"LÀM" Cư sĩ Bùi Minh Luân Thành công hay thất bại, tốt hay xấu đó là thành quả của một việc làm. Bên cạnh đó cũng có trường hợp “làm”, nhưng không mong cầu đạt được kết quả. Trong mỗi con người ai cũng muốn cho mình được đẹp đẽ, được giàu sang, được sung sướng, được đủ mọi thứ… thỏa mãn cho nhu cầu về thể xác. Những thứ ham muốn đó như con thoi trên khung cửi dệt vải, nó tạo cho khung cửi vận hành theo một chu kỳ nhất định, nhịp nhàng. Con người cũng thế. Ham muốn nó giục người ta phải tận tụy phục vụ nó, làm đủ mọi chuyện để cung phụng nó như một đầy tớ trung thành với chủ. Rốt lại, chính nó là nguyên nhân dẫn đến những hành động, những việc làm, tốt xấu phải hay trái để rồi sau đó chính ta phải nhận hậu quả về những việc làm ấy. Ở vào xã hội như hiện nay khi ranh giới giữa thiện và ác, giữa chánh nghĩa và bất công cách nhau ở một việc “làm”, và chỉ giây phút thiếu suy nghĩ sẽ tạo ra những việc “làm” sai trái gây nên sự bất bình trong nhơn loại. Hiểu thế nên Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH đã cụ thể hóa kết quả của việc làm qua hai câu giảng: “Làm gian ác là quỷ là ma, Làm chơn chánh là Tiên là Phật.” Làm gian ác: là làm những chuyện gian trá tội lỗi, trái với nhân đạo để lại tiếng nhơ xấu đời đời. Đức Thầy cho biết: “Thương đời văn vật say mê, Lám điều gian ác thảm thê sau này.” Làm chơn chánh: là làm điều ngay thẳng, chánh đáng không trái với đạo lý luân thường; mang niềm vui đến cho mọi người! Chính đó là tiến trình đến cõi an lạc Phật Tiên. Mỗi hành động, mỗi việc làm điều đem lại một kết quả nhất định để rồi sau kết quả đó ta sống trong những ngày khổ đau ân hận hay chuỗi ngày thông dông tự tại. Tấm gương của Thái Tử Sĩ Đạt Ta thể hiện lên việc làm cao cả của một đấng giác ngộ. Ở cương vị Thái Tử, lại được vua cha hết mực thương yêu tất nhiên là tương lai Ngài được sống trong vinh hoa phú quý, được thay cha nối nghiệp làm vua sau này. Nhưng sống giữa cung vàng điện ngọc tâm Ngài vẫn không lay động trước những vật dục thế gian…và một ngày kia cơ duyên đã đến Ngài quyết chí làm theo tiếng gọi của con tim:“Lìa cha già vợ đẹp con cưng, Thân chẳng sá xông pha bờ bụi”. Ngài đi không phải để tìm hạnh phúc riêng tư cho bản thân ở một phương trời xa xôi nào đó mà Ngài là vì tình thương chung cho mọi người, cho vạn loại chúng sanh. “Ngài hiểu rõ ấy là phận sự, Phải xuất gia tầm đạo mau mau.” Cho nên Ngài đã: “Thừa đêm khuya lén trốn vào rừng. Lìa cha già, vợ đẹp, con cưng, Thân chẳng sá xông pha bờ bụi. Ngài thưở ấy nên mười chín tuổi, Tâm đại hùng cương quyết tu trì. Trải bao phen lao khổ xiết chi, Sau Ngài đến Rạch Ni Liên Thuyền. Thấy cỏ hoa cảnh bắt tham thiền, Ngồi khổ hạnh sáu năm bên ấy.” Để rồi ngày kia bên dòng sông Hằng bên cạnh dãy Hi Mã Lạp Sơn, dưới cọi Bồ Đề Ngài chứng quả hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật mở ra con đường giác ngộ lưu truyền mãi đến ngày hôm nay. Chúng sanh đời nay phước mỏng nghiệp dày, tình sâu huệ cạn. Vì thế, nếu đi đúng theo con đường của Đức Phật là điều rất khó và rất khó. Nhưng may mắn thay, chúng ta hôm nay được thức tỉnh qua lời giáo huấn của Đức Thầy, Ngài nói: “… tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca”, hay là “Nối theo chí Thích ca ngày trước.”. Vì vậy, "làm" theo Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH chính là làm theo Đức Thích Ca Mâu Ni và kết quả cũng sẽ được như Ngài. Hiểu được căn cơ thiển bạc của chúng sanh ở hiện tại, ít ai làm được như Đức Phật khi xưa, “xả thân hành đạo”. Vì thế Ngài chỉ cho chúng ta một phương cách rất đơn giản, hợp với lương dân, với mọi tầng lớp trong xã hội mà ai cũng có thể làm được, làm ở mọi lúc, mọi nơi. Ngài dạy: “Làm lành đâu có tốn xu, Mà sau thoát khỏi ao tù thế gian.” Hoặc là: “Muốn cho rắn đặng hóa cù, Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua.” Việc làm lành, làm phước không giới hạn với bất cứ hình thức nào, miễn sao việc làm mang lợi lạc đến cho mọi người: kẻ thí tiền, người cho gạo, kiếm thuốc nam, đắp đường, bồi lộ v.v… Thưở xưa, khi Đức Phật còn trụ thế. Có đôi vợ chồng của Đàn Nị Già gia cảnh rất nghèo, tài sản của hai vợ chồng chỉ là một tấm chăn cũ rách. Khi chồng mặc đi thì vợ ở nhà và ngược lại…Một hôm Đàn Nị Già nghe vị Tỳ Kheo giảng về lợi ích của sự bố thí liền bàn với chồng cúng dường cho chư Tăng tấm chăn rách của mình hầu giải thoát kiếp khổ hiện tại, dầu chết cũng cam. Cả hai đồng ý, liền đó thỉnh vị Tỳ Kheo vào để cúng dường tấm chăn ấy, vị Tỳ Kheo tiếp nhận và rất hoan hỷ! Thế rồi tại buổi pháp hội cúng dường Đức Phật lấy tấm chăn ấy ra trước hết và cho biết đây là món vật cúng dường quý nhứt của buổi pháp hội hôm nay, trong sự ngỡ ngàng của nhà Vua và thính chúng. Biết rõ tâm niệm chúng sanh nên Đức Phật thuật rõ lại chuyện bố thí của vợ chồng Đàn Nị Già, thà cam chịu chết lõa lồ trong nhà để tròn hạnh bố thí; đây là món vật khinh, nhưng tình trọng. Nhờ công đức bố thí này mà trải qua 91 kiếp sanh ra nơi nào cũng có y phục che thân, không hề bị túng thiếu. Khi mà ranh giới giữa lành và dữ cách nhau ở một thoáng suy nghĩ trong tâm thức chứ không dựa vào hình tướng bên ngoài như: của nhiều hay ít, giàu hay nghèo, Ông Thanh Sĩ cho biết: “Ở lương thiện tự nhiên người mến, Khỏi phải cần rù quến ép nài. Việc làm lành đâu lựa có tài, Mà bất cứ là ai cũng được. Nghèo giàu vẫn làm nên việc phước, Lượng khác nhau nhưng giá bằng nhau. Nghèo một xu giàu đáng mười hào, Vật tuy ít tâm nào phải ít.” Ai rồi cũng phải chết! dù là vua quan dân thứ; có tu hay không tu, có những cái chết nhẹ tợ lông hồng, cũng có cái chế nặng tợ thái sơn. Tục ngữ có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Có được thân người hiện tại là một điều quý! Và sẽ quý báu hơn nếu ta làm được điều gì đó mang lợi lạc cho tất cả mọi người, dầu tôn giáo hay không tôn giáo, xuất gia hay tại gia, tu sĩ hay cư sĩ… đều không giới hạn việc làm phước làm doan của mình, làm bằng nhiều cách khác nhau. Vì: “Đôi khi chỉ một nụ cười, Cũng là đủ để cho người hồi tâm.” Làm lành chẳng những chúng ta được gieo duyên với Phật pháp, mà hiện kiếp cũng được người đời ca ngợi, làm bậc Phật Tiên bất đắc dĩ tại thế. Bằng ngược lại, để bản ngã chen vào làm chủ bổn tâm, để danh lợi che mờ lý trí dẫn dắt làm điều tội lỗi; khi ấy, kẻ hành đạo thì lạc vào tà đạo, người thế tục thì rơi vào nếp sống xa hoa phù phiếm bằng những mơ mộng ảo huyền để rồi sớm tan rã như sương trên đầu cỏ. Chẳng thế ta còn mang tiếng bất lành ấy nếu không là quỷ ma thì là gì? Tóm lại lớp áo không làm nên nhà tu chân chính, lời nói suông không mang lại kết quả thiết thực cho mọi người. Chúng ta không thể bước một bước dài như Đức Phật để đi đến quả vị bất thối. Nhưng cũng với vị trí đó, cũng hướng đến đó ta sẽ bước từng bước thật vững chắc bằng cách “Làm hết các việc từ thiện, Tránh tất cả điều độc ác, Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch.”, thì ngày về đến đích ắt sẽ không xa. Làm lành, làm ác là xuất phát từ suy nghĩ của ta; làm lành làm ác đều đem lại kết quả nhứt định. Vì vậy, trước khi "làm" việc gì ta hãy nghĩ đến hậu quả của nó rồi sẽ thực hiện. Cư sĩ Bùi Minh Luân