Giai Đọan Khai Đạo "Tế Độ"

Thảo luận trong 'Tiểu-Sử và Sứ-Mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ' bắt đầu bởi Hhuynh, 10/1/12.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    Tế độ
    Gây đức tin.

    Sở dĩ Ngài trổ tài "dùng huyền diệu của Tiên gia" chữa bịnh một cách thần diệu như thế là để chứng tỏ Ngài không phải là hạng phàm nhơn như mọi người đều biết; từ nhỏ đến lớn Ngài chưa từng có học trị chữa bịnh nhân đâu ? Nhưng lại trị đâu hết đó, nhứt là những bịnh đau tà hay điên cuồng thì càng làm cho người đời phải đặt ra câu hỏi: Đây có lẽ có phải là một vị Tiên, Phật, Thánh, Thần chi chi mượn xác phàm để ra đời cứu thế chăng?
    Từ chỗ nghi ngờ phát sanh lòng tin tưởng (Nghi sanh Tín). Ðức tin đó càng ngày càng tăng trưởng lo do hành động hay phương pháp chữa trị của Ðức Huỳnh Giáo Chủ.
    a)- Chữa căn chớ không chữa quả, nghĩa là bịnh nào đau căn thì Ngài nhận chữa, còn bịnh nào đau về nghiệp quả thì Ngài từ chối. Như có lần (ở Nhơn Nghĩa) có một bịnh điên chở đến; Ngài cũng cho uống thuốc và làm cho con bịnh bớt điên, nhưng Ngài bảo thân nhân chở về nhà, rán cầu nguyện và làm phước may ra mới bớt. Điều này chứng tỏ Ngài soi rõ căn quả của con bịnh, bịnh nào thuộc về căn, bịnh nào thuộc về quả. Đó cũng là bằng chứng Ngài là bực siêu phàm mới có năng khiếu ấy.
    b)- Trong lúc chữa trị, với những bịnh hung tợn, Ngài thường kêu gọi chư Thần, chư vị sai khiến, như bảo trói hay khảo tra thì liền sau đó con bịnh tự trói lấy, tự lấy roi đánh vào người rồi lăn lộn than khóc van xin Ngài không cho khảo tra nữa, nó cũng cung khai. Ngài sai khiến luôn cả chư thần như thế, hẵn Ngài là bực phi phàm: Phật Tiên Thần Thánh chi chi mới có uy lực sai thần tróc quỉ như vậy.
    c)- Có nhiều chứng bịnh Ngài không chữa bằng phương pháp huyền diệu như cho uống lá cây hay các thứ bông mà lại bằng phương pháp thường của một vị lương y như bao nhiêu lương y trong làng, nghĩa là Ngài ra toa, rồi cầm toa ấy lại tiệm thuốc Bắc, hốt thuốc về sắc uống. Ngài có học thuốc Bắc hồi nào đâu? Thế mà Ngài viết các tên thuốc rất đúng, đến các thầy thuốc Bắc cũng phải kinh ngạc. Điều này chứng tỏ Ngài không phải là hạng thường nhơn.
    d)- Mỗi khi Ngài chữa bịnh, thường bắt con bịnh uống nước cúng Phật và khi lành mạnh, bắt phải lạy bàn thờ Phật. Ngoài ra Ngài còn day khi về nhà rán niệm Phật và cầu nguyện, làm lành lánh dữ. Sau ngày Ngài chánh thức mở đạo, nếu ai muốn qui y thì Ngài nhận cho qui y và bắt phải học các bài nguyện rồi về lập bàn thờ Phật, hằng đêm lễ bái. điều nầy chứng tỏ Ngài qui ngưỡng theo Phật, như Ngài nói “Ta thừa vưng sắc lệnh Thế Tôn, Xuống hạ giái truyền khai đạo pháp” đây đúng là một trong hàng ngũ Phật Thánh.
    đ)- Từ ngày Ngài ra chữa trị, độ bịnh cứu đời, thường sai khiến chư thần chư vị thì những đồng bóng hay cốt ông nầy, bà nọ không còn dám về đồng hay nhập cốt nữa. Chủ nhơn quá tha thiết cầu thỉnh thì có vị về cho biết rằng: Nay có Phật ra đời cứu dân độ thế, uy lực rất lớn nên chúng tôi không dám về đồng hay bén mảng lại gần, vì tự nhận thấy mình là phần còn thấp kém, nên không dám lại gần các hàng Phật Thánh, sợ bị chư thần chư vị đánh đuổi.
    Do đó mà người trong làng được biết phần thiêng liêng hay Ðức Huỳnh Giáo Chủ về mặt siêu hình là một vị có phẩm trật cao siêu trong hàng Phật Thánh.
    Do những phương pháp chữa trị huyền diệu, cũng như ngôn hành của Ðức Huỳnh Giáo Chủ thi thiết nghỉ đối với đời mà người ta nhận Ngài là một đấng siêu phàm. Hoặc vì nhờ được “mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với Trăm Quan”, nên người đời qui ngưỡng theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ và đặt cả Ðức tin vào sự cứu độ của Ngài.
    Nói tóm lại, sở dĩ Ngài "dùng huyền diệu của Tiên gia" độ bịnh là để gây lấy lòng cảm mến, rồi từ cảm nến được cứu độ mà người đời đặt cả đức tin vào sự giáo độ của Ngài.

    Thuyết Giảng.

    Ðể gây niềm tin vào tâm não của mọi người, ngoài phương pháp "dùng huyền diệu của Tiên gia", chữa bịnh, Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn thuyết giảng những giáo lý cao siêu của đạo Phật "cho kẻ lòng một đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ", Ngài thuyết giảng cả ngày lẫn đêm mà không biết mỏi mệt. Ngoài bịnh nhơn đến chữa trị, nay thêm hạng người đến nghe đạo lý xin thơ bài, thành thử nơi nhà Ðức ông lúc bấy giờ không còn chỗ chứa, (Trênlộ thì chật đường, dưới song không nơi đậu .
    Chính phương pháp giảng thuyết đã thu hút đông người hơn lối chữa trị huyền diệu, vì trong những lời thuyết giáo có ẩn ý thiên cơ, thức tỉnh lòng người hầu ăn năn cải hóa làm lành lánh dữ.
    Nhứt là Ngài ám thông tâm lý, biết rõ lòng người, nói rất đúng như người trong cuộc. Không ẩn khúc nào có thể giấu giếm được Ngài. Ngài còn thấu cả tiền căn hậu kiếp của mỗi người qua những bài thơ của Ngài viết tặng, càng làm mọi người khâm phục qui ngưỡng càng lúc càng đông. Ngài quả là một vị siêu phàm có sứ mạng xuống trần cứu dân độ thế.
    Lối nói của Ngài rất hấp dẫn. Ai nghe cũng cảm, vì Ngài hết sức bình dị và luôn khiêm tốn, không hề xưng hô lớn lối.
    Vừa thuyết giảng, vừa cho thơ bài, đượm nhuần giọng văn tao nhã, sực nức lời lẽ cao siêu của Ðức Phật, vì vậy có mãnh lực giác tỉnh phi thường người đời phát tâm Bồ đề, qui đầu về với chánh pháp.
    Sau một thời gian chữ bịnh và thuyết giảng đem niềm tin tưởng vào lòng người, Ngài cảm thấy cơ duyên đã đến cho Ngài thọ lấy sắc lịnh của Thiên đình mở cơ phổ hóa, giác tỉnh quần mê hầu có hoàn thành sứ mạng tuyển chọn người hiền đến Hội Long Hoa và lập đời Thượng Ngươn an lạc.

    Lễ cáo Hoàng Thiên.

    Phàm làm một việc gì: Dù nơi thế tục như lảnh đạo quốc gia chẳng hạn cũng có lễ ra mắt quốc dân. Thuở xưa ngay như một vị tướng lên cầm quân: như Văn Vương chọn Khương Tử Nha hay Hớn Bái Công chọn Hàn Tín làm tướng đều có tổ chức lễ đăng đàn bái tướng để chánh thức phong tướng và đồng thời trao ấn tín cho vị tướng ấy có đủ uy quyền ra cầm binh khiển tướng, thi hành nghiêm lịnh.
    Trường hợp của Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng thế. Trước khi chánh thức lãnh sắc lịnh của Thiên đình ra đời cứu dân độ thế, Ngài cũng làm lễ Cáo Hoàng Thiên để chánh cho mọi người biết trách nhiệm từ ai ban.
    Ngài chọn ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão làm lễ Cáo Hoàng Thiên. Cứ theo lời ông Nguyễn văn Truyền, nguyên Kiểm soát trong Ban Trị Sự xã Hòa Hảo kể lại thì chính ông lãnh việc trang trí một bàn hương án trước sân nhà Ðức ông. Trên bàn ấy có để ba chung nước, một chén bông, một lư hương và một cặp đèn.
    Sau khi bàn hương án đã dọn, Ngài cho mời Ðức ông là chủ nhà chứng kiến (Nhưng Đúc Ông vẩn chưa chịu nhận.. Đến khi bà Tám em Ðức ông và nhiều người thân thuộc yêu cầu nhiều lần cực chẳng đã Ðức ông mới nhận, nhưng để mình trần ra ngồi bẹp xuống bực thềm trước nhà và nói một câu cụt ngủn: Đó, làm gì thì làm đi!!
    Ðức Thầy bèn đốt hương xá bốn hướng rồi quay lại bàn hương án khấn vái một hồi lâu mới cắm hương và lễ bốn lạy.
    Thế là cuộc lễ Cáo Hoàng Thiên đã xong ( Ông Truyền lại có phận sự dẹp bàn hương án như khi đã dọn ra).

    Viết Sấm Giảng.

    Ðã chữa bịnh, đã thuyết giảng, tuy đã gây được niềm tin ở một số người, nhưng chưa chưa hướng dẫn pháp môn tu hành, điều mà những người muốn tu hành cần phải biết, để nương theo đó mà tu học hầu cho đắc thành quả vị Phật Thánh hay hoán toàn giải thoát.
    Vì thế, sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên, Ngài chăm chú vào việc viết Sấm Kinh phổ truyền giáo pháp của Ngài. Người ta có thể căn cứ nơi đó để biết rõ Ngài có phải là một bực Chơn Sư và giáo pháp của Ngài có phải là Chánh Pháp hay không?
    Ngài viết dễ dàng, không cần đến giấy nháp. Những phẩm kinh của Ngài phần lớn thuộc loại văn vần, với tác dụng là để cho hạng dân quê ít học, dễ đọc và dễ nhớ. Vả lại loại văn vần có sức truyền cảm hơn loại văn xuôi.
    Sau đây là những quyển giảng của Ngài đã viết:

    1. Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm.

    Đây là quyển thứ nhứt có 912 câu, viết tại Hòa Hảo vào khoảng sau khi làm lễ Cáo Hoàng Thiên năm Kỷ Mão (1939). Trong quyển giảng nầy, đại lược, Ngài đã phương tiện hóa hiện, dạo lục châu, giả dạng người già kẻ trẻ, kẻ buôn bán, ăn xin, chèo đó rước khách... Để có dịp đánh thức người đời rằng có Phật Tiên xuống thế.
    Có nhiều bằng chứng xác nhận dấu vết cuộc châu du của Ngài. Như trường hợp cô Lê thị Cứng ở Hòa Hảo bị mất trộm được Ngài nhắc việc cô nầy coi bói ở những câu như sau:

    Có người ở xóm bằng nay,
    Bị mất trộm rày đồ đạc sạch trơn.
    Du thần bày tỏ nguồn cơn,
    Rằng người nghèo khó đang hờn phận duyên.
    Điên nghe vội vã quày thuyền,
    Dùng khoa coi bói giải phiền phàm nhơn.
    Coi rồi bày tỏ nguồn cơn,
    Xin cô đừng giận đừng hờn làm chi.
    Cô Cứng xác nhận, sau khi mất trộm, có một chiếc ghe chở bốn người, trong đó có một người tự nhận làm thầy bói, ghé nhà cô để coi bói.
    Một đoạn nữa trong Sấm Giảng nói về trường hợp ông chủ Phối ở lòng ông Chưởng mà Ngài ghé nhà đàm đạo với ông đạo Ba, như Ngài đã đề cập trong Sấm Giảng:

    Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,
    Ghé nhà chủ Phối xem lòng đạo Ba.
    Ngồi chơi đạo lý bàn qua,
    Mấy bà có biết lúa mà bay không?
    Có người đạo lý hơi thông,
    Xin ông bày tỏ cho tôi hiều rày.
    Điên nghe liền mới tỏ bày,
    Lúa bay về núi dành rày ngày sau.
    Hỏi qua tu niẹm âm hao,
    Không biết câu nào trái ý đạo Ba.
    Buồn đời điên mới bước ra,
    Tay gây chèo quế dạo mà khắp nơi.

    Khi đọc đến đoạn giảng nầy ông đạo Ba nhìn nhận có y như vậy. Ngoài ra còn trường hợp của ông năm Hẳng ở làng Kiến An thường xưng là Quan Vân Trường mượn xác mà Ngài có ghé, như đoạn sau đây đã thổ lộ trong Sấm Giảng:

    Thảm thương bá tánh lắm ôi!
    Bồng Lai Tiên cảnh rao rồi một khi.
    Nếu ai rảnh việc thời đi,
    Còn mắc nợ thì ở lại dương gian.
    Có người xưng hiệu ông Quan,
    Tên thiệt Vân Tràng ở dưới Dinh ông.
    Thấy đời cũng bắt động lòng,
    Ghé vào tệ xá thẳng xông lên nhà.
    Mình người tu niệm vậy mà,
    Nói chi lớn tiếng người mà khinh khi.
    Người nhà cảm tạ một khi,
    Cúng năm cắc bạc tiền đi non Bồng.

    Việc nầy ông năm Hẳng cũng nhìn nhận là đúng sự thật có một già râu tóc bạc phơ ghé nhà ông thuyết giảng và chính ông có cúng năm cắc bạc, tiền đi non Bồng.
    Còn nhiều bằng chứng khác nữa ghi dấu Ngài có đi dạo Lục Châu, khi giả dạng người nầy người khác mà phần đông đều được mục kích hay đàm luận.

    2. Kệ dân của người khùng.

    Ðây là quyển thứ hai, có 476 câu, viết tại Hòa Hảo ngày 12 tháng 9 năm Kỹ Mão (1939).
    Ðại ý quyển nầy, Ngài chỉ vạch máy huyền cơ cho nhơn sanh được biết, có sớm hồi đầu trờ lại tinh tấn tu hành hầu được cứu rỗi trong ngày tận diệt hay vãng sanh Cực Lạc như đoạn giảng sau đây:

    Nhìn cuộc thế đổi thay quá gắt,
    Máy thiên cơ mỗi phút mỗi thay.
    Nẻo thạnh suy như thể tên bay,
    Ðường vinh nhục rủi may một lát.
    Ai phú quí vào đài ra cát,
    Ta điên khùng thương hết thế trần.
    Khuyên chúng sanh chẳng biết mấy lần,
    Nào ai có tỉnh tâm tìm đạo.
    Hay là:Ðến chừng đó bốn phương có giặc,
    Khắp hoàn cầu thiết thiết tha tha.
    Vậy sớm mau kiếm chữ Ma Ha,
    Thì Phật cứu khỏi nơi khói lửa...

    Ðồng thời Ngài đem chánh pháp vô vi của Ðức Phật Thích Ca đối kháng lại giáo pháp âm thinh sắc tướng của Thần Tú đang thạnh hành:

    Khuyên sư vải mau mau cải hối,
    Làm vô vi chánh đạo mới mầu.
    đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu,
    Hãy tìm kiếm cái không mới có.
    Ngôi Tam Bản hãy thờ Trần đỏ,
    Tạo làm chi những cốt với hình.
    Khùng nói cho già trẻ làm tin,
    Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú.

    Hay là:
    Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,
    Từ xưa nay có mấy ai thành.
    Phật từ bi độ tử độ sanh,
    Là độ kẻ hiền lương nhơn ái.
    Xá với phướn là trò kỳ quái,
    Làm trai đàn che miệng thế gian.
    Kẻ vinh hoa phú quí giàu sang,
    Mướn tăng chúng đặng làm chữ hiếu.
    Thương bá tánh vì không rõ hiểu,
    Tưởng vậy là nhơn nghĩa vẹn tròn.
    Thấy lạc lầm đây động lòng son,
    Khuyên bổn đạo hãy nên tỉnh ngộ.

    3. Sấm Giảng.

    Đây là quyển thứ ba, gồm có 612 câu viết tại Hòa Hảo vào năm Kỷ Mão (1939). đại ý quyển nầy đọan đầu mách cho biết những tai nạn hãi hùng gớm ghê trong lúc biến di, như đoạn sau đây:

    Thương đời Ta mượn bút nghiên,
    Thở than ít tiếng giải phiền lòng son.
    Bắt đầu cha nọ lạc con,
    Thân nầy thương chúng hao mòn từ đây.
    Minh Hoàng chưa ngự đài mây,
    Gẫm trong thế sự còn đầy gian truân.
    Đò đưa cứu kẻ trầm luân,
    đặng chờ vận đến mới mừng chúa tôi.
    Thảm thương thế sự lắm ôi!
    Dẫy đầy thê thảm lắm hồi mê ly.
    Hay là:
    Lao xao bể Bắc non Tần,
    Quân Phiên tham báu xa gần cũng qua.
    Tranh phân cho rõ tài ba,
    Cùng nhau giành giựt mới là thây phơi.
    Khổ lao đà sắp đến nơi,
    Thế gian bớt miệng kêu mời cõi trên.
    Ðồng thời dạy cho gái trai lớn nhỏ biết cách ăn thói ở đúng theo luân thường đạo nghĩa; có như thế mới mong sống sót trong những ngày lập hội, như đoạn giảng sau đây:
    Nào là luân lý tứ ân,
    Phải lo đền đáp xác thân mới còn.
    Ai mà sửa đặng vuông tròn,
    Long Hoa đến hội lầu son dựa kề.
    Dạy về bổn phận làm trai:
    Dạy rồi cáo đạo tu hiền,
    Làm trai nhỏ tuổi tình duyên đang nồng.
    Cũng đừng ghẹo gái có chồng,
    Cũng đừng phá hoại chữ đồng gái trinh.
    Ra đường chọc ghẹo gái xinh,
    Nữa sau mắc phải yêu tinh hư mình.
    Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,
    Vâng lời cha mẹ mà gìn gia cang.
    Nghiêm đường chịu lịnh cho an,
    Loạn luân cang kỷ hổ han tiếng đời.
    Anh em đừng có đổi dời,
    Phụ phàng dưa muối se lơi nghĩa tình.
    Dạy về bổn phận làm gái:
    Lớn lên phận gái cần chuyên,
    Làm ăn thì phải cho siêng mới là.
    Phải gìn dục vọng lòng tà,
    đừng chiều theo nó vậy mà hư thân.
    Nghe lời cha mẹ cân phân,
    Tam tùng vẹn giữ lập thân buổi nầy.
    Tình duyên chẳng kíp thì chầy,
    Chớ đừng cải lịnh gió mây ngoại tình.

    4. Giác Mê Tâm Kệ.

    Ðây là quyển thứ tư, gồm có 846 câu, viết tại Hòa Hảo ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939).
    Ðại để trong quyển nầy, Ngài tuyên giáo pháp môn hành đạo của Ðức Phật Thích Ca như Tứ Diệu đế, Bát Chánh đạo… Cho người đời noi theo đó tu hành sớm được đắc quả.
    Ngài không dứt khuyên chúng sanh rán tìm diệu lý trong sám kinh và rán làm tròn nhơn đạo, vì là thời kỳ chư Phật Thánh tuyển chọn người hiền đức. Và chỉ người hiền đức mới sống còn sau ngày hoại diệt của cõi thế gian:
    Trong bá tánh muốn nơi cao quí,
    Phải truy tầm huyền bí nơi cơ.
    Từ sám kinh cho đến thi thơ,
    Trong chốn ấy nhiều nơi trọng yếu.
    Tạo làm chi những trung với với,
    Ây là người bổn phận phải trau.
    Khuyên dương trần đừng nện cần lao,
    Cũng rán sửa rán trau nền đạo.
    Tu đầu tóc không cần phải cạo,
    Miễn cho rồi cái đạo làm người.
    Kể từ nay lỡ khóc lỡ cười,
    Vì buồn bực thấy đời biến chuyển.
    Các chư Phật từ đây lựa tuyển,
    Coi ai là đức hạnh hiền từ.
    Lời sách xưa cận thủy tri ngư,
    Cận sơn lãnh trần gian tri điểu.
    Trong Sấm Giảng nếu ai không hiểu,
    Tầm kệ này Ta chỉ nẻo đường.
    Quyết dạy trần nên nói lời thường,
    Cho sanh chúng đời nay dễ biết.
    5. Khuyến Thiện.

    Đây là quyển thứ năm, gồm có 756 câu, viết tại Chợ Quán năm Tân Tỵ (1941).
    Trong quyển nầy, Ngài kể lại gương xuất gia tầm đạo của Phật Thích Ca:
    Nói cho đời hiểu Phật Thích Ca,
    Lòng tự giác xả thân tầm đạo.
    Ta cũng chẳng hoàn toàn thông thạo,
    Nhưng phân cùng bổn đạo xa gần.
    Có một điều già trẻ ân cần,
    Là phải biết nguyên nhân Phật Giáo.

    Sau đó Ngài khuyên người đời tu theo pháp môn Tịnh độ để cầu sanh về Cực Lạc, vì trong thời kỳ mạt pháp nầy, đây là một pháp môn cứu cánh, phù hạp vói căn cơ của tất cả chúng sanh trong thời Ngươn hạ.

    Môn Tịnh độ là phương cứu cánh,
    Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.
    Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,
    Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng.

    Hay là:
    Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ,
    đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
    Nếu như ai cố chí làm lành,
    Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
    Cả vũ trụ khắp cùng vận vật,
    Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỉ, Súc sanh.
    Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành,
    được cứu cánh về nơi an dưỡng.
    Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
    Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.
    Ngoài ra, Ngài còn kể lại Tám điều khổ của chúng sanh và khuyên trừ Thập ác.

    6. Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền.

    Đây là quyển thứ sáu, viết trong vòng tháng 5 năm 1945 tại Sài Gòn, theo lối văn xuôi (tản văn) khác hơn 5 quyển trước viết theo lối văn vần (vận văn).
    Trong quyển nầy, Ngài giải thích Tứ Ấn, Thập Thiện, Bát Chánh và những nghi thức hành đạo cần biết của một tín đồ.
    Ngoài ra Ngài còn viết nhiều bài rời và cho thi văn rất nhiều mà sau nầy anh em tín đồ kết tập lại thành quyển "Thi văn Giáo lý” gồm trên 500 trang kể cả những toa thuốc Nam để trị bịnh cho bá tánh thập phương.
    Những bộc lộ của Sấm Giảng.

    Rút trong các luật các kinh,
    Tùy lòng không ép làm in giảng nầy.
    Câu nầy đủ minh chứng những điều Ngài giảng đều rút tỉa tinh lý của Phật trong Tam Tạng Kinh là Kinh tạng, Luật
    tạng và Luận tạng. Thế sao các tác phẩm của Ngài không gọi là Kinh hay Luận mà lại gọi là Sấm Giảng.
    Sấm có nghĩa là những lời tiên tri cho biết trước về thời cuộc, Giảng là giải bày giáo lý cao siêu của đạo phật.
    Do sự tiên tri cho biết những điều sắp xảy ra về cõi đời Hạ Ngươn sắp chấm dứt để bước sang cõi Thượng Ngươn, những tai biến hãi hùng trong những ngày hoại diệt cõi đời mạt kiếp nầy mà người đời thức tỉnh giấc mê nhận cõi đời nầy là giả tạm hầu có sớm ăn năn cải hối tu hành theo đạo Phật thì mới mong được Phật Thánh Tiên cứu rỗi, sống sót trong ngày lập đời Thượng Ngươn an lạc.
    Về việc bộc lộ thiên cơ (Sấm) chúng ta có thể phân tách ra hai sự việc.


    * Tiên tri thời cuộc:


    Trong Sấm Giảng, Ðức Huỳnh Giáo Chủ đã tiên tri nhiều việc ngày nay đã thấy ứng hiện, càng tăng trưởng đức tin của tín đồ vào sự giáo độ của Ngài.
    Như tiên tri về sanh hoạt đắt đỏ, sưu cao thuế nặng, kinh tế suy sụp tiền bạc mất giá…

    Ngồi khùng trí đoái nhìn cuộc thế,
    Thấy dân mang sưu thuế mà thương.
    Chẳng qua là Nam Việt vô vương,
    Nên tai ách xảy ra thảm thiết.
    Bạc không cánh đổi thay chẳng xiết,
    Vàng bị nghèo mấy chiếc chẳng còn.

    Hay là:
    Thương hại bấy lê dân đứt ruột,
    Thảm vợ con đói rách đùm đeo.
    Gẫm chữ nghèo thường mắc chữ eo,
    Thêm gạo lúa lại tăng giá mắt.

    Hoặc giả:
    Hết đây rồi đến dị kỳ,
    Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.
    Về thảm cảnh thì:
    Mai sau nhiều cuộc đất cày,
    Đua nhau mà chạy lầu đài cũng xa.

    Hay là:
    Trong bổn đạo từ đây kim chỉ,
    Đói với nghèo sắp tới bây giờ.

    Những thảm cảnh ấy, ngày nay đã thấy ứng hiện trước mắt mọi người. Cũng như Ngài đã cho biết trước trận thế chiến thứ hai, khởi từ năm Mèo (1939) và chấm dứt năm Gà (1945) ở những câu:
    Mèo kêu bá tánh lao xao,
    Đến chừng Rồng Rắn máu đào chỉn ghê.
    Con Ngựa lại đá con Dê,
    Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.
    Khỉ kia cũng bị xáo xào,
    Canh khuya Gà gáy máu đào mới ngưng.

    Còn nhiều lời tiên tri khác nữa nói về thời cuộc, nhưng đây chỉ kể vài việc đã ứng hiện để chứng minh là Ngài mách trước trong Sấm Giảng có thật, chẳng kíp thì chầy ứng hiện không sai.

    -. Cho biết chuyển kiếp.


    Trong bài "Sứ mạng của Ðức Thầy" có đoạn nói rằng: “Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu cho đến ngày ra trợ thế". ở một đoạn khác, Ngài lại viết: "Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư, cơ truyền Phật pháp, gội nhuần ân đức Phật, lòng đã quảng đại từ bi, hềm vì nỗi cảnh quốc phá gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ”.
    Và Ngài cho biết kiếp nầy là kiếp chót như Ngài đã viết: "Ta nghĩ nhiều tiền kiếp Ta cũng hy sinh vì đạo nào quản xác thân. Kiếp chót nầy đây há lại tiếc chi thân phàm tục..."
    Theo đó thì Ngài đã chuyển nhiều kiếp. Nhờ vậy mà khi đọc Sấm Giảng, ta không còn ngạc nhiên thấy nhiều đoạn, nhiều danh xưng trùng hợp với nhiều vị siêu phàm khác. Chẳng hạn như:
    a) Xưng Khùng điên. điều mà ai cũng nhận thấy là các vị trong Bửu Sơn Kỳ Hương, từ Ðức Phật Thầy Tân An trải qua ông Sư Vãi Bán Khoai... Một khi lâm phàm cứu thế đều xưng hiệu Khùng điên, ý chừng để đối lại người đời thường xưng khôn lanh quỉ quái.
    Đây ông Sư Vải Bán Khoai xưng Khùng:

    Khùng sao mà biết thiên cơ,
    Cũng là Phật khiến cho Khùng dại điên.

    Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng xưng Khùng và cũng nhận biết thiên cơ
    Khùng loán biết âm dương kết liễu,
    Khùng huyền cơ, Khùng đạo Thích Ca.
    Về xưng điên, ông Sư Vải có viết:
    Điên nầy điên Phật điên Thầy,
    Chẳng sợ ai rầy nên nói cù nhây.
    Còn Ðức Huỳnh Giáo Chủ thì là:

    Điên như Ta, điên giống Tiên Rồng,
    Điên gỡ ách xích xiềng thế tục.
    b) đối chiếu tư tưởng.
    Ngoài việc xưng hiệu Khùng điên, còn nhiều tư tưởng trùng hợp giữa Ðức Phật Thầy Tây An, ông Sư Vải Bán Khoai và Ðức Huỳnh Giáo Chủ.
    Về nhan đề giảng sách, có sự trùng nghĩa trùng tên như:
    Ðức Phật Thầy Tân An có bài "Giác Mê", còn Ðức Huỳnh Giáo Chủ có "Giác Mê Tâm Kệ" tức quyển thứ tư trong bộ Sấm Giảng.
    Ông Sư Vản Bán Khoai có quyển "Sấm giảng người đời” mở đầu bằng câu “Hạ ngươn Giáp Tý bằng nay”, thì Ðức Huỳnh Giáo Chủ có quyển "Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm” tức quyển giảng thứ nhứt, cũng với câu mở đầu “Hạ ngươn nay đã hết đời”.
    Ngoài sự trùnh nhan đề, còn nhiều đoạn trùng ý giữa ông Sư Vải Bán Khoai với Ðức Huỳnh Giáo Chủ. Như đoạn giảng sau đây nói về “Một Thầy ba tớ".
    Đây là lời ông Sư Vãi Bán Khoai tự thuật:

    Chừng nào nước chảy đông nguồn,
    Một Thầy ba Tớ hết đường lao đao.
    Hay là:
    Nào khi nắng bụi bay tuôn,
    Một Thầy ba Tớ chẳng buồn lại vui.
    Và đây Ðức Huỳnh Giáo Chủ nói về "Một Thầy ba Tớ":
    Khùng thời ba Tớ một Thầy,
    Giảng dạy dẫy đầy rõ việc thiên cơ.
    Ông Sư Vải Bán Khoai còn cho biết cả danh hiệu của Thầy và Tớ nữa.
    Huệ Lựu kỳ tả một bài,
    Viễn bang châu quận hậu lai khán tường.

    Hay là:
    Huệ Lựu bút ký tả rồi,
    đặng cho thiên hạ dấu soi để đời.

    Ðức Huỳnh Giáo Chủ chẳng những lặp lại tên Thầy, còn cho biết tên Tớ nữa:

    Đừng thấy ngu dại mà khi,
    Thầy là Huệ Lựu Tớ thì Huệ Tâm.

    Ngoài sự trùng ngôn trùng ý, đánh dấu sự liên hệ tiền kiếp giũa ông Sư Vãi Bán Khoai và Ðức Huỳnh Giáo Chủ, còn bức màn huyền vi giữa Ðức Phật Thầy Tây An và Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng sẽ được vén lên, khi ta đọc những câu như Ðức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:


    Khùng nầy quê ngụ núi Sam,
    Còn điên chẳng có chùa am dưới nầy.
    Núi Sam là nơi Ðức Phật Thầy Tây An tịch, nay còn di tích là phần mộ không nấm của Ngài còn lưu dấu.
    Một đoạn khác trong Sấm Giảng, Ðức Huỳnh Giáo Chủ cũng lặp lại di tịch núi Sam để cho người đời nhận ra chuyển kiếp của Ngài:
    Thương lê thứ bày tường trong đục,
    Mặc ý ai nghe phải thì làm:
    Lời của người di tịch núi Sam,
    Chớ chẳng phải bày điều huyễn hoặc.
    Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,
    Chẳng ở yên còn xuống phàm trần.
    Ây vi thương trăm họ vạn dân,
    Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.
    Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ,
    Giả bán buôn thức giấc người đời.
    Rằng ngày nay có Phật có Trời,
    Kẻo dân chúng nhiều người kiêu ngạo.
    Ðọc qua các khoản trùng ngôn trùng ý và đối chiếu tư tưởng giữa Ðức Phật Thầy Tây An, ông Sư Vải Bán Khoai với Ðức Huỳnh Giáo Chủ, người đời nhận rõ sự chuyển kiếp của Ngài như Ngài đã xác nhận, khi viết "Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng, chớ dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu cho đến ngày ra trợ thế".

    Do đó, ta không lấy làm lạ, ngoài những người chịu ơn cứu chữa hay phục tài ám thông tâm lý hoặc được cho thi bài soi tỏ căn cơ, đã đành thọ giáo qui y với Ngài, mà còn một số tín đồ của Ðức Phật Thầy Tây An, ông Sư Vải Bán Khoai hay những người trong giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, sau khi đọc Sấm Giảng đều chẳng ngần ngại qui ngưỡng theo Ðức Huỳnh Giáo Chủ.
    Tiếng đồn một ngày một lan rộng ra, thu hút một số đông người đến Thử thách: Từ ngày thi thơ, Sấm Giảng ra đời, sau khi đọc qua, có một số Nho gia hay phái tân học tầm đến để thử thách, trước nhứt cho rõ tài cán của Ngài (không học mà thông), sau là tìm hiểu xuất xứ của vị siêu phàm xuống thế và sứ mạng vị ấy như thế nào?
    Nếu kể ra hết các trường hợp thử thách thì quá dài, đây chúng tôi chỉ chọn ra một số điển hình để các nhận về ám thông tâm lý và tài biện bác trác tuyệt của Ngài, ngoài hạng phi phàm chưa chắc đã đối đáp nỗi một cách tuyệt luân như thế.

    1. Thầy Ba Thận tức ông Phan Khắc Thận, một nhà lão nho, học trò của cụ Tú Thường, một hôm được ông Huỳnh Hữu Phỉ đem thi bài của Ðức Thầy về trao cho ông coi, trong đó có bài "Tam châu hữu ngạn". Sau khi đọc, ông chê làm thơ gì mà nửa nạc nửa mở. Ông họa và gởi đến Ngài xin đáp lại.
    Ngài bảo người mang thơ về nói: Ngài làm thơ là để khuyên người đời tu niệm, chớ không ra đời làm thơ để họa đáp.
    Người mang thơ về thuật lại, ông Ba Thận nói: Như vậy tôi phải đến gặp ông mới được.
    Sau đó, ông kêu 4 người học trò giỏi nhứt của ông cùng đi với ông đến gặp Ðức Thầy sau hai đêm nặn óc làmhai bài thơ định thử thách. Nhưng khi ông vừa bước đến nhà thì Ngài chạy ra tiếp và vồn vã:
    - Bộ ông muốn làm thơ lắm sao ông lão?.
    Liền đó Ngài mời ông vào và bắt đầu câu chuyện mà trong đó Ngài đáp hết những điều ông lão muốn hỏi trong 2 bài thơ.
    Ðến khi ra về, người cùng đi theo hỏi sao không thấy ông đem hai bài thơ ra hỏi Ngài, thì Thầy Ba Thận cho biết rằng trong lúc nói chuyện Ngài đã trả lời hết rồi mặc dầu hai bài thơ ấy vẫn còn nằm trong túi áo.

    2. Ông Hương sư Vàng, người ở làng Hòa Hảo, một hôm đem quyển “Sấm Giảng Người đời" của ông Sư Vải Bán Khoai đến toan thử Ngài, vừa bước vào nhà thì Ngài chận lại hỏi:
    - Phải quyển "Sấm Giảng Người đời" của ông Sư Vải Bán Khoai đây không?
    Vừa nói, Ngài vừa lấy trong túi ông Hương Sư Vàng quyển giảng rồi trao cho ông nầy bảo dò coi Ngài đọc có trúng không?
    Thế rồi Ngài đọc thuộc lòng: ông Hương Sư Vàng dò không sai một chữ, vô cùng ngạc nhiên, vì biết từ nhỏ đến lớn Ngài chưa hề gặp quyển giảng ấy.
    Chẳng những thế, Ngài còn nói cho biết xuất xứ của quyển ấy: Tôi đã viết quyển giảng nầy mấy chục năm về trước khi tôi còn ở Cao Miên...

    3. Ông Huỳnh Hữu Phỉ ở Chợ Vàm, một hôm mượn được quyển giảng “Lan Thiên" của ông Cử Ða từ Hà Tiên mang về, đem đến định hỏi Ngài. Nhưng khi ông Phỉ mới bước đến cửa thì Ngài khoác màn ra hỏi liền:
    - Có phải quyển Giảng "Lan Thiên" đây không?
    Nói xong, Ngài thò tay vào túi ông Phỉ móc ra quyển Giảng, Ngài cuốn tròn lại rồi bắt đầu đọc từ trang đầu cho đến hai ba trang sau mới trao quyển Giảng lại cho ông Phỉ để dò lại coi có đúng như Ngài đã đọc không?
    Ông Phỉ vô cùng ngạc nhiên vì quyển Giảng ấy có thể nói là lần thứ nhứt được thấy, bởi nó do một người tu ở Hà Tiên mang về, chưa ai biết đến. Thế mà Ngài đọc ron rót không thiếu một câu không sai một chữ; nếu không phải là tác giả, vị tất đã thuộc làu như vậy.

    - . Họa thi:

    Về việc họa thơ, thách thức để xem tài, nhứt là làm thi bằng chữ Hán, có hai trường hợp đáng kể.

    a) Trường hợp ông Huỳnh Hiệp Hòa ở làng Bình Thủy (Long Xuyên) là một nhà nho có tiếng. Ông có làm bài thơ sau đây đem đến thách thức Ngài họa.
    Phiến ngôn đại chấn điểm Nam Cương,
    Khẩu tụng Văn vương vị bốc tường.
    Dữ thiện ngôn ngôn tung nhứt nhị,
    Hành nhơn tịch tịch muội tâm lương.
    Mã lai thủ thị danh thương pháp,
    Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường.
    Thi vấn hồi âm tri bửu hiệu,
    Từ minh tam vị hiển văn chương.

    Trong bài nầy nếu chiết tự sáu câu đầu thì thấy ông Hòa có ẩn ý hỏi Ngài có phải: Trạng Trình, Cử đa, đề Thám không?
    Ngài liền họa, cả vần bằng lẫn vần trắc, cũng bằng Hán văn như sau:

    Hồi đầu điểm đạo chuyển phong cương,
    Háo thắng bi ly đạo khổ tường.
    Tề tướng Cam phong an diện nhị,
    Hàn nhơn thọ khóa tác tâm lương.
    Thiên tôn mật sát nhơn gian pháp,
    Phật lý di khai đại hội trường.
    Tam á ngoại niên chơn bút hiệu,
    Hàn lâm nhứt đấu vịnh thiên chương.

    Trong bài họa nầy, Ngào khéo léo cho biết danh hiệu Ngài. Nếu ta tinh ý sẽ thấy rõ ở hai câu kết.
    b) Trường hợp ông Nguyễn Kỳ Trân tức Chín Diệm ở làng định Yên, quận Lấp Vò, cũng là một bực túc nho đầy lòng ưu ái quốc gia, khi thấy Ðức Huỳnh Giáo Chủ ra mở đạo, đem mùi tôn giáo khuyến dụ nhơn sanh sợ làm lợi cho bọn xâm lăng thống trị, nên có làm hai bài thi như sau:

    Cường khấu xâm lăng kỷ thập niên,
    Vị tri đại đức giáng, hà Tiên?
    Hi Di ngũ quí kim an tại,
    Thái Thượng tam vương cổ bất truyền.
    độc nhãn sa đà tàng Bắc địa,
    Liên mi chơnmạng ẩn Nam thiên.
    Phòng ngư xích vĩ đương kim nhựt,
    Dẫn lãnh minh lương trứ tổ tiên.

    Trong bài nầy ông Diệm có ý trách Ðức Thầy đại ý nói rằng: Bọn giặc mạnh xâm lăng nước nhà đã mấy mươi năm rồi. Vậy không biết Ngài là vị Tiên chi xuống trần? Những bực như Hi-Di (Trần đoàn), Thái Thượng (Khương Tử Nha) đều đi ở ẩn đất Bắc trời Nam, chỉ thấy hiện giờ con cá đỏ đuôi (cờ tam sắc) khắp đất nước. Nếu Ngài là bực minh lương thì Ngài cũng nên đả một roi (tiên).
    Và đây là bài họa của Ngài, cũng bằng chữ Hán mặc dầu từ trước đến nay, Ngài chưa từng học:

    Thiên ký Lạc Hồng đắc ngũ niên,
    Sơn Trung hồi dã bi danh tiên.
    Trần nhơn đãi thế Nam tồn tại,
    Lão đạo tiền phong Bắc ý truyền.
    Trình mỗ ngộ kim giai cổ địa,
    Xích mi hải hội luật trừng thiên.
    Di phi minh đế đồ tôn nhựt,
    Thạnh khí đào thinh giác kỷ liên.

    Trong bài nầy, chúng ta thấy Ngài họa chẳng những vận bình mà cả vận trắc nữa, đại ý trả lời bài thơ xướng và cũng nói rõ danh hiệu và quê quán của Ngài nữa. Ngào còn cho biết ở hai câu kết, thời kỳ của minh đế chưa đến, chờ khi đến rồi thì chẳng những đả một roi mà sẽ biết bao roi nữa.
    Thật là tài tình, vì khi đưa thơ đến, Ngài liền họa ngay tại chỗ, cả vần bình lẫn vần trắc, với những câu chữ Hán trác tuyệt. Ở đây chúng tôi lược bớt bài thứ hai, chỉ chép bài thứ nhứt của ông Chín Diệm và bài họa của Ngài.

    5. ông Bảy Còn tức ông Nguyễn Phước Còn ở gần chợ Cà Mau xã Long Kiến, quận Chợ Mới, và là cháu nội của ông đạo Thắng, một trong Thập Nhị Hiền Thủ của Ðức Phật Thầy Tây An. Những vị Hiền Thủ đều được Ðức Phật Thầy truyền diệu pháp nên có thần thông chữa trị bịnh nhơn bằng phương pháp huyền diệu, như cho uống nước lã phù hay các thứ lá thứ bông. Khi ông đạo Thắng tịch, truyền lại cho thân phụ ông Bảy Còn, rồi ông nầy đến lượt truyền lại cho con cách chữa trị mầu nhiệm ấy.
    Khi Ðức Huỳnh Giáo Chủ mới phát bịnh, vì là chỗ quen thuộc với ông Bảy nên Ðức ông có chở Ngài xuống nhờ cứu chữa, nhưng chữa mãi mà vô hiệu.
    Nay nghe tin Ðức Thầy ra đời chữa bịnh và tỏ ra phi phàm thì ông Bảy không tin. Ông cho đó là ma quỉ chi chi, nên không chịu đến xem cho biết.
    Theo lời ông Bảy cho biết: có một đêm, ông nằm mộng thấy chư Thần đến cho biết là Phật đã giáng thế ở Hòa Hảo. Thức dậy, ông cho đó là điều mộng mị nên không đi.
    Một đêm khác, ông cũng nằm mộng thấy chư Thần kêu ông một lần nữa, nhưng ông cũng không tin.
    đến lần thứ ba, lần nầy chư Thần quở trách ông nên ông bắt đầu tin và định đi Hòa Hảo cho biết hư thiệt.
    Cứ theo lời ông Bảy thuật, ông lại nhà ông út, chú của Ðức Thầy trước. Trong lúc ông đang chuyện vãng với ông Út thì Ðức Thầy bước sang lại nắm tay ông mà nói rằng:
    - Dữ hôn! Ðợi chư Thần đòi ba lần, ông mới chịu đi. Thôi mời ông qua nhà.
    Khi ông Bảy bước sang, Ðức Thầy mời ông Bảy ngồi rồi nói:
    - Ông Bảy muốn thử tôi phải không?
    Nói xong, Ngài bước vào trong lấy viết mực ra làm một bài thơ trao cho ông Bảy và nói:
    - Ông đọc đi, coi có phải không?
    Bài thơ ấy là bài thơ khoán thủ cách cú mà Ðức Phật Thầy Tây An đã mật truyền cho ông đạo Thắng, dặn sau nầy có ai đưa ra bài thơ nầy tức là Ngài tái thế. Bài thơ ấy, nguyên văn như sau:

    "Ðạt Ðạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận".

    Ðạt đạo hoằng khai kế nghiệp truyền,
    Chư bang hành thiện hiếu vi tiên.
    Ngao Du thế giới hoàn sanh chúng,
    Quí tiện trí ngu trạch nhơn hiền.
    Châu Di phụ thỉ an bá tánh,
    Thượng cổ hoàn ư thế tự nhiên.
    Viễn Cận chư châu qui nhứt thống,
    An cư lạc nhiệp phước vô biên.

    Nên để ý tám chứ khoán thủ cách cú:
    (Ðạt Ðạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận) đều thuộc bộ xước.
    Ông Bảy trả lời là không biết chữ quốc ngữ nên nhờ Ngài đọc lại cho ông nghe.
    Khi nghe xong, ông Bảy đã khâm phục rồi, nhưng Ngài còn làm thêm một bài nữa, tức bài "Bát Nhẫn" mà nội tổ ông Bảy đã chép trong phòng của Ðức Phật Thầy Tây An và hằng lấy đó làm bài gia huấn truyền lại cho con cháu. Đây là bài Bát Nhẫn:

    Nhẫn Năng Xử Thế thị nhơn hiền,
    Nhẫn Giái kỳ tâm thận thủ tiên.
    Nhẫn dã Hương Lân hòa ý hỷ,
    Nhẫn thành Phu Phụ thuận tình duyên.
    Nhẫn Tâm nhựt nhựt thường an lạc,
    Nhẫn Tánh niên niên đắc bảo tuyền.
    Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,
    Nhẫn Thành phú quí vĩnh miên miên.
    Khi nghe bài "Bát Nhẫn", ông Bảy xụp xuống lạy, nhưng Ðức Thầy đỡ dậy mà rằng: Không nên, ông Bảy. Phần xác đáng con cháu, ông lạy như thế không nên. Như ông muốn lạy, hãy lạy bàn Phật kia.

    - Trường hợp đã qui y.

    Ðây không phải là một cuộc thử thách mà là một việc chứng tỏ thêm về sự ám thông tâm lý của Ngài. Nguyên có nhiều tín đồ, sau khi đọc Sấm Giảng và học thuộc Bài Qui Y và Bài Ngũ Nguyện, tự đốt hương đến Bàn Thờ Cửu Huyền và Bàn Thờ Phật phát nguyện và qui y đúng như cách thức đã chỉ dạy trong quyển "Những điều cần biết của kẻ Tu Hiền” tức quyển Qui tắc hành đạo.
    Mặc dầu ở nhà đã tự làm lễ qui y với ngôi Tam Bảo rồi, nhưng khi đến Ngài, lại xin Ngài chứng cho họ làm lễ qui y, ý chừng có được Ngài chứng giám mới có giá trị.

    Nhưng Ngài đỡ lời mà rằng: Anh em đã qui y rồi, mặc dầu không có mặt tôi, nhưng tôi cũng đã chứng giám rồi. Một khi anh em tự làm lễ qui y là có tôi đến chứng, vậy anh em khỏi làm lễ qui y một lần nữa.
    Ðiều nầy đủ chứng tỏ Ngài đã ám thông tâm lý. Mọi việc gì người đời làm, thiện hay ác, Ngài đều rõ thấu, chẳng cần phải báo cáo, Ngài cũng tường lãm. Vì thế trong sách Nho có câu của Khổng Tử khuyên: "Thân kỳ độc”, nghĩa là nên cẩn thận lúc ở một mình trong phòng kín, vì lúc đó mặc dầu không có ai, nhưng ý nghĩ thầm kín của mình đều được Thần minh soi xét, rõ ràng như hành động ở ngã tư đường

    HH
     

Chia sẻ trang này