NHỮNG LỜI TRAO ĐỔI CHÂN TÌNH của Cư sĩ Huỳnh Hình Trọng

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi TTT, 14/1/16.

  1. TTT

    TTT Member

    NHỮNG LỜI TRAO ĐỔI CHÂN TÌNH của Cư sĩ Huỳnh Hình Trong


    NHỮNG LỜI TRAO ĐỔI CHÂN TÌNH
    của Cư sĩ Huỳnh Hình Trong

    Thưa ông Thích Phước Tiến.

    Lẽ ra tôi không thể xía vào chuyện nầy! Vì ông thuộc hàng xuất gia (mang dòng họ Thích). Nghe đâu ông có bằng tiến sĩ Phật học và hiện đang là một chức sắc khá quan trọng trong giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Còn tôi với tục danh cư sĩ, chỉ là một tín đồ bình thường của đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tôi không có một chức sắc nào trong Ban Trị Sự giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo cả. Nhưng xét thấy giáo lý của Đức Phật Thích Ca luôn hàm chứa tinh thần từ bi và bình đẳng. Thuở Đức Phật còn tại thế, trong thành Tỳ Xá Ly có một người rất tinh thông Phật lý và hằng sùng kính Tam Bảo, đó là cư sĩ Duy Ma Cật. Khi nghe tin ông có bệnh, Đức Phật bảo các vị đệ tử lớn như các ông: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan Đà, Ưu Ba Ly…đến thăm bệnh ông. Thế là cuộc gặp gỡ trao đổi, chia sẻ cho nhau về Phật lý rất hài hòa trong tinh thần cởi mở và bình đẳng giữa hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ. Thế nên tôi xin được bình phẩm trong đề giải đáp của ông ít lời.
    Vừa qua tôi có xem phần vấn đáp Phật pháp kỳ 25/2014 của ông tại Hoa Kỳ, với câu hỏi “ĐẠO HÒA HẢO CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐẠO PHẬT KHÔNG ?”
    Ông giải đáp với cử chỉ, ngôn ngữ và cặp mắt đảo trừng, khiến tôi vô cùng ngạc nhiên! Mình là hạng xuất gia mà! Là một nhà “Mô phạm” thì cần nên thể hiện đạo hạnh để treo gương từ tốn cho giới bạch y chớ! Ai làm ông bực mình mà biểu hiện thái độ thô kệch như thế?! Thật đúng là:

    “Trong tâm vừa muốn mưa phiền
    Thì là ngoại mặt cũng liền kéo mây”

    Thanh Sĩ

    Ông hãy để bầu trời tâm thanh lặng, sẽ thấy rõ nó là loại tâm thức nào. Do hướng nhìn biên kiến, kiến thủ mà ông đã bị rơi vào hang ổ của “Kiết sử phiền não” rồi. Tôi thuộc hạng cư sĩ tại gia, trong cuộc sống thường nhật ắt phải vất vả, tất bật hơn ông nhiều, luôn gặp phải những chướng duyên rắc rối, dễ sanh trái ý nộ lòng. Thế mà vẫn giữ được sự bình tĩnh, ôn hòa nhã nhặn đối với tha nhân là nhờ tôi biết kính vâng theo lời chỉ giáo của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

    “Ngôn từ đạo hạnh ý Thầy khuyên
    Hạnh đức ân cần rán tập chuyên”
    “ Lựa lời tiếng dịu dàng trong sạch

    Khi thốt ra đoan chánh hiền từ”

    Trở lại ý nghĩa trong lời giải đáp, ông nói rằng: “Hòa Hảo là Hòa Hảo, Phật giáo là Phật giáo… đó là chuyện của riêng họ”. Ông nên hạ giọng thấp xuống đi! thấp xuống nữa! ông lấy quyền gì mà thốt lối cao giọng ấy? Phật giáo chẳng của riêng ai. Chính Đức Thế Tôn đã từng bảo: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” kia mà. “Không có giai cấp khi giọt mồ hôi đều mặn và dòng máu cùng đỏ”. Thế nên, Đạo Phật không riêng gì của người Ấn Độ, mà được du nhập phổ truyền rộng khắp trên thế giới.

    Đạo PGHH ảnh hưởng giáo lý đại thừa của Đạo Phật. Xem nhẹ hình thức, không chạy theo “âm thinh sắc tướng”. Đặc biệt chú trọng tâm linh, Đức Huỳnh Gíao Chủ đã dạy: “Sự đầu tiên của người hành đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đuổi tư tưởng xấu xa, đem thay vào những tư tưởng ôn hòa đạo đức”.

    Dù có thờ Phật, lễ Phật (lễ Phật giả, kỉnh Phật chi Đức). Nhưng thờ đơn giản cho lòng tin trở lại tâm hồn, cũng không ỷ lại vào sự hộ trì của Ngài, mà trọng yếu là “Trong việc tu thân xử kỷ”. Đức Huỳnh Gíao Chủ đã bảo: “Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra là một tín đồ chân thành của đạo Phật được”. Tại sao vậy ?
    “Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng, “các người hãy lạy thờ ta cho nhiều, rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự của con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Thiệt hành theo giáo lý của Ngài thì Ngài sẽ hướng dẫn và ủng hộ vậy.

    Ta hãy đem đức tin trong sạch mà thờ kỉnh Phật và hãy đem lòng lành mà hành động y theo lời phán dạy của Phật.
    Nếu ta cứ đem đức tin thờ phượng tôn giáo bằng cách sai lầm thì rất có hại cho đời mạng của ta. Như vậy chỉ tỏ ra một người mê tín. (Mặc dầu đạo của ta thờ là một đạo rất chánh đáng)”.

    Thuở xưa, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi thiền quán và chứng đạo dưới cội cây Bồ Đề, Ngài đã khám phá ra một sự thật vô cùng quan trọng mà trước kia chưa từng ai biết. Qua sự lược tả của Đức Huỳnh Giáo Chủ sau:
    “Ngài bèn xét ở trong Phật chủng

    Các chúng sanh đều có như ta
    Bị vô minh vọng tưởng vạy tà

    Nên quay lộn Ta Bà cõi khổ”.
    Với tâm huyết của Đức Huỳnh Giáo Chủ là:
    “Ta quyết lòng nhắc lại tánh xưa”

    “Nhàn thanh tìm kiếm kiếm nơi tâm,
    Phật cũ ngày xưa hãy rán tầm”.
    (tức Phật tánh).
    Trở lại với Phật tâm, phụng vâng theo Phật ngôn, ứng dụng theo Phật trí, sống hòa nhập trong cuộc đời, đó là giáo lý Học Phật, Tu Nhân”

    Công cuộc của Đức Huỳnh Giáo Chủ là:
    “Chấn hưng Phật giáo học đường
    Dưới trên hòa thuận chọn đường qui nguyên”

    Người tín đồ PGHH đã ý thức và tin chắc được pháp tu của mình và thực hành:
    “Lấy tâm Phật đạo hành nhân đạo
    Nhân đạo hoàn thành Phật đạo siêu”

    Thanh sĩ

    (Đây chỉ sơ lược về pháp Học Phật (khế lý) Tu Nhân (khế cơ). Còn về sứ mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ vâng sắc lịnh của Phật,Trời thì người tín đồ đạo PGHH ai ai cũng đều tin nhận)
    Để đem đạo Phật ứng dụng vào cuộc đời, ĐứcThầy dạy: “Điều cần yếu là phải làm hết các việc từ thiện, tránh tất cả điều độc ác. Quyết rửa tấm lòng cho trong sạch”. Đây là những pháp tu thiết thực, rất vững chãi trên bước đường tự lợi, lợi tha gồm đủ ngũ thừa Phật Giáo:Tứ Ân,ThậpThiện,Tứ Diệu Đế,Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Vộ Lượng Tâm...v.v…
    Trong kinh Đức Phật dạy:

    “Chư ác mạc tác
    Chúng thiện phụng hành
    Từ tịnh kỳ ý

    Thị chư Phật Giáo”
    Lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ rất đúng theo ý chỉ bài kệ nêu trên. Có điểm nầy Thích Phước Tiến nên xét rõ ra, nếu không thì ông chẳng thể thấy hết toàn thân của con voi đâu. Ông bảo rằng: “Riêng lấy câu niệm Phật Di Đà”, có ý phân biệt nhỏ nhen quá đáng! Ông phải chỉnh lại: “Chung lấy câu niệm Phật Di Đà” mới thật đúng tính cách đại đồng của Chư Phật. Bởi vì pháp môn Tịnh Độ do chính Kim khẩu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết gồm có 3 kinh: Vô Lượng Thọ, nói về hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà. Quán Vô Lượng Thọ, quán niệm cảnh giới Tây Phương Tịnh Độ. A Di Đà Kinh Đức Phật thuyết rõ về Tín, Nguyện, Hạnh là Tông chỉ của môn Tịnh Độ, mà pháp thực hành trì danh niệm Phật lại rất khế cơ.
    Thế nên trong kinh Đức Phật dạy: ‘Này Xá Lợi Phất! Nếu có gã thiện nam, người thiện nữ, nghe nói đến Phật A Di Đà, chấp trì Danh hiệu để niệm, hoặc 1 ngày, hoặc 2 ngày, hoặc 3 ngày..v.v…Đó là lời giáo hóa chung, không phân biệt nam nữ, trẻ già, tăng tục, trí ngu. Tóm lại Đạo Phật chẳng dành riêng cho ai cả.

    “Học Phật phải rộng tình tế độ
    Nói pháp cần phá bỏ chấp tâm
    Phật riêng tế độ Phật lầm

    Pháp còn có sự chấp tâm pháp tà”
    Thanh sĩ
    Như đã nêu trên, thì sự niệm phật, làm thiện phải cần nên khích lệ và hoan hỉ để cùng nhau chia sẻ công đức (tùy hỉ công đức). Ông nên biết rằng, họ niệm Phật là không để ý niệm vọng khởi tà quấy tức là “Tự Tịnh Kỳ Ý”. Họ làm từ thiện, là đúng nghĩa “Chúng Thiện Phụng Hành” đấy. Nếu đã làm thiện thì đâu có thân, khẩu, ý nào riêng làm việc ác được, thật đúng với câu “Chư Ác Mạc Tác”. Đó là điều ‘Thị Chư Phật Giáo” vậy.
    Thích Phước Tiến, trong lời giải đáp ông nói: “Hòa Hảo chỉ mới đây thôi, khoản giữa đầu thế kỷ 20”. Rồi ông luận lòng vòng, sau cùng kết lại và nhấn mạnh với giọng nói khinh khỉnh: “Hòa Hảo nói mới chớ thật ra không mới gì cả”. Với giọng điệu đó cũng đủ thấy thâm ý của ông rồi ! Thôi thì sao cũng được do biên kiến cá nhân ông. Còn với tôi, nhìn theo trí Bát Nhã thì mới và không mới vốn không hai:
    “Mới mà không mới
    Không mới mà mới
    Mới tức không mới
    Không mới tức mới
    Mới...
    Không…
    À! Vì nghe ông luận mới, không mới mà tôi chợt thấy ra việc này có liên quan đến ông. Tiện đây tôi xin hỏi ông tiến sĩ, có lẽ ông sẽ biết được.

    Thuở Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, chỉ có danh hiệu của Ngài là Thích Ca Mâu Ni Phật mà thôi. Các vị đại đệ tử“Thánh Tăng”,chẳng ai mang danh hiệuThích nầy,Thích nọ, chẳng thấy đâu ra được một người dù là Thích Mục Kiền Liên, Thích Ma Ha Ca Diếp, Thích A Nan Đà hay Thích Phú Lâu Na.v.v..

    Trở lại PGVN hồi thời nhà Trần cũng thế. Phật Hoàng Trần Nhân Tông là sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử truyền pháp cho Pháp Loa, Pháp Loa truyền xuống Huyền Quang, lại chẳng thấy có Thích Pháp Loa hay Thích Huyền Quang nào cả. Vậy có phải Thích Phước Tiến là mới hơn các vị Thánh đệ tử hồi thời Đức Phật không? Thích Phước Tiến có phải mới hơn hồi phái thiền Trúc Lâm Yên Tử không?

    Ngay cả giới bạch y hồi thời Phật cũng thế, một danh đức đã trải dài thời gian trên 25 thế kỷ mà gương sáng vẫn rạng ngời, đó là ưu bà tắc Tu Đạt Đa. Ông là một trưởng giả đại phú gia, lại có lòng nhân từ, thường xuyên cứu giúp những người cô độc, tật bệnh, nghèo nàn,..v.v…Được thời nhân tôn xưng hiệu danh là Cấp Cô Độc. Ông cũng là người đã trải vàng ra mua mảnh vườn của thái tử Kỳ Đà để cúng dường Đức Phật và chư Tăng, tạo nên ngôi tịnh xá Kỳ Hoàn. Thế mà, trọn đời ông chẳng thấy có một pháp danh nào khác.
    Đến như ưu bà di, Mẫu Hoàng của vua A Xà Thế, được Đức Phật trực tiếp thuyết kinh Quán Vô Lượng Thọ, lại chẳng thấy pháp danh nào khác ngoài tên gọi Hoàng hậu Vi Đề Hy.
    Này ông Thích Phước Tiến, ở đây tôi không luận mới hay không mới. Tôi thực lòng chỉ muốn tìm hiểu theo mốc thời gian từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cho đến hiện thời là việc Thích Phước Tiến các tăng, ni được gắn danh họ “Thích” và đặt pháp danh cho Phật tử ở vào thời điểm nào ?

    Tôi dẫn chứng dài dòng như thế để cho ông biết PGHH có liên quan gì đến Phật Giáo hay không. Tôi nói Phật Giáo chớ không phải PGVN. Nay Thích Phước Tiến mang họ “Thích” để mà lớn lối khinh miệt, xem thường Tông phái khác. Không nên đâu ông à!
    Mời ông đọc bài thơ dưới đây để suy nghiệm.
    PHẬT là giác ngộ cái chơn tâm
    GIÁO đạo vô vi lý tuyệt trầm
    HÒA hợp từ bi năng hỉ xả
    HẢO cầu bác ái diệt thù thâm
    NGUỒN tâm mãnh lực trừ tham ái
    GỐC tánh oai hùng trị dục tâm
    TỪ mẫn độ tha trong bá tánh
    BI tràn lê thứ biết hồi tâm
    Trong đề giải đáp của ông còn nhiều điều để nói lắm, nhưng tôi được nhớ ra một điều rất quan trọng, biết ông có nhớ hay không? Thôi thì để tôi nhắc lại. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật bảo: “Mình đang tu một tông phái của Phật Giáo mà đã phá các tông phái khác là đang đi trên đường tà đạo”.
    Lại nữa:

    “Nói nhiều lắm xe lơi tình nghĩa
    Chữ hiền lành trau triả cho xong”

    Lời Đức Huỳnh Giáo Chủ:


    Đạo PGHH đã vượt qua bao ngổn ngang của lịch sử trước đây, hôm nay người tín đồ PGHH đang sống trong suối nguồn Từ Bi của chư Phật, sống vì tha nhân với tâm niệm:

    “Tu không lợi ích thôn lân
    Chữ tu ấy có ai cần làm chi”

    Thanh sĩ
    Trái lại, sống với học vị, lợi danh bản ngã lẫy lừng chồng chất mới không phải là Phật Giáo đấy, ông Phước Tiến ạ!.
    Tôi rất tâm đắc về câu chuyện một vị Thầy khai ngộ cho đệ tử như sau: “Con đã tốt nghiệp ở trường nầy, trường nọ rất tốt. Nhưng có một trường mà không bao giờ con tốt nghiệp, đó là trường học làm người đấy con ạ!”
    Này ông Phước Tiến, tôi xin được kề tai nói nhỏ với ông. Trong lời đáp ông nói có: “Một người nào đó”. Nghe qua rất là mơ hồ, điều đó chứng tỏ ông không biết gì về đạo PGHH cả. Tôi đề nghị ông nên về miền Tây Nam Bộ hỏi bất cứ người tín đồ PGHH già trẻ, nam nữ nào cũng đều được giải đáp ân cần cho ông hiểu rõ về vị Giáo Chủ siêu phàm khai sáng mối Đạo nầy. Hầu sau nầy có gặp những câu hỏi tương tự ông sẽ khỏi phải lúng túng, trái lại còn bình tĩnh giải đáp rõ ràng, đúng chánh pháp hơn, khi có đủ thông tin.
    Đức Huỳnh Giáo Chủ đã giải thích cái khối tình Đạo Phật bao la vô ngằn mé như sau:

    “Vả lại, cái tình ấy, nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc, nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các tầng lớp đẳng cấp xã hội, mà chỉ đặt vào một nhân loại chúng sanh”
    Và Ông Thanh Sĩ cũng theo đó mà nêu cao và nhắc nhở mọi người:
    “Phật Giáo vốn đại đồng nhơn loại
    Hòa Hảo cùng thế giới năm châu
    Đó là chơn lý đạo mầu

    Xin đừng đem dạ chấp câu hẹp hòi”

    Có qui ngưỡng và thực hành theo tinh thần quảng đại như thế, chúng ta mới mong đáp đền phần nào ơn Tam Bảo một cách thiết thực vậy. Mong thay!

    Chào đoàn kết.


    TP. Cần Thơ, ngày 01. 01. 2016
    Huỳnh Hình Trong
     
    Sửa lần cuối bởi điều hành viên: 22/12/22

Chia sẻ trang này