Mười Điều Ơn

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 7/11/23.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    Mười Điều Ơn


    “Nhơn-sanh hiếu-nghĩa phải đền xong,
    Mới rõ cháu con giống Lạc-Hồng.
    Ơn mẹ sanh-thành so tợ núi,
    Công cha dưỡng-dục sánh dường sông.
    Truyện xưa Đế Thuấn (1) nên ngôi cả,
    Tích cũ Đề-Xà (2) đắc Đạo thông.
    Kinh-điển lưu-truyền gương Phật Thánh,
    Nhờ lòng hiếu-thảo được nên công.”

    Kính thưa quý vị,

    Cây có cội, nước có nguồn. Con người sở dĩ có thân là nhờ ơn cha mẹ sanh-thành dưỡng-dục. Vì vậy, bổn-phận làm con lúc nào cũng phải nhớ ơn cha mẹ để lo đền-đáp cho tròn câu hiếu-thảo, như Đức Thầy hằng khuyên:

    “Vẹn mười ơn mới đạo làm con,
    Lúc sanh sống chớ nên phụ-bạc”

    (trang 83 SGTVTB 2004)
    Căn-cứ theo đây, Đức Huỳnh Giáo-Chủ khuyên rằng: Bổn-phận làm con, lúc cha mẹ còn sanh-tiền phải lo đền-đáp công-ơn sanh-thành cho trọn-vẹn mười điều ơn.
    Hôm nay, nhân dịp Lễ Vu-Lan, chúng tôi xin trình bày về mười điều ơn của con người phải thọ nơi cha mẹ.
    Trong “Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân trọng kinh”, Đức Phật có giảng mười điều ơn, tạm lược như sau:

    1. Ơn mười tháng cưu mang (Thập ngoạt hoài thai ân).

    “Ơn cha mẹ sanh-thành dưỡng-dục,
    Phận làm con chẳng phút nào quên.
    Sớm hôm cố-gắng đáp-đền,
    Tròn câu hiếu-thảo mới nên thánh-hiền.
    Kinh Phật đã chép-biên chỉ-dạy,
    Có Mười Ơn vĩ-đại cao-dày.
    Nhứt là mang lấy bào-thai,
    Mẹ hiền xác-thể không ngày nào yên.
    Sự ăn uống cử-kiêng đủ thứ,
    Nằm, đứng, đi cũng giữ nhẹ-nhàng.
    Tóc-tai chẳng muốn điểm-trang,
    Thân-hình luống-chịu võ-vàng kém-suy.”

    Trong lúc thọ-thai, bà mẹ phải quên ăn mất ngủ như người có bịnh, lo tính từ ngày, giữ-gìn kỹ-lưỡng, không dám đi mau động mạnh, dường như đeo thêm túi nặng vào mình, trông thật là khó-nhọc!

    2. Ơn sanh đẻ chịu khổ (Lâm sản thọ khổ ân).

    “Ơn thứ nhì đến kỳ khai-nở,
    Phải một phen kinh-sợ hãi-hùng.
    Hài-nhi chòi-đạp tứ-tung,
    Làm cho thân mẹ muôn-trùng đớn-đau.
    Cảnh-huống này kể sao cho xiết,
    Khi sản-sanh tinh-huyết dầm-dề.
    Mặc tình thân mẹ thảm-thê,
    Miễn sao con được trăm bề vẹn-xong.”

    Đến ngày khai-hoa nở-nhụy, bà mẹ phải chịu muôn phần đau-đớn, mạng sống bấp-bênh như đèn treo trước gió. Nếu đứa trẻ kia là kẻ tiền-ân với cha mẹ thì nó xuôi tay thẳng chân mà ra. Trái lại, nếu nó là đứa nghịch-thù, thì lúc ở trong bào-thai đã cử-động tay chân, chằng-níu gan ruột, chòi-đạp vào hông, khiến người mẹ đau-nhói cả tâm-can, lại thêm tinh-huyết tuôn-dầm. Ôi! tình-cảnh như thế ai trông vào mà chẳng xót-dạ thương-tâm.

    3. Ơn sanh được đứa con, mừng mà quên lo rầu (Sanh tử vong ưu ân).

    “Ơn thứ ba vừa trông thấy trẻ,
    Ra khỏi lòng thì mẹ hân-hoan.
    Quên điều đau-đớn gian-nan,
    Quên hồi còn lúc cưu-mang tháng ngày.
    Nào khác thể sang ngay gánh nặng,
    Cũng dường như ai tặng ngọc vàng.
    Tâm-hồn thư-thới nhẹ-an,
    Nỗi mừng không thể luận-bàn hết đâu.”

    Trải qua một lúc kinh-hồn đau-đớn, bà mẹ sanh ra được đứa con, trông thấy nó được đầy-đặn vuông-tròn thì vui-mừng khôn-xiết mà quên đi tất cả sự lo-buồn.

    4. Ơn uống đắng nhổ ngọt (Yến khổ thổ cam ân).

    “Ơn thứ tư dãi-dầu mẹ chịu,
    Lo nuôi con chẳng thiếu chẳng sai.
    Cam đành ăn đắng nuốt cay,
    Ngọt bùi phần trẻ không ngày nào lơi.
    Miễn cho con được thời mạnh-khỏe,
    Luôn ăn-chơi là mẹ vui-lòng.
    Dẫu cho gặp lắm mặn-nồng,
    Phận làm cha mẹ chẳng hòng thở-than.”

    Lòng mẹ thương con vô-hạn, không lẫn-tiếc món gì; mẹ có thể ăn đắng nuốt cay, nhịn miếng ngọt bùi để nuôi con cho được đầy-đủ; dầu có thèm-khát, mẹ cũng cam-tâm.

    5. Ơn nhường chỗ khô nằm chỗ ướt (Hồi can tựu thấp ân).

    “Ơn thứ năm mẹ đang ngon-giấc,
    Bỗng nhiên con phóng vật uế-nhơ.
    Đêm hôm tăm-tối bất ngờ,
    Mẹ đành thay nghỉ chỗ dơ ướt-dầm.
    Nhường cho con được nằm bên ráo,
    Khi gặp cơn rét-bão lạnh-lùng.
    Để con ấm-áp thung-dung,
    Riêng phần của mẹ lạnh-lùng kể chi.”

    Trong lúc đêm hôm tăm-tối, mẹ đang ngon-giấc, bỗng đứa con phóng uế trên giường thì mẹ vẫn an-nhiên nằm chỗ ướt, nhường chỗ khô cho con; gặp phải lúc mùa đông giá-rét, mẹ lo đùm-bọc, đắp-phủ cho con được ấm-áp, còn riêng mẹ dù có lạnh-lẽo cũng yên-lòng.

    6. Ơn bú-mớm và nuôi-nấng (Nhũ bộ dưỡng dục ân).

    “Ơn thứ sáu những khi bú-mớm,
    Cùng dưỡng-nuôi hôm sớm mỗi ngày.
    Món ăn thức uống nào sai,
    Máu hòa làm sữa nuôi rày hài-nhi.
    Nếu chẳng may gặp khi nghèo-túng,
    Cha chạy lo làm-lụng tơi-bời.
    Đêm ngày hao sức tổn hơi,
    Chịu phần đói-khát để thời nuôi con.”

    Sanh đứa con ra, bà mẹ lo từ miếng ăn thức uống cho mình, cốt là để có sữa cho con bú. Còn cha thì lo làm-lụng vất-vả để kiếm tiền nuôi con cho đến lúc trưởng-thành.

    7. Ơn rửa-ráy mọi điều dơ-bẩn (Tẩy trạc bất tịnh ân).

    “Ơn thứ bảy lại còn hơn nữa,
    Vật uế-nhơ giặt-rửa mỗi ngày.
    Những khi tiểu-tiện ra ngoài,
    Mẹ cha bồng-ẫm chẳng nài thúi-hôi.
    Có lắm kẻ lớn rồi quên-lảng,
    Nuôi mẹ cha tính tháng tính ngày.
    Thêm còn nhiều tiếng đắng-cay,
    Sao không chết phức sống hoài làm chi.”

    Cha mẹ chẳng nài sự thúi-hôi, dơ-dáy; nào quần áo chiếu-chăn, nào những khi đứa con tiểu-tiện, cha mẹ đều giặt-rửa không kể ngày đêm. Ôi! với những điều nầy khi cha mẹ già-yếu, biết người con có nuôi lại được như vậy chăng?

    8. Ơn con đi xa thì cha mẹ nhớ-tưởng (Viễn hành ức niệm ân).

    “Ơn thứ tám vậy thì kể tiếp,
    Khi người con có dịp đi xa.
    Mẹ cha đứng tựa cửa nhà,
    Ngóng-trông con trẻ xót-xa can-tràng.
    Tâm-hồn mãi mơ-màng vơ-vẩn,
    Tư-tưởng luôn quanh-quẩn bên con.
    Xác-thân già yếu hao-mòn,
    Bởi chưng quá đỗi thương con mới là.”

    Khi con đi vắng, cha mẹ ngày đêm canh-cánh ngóng-trông; con ở chỗ nào, tư-tưởng của cha mẹ nương theo chỗ đó; sự nhớ-nhung ấy không bao giờ phai-lợt mà lại càng ngày càng khắc sâu thêm nữa.

    9. Ơn vì con mà cha mẹ nhiều khi làm điều chẳng lành (Vị tạo ác nghiệp ân).

    “Ơn thứ chín kể ra thảm-thiết,
    Vì nuôi con tạo việc chẳng lành.
    Hoặc là phạm tội sát-sanh,
    Hoặc là đạo-tặc kết thành nghiệp sau.
    Khi bỏ xác hồn vào địa-ngục,
    Chịu muôn điều câu-thúc phạt-răn.
    Nghĩ thương cha mẹ vô-ngần,
    Vì con mà phải trầm thăng sáu đường (3).”

    Đã sanh được đứa con, cha mẹ không thể nào ngồi yên để nhìn đứa con chịu đói-khát, rách-rưới; như gặp cảnh giàu-sang thì chẳng nói chi, nếu chẳng may gia-cảnh nghèo-khổ thì cha mẹ vì muốn bảo-dưỡng đứa con mà nhiều khi tạo ra ác-nghiệp: hoặc phạm tội đạo-tặc, tham-lam, hay sát-sanh chẳng hạn, để rồi chịu lấy hậu-quả đau-khổ sau này.

    10. Ơn cha mẹ thương con, không có cái tình-thương nào bằng (Cứu cánh lân mẫn ân).

    “Ơn thứ mười tình-thương cao cả,
    Của mẹ cha thật quá sâu-dầy.
    Trong đời có một không hai,
    So cùng biển rộng sánh tài non cao.
    Phận làm con sớm mau đền trả,
    Vừa dưỡng-nuôi vừa khá tu-thân.
    Sống toan cung-phụng ân-cần,
    Thác rồi cầu đặng gởi thân liên-đài.”

    Tình-thương của cha mẹ đối với con thật là vô-lượng vô-biên; gần con thì lo nuôi-dưỡng dạy-bảo; xa con lại thương-nhớ ngóng-trông. Nếu chẳng may có đứa con nào tật-nguyền xấu-xí, hay ngỗ-nghịch, cha mẹ càng thương-xót vô cùng. Cha mẹ đã tám mươi tuổi cũng còn để tâm thương lo cho đứa con sáu mươi tuổi.
    Kính thưa quý vị,

    Qua mười điều ơn vừa kể trên, chúng ta xét thấy công-lao của cha mẹ thật là to lớn vô cùng. Bổn-phận làm con biết lấy chi đền-đáp lại cho vừa!
    Ca-dao, tục-ngữ Việt-Nam có câu:

    “Lên non mới biết non cao,
    Nuôi con mới biết công-lao mẫu-từ.”

    hay là:
    “Công cha như núi Thái-Sơn,
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
    Một lòng thờ mẹ kính cha,
    Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.”

    và:
    “Tu đâu bằng tu tại gia,
    Thờ cha kính mẹ mới là chơn tu.”

    Vì vậy, bổn-phận làm con muốn cho vẹn tròn câu hiếu-thảo thì mỗi người cần ghi nhớ Mười Điều Ơn vào thâm-tâm để sớm lo đền-đáp. Lúc cha mẹ còn đang sanh-tiền thì lo cung-cấp từ miếng ăn thức mặc cho đến chỗ ở cho được chu-toàn; vâng lời dạy-bảo của cha mẹ và hằng khuyên cha mẹ làm việc phước-nhân, tránh điều tội-lỗi. Còn khi cha mẹ quá-vãng thì ráng tu-cầu cho tội-lỗi của cha mẹ được tiêu-mòn, linh-hồn được siêu-sanh về miền Phật cảnh, thoát nẻo trầm-luân, như Đức Thầy từng khuyên:

    “Ở ăn cho vẹn mười ơn,
    Cảnh tình hiền-đức gặp cơn khải-hoàn.”

    (trang 306 SGTVTB 2004)
    hay là:

    “Hiếu-trung lòng chớ vội quên,
    Sống lo trọn Đạo, thác lên Tiên-Đài.”

    (trang 172 SGTVTB 2004)
    hoặc là:

    “Ráng tu đắc Đạo cứu Cửu-huyền,
    Thoát chốn mê-đồ đến cảnh Tiên.
    Ngỏ đáp ơn dày công sáng-tạo,
    Cho ta hình vóc học cơ-huyền.”

    (trang 420 SGTVTB 2004)

    Tây-An Cổ Tự, Mạnh thu, năm Quý-Mão 1963
    Tác giả:
    Thiện-Tâm
     
    Sửa lần cuối: 7/11/23

Chia sẻ trang này