Phàm Sở Hữu Tướng Giai Thị Hư Vọng Chúng ta tu đạo Phật là cầu Trí tuệ, chứ không phải cầu Trí thức. Trí tuệ và Trí thức không giống nhau: Trí thức thì có thể tìm học từ trong kinh sách, sách chú giảng, nghe băng chú giảng v.v… Nhưng trí tuệ thì chỉ có thể tìm được trong tự tánh, mà muốn tìm thấy tự tánh thì tâm phải có Định, phải thanh tịnh, không còn bị vướng mắc bởi những vọng tưởng, phân biệt và chấp trước (chấp ngã, chấp ngã sở, chấp pháp). Làm sao để hạ công phu phá trừ phân biệt và chấp trước? Hòa Thượng Tịnh Không dạy: trước hết là phải ngăn ngừa và giải trừ mọi xung đột, đối lập, mâu thuẫn, đấu tranh v.v... do các thứ tâm nầy sanh ra. Phân biệt và chấp trước là nguyên nhân làm chướng ngại tâm thanh tịnh và năng lực trí tuệ của chúng ta, và nó cũng là cái nhân tạo ra lục đạo luân hồi. Học Phật trong kinh sách là để thu đạt kiến thức căn bản (Trí thức), làm phương tiện hướng về pháp Vô tướng vô vi của Như Lai, pháp nầy cũng được gọi là Nhất Thừa hay Phật Thừa. Vì pháp nầy là vô tướng vô vi, là chân thật pháp, là pháp Không, nên nó không có ngôn từ để diễn đạt, nó không thể tìm được trong kinh sách, mà nó phải tự mình giác ngộ trong tự tánh. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói: “Vì chúng hữu tình tuyên nói chánh pháp, vô tướng vô vi, không buộc không mở, không phân, không biệt, xa lìa điên đảo”. Vậy, pháp vô vi vô tướng mới là thật pháp. Tất cả các pháp hữu vi đều là quyền pháp, là huyễn pháp ... dùng làm phương tiện giúp cho người chưa giác ngộ phát khởi Tín tâm mà tìm đến Phật đạo. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn cũng nói: “Nghiêm cầu Tịnh Độ Phật Thọ ký sẽ thành Phật Liễu triệt tất cả pháp như dư vang mộng huyễn” Phật nói tất cả pháp đều là như mộng huyễn, đều là không thật. Vì vậy nếu ta ôm chặt, bám sát và không rời pháp hữu vi, thì ta còn Chấp pháp. Chấp pháp là thứ Sở tri chướng, sanh ra kiến tư phiền não, ngăn ngại cửa Bồ Đề, vì hết thảy Trí thức của thế gian đều là từ vọng thức. Người chấp pháp càng học Phật, càng nghiên cứu Phật pháp càng sanh ra các thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước và phiền não. Vì vậy, Phật dạy cho ta không nên chấp pháp. Trong tất cả các pháp môn của Phật đều nói đến Tín-Giải-Hành-Chứng. Phật dùng pháp hữu vi làm phương tiện giúp chúng sanh phát khởi Tín tâm (Tín) và có kiến thức (Giải) để hiểu biết về pháp môn mà mình tu. Một khi Tín-Giải đã vững vàng rồi, thì phải Hành. Hành trong Phật giáo tức là Buông Xả: buông xả tất cả các pháp, buông xả tự tư tự lợi, vọng tưởng phải quấy, nhân ngã, thị phi v.v…, ngay đến Phật pháp cũng phải buông bỏ nó ra, thì Tự tánh thanh tịnh viên minh thể mới hiện tiền. Khi đó ta gọi là Chứng đắc, tức là minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh cũng không có nghĩa là thành Phật, vì mức độ của minh tâm kiến tánh có khác nhau: · Thanh Văn chưa phá được hết chấp trước vi tế, nên chỉ chứng được Nhất thiết trí, · Bồ-tát chưa phá được hết phân biệt vi tế, nên chỉ chứng được Đạo chủng trí · Phật rốt ráo phá được hết vọng tưởng phân biệt chấp trước, nên đắc được Nhất thiết chủng trí. Trong kinh Kim Cang, Phật dạy chúng ta phải xả bỏ bốn tướng: nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả, để thể nhập Như Lai tánh. Vì sao phải xả bỏ bốn tướng? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”: Tất cả những vật chất, tinh thần và hiện tượng của vật chật và tinh thần đều có sanh diệt, đều là pháp hữu vi. Phật dùng pháp hữu vi làm phương tiện giúp chúng ta nhìn thấy hết mọi chướng ngại của mình, để có thể quán nhập vào pháp vô vi vô tướng. Pháp vô vi vô tướng là pháp mà không có thể dùng ngôn từ để nói, pháp nầy chỉ có một, đó là Chân Như Vô Vi, Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể (chân như bổn tánh). Pháp nầy chỉ có thể tìm được trong tự tánh, không thể tìm thấy trong sách vở hay kinh sách. Do đó, nhà Thiền gọi chân thật kinh là “Vô tự Chân kinh”. Tất cả pháp môn của Phật đều phải quy về Thiền định mà giác ngộ. Thiền định không chỉ có trong pháp môn Thiền. Niệm Phật, trì chú cũng là Thiền Định. Thiền nghĩa là Quán, Định nghĩa là Chỉ. Thiền Định có nghĩa là Chỉ Quán. Thiền Định hay Chỉ Quán là phương pháp để an trụ tâm và phát sanh trí tuệ. Tâm định và thanh tịnh thì trí tuệ phát sanh. Có định và tuệ thì vạn pháp sẽ tự nhiên được thông rõ một cách sáng suốt. Sự thông rõ nầy không thể do trí thức học được từ kinh sách mà có. Ngược lại, nếu chấp dính cứng ngắc vào kinh sách thì sẽ bị chướng ngại cho việc tu định và tuệ (huệ); vì vậy, nhà Thiền thường nói: “Tâm là kinh, kinh là tâm”. Ngày xưa, Lục Tổ Huệ Năng, chẳng có học qua kinh sách, Ngài chỉ được nghe Ngũ Tổ giảng dạy sơ sơ đại khái về kinh Kim Cang, lúc Ngài giã gạo trong đêm khuya, Ngài liền giác ngộ tự tánh, nghĩa là minh tâm kiến tánh, và tự nhiên thông rõ mọi pháp và có thể giảng nói tất cả kinh pháp. Tại sao Ngài làm được như vậy? Vì tâm của Ngài vốn là rỗng không, còn tâm của chúng ta thì chất chứa đầy vọng tưởng, kiến chấp, ngã chấp v.v… chân thật trí tuệ khó thể phát chiếu. Trong bài chú giảng “Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán”, Hòa Thượng Tịnh Không nói: Thái Tử Tất Đạt Đa ở dưới cội cây Bồ Đề giác ngộ được tự tánh, thành Phật, cũng do bởi Ngài có thể đem hết tất cả những kiến thức và pháp (pháp và phi pháp) mà Ngài học suốt một đời buông bỏ nó ra hết. Vì Ngài đã buông nó ra được hết sạch, một tơ hào cũng không còn sót lại, nên Ngài mới minh tâm kiến tánh thành Phật. Ngay lúc ấy, Ngài liền vì chúng sanh mà thuyết kinh Hoa Nghiêm nói rõ tánh tướng của vũ trụ nhân sanh trong mười phương pháp giới. Pháp nầy Ngài học ở đâu? Ngài chẳng học ở đâu cả, vì khi tâm thông, thì vạn pháp tự nhiên thông. Chư Tổ Sư Đại Đức có nói: “Không dùng Chỉ Quán, không vào được cửa Bồ Đề”, cũng nhằm mục đích bảo chúng ta phải xả bỏ tất cả các pháp hữu vi, và phải dụng tâm để thông rõ pháp vô vi. Tất cả những gì có tướng, có âm thanh đều là pháp hữu vi. Niệm Phật là phương pháp Chỉ Quán, định tâm vào câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật”, để đoạn trừ vọng niệm. Khi tâm được an trụ hoàn toàn trong tiếng niệm Phật, vọng niệm liền ngưng bặt. Đạo lý nầy thật rất là tự nhiên và dễ hiểu. Khi tất cả vọng niệm đều ngưng bặt, thì sẽ minh tâm kiến tánh, rõ thông tất cả pháp tánh và tướng của vũ trụ nhân sanh. (nguồn Net) HH