Phật giáo hoà hảo có thể xây dựng thành công một xã hội đạo đức văn minh trong giai đ

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi Hhuynh, 1/7/16.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    PHẬT GIÁO HOÀ HẢO CÓ THỂ XÂY DỰNG THÀNH CÔNG MỘT XÃ HỘI ĐẠO ĐỨC VĂN MINH TRONG GIAI ĐOẠN CHUYỂN MÌNH CỦA ĐẤT NƯỚC.

    PHẠM VIẾT ĐÀN

    SAU 1975, CÙNG VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÁC, PHẬT GIÁO HÒA HẢO cố gắng chịu đựng trước các quan điểm không mấy được ngọt ngào của Nhà cầm quyền, người tín đồ cố gắng thể hiện các phẩm chất tốt đẹp của người tu hành, thông qua các kinh sám của Đạo và họ cũng có quyền hy vọng vào sự cảm thông, cởi mở của những người lãnh đạo đất nước! Thế rồi, chuyện gì đến sẽ đến. Năm 1999, nghĩa là 24 năm sau, cùng với các Tôn giáo khác Phật Giáo Hoà Hảo cũng đã được chính phủ cho phép thành lập một Ban Đại Diện toàn Đạo, lẽ tất nhiên những người lãnh đạo Đoàn thể Tôn giáo Phật Giáo Hoà Hảo cũng phải được lựa chọn, nếu không phải là Đảng viên Đảng Cộng Sản thì cũng phải từ thành phần “có cảm tình” với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là một việc dễ hiểu và trong một chừng mực nào đó, cộng đồng Phật Giáo Hoà Hảo có thể tạm thời chấp nhận được. Bởi cho dù với bất cứ một thể chế chính trị nào, không ai có thể giao phó một tập thể gần 7 triệu con người cho một thành phần chống đối chế độ cầm quyền!

    Thế nhưng sau gần 15 năm lãnh đạo (1 nhiệm kỳ Ban Đại Điện Toàn Đạo và 2 nhiệm kỳ Ban Trị Sự Trung Ương PGHH), những con người được “lựa chọn” trong các kỳ suy cử, vẫn chưa thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của một người thực sự biết tu tập theo những lời răn dạy của Tổ Thầy ! Chúng ta cũng không thể dựa vào số lượng người tham gia vào 2 ngày Đại lễ (thay vì 3 ngày như trước đây) mà cho rằng đó là những thành tựu, đó là những “việc làm được” của những con người này! Công bằng mà nhìn nhận với nhau rằng; những quy mô trong các ngày lễ Đạo của PGHH hiện thời mà đem so với thời trước 75 vẫn còn thua kém rất xa, dẫu rằng trong các ngày lễ trước ấy chưa phải là hoàn hảo lắm, nhưng mọi nơi mọi chốn có ảnh hưởng PGHH, từ người già cho đến người trẻ, nam thanh nữ tú đều hồ hởi, đều tham gia đóng góp công sức lẫn tài vật để hoàn thành xuất sắc những thuyền bè, xe cộ để cùng nhau diễu hành về Tổ Đình Phật Giáo Hoà Hảo vào các ngày lễ Đạo. Hơn nữa, nếu chúng ta chịu bỏ qua cách nhìn nhận phiếm diện trên thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều vô lý không thể chấp nhận được trong một tổ chức đoàn thể Tôn giáo; thử hỏi, người lãnh đạo một tổ chức Tôn giáo hay bất cứ là một tổ chức nào đi chăng nữa mà ngay chính bản thân không chấp hành những giới điều giới luật, hoặc những quy tắc, những nội quy thì lấy đâu ra nề nếp để cho người trong tổ chức ấy nghe theo mà tận tâm phát triển đoàn thể tổ chức ấy? Lấy đâu ra một tổ chức đủ mạnh để phục vụ cho nhà, cho nước?

    Hệ quả của việc thiếu xót ấy, ngay trong những bức xúc của bản thân cộng đồng Phật Giáo Hoà Hảo, đã xảy ra những hình thức chống đối, để rồi dẫn đến các vi phạm vào những cấm kỵ hiện hành, dẫn đến việc nhiều người phải lâm vào vòng lao lý! Phải chăng chính các điều thiếu tế nhị này đã ít nhiều tạo nên sự phân hoá không đáng có trong một cộng đồng tín ngưỡng Tôn giáo có nhiều nội lực,mà lẽ ra phải dành nội lực ấy góp phần vào công cuộc xây dựng thành công một xã hội văn minh giàu đẹp.

    Sau hơn 40 năm kể từ 1975, trong nền tảng pháp chế của nhà nước vẫn chưa xây dựng được một khung luật pháp về tín ngưỡng Tôn giáo, ngoài những quy định, nghị quyết,pháp lệnh có tính cách tạm thời nhằm đối phó qua từng giai đoạn, nên chưa thể có được sự đồng thuận cao trong cộng đồng tín ngưỡng Tôn giáo. Trong khi đó, gần như tất cả các hội đoàn và những vấn đề lớn nhỏ trong xã hội, họ đều có được một bộ luật mang tính pháp quy để vừa bảo vệ những quyền lợi, và cũng vừa xây dựng các bổn phận cho những người trong hội đoàn biết rõ trách nhiệm ứng xử của mình đối với cộng đồng dân tộc.

    Những người dân có tín ngưỡng Tôn giáo, trong đó có người tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, đang mong muốn có được một bộ luật riêng cho mình trong phạm trù tín ngưỡng, để yên tâm căn cứ vào nền tảng pháp quy ấy, mà tu hành và phục vụ cho đất nước!

    Nhìn lại những vấn đề nhức nhối trong thời gian qua và nó vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ, để chúng ta cùng nhận ra những mặt hạn chế trong cung cách điều hành các tổ chức đoàn thể Tôn giáo, và từ đó cùng đưa ra một pháp thức mới, nhằm ổn định các chống trái ngay tự nội thân của các tổ chức đoàn thể Tôn giáo này.

    Trước khi tìm ra được những phương điều trị hiệu quả cho căn bệnh “Tín ngưỡng Tôn giáo”, nên chăng người “Thầy thuốc” cần phải khám tổng thể trên thể chất của người bệnh; như nhu cầu sinh hoạt của họ ra sao? Hàng ngày họ tiêu hoá thế nào với nền tảng giáo pháp của họ? Những “điều dưỡng viên” được phân công chăm sóc cho họ có phù hợp hay không? Cách thay toa của các Bác sỹ trước những biến chứng của con bệnh ra sao? Để từ đó mới có thể tạo dựng được một nền tảng pháp quy hữu hiệu và phù hợp cho từng triệu chứng một cách an toàn, mà không kèm theo những phản ứng phụ!

    Nhu cầu sinh hoạt của những người có tín ngưỡng Tôn giáo, dù vẫn là người công dân trong đất nước, nhưng nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu sẽ nhận ra những nhu cầu tế nhị của họ. Giáo pháp của Tôn giáo nào cũng dạy người tín đồ phải ăn hiền ở lành là căn bản, bên cạnh các điều ấy vẫn còn rất nhiều điều riêng tư trên bước đường hạ thủ công phu, để tự hoàn thiện mình, hoàn thiện xã hội. Nhìn chung, cho dù họ thuộc thành phần tín ngưỡng Tôn giáo nào thì trước hết họ không thích điều áp đặt,họ muốn được tự mình chọn lựa , nói như vậy, cũng không có nghĩa là họ muốn làm gì thì làm, những người có tín ngưỡng Tôn giáo nhất định phải tuân thủ vào nền tảng chung của hệ thống pháp luật đương thời( hệ thống pháp luật chung này cũng phải phù hợp với lẽ phải truyền thống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc).Mỗi tôn giáo họ đều có các phương pháp tu tập khác nhau, nhưng vẫn dựa vào tôn chỉ hành đạo của mỗi Giáo lý. Chính Tôn chỉ của mỗi nền giáo lý là văn bản, là chứng cứ cơ bản để nhà nước dựa vào đó mà chấp nhận hay không sự có mặt cùng các sinh hoạt tín ngưỡng Tôn giáo trong cộng đồng dân tộc! Một khi đã chấp nhận tư cách pháp nhân của các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, thì pháp luật cũng phải biết công nhận trọn vẹn từ những hình thức lẫn nội dung giáo lý ấy. Thí dụ như về kinh sấm, về nghi thức thờ phượng, về các biểu tượng đặc thù của mỗi nền giáo pháp, về các tài sản hợp pháp thờ tự, cùng danh xưng, chức sắc cũng phải được phục hồi…pháp luật cũng không thể vì một lý do nào đó mà hạn chế hoặc cắt xén làm phương hại đến sự “trọn vẹn” cho dù là trên mặt hình thức hay nội dung; Phật giáo Hòa Hảo là phải có Đạo kỳ, phải có làng Hòa Hảo, thiếu hai thứ nầy, có phải chăng Phật giáo Hòa Hảo dù cho hiện có một hình thức tổ chức, nhưng dường như vẫn còn một sự gượng ép nào đó chưa được thông thoáng, nên Đạo giáo này chưa thể “cất cánh”, chưa thể bay xa!

    Trước đây, có người đã từng đề xuất một hình thức bảo vệ truyền thống, (khi làng Hòa Hảo chính thức được xóa bỏ sau ngày 23 tháng 8 năm 1980 do Quyết Định số 125/CP của Hội Đồng Chính Phủ!) là kêu gọi tất cả người dân làng Hòa Hảo bảo vệ tên làng xã của mình dưới hình thức ôn hòa và hoàn toàn hợp pháp, mặc cho trên hình thức hành chánh, người ta có ghi vào văn bản giấy tờ là xã Tân Hòa hay gì gì đi nữa, nhưng trong giao tiếp hàng ngay ta vẫn xưng tên làng xã Hòa Hảo, tất cả những người kinh doanh mua bán khi vẻ bảng hiệu thì phải ghi thêm trong ngoặc là Hòa Hảo hay Thánh Địa Hòa Hảo. Thí dụ:
    Nhà Thuốc Đông Y
    TẤN ĐẠT
    Ấp Tân Trung, xã Tân Hòa,huyện Phú Tân.

    (THÁNH ĐỊA HÒA HẢO)

    Được như vậy là chúng ta, những cư dân làng Hòa Hảo vừa thể hiện được tâm tư nguyện vọng của mình, vừa khẳng định được với mọi người Thánh Địa Hòa Hảo là muôn đời bất diệt.
    Phật giáo Hòa Hảo không bao giờ chủ trương đấu tranh gay gắt mất còn, Phật giáo hòa Hảo là xây dựng, là chuyển hóa, nhất là trong giai đoạn chuyển mình đi lên của đất nước, của toàn dân tộc Việt Nam. Phải chăng đã đến lúc “của Cesar, nên trả về cho Cesar” cho vẹn đôi đường!

    Nói đến việc trả Hòa Hảo về cho làng Hòa Hảo, mà không đề cập đến ngày VẮNG MẶT 25/2, là một sự thiếu sót trong truyền thống duy trì nền nếp tâm linh hiếu kính của dân tộc Việt, của môn đồ Phật giáo Hòa Hảo. Đối với Phật giáo Hòa Hảo, đại lễ 25/2 là một ngày kỷ niệm tự hào của Đạo, là một ngày mà chẳng những tất cả đồ chúng Phật giáo Hòa Hảo, mà còn có cả cộng đồng tín ngưỡng Tôn giáo, ngẩng cao đầu nói với toàn dân tộc Việt Nam rằng : -Chúng tôi là những người yêu nước ! Tấm lòng yêu dân, yêu nước ấy đã được roi truyền và hun đúc từ một đấng Từ bi bác ái. Nếu bây giờ có ai đó, nghi ngờ và luôn e dè đối với ngày lịch sử 25/2, là vẫn còn mang tâm lí lỗi lầm, vẫn còn chưa lý giải được sự vắng mặt của một bậc Thầy đã giác ngộ. Ngay từ bức thư gởi về của Đức Thầy, cho dù đến nay có một vài nghi vấn, thì bức thư ấy vẫn có đầy đủ tính thuyết phục, để đồ chúng Phật giáo Hòa Hảo bước từng bước vị tha vào lòng dân tộc Việt! CẤM CHỈ ĐỒN ĐẢI CẤM CHỈ KÉO QUÂN ĐI TIẾP CỨU. HÃY ĐÓNG QUÂN Y TẠI CHỖ… là một nghiêm lịnh, chẳng phải chỉ ngay ở thời điểm 9 giờ 15 đêm 16-4-47 mà còn cho cả đến bây giờ! Trong đời sống tâm linh tín ngưỡng Tôn giáo, có rất nhiều điều người ngoài không thể lý giải bằng khoa học, bằng các chứng cứ mà có thể chạm vào được; hầu hết những điều ấy đã được thể hiện bằng vào đức tin, bằng vào sự chiêm nghiệm thường ngày…

    Ngày 25/2 nhuần năm Đinh Hợi 1947, cho đến nay đã qua rồi 69 năm, nhưng chúng ta thử hỏi lại là ngày ấy có thật sự đã qua chưa? Vết thương đau ấy đã lành da, lành thịt chưa? Hay là cho mãi đến tận bây giờ nổi đau ấy đang từng lúc càng mưng mủ! Vết thương nào cũng vậy, nếu mọi người biết cùng nhau chăm sóc điều trị trong tình thương, thì vết thương ấy cho dù là bao lớn cũng sẽ được lành lặn dần dần. Vết đau không thể lành khi mà ai đó chẳng những cố tình bỏ qua, mà thậm chí còn liên tiếp tạo nên các vết trầy xước khác thì làm sao buộc nó phải kéo da lành thịt được! Dù thế nào thì ngày 25/2 cũng là một vết thương đau chung của dân tộc Việt, biết biến nó thành niềm tự hào của NGƯỜI BỊ MẤT, hay nó chính là nổi day dứt không nguôi là do cách suy nghĩ và hành xử của người lãnh đạo đoàn thể, lãnh đạo đất nước hôm nay.

    Ngày 25/2 nhuần năm Đinh Hợi 1947, là một ngày không thể nào quên lãng được trong tấm lòng của cộng đồng đồ chúng Phật giáo Hòa Hảo, nó luôn hiện diện sau lớp biểu bì, như một quả bong bóng đầy hơi. Bóp chỗ nầy nó sẽ phình ra chỗ khác, nếu tất cả các nơi đều bị bóp chặc thì coi chừng nó sẽ nổ bùng! Phải chăng ngay bây giờ, chúng ta nên học tập cách ứng xử khôn ngoan của thế giới mà trả đời sống tâm linh của Tôn giáo trở về cho chính nó, ngày Chúa Giêsu phục sinh vẫn được tổ chức long trọng ở các quốc gia có tín ngưỡng Công giáo, đâu phải họ muốn báo thù đối với những người đã đóng đinh Chúa trên Thập tự giá?
    Như trong một lần khai ngộ đạo pháp cho Huyền Chi – Tổ Bồ Đề Đạt Ma, sau khi nghe Huyền Chi xin Tổ thường trụ ở thế gian để giáo hóa quần sanh. Tổ bảo:
    - Ta sẽ đi về, chẳng thể ở lâu. Chúng sanh căn tánh muôn ngàn sai biệt nên ta phải gặp nhiều ngu mê làm chướng ngại cho ta (Tổ biết trước là sẽ bị người đầu độc)
    Huyền Chi nói:
    - Có thể cho biết người nào để đệ tử vì sư mà trừ được chăng?
    Tổ bảo:
    - Ta truyền Phật bí tạng, để lợi ích kẻ mê, đâu thể hại người để tự yên. Ắt chẳng có lý này!
    Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng bị đầu độc 5 lần cũng không gây hại được. Đến lần thứ 6 Tổ đã truyền chánh pháp cho nhị tổ Thần Quang xem như việc phổ hóa đã xong, nên thị hiện trúng độc mà tịch.
    Như Đức Phật Thích Ca vẫn biết bát cháo nấm của cư sĩ Cunda là bát cháo nấm độc, nên Thế Tôn sau khi thọ dụng, gọi Cunda đến và bảo:
    - Này ông Cunda, món cháo nấm này còn lại bao nhiêu ông nên đào đất mà chôn đi, không nên để cho người khác ăn!
    Chẳng những thế, trước lúc nhập Niết Bàn, Thế Tôn còn lo cho tương lai của Cunda, nên gọi Ananda đến bảo:
    - Này Ananda, bữa ăn hồi sáng tại nhà cư sĩ Cunda là bữa ăn cuối cùng của Như Lai. Nhưng chuyện sau này có thể xảy ra, có người sẽ cho Cunda là người có tội, ông sẽ bị chìm đắm,sa đọa vì đức Thế Tôn đã lìa trần sau khi thọ món ăn của ông dâng. Này Ananda, ông phải giải thích như vầy: “ Này Cunda, bần tăng có nghe chính đức Thế Tôn dạy rằng, có hai vật thực cúng dường đem lại phước báo bằng nhau, tạo quả bằng nhau và cùng quý báu hơn tất cả. Hai vật ấy là gì? Đó là vật thực cúng dường Bồ Tát thọ lần cuối cùng trước khi chứng ngộ đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và vật thực cúng dường mà đức Phật thọ dụng lần cuối cùng trước khi ngài nhập diệt. Này Cunda, vật thực cuối cùng mà đức Thế Tôn thọ dụng do chính tay ông dâng cúng, nghiệp tốt này sẽ trả quả trong sự tái sinh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt hái nhiều may mắn, danh vọng được hưởng phước báo trong các cõi trời và trong cảnh vua chúa, quyền quí cao sang.” Này Ananda, thầy nên khuyên lơn Cunda như thế.

    Lịch sử đời sống tâm linh của Tôn giáo luôn luôn diễn ra như vậy, chưa từng có một Giáo chủ nào, một đấng giác ngộ nào lại chủ trương báo oán, báo thù. Tất cả mọi tâm địa sân nộ đều không tồn tại trong đời sống Tôn giáo ! Phật giáo Hòa Hảo cũng không thể nào chủ trương khác được, cụ thể là trong suốt hơn 40 năm qua, biến cố Đốc Vàng vẫn luôn là một hoài niệm để nhớ về, người Phật giáo Hòa Hảo cũng đã biết làm sáng lên tấm lòng bao dung bác ái, vị tha của Tổ Thầy bằng những đóng góp to lớn vào các việc từ thiện nhân hậu, biết cần mẫn nuôi lớn từng hạt lúa, củ khoai, vực dậy nền kinh tế nghèo nàn sau chiến tranh tàn khốc…

    Bằng vào các hành động thực tế, bằng vào những tâm tư tình cảm, với nguyện vọng chơn chính, người Phật giáo Hòa Hảo xứng đáng được hưởng trọn vẹn các truyền thống tôn giáo mà trong nhất thời chưa được trả về…
    Tương lai vẫn luôn còn ở phía trước, người Phật giáo Hòa Hảo hôm nay và Nhà nước bây giờ có nên bổ khuyết những điều còn hạn chế, hầu thích ứng được với thời kỳ hội nhập, vào sự tiến bộ của toàn cầu, làm vẻ vang con Hồng cháu Lạc!

    PHẠM VIẾT ĐÀN.
     

Chia sẻ trang này