NGUỒN-GỐC CỦA ĐẠO PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO

Thảo luận trong 'Thảo-Luận' bắt đầu bởi Hhuynh, 27/9/23.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    NGUỒN-GỐC CỦA ĐẠO PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO

    Nhìn tổng-quát tình-hình xã-hội Việt-Nam từ năm 1807 đến 1856, nghĩa là từ ngày Đức Phật-Thầy ra đời cho đến ngày viên-tịch, chẳng có lúc nào dân-chúng được bình-yên. Bao nhiêu cuộc bạo-loạn trong nước; những cuộc chiến-tranh vớiXiêm-La (Thái-Lan) năm 1833 để bảo-vệ nước Chơn-Lạp (Campuchia), nào là loạn Lê-Văn-Khôi (1833), loạn Lâm-Sâm (1841); rồi tiếp đến cuộc công-hãm của quânPháp và sau đó, nước Việt-Nam bị đặt dưới quyền thống-trị của Pháp theo hòa-ước ngày 5-6-1862 làm cho đời sống của dân-chúng vô cùng khốn-khổ, cửa nhà bị tàn- phá, ruộng đất bỏ hoang, gia-đình ly-tán. Thử hỏi trong tình-thế nguy-khốn ấy, tinh- thần đạo-đức của dân-chúng còn có hay không? Cái thời rực-rỡ của Phật-Giáo ở đời Lý, đời Trần đã bắt đầu tàn-tạ từ đời hậu Lê. Bởi vì dân-chúng sống trong tình-trạng hỗn-loạn, trong giặc-giã, trong đau-khổ nên đã mất dần tin-tưởng về đạo-đức.Tuy nhiên, lịch-sử thường chứng nhận rằng: Trong những hoàn-cảnh xã-hội băng-hoại, nhơn tâm ly-tán, thế đạo suy-đồi, lòng người hung-ác, mê-muội bạo-tàn…là lúc Thánh-nhơn ra đời để dìu-dắt nhơn-dân, cải ác tùng lương, chấn-chỉnh luân-thường đạo-nghĩa. Chính do cái định-lệ ấy mà Đức Phật-Thầy ra đời, rồi tiếp theo sau là Đức Phật-Trùm, Đức Bổn-Sư, Đức Sư Vãi và Đức Huỳnh Giáo-Chủ ra đời giữa lúc nhơn tâm xao-xuyến, vận nước lâm-nguy. Do đó, để có được một nhận-thức rõ-ràng và chính-xác về nguồn-gốc của Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo, chúng ta cần phải quay trở về với dòng lịch-sử, bắt đầu từ sự xuất-hiện của Đức Phật-Thầy với Bửu-Sơn Kỳ-Hương, tiếp nối với các vị kế truyền sau Ngài, và cuối cùng là sự xuất-hiện của Đức Huỳnh Giáo-Chủ với Phật-Giáo Hòa-Hảo.

    I.‒ Đức Phật-Thầy Tây-An với Bửu-Sơn Kỳ-Hương.

    Đức Phật-Thầy Tây-An (chính danh Đoàn-Minh-Huyên) sau khi chu-du nhiều nơi, Ngài trở về nguyên-quán Tòng Sơn (Sa-Đéc) năm Kỷ-Dậu (1849). đúng vào lúc nhân-dân đang lâm vào cảnh nguy-khốn: bệnh dịch-tả bạo-hành. Phật-Thầy đem huyền-diệu phi-phàm mà trị bệnh cho dân-chúng, đồng thời khuyến-cáo cho mọi người nên ý-thức thời Hạ-nguơn mạt-pháp mà quay về với gốc lành đạo cũ. Ấy là nền Phật-Giáo cổ truyền. Nhờ cảm lòng từ-bi đã cứu cho khỏi bệnh hoặc thoát chết, và nhờ cách hướng- dẫn giản-dị dễ cảm-thông, nên nhân-dân miền Hậu-Giang không mấy lúc mà theo về quy-y đông-đảo. Theo dõi con đường vân-du phổ đạo của Phật-Thầy, người ta thấy Ngài từ Tòng-Sơn (Sa-Đéc), vào Trà-Bư (Lấp-Vò), lên Xẻo-Môn (Long-Điền) và sang Long-Kiến (Chợ Mới). Rồi vì một pháp nạn: Người ta cáo Phật-Thầy là gian đạo-sĩ, thu-hút một số đông tín-đồ để chực cơ làm loạn, nên ngài bị nhà cầm quyền đưa từ Long-Kiến về Long-Xuyên (tỉnh An-Giang). Đi tới đâu, Phật-Thầy cảm-hóa người ta đến đó, nên sau cùng, chánh-quyền triều Tự-Đức buông thả ngài, để cho ngài tự-do truyền giáo.Từ đó Ngài ở tại núi Sam, lấy chùa Tây-An (Châu-Đốc) làm nơi thuyết giáo và không bao lâu, số tín-đồ của ngài rải-rác có mặt khắp cả miền Tây Nam Việt và một số người từ các tỉnh Miền Đông, nghe danh và cảm đức tìm đến quy-y hành đạo. Phật-Thầy chánh thức khai-sáng tông-phái Phật-đạo BỬU-SƠN KỲ-HƯƠNG vào mùa thu năm Kỷ-Dậu (1849), mà Ngài là Giáo-Tổ và cấp cho mỗi tín-đồ một lòng-phái có triện son mang bốn chữ Báu Linh ấy. Một bài thơ của Phật-Thầy, có bốn chữ khoán thủ đề danh cho tông-phái Bửu- Sơn Kỳ-Hương, được truyền tụng mãi cho đến ngày nay với sự ẩn khúc nhiêu khê có thể đọc theo chiều dọc hay ngang (tung hoành đọc) đều có ý-nghĩa. Đây là chiều ngang của bài Tứ Bửu Linh Tự:
    Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên,
    Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền.
    Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,
    Hương Xuất Trình Sanh Tạo Nghiệp Yên.
    Và đọc theo dãy chiều dọc:
    Bửu Sơn Kỳ Hương,
    Ngọc Trung Niên Xuất.
    Quân Sư Trạng Trình,
    Minh Mạng Tái Sanh,
    Thiên Địa Tân Tạo.
    Việt Nam Phục Nghiệp,
    Nguyên Tiền Quốc Yên.
    Riêng về bốn chữ Bửu-Sơn Kỳ-Hương là một danh-từ ghép vừa dùng đặt tên cho một tông-phái, vừa ý-thức cho mọi người một kỷ-nguyên mới trong Phật-Giáo với dụng nghĩa là do Núi Báo (Bửu-Sơn) ấy mà sau nầy non sông sẽ rạng-rỡ, mùi thơm lạ (Kỳ-Hương) sẽ bay khắp mười phương, mở một thời-kỳ Long-Hoa Đại-Hội. Suốt một thời-gian bảy năm, từ năm 1849 đến năm 1856, nghĩa là khi bắt đầu hóa- độ cho đến khi viên-tịch, Ngài truyền-bá một cách tu vô cùng giản-dị, thích-hợp với hạng người nông-dân hiền-lành, chất-phác ở đây. Ấy là pháp-môn Học Phật Tu nhân với những phương-pháp quy nguyên chân-truyền của Phật-Tổ và canh-tân Phật-đạo. Giáo-Lý Học Phật Tu Nhân: Để cho được thích hợp với trình-độ và căn-cơ của chúng-sanh trong thời-kỳ Hạ-nguơn, Đức Phật-Thầy chủ-trương đem giáo-pháp vô-Vi của đạo Phật mà truyền dạy trong dân-gian. Ngài không cho thờ tượng cốt, tụng đọc ó-la như trong nhà Thiền đã làm. Tại ngôi tam-bảo chỉ thờ Trần Điều, cúng nước lã, bông hoa tiêu-biểu cho tinh-thần vô-thượng của nhà Phật mà thôi.Ngài nói trong quyển kinh Giác Mê như sau:
    Đi đâu cho khó nhiều đàng ?
    Kìa non Bửu-Tự, nọ ngàn Ma-Ha !
    Kiểng nào kiểng chẳng có hoa,
    Non nào non chẳng có tòa thiên thai !
    Đồng thời với việc làm phước, người tín-đồ B.S.K.H. phải nỗ lực giúp đời bằngmọi phương-tiện và chỉ cần giữ lặng tâm mình. Bởi vì:
    Lọc lừa thời đặng nước trong,
    Ma Phật trong lòng nào phải tầm đâu !
    Hạnh tu đại-khái chỉ cần như vậy, rồi cứ chuyên trì niệm Phật cho nhất tâm bấtloạn là ngộ đạo rồi. Ngài hằng khuyên dạy các môn nhân đệ-tử:
    Đêm ngày tưởng Phật Như-Lai,
    Lòng ta dóc quyết hoài hoài đừng quên.
    Ngài đã vạch con đường tắt để mọi người dễ-dàng tiến bước. Người theo đạo của Ngài không cần phải ly gia cắt ái mà cần tích-cực làm việc giúp đời để đền đáp tứ đại trọng ân, cho tròn nhân đạo. Đó là công việc tu nhân.
    Cũng chính vì mục-đích Tu Nhân mà Đức Phật-Thầy dạy các môn nhân cứ tự-do để tóc để râu. Hầu hết tín-đồ của Ngài là hạng tại gia cư-sĩ, các đại đệ-tử của Ngài như ông Đạo Thành (Trần-Văn-Thành), ông Đạo Xuyến (Nguyễn-Văn-Xuyến), ông Đạo Ngoạn (Đặng-Văn-Ngoạn), v.v… đều không được phép xuất gia. Điển-hình là ông Đạo Ngoạn và ông Đạo Xuyến là hai bậc hiền-thủ đã có ý lìa đời, đã được Đức Phật-Thầy dạy trở về nguyên-quán lấy vợ để sanh con nối nghiệp. Ngài tịch-diệt tại chùa Tây-An-Tự, Núi Sam, tỉnh Châu-Đốc (nay là tỉnh An-
    Giang), vào đúng giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính-Thìn (nhằm 16-9-1856 dl.). Hiện nay, tại chùa Tòng-Sơn Cổ-Tự còn một tấm biển cổ, có chạm ba chữ ĐOÀN PHẬT-SƯ và cung kính thờ Ngài tại đây.

    II.‒ Các vị hoằng Đạo sau Đức Phật-Thầy:
    Từ sau khi Đức Phật-Thầy viên-tịch, có nhiều vị kế tiếp đứng ra truyền giáo theo pháp-môn và nghi-thức của Ngài. Chúng tôi muốn nhắc tới Đức Phật-Trùm (phát tích tại núi Tà-Lôn) Đức Bổn-Sư (giáo truyền tại núi Tượng), Đức Sư Vãi Bán Khoai (hóa hiện tại Vĩnh-Tế), và Đức Huỳnh Giáo-Chủ tại làng Hòa-Hảo (tỉnh An-Giang).

    Đức Phật-Trùm gốc người Miên, tên thật là Tà-Bôn (Ta-Paul), quê ở sốcLương-Phi, núi Tà-Lôn, quận Tịnh-Biên (Xà-Tón), tỉnh Châu-Đốc (nay là tỉnh An-Giang). Năm 1868, sau một cơn đau nặng chết đi sống lại, Ngài hốt-nhiên tỏ ngộ, không nói được tiếng Miên, lại nói ròng tiếng Việt. Rồi bắt đầu từ đó, Ngài phát phù trị bịnh, mở đạo giáo đời, nhứt nhứt như được Đức Phật-Thầy truyền lại. Thế cũng chưa làm cho người đời ngạc-nhiên bằng khi thấy Ngài cũng phát lòng-phái Bửu-
    Sơn Kỳ-Hương. Thật là một điều kỳ-diệu! Nếu không phải Đức Phật-Thầy hóa thân
    hay chuyển kiếp thì làm gì có trường-hợp lạ-lùng như thế. Và nhân Ngài thường nói: “Ta là Trùm của Phật sai xuống giảng dân” cho nên người đương thời gọi Ngài là Đức Phật-Trùm.Trong một bổn Giảng còn lưu-truyền, Ngài có tự nhận:
    Tuy rằng hồn xác của Miên,
    Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.

    Khoảng năm 1870, Ngài bị quân Pháp tình-nghi quy tụ quần-chúng để dấy loạn, nên bắt đày Ngài ra hải ngoại. Sau đó một thời-gian họ trả tự-do cho Ngài. Ngài lại tiếp-tục giáo đạo cho đến năm Ất-Hợi (1875) thì tịch. Kể từ khi hóa hiện cho đến lúc nhập diệt, cũng như Đức Phật-Thầy, Ngài có sứ mạng độ đời chỉ trong 7 năm.

    ✵ Đức Bổn-Sư: Sau Đức Phật-Trùm là Đức Bổn-Sư, Ngài chính danh là Ngô-Lợi, sinh năm Canh-Dần (1830) tại Dội (gần Mộc-Bài), chỗ giáp biên-giới Miên –
    Việt, thuộc tỉnh Châu-Đốc; mở đạo năm Mậu-Dần (1878) và tịch năm Canh-Dần (1890). Thọ 61 tuổi và độ đời được 12 năm. Đức Bổn-Sư cũng tự tâm tỏ ngộ như Đức Phật-Thầy và Đức Phật-Trùm, Ngài cũng cứu bệnh, dạy đời và lập ra tông-phái Tứ-Ân Hiếu-Nghĩa tại núi Tượng. Tín-đồ của Ngài cũng để tóc để râu, cũng tại gia tu-niệm như phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương
    trước kia. Ngài cũng phát lòng-phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương và xiển-dương pháp môn Tu Nhân Học Phật y như có sự kế truyền vậy, và Ngài cũng bị Pháp khủng-bố như Đức Phật-Trùm, nhưng họ không làm hại Ngài được.

    ✵ Đức Sư Vãi: Khi Đức Bổn-Sư viên-tịch chừng 12 năm, vào khoảng năm Tân-Sửu (1901) và Nhâm-Dần (1902), tại Vĩnh Tế người ta thấy xuất hiện một vị chân tu hình vóc mảnh-mai, chèo thuyền đi bán khoai mà miệng luôn khuyên người đời tu-niệm. Vị ấy hằng xưng là Sư và vóc hình có hồi trông giống như Bà Vãi, cho nên người đời gọi là Sư Vãi. Chỉ trong 2 năm, Đức Sư Vãi Bán Khoai sau khi truyền lại cho đời quyển Sấm Giảng Người Đời thì không còn ai thấy tăm hơi của Ông ở đâu nữa. Khi rõ ra thì chuyện đã rồi, không mấy ai được quy-y với Đức Sư Vãi. Người ta
    chỉ truyền tụng với nhau những câu Sấm Giảng của người vắng bóng:

    Thương thay ông Lão Bán Khoai,
    Lên non xuống núi hôm nay dạy đời.
    Thân sao nay đổi mai dời,
    Xóm kia làng nọ khổ thôi thân già !

    (Sấm Giảng Người Đời, cuốn thứ ba)

    Ngoài cách giáo truyền đồng nhất là những lời Sấm Kệ tương-ứng với nhau, có một điều ám hợp lạ-lùng giữa Đức Phật-Thầy, Đức Phật-Trùm và Đức Sư Vãi đáng chú-ý là:
    1./- Đức Phật-Thầy hóa hiện trong 7 năm và Đức Phật-Trùm cũng độ đời trong thời-gian đúng y như thế.
    2./- Đức Phật-Thầy tịch 12 năm thì Đức Phật-Trùm xuất hiện, còn Đức Bổn-Sư thì giáo đạo cũng trong khoảng 12 năm.
    3./- Đức Bổn-Sư sinh năm Dần, mở đạo năm Dần và tịch cũng năm Dần, thì Đức Sư Vãi cũng hóa hiện trên kinh Vĩnh-Tế trong năm có mang địa-chi ấy.
    4./- Đức Bổn-Sư tịch 12 năm thì Đức Sư Vãi xuất-hiện, giống như khoảng cách
    giữa Đức Phật-Thầy và Đức Phật-Trùm. Tài-liệu này bắt-buộc chúng ta phải suy-nghĩ thêm về sự chuyển kiếp của các. Ngài mà nhiều nhà sưu-khảo đã đề-cập.
    ✵ Đức Huỳnh Giáo-Chủ xuất-hiện: 37 năm kể từ khi Đức Sư Vãi vắng bóng,
    Đức Thầy xuất-hiện, đản-sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ-Mùi (1919), nhằm ngày
    15-1-1920 dương lịch.
    Cũng y như trường-hợp của Đức Phật-Thầy, Đức Phật-Trùm và Đức Bổn-Sư,
    Đức Giáo-Chủ hốt-nhiên tỏ-ngộ. Đức Huỳnh Giáo-Chủ chánh thức khai-sáng đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo (P.G.H.H.), nhằm ngày 18 tháng 5 Kỷ-Mão (1939), nhằm ngày
    4-7-1939 dương lịch. Danh từ Phật-Giáo đã nói lên một cách sáng tỏ rằng: Đạo của Ngài là đạo Phật, còn hai tiếng Hòa-Hảo là địa-danh nơi Ngài sinh-trưởng, ngẫu nhiên bao-hàm một ý-nghĩa từ-bi. Vả lại, Ngài cũng thường ký biệt-danh Hòa-Hảo, cho nên tôn-giáo của Ngài mới mang danh-từ Phật-Giáo Hòa-Hảo. Về nghi-thức thờ Trần Điều, khởi thỉ từ Đức Phật-Thầy Tây-An và đã biến hình trong giai-đoạn của Đức Bổn-Sư, đến Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã được phục-hồi như
    cũ. Về giáo-pháp cũng thế, pháp môn Tu Nhân Học Phật do Đức Phật-Thầy khai-thị, đến Đức Huỳnh Giáo-Chủ, được xiển-minh và trình-bày có hệ-thống. Ngài luận-giải về Tứ Ân, Tam Nghiệp, Bát Chánh, Tứ Diệu Đề, Thập Nhị Nhân Duyên cùng mọi nghi thức thờ phượng và tu hành rất tin-tường, rất dễ cho tín-đồ nương theo đó mà tu học.

    Mặc dù Ngài không phát lòng-phái, nhưng với sự đối-chiếu tư-tưởng, nghi-thức thờ phượng và giáo-pháp hành đạo mà Ngài đã giáo-hóa, người ta nhận rõ Ngài là một vị kế truyền chánh-thống của giáo-hệ Bửu-Sơn Kỳ-Hương. Tuy rằng không phát lòng-phái Bửu-Sơn Kỳ-Hương nhưng trong Sấm Giảng và Thi Thơ của Ngài, người ta vẫn gặp rất nhiều bài thơ khoán thủ bằng bốn chữ Báu
    Linh ấy. Chẳng hạn như:
    BỬU ngọc vãng-lai rõ Đạo mầu,
    SƠN tầm hạnh Thích nẻo cao-sâu.
    KỲ giả thức tâm tìm Đạo-lý,
    HƯƠNG tuyệt đăng lui bãi phục cầu.

    (Quyển II: Kệ Dân của Người Khùng, bốn câu cuối bài)

    III.‒ Đức Phật-Thầy Tây-An tái thế.
    Về vấn-đề Đức Phật-Thầy hóa thân hay chuyển kiếp qua nhiều lần như: Đức Phật-Trùm, Đức Bổn-Sư, Đức Sư Vãi, theo các nhà nghiên-cứu, nếu căn-cứ thực-tế vào “lễ tục” và “cảm nhận”, thì đại đa số đồ-chúng đều quả-quyết các vị Hoạt-Phật ấy chỉ là một; bởi vì có những điểm trùng-hợp “độc đáo” sau đây:
    1. Cùng tôn thờ, hoặc quy-y cho đồ chúng bằng bốn chữ BỬU-SƠN KỲ-HƯƠNG.
    2. Dùng Trần Điều làm nghi-thức thờ phượng.
    3. Cùng trị bịnh cứu đời bằng những vật-liệu thông thường như lá cây, giấy vàng, tro nhang, nước lã, v.v...
    4. Cùng giáo-thuyết pháp-môn Tu Nhân Học Phật cho người Cư-sĩ, Tu-sĩ nhập thế-gian. Phối-hợp Tam Giáo (Phật Thánh Tiên) làm nền-tảng của Đạo.
    5. Tiên-tri những việc đã qua và những việc sắp đến để tế-độ những người ngang-
    bướng, khinh-thị Phật Trời.
    6. Không Vị nào thoát khỏi bị lên án là “Gian Đạo-Sĩ” hoặc đầu-độc dân-chúng để khởi loạn...
    7. Sau khi tỏ-ngộ, mỗi Vị đều trải qua giai-đoạn giả dạng “Điên Khùng”. Hạ-giái dạy khuyên truyền đạo-lý, Giả dạng Điên Khùng mượn thi-ca.
    (TVGL 1940, Để Chơn Đất Bắc, câu 243 – 244)
    Riêng về vấn-đề hóa thân hay chuyển kiếp từ Đức Phật-Thầy qua Đức Huỳnh Giáo-Chủ, chúng tôi xin tường-thuật một câu chuyện lịch-sử được ghi nhận như sau:
    Ông Bảy Còn tức ông Nguyễn-Phước-Còn ở gần chợ Cà-Mau xã Long-Kiến, quận Chợ Mới, tỉnh An-Giang, và là cháu nội của ông Đạo Thắng, một trong Thập Nhị Hiền Thủ của Đức Phật-Thầy Tây-An. Những vị Hiền Thủ đều được Đức Phật-Thầy truyền diệu-pháp nên có thần thông chữa trị bịnh nhơn bằng phương-pháp huyền-diệu như uống nước lã, phát phù hay các thứ lá, thứ bông. Khi ông Đạo Thắng tịch, truyền lại cho thân phụ của ông Bảy Còn, rồi ông nầy đến lược truyền lại cho con cách chữa trị mầu-nhiệm ấy.
    Khi Đức Thầy còn nhỏ và mới phát bịnh, vì là chỗ quen thuộc với ông Bảy Còn nên Đức Ông (thân sinh của Đức Thầy) chở Ngài xuống nhờ cứu chữa, nhưng chữa mãi mà vẫn vô hiệu. Nay nghe tin Đức Thầy ra đời chữa bịnh và tỏ ra phi-phàm thì ông Bảy không tin. Ông cho đó là ma quỉ chi chi, nên không chịu đến xem cho biết.
    Theo lời ông Bảy cho biết: Có một đêm, ông nằm mộng thấy chư Thần đến cho biết là Phật đã giáng thế ở Hòa-Hảo. Thức dậy, ông cho đó là điều mộng-mị nên không đi.
    Một đêm khác, ông cũng nằm mộng thấy chư Thần kêu ông một lần nữa, nhưng
    ông cũng không tin. Đến lần thứ ba, lần nầy chư Thần quở trách ông, nên ông bắt đầu tin và định điHòa-Hảo cho biết hư thiệt.
    Cứ theo lời ông Bảy thuật lại: Ông lại nhà của ông Út trước (ông Út là chú của Đức Thầy). Trong lúc ông đang chuyện vãng với ông Út thì Đức Thầy bước sang, lại nắm tay ông mà nói rằng:
    ‒ Dữ hôn! Đợi chư Thần đòi ba lần ông mới chịu đi. Thôi mời ông qua nhà. Khi ông Bảy bước sang, Đức Thầy mời ông Bảy ngồi rồi nói:
    ‒ Ông Bảy muốn thử tôi phải không?
    Nói xong, Ngài bước vào trong lấy viết mực làm một bài thơ trao cho ông Bảy và nói:
    ‒ Ông đọc đi coi có phải không?
    Bài thơ ấy là bài thơ khoán thủ cách cú mà Đức Phật-Thầy Tây-An đã mật truyền cho ông Đạo Thắng, dặn sau nầy có ai đưa ra bài thơ nầy tức là Ngài tái thế. Bài thơ ấy, nguyên văn như sau:
    "Đạt Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận
    Đạt Đạo hoằng khai kế nghiệp truyền,
    Chư bang hành thiện hiếu vi tiên.
    Ngao Du thế giới hoàn sanh chúng,
    Quí tiện trí ngu trạch nhơn hiền
    Châu Di phục thỉ an bá tánh,
    Thượng cổ hoàn ư thế tự nhiên.
    Viễn Cận chư châu qui nhứt thống,
    An cư lạc nghiệp phước vô biên.
    Theo nguyên văn bài thơ viết bằng chữ Hán của Đức Phật-Thầy, tám chữ khoán thủ cách cú: Đạt Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận đều thuộc bộ xước (辶). Ông Bảy trả lời là không biết chữ quốc-ngữ nên nhờ Ngài đọc lại cho ông nghe. Khi nghe xong, ông Bảy đã khâm-phục rồi, nhưng Ngài còn làm thêm một bài nữa, tức bài “Bát Nhẫn” mà nội tổ ông Bảy đã chép trong phòng của Đức Phật-Thầy và hằng lấy đó làm bài giáo-huấn truyền lại cho con cháu. Đây là bài Bát nhẫn:
    Bát Nhẫn
    Nhẫn Năng Xử Thế thị nhơn hiền,
    Nhẫn Giái kỳ tâm thận thủ tiên.
    Nhẫn dã Hương Lân hòa ý hỷ,
    Nhẫn thành Phu Phụ thuận tình duyên.
    Nhẫn Tâm nhựt nhựt thường an lạc,
    Nhẫn Tánh niên niên đắc bảo tuyền.
    Nhẫn Đức bình an tiêu vạn sự,
    Nhẫn Thành phú quí vĩnh miên miên.
    (TVGL 1939, Bát Nhẫn)

    Khi nghe xong bài “Bát Nhẫn”, Ông Bảy xụp xuống lạy, nhưng Đức Thầy đỡ dậy
    mà rằng: Không nên, ông Bảy! Phần xác đáng con cháu, ông lạy như thế không nên.
    Như ông muốn lạy, hãy lạy bàn Phật kia! Sự chuyển kiếp từ Đức Phật-Thầy Tây-An cũng đã được Đức Huỳnh Giáo-Chủ xác-nhận. Trong bài “Sứ-mạng của Đức Thầy” có đoạn viết rằng: “Tuy là nhơn-dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng, chớ có dè đâu chuyển kiếp
    đã từ lâu, chờ đến ngày ra trợ thế”.
    Ở một đoạn khác, Ngài viết:
    Ta cùng Đức-Thầy mới tá hiệu Khùng Điên, mượn
    bút mực tiết-lộ lấy Thiên-cơ, truyền cho kẻ xa gần đều rõ biết hầu ăn-năn cải-quá làm
    lành, còn kẻ chẳng tỉnh tâm, sau đền tội cũng chẳng trách Phật Tiên không chỉ bảo.”
    Có lẽ chúng ta thắc-mắc trong đoạn văn ở trên: “Minh-Sư” và “Ta cùng Đức-
    Thầy mới tá hiệu Khùng Điên” là những Vị nào?


    Trong quyển thứ nhứt, Đức Huỳnh Giáo-Chủ cho biết:
    Nhờ Trời may-mắn một khi,
    Thẩn-thơ lại gặp Đức Thầy Bửu-Sơn.
    Cúi đầu Điên tỏ nguồn cơn,
    Động lòng bác-ái ra ơn dạy truyền.
    Thấy Điên tâm tánh quá thiềng,
    Nội trong sáu khắc biết liền Thiên-cơ.
    (Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 37 – 42).
    Qua đoạn giảng nói trên, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã hé lộ rằng: Một trong các tiền-
    kiếp của Ngài đã từng được Minh-Sư dạy truyền, đó chính là Đức Thầy Bửu-Sơn,
    hay còn được biết là Đức Phật-Thầy Tây-An.
    Đặc biệt hơn nữa, theo Sấm Giảng quyển nhứt, lúc Đức Thầy đi dạo Lục Châu
    có hai Vị, một ông Thầy và một ông Trò (đệ-tử); ông Thầy xưng danh-hiệu là Khùng,
    còn ông Trò xưng danh-hiệu là Điên. Ông Thầy là hóa thân của Đức Phật-Thầy Tây-
    An, còn ông Trò là Đức Huỳnh Giáo-Chủ. Ngài từng cho biết trong quyển I rằng:
    Cơ Trời thế-cuộc đổi xây,
    Điên mới theo Thầy xuống chốn phàm-gian.
    (Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 7 – 8)
    Hay là:
    Thầy Trò chẳng nại tấm thân,
    Rảo khắp non Tần bận nữa thử coi.
    (Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 715 – 716)
    Và:
    Thầy Khùng, Trò lại hóa Điên,
    Khùng Điên mấy tháng tình riêng ai ngờ !
    (TVGL 1940, Dặn-Dò Bổn-Đạo, câu 41 – 42)
    Vì vậy, đoạn văn: “Ta cùng Đức-Thầy mới tá hiệu Khùng Điên”, có nghĩa: Ta
    (tức là Đức Huỳnh Giáo-Chủ) cùng với hóa thân của Đức Thầy Bửu-Sơn (tức Đức
    Phật-Thầy Tây-An) mới tá hiệu Khùng Điên.
    Theo đó, cho chúng ta biết rằng: Đức Phật-Thầy đã nhiều lần hóa thân hay chuyển
    kiếp, và lần cuối nầy chính là Đức Huỳnh Giáo-Chủ. Nhờ vậy mà khi đọc Sấm
    Giảng, ta không còn ngạc nhiên khi thấy nhiều đoạn, nhiều danh xưng trùng-hợp với
    nhiều vị siêu-phàm khác. Chẳng hạn như:
    a) Xưng Khùng Điên.
    Điều mà ai cũng nhận thấy là các vị trong Bửu Sơn Kỳ Hương, từ Đức Phật-Thầy
    Tây-An trải qua Đức Sư Vãi Bán Khoai... một khi lâm phàm cứu thế đều xưng hiệu
    Khùng Điên, ý chừng như để đối lại người đời thường xưng khôn lanh quỉ quái

    Đây là Đức Sư Vãi Bán Khoai xưng Khùng:
    Khùng sao mà biết Thiên-cơ,
    Cũng là Phật khiến cho Khùng lại Điên.

    (Sấm Giảng Người Đời, cuốn thứ hai)
    Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng xưng Khùng và cũng nhận biết Thiên-cơ:
    Khùng toán biết âm dương kết-liễu,
    Khùng huyền-cơ, Khùng đạo Thích-Ca.
    (TVGL 1940, Diệu-Pháp Quang-Minh, câu 17 – 18)
    Về xưng Điên, Đức Sư Vãi có viết:
    Điên nầy Điên Phật Điên Thầy,
    Chẳng sợ ai rầy nên nói cù nhây.
    (Sấm Giảng Người Đời, cuốn thứ ba)
    Còn Đức Huỳnh Giáo-Chủ cho biết:
    Điên như Ta, Điên giống Tiên Rồng,
    Điên gỡ ách xích-xiềng thế-tục.
    (TVGL 1940, Diệu-Pháp Quang-Minh, câu 35 – 36)
    b) Đối chiếu tư tưởng.
    Ngoài việc xưng hiệu Khùng Điên, còn nhiều tư-tưởng trùng hợp giữa Đức Phật-
    Thầy Tây-An, Đức Sư Vãi Bán Khoai và Đức Huỳnh Giáo-Chủ. Về nhan đề Kinh Giảng, có sự trùng nghĩa trùng tên như sau: Đức Phật-Thầy Tây-An có quyển “Giác Mê”, còn Đức Huỳnh Giáo-Chủ có quyển “Giác Mê Tâm Kệ” tức quyển thứ tư trong bộ Sấm Giảng. Đức Sư Vãi Bán Khoai có quyển “Sấm Giảng Người Đời” mở đầu bằng câu
    “Hạ-nguơn Giáp-Tý bằng nay” (cuốn thứ nhứt), thì Đức Huỳnh Giáo-Chủ có quyển “Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm” tức quyển thứ nhứt, cũng mở đầu bằng câu “Hạ-nguơn nay đã hết đời”.
    Ngoài sự trùng nhan-đề, còn nhiều đoạn trùng ý giữa Đức Sư Vãi Bán Khoai với
    Đức Huỳnh Giáo-Chủ. Như đoạn giảng sau đây nói về “Một Thầy ba Tớ”.
    Đây là lời Đức Sư Vãi Bán Khoai tự thuật:
    Chừng nào nước chảy đông nguồn,
    Một Thầy ba Tớ hết tuồng lao-đao.

    (Sấm Giảng Người Đời, cuốn thứ ba)
    Hay là:
    Nào khi nắng bụi bay tuôn,
    Một Thầy ba Tớ chẳng buồn lại vui.
    Bây giờ cách trở xa-xuôi,
    Là đời ly-loạn nên Tôi xa Thầy.

    (Sấm Giảng Người Đời, cuốn thứ sáu)
    Và đây là lời Đức Huỳnh Giáo-Chủ nói về “Một Thầy ba Tớ”:
    Khùng thời ba Tớ một Thầy,
    Giảng-dạy dẫy-đầy rõ việc Thiên-cơ.
    (Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 75 – 76)
    Đức Sư Vãi Bán Khoai cho biết biệt-hiệu của Ngài:
    Huệ-Lựu bút ký tả rồi,
    Đặng cho thiên hạ dấu roi để đời.
    (Sấm Giảng Người Đời, cuốn thứ mười)
    Đức Huỳnh Giáo-Chủ chẳng những lặp lại tên Thầy, còn cho biết cả tên Tớ nữa:
    Đừng thấy ngu dại mà khi,
    Thầy thì Huệ-Lựu, Tớ thì Huệ-Tâm.
    (Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 851 – 852)
    Và Đức Thầy còn cho biết biệt-hiệu của Ngài là Huệ-Tâm:

    Huệ-Tâm khai ngữ chuyển huyền-thông,
    Sanh hồi thiện đôi câu thành-thật.
    (TVGL 1940, Cho Ông Tham-Tá Ngà, câu 55 – 56)
    Vì vậy, chúng ta có thể hiểu Ngài Huệ-Lựu (tức Đức Sư Vãi) cũng là một trong
    các tiền thân của Ngài Huệ-Tâm, tức là Đức Giáo-Chủ Phật-Giáo Hòa-Hảo. Và Đức
    Sư Vãi cũng là một trong các vị chuyển kiếp từ Đức Phật-Thầy Tây-An.
    Ngoài sự trùng ngôn trùng ý, đánh dấu sự liên-hệ giữa Đức Sư Vãi Bán Khoai và
    Đức Huỳnh Giáo-Chủ, còn bức màn huyền-vi giữa Đức Phật-Thầy Tây-An và Đức
    Huỳnh Giáo-Chủ cũng sẽ được vén lên, khi ta đọc những câu sau đây:
    Khùng thời quê ngụ núi Sam,
    Còn Điên chẳng có chùa am dưới nầy.
    (Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 841 – 842)
    Núi Sam là nơi Đức Phật-Thầy Tây-An hoằng khai đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương, cư-
    ngụ và viên-tịch tại đây, với di-tích là phần mộ không nấm của Ngài còn lưu dấu.
    Còn gì rõ hơn nữa khi chính Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã khẳng-định rằng:
    Điên nầy nối chí theo Khùng,
    Như thể dây dùn đặng cứu bá-gia.
    (Quyển I: Sấm Giảng khuyên người đời tu-niệm, câu 147 – 148)

    Một đoạn khác trong Sấm Giảng, Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng lặp lại di-tích núi
    Sam để cho người đời nhận ra sự chuyển kiếp của Ngài từ Đức Phật-Thầy Tây-An
    như sau:
    Thương lê thứ bày tường trong đục,
    Mặc ý ai nghe phải thì làm.
    Lời của Người di-tịch núi Sam,
    Chớ chẳng phải bày điều huyễn-hoặc,
    Cảnh Thiên-Trước thơm tho nồng-nặc.
    Chẳng ở yên còn xuống phàm-trần,
    Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
    Nên chẳng kể tấm thân lao-khổ.
    Giả Quê Dốt khuyên người tỉnh-ngộ,
    Giả Bán Buôn thức giấc người đời.
    Rằng ngày nay có Phật có Trời,
    Kẻo dân thứ nhiều người kiêu-ngạo.
    Xuống mượn xác nhằm năm Kỷ-Mão,
    Buồn xóm làng cứ ghét Điên Khùng
    .
    (Quyển II: Kệ Dân của người Khùng, câu 85 – 98)
    Hay là:

    Ngày vâng chỉ đáo-lai trần-thế,
    Cõi Trung-Ương nhằm đất nước Việt-Nam.
    Chọn một chàng tuổi trẻ tục-phàm,
    Mượn tay gã, tờ hoa thần hạ bút.
    (TVGL 1940, «Trao lời cùng Ông Táo», câu 25 – 88)
    Đọc qua các khoản trùng ngôn trùng ý và đối-chiếu tư-tưởng giữa Đức Phật-Thầy
    Tây-An, Đức Sư Vãi Bán Khoai với Đức Huỳnh Giáo-Chủ, người đời nhận rõ sự
    chuyển kiếp của các Ngài như Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã xác nhận khi viết trong bài
    Sứ-mạng của Đức Thầy: “Tuy là nhơn-dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng
    xác cỡi đồng, chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu, chờ đến ngày ra trợ thế”.
    Chúng tôi xin dẫn-chứng một bài thơ ẩn từ của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, ngoài bốn
    chữ Báu Linh được ghép vào, còn chỉ luôn cả hệ-tộc của Ngài nhằm để xác-nhận
    chỗ liên-hệ giữa Đức Phật-Thầy và Đức Huỳnh Giáo-Chủ như sau:
    Huỳnh sanh cơ thẩm đáo trung đàn,
    Tự-giác âm-thầm kiến Tiên-bang.
    BỬU ngọc SƠN-Trung KỲ-HƯƠNG chí,
    Tứ hải bất hòa khởi liên giang.


    IV. ‒ Bửu-Sơn Kỳ-Hương và Phật-Giáo Hòa-Hảo chỉ là một.
    Nhìn qua quá-trình diễn-tiến từ năm Kỷ-Dậu (1849), tức năm Đức Phật-Thầy sáng-lập Bửu-Sơn Kỳ-Hương cho đến nay, Quý-Mão (2023), mà Phật-Giáo Hòa-Hảo đang có sứ-mạng kế truyền, ta thấy mối đạo canh-tân này đã thọ được 174 tuổi tròn.
    Mặc dù những giáo-điều của Đức Huỳnh Giáo-Chủ hiện nay có tế-nhị, sắp-xếp
    có hệ-thống và phong-phú hơn xưa (những tinh-hoa Phật-Giáo, Nho-Giáo, Lão-Giáo và tư-tưởng riêng của Ngài), dù những danh-xưng và những nghi-thức thờ cúng có biến-thái đôi chút (từ Trần Điều đổi lại thành Trần Dà và B.S.K.H. thay ra P.G.H.H.), nhưng đó cũng chỉ là một thức-lệ canh-tân cho hợp với thời-cơ, một nhu-cầu tiến- bộ để làm phương-tiện độ rỗi; chớ trên nồng-cốt, không có chi là sai thù dị biệt.
    Và trường hợp giáng-sanh của các bậc đại giác trong giáo-hệ B.S.K.H. tuy có khác,
    sự kế truyền cũng không giống hệ-thống “Tổ-Tổ tương-truyền” (truyền tâm ấn hay
    truyền y bát), nhưng giáo-hệ Bửu-Sơn Kỳ-Hương với pháp-môn Học Phật Tu Nhân
    từ Đức Phật-Thầy khai-sáng, đến Đức Huỳnh Giáo-Chủ, ngang qua Đức Phật-Trùm,
    Đức Bổn-Sư, Đức Sư Vãi Bán Khoai, vẫn một mạch lưu-truyền, không gián-đoạn.
    Do chỗ đồng nhứt tư-tưởng trong ngôn hạnh của các Ngài và nhất là do sự hốt-
    nhiên tỏ ngộ của các Ngài, mà người đời mới nhận thấy rõ ở các Ngài có sự chuyển
    kiếp từ Đức Phật-Thầy Tây-An dần đến Đức Huỳnh Giáo-Chủ.
    Với pháp-môn (Học Phật Tu Nhân) hành đạo giống nhau, với nghi-thức thờ phượng
    đồng nhất, với sự biến-chuyển xác-thân của các vị Giáo-Chủ có nhiều liên-hệ mật-
    thiết, đã cho phép chúng ta kết-luận rằng: Bửu-Sơn Kỳ-Hương và Phật-Giáo Hòa-Hảo
    chỉ là một, hay nói một cách chính-xác rằng: Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo bắt nguồn từ
    tông-phái Phật-đạo Bửu-Sơn Kỳ-Hương; và Đức Huỳnh Giáo-Chủ là một trong các
    vị hóa thân hay chuyển kiếp từ Đức Phật-Thầy Tây-An.

    Nam-Mô A-Di-Đà Phật!

    Nguyễn-Trung-Hiếu

    Sách Tham Khảo:
    1. Dật-Sĩ và Nguyễn-Văn-Hầu, Thất-Sơn Mầu Nhiệm, ấn bản năm 1972, nxb Từ-Tâm tại Việt-Nam.
    2. Vương-Kim và Đào-Hưng, Đức Phật-Thầy Tây-An, ấn bản năm 1954 tại Sài-Gòn, Việt-Nam,, nxb
    Long-Hoa, tái bản lần thứ nhì tại Hải-Ngoại năm 2001.
    3. Vương-Kim, Bửu-Sơn Kỳ-Hương, ấn bản năm 1966 tại Sài-Gòn, Việt-Nam, nxb Long-Hoa, tái bản tại
    Hải-Ngoại năm 1997.
    4. Vương-Kim, Đức Huỳnh Giáo-Chủ, ấn bản năm 1974 tại Sài-Gòn, Việt-Nam, nxb Long-Hoa, tái bản
    tại Hải-Ngoại năm 1997.
    5. Sư Vãi Bán Khoai, Sấm Giảng Người Đời, in tại Việt-Nam (rất xưa cũ), tái bản tại Hải-Ngoại năm 1997


     
    Sửa lần cuối: 29/9/23

Chia sẻ trang này