CHỮ "HIẾU TRUNG" TRONG GIÁO LÝ - Cư sĩ Phan Thanh Nhàn

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi TTT, 18/1/17.

  1. TTT

    TTT Member


    CHỮ "HIẾU TRUNG" TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

    Phan Thanh Nhàn

    " Hiếu trung lòng chớ vội quên,
    Sống lo trọn Đạo, thác lên Tiên Đài."
    Lời của Đức HUỲNH GIÁO CHỦ

    Hiếu là căn bản của thành kính, Phật pháp dựng trên hiếu đạo. Phong hóa lễ nghi của Việt Nam từ ngàn năm xưa vẫn còn mãi mãi giữ hai chữ " trung hiếu" làm trọng điểm giáo dục. Gọi là giáo dục chúng ta cần hiểu chỉ có hiếu trung, phải biết tận trung, tận hiếu, "Vi thần tận trung, vi tử tận hiếu, đây là thiên lý chi thường, nhân luân chi bản", kẻ làm thần phải hết lòng với chủ, kẻ làm con phải hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, đây là đạo lý thông thường của lẽ tự nhiên, đạo lý căn bản xử thế của người đời.

    "Vi thần tận trung", nói trong thời vua chúa ngày xưa, nghĩa là thần tử phải hết lòng trung thành với vua. Câu chuyện về tận trung, theo Xuân Thu truyện kể về ông Ninh Võ Tử, làm quan đại phu nước Vệ. Ông thờ hai đời vua nước Vệ: vua Văn Công và vua Thành Công. Vua Văn Công trị nước khéo léo, nơi nơi đều được an ninh trật tự, nên ông Võ Tử vẫn làm quan như thường. Cái chỗ trí đó thì ai làm cũng được. Đến đời vua Thành Công, vua cai trị vụng về cho đến nỗi mất ngôi. Bây giờ ông Võ Tử tận tâm tận sức lo việc vua việc nước, chẳng ngại nguy nan đi vận động. Đương thời, hạng trí thức đều cho ông là ngu muội. Việc người ta chẳng dám làm, ông đảm đang một cách khéo léo, bảo tồn được thân mình, lo tròn việc vua việc nước. Cái chỗ ngu của ông thật không ai theo kịp! Theo thời nay, chúng ta hiểu nghĩa tận trung như thế nào ? Chúng ta dùng lời Phật dạy"y nghĩa bất y ngữ" để giải thích, chúng ta phải hiểu ý tứ của nó vì ngôn ngữ thay đổi theo thời đại, nhưng ý tứ là nguyên tắc, là cương lĩnh, mãi mãi không thay đổi. Cho nên dùng lời hiện nay để nói tức là người chịu sự lãnh đạo phải hết lòng trung thành với người lãnh đạo. Tận trung với người lãnh đạo để phục vụ tất cả nhân dân "dân vi qúy". Chúng ta phục vụ thì có đối tượng. Đối tượng chính là nhân dân. Phục vụ nhân dân, phục vụ chúng sanh, chúng ta phải biết tận trung.

    "Vi tử tận hiếu", một người không hiểu biết về hiếu đạo thì không thể là người tận trung được,"hiếu là thiên lý chi thường, nhân luân chi bổn", hiếu là thường hằng của đạo tự nhiên, là gốc của đạo người. Hiếu trung không còn, căn bản nhân luân sẽ tán mất.

    Chữ "Trung", nghĩa là hết lòng ngay thẳng, một lòng một dạ. Chữ trung nầy kết hợp với chữ tâm, gọi là trung tâm. Chữ "Tâm", nghĩa là điểm ở giữa, không nghiêng, không lệch, phải chánh, phải ngay thẳng . Chữ tâm nầy nếu không thêm bất cứ chữ nào khác, đó là tiêu biểu cho cái tâm, thêm vào chữ khác thì tiêu biểu cho tác dụng của nó. Do đó chúng ta biết trung tâm là lòng trung ngay thẳng, thành thật tức là nhất tâm . Trung tức là nhất niệm bất sanh, là trung trực, nếu như không giữ được nhất niệm là bất trung. Từ đó mà biết, chữ trung nầy chỉ sự thành kính tột cùng, chân thành cung kính tột cùng là trung. Trung là chánh dụng, một chút lỗi cũng không có, một chút sai cũng không có, gọi là trung. Sách Đại Học của Nho gia dạy "thành ý, chánh tâm", thành ý là thân của tâm, chánh tâm là tác dụng của tâm, phải xử dụng cho chánh, chánh tức là trung. Tâm tánh khởi tác dụng, đối với chính mình, đối với kẻ khác. Tâm đối với chính mình là thân tâm, thân tâm là tâm tự lợi. Đối với kẻ khác là đại bi tâm, đại từ bi tâm là để lợi tha. Cho nên thân tâm và đại bi tâm là ý nghĩa của chữ "trung".

    Người thế gian chúng ta nói tận trung, vậy" tận trung" là gì? Dùng chữ trung tới tột cùng, tới cứu cánh viên mãn gọi là tận trung. Đem chữ "trung" thực hiện vào đời sống hằng ngày, thực hiện trong công việc làm, thực hiện qua việc sử sự đối người tiếp vật với thành ý, gọi là trung thần. Sao gọi là trung thần? Thần là người trông nom công việc. Người nầy có thể thực hiện trung đạo, thực hiện trung dung, người như vậy làm việc rất đáng tin cậy, họ hết lòng hết sức làm việc, không thiên lệch, không ý nghĩ riêng, tấm lòng đại công vô tư,gọi là trung thần. Thiên Tần Thệ trong sách "Châu Thơ", có ghi mấy lời của vua nước Tần nói rằng:"Ta mong được một vị đại thần cho thành tâm thật ý, dẫu chẳng có tài năng chi lắm, nhưng lòng dạ phơi phới không một mảy mai tư dục, có các đức tính: thấy ai có tài, người hoan nghênh như tự mình có tài, biết ai thông minh hiền đức, người rất ưa chuộng; chẳng những khen ngợi những trang anh tài và những bậc thông minh ấy, người ấy lại còn bao bọc, bổ dụng nữa; bậc đại thần như vậy giữ gìn con cháu ta, lê dân ta, lợi ích phước đức lắm thaỵ Còn như làm tôi mà không thành tâm thật ý, thiên lệch, tư vị, thấy ai có tài thì đem lòng ganh ghét đố kỵ; biết ai thông minh hiền đức, bèn cản trở, khiến cho những trang anh tài và những bậc thông minh ấy chẳng thông đạt, chẳng dùng họ cận sự với mình. Bề tôi như vậy chẳng có sức để mở mang đất nước, đâu có thể giữ gìn con cháu ta, lê dân ta. Tai hại thay!".

    Chỉ có bậc trị quốc nhân từ, sáng suốt mới phân biệt hạng làm tôi, ai là trung thần, ai là gian nịnh. Trong giáo lý của Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ, Ngài chỉ cho chúng ta một vài điển hình về người trung thần và kẻ gian ác như trong sách sử đã ghi như sau:

    Trương Ban Xương đành quên nhơn ngỡi,
    Nỡ phụ phàng vua Tống Khâm Tôn.
    Xem chuyện xưa mà bắt hết hồn,
    Gớm cho kẻ thay lòng đổi dạ.
    Gã Tần Cối ít ai còn lạ,
    Dụng mưu thần giết thác Nhạc Phi.
    Thương trung thần ghét nịnh mặt lỳ,
    Dám thiết kế hại tôi lương đống.
    Thuở Hiến Đế có nhà họ Đổng,
    Cũng chuyên quyền muốn tiếm giang san.
    Nhờ Tư Đồ thiết lập Liên hoàn,
    Nghiệp nhà Hớn mới an một lúc.
    Cảnh gian nan như Lưu Hoàng Thúc,
    Qua ở nhờ Viên Thiệu dung thân.
    Quan Công Hầu gìn chặt nghĩa ân,
    Vượt trăm ải về thăm huynh trưởng.
    Kẻ nghĩa khí thiên kim vạn lượng,
    Lũ nịnh thần sách sử nào khen.
    Xem tích xưa thẹn với bóng đèn,
    Đời lắm kẻ đầu trâu mặt ngựa.

    (Diệu Pháp Quang Minh)

    Ngài cũng cho chúng ta biết kẻ gian ác sau nầy sẽ được định đoạt theo luật nhơn qủa, gieo nhơn nào sẽ hưởng qủa nấy tương ưng:
    Lũ gian hùng mang lấy họa ương,

    Trời đất xử những người bội phản.
    (Diệu Pháp Quang Minh)

    Trên đây là nói về người có cơ hội trực tiếp ra phò vua giúp nước. Còn bổn phận của người công dân chưa có cơ hội ra phụng sự quê hương, phụng sự dân tộc, Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy như sau:"Hãy tùy tài tùy sức, nổ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ, và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây tổn hại đến đất nước" và "Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia giàu mạnh mình ta mới ấm"(Ân Đất Nước). Làm được như vậy, chính là kẻ trung với nước, thành với dân. Cái bổn tánh của thiên hạ là ưa người lành hay ghét người dữ. Nếu bậc trị quốc mà ưa thích người nào ai nấy đều ghét và chán

    ghét người nào mà ai nấy đều ưa, như vậy trái với cái tánh ưa lành ghét dữ của dân chúng. Thế là tai họa sẽ đến cho bậc trị quốc. Cho nên bậc trị quốc muốn được lòng dân, dễ bề trị quốc, bình thiên hạ, phải giữ tận tín. Bằng ngược lại sẽ bị mất đi.

    Ở trên, vua hay đem lòng nhơn ái mà thi thố cho bá tánh, thế mà ở dưới, bá tánh chẳng đem sự trung nghĩa mà thờ vua, sự ấy chưa từng có bao giờ. Bá tánh đã đem hết sự trung nghĩa mà thờ vua, thế mà công việc của vua chẳng thành tựu, sự ấy cũng chưa từng có bao giờ. Là một bậc trung thần, Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy:

    Đấng trung thần gạn đục tầm trong
    (Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ)

    Chữ "trong", chỉ bậc chí trung chí hiếu, tận trung, là người ai ai cũng ưa thích, cũng muốn ngắm, muốn nhìn. Chữ"đục", chỉ sự xấu xa , bất trung , bất hiếu, mọi người đều muốn tránh xa. Để rõ ràng ý nghĩa "trong, đục", Ngài chỉ cho chúng ta hai điển hình như:
    Thương Minh Vương bắt chước Thuấn Nghiêu,

    Lòng hiền đức nào ai có biết.
    (Kệ Dân)
    Và:

    Ghét bạo chúa là xưa Trụ Kiệt,
    Mất cơ đồ lại bị lửa thiêu.

    (Kệ Dân)

    Cho nên người trung thần muốn phò vua giúp nước phải"tìm trong lánh đục", phải nhận ra đâu là Minh Quân đặng thờ, đâu là bạo Chúa nên tránh "Đấng trung thần dạ ngọc ước ao, Người bội phản ghét nhơ đạo lý"(Diệu pháp Quang Minh).Trong thế gian pháp có câu"Chim khôn chọn cây lành mà đậu,Người khôn tìm Thánh chúa mà thờ". Trong Phật pháp, Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy chúng ta:"Chim khôn thì uống nước trong, Người khôn mau sớm rửa lòng bợn nhơ" (Thu Đã Cuối), để chúng ta suy ngẫm về lẽ sống của con người.

    Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ cũng chỉ cho chúng ta nền đạo nghĩa luân thường mà Thánh nhân đã lập ra từ xưa để chúng ta ăn ở cho hợp lẽ:

    Trên vua minh chánh cầm cân,
    Dưới quan liêm tiết xử phân công bình.
    Quyền cha quản xuất gia đình,
    Dạy con phải phép vẹn gìn hiếu trung.

    (Hoài Cổ)
    Người tu Phật, phải tận trung bằng cách nào đối với "trung hiếu", nhìn bằng cách nào mới đúng. Nhà Phật bảo "trung đạo" là đệ nhất nghĩa, nhà Nho bảo"trung dung". Người biết dùng trung, trong thế pháp là Thánh Hiền, trong Phật pháp là chư Phật, chư Bồ Tát.

    TRUNG ĐẠO: Chúng ta để ý, khi bước vào cửa chùa nhìn thấy tượng Tứ Thiên Vương trong chánh điện tức là để biểu pháp. Một trong Tứ Thiên Vương, đó là Đông Phương Thiên Vuơng tay cầm đàn Tì bà. Chúng ta chớ nên hiểu lầm, không phải Thiên Vương nầy ưa thích ca hát. Đàn Tì bà nói lên ý gì? Nói lên ý trung đạo trong Phật đạo. Tì bà là nhạc cụ dùng dây, chúng ta biết dây lỏng thì đờn không ra tiếng, qúa chặt thì đứt dây, cần phải chỉnh cho vừa vặn, âm sắc mới tuyệt diệu. Điều nầy có nghĩa là bảo chúng ta đối người tiếp vật phải làm tới xít sao, không thừa không thiếu. Phải biết trung đạo, phải biết dùng trung. Trung mới hòa, không trung tức không hòa; hòa mới có thể hợp tác, cho nên dây đàn biểu đạt ý tứ nầy.

    Trung đạo là ở giữa tinh tấn và giải đãi, không qúa siêng năng mà cũng không qúa lười biếng là thượng hạnh, là hạnh tu thù thắng cao tột. Nhờ đó mà người đi trên đường tu,tiến tu từng bước, dần dần sẽ trở thành bậc Vô lậu. Trung Đạo là kinh nghiệm tu tập của Đức Thế Tôn Thích Ca, quân bình giữa hưởng thọ dục lạc và khổ hạnh, nhờ đó mà Ngài đắc Đạo.

    Trong giáo lý của Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ, Ngài cũng khuyên tấn chúng ta theo con đường "Trung Đạo" để hành đạo. Đường Trung Đạo của Phật:
    1- Không trưởng dưỡng xác thịt qúa ư sung sướng như: Ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện,chẳng học hỏi, vì sung sướng thái qúa thì sanh nhiều dục vọng mê đắm, làm cho trí não tối tăm, không thể đạt huệ được.
    2- Không nên hành xác hay ép xác thái qúa như: phơi nắng dầm sương, bỏ ăn, bỏ ngủ, làm lụng qúa sức lực của mình, vì ép xác qúa độ thì hay sanh bịnh hoạn nhiều, người mà mang bịnh tật rồi, tinh thần kém cỏi, mệt nhọc, trí hóa lu mờ, không đủ sức mà học Đạo đặng.

    Nên người biết Đạo chẳng ép xác thái qúa mà cũng chẳng để nó sung sướng qúa độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, giữ gìn sức khỏe mới mong học được đạo pháp.
    Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình. Điều cần yếu là phải:
    * Làm hết các việc từ thiện.
    *Tránh tất cả điều độc ác.
    *Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.

    TRUNG DUNG: Con người ta sanh ra, ai nấy đều có cái bẩm chất vốn lành. Từ lúc còn thơ ấu, ai cũng biết thương cha mẹ, trọng anh chị, mến bạn tác. Lớn lên, lập gia đình, ai cũng thương vợ mến con, yêu non sông đất nước. Đó là cái tính tự nhiên, Thiên phú cho mỗi người. Cái bổn tính của mình, vốn sáng, vốn lành; nếu mình noi theo đó mà giữ mình, xử sự cho trung hậu, nhân từ, tức là mình có cái Đạo. Tu theo Đạo gọi là Giáo. Chư Thánh Hiền vì thấy người đời"say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh" mà để cho Đạo bế tắc, tánh trí lu mờ nên các Ngài bèn dùng trí huệ mà biện thuyết hoặc viết sách soạn kinh để cảnh tỉnh người đời tu học. Đó là Giáo. Tâm tánh mình lúc nào cũng phải hiệp với Đạo. Nếu tách ra thì các mối mê dục xen vào còn chi là Đạo.

    Những tình cảm vui mừng, hờn giận, đau thương, khoái lạc, khi chưa phát sinh nơi tâm ta thì gọi là Trung; lúc bấy giờ cái tâm ta tự nhiên ở mức giữa, không chênh lệch bên nầy, không chênh lệch bên kia. Chừng đối cảnh mà chúng phát sanh một cách phải thế thì gọi là Hòa, ví như thấy ai bố thí thì ta vui mừng, gặp người tài đức thì ta hân hoan, biết ai hoạn nạn thì ta thương xót...

    Ông Trình Tử nói rằng:"Hể cái tâm không chênh bên nầy, không lệch bên kia, ở được mức giữa thì gọi là "trung"; còn như giữ thường thường một mực, không dời đổi thì gọi là "dung". Trung là con đường ngay mà tất cả mọi người đều phải theo, dung là cái lẽ sẵn định nó quản trị tất cả mọi người. Thiên Trung Dung nầy vốn là môn tâm pháp mà Đức Khổng Tử dạy chư đệ tử, mấy vị nầy mới truyền nói cho môn đệ của mình".

    Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy tín chúng phép tắc Đạo làm người cũng khuyên học theo sách của Khổng Tử và Mạnh Tử:

    Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,
    Sách Thánh Hiền dạy Đạo làm người.

    (Kệ Dân)
    Hay là:

    Thánh Nhơn ghi sách Trung Dung,
    Hiền nhơn thức tỉnh biết dùng người ngay.

    (Kệ Dân)
    Hay là:

    Trung Dung khuyên đó noi gương Khổng,
    Hiếu hạnh dạy con chớ mến lầu.

    (Bài thi họa của Đức Thầy cho Ông Nguyễn Thanh Tân)

    Đức Khổng Tử nói rằng: Bậc thiên tử trị yên thiên hạ, ấy là đức nhân. Nhà hiền sĩ từ chối tước lộc để giữ tiết trong sạch của mình, ấy là trí. Vị tướng tài lướt qua binh khí, coi nhẹ thân mình, ấy là dũng. Nhân, Trí, Dũng, ba cái đức ấy tuy khó mà dễ. Chớ cái mức Trung Dung tuy dễ mà khó giữ cho bền. Vì vậy Ngài nói rằng ít người biết giữ đạo Trung Dung.
    Luận về trung dung, thiên Trung Dung trong "Tứ Thư" chương 27 có đoạn ghi: Ôi! Đạo của Thánh Nhơn tức là đạo Trung Dung rất lớn thay! Đạo ấy mênh mông như biển cả, nó sanh hóa và dưỡng dục tất cả vạn vật trong vũ trụ. Nó bắt từ nơi mặt đất mà vượt lên cho chí trời. Đạo ấy rộng lớn, đầy đủ thay! Nó bao gồm tất cả ba trăm điều lễ nghi và ba ngàn điều oai nghi. Nhưng phải có bậc Thánh nhơn ra đời mới có thể thực hành cái Đại Đạo ấy.

    Cho nên người ta thường nói rằng: Nếu chẳng có bậc đức hạnh hoàn toàn, thì nền Đạo lý toàn mỹ ấy chẳng ai gìn giữ và thi hành cho nỗi. Cho nên bậc quân tử tôn trọng những cái đức do tánh trời phú cho, bèn rán sức mà hỏi han, học tập. Người mở mang những cái đức của mình cho thật rộng, thật lớn và nghiên cứu Đạo lý đến chỗ tinh tế, huyền vi. Người làm cho đức tánh mình trở nên cao thượng, sáng suốt cực điểm, bèn cố sức mà giữ tâm ý mình ở mức Trung Dung, không chênh, không lệch. Người thường xem đi xét lại những điều đã học, nhờ vậy mà biết thêm những điều mới; chính nhờ người ôn lại việc xưa mà biết việc nay và việc sau. Người dè dặt nết na là vì người chuộng điều lễ nghĩa.

    Cho nên bậc quân tử ở ngôi trên, như là bậc quốc trưởng, thì chẳng hay kiêu ngạo kheo khoang; còn như ở hạng dưới, như làm quan văn hay quan võ hay thường dân, thì chẳng trái nghịch. Như nước nhà bình yên, có trật tự, một lời nói của người đủ làm cho nước nhà hưng thịnh. Bằng trong nước rối loạn, người cứ lặng thinh; sự ấy đủ làm cho người được yên ổn, tránh khỏi tai họa.

    Đức Khổng Tử nói rằng:"Bậc quân tử đối với người thì giữ phần hòa khí, nhưng không bê tha theo thói tục thường tình. Sức mạnh ấy vững vàng thay! Còn đối với mình thì đứng ở mức trung, không xiêu vẹo chênh lệch. Sức mạnh ấy vững vàng thay! Nếu nước nhà thịnh trị, có đạo đức, mà thân danh mình hiển đạt, người chẳng dời đổi chí hướng mình. Sức mạnh ấy vững vàng thay! Nhược bằng trong nước rối loạn, con người vô đạo thì bậc quân tử cũng chẳng dời bỏ đức tánh mình, dẫu có chết cũng cam tâm. Sức mạnh ấy vững vàng thay!".

    Chữ "Hiếu", nếu đem chiết tự thì nó có hai phần: phân nửa trên là chữ "lão", phân nửa dưới là chữ "tử", lão nói về đời trước, tử nói về đời sau. Ý nghĩa của hai chữ nầy liên hệ với nhau, đời trước và đời sau hợp thành một thể, đây gọi là hiếu.Nếu như đời trước và đời sau tách rời ra, như vậy là bất hiếu. Đời trước còn có đời trước, qúa khứ vô thủy; đời sau còn có đời sau, vị lai vô chung"cổ vãng lai kim, vô biên vô tế"(từ xưa đến nay, không bờ không bến". Vô thủy vô chung, đúng như trong giáo lý của Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ:

    Tạo làm chi những trung với hiếu,
    Ấy là người bổn phận phải trau.
    Khuyên dương trần đừng nệ cần lao,
    Cũng rán sửa rán trau nền Đạo.

    (Giác Mê Tâm Kệ)
    Hay là:

    Phận làm người hiếu thảo noi gương,
    Ấy chẳng qua là đạo luân thường.

    (Sa Đéc)

    Đối với lý niệm của chữ nầy chúng ta phải hiểu rõ ràng, thấu triệt, sau đó mới biết làm cách nào để hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Viên mãn chữ hiếu rồi thì qủa Phật vẹn tròn.
    Phật pháp dựng trên cơ sở hiếu đạo. Thời đức Phật còn trụ thế, Ngài giảng pháp hoằng hóa chúng sanh đều nói chữ "hiếu", thập phương tam thế Phật, giáo hóa chúng sanh đều nói chữ nầy. Trong Quán Vô Lượng Thọ kinh nói: phu nhân Vi Đề Hi gặp biến cố gia đình, nản lòng vô cùng, van xin Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giúp đỡ. Bà là đệ tử của Đức Phật, biết được thế giới vô lượng vô biên, thỉnh giáo Đức Phật, có thế giới thanh tịnh an lạc không? Bà nói hoàn cảnh của thế giới nầy qúa ác liệt, chỗ nầy không thể ở nữa, bà muốn di dân. Đức Phật nghe xong lời thỉnh cầu của bà, dùng thần lực đem thập phương thế giới biến hiện ở trước mặt bà, để bà một mình xem, một mình lựa chọn. Bà xem xong rất vui mừng, liền chọn Cực Lạc Thế Giới của Đức Phật A Di Đà. Bà khẩn cầu Đức Phật Thích Ca, làm cách nào mới có thể sanh vào Thế Giới Cực Lạc Tây Phương?

    Trước khi Đức Phật dạy phương pháp theo lời thỉnh giáo của phu nhân Vi Đề Hi, Ngài giảng "Tịnh Nghiệp Tam Phước" với bà, nói với bà ta có ba điều kiện cơ bản. Trong ba điều kiện cơ bản nầy, điều thứ nhứt "Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu, Phụng Sự Sư Trưởng",đầu tiên nói về hiếu, hiếu thân tôn sư. Chúng ta phải hiểu Phật pháp là Sư đạo, Sư đạo dựng trên cơ sở của hiếu đạo. Không có hiếu với cha mẹ, nhất định không thể tôn kính Sư trưởng (Sư trưởng ở đây là Sư đạo là Phật pháp). Hiếu đạo, Sư đạo không còn, như vậy tam thiện đạo trong lục đạo cũng không còn, thế là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta chỉ hạn chế vào tam ác đạo. Trong ác đạo, một số súc sanh còn biết hiếu đạo, còn biết hiếu dưỡng phụ mẫu. Còn người chẳng bằng súc sanh sao? Điều nầy Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ khuyến dạy:

    Ta ra sức viết câu huyền bí,
    Chúng dân ôi! rán kiếm rán tầm.
    Giống thú kia là loại sanh cầm,
    Mà còn biết kiếm tầm đạo đức.
    Thú vật biết tu hành náo nức,
    Còn người sao chẳng dứt hồng trần?
    Việc tu hành phải vẹn nghĩa ân,

    (Giác Mê Tâm Kệ)

    Trong xã hội cũng không ít người không biết, bài xích Phật Giáo. Bài xích Phật Giáo tức là bài xích hiếu đạo, bài xích Sư đạo. Chúng ta cũng không nên trách cứ họ, vì họ không hiểu thấu rõ ràng, nhìn lầm về Phật pháp. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy:
    Ta thường nên tập tánh khoan dung.

    Thiệt hành đi đừng có ngại ngùng,
    Tha thứ kẻ lỗi lầm ngu xuẩn.
    Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận,
    Khỏi mất lòng tất cả mọi người.
    Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi,
    Vậy mới đáng tín đồ Phật Giáo.
    Nay ta đã quy y cầu Đạo,
    Gây gổ là trái thuyết từ bi.

    (Khuyến Thiện)

    Nếu họ thấu hiểu rồi, Phật pháp mang đến cho họ lợi ích chân thật, họ sẽ không từ bỏ lợi ích của mình.
    Hai điều kiện còn lại "Thọ trì Tam Qui, cụ túc Giới luật" tức là "Tam qui ngũ giái lòng hằng gìn theo" và "Tu Thập Thiện Nghiệp" tức là tu Tịnh Tam Nghiệp (Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp). Vì hai mục nầy không nhằm trong đề tài, nên chúng tôi xin miễn bàn chi tiết ở đây.
    Phật pháp bắt đầu từ chữ "Hiếu". Chư Phật, chư Bồ Tát dạy người là tận hiếu, hiếu dưỡng phụ mẫu. Đây là chỗ dạy chúng ta thực hành hiếu đạo, hết lòng hiếu thảo. Trước hết thực hiện hiếu dưỡng phụ mẫu, sau đó nới rộng hiếu dưỡng tất cả chúng sanh. Trong Kinh Bồ Tát Giới, Đức Phật nói với chúng ta"Tất cả nam nhân là cha ta , tất cả nữ nhân là mẹ ta". Đem hiếu dưỡng phụ mẫu nới rộng đến hư không pháp giới, vậy mới tận hiếu. Từ đó chúng ta biết học Phật là để học một chữ "hiếu", một chữ "trung". Phật pháp không có gì khác, chỉ là "trung hiếu" mà thôi.
    Ân đức của cha mẹ đối với chúng ta qúa lớn lao:

    Công cha như núi Thái Sơn,
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
    Một lòng thờ mẹ kính cha,
    Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.

    (Ca Dao)

    Ơn hoài thai, to như bể,
    Công dưỡng dục, lớn tợ sông.

    (Ca Dao)

    Công cha đức mẹ cao dầy,
    Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.

    (Ca Dao)

    Sinh mạng của chúng ta có từ cha mẹ, cho nên hiếu dưỡng phụ mẫu là thiên kinh địa nghĩa, làm được như vậy mới có thể xứng là người, tu học từ trên cơ sở nầy mới có thể thành Bồ Tát, thành Phật. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy:

    Phụ mẫu thâm ân vô lượng kiếp,
    Quân thần nghĩa trọng hữu thiên niên.

    (Mượn Cây Đuốc Huệ)
    Thế nên bổn phận làm con là phải biết:
    Ơn cha nghĩa mẹ phải đền,
    Một ngày hiệp mặt lập nền từ bi.

    (Xuân Hạ Tác Cuồng Thơ)
    Hay là:

    Thuở ít tuổi ấy là thời thơ ấu,
    Ơn mẹ cha dạy dỗ lúc nâng niu.
    Lớn lên rồi cần giữ lấy qui điều,
    Của Phật Thánh dạy người trung lẫn hiếu.
    Con nghịch phản đều mang câu đàm tiếu,
    Giữ sao tròn đạo nghĩa mới khôn ngoan.
    Lòng sắt son dám sánh nỗi ngàn vàng,
    Khó mua chuộc những người đầy liêm sĩ.

    (Không Buồn Ngủ)

    Hiếu dưỡng phụ mẫu là dùng lòng hiếu thảo để phụng dưỡng cha mẹ, Cổ nhân có câu"Dưỡng phụ mẫu chi thân" là nuôi cha mẹ. Tuổi tác của cha mẹ lớn, chăm sóc cha mẹ phải cẩn thận, kỹ càng, để ý mọi việc ăn nằm. Tình trạng sức khỏe của mỗi người khác nhau, phân lượng nhu cầu dinh dưỡng cũng không giống nhau, nhưng có một nguyên tắc chung, phải dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ dinh dưỡng, "Mẹ cha là kẻ trọng ân, Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già"và "Nếu ai biết chữ tu trì, Cha mẹ còn sống vậy thì cho ăn", chớ đừng "Không làm để ở lung lăng, Chưỡi cha mắng mẹ lăng xăng thiếu gì" (Sám Giảng), thật là điều tội lỗi đáng trách. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy: "Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ xao lãng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta cần phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong huynh đệ, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ"(Ân Tổ Tiên cha mẹ). Chẳng may ông bà cha mẹ từ trần, Đức Tôn Sư dạy:"Lúc cha mẹ qúa vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân"(Ân Tổ Tiên cha mẹ). Chúng ta không đợi đến ngày giỗ mới làm mâm cao cổ đầy cúng tế, mà ngay như mỗi bửa ăn dầu dĩa dưa hạt muối cũng nên, miễn là biết thành lòng tưởng nhớ và nguyện vái "Cửu Huyền Thất Tổ" về thọ dụng với mình là được, vì"sự vong như sự tồn", đó là đúng cách của người con có hiếu "Giường linh đơm quảy mới là, Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi!" (Sám Giảng). Muốn cho tội nghiệp của ông bà cha mẹ mau tiêu rỗi, con cháu cần sớm giác ngộ tu hành, mỗi sáng chiều hằng thành tâm cầu nguyện. Noi gương Đức Mục Kiền Liên rèn lòng từ bi, hiếu hạnh đi đến chỗ chứng đạo giải thoát, Đức Tôn Sư dạy:"Muốn cho tội lỗi mòn tiêu, Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay. Mục Liên cứu mẹ bằng nay, Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi"(Sám Giảng) và Ngài từng khuyên tấn:"Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền, Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên. Ngõ đáp ơn dầy công sáng tạo, Cho ta hình vóc học cơ huyền" (Giải Thoát Cửu Huyền) Đồng thời phải biết đến "Dưỡng phụ mẫu chi tâm", không được để cha mẹ lo lắng, phiền muộn. Muốn được như vậy thì phải thuận, tuy nhiên muốn thực hiện được chữ "thuận" cũng không phải dễ dàng khi chúng ta không có tấm lòng chân thành. Cha mẹ đối với con cháu, thân bằng quyến thuộc lúc nào cũng có cái nhìn ái hộ, quan tâm, bao giờ cũng mong con cái, mong thân bằng được tốt, có cuộc sống an vui, sự nghiệp vững vàng. Tuổi tác càng lớn càng từ bi, bởi họ hiểu rõ ngày giờ không còn nhiều, đời nầy của mình đã qua, đặt tất cả kỳ vọng nơi con cháu tuổi trẻ, tâm địa chân thành từ bi. Tấm lòng của các người lớn tuổi thật sự hiền lương, tuy khó tránh khỏi sai sót trong đời, lúc tuổi gìa đều biết sám hối, biết hồi đầu. Người lớn tuổi tu hành có thành tựu, tuy thời gian tiếp xúc với Phật pháp không dài, thời gian niệm Phật ngắn, nhưng vãng sanh tướng lành hy hữu, chúng ta thấy được không ít. Chúng ta thấy được người tu hành trên sáu mươi tuổi có thành tựu rất nhiều. Làm cách nào để nuôi bản tánh chân tâm của cha mẹ, đó là bổn phận của chúng ta. Cho nên phải hiểu lòng của cha mẹ, ao ước của cha mẹ, không thể phụ lòng của cha mẹ, đó là đại hiếu," Ở cho biết nhượng biết tùy,Vui lòng cha mẹ vậy thì mới ngoan"(Sám Giảng). Ngày xưa ông Tăng Tử phụng dưỡng cha là ông Tăng Tích, như mỗi bửa ăn đều dâng rượu thịt. Khi dẹp mâm, ông hỏi cha rằng:" Đồ ăn phần còn lại, nên cho ai?" Cha hỏi:"Còn đồ ăn không?". Ông đáp:"Còn". (Thường khi ông Tăng Tử muốn đem đồ ăn còn lại cho người láng giềng là làm theo ý của cha ông muốn như vậy). Đến chừng ông Tăng Tích qua đời, Tăng Nguyên phụng dưỡng cha là ông Tăng Tử, mỗi bửa ăn đều dâng lên rượu thịt. Nhưng khi dẹp mâm, chẳng hề hỏi cha:" Đồ ăn còn dư nên cho ai?". Nếu cha có hỏi:"Còn đồ ăn không?" Tăng Nguyên thường thưa rằng:"Hết rồi". Tăng Nguyên muốn để dành đồ ăn mà dọn bửa kế tiếp. Hành động như vậy chỉ gọi là nuôi cái miệng và cái thân thể của cha mà thôi. Còn như ông Tăng Tử mới đáng khen là người biết dưỡng cái tâm chí của cha. Phụng sự đấng song thân như ông Tăng Tử, thật là phải đạo vậy.

    Đời người có thể sống trong thế giới cảm ơn, mới thật sự có giá trị, có ý nghĩa. Lúc thiếu thời học ở nhà trường cha mẹ và thầy giáo đều ước ao chúng ta có biểu hiện tốt về thành tích. Chúng ta học không giỏi, cha mẹ lo lắng. Hạnh kiểm không tốt cha mẹ cũng buồn. Là người con có hiếu, lúc nào cũng làm cho cha mẹ vui. Đến tuổi thành niên chúng ta có gia đình, gia đình phải hòa mục. Gia đình không hòa cha mẹ lo lắng. Anh em bất hòa, chị em dâu bất hòa, đều là những chuyện làm cho cha mẹ lao tâm. Cha mẹ khổ tâm với con cháu suốt đời, lâm chung vẫn còn thương nhớ trong lòng, có ai hiểu nỗi! Đến lúc chúng ta bước vào tuổi già, hoặc nhiên chúng ta mới cảm ngộ. Bước vào xã hội, người ở đời nhứt định phải làm việc, phải có một nghề đứng đắn, phục vụ xã hội, phục vụ chúng sanh. Đối với công việc, nghề nghiệp của chúng ta phải làm hết lòng. Không hết lòng, hết sức, đó là bất hiếu! Có lỗi với cha mẹ. Ngoài ra còn phải biết "Dưỡng phụ mẫu chi chí", là kỳ vọng của cha mẹ đối với chúng ta. Chí nhỏ của cha mẹ là hy vọng chúng ta thăng quan phát tài. Nếu nhãn quan của cha mẹ nhìn xa hơn là mong chúng ta trở thành người xuất sắc, vinh quang diệu tổ. Đây là kỳ vọng thông thường của cha mẹ đối với chúng ta từ thời xa xưa. Một khi cha mẹ đã giác ngộ rồi, kỳ vọng của song thân đối với chúng ta với niềm hy vọng chúng ta sẽ trở thành Bồ Tát, thành Phật, đạt đến cứu cánh viên mãn chân thật.

    Điều mong ước của cha mẹ muốn cho chúng ta trở thành Bồ Tát hay thành Phật, chúng ta có thể thực hiện được, vì không nhất định nói làm Phật là chỉ nói Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mà bất luận thân phận gì, bất luận làm nghề nghiệp gì đều có thể làm được. Nhìn vào kinh điển, chúng ta thấy sự thị hiện tướng Phật của cư sĩ Duy Ma Cật ở nhà. Nhìn vào gương thân giáo của Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ, thị hiện tướng Phật của người cư sĩ, Ngài nói:"Với sự hành Đạo của tôi cảnh sống nào tôi cũng có thể sống được. Cái hành Đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tính cao cả và thực hành trên thực tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành Đạo của mình, chớ những sự tùy tiện về vật chất đối với tôi, không có nghĩa lý gì hết"(Trích lục báo Nam Kỳ, ngày 29-11-1946).

    Cho nên bất luận thân phận gì, hành nghiệp gì, đều có thể làm Bồ Tát, đều có thể làm Phật. Phật và Bồ Tát chỉ khác với phàm phu ở chỗ "Giác" và "Mê". Phật và Bồ Tát là người đã giác ngộ, phàm nhân còn mê mang chưa tỉnh ngộ. Chúng ta đã từng đọc qua kinh giảng, chúng ta đã thấu hiểu rõ ràng. Trong bài "Hiếu Nghĩa Vi Tiên", Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy:

    Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên,
    Hành thiện tri kinh thị sĩ hiền.
    Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp,
    Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên.


    Ngày ngày nghiên cứu thảo luận, đương nhiên chúng ta có ấn tượng sâu sắc. Phật và Bồ Tát không có vọng tưởng, phân biệt , chấp trước. Phật và Bồ Tát chỉ có tấm lòng chân thành, tấm lòng thuần thiện, tấm lòng thương người, thương tất cả chúng sanh, phục vụ chúng sanh, không niệm nào nghĩ đến chính mình, niệm niệm đến an định xã hội, hòa bình thế giới, hạnh phúc chân thật của tất cả chúng sanh.

    Hiếu thì nhứt định phải thuận, không thuận thì không gọi là hiếu,cho nên hiếu thuận liền nhau. Tùy thuận bằng cách nào mới cho là có hiếu chân chính? Phải thuận tánh, mới chân chánh biết đạo hiếu, hiểu biết sâu sa chữ hiếu. Trong Phật pháp bảo" tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", tùy thuận Phật tánh mới là đại hiếu. Cha mẹ của chúng ta có Phật tánh, chúng ta tùy thuận Phật tánh của cha mẹ mà tận hiếu, không phải tùy thuận phiền não. Cha mẹ cũng là phàm phu, cha mẹ có phiền não, chúng ta không nên tùy thuận phiền não của cha mẹ, mà phải tùy thuận Phật tánh của cha mẹ, chúng ta phải hiểu rõ ràng ý nghĩa nầy. Giúp cha mẹ thành Phật, giúp cha mẹ giác ngộ, mới là tận hiếu. Từ đó mà biết, chúng ta giúp cha mẹ giác ngộ, nếu chính mình không giác ngộ, chúng ta làm sao giúp nỗi! Cho nên chúng ta muốn hết lòng hiếu thảo, trước tiên chính mình phải giác ngộ, chính mình có thành tựu, sau đó mới có khả năng giúp đỡ người khác; giúp đỡ người khác, đối tượng đầu tiên là cha mẹ.

    Đức Khổng Tử tôn sùng và giới thiệu ông Thuấn (vua Thuấn) là người biết hiếu thảo và tận hiếu là tấm gương tốt nhất, những gì ông làm mục đích là giúp cha mẹ giác ngộ. Cho nên sự đối đãi của cha mẹ ông, người ngoài nhìn thấy là ác liệt vô cùng, luôn luôn muốn đặt ông tới chỗ chết, nhưng dưới mắt ông, cha mẹ là đại Thánh, đại Hiền, là Phật, là Bồ Tát. Cách nhìn hai bên không giống nhau vì vua Thuấn từ thể tánh nhìn, từ tâm tánh nhìn. Nhìn từ tâm tánh thấy tất cả chúng sanh đều là Phật. Ngược lại cha mẹ của ông Thuấn tùy thuận vọng tưởng, phiền não, tập khí của mình để nhìn chúng sanh.

    Vua Thuấn biết "thông quyền đạt biến" (thức thời không cố chấp), cha mẹ trách phạt, ông ta đủ sức chịu đựng thì nhận lấy, không đủ sức thì phải trốn lánh. Không đủ sức mà nhận lấy trách phạt, như vậy nếu bị cha mẹ đánh chết thì chịu lấy! Trong trường hợp nầy, chúng ta đã bị chết oan, chúng ta vẫn là đại bất hiếu, người hiểu"thông quyền đạt biến" là ở chỗ nầy. Chúng ta phải tận hết khả năng tìm cơ hội gợi ý cha mẹ. Khi nào cha mẹ giác ngộ, hiểu rõ rồi, qủa nhiên thành đại Thánh, đại Hiền. Làm được như vậy mới đúng là tận hiếu, mới đúng là thuận thân(hiếu thảo với cha mẹ). Ngược lại, chúng ta thiếu sáng suốt thuận theo tình cảm của cha mẹ, thuận theo phiền não của cha mẹ, một khi cha mẹ có lòng tham nặng muốn chúng ta kiếm nhiều tiền, làm quan lớn tham ô, chúng ta chìu theo, sau nầy chúng ta xuống địa ngục, cha mẹ cũng xuống địa ngục, đây không phải là hiếu thảo với cha mẹ. Học sách Thánh Hiền, học Phật, không gì khác hơn là học làm một người hiểu biết. Người hiểu biết lý lẽ, không làm điều sai, không có ý niệm sai lầm, đây gọi là thuận thân (chữ thân ở đây là Phật tánh, là bản tánh chân tâm của chúng ta).

    Sách "Thuyết Uyển" có nói về ông Tăng Sâm, người thời Xuân Thu, tính chất rất chân thật và rất có hiếu, học trò của Đức Khổng Tử. Một hôm, ông Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau qúa, ngã gục xuống, một lúc mới hồi tỉnh lại.
    Khi về nhà, liền đến thưa với cha rằng:"Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo". Nói xong lùi xuống vừa gảy đàn vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, biết rằng mình không đau đớn gì nữa. Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện ấy, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.
    Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà Ngài giận.
    Khổng Tử nói:"Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, ở luôn bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chìu cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha đánh qúa tay mà chết mất có phải là làm cho cha mắc tội không? Tội bất hiếu còn gì to hơn nữa!
    Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết mình nhầm lỗi, đến tạ tội Khổng Tử.
    Ông Tăng Sâm rất hiếu nhưng chưa phải cách, ông Thuấn (vua Thuấn) cũng hiếu nhưng biết phải trái. Người làm con có hiếu thì dẫu vì cha mà phải hy sinh tánh mạng cũng không có gì là qúa lạm. Tuy nhiên, liều mình cứu cha mẹ trong cơn nguy cấp là chí hiếu, nhưng để cha mẹ trong cơn giận dữ đánh đập, lỡ hại đến tánh mạng thì chẳng những bất hiếu lại còn mang tiếng làm hại cha mẹ vào bất từ nữa. Kẻ làm con khi thấy cha mẹ làm trái, phải sáng suốt liệu đường trốn tránh hay ủy khúc can ngăn mà vẫn không mắc tiếng bất hiếu.

    Trong sách "Luận Ngữ" nói:"Mạnh Tử thuyết Nghiêu Thuấn chi đạo, hiếu để nhi dĩ hỹ" (Ngài Mạnh Tử kể chuyện về đạo làm người của vua Nghiêu và vua Thuấn, mục đích là để nói hiếu để mà thôi). Đây là một người học sách Nho, khi bắt đầu dùng thuyết Khổng Mạnh làm y cứ. Sau đó chúng ta phát minh thêm ra cho rõ ràng, thấu triệt, sau đó mới biết học hiếu bằng cách nào để hiếu thảo với cha mẹ, hy vọng đạt tới hết lòng hiếu thảo. Viên mãn chữ hiếu rồi thì thành Phật. Phật pháp dựng trên cơ sở của hiếu đạo. Phật pháp không nói gì khác hơn, từ thủy đến chung, thực hành hiếu đạo, tận hiếu mà thôi.

    Cổ đức nói:"Nhân tuy ứng đăng tiên phẩm, tất du đa lịch tuế niên, duy chí trung chí hiếu, kim nhật tạ thế, minh nhựt tiện sanh thiên giới, nhân chi trung hiếu vi thần tử đại tiết, khải tri vưu vi siêu độ chi bản tai" (Tuy người phải thăng tiến để thành Tiên, nhưng cần phải trải qua nhiều năm tuổi tu hành, chỉ có kẻ chí trung chí hiếu, ngày nay chết, ngày mai lên cõi Trời, ai ai đều biết trung hiếu là tiết tháo của kẻ làm thần làm con, nhưng đâu biết nó càng là căn bản để siêu độ ra khỏi luân hồi),những lời nầy rất hay,nói rất đúng,không sai chút nào! Người đời có thể tận trung tận hiếu, không cần tu hành, chết rồi tự nhiên lên Trời. Nói cách khác,nếu bất trung bất hiếu, tuy tu thập thiện, tứ vô lượng tâm,cũng không thể lên Trời. Cùng một đạo lý, bất trung bất hiếu, niệm Phật cũng không thể vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Cho nên hai chữ "Trung Hiếu" không những căn bản để làm người, cũng là đại căn đại bản để tu hành, quyết không thể coi thường.

    Là người tu theo Phật, chúng ta đều tin theo lời Phật mà thực hành hiếu đạo trong đời sống hằng ngày. Cha mẹ là hai đấng sanh thành có một địa vị quan trọng trong tâm thức của người con Phật, ngang bằng với Phật và các vị Đại Bồ Tát, nên "gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy" (Kinh Đại Tập).

    Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc. Đức Phật đã hướng dẫn người đệ tử cúng dường các vị Phật, chư vị Bồ Tát một đời bổ xứ (Nhất sanh bổ xứ Bồ Tát như Bồ Tát Di Lặc sẽ hạ sanh thành Phật ở tương lai) ngay trong nhà của mình, đó chính là cúng dường cha mẹ. Chỉ cần tận hiếu, cúng dường cha mẹ thì những người con hiếu thảo được công đức lớn, thành qủa báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi.

    Bây giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:"Có hai pháp dành cho người phàm phu, được công đức lớn, thành qủa báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi. Thế nào là hai pháp? Là cúng dường cha mẹ. Đó là hai người được công đức lớn, thành qủa báo lớn.
    Lại nữa, nếu cúng dường Bồ tát một đời bổ xứ, được công đức lớn, được qủa báo lớn. Đó là, nầy Tỳ Kheo! Bố thí hai người được công đức lớn, hưởng qủa báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi. Thế nên, các Tỳ Kheo hãy thường nhớ hiếu thuận, cúng dường cha mẹ. Như vậy, nầy các Tỳ Kheo, nên học điều nầy!
    Bây giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm" (Kinh Tăng Nhất A Hàm)

    Ở đây chúng ta cũng nên tìm hiểu"Bồ tát một đời bổ xứ", là vị Bồ Tát đã trải qua vô lượng kiếp tu các công hạnh ba la mật, chỉ còn một lần thị hiện xuống nhân gian tu hành sẽ thành bậc Vô thượng Chánh đẳng giác như Phật Thích Ca Mâu Ni. Tất nhiên, được cúng dường những vị Đại Bồ Tát như thế là phước hạnh vô cùng. Chỉ cần một lần được thanh tịnh cúng dường quý Ngài thì công đức, phước báo đã vô lượng.
    Có điều chúng ta không ngờ chung quanh ta lại có nhiều những vị Bồ tát một đời bổ xứ, ngay cả trong nhà của chúng ta. Đó chính là cha và mẹ. Điều đó có nghĩa là cha và mẹ là ruộng phước báo vô tận để chúng ta gieo trồng phước đức.Thế nên, hiếu thảo không còn là trách nhiệm và bổn phận nữa mà hiếu thảo trở thành hạnh nguyện cao cả và thiêng liêng. Nên dù cho cha mẹ có thương ta hay không, hoặc cha mẹ có thế nào đi nữa, trong tâm thức của người con hiếu thảo đích thực, các Ngài luôn là Phật, là Thánh Hiền (hãy noi gương hiếu thảo của vua Thuấn).
    Vậy ở đây Đức Thế Tôn không nói phụng dưỡng mà là cúng dường cha mẹ. Hạnh hiếu đối với cha mẹ thì có thể giống nhau, nhưng tâm hiếu phải được thăng hoa đến tột cùng. Phụng dưỡng cha mẹ không thiếu thốn là điều có thể làm được, nhưng chừng ấy thì chưa đủ, cần phụng dưỡng trong niềm tôn kính đến cùng tột, đó chính là cúng dường cha mẹ.
    Cha mẹ là Phật, là Đại Bồ Tát nên cúng dường cha mẹ và Bồ tát một đời bổ xứ là công hạnh thiêng liêng, được phước đức vô lượng. Cho nên những người con Phật hiếu thảo luôn hướng về Tam Bảo và song thân để phụng thờ, cúng dường với tất cả lòng thành kính. Hiếu thảo theo lời Phật dạy là một hạnh tu, gồm đủ phước trí, tự lợi và lợi tha, công đức vô lượng.

    Ở Việt Nam, Nho giáo và Phật giáo là hai học thuyết có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân Việt, trong đó hiếu đạo chiếm một phần rất quan trọng.
    Hiếu đạo trong Nho giáo và Phật giáo có điểm tương đồng và dị biệt. Điểm giống nhau là cả hai tôn giáo đều dạy người con phải có hiếu với cha mẹ, ông bà thông qua các hành vi ứng xử như lễ phép, kính vâng, phụng dưỡng, chăm sóc, làm cho cha mẹ an vui ...Cả hai tôn giáo cũng nhấn mạnh người con có hiếu phải có đạo đức, phải đem danh thơm tiếng tốt cho gia đình, dòng họ. Đối với người qúa vãng, cả hai tôn giáo đều dạy người con phải cầu nguyện cho cha mẹ, lo tang lễ chu toàn.

    Về điểm khác nhau, Nho giáo quan niệm hiếu thì phải tuân thủ các quy định mang tính tập tục như không được thay đổi thân thể, phải có con nối dõi tông đường... Trái lại Phật giáo nhấn mạnh hiếu trên phương diện đạo đức như làm việc thiện, giữ gìn giới luật, bố thí... để hoàn thiện bản thân và để hướng cha mẹ đến với thiện pháp. Phật giáo dạy trả ơn cha mẹ bao gồm hướng cha mẹ đến với thiện pháp, đến an lạc giải thoát đời nầy và đời sau. Nho giáo cho rằng có hiếu thì phải biểu hiện sự đau buồn, thương xót, khi tổ chức tang lễ cho cha mẹ. Phật giáo không dạy có hiếu là phải đau buồn hay khóc lóc khi tổ chức tang lễ. Giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy trong khi gia đình của người tín đồ có tang lễ như sau: "Lúc ông bà cha mẹ từ trần, tục để tang chúng ta vẫn giữ theo cổ lệ; chỉ cần sửa đổi các sự như sau đây: Bây giờ chúng ta đã quy y đầu Phật, thì phải do sự thành tâm cầu nguyện, và đem sức khấn vái của anh chị em trong Đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sinh nơi cõi thọ. Chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích, bởi vì người ta nhận định rằng xác thịt là hư hoại, thì trong lúc chết chỉ đem chôn cất cho kín đáo, đừng để hôi thúi có hại cho người sống, như thế là đủ rồi. Còn hiếu sự là do hồi còn sanh tiền và do sự tu hành, sự thành tâm cầu nguyện chớ không phải có tiền rước người khác cầu nguyện mà đạt được hiếu thuận nhơn nghĩa. Chỉ vọng bàn giữa nhà hay giữa trời cầu nguyện, rồi im lặng đi chôn. Về việc cúng kiếng ông bà cha mẹ, có chi cúng nấy trong những ngày kỷ niệm theo như tục lệ. Còn việc đãi đằng hương đảng thì tùy ý. Những điều nào xét ra giản tiện, ít lãng phí cứ làm" (Trích"Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hành).

    Hai chữ "Trung Hiếu", chúng ta phải hành như thế nào mới gọi là "trung hiếu lưỡng toàn". Sau đây là câu chuyện trong sách"Lã Thị Xuân Thu" đưa ra tấm gương trung hiếu để mọi người chúng ta suy gẫm. Đời vua Chiêu Vương nước Kinh, có người Thạch Chữ làm quan rất công bình chánh trực.

    Một hôm, đang đi tuần trong hạt, thấy ở ngoài đường có kẻ giết người. Thạch Chữ đuổi bắt, thì ra chính cha mình, bèn quay xe trở lại. Rồi chạy đến trước sân rồng, nói rằng:"Kẻ giết người là cha tôi. Bắt cha làm tội thì tình không nỡ; vì cha mà bỏ phép (phép luật) thì lý không xuôi. Làm quan đã không giữ phép thì phải chịu tội". Vừa nói, vừa kề gươm vào cổ, xin vua cho hành hình.
    Vua nói:"Nhà ngươi đuổi theo mà không bắt được đã là biết giữ phép, còn tội gì. Cứ yên tâm làm chức vụ". Thạch Chữ thưa: "Làm con không biết ủy khúc thờ cha, không gọi là người con có hiếu, làm tôi không công bằng giữ phép nước, không gọi là bầy tôi trung. Bao dung mà xá tội là ơn của quân thượng; trái phép mà chịu tội là phận của tôi con".
    Nói xong, cầm gươm tự sát.
    Không giữ phép nước thì chết; cha phạm tội không nỡ bắt, vua tha tội không chịu nhận, người như Thạch Chữ làm quan như thế, thật là người trung hiếu lưỡng toàn.

    Thạch Chữ là người biết dùng "trung" và dùng "hiếu" rất phải đạo. Giết cha đã không nỡ, dối vua lại không đành, cam chịu trái phép để cứu cha, thí thân để giữ phép. Thật là người giữ trọn được cả đôi đuờng trung hiếu. Chúng ta cũng nên biết nỗi khổ tâm của Thạch Chữ có khi là được vua tha cho mà cứ cẩu thả sống, sống chỉ càng làm cái hung ác của cha, giết người không tội vạ, kết cuộc liệu cha có thoát tử hình không, sống chỉ tăng cái tư tình của vua để cho vua khinh lờn phép nước, biết đâu sau không gây ra cuộc rối loạn trị an, thì thà một chết còn hơn, đối với gia đình đủ làm cho cha hối hận mà tuyệt được mầm ác; đối với tổ quốc đủ làm cho vua tỉnh ngộ mà tự mình giữ phép để trọng tính mạng dân. Thạch Chữ không những trung hiếu mà còn là nhân nữa.

    Tóm lại, người đi trên đường tu học Phật pháp, đừng nghĩ rằng niệm vài câu Phật hiệu hay tụng vài thời kinh hằng ngày là có thể vãng sanh. Chỉ có tận trung, tận hiếu, niệm Phật, mới được chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, nhất định vãng sanh. Làm tròn hai chữ "Trung Hiếu", tức là Phật đạo viên mãn, "Hãy rán dặn lòng lo trung hiếu, Đến chừng gặp hội có Tiên, Thần" (Cho Ông Hương Bộ Thạnh). Chúng ta hãy khuyến khích cho nhau, nhận chân cố gắng tu học:

    Trung với Hiếu ta nên trau trỉa,
    Hiền với lương bổn đạo rèn lòng.
    Thường nguyện cầu siêu độ Tổ Tông,
    Với bá tánh vạn dân vô sự.

    (Kệ Dân)
    Và:

    Hiếu trung con giữ vẹn toàn,
    Từ rày chẳng dám lăng loàn như xưa.
    Sau hưởng đặng phước thừa của Phật,
    Hồn nhẹ nhàng vượt khỏi tử sanh.


    Bài Nguyện Trước Bàn Thờ Cửu Huyền


    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
    Nam Mô A Di Đà Phật.


    Ngày16 tháng 01 năm 2017
    PHAN THANH NHÀN
     
    Sửa lần cuối bởi điều hành viên: 1/1/20

Chia sẻ trang này