hồ Nam Kinh, Kiểm Soát Trần Phú Nhẹ thay mặt Ban Quản Trị An Hòa Tự đốc công thực hiện, ấy là chưa kể việc láng xi măng ba mặt sân rộng.

    Trải qua những ngày gió táp mưa sa, Chùa Thầy An Hòa Tự vẫn bền gan cùng tuế nguyệt, vững đứng như kiền ba chân, ung dung tráng lệ ngẫng cao tầm nhìn nguồn phù sa vô tận của chín khúc sông Rồng suôi về nẻo “con sông nước chảy vòng cầu” ( 11 ) như tràn dâng bao niềm gắn bó, tự hào cho ngày qua và cả hôm nay: Giữa thế kỷ 19 nền Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An khai thị, giáo lý Tứ Ân góp phần tô đậm quốc túy quốc hồn, khuyến tấn nhơn sanh duy trì đạo nghĩa cương thường. Rồi hơn nửa thế kỷ lại đây, sự xuất hiện của Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ “một nhà đại cách mạng” ở miền Nam tổ quốc đã triển khai công thức Học Phật Tu Nhân, sách tấn tín đồ trong gắng gổ lo hành sử Tứ đại trọng ân giữa hồi quốc nạn “cường khấu xâm lăng”, cũng như trong điểm tô, xây dựng đất nước lúc thanh bình là “lo đắp bồi văn hóa ngàn năm” cho nước nòi thêm rạng rỡ khắp năm châu thế giới.

    Trên thực tế, người tín đồ PGHH từ hôm qua, hôm nay và cã ngày mai vẫn nung nấu trong thâm tâm niềm tôn Sư trọng Đạo ai nấy gia sức cần cù kiệm tiết vươn cao ngọn cờ xây dựng Đạo, Đời hầu điểm tô cho tổ quốc quang vinh tiến lên hoàn chỉnh “Một tòa an lạc tại thế gian”.

    Quày đầu nghe tiếng chuông ngân.....

    Hồi chuông chiêu mộ từ Chùa Thầy ngân giọng đại đồng như có hùng lực giục lòng Phật nhi từ muôn nơi hướng về Vàm Nao sông rộng, nơi có làng Hòa, bến Thuận ( 12 ) mà chiêm vọng vĩ nghiệp khai Đạo cứu đời của đấng Tôn Sư kính mến.

    Từ hơn nửa thế kỷ nay, dù khi Đức Thầy đang trực tiếp chuyển Pháp Luân độ đời hay có hồi phải xa vắng tín đồ, thực trạng vẫn là bao nhiêu triệu con tim hướng về Chùa Thầy An Hòa Tự, chẳng khác nào bà con bên đạo Cao Đài hướng về Thánh Thất Tây Ninh, người Hồi Giáo hướng về La Mecque, người tín đồ Thiên Chúa Giáo ngưỡig vọng về La Mã vậy.

    Chùa Thầy ở Thánh Địa Hòa Hảo về hình thức tuy rất khiêm nhượng, không sao sánh kịp với nhiều danh lam trong vùng như Tây An Tự ở Núi Sam (Châu Đốc), Xá Lợi Tự ở thành phố Sài Gòn v.v... Song nội dung An Hòa Tự mang một ý nghĩa khá đặc biệt và như lời thế nhân xưng tụng “Chùa Thầy”.

    Chùa Thầy hàm ý là do từ Phật Thầy Tây An chọn nền và huệ trí hiệu danh An Hòa Tự. Giờ thì cũng là ngôi già lam nầy được Đức Huỳnh Giáo Chủ công nhận là ngôi chùa căn bổn, là chùa gốc của mối Đạo lành do Ngài khai sáng.

    Về nghi thức thờ phượng, cung cách sinh hoạt tu hiền tại An Hòa Tự trong dịp về chùa, mùa hè Ất Dậu, Đức Thầy cũng đã dạy rõ, đại khái Ngài chỉ đạo:

    Nơi chánh điện vẫn giữ y phần tượng cốt vì “đây là điều kiện các Sư mà chúng ta có thể sùng ngưỡng đặng, duy không tạo tác thêm nữa”. Hậu điện, gian giữa vẫn tôn trí bức Trần Điều theo truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, nơi đây đặt bày bàn thờ Phật Thầy Tây An, linh vị sơn son thiếp vàng. Nơi phía trước buông xuống một bức hoành phi thêu bốn chữ nho to tướng: (Bửu Sơn Kỳ Hương). Đây là nét đặt trưng trong nghi thức thờ phượng, được xem là truyền thống bất di dịch của tự viện Phật Giáo Hòa Hảo. Ngài dạy bổn đạo ở tu rán thường hành theo nghi thức PGHH ghi trong Tôn Chỉ Hành Đạo, cho dẹp hết phần hình tướng như gỏ mỏ tụng kinh, xá phướng trai đàn... do phái Thần Tú bên Tàu đặt ra. Ngài cho biết: “Xá với phướng là trò kỳ quái, Làm trai đàn che miệng thế gian” ta nên dứt bỏ. Dịp nầy Ngài cũng đã cử đặt phân công phân nhiệm trong nhà chùa và được biết:

    Thường Trụ : Bà Tư Nguyễn Thị Liên (1881 - 1960).
    Hương đăng: Ông Hai Phan Văn Báo ( 1879 – 19 ).
    Tri khách: Ông Mười Trần Văn Nhạt (1890 – 1980).


    Ngài cũng không cho đặt tủ tiền để nhận của thập phương hỉ cúng. Đức Thầy dạy: Khi trong nhà Chùa cần tu bổ thì lên bảng cho bá tánh hay. Ai đem của tiền đến làm xong công tác tu bổ thì dẹp bảng ngay! Ngài nói:”Phật nào ham tượng cốt phết vàng, Mà tăng tạo hao tiền bá tánh” và “Ngôi Tam Bảo hãy thờ Trần Đỏ, Tạo làm chi những cốt với hình”

    Lúc sanh tiền, Đức Ông Cả Từ thường lui tới hành hương và hằng chăm sóc cho ngôi An Hòa Tự. Người cho lập ra Ban Quản Trị thay thế các vị kể trên đã lần lượt quá vãng, để trực tiếp quản lý trong ngoài tự viện, ủng hộ đời sống cho các tu sĩ ở Đông Lan và Tây Lan An Hòa Tự một cách thường xuyên.

    * * *

    Hương nồng từ Thất Lĩnh ( 13 ) ngát tỏa xuống chín khúc sông ( 14 ) Rồng hòa quyện cùng ánh đuốc Từ Bi chí thiện PGHH hun luyện nên uy lực nhiệm sâu để không ngừng thúc đẩy bánh xe Pháp Bảo tiếp tục quay nhanh, sớm đem lợi lạc cho mười phương thiện tín, như Đức Thầy hằng mong ước:

    Mảng chớ trông bá tánh thảnh thơi,
    Khắp bốn biển liên dây hòa hảo.

    Hoặc:
    Ước mơ thế giới lân hòa hảo,
    Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.

    Nương tiếng chuông Chùa Thầy từ An Hòa Tự vọng xa, lan rộng khắp bốn phương, người tín đồ PGHH hằng đêm kỉnh hương nguyện cầu quốc thái dân an, Đức Tôn Sư mau trở gót hướng dẫn quần mê tiến lên cõi bờ giải thoát.
    Nam Mô A Di Đà Phật.


    Chú thích từ ngữ:

    1 - Đôi liễn ở cổng Đông Môn :
    Thành tín chơn như tầm diệu quả,
    Nhập môn thiện niệm diệt mê tân.
    Tức:
    (Đem lòng thành tín cầu quả diệu,
    Vào cửa niệm lành dẹp bến mê.)


    Và ở cổng Tây Môn cũng có đôi liễn:
    Phật Giáo từ bi hành chánh đạo.
    Pháp môn nguyện lực thoát mê đồ.
    (Phật dạy làm lành nêu chánh đạo,
    Đường chơn noi dấu thoát cơn mê.)

    2 - Đoàn Phật Sư : tức chỉ Đức Phật Thầy Tây An. Danh tôn nầy được thấy ở bài vị thờ Ngài tại Tòng Sơn Cổ Tữ xã Mỹ An Hưng, H. Thạnh Hưng tỉnh Đồng Tháp bây giờ.
    3 - Cù lao Kết: Người xưa quen gọi phần đất phù sa nằm phía trên cù lao Ông Chưởng (H. Chợ Mới) giữa hai sông Tiền giang, Hẩu giang gồm ba huyện An Phú, Tân Châu và Phú Tân tỉnh An Giang ngày nay.
    4 -Người đệ tử họ Phạm: chính danh là cụ Phạm Văn Phước có lần làm Hương Bái, nên gọi là cụ Chánh Bái Phước, cụ gốc người tứ Cao Bằng vào lập nghiệp ở miền Nam, có thiện duyên được Phật Thầy Tây An nạp vào hàng đệ tử thân tín. Mộ ông còn thấy ở làng Hòa Hảo. Hậu viện An Hòa Tự còn thờ ông, gọi là Ông Ba Chánh Bái. Con cháu vẫn còn ở Hòa Hảo, có người phục vụ trong quân đội đến cấp tướng trong binh chủng không quân.
    5 -Mỹ Lương, Mỹ Hóa: chỉ hai thôn có từ cự trào nằm kề ranh nhau ở về phía trên sông Vàm Nao. Thời Pháp thuộc (?) đã hòa nhập làm một thành xã Hòa Hảo. Danh từ Mỹ Lương – Mỹ Hóa nay vẫn còn. Vừa qua chia ra làm hai xã : Phú Mỹ và Tân Hòa. Cả hai đều thuộc huyện Phú Tân tỉnh An Giang.
    6 - Vàm Nao : Xa xưa có tên là Hồi Oa, Thuận Vàm, nhánh sông nối liền Tiền giang và Hậu giang, vàm trên là chỗ ngã ba Đình Hòa Hảo, vàm dưới là chỗ chợ Mỹ Hội Đông, dài khoảng sáu ngàn thước – Nay vẫn gọi là sông Vàm Nao.
    7 -Trần Điều hay Trần Đỏ : do di tích Phật Thầy Tây An, vị Giáo Tổ phái Bửu Sơn Kỳ Hương giữa thế kỷ 19. Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939, buổi đầu Ngài dạy tín đồ thờ Trần Đỏ theo biểu hiệu Phật Thầy Tây An tượng trưng cho tinh thần vô thượng của nhà Phật. Sau vì có kẻ lợi dụng hình thức nầy nên Ngài cho đổi là Trần Dà như ta được thấy.
    8 -Cụ Dương Lai Bửu: một nhà phú hào ở làng Hòa Hảo (thôn Mỹ Hóa) từng giữ chức vụ Hương Thân, rồi Hương Chủ trong Ban Hội Tề. Người có công trùng tu đình, chùa trong làng Hòa Hảo. Hiện bài vị thờ Cụ vẫn còn tôn trí ở bàn kế nghiệp Hậu viện An Hòa Tự.
    9 - Chữ Sơn: theo di ngôn của Phật Thầy Tây An, bài khoát thử sau đây, trong giới tín đồ BSKH và PGHH còn truyền tụng:


    Chữ Bửu là hiệu Phật Vương.
    Chữ Sơn là hiệu Phật Thầy.
    Chữ Kỳ là hiệu Bổn Sư.
    Chữ Hương là hiệu Phật Trùm.

    10 - Đức Ông Cả Từ Huỳnh Công Bộ: (1888 – 1961) Hương Cả làng Hòa Hảo, thân sinh Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, một bậc hiền nhơn đức độ, có uy tín lớn đối với nhân dân vùng Hòa Hảo, Hưng Nhơn, Phú An. Người có đại công mở mang quê hương xứ Đạo, cụ thể như lo đào kinh, xây dựng bịnh xá, trường học v.v... nhơn dân còn mãi mãi nhớ ơn.
    11 - “Con sông nước chãy vòng cầu”: câu Sám giảng của Đức Thầy ám chỉ sông Vàm Nao.
    12 - Làng Hòa, Bến Thuận: chỉ làng Hòa Hảo và phía đối diện bên kia bờ Vàm nao có bến Thuận Vàm và chợ Thuận Giang, thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, gần đây có đến thờ và mộ chí của ông Ba Nguyễn Văn Thới, một tín đồ của môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương viết ra Cửu Khúc Kim Cổ Kỳ Quan rất nổi tiếng.
    13 - Thất Lĩnh : tên gọi khác chỉ Thất Sơn tức Bảy Núi trong tỉnh An Giang.
    14 - Sông Rồng chỉ sông Cửu Long chảy qua miền Nam.
     

Chia sẻ trang này