Giác ngộ - Cư sĩ PHAN THANH NHÀN

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Tamtran, 22/4/18.

  1. Tamtran

    Tamtran Administrator


    GIÁC NGỘ

    [​IMG]

    ---oOo---

    “Sớm tỉnh ngộ lên đường giải thoát” là lời thức tỉnh một tín đồ mà cũng là lời kêu gọi chung cho mọi người ở thế gian nầy hãy mau mau tìm phương giải thoát, “nếu không quá trễ” của Đức Giáo Chủ PHẬT GIÁO HÒA HẢO:
    Ngày đến, đến đi đâu kéo ngược,
    Năm về, về mãi chẳng ngừng ngang.
    Tuổi già thân yếu đa sầu cảm,
    Tóc bạc mình ve lắm rộn ràng.
    Biết được trần gian là mộng huyễn,
    Tử thần sửa soạn kéo vào quan.

    (Tỉnh Bạn Trần Gian)

    Khi Vô thường đến “Nín thở nằm ngay không cựa quậy”, mà trước đây cứ nghĩ rằng bỏ lại thân ngũ uẩn là xong chuyện, chớ đâu ngờ rằng linh hồn phải chịu sự chi phối của nghiệp lực, nào tội, nào phước hiển bày: Tưởng vậy xác thân đa hạnh phúc,
    Nào hay hồn phách lắm oan khiên.
    Thiên đường siêu thoát thời thong thả,
    Địa ngục trầm luân ắt đảo điên.
    (Tỉnh Bạn Trần Gian)
    Và Ngài cũng dặn dò:
    Phải rán tu đặng mà chết,
    Chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu.

    (Tư Tưởng)

    Ánh sáng giác ngộ phá tan màn vô minh vọng tưởng điên đảo trong tâm trí con người, là biết sự thật nguyên nhân và kết quả hành động của con người trong môi trường xung quanh.

    Tùy theo trình độ của mỗi người hiểu từ giác ngộ. Thế gian như người say mê cờ bạc, tửu sắc, hút sách, đàng điếm, được thiện tri thức khuyên nhắc, họ bỏ được gọi là giác ngộ. Vậy giác ngộ theo nghĩa nầy là bỏ việc xấu tập hạnh tốt.
    Qua kinh văn, chúng ta chỉ biết thái tử Sĩ Đạt Ta từ bỏ ngôi vua quyết chí đi tu là do thấy cái gì? Thấy cảnh sanh, già, bịnh, chết của con người. Ngài tự biết người kia già, rồi ta cũng phải già; người kia bịnh, rồi ta cũng phải bịnh; người kia chết, rồi ta cũng phải chết. Thấy rõ như vậy, Ngài quyết chí đi tu với mục đích tìm ra lẽ thật nơi con người hiện có mặt trên đời nầy, mai kia nhắm mắt lìa đời, đi về đâu? Muốn ra khỏi sanh tử phải làm sao? Đó là những thắc mắc, ưu tư của Thái Tử về con người trước khi có mặt và sau khi mất thân nầy. Ngài băn khoăn tìm phương tiện để giải quyết vấn đề, tại sao người sống trên đời phải già, phải chết…, Ngài không chịu cúi đầu chấp nhận. Đó chính là chỗ khác người của Ngài.

    Đọc lịch sử Đức Phật, chúng ta thấy Ngài vượt thành xuất gia tìm đạo qua các nơi với các ông thầy và các đạo hữu, nhưng không nơi nào đáp ứng được con đường giải thoát rốt ráo. Cuối cùng Ngài từ giả hết và quay lại chính mình. Ngài tự mình tu tập bằng con đường khổ hạnh suốt sáu năm, thấy không có kết quả lại buông bỏ và đến cội Bồ Đề ngồi thiền định.
    Ngài nhập định bốn mươi chín ngày đêm. Đêm cuối cùng canh thứ nhứt, Ngài chứng được Túc mạng minh, ngộ rõ được các hành vô thường, bừng sáng chuyện của mình từ vô lượng kiếp tới giờ mà theo kinh văn ghi lại lời Ngài: “Ta nhớ vô số kiếp về trước như nhớ chuyện mới xảy ra ra hôm qua”. Ngài biết rõ con người có mặt ở thế gian nầy không chỉ một lần mà có vô số lần. Điều nầy Đức HUỲNH GIÁO CHỦ cũng đã xác định trong giáo lý của Ngài theo luật Luân Hồi nhơn quả:
    -'Mãi say sưa theo cuộc vui chơi,
    Nên kiếp kiếp đời đời lên xuống.'

    (Sa Đéc)

    Hầu như người đời cứ thờ ơ chấp nhận phải sao chịu vậy, có mặt ở đây thì cứ ở đây, mai kia có đi về đâu cũng mặc. Họ lầm nghĩ, thấy tổ tiên ông bà đều như vậy thì mình cũng như vậy là việc thường nên dễ chấp nhận.
    Từ canh hai đến canh ba, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ chúng sanh sau khi chết theo nghiệp đi trong sáu đường luân hồi. Vậy con người chết rồi có mất không? Không mất. Đức HUỲNH GIÁO CHỦ xác định:
    "Xác tuy mất hồn thiêng chẳng mất,"
    (Cho Ông Tham Tá Ngà"

    Những gì Đức Phật thấy rõ mới nói, mới dạy lại chúng sanh chớ không phải Ngài suy lý. Do đó nhà Phật nói nhơn quả nghiệp báo là để cho chúng ta tu.
    Từ canh ba đến canh năm, khi sao Mai mọc, Ngài chứng được Lậu tận minh, dứt hết mầm sanh tử, tức giải thoát. Từ đó Ngài dạy chúng sanh phương pháp tu giải thoát.
    Qua kinh văn, chúng ta cũng có thể dò biết được phần nào tâm cảnh trong lúc Ngài thành đạo để suy ngẫm mà noi theo. Kinh Pháp Cú câu 153 và 154 ghi:
    “Lang thang bao kiếp sống,
    Ta tìm nhưng chẳng gặp,
    Người xây dựng nhà nầy,
    Khổ thay phải tái sinh”


    “Ôi! Người làm nhà kia,
    Nay ta đã thấy ngươi,
    Ngươi không làm nhà nữa,
    Đòn tay ngươi bị gảy
    Cột kèo ngươi bị tan,
    Tâm ta đạt tịch diệt,
    Tham ái thảy tiêu vong”
    “Xuyên qua nhiều kiếp sống luân hồi, Như Lai đi và đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp, Như Lai đi tìm mãi người xây cất nhà nầy. Lập đi lập lại mãi đời sống thật là phiền muộn. Nầy hởi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi rồi, từ nay ngươi không còn cất nhà cho Như Lai được nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của người dựng lên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng qủa vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục”.


    Ngài kể là đã đi qua và đi mãi trong nhiều kiếp sống luân hồi. Chẳng khác chúng ta hiện nay đã qua bao nhiêu kiếp sống rồi mà vẫn thấy chưa đủ vẫn còn muốn tiếp tục đi nữa. Ngài nói, Như Lai đi tìm mãi mà không gặp người thợ cất nhà, bởi vậy mà đời sống nầy cứ lập đi lập lại. Cứ mỗi lần sanh ra rồi chết, sanh ra rồi chết mãi. Giờ phút nầy Ngài lại nói: “Nầy hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi rồi, không thể cất nhà cho Như Lai nữa”. Từ đây Ngài giải thoát không còn sanh tử nữa, dứt khoát không còn xây nhà ngũ uẩn nầy.
    Hai câu kinh Pháp Cú trên biểu thị tâm vô cùng hoan hỷ thanh thoát của Đức Phật trong giờ phút thành đạo; là một khúc ca khải hoàn, là lời tuyên ngôn chiến thắng trong kiếp luân hồi. Ngài chứng vô sanh, tận diệt mọi ái dục nên mới gọi là tuyên ngôn chiến thắng. Noi gương Đức Phật thành đạo, người học Phật như chúng ta đây nhất định phải có một lần tuyên ngôn chiến thắng nầy. Trong dòng lịch sử nhân loại đây là lần đầu tiên Đức Phật đã mở màn đạo giác ngộ trên thế gian. Ngài là người có thật trong lịch sử nhân loại, nên sự thành đạo của Ngài là sự kiện rất trọng đại.

    Chúng ta có duyên lành lớn là có người mở đường đi trước, rồi chỉ lối đi nên không phải mò mẫm khó khăn như Phật. Chúng ta đã có sẵn bản đồ, đã vượt qua một giai đoạn khó, nên việc tu hành dễ dàng hơn Phật nhiều, mà không chịu hồi đầu hướng thiện thì đúng là đáng trách. Nên nhớ mỗi người trong chúng ta đã đi qua dòng luân hồi quá nhiều lần, bây giờ trở về là vừa và Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ đã từng thúc giục nhân loại:
    "Quày đầu nghe tiếng chuông ngân,
    Trở về nơi cũ cho gần Phật, Tiên.
    Thấy sanh chúng quá ghiền cảnh tục,
    Nên nhiều lần giục thúc muôn dân.
    Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,
    Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần."

    (Thu Đã Cuối)

    Ngày Đức Thế Tôn Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề là ngày vô cùng thiêng liêng và trọng đại. Ngày thấu được lẽ thật nơi con người từ ban sơ cho tới cuối cùng, tìm được cái từ xưa đến giờ chúng ta chưa từng biết. Ngài loại sạch được mọi lậu hoặc vô minh, nguồn gốc của kiếp trầm luân khổ ải. Tâm Ngài trở nên trong sáng như gương soi rõ vô cùng tận chân lý tuyệt đối. Với một chí nguyện vĩ đại thành Phật, độ chúng sanh. Ngài bắt đầu mở ra con đường giác ngộ giải thoát cho chúng sanh.
    Chúng ta đã biết một Đức Phật lịch sử từ khi sanh ra, lớn lên rồi đi tu cho đến khi thành đạo và nhập Niết Bàn. Ngài cũng như bao nhiêu người khác trên quả địa cầu nầy, cũng mang thân Tứ Đại. Thành tựu đạo quả là do nỗ lực tu hành mà đạt quả vị Phật. Ngài đã nói lời xác quyết: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Thế là quả vị thành Phật không còn gì bí hiểm, xa lạ đối với con người nữa. Đức Phật dạy rằng: Chỉ cần hành y chánh pháp, tập trung tư tưởng, định tâm thần sẽ chứng được Tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh) và Lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mạng thông, Tha tâm thông, Thần túc thông, Lậu tận thông), có được năng lực siêu tự nhiên như Ngài.
    Đức Phật thường nói: “Như Lai đã vượt qua tất cả, đã thông suốt tất cả, đã thoát ly tất cả mọi ràng buộc, từ bỏ tất cả không còn ái nhiễm, tự mình từ bỏ tất cả thì không còn ai là thầy”, nghĩa là Ngài “học đạo không thầy”, Ngài đã tự nơi mình phát ra sự giác ngộ chân thật không có từ bên ngoài. Giác ngộ là từ tâm giác ngộ chứ không thể tìm bên ngoài, ông thầy không thể giác ngộ cho mình được, kinh điển cũng không giác ngộ cho mình được. Chúng ta có thể học kinh điển, nhưng giác ngộ không có trong kinh điển. Kinh điển chỉ là văn tự ghi chép lại sự giác ngộ chớ không có giác ngộ trong đó. Chúng ta dễ lầm điều nầy, chỉ lo phân tích trên kinh điển, trên ý nghĩa giác ngộ mà không tìm sự giác ngộ nơi chính mình, nên tìm hoài mà không thấy giác ngộ.
    Khi chúng ta hiểu được ý nghĩa giác ngộ chân thật không có từ bên ngoài, thì phải tìm lại ngay tự tâm của mình mới có sự giác ngộ. Tánh giác ở ngay nơi tự tâm cuả mỗi chúng sanh mà tự tánh của chúng sanh vốn thanh tịnh, sáng suốt không hề ô nhiễm nên gọi là Phật tánh. Chính đó là chỗ mà mọi người cần phải phát quang để sống trở lại, là chỗ giác ngộ chân thật.

    Tất cả chúng sanh như chúng ta đây đều có tự tánh thanh tịnh sáng suốt dù bị những bợn nhơ che đậy nhưng phải biết nó chỉ che bên ngoài chớ không dính gì trong đó hết. Chính vì không dính nên khi mọi người tu hành tương ứng thì liền có giác ngộ. Ví như bụi dính trên gương và nên nhớ buị chỉ dính bên ngoài mà không liên quan gì đến ánh sáng của gương; nếu chúng ta lau sạch buị thì gương sáng trở lại. Cho nên ở đây bụi nhơ phiền não dính bên ngoài nếu được gạn lọc thì tự tánh thanh tịnh tự nhiên hiện chớ không phải do mình tu mà nó sáng. Cho nên, chư Phật luôn nhắc chúng sanh phải hằng nhớ lại tánh thanh tịnh sáng suốt sẵn có của mình để trở về nguồn sáng. Nhìn lại gương Tuệ Trung Thượng Sĩ là người cư sĩ, vị tướng đời nhà Trần có tâm giác ngộ đạt đến trình độ cao siêu, dù bận nhiều việc mà vẫn giác ngộ được.
    Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy Bồ Tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm không có chỗ trụ. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta phát tâm phải có chỗ nầy chỗ kia để trụ. Sanh tâm không có chỗ trụ là buông bỏ hết tất cả để trở về chính mình, không trụ bất cứ nơi nào ở bên ngoài mà trở về chính mình thì đó là tâm Bồ Đề (tâm cầu thành Phật). Cho nên việc học đạo thật đơn giản, chỉ cần buông hết thì sẽ trở về chính mình, như trong kinh Kim Cang nói Bồ Tát không trụ nơi nào cả tức an trụ. Tâm mà an trụ tức là tâm Bồ Đề. Vậy học giác ngộ là học trở lại chỗ buông bỏ, tìm lại cái chân tâm của mình. Người phát tâm học đạo tu hành cần phải tinh tấn,
    “Dầu cho ai phá rối đức tin,
    Ta cũng cứ một đàng đi tới”

    (Gíac Mê Tâm Kệ).

    Nên nhớ một điều học đạo càng lâu, càng sâu thì mọi phiền não bớt chớ không thể thêm được. Học lâu phải có thêm tỉnh giác, chớ không thể thêm sức mê. Phải tiến lên chớ không được lùi, quyết tiến dù gặp khó khăn hãy giữ chí mình càng kiên cố, đừng buông xuôi, “Ít ai giữ đặng chí bền, Tu theo nước lớn ròng bèn thả trôi”, như lời của Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ khuyên tấn và Ngài cũng thống trách “Việc tu bá tánh bắn lùi như tôm”(Khuyên Người Đời Tu Niệm).
    Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành là một trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Dù Phật đạo vô thượng nhưng chúng ta vẫn quyết phải thành tựu, không phải chỉ tu cầm chừng được quả báo cõi thiên là mãn nguyện. Phải quyết tu đến thành Phật đạo mới viên mãn.

    Học đạo là học tự ngã, để sáng tỏ lại chính mình, rõ được mê lầm của mình, biết được cái nào là thật, cái nào là không thật, cái nào mê lầm, cái nào giác tỉnh. Nếu chúng ta sáng tỏ chính mình thì càng sáng đạo, còn như chúng ta chỉ lo học điều nầy điều kia, đi tìm ở đâu đâu, có khi tìm hoài không thấy.
    Khi chúng ta rõ được cái mê tức là giác, bởi giác là giác cái mê. Phật cũng từ chúng sanh mà thành Phật, mà tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là đều có tánh giác, điều nầy đã được Đức Phật xác nhận trong kinh Đại Niết Bàn. Quê hương của chúng ta là tánh giác, giờ đây không còn chần chờ gì nữa, phải trở về quê giác, không thể sống mãi trong kiếp mê lầm, không thể làm khách phong trần lang thang xứ người mãi (quê hương chúng ta là cõi Tây Phương Tịnh Độ, còn Ta Bà là cõi tạm, như Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ cho biết: “Cũng gốc Ngài Thượng Đế xuống trần, Quày đầu nghe tiếng chuông ngân. Trở về quê cũ cho gần Phật Tiên” (Thu Đã Cuối). Đây là điều nhắc nhở cho chúng ta chớ có đi theo con đường mê lầm nầy mãi, mà phải quay đầu trở lại, “Xúc động tâm hoài gọi chúng sanh, Thoát ly cảnh tục sớm tu hành. Giác thuyền đến bến đưa người thế, Chớ đắm hồng trần nẻo lợi danh” (Nghĩ Những Ngày Qua).
    Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ khai Đạo cũng chỉ vì mục đích “Cảnh tỉnh người mê về cỏi ngộ, Dạy răn kẻ tục vượt nê hà” (Chuyển Pháp Luân); vậy mà có bao nhiêu người chịu thức tỉnh, nên Ngài mới thống trách “Đời còn mê muội chừng nào mới thôi” (Viếng Làng Phú An).

    Nay chúng sanh vẫn còn mê, vậy mê cái gì? Thật ra đa phần người ta không biết mình mê cái gì. Trước hết chúng ta mê nơi con người, mê thân tứ đại. Mê thấy thân nầy thật. Trái lại Đức Phật thấy thân nầy là giả hợp, nên Ngài giác. Chúng ta thấy thân nầy thật, nên mê. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ xác định “Tạo duyên giả phàm gian thân giả” (Cho Ông Tham Tá Ngà).

    Đời là vô thường, vậy mà chúng sanh cứ lầm tưởng là thường còn bất biến, một hơi thở ra không hít vào được kể như ra người thiên cổ. Thấy đó liền mất đó như vậy có thật không? Thân nầy là giả hợp, chúng ta cứ ngỡ là thật, không mê sao được. Người ở đời cứ cho thân nầy là thật nên quý thân, những gì nó ưa thích đều muốn cho thỏa mãn, “Thân tham sướng muốn tiền của đến, Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình” (Giác Mê Tâm Kệ). Người nầy muốn thân mình thỏa mãn, người kia cũng thế. Tất cả đều muốn vậy, thành ra “Muốn bao gồm của thế một mình” (Khuyến Thiện), nhỏ giành theo nhỏ, lớn giành theo lớn. Trong gia đình anh em tranh giành nhau của cải cha mẹ để lại làm sao cho bằng cho hơn, không chịu thua, không chịu nhường nhịn nhau. Đó là nhân đau khổ vì thấy thân nầy là thật. Nhìn rộng ra, ông vua trong một nước vì thấy thân nầy là thật, nên thấy giang sơn cũng thật. Muốn cho nước mạnh dân giàu, nghĩ cách chinh phục nước nào có tài nguyên phong phú. Đó là nhân giặc giã, gây tai họa cho nhân loại.
    Bằng ngược lại cho thân nầy là giả, người có thái độ tiêu cực cho rằng thân giả chẳng cần phải lo chi. Nhưng các vị Bồ Tát thấy thân nầy giả, thân chúng sanh giả, các Ngài không sợ gian lao quyết cứu độ chúng sanh.
    Đức HUỲNH GIÁO CHỦ Phật Giáo Hòa Hảo, là một trong các vị Bồ Tát hóa hiện cứu độ chúng sanh, “Xông thuyền bát nhã lướt vào một phen” (Tự Thán) và quyết “Cứu bá tánh không cần lễ mễ” (Giác Mê Tâm Kệ), cũng như Ngài ví “Ta đây dường thể như lươn, Cứu dân bất luận nắng sương lấm đầu” (Giác Mê Tâm Kệ). Chúng sanh dù nhiều vô biên không có bờ mé nhưng phải thệ nguyện độ hết chứ không phải độ nửa chừng, không phải nhìn ai đó không thích rồi không độ. Tinh thần Bồ Tát là dù chúng sanh thuận hay nghịch cũng đều nguyện độ hết, chớ không phải chúng sanh nầy nghe lời nên độ, còn chúng sanh kia không nghe lời nên không độ, “Bây giờ phải mượn kệ kinh, Dắt dìu trần thế mặc tình nghe không” (Mượn Cây Đuốc Huệ) và “Giàu sang nghèo khó cũng người, Nên ta thương hết dầu cười hay khen” (Khuyên Người Giàu Lòng Phước Thiện).
    Cái giả mà chúng sanh cho là thật nên giành giựt giết hại lẫn nhau, nào là “Niềm huynh đệ cùng nhau xâu xé”, rồi “Giành của tiền cốt nhục giết nhau”, rộng ra ngoài xã hội, “Tranh lợi danh giết lẫn đồng bào, Tình nhơn loại phân chia yểm bách”. Các Ngài có bổn phận đánh thức họ, chỉ cho biết giả đừng lầm lẫn nữa, “Thế trần tạm giả gạt đời ta”, vậy mà cứ “Mê man danh lợi cõi hồng trần”, để rồi đi đến “Tranh đấu rồi ra mãi oán cừu, Chung cuộc chỉ mang câu thất vọng”. Các Ngài biết giả nên càng thương những người mê, nên “Phổ tế chúng sanh qua bể khổ, Di Đà miệng niệm lánh trần gian”, cho nên chư Phật mới nhủ lòng từ bi chỉ bày phương pháp “Cứu khổ nam mô vô lượng phước” và lúc nào cũng “Cầu cho đời sóng lặng gió êm, Đặng bá tánh an nhàn tu niệm”.

    Các vị Bồ Tát thấy cuộc đời là tạm bợ, con người thấy đó rồi mất đó, không bền lâu mà chúng sanh lại chìm đắm trong bể khổ trầm luân, nên “Lòng bác ái động tình rơi nước mắt”, dấy khởi lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh, “Đuốc từ bi rọi khắp cả nhơn gian”. Nhờ các Ngài giác ngộ nên mới có lòng từ bi, “Từ bi buộc chặt cõi lòng”.

    Nhìn lại chúng ta chưa có lòng từ bi thật sự dù chúng ta có làm việc thiện nhưng không phải là từ bi mà là ích kỷ. Chúng ta thường nghĩ bố thí giúp người nghèo, sau sẽ được phước báo giàu sang. Vậy bố thí ở đây là vì mình chớ không phải vì người. Từ bi thật sự là vì người chớ không vì mình. Tâm từ bi cũng chính là lòng thương cảm, như khi chúng ta gặp người khác có cuộc sống khó khăn, trong lòng tự nhiên nẩy sinh quan tâm, san sẻ những gì mình có, hết sức giúp đỡ, làm cho thân tâm người đó được an lạc vui vẻ. Đây là hành động biểu hiện thực tiễn của từ bi.
    Từ bi thường tình của người đời chỉ trong phạm vi người thân thương của mình, ít khi mở rộng cho người chung quanh. Có những bậc cha mẹ khi thấy con mình bị bệnh còn lo lắng hơn là bệnh của mình, phải chi mình thay thế cho con. Lòng từ bi vĩ đại nầy, người bình thường chỉ có thể ban cho con cái của mình thôi, ít ai có thể mở rộng lòng thương đó đến con cái của người khác, cũng chỉ vì bị trói buộc tình cảm luyến ái, không thể thoát khỏi xiềng xích trong phạm vi nhỏ hẹp nầy. Vì mê thân nầy là thật nên giành giựt cấu xé lẫn nhau trong gia đình cũng như ngoài xã hội, làm khổ cho nhau. Nếu biết thân nầy là giả, mọi người cùng sống trong cõi tạm nầy được mấy mươi năm rồi cũng ra đi. Biết rõ như vậy thì mọi người phải bảo bọc cho nhau sống ngày nào vui ngày nấy, tranh đua nhau chi cho khổ. Nhờ biết đúng lẽ thật, chúng ta dễ thương nhau hơn. Là người tu theo đạo Phật phải biết rõ lẽ thật nầy.

    Rồi là mê tâm. Tâm được hiểu là tình cảm của con người. Thương ai thì tôi nói tôi thương người đó, ghét ai thì tôi nói ghét người đó. Có biết bao nhiêu thứ, cái gì cũng khởi nghĩ là tôi hết. Chấp thân tạm bợ là tôi, chấp tâm sanh diệt đổi thay cũng là tôi. Tâm sanh diệt là tâm thay đổi, không phải cái thường còn. Cái sanh diệt thì không chân thật. Tâm sanh diệt không thật mà chấp là thật nên suy nghĩ một điều gì đó cho là đúng, nhưng có người nào đó phản bác thì mình giận, ai hoan nghinh thì vui.

    Chánh kiến (dòm thấy, xem đúng sự thật) giúp chúng ta xét đoán tận tường tránh tà kiến, giúp cho ta “hiểu biết được rõ ràng, minh bạch, cách phán đoán được ngay thẳng, công bình”. Người đến với đạo Phật, trước hết phải học. Học giáo lý Phật cho hiểu. Đạo Phật không chấp nhận học bằng cách nghe sao hiểu vậy mà bắt chúng ta phải suy nghĩ có đúng không rồi mới hành, “Đạo pháp xem qua chớ gọi thường, Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu” (Khuyến Thiện) và phải đọc, phải ngâm để tìm hiểu cái lý cao siêu trong đó, đừng cho tà kiến xen vào “Ngâm nga hiểu nghĩa đáng kim ngà, Huyền bí nhiều lời chỉ thiệt xa. Bổn đạo rán tầm cho cặn kẽ, Lòng hiền Phật độ khỏi tinh ma” (Tối Mồng Một). Thế gian thường gọi người có học lý thuyết nầy lý thuyết nọ, rồi đem lý thuyết chứng minh lập luận của họ thì gọi là người trí thức, nghĩa là đem cái thức phân biệt để xét đoán, rồi phê bình đúng hay sai v.v. Cái học hiểu nầy là cái ở ngoài đem vào, nên chưa phải là hiểu chân thật của mình.
    Còn trí tuệ có được do Phật dạy là từ Giới, Định, Tuệ. Giới sanh ra Định, từ Định sanh ra Tuệ. Như vậy Tuệ nầy từ Định phát sinh, không do sự học bên ngoài. Trí tuệ nầy là trí tuệ chơn thật, còn gọi là Tự nhiên trí, Vô sư trí, Căn bản trí. Nó là trí sẵn có từ thuở nào nơi mình mà chúng ta không hay biết để dùng. Giờ đây muốn dùng nó, chúng ta phải đi từ Giới để gở bỏ bớt những ràng buộc bên ngoài rồi mới Định được. Hể tâm dịnh thì Tuệ phát sinh, bởi vậy Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ mới cho chúng ta biết:
    Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
    Nếu lặng tâm tỏ ngộ Đạo mầu.

    (Giác Mê Tâm Kệ)
    Và;
    Nếu ai mà biết chữ tu trì,
    Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

    (Giác Mê Tâm Kệ)

    Thế nên Tuệ nầy là của mình chớ không phải do học. Tuệ nầy từ tu hành mà hiển lộ. Muốn có Định chúng ta phải thiền định (nghĩa là ngồi thiền), mà định cái gì? Định tâm điên đảo sanh diệt của mình cho nó dừng lại, “Định tâm thần như mặt nước hồ” (Giác Mê Tâm Kệ). Khi lặng tâm thì trí tuệ sẵn có hiện đủ. Trí tuệ chơn thật chỉ xuất hiện khi tâm an định.

    Chúng ta đã học theo Phật, hiểu Phật pháp, không còn sai lầm, vậy thì chúng ta giác ngộ cái gì? Giác ngộ biết thân nầy là giả, tâm sanh diệt là giả. Biết hai cái đó giả rồi thì sự tu hành thật không khó. Do chấp thân nên khó thiền định. Khi biết thân giả, tâm sanh diệt là giả, chúng ta dễ dàng an định thân tâm. Ai nhìn đúng sự thật thân giả, tâm sanh diệt giả tức là người đó đã giác ngộ rồi. Lại nữa người đó quán chiếu thấy rõ đời là vô thường, khổ nơi thân và tâm để từ đó quyết gở bỏ những tham đắm, chấp thủ mà bấy lâu nay gắn bó với con người và cuộc đời. Nhãn quan của đạo Phật về cuộc đời qúa rõ ràng như trong kinh Kim Cang dạy:
    “Nhứt thiết hữu vi pháp,
    Như mộng huyễn bào ảnh,
    Như lộ diệt như điển,
    Ưng tác như thị”

    Dịch nghĩa:
    “Tất cả các pháp hữu vi,
    Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
    Như sương, như chớp lóe,
    Hãy quán chiếu như thế”

    Kinh Kim Cang cũng dạy: “Phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” nghĩa là những gì có tướng đều hư dối, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức là giả, đó là thấy Phật vì Phật là giác. Theo giáo lý nhà Phật, con người có vị thế tối thắng hơn chúng sanh khác nên dễ tu chứng, giải thoát thành Phật. Vì thế thác sinh được làm người là khó. Câu “Nhân sinh nan đắc” của Nho gia là nhằm nhắc nhở chúng ta đang có phúc duyên, đang có vị thế thuận lợi để đi vào con đường giác ngộ như đức Phật, đã trải nghiệm rồi đắc Thánh quả thành đấng Toàn Giác, là thầy của Trời, Người. Nhà Phật dạy chúng ta thẳng nơi con người, chớ đừng tìm cầu bên ngoài. Trọng tâm đặt nơi con người. Chúng ta học Phật là học đạo Giác Ngộ, mà nếu không chịu giác thì biết học cái gì. Trên đời nầy cũng có kẻ càng học lại càng mê. Có người chỉ vì một câu nói vu vơ của người khác rồi âu sầu phiền não nhớ mãi, trằn trọc suốt đêm, ăn không ngon, ngũ không yên. Nào là chuyện làm ăn lỗ lã, lý luận với ai bị thua rồi tính làm sao cho hơn họ v.v. Phải chăng đời người lúc nào cũng sống trong sự nắm giữ của người khác, dù chuyện vui, chuyện buồn nào cũng bị người khác điều khiển. Muốn cho người nào đó thích chỉ cần khen vài câu tốt đẹp. Trái lại muốn cho phiền não chỉ phê bình vài câu không hay! Là câu chuyện truyền khẩu, Triệu Phán Quan dưới địa ngục, vâng lệnh Diêm Vương, đến trần gian rao truyền cho biết tuổi thọ của mỗi người còn lại bao nhiêu. Một hôm Triệu Phán Quan ngồi bên lề đường, tay rung chuông nói với ông A đã cáo lão hoàn hương: “Thọ mạng của ông chỉ còn lại có ba tháng, sau ba tháng nữa, tôi sẽ vào nhà ông rung chuông, ngay khi tiếng chuông vang lên, ông sẽ theo tôi biến mất”.
    Kế đó Triệu Phán Quan lại rung thêm một tiếng chuông nói với thương gia B : “Thọ mạng của ông cũng chỉ còn ba tháng, ba tháng nữa, tôi đến nhà ông lắc chuông, ông sẽ theo tôi mà chết”.
    Hai ông A và B nghe vậy, trong lòng lo sợ, bồn chồn không yên. Từ lúc đó, ông A ngày nào cũng âu sầu buồn bã, nghĩ tới ba tháng còn lại của mình, cơm không ngon, giấc nhủ không yên. Ngày nào cũng chỉ nhìn đống tiền mình đã kiếm được mà đau khổ, tay không ngừng đếm những của cải cả đời mình đã tích cóp, chẳng biết nên làm thế nào!
    Trái lại ông B nghĩ đến đời mình chỉ còn ba tháng nữa, thấy cuộc đời sao mà ngắn ngủi, nếm trải nhiều cay đắng biết bao, tích trử được nhiều vạn quan, giờ đây giúp gì mình được nữa! Ông bèn thức tỉnh, đem gia tài bố thí cho mọ người, đắp đường xây cầu khắp nơi, tùy duyên giúp người nghèo khổ, suốt ngày cứ bận rộn như thế quên cả chính mình.
    Đến kỳ hạn ba tháng, Triệu Phán Quan y hẹn đến nhà ông A. Do âu sầu phiền não, tâm hồn bất an, ông A trở thành một ông A thân thể suy nhược, mới nhìn thấy Triệu Phán Quan, dù chưa rung chuông, ông đã ngã ra chết. Còn ông B thì lo hành thiện bố thí, làm phúc cho quê nhà, người dâ n nhớ ơn ông và để tỏ lòng, họ liên tục đem hoành phi (biển gỗ khắc chữ lớn, thường treo ngang giữa nhà để thờ hoặc trang trí) tặng. Chiêng trống vang vội, náo nhiệt không ngớt, mặc cho tiếng chuông của Triệu Phán Quan rung mãi, ông B cũng không hề nghe thấy, tiếp tục sống một cuộc sống an nhiên tự tại, lấy việc thiện làm niềm vui. Thế nên đời người vui buồn, được mất, tất cả ở nơi mình, không hề do người khác!
    Chữ “Đạo” trong đạo Phật cũng chỉ đơn giản là con đường, là phương pháp đưa chúng ta đến giác ngộ. Đã đi con đường giác ngộ mà lại trở thành mê tín thì thật nghịch lý, muốn làm sao cho mau thành Phật, nay đi cúng chỗ nầy, mai đi cầu ông nọ bà kia xin đủ thứ, đó là một sai lầm. Con đường thành Phật như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dài lắm, tính bằng các kiếp sống. Đức Phật từng nói Ngài trải qua “vô lượng kiếp”, đến kiếp sau cùng nầy mới thành Phật. Từ một Đức Phật lịch sử ấy, chúng ta thấy sự đại ngộ của Ngài không phải là một cái gì bí hiểm và cũng không phải là sự ngẫu nhiên. Điều ấy khích lệ chúng ta đặt trọn niềm tin trong sạch vào sự giáo huấn của Ngài.
    Đức Phật Thích Ca đã nói lời xác quyết: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, và hãy nhớ là chúng ta “sẽ thành Phật”, chớ đừng ngộ nhận là thành Phật. Muốn thành Phật thì phải đi theo dấu chân của Đức Bổn Sư, tức là phải làm theo giáo huấn của Ngài. Ngài chỉ nhận mình là bậc hướng đạo Sư mà thôi: “Các người hãy làm việc của các người, Như Lai chỉ dạy con đường”. Đức Phật đã từng dạy chúng ta rằng: Mỗi người đều chịu trách nhiệm về mỗi hành vi thiện hay ác của chính mình. Cũng như sự giác ngộ là nỗ lực tự thân mỗi người chớ không thể nhờ người khác giác ngộ thay cho mình được. Đức Phật là người thầy chỉ đường chớ Ngài không chịu trách nhiệm về sự tu chứng của mỗi chúng sanh. Lại nữa có tu mới chứng, không tu làm sao chứng được. Đạo Phật là đạo thực nghiệm, kinh nghiệm thực tế của từng cá nhân trên con đường tìm Đạo, đạt Đạo. Đức Phật cho biết, không phải Ngài là người duy nhứt có khả năng thành Phật mà ai ai cũng bình đẳng trước công lý. Trước Ngài cũng có nhiều người giác ngộ thành Phật và sau Ngài sẽ có Đức Di Lặc giáng sinh thành Phật kế tiếp. Chúng ta cũng nên nhớ mỗi người sẽ là một vị Phật trong tương lai mà như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh, khi gặp ai Ngài cũng lễ lạy ngợi khen họ, kể cả khi bị đánh mắng, ném đá, gậy gộc vào Ngài, Ngài cũng không sờn lòng, niềm tin “bất thối chuyển” cho mình và cho người khác rằng “Qúy vị đều sẽ thành Phật”. Hành vi thánh thiện của vị Bồ Tát Thường Bất Khinh nầy nhằm kêu gọi chủng tử Như Lai của mọi người mà Phật giáo gọi là “giáo dục đánh thức”, làm thức dậy Phật tính là tính sáng suốt hằng có nơi mỗi người. Phật tính cũng không phải cái gì khác, đó là TÂM. Cái tâm ấy như mặt trời rộng lớn bao la có ánh sanh chiếu rọi khắp mọi nơi, lại luôn bị “ bị lớp mây mù che khuất, không lộ ra được”. Lớp mây mù ấy chính là Tam Độc: Tham, Sân, Si. Cho nên sự giác ngộ để tu là nhằm xóa tan lớp mây mù ấy mà thôi.
    Muốn giải thoát khỏi kiếp trầm luân khổ ải nầy, trước hết chúng ta phải sớm giác ngộ. Trong kinh Duyên Giác, Bồ Tát Văn Thù hỏi Đức Phật: “Thế nào là vô minh?”. Đức Phật dạy: “Chấp thân tứ đại là thật, chấp tâm sanh diệt duyên theo bóng dáng sáu trần là thật, đó là vô minh”. Vô minh chính gốc của luân hồi sanh tử. Vậy thế nào là minh? Thấy thân nầy không thật, tâm hư dối không thật là minh. Minh và vô minh ở sát bên nhau chớ không xa xôi gì hết, chỉ cần một suy nghĩ đúng để nhận ra cái nào là thật, cái nào là giả.
    Chúng ta tu là để mong cầu cái gì? Cầu giác bỏ mê, cầu được minh (sáng suốt), bỏ vô minh (ngu muội). Thay đổi cái nhìn từ sai lầm chuyển qua tỉnh ngộ thì hết mê. Hết mê là giác, mà tâm giác là tâm Phật, tâm Bồ Tát. Như vậy từ kẻ phàm phu chuyển qua Bồ Tát cũng không có gì là khó. Câu chuyện về một ông hàng thịt nghe lời dạy của một thiền sư, liền thức tỉnh đọc bài kệ:
    Tạc nhật dạ xoa tâm,
    Kim triêu Bồ Tát diện.
    Dạ xoa dữ Bồ Tát,
    Bất cách nhất điều tuyến.

    Bài kệ nói lên ranh giới giữa mê và giác. Hôm qua mê là tâm dạ xoa, ngày nay giác là mặt Bồ Tát. Bồ Tát và dạ xoa không cách một đường tơ. Thật ra không có gì ngăn trở mình chuyển mê thành giác. Chuyển không được tại chúng ta không quyết chí chuyển thôi. Chúng ta hiểu giác thì phải tập giác (tri và hành), ngày nay chưa được, ngày mai tiếp tục bất thối chuyển (tinh tấn). Ông hàng thịt còn chuyển dễ dàng, chúng ta đâu có tội lỗi bằng ông hàng thịt. Nếu không chuyển được tại chúng ta chưa biết tu Phật.

    Trong cuộc sống, người đời coi sanh, già, bịnh, chết là nỗi khổ đau, nhưng Đức Phật coi đó là “ba sứ giả” trong đời. Có lần Đức Thế Tôn nói với đệ tử của mình: “Các con có biết ba sứ giả của kiếp nầy không? Ta sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện. Có kẻ làm ác phải xuống địa ngục, quỷ sứ bắt hắn đến điện U Minh báo cáo với Diêm La Vương: - Thưa đại vương, kẻ nầy trên dương thế không tôn trọng Tam Bảo, không hiếu thuận với cha mẹ, lại không kính thầy, cho nên xin trừng trị hắn đích đáng. Diêm La Vương hỏi phạm nhân: “Khi ở dương thế ngươi có gặp sứ giả thứ nhứt không?” - Bẩm đại vương, tôi chưa từng thấy.
    Vậy ngươi có từng thấy người già cả, lưng cong, chóng gậy đi đường không? - Đương nhiên thấy nhiều lắm. Ngươi nhìn thấy những người như vậy, cần phải nghĩ rằng mình cũng sẽ có ngày già yếu, tại sao không nghĩ đến làm việc thiện thuộc ba nghiệp thân, khẩu, ý? - Qủa thật tôi không để ý đến việc đó, chỉ muốn sống phóng túng, nhàn hạ. Vì ngươi phóng túng, nhàn hạ nên cái cần thấy lại không thấy, việc cần làm lại không làm, bởi vậy phải chịu báo ứng của sự phóng túng, nhàn hạ. Đó chẳng phải do cha mẹ, anh em hay bạn bè ngươi gây nên, mà chính ngươi tự chuốc lấy, ta đành phải cho ngươi nếm trái đắng của sự ác chấp. Diêm La Vương lại hỏi phạm nhân: “Ngươi đã từng thấy sứ giả thứ hai chưa?” - Thưa đại vương, tôi chưa từng thấy. Vậy chẳng lẽ ngươi chưa từng thấy người bị bệnh, không tự chăm sóc được, khiến cho thân thể dơ bẩn? - Tôi thấy nhiều lắm.
    Ngươi nhìn thấy những người như vậy, đáng lẽ phải nghĩ đến bịnh tật của mình, người khỏe mạnh đến mấy rồi cũng có ngày bị bịnh. Tại sao khi còn khỏe ngươi không nghĩ đến việc tự làm sạch ba nghiệp thân, khẩu, ý? - Xin thứ lỗi, tôi thực đã quá phóng túng.
    Diêm La Vương lại hỏi: “Ngươi đã từng nhìn thấy sứ giả thứ ba chưa?” - Thưa đại vương, tôi chưa từng thấy. Ngươi đã từng nhìn thấy người chết qua một ngày, hai ngày, ba ngày, thây trương phồng lên, chảy ra nước mủ, mùi hôi thối nồng nặc chưa? - Cái đó tôi thấy nhiều rồi. Đã từng nhìn thấy, đáng lẽ phải biết mình sống không còn bao lâu nữa, tại sao lại phóng dật, cam nguyện làm ác mà không làm điều thiện? Bây giờ đã đến lúc ngươi phải lãnh hậu quả của việc phóng dật, tất cả những việc ngươi làm ngươi phải tự chịu, không ai chịu báo ứng thay ngươi được.
    Thế là Diêm La Vương sai quỷ sứ lôi phạm nhân đi ném vào lửa chịu khổ. Nầy các Tỳ Kheo! Kiếp nầy phái ba sứ giả đến trần gian, các con phải nghe lời sứ giả kêu gọi, tránh xa phóng dật; thấy sứ giả mà vẫn không tỉnh ngộ, sớm muộn rồi cũng bị trừng phạt chịu khổ lâu dài”. “Phật sẽ thành” là một tiềm năng giác ngộ vẫn còn xa lắm đối với chúng ta. Nói như vậy không có nghĩa là bi quan tiêu cực, bởi có đi thì sẽ có đến, vậy chúng ta hãy cất bước ngay ngày hôm nay. Chúng ta hãy như Bồ Tát Thường Bất Khinh trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khơi dậy tiềm năng giác ngộ nơi mỗi chúng ta. Nhưng mà sự học Phật thật là mênh mông, chúng ta sẽ bân khuân không biết bắt đầu từ đâu. Phật giáo chỉ cho chúng ta tường tận từ hiếu thuận với cha mẹ, muôn vạn quyển kinh của Phật, Thánh, Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu (Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên). Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy: “Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vâng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa”. Đức Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong trọn vẹn (Ân Tổ Tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng bào và Nhơn loại), với kẻ xuất gia thì ân đà na thí chủ.
    Vậy muốn học Phật có kết quả phúc báo, trước hết phải học làm người tốt. Đánh thức tiềm năng giác ngộ thành Phật của con người, luôn là mục đích tối hậu của giáo lý Phật Đà:
    Nguyện tu thành Phật chẳng lầm,
    Độ trong sanh chúng hết lâm tai nàn.
    Những Câu Chú Thường Niệm

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô A Di Đà Phật


    Ngày 29 tháng sảu năm 2014

    Cư sĩ PHAN THANH NHÀN
     

Chia sẻ trang này