Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An

Thảo luận trong 'Sách Kinh' bắt đầu bởi Thuma, 28/3/13.

  1. Thuma

    Thuma Member

    Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An

    [​IMG]
    Nguyễn Văn Hầu
    Biên khảo – Phiên âm – Chú thích

    BAN QUẢN TỰ TÒNG SƠN CỔ TỰ
    BAN CHẨN TẾ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO
    Xuất bản 1973
    Tòng Sơn

    Những Sấm truyền xưa của Phật Thầy,
    Dân ráng kiếm mà truy thì biết


    LỜI CỦA
    ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

    Tựa
    [​IMG]
    Tòng Sơn Cổ Tự
    Bản Sấm truyền của tông phái Phật Thầy được sao chép năm Kỷ Dậu, bị thất lạc từ nhiều chục năm nay, vừa tìm thấy tại Tòng Sơn, là một bản Nôm có thể coi như một bản văn rất xưa. Đó là chỉ nói về phần bản sao; còn về nguyên tác thì không rõ được là tác giả viết tự bao giờ. Nhưng có điều cầm chắc là xưa hơn nữa, hằng trên trăm năm.

    [​IMG]

    Bổn Sấm truyền căn gốc do chính tay ông Đồ Trương sao chép từ năm Kỷ dậu
    Nhờ có đề tháng năm sao chép mà ta tính được bản sao đó có từ 1909 và nhờ có đề tên người chép mà chúng ta biết những nét chữ bay bướm kia là của Đồ Trương, hoặc Nôm đúng theo cách đọc miền Nam thì là “Trò Trương”.Tại sao chỉ có khoảng sáu bảy chục hoặc một trăm năm mà cho rằng xưa?Thế thì những án văn Nôm (thi, kệ, văn tế) của Nguyễn Biểu, của Trần Trùng Quang, của nhà sư chùa Yên Quốc còn lại từ trên 500 năm, hoặc chắc chắn hơn, như các bài thơ Nôm đời Hồng Đức còn truyền cách nay cũng đến hơn 400 năm, thì là xưa đến bực nào?Vốn đã biết vậy, nhưng đó chỉ là những ghi nhận thời gian sáng tác của tác giả đối với các văn phẩm còn truyền, chớ thử hỏi có mấy ai hiện giữ được một bản Nôm sao chính thức các tác phẩm ấy còn lại kể từ trăm năm?Tại các thư viện, tại viện khảo cổ nước nhà, những bản chép tay xưa ngần ấy cũng còn khá hiếm thì đừng nói chi là phía dân gian. Mà nhất là dân gian niền Nam kỳ Lục Tỉnh, một nơi xưa kia ít ai muốn làm gia phả, ít ai muốn ghi chép để đời và rất ít người chịu khó sưu tập tham khảo. Huống gì trải nhiều binh lửa, đất nước rách nát vì biến cố nhỏ lớn dằng dai, cơ sở văn hóa quốc gia mà còn lâm cảnh biển dâu, thì nói chi đến gia đình và cá nhân.Một bổn cũ như vậy, lại bị thất truyền đến không còn một ai đời nay đọc thuộc dù là chỉ thuộc một đôi câu, thì thật là khó khăn mà giữ được tại một thôn ấp lẻ loi hẻo lánh trải đầy tan thương kinh khủng. Bởi vì vậy mà nó phải được coi rằng rất xưa, đặc biệt là xưa ở miền Nam Kỳ Lục Tỉnh.Nói đến xưa, thường là nói đến vật cổ, quí hóa.Bản Sấm truyền của tông phái Phật Thầy do “Đồ Trương” sao chép, quả thật là một quí hóa chung cho văn học miền Nam và riêng cho giới tu học tông phái. Có nó là văn học miền Nam được đóng góp thêm một bản văn Nôm, một cách viết Nôm cho các nhà tham cứu chuyên môn, và nhờ đó mà tông phái Phật Giáo Hòa Hảo phong phú hơn nữa ở tư tưởng và giáo pháp.Nhằm vào các lợi lạc đó, chúng tôi khảo soát lại căn cội Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An sáng khởi, phiên âm bản Sấm truyền và chú thích một ít điều thấy cần để giúp độc giả tiện bề theo dõi.Kính xin hồi hướng công đức cho Ban Quản Tự Tòng Sơn Cổ tự, Ban Chấn Tế Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo cùng toàn thể thập phương tín hữu.

    Thánh Địa Hòa Hảo, ngày 28-8-1973
    NGUYỄN VĂN HẦU

    Phần Thứ Nhất - Đức Phật Thầy Tây An Và Nguyên Lai Quyển Sấm Truyền

    Linh địa Tòng Sơn.

    Bãi Tòng Sơn kề cận bên bãi Hổ Cứ xưa, đời Minh Mạng năm thứ 13, thuộc phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An. Nơi đây, một vùng linh địa, từng phát tích những bậc thần công thánh đức và được các cổ thư ghi nhận là chốn phong thủy thanh kỳ.

    Cả hai nơi, theo Đại Nam Nhất thống chí (1) và Gia Định Thành thông chí (2) thì đều nằm về phía Đông sông Mỹ An và sông Mỹ Luộng, thuộc Tiền Giang, trên đó có các thôn Tòng Sơn và Tân Tịch. Các thôn này, khoảng trên 100 năm trước đây, đều được nằm chung trong một tổng, gọi là An Tịnh.
    Trải qua lắm lần dâu biển, cho đến ngày nay, khu vực địa lý đã biến hình cải dạng tất cả; bãi Tòng Sơn lở mất quá nhiều; còn bãi Hổ Cứ thì tiêu mòn đến hết để rồi danh xưng của nó bị đưa lạc về phía bên kia Tiền Giang, thuộc về tỉnh Kiến Phong. Những cù lao nhỏ gọi là Cồn Lân, Cồn Chài, chỉ là thối thân của những phiến đất nạc của Tòng Sơn – Hổ Cứ bị xoi mòn hòa hợp với một phần phù sa từ thượng lưu đổ xuống mà bồi đắp nên.Người địa phương lớn tuổi ai cũng còn nghe biết câu chuyện tranh chấp giữa các thôn xã ở hữu và tả ngạn Tiền Giang là Tân Phước – Tòng Sơn và An Nhơn – Tân Thuận. Nguyên là khi các bãi Tòng Sơn – Hổ Cứ bị lở nặng và những cồn nhỏ sắp được bồi lên khỏi mặt nước Tiền Giang, thì cũng đúng là lúc mà các xã thôn ở hai bên bờ tranh nhau để đòi hợp pháp hóa địa bộ những cuộc đất mới ấy về phần mình. Các thôn bị lở đất đòi hỏi rằng chính do đất của họ mà có chuyện sông hóa nên cồn; còn các xã bên kia sông, không bị đất lở thì tranh chấp rằng không cần biết đất ở đâu, miễn là cồn ấy nổi kề bên thôn ấp mình, thì là của mình. Và vịn vào các cớ riêng ấy, các xã ở hai bên bờ sông liên miên tố tụng nhau hằng chục năm trời.Tương truyền rằng để cho chắc ăn, các thôn xã ở tả ngạn Tiền Giang đã phải yêu cầu đến một thầy lỗ ban danh tiếng tên là Thợ Đức để yếm trấn cho các cồn mới nổi ấy đừng nổi lên ở hữu ngạn Tiềng Giang (3). Thợ Đức nhận làm chuyện hoán thiên chuyển địa ấy. Ông dùng phù chú cột vào cổ hai con ngỗng, một trống và một mái, rồi giữa đêm khuya, thả thuyền trên sông, kêu mây hú gió và cùng lúc đem thả hai con ngỗng xuống sông. Con mái cột chân ở tả ngạn còn con trống thì cho tự do, thả về hữu ngạn. Cứ hễ mỗi lần ngỗng trống nghe tiếng kêu lẻ bạn của ngỗng mái thì nó bươn bả từ hữu ngạn bơi sang tả ngạn để đoàn tụ với “tình nhân”. Nhưng liền đó ngỗng trống bị bắt, lại bị thả về hữu ngạn rồi cũng lại được tự do bơi về tả ngạn như trước. Hành động này có dụng ý vận chuyển cho bãi đất được kéo từ hữu sang tả ngạn.
    Cuộc trấn ếm dài suốt ba đêm như vậy vào một mùa nước nổi. Cùng năm ấy, khi mùa khô đến, quả nhiên một dãy cồn cát nổi lên, phơi mình về tả ngạn và chính thế mà cuộc tranh chấp được ngã ngũ. Đất lở của Tòng Sơn – Hổ Cứ đã bị các thôn ấp tả ngạn nắm chủ quyền.Để kỷ niệm cái danh xưng của một vùng bị xoi mòn để bồi lên phong phú cho vùng mình ở, người phía tả ngạn Tiền Giang đối diện với Hổ Cứ bị lở, đem tên ấy mà đặt cho phía mình. Do đó mà Hổ Cứ ngày nay không còn nằm vào một chiều với Tòng Sơn như xưa.Thật ra, Tòng Sơn đã hơn một thời thạnh mậu. Trong làng dân cư đông đảo. Bốn mặt làng có sông nước, làng nằm giữa như một cánh bèo vễnh tai phiêu bạt. Trong làng cá lội cò bay. Cảnh trí cực kỳ thanh tú (4).Thời Gia Long tấu quốc, nơi đây là quê hương của Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên, một bậc đại công thần từng quyền nhiếp chức Tổng trấn Gia Định Thành và có lúc lãnh chức Thống chế Bảo hộ Cao Miên quốc ấn (5).Rồi khi Gia Long phục quốc, thì Tòng Sơn là nơi chôn nhau cắt rún của một đạt nhân, về sau sáng khởi một tông phái Đạo Phật, làm chói lọi ánh đạo vàng dưới vòm trời Nam Việt, được dân chúng suy tôn lên hàng Hoạt Phật ngàn thuở hinh hương. Đó là Đức Phật Thầy Tây An.Tòng Sơn vào Thời cận đại, lại là nơi quê ngoại của chiến sĩ cách mạng tiền bối Nguyễn Quang Diêu. Một dung rủi tình cờ là mộ phần của nhà chí sĩ này tại Vĩnh Hòa bị đất lở, lại được bốc lên đem về cải táng ở đây, khiến ở đây càng thêm dồi dào ý nghĩa: Tòng Sơn, vùng linh địa (6)
    CHÚ THÍCH:
    (1)Sách đã dẫn, do Quốc sử quán triều Tự Đức, soạn suốt 17 năm, từ 1865 đến 1882 mới xong, phần An Giang tỉnh, mục Sơn Xuyên (2) Tác giả là Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, từng giữ chức Hàn lâm chế cáo triều Gia Long và Hiệp biện Đại học sĩ triều Minh Mạng.(3) Theo một quyển sách chép tay bằng Hán văn, không có nhan đề, nội dung chỉ dẫn các phép tắc xây chầu, các câu thiệu đọc trong lễ xây chầu, phép niệm chú đả cổ và các lá bùa lỗ ban dùng trấn yếm tà quỉ để cho các vị đầu mục trong các xã thôn dùng trong mỗi khi có thiết lễ hát bội cúng thần trong các cuộc kỳ yên đáo lệ, thì do Thợ Đức tên là Trần Huyền Đức. Tên Trần Huyền Đức được viết rõ bên trong bìa sau của quyển sách nói trên, và theo lời của vị bô lão còn giữ của gia bảo, thì chính Trần Huyền Đức là tác giả sách ấy. Tôi có mượn được nó và có đọc kỷ để tham khảo cho vấn đề liên hệ.(4) Gia Định Thành thông chí, quyển 2, mục Sơn xuyên chí, 64b(5) Xem Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên do Ủy Ban Xây Cất Lăng Miếu Tuyên Trung Hầuxuất bản, 1971, hoặc đọc Bách Khoa số 348, ra ngày 1-7-1971(6) Xem Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Hương Sen tái bản, 1973.

    Các Nguồn Tài Liệu Cũ Về Gốc Tích Đức Phật Thầy Tây An

    [​IMG]
    Tấm biển cổ có chạm ba chữ Đoàn Phật Sư và đôi câu đối

    Vị Thống chế nói trên, đã được nhiều cổ sử thư ghi chép; còn bậc Hoạt Phật vừa đề cập, thì chúng ta cần sưu tầm, tham khảo để càng lúc càng được hiểu biết rõ ràng hơn.Trong các nguồn tài liệu dùng tham khảo về Đức Phật Thầy, người sáng khởi tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, có thể có:
    1) Những truyền khẩu của dân gian: Điều này rất dễ bị sai lầm mà người cầm bút lâu nay hết sức thận trọng trong việc cân nhắc so sánh. Bởi truyền khẩu thường có thêm thắt và thường bị ảnh hưởng từ các tin tức, các tài liệu nào đó, chưa được phối kiểm. Đặc biệt về trường hợp của Phật Thầy, truyền khẩu là quan trọng, bởi vì Ngài là Giáo Tổ của một tông phái, lại là một tông phái mới, nên không được Quốc sử quán cũng như các bộ sách xưa của một danh bút nào nói đến.
    2) Những chứng tích cụ thể: một mộ chí cắm tại mộ phần của Đức Phật Thầy, một bài vị thờ Ngài đặt tại Tây An tự ở núi Sam (Châu Đốc), một biển thờ và một tấm Trần Đỏ còn giữ được tại Tòng Sơn (Sa Đéc), xác nhận nhiều sự kiện thực tế và quan trọng trong đời sống tôn giáo của vị Giáo tổ.
    3) Tài liệu chép trên giấy trắng mực đen. Bằng văn Nôm, ít nhứt là năm bản:
    a/ Tòng Sơn căn gốc: Có cả thảy 1375 câu. Câu khởi đầu là “Tòng Sơn căn gốc ông bà; Mua đất tạo lập tại làng Cần Chông” và câu cuối cùng là: “Cầu cho ông Thánh Tây An; Sau đây có Phật thế gian lưu truyền”.
    b/ Giảng Phật Thầy: Có 214 câu. Câu khởi đầu là: “Ngồi buồn tưởng lại lời Thầy. Hồi năm Kỷ dậu đông tây nhộn nhàng và câu cuối cùng là: “Mặc tình trai gái trẻ già; Tùy lòng niệm Phật đừng mà cười chê”.
    c/ Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy: Không rõ có bao nhiêu câu. Câu khởi đầu và câu cuối cùng cũng không còn ai nhớ. Bổn này chắc là xưa nhất, vì ông Nguyễn Văn Kính ở thôn Tân Phước (nay thuộc xã Bình Phước Xuân) là đệ tử của Phật Thầy, có chép làm gia bảo và cháu nội ông là ông Nguyễn Ngọc Chơi còn giữ đến 1947. Hiện đã thất truyền. Một ít người còn nhớ, nhưng chỉ rời rạc đây đó năm ba câu. Thí dụ như trường hợp quan Tổng đốc An Giang thử các sĩ tăng bằng cách bày cỗ trên chiếu mà bên dưới có hình vẽ Phật, rồi mời các sĩ tăng ngồi lên. Trong khi các sĩ tăng khác trèo lên an tọa trên chiếu thì Phật Thầy từ chối, đáp rằng:
    Bẩm tôi xin đứng dưới này,
    "Hòa thượng thầy sãi ngồi rày hai bên.
    Tham ăn thấy thác một bên,
    Phật Bà ở dưới ngồi lên đặng nào!"
    Hoặc thí dụ như trường hợp tiên tri của Phật Thầy, được dẫn lại:
    "Đờn bà sung sướng vô hồi,
    Ngày sau may vá chỉ thời khỏi se."
    d/ Giảng Giáp thìn Thầy ở Gò Công: Có cả thảy 269 câu. Câu khởi đầu là:
    “Giáp thìn Thầy ở Gò Công;
    Thần linh giáng thế chiếu thông xa gần”
    và câu sau cùng là: “Con cháu hỏi han; Đặng mà nói lại”.
    đ/ Mùa đông phưởng phất gió tây: Toàn tập ba bổn. Gồm 106 câu cho bổn đầu. Khởi đầu bổn là câu “Mùa đông phưởng phất gió tây; Bâng khuâng tưởng nhớ tiếng Thầy thưở xưa” và chấm dứt bởi câu: “Năm trai còn những một phần; Năm gái còn những hai phần mà thôi”. Bổn đầu nói qua gốc tích của Đức Phật Thầy và những thiên cơ do Ngài hé lộ. Còn hai bổn sau thuyết về Năm Ông và giảng về Mười sầu, trong đó hối thúc dân chúng tu hành để tránh oan khiên nghiệp chướng phần lớn do thiên tai và chiến họa gây nên.Giảng Mùa đông này do ông Nguyễn Văn Thửa tìm ra được tại ấp Bình Phú xã Bình Phước Xuân, vốn của ông Huỳnh Văn Quân còn giữ được. Nguyên bà nội của ông Quân xưa kia tu theo phái Phật Thầy, nên có nhờ Đông y sĩ Lê Văn Hứa chép từ năm 1915 để bà coi đó mà tu và cho đến khi bà mất, thì nó được chuyền xuống con cháu. Quyển này chép bằng chữ Nôm, Ngoài đầu bìa có chi: “Kinh này Phật Thầy truyền cho người lành thỉnh đặng rõ trong việc đời – Nhứt tập sanh tam bổn”.Tất cả các bổn trên đây đều không rõ do ai là tác giả.Tuy tục kêu là “ Giảng” nhưng kỳ thật thì đây đều là những bổn chép về một ít gốc tích và một số lời nói của Đức Thầy mà các tác giả đời sau nghe truyền miệng lại chớ họ không đích thực nghe thấy rồi ghi chép như các đệ tử hoặc các đại đệ tử của Ngài trong đương thời. Vì vậy mà sự kiện thường mâu thuẫn, thời gian thường đảo lộn. Nghe sao chép vậy, rất ít có dấu hiệu kiểm chứng.Quyển Giảng xưa hiện được coi như thất truyền. Quyển Giảng Phật Thầy nay còn lưu hành, rất có giá trị về cả hai mặt: lời văn và sử liệu. Còn quyển Tòng Sơn thì tầm thường về lời ý, và về sự kiện chứa thì mang không biết bao nhiêu chỗ sai lầm. Có thể nói sự sai lầm trong đó lên đến 30% tính theo các sự kiện chứa đựng trong nội dung tác phẩm. Điều làm cho giá trị xác thực của tác phẩm này bị sụp đổ là trong đó chép tên Đức Phật Thầy là Lê Hướng Thiện và chép chuyện Đức Phật Thầy được mời cứu bệnh cho một bà đầm vợ viên Chánh tòa người Pháp. Bởi vì mộ chí của Đức Phật Thầy đã chép rõ tên Ngài là Đoàn Minh Huyên, và năm diệt độ của Ngài là 1856. Tấm biển tại chùa Tòng Sơn hiện còn ba chữ Đoàn Phật Sư, cũng như chính sử đã xác nhận chắc chắn là 1862 Pháp mới chiếm được ba tỉnh miền Đông và năm 1867, ba tỉnh miền Tây mới có sự hiện diện của họ. Vậy Đức Phật Thầy làm sao có thể là Lê Hướng Thiện và thực dân Pháp làm gì có mặt được ở xứ này thời Phật Thầy còn tại thế! Quyển Giáp thìn Thầy ở Gò Công viết theo thể lục bát và vãn tư, nói lai lịch Phật Thầy từ năm Giáp Thìn (1844) về sau. Cũng như các quyển khác trong loại này, nó không là Sám Giảng, chắc chắn cũng không do các đại đệ tử của Phật Thầy viết, mà là của người sau chép theo một số sự kiện truyền khẩu. Nội dung có chỗ mơ hồ, thiếu căn cứ, nhưng cũng có chỗ đóng góp được cho ta một số dữ kiện để so sánh, tìm hiểu gốc tích.Riêng quyển Mùa đông, tuy tiếng là của “Phật Thầy truyền” (theo lời ghi) nhưng sự thật thì nội dung vẫn nói qua một ít chi tiết về lai lịch Phật Thầy và mấy điều Ngài tiên tri, dặn dò bổn đạo. Xem kỹ thì bổn này viết sau khi Phật viên tịch khá lâu, có một số chi tiết không được coi là chính xác.Tuy nhiên, nói chung, nhờ có các bổn ấy mà một phần gốc tích của Đức Phật Thầy và một số lời giảng hóa của Ngài được truyền lại cho đến ngày nay để giúp chúng ta lượm lặt nghiên cứu, so sánh và rộng đường tìm hiểu để kiểm chứng sự thật.Còn những điều chính yếu trong tư tưởng giáo điều Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn phải là những thi văn chữ Hán và chữ Nôm do chính Phật Thầy thuyết giảng rồi các đại đệ tử của Ngài ghi chép lúc Ngài du hóa. Hoặc giả của một số các vị khác có ấn chứng đắc đạo thuộc tông phái này.Bổn Sấm truyền của tông phái Phật Thầy (bằng chữ Nôm) vừa tìm lại được tại Tòng Sơn mà tôi sẽ phiên âm quốc ngữ để trình bày ở phần sau, là một phẩm kinh thuộc loại chính yếu với những bằng chứng đủ tin là nó được xuất phát đúng vào thời Đức Phật Thầy và các đại đệ tử của Ngài cùng du hóa rồi sau đó được ghi lại.

    Đức Phật Thầy Tây An Vị Giáo Tổ Bửu Sơn Kỳ Hương

    Như chúng ta vừa thấy, Đức Phật Thầy Tây An, Giáo tổ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tên thật là Đoàn Minh Huyên, đản sanh vào giờ nhọ, ngày rằm tháng mười năm Đinh mão (1807), đời vua Gia Long thứ sáu. So với triều đại Trung Hoa thì bấy giờ nhằm đời Thanh Nhân Tông, niên hiệu Gia Khánh thứ 12.Chánh quán của Phật Thầy tại làng Tòng Sơn, tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, Phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (1). Tỉnh An Giang hồi ấy chưa có. Mãi đến niên hiệu Minh Mạng thứ 13 (1832), một chỉ dụ hạ lệnh cho Gia Định Thành cắt đặt tỉnh An Giang với hai phủ, bốn huyện, thì Tòng Sơn thuộc về An Giang. Hiện nay, Tòng Sơn nằm về bản đồ hành chánh quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc.Thưở nhỏ học hành làm sao, sinh hoạt thế nào, không biết. Lớn lên, rời quê quán, có lẽ là để đi tu hành. Nhưng cả thân thuộc Ngài cũng không ai biết tông tích. Hình bóng của Ngài đã vùi mất từ lâu trong ký ức của mọi người có ít nhiều liên hệ.Nhưng Phật Thầy lại trở về làng Tòng Sơn sau khi đã xuất hiện tại Gò Công năm Giáp thìn (1844) rồi vân du qua các xứ Mõ Cày, Bến Tre, Cần Chông, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá và miền Thất Sơn.

    [​IMG]
    Đức Phật Thầy về làng Tòng Sơn (tranh minh họa)​

    Thật ra, Ngài trở về đúng vào tháng năm nào, không có gì để xác nhận. Tuy vậy, vẫn có những dấu hiệu cho biết, rõ là vào đầu năm Kỷ Dậu (1849) thì Phật Thầy đã hiện diện ở đây. Với dáng dấp của một người ngây ngây, lời ăn tiếng nói khi hư khi thực, rồi cộng với những việc làm có vẻ huyền diệu, Ngài mới bắt đầu gây được sự chú ý cho ít kẻ hiếu kỳ. Chẳng hạn như chuyện cây da bên rạch Tòng Sơn trốc ngã, làm tắt nghẽn lưu thông, mà chỉ bằng một cử chỉ nhẹ nhàng, Phật Thầy đã giúp làm cho cây da xếp lại. Như chuyện Ngài hằng đêm đốt lá da để lấy ánh sáng thay đèn, để lấy lửa đung nước và khi thấy có người lo sợ rằng hỏa hoạn có htể xảy ra do hành động đó của Ngài, thì Ngài trả lời bằng những câu úp mở, tỏ ra có đủ quyền năng để bảo đảm việc ấy. Nhưng, như đã nói, mới đầu Ngài chỉ gây được sự chú ý cho những ai hiếu kỳ, còn phần đông thì hoặc họ không biết đến Ngài, hoặc có người biết đến thì chỉ tỏ cẻ khinh bạc. Nhưng hình như Đức Phật Thầy không buồn nghĩ đến việc ấy mà hằng ngày lộ vẻ trầm ngâm, thường tìm đến chỗ tịch mịch để suy tư. Cái suy tư của một đạt nhân mang hoài bão lớn, muốn giải thoát cho đời mà thời cơ chưa đến!
    Ngài nghèo nàn, cô độc, một mình hiu quạnh nương tựa tại mái hiên sau của ngôi đình Tòng Sơn cũng nghèo nàn như Ngài.Năm ấy thời hành dịch tả nổi lên, tại làng Tòng Sơn bắt đầu thấy có người nhiễm bịnh. Dân làng lo sợ vái van, dự phòng thuốc men ngừa khi tăm tối xa thầy vắng chợ; còn hương chức làng thì tự thấy có trach nhiệm trước thánh thần, cho nên họ họp lại để làm lễ “tống gió”. gà, heo vái cúng.Thấy hành động của hương chức làng trái với chánh pháp, nên Phật Thầy ra trước mặt họ tỏ ý không tán thành. Ngài khuyên đừng nên làm việc sát sanh vô lý và ích kỷ như vậy. Mình không ưa “gió” thì “tống gió” cho ai! Nhưng chức việc làng bác bỏ lời Ngài, họ thản nhiên làm theo ý định.Những lời biện giải nhân từ và hợp lý của Phật Thầy hay đâu lại là điều làm phật ý mọi người. Người ta đồng lòng xua đuổi Ngài ra khỏi mái hiên đình, một nơi tuy âm thầm quạnh quẽ nhưng là một tổ ấm thân yêu mà Ngài đã nghỉ đỗ tự bấy lâu nay. Ngài chấp nhận lời họ, nhưng xin được thiết lễ ra mắt để tự chiêu khai lý lịch đã.Trước đông người, Ngài cho biết tên họ của mình, nói rõ danh tánh ông bà cha mẹ mình và xin mời những người thân thuộc của Ngài đến. Dòng họ của Đức Phật Thầy bấy giờ chỉ còn có vài người, nhưng trong vài người ấy, ông Đòan Văn Điểu và ông Đoàn Văn Viên, cũng không nhận diện được Ngài. Ngài phải nói hết căn do lưu lạc, việc tu hành của Ngài như thế nào, thì anh em mới nhìn được nhau.Rồi Đức Phật Thầy cáo biệt.

    [​IMG]
    Con rạch Tòng Sơn

    Chuyện vỡ lẽ, mọi người đều bịn rịn, khẩn cầu Ngài ở lại. Nhưng Phật Thầy quyết định lên đường, vì thời cơ và sứ mạng đã đến lúc khế hợp. Từ ấy người ta thấy Phật Thầy vân du nhiều chỗ. Tại Trà Bư (cách xa chợ Cái Tàu Thượng chừng non 10 cây số), tại Tân Phước (trên lòng rạch Cái Dứa) tại Mỹ Hưng (khoảng đầu Cù Lao Giêng), tại Cái Tre (bên kia bờ Tiền Giang, ven Đồng Tháp), thiên hạ đều thấy có bóng dáng Ngài thoạt đó thoạt đây. Ngài đi trên một chiếc xuồng bần, bơi bằng một thanh tre, gặp bịnh thì trị bịnh, gặp người thiện duyên thì thuyết pháp dạy tu. Cá nhân Ngài gắn liền với đám dân cùng khổ. Ngài an ủi, cứu trợ, khuyên dỗ, thương xót họ như tình thương bao la của mẹ với con.Nhưng chỗ Đức Phật Thầy ngụ lại hơi lâu là tại Trà Bư.Bấy giờ bịnh dịch lan tràn dữ dội. Đầu trên xóm dưới chết. Đau một giây một giờ rồi chết. Mà chết nhiều không kịp chôn. Thiên hạ hoảng sợ. Bè tống ôn tống gió bềnh bồng đầy sông. Ngoài đường vắng người đi. Ban đêm chó không dám sủa. Mà thỉnh thoảng có vài tiếng chó sủa thì người ta tưởng tượng là có âm binh về. Hễ nghe tiếng lộp cộp là ớn da gà, biết rằng trong xóm có một nấp quan tài vừa đậy lại (2)Nhân dân Tòng Sơn sợ hãi, hối tiếc rằng mình có Phật trong nhà mà đi cầu ma ngoài đường, nên yêu cầu ông Đoàn Văn Điều cùng đi với chức việc làng đến Trà Bư thỉnh Đức Phật Thầy trở về. Bấy giờ tại Trà Bư người ta đến cầu Ngài chữa bịnh đông như kiến cỏ, nên Phật Thầy không về Tòng Sơn. Ngài dạy các ông ấy hãy trở về đình, nơi Ngài nghỉ đỗ trước kia, tìm cái nang bằng mo cau dùng làm đảy đựng vật dụng mà Ngài còn để lại, sẽ có “cây thẻ năm ông” trong đó. Hãy cầu vái Phật Trời rồi thỉnh thẻ ấy mà uống thì tật bịnh tiêu trừ.Thật vậy, trong cái mo nang còn lại, người ta thấy có một quyển Sấm Giảng, một tấm trần đỏ và một cây cờ ngũ sắc. Tấm trần đỏ tức thời được thượng lên thờ tại đình, quyển Sấm Giảng được chuyền tay nhau đọc; còn cây cờ ngũ sắc thì chỉ trong ít ngày, người ta thỉnh về uống sạch (3). Chẳng những vải cờ mà cho đến cả cán cờ, chưn nhang và tro nhang trên bàn thờ cũng không còn. Bằng phương pháp đơn sơ như vậy, Đức Phật Thầy đã chận đứng được con bịnh ở Tòng Sơn.Tháng 8 năm ấy, Ngài đến Xẻo Môn, thôn Kiến Thạnh (giờ đây là xã Long Kiến), xuất hiện như một người cuồng, gây kinh dị không ít cho dân chúng. Nhưng rồi ai nấy vô cùng thán phục bởi đức độ và tài năng của Ngài. Ngài vừa chữa bịnh, vừa thuyết pháp dạy tu, người quy y đông vô số.Chỉ bằng một mảnh giấy vàng xé nhỏ, một chút nước lã hoặc một miếng giấy áo nhang, Phật Thầy không những trị bịnh thiên thời mà còn trị cả đến các bịnh ho, suyễn, cùi, phong, điên; bịnh hậu thổ huyết, bịnh trùng tang thằng bố. Mà trị đâu thì hết đó, tiếng đồn vang khắp, khiến người đến chiêm ngưỡng Ngài như nước triều dâng.Những người qui y với Phật Thầy đều được phát cho một lòng phái bằng giấy vàng hay giấy bạch, trên đóng ấn triện có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Tông phái này coi như được sáng khởi vào mùa thu năm Kỷ dậu (1849) mà Đức Phật Thầy Tây An là Giáo Tổ.Ngài luân lưu chữa bịnh, thuyết pháp và truyền giáo tại Lòng Ông Chưởng ít nhất là vào mấy tháng của mùa thu năm ấy; các địa điểm có mang vết chân Ngài được biết chắc chắn là tại đình thần thôn Kiến Thạnh (xưa ở Chưng Đùng), tại cốc Ông Kiến (nay là Tây An Cổ Tự) và tại chùa Sư Nhựt (thôn Kiến An). Nhưng kế rồi Ngài lâm nạn, phải tạm ngưng hoạt động.Viễn nhân đưa đến hoạn họa cho Đức Phật Thầy là do sự nghi kỵ của chánh quyền đương nhiệm. Nguyên là miền nam cho đến cuối đời Gia Long, vẫn còn là một biên phương ô tạp.Theo Đại Nam Chánh biên liệt truyện, Đại Nam thực lục chánh biên và nhiều cổ sử thư thì người Thổ, người Minh Hương, người Đồ Bà, người Chàm... và người Việt ta chung sống trên một vùng đất rộng ven các nhánh sông Tiền và Hậu. Tín ngưỡng quá phức tạp. Mê tín thì dẫy đầy. Đồng bóng ma quỉ như thường xuyên lẫn lộn bên nhau. Những tụ tập làm loạn thường dựa vào tình trạng phức tạp đó mà nổi dậy, khiến chánh quyền phải cấm ngăn phù thủy. Cãi thì trừng phạt bằng roi, hoặc bắt khổ sai, xay lúa, giã gạo. Thế mà các đám giặc chòm vẫn cứ tiếp tục nổi lên, trong đó thường có các tăng sãi chủ mưu.

    Theo sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện (4) thì giặc Sãi Kế là một loạn đảng quá dữ dằn, dám xưng vương, cướp phá lung tung các hạt Miên và tràn xuống đến Định Tường để cáp duồng, cươp bóc vào những tháng thượng bán niên Canh thìn (1820). Kế đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), nhiều cuộc loạn lại nổi lên ở Miên do các tên đầu đảng là Đột và Cố. Nước Xiêm nhân đó đưa Nặc Ông Đôn về Miên cướp quyền bảo hộ của Việt Nam, xúi dân làm loạn, cướp phá đến kinh Vĩnh Tế (5). Rồi thầy sãi Lâm Sâm (cũng gọi là Sư Sâm) thừa cơ dậy giặc ở Vĩnh Long và Trà Vinh, y có tới bảy tám ngàn đồ đảng, tất nhiên là có nhiều “thầy tu” chỉ huy, chiếm cứ Lạc Hoá, giết chết cả đến quan Bố chánh Trần Tuyên và quan Tri huyện Huỳnh Hữu Quang (6).
    Tiếp theo là Thiệu Trị thứ 5 và thứ 6 (1845, 46) Cao Miên liên tiếp có loạn, làm rối rắm Nam Kỳ, trong đó thường có sự tham gia của các sư sãi người Miên. Chính vì vậy mà khi nghe tin Đức Phật Thầy có uy lực tụ tập mỗi ngày hằng ngàn người, tự nhiên là triều đình phải sợ.Còn cận nhân gây ra tai nạn cho Phật Thầy là do bọn thầy cúng, bọn lang băm và bọn phù thủy bất học vô thuật. Chúng ganh tỵ trước sức thu hút quần chúng quá lớn lao của Đức Phật Thầy, vì Ngài có thể gây thất nghiệp cho chúng. Chúng tìm mọi cách để chỉ trích các phương pháp chữa bịnh, truyền giáo và hành giáo của Ngài. Đói ăn rau, đau uống thuốc, Đức Phật Thầy chữa bịnh không dùng thuốc, là một cái nghi. Thầy chùa thì phải đầu tròn áo vuông, Ngài đầu vẫn búi tóc, càm vẫn để râu, là hai cái nghi. Lễ Phật thường thì tụng kinh gõ mõ, giờ sao dạy lâm râm mặc niệm, không la ó gì, là ba cái nghi. Thờ Phật lâu nay chỉ thờ tượng cốt, nay lại thờ trần điều, là bốn cái nghi. Cúng Phật thường cúng chè xôi, lý do gì lại bác bỏ hết mà chỉ cúng hoa tươi nước lã, là năm cái nghi. Tất cả các nguyên cơ dẫn trên tập hợp lại thành một lưới nghi, khiến chánh quyền kết luận rằng Phật Thầy không phải một nhà tu hành chân chính, mà là một gian đạo sĩ, chuẩn bị quần chúng để làm một cuộc nội loạn.Đức Phật Thầy bị quan Tổng Đốc An Giang xuống lịnh bắt Ngài đưa về Châu Đốc câu lưu. Tại Châu Đốc, Phật Thầy đã đã đem tài hùng biện và dùng những huyền nhiệm để ứng phó với các viên chức chánh quyền. Những lời đe dọa, những cuộc thẩm vấn gắt gao, cùng với những trò thử hách đều được đưa ra, nhưng không hề làm lung lay được tâm hồn hiền thánh. Sau đó, không rõ bao lâu, người ta phóng thích Ngài.Tuy nhiên, để hợp thức hóa Phật Thầy như một nhà sư bình thường của Đạo Phật và để kiểm soát, theo dõi mọi hoạt động của Ngài, người ta buộc Ngài phải thế phát và phải vào tu tại chùa Tây An, một ngôi chùa do chánh quyền cất sẵn từ năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) qua bàn tay kiến trúc của quan Tổng đốc Doãn Uẩn (7).

    [​IMG]
    Tây An cổ tự

    Từ đó, Phật Thầy, trên phương diện pháp lý, là một nhà sư của chùa Tây An. Để tự túc sinh sống, chánh quyền có cấp cho Ngài tám mẫu ruộng bên chân núi Sam. Tại đây đã sẵn có một sư trụ trì thuộc phái Lâm Tế, có nhiều tượng cốt Phật, có gõ mõ tụng kinh!Ngộ biến tùng quyền, mặc dù trong một hình thức trái với chủ trương cải cách tôn giáo của Ngài, Phật Thầy vẫn ẩn nhẫn tùy thời để thi hành sứ mạng lập tông hành giáo.Tưởng nên nói rõ rằng chủ trương cảu Phật Thầy là lấy Đạo Phật làm căn, nhưng không thờ Phật cốt, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, không hành nghề thầy đám, không cúng kiến chè xôi và tu đâu cũng được. Theo giáo lý của Ngài thì người tu cốt tránh ác làm lành, rửa lòng trong sạch, giữ tâm thanh tịnh và hằng thực thi bốn ân lớn: ân tổ tiên, cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại (8).Cũng tại chùa Tây An núi Sam, Phật Thầy cảm hóa được vị thiền sư chủ chùa và thu hút hằng chục vạn thập phương thiện tín. Người ta xem Ngài như một Hoạt Phật và tôn xưng Ngài là Phật Thầy Tây An. Danh hiệu này là do thế tôn, không phải do Ngài tự đặt. Ngài cũng chỉ thị cho các đại đệ tử mở rộng việc truyền giáo ra khắp bốn phương, tiếp tục phát phù trị bịnh, tiếp tục cấp lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương để thu nhận thêm nhiều đệ tử. Cái bối cảnh Xẻo Môn trước kia giờ đây bộc hiện tại núi Sam với một niềm tin mãnh liệt và với một tinh thần phấn khởi hơn trước đối với người tin. Để tránh sự khủng bố của chánh quyền mà Phật Thầy tiên liệu là sẽ khó khỏi là nếu cho tập trung ở đó để truyền giáo theo chủ trương của mình, nên Ngài cho lệnh di tản tín đồ đi khai hoang tản mạn nhiều nơi. Các vùng cực xa xôi hoang vắng, chưa có vết chân ai bén mảng, là chỗ tốt cho sự thành lập các cơ cấu Bửu Sơn Kỳ Hương. Các cơ cấu tôn giáo vừa nói đều được Phật Thầy mệnh danh là trại ruộng. Tất cả tín đồ đều là cư sĩ tại gia, vừa làm lụng sanh nhai vừa tu hành tinh tấn. Các nông trại được coi như các chùa chiền và các đại đệ tử của Ngài được gọi là các Ông Đạo để làm những việc như các tăng sư truyền giáo.
    Năm 1851, từng đoàn tín đồ của Phật Thầy chia nhau ra đi. Đoàn khai hoang thứ nhất vào Thất Sơn, bên chân núi Két, nơi mà rừng bụi rậm rì, hổ báo lúc nào cũng có thể xuất hiện để đe dọa và làm hại người ta được. Đoàn này chia làm hai nơi, một do Ông Bùi Văn Thân tức Tăng Chủ Bùi Thiền Sư, một do Ông Bùi Văn Tây tức Đình Tây chỉ huy. Nơi đây nông trại Hưng Thới và Xuân Sơn được dựng nên (9)​
    Đoàn khai hoang thứ hai do Ông Quản Thành tức Đạo Thành (10) điều khiển, đem nhau đến Láng Linh, một vùng bùn lầy, mùa lụt như biển cả mà mùa hạn thì như bãi cát hoang. Địa thế không thuận lợi mấy cho nông nghiệp nhưng rất đắc địa cho khách ẩn cư tịch mịch. Tại vùng này, một trại ruộng mệnh danh Bửu Hương Các được dựng lên. Đoàn thứ ba do ông Đặng Văn Ngoạn đưa về miền Cần Lố, bên kia bờ Tiền Giang (vùng Đồng Tháp Mười). Một ngôi chùa được dựng lên tại Trà Bông để các tín đồ chiêm bái; còn ruộng rẫy thì ruộng rẫy thì rộng mở ra khắp nẻo rạch Trà Bông, trong lòng Cần Lố, lạch Ông Bường (11). Đoàn thứ tư về Cái Dầu, nay là xã Bình Long, sát hữu ngạn Hậu Giang, nơi có nhiều phù sa, tuy không phải chỗ hoàn toàn hoang lâm, nhưng vẫn còn mênh mông đất rộng, ông Nguyễn Văn Xuyến, tức Đạo Xuyến, đã cai quản các tín đồ sinh hoạt tại địa điểm này (12). Tất cả các nhân vật điều khiển các nông trại Bửu Sơn Kỳ Hương mà chúng ta vừa biết đều là những người đạo đức gương mẫu, thông Phật pháp, giõi võ nghệ, đầy lòng vị tha:
    Bùa linh đốt cứu người đau đớn Phù Phật dành dưng kẻ thiện duyên. Họ kiên nhẫn và bất vụ lợi, tinh thần khoáng đạt: Giày cỏ đến lui trời đất rộng, Áo sen xài xạc núi sông dài (13) Cho nên với cuộc sống đơn bạc, họ đã động viên hằng ngàn nhân lực đến mỗi nơi để sau đó lập thành thôn ấp, phát triển đạo đức. Nhiều làng xã như Hưng Thới, Xuân Sơn, Bình Long, Thạnh Mỹ, Vĩnh Hanh... (thuộc Long Xuyên – Châu Đốc) hoặc ở Đồng Tháp (thuộc Sa Đéc – Kiến Phong) ở Trà Bang (Rạch Giá)... đều đã do bàn tay, lưỡi cuốc khai phá của người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương mà nên. Chặng đời từ 1851 trở đi, tuy tiếng là ở tại núi Sam, nhưng thật ra Phật Thầy luôn luôn vân du hóa độ Tài liệu chắc chắn có thể kiểm chứng được cho thấy ngoài Châu Đốc – Đông Xuyên, nơi có sự trông nom của Đức Phật Thầy và ông Đạo Thành, công việc truyền giáo về Cao Miên có ông Đạo Lãnh, Bà Năm Chòn Dầu, về Sa Đéc – Vĩnh Long có ông Đạo Ngoạn, về các tỉnh Biên Hòa – Định Tường có ông Đạo Xuyến, về Hà Tiên – Rạch Giá có ông Đạo Lập (14). Những tu sĩ này được mật truyền tâm pháp và thảy đều nổi tiếng là những bậc chân sư. Phật Thầy thọ 50 tuổi, viên tịch tại chùa Tây An núi Sam vào giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856). Nhìn Bửu Sơn Kỳ Hương qua hành chỉ của vị Giáo Tổ, qua giáo lý và các tổ chức sinh hoạt của tông phái này, chúng ta thấy thể hiện ở đây một cải cách lớn, một sáng tạo đặc biệt chẳng riêng cho Phật Giáo Việt Nam mà là một đóng góp xứng đáng cho cả một dân tộc.(15) Giữa khi mà đất nước ly loạn liên miên gây ra bởi tham vọng của con người đồng chủng (chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh, tranh chấp Minh Mạng – Lê Văn Khôi) bởi tham vọng của những kẻ dị chủng (mấy trận xâm lăng của Xiêm và những dấy loạn của Miên) kế đến là những tà quỉ mị đạo mê hoặc lợi dụng, những cướp của sát nhân của những tên gian đạo sĩ (đồng cốt bóng chàng lường gạt trân tráo đến phải phạt khổ sai mà không bỏ; nào loạn Sãi Kế nào giặc Sãi Sâm), rồi tới nền kinh tế phát triển quá mức trên một vùng phì nhiêu nhất của đất nước làm thu hút đủ loại người chen đua, giành giựt, hư hèn (miền Hậu Giang hồi thế kỷ 19 đã tập trung nhiều giống người Chàm, Xiêm, Miên, Lào, Đồ Bà, Trung Hoa ở lẫn với Việt Nam) v.v... Giữa lúc ấy nếu không xuất hiện một phong trào chấn hưng đạo đức thích ứng như công đức hoằng hóa của Bửu Sơn Kỳ Hương thì chắc chắn miền Nam này sẽ trở thành một cái rún biển chất chồng tội ác, hoặc là một trong những ung nhọt của thế giới văn minh rồi. Nội bấy nhiêu đó cũng đủ làm bừng sáng ý nghĩa trong sự hiện diện của Bửu Sơn Kỳ Hương.* * *Ghi Chú:(1) Năm Gia Long thứ bảy (1808) bắt đầu đặt trấn Vĩnh Thanh, thuộc quyền Gia Định Thành, có một phủ Định Viễn và ba huyện (Vĩnh Bình, Vĩnh An, và Tân An)(2) Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Hương Sen xuất bản(3) Phải chăng là để nhắc lại việc này, Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết trong bài Thiên Lý Ca hai câu rất đúng với sự kiện và cảnh ngộ:Bữa xưa Giảng kệ một nang,Bởi vì ta mắc dời thoàn cảnh xa.
    Đức Phật Thầy quả đã để lại đình thần Tòng Sơn một mo nang Giảng kệ và trên chiếc xuồng bần, Ngài đã dời thoàn ra đi, không trở lại.(4) Mục Minh Mạng nguyên niên, tờ 8a.(5) Xem Thoại Ngọc Hầu và Những Cuộc Khai Phá Miền Hậu Giang, Hương Sen xuất bản 1973(6) Bản triều bạn nghịch liệt truyện, mục Thiệu Trị nguyên niên, tờ 21b(7) Đại Nam Nhất Thống Chí, phần An Giang tỉnh, mục Tự quản, tờ 29b. Trong quyển Mùa đông đã chép sai chi tiết này.(8) Nhận thức Phật Giáo Hòa Hảo, Hương Sen xuất bản, 1969(9) Thất Sơn mầu nhiệm, Từ Tâm tái bản, 1972(10) Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, Tân Sanh x.b. 1956(11) Theo Đạo Ông Giảng tập của Đặng Công Hứa, bản Nôm lục bát, không đề năm sáng tác. Nội dung nói về cuộc đời hành đạo của Ông Đạo Ngoạn.(12) Sự thôn thuộc và khai thác Đất Tầm Phong Long, Sử địa số 19, 20, 1970(13) Trích Liên hoàn thập thủ của Ông Đạo Lãnh (có thể do Phật Thầy bảo viết)(14) Xem Thất Sơn mầu nhiệm, Từ Tâm xuất bản 1972(15) Những xưng hô về sau phần nhiều là những lạm dụng hoặc lợi dụng . Người ta bắt chước theo một vài điều gì đó của căn gốc Phật Thầy rồi tự xưng mình cũng thuộc tông phái của Ngài để lấy uy tín. Sự thật đều là sai lạc chánh truyền. Chẳng hạn họ thấy Bửu Sơn Kỳ Hương có ân đất nước, có tranh đấu cứu quốc nên lợi dụng để quyến rũ quần chúng. Trường hợp “Lá cờ phản nghịch” có mang bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương kèm theo những phù chú nhăng nhít của một nhóm Thiên địa hội làm từ năm Ất mão (1915), bị thực dân Pháp bắt được năm 1916 mà giáo sư G. Coulet đã đề cập (Drapeau de I’insurrection de 1916 en Cochinchine) là một. Một trường hợp khác là có một số người lạm dụng tấm trần đỏ của Đức Phật Thầy để tôn thờ nhưng không tu học theo đúng tôn chỉ của Ngài. Điều này đã được Đức Giáo Chủ PGHH minh giải: “ Từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta là sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong đạo đổi lại màu dà (Tôn chỉ hành đạo, x.b. tháng 6 năm 1965)

    Tác Phẩm Bửu Sơn Kỳ Hương Từ Ông Nguyễn Văn Thới Trở Về Trước

    Bình sinh, Đức Phật Thầy chú trọng giáo pháp vô vi của Đức Phật, Ngài không chấp nhận những tạo tác mang tính chất hữu vi. Cả đến ngôi mộ của Ngài sau này, Ngài cũng di giáo không cho đắp nấm. Bởi lẽ ấy mà cũng giống như Đức Phật Tổ, Phật Thầy chỉ thuyết giảng phật pháp cho đại chúng nghe chớ không thấy một bổn kinh nào để lại có chứng tích là do chính tay Ngài viết.Một số Kinh Sám hiện không bị thất truyền là nhờ môn đệ của Phật Thầy chép lại sau khi họ được nghe Ngài diễn giảng, hoặc được lịnh của Ngài bảo viết, hoặc họ ghi nhận, góp nhặt những ý kiến , tư tưởng của Ngài để viết ra.Ngày nay đi tìm các bản Sấm truyền Kinh kệ Bửu Sơn Kỳ Hương xuất phát từ thời Phật Thầy cùng đi du hóa với các đại đệ tử của Ngài, thật là quá khó khăn ít ỏi.Về Hán văn, chúng ta có thể kể bài Tứ Bửu linh tự, bài Đạt đạo ngao du, bài Bát nhẫn, còn về chữ Nôm thì có kinh Giác Mê, Thập thủ liên hườn thi và mới đây nhất, quyển Sấm truyền vừa tìm ra được tại Tòng Sơn, đã làm giàu thêm cho phần kinh sách chữ Nôm của tông phái.Riêng về một số tác phẩm khác, cũng xuất phát từ căn cội Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng không do Phật Thầy cùng các đệ tử Ngài, chúng ta có thể kể được những bản hiện đang lưu hành.
    - Sám Giảng người đời, gồm 11 quyển không có nhan đề riêng từ quyển, cũng gọi là Giảng 11 hồi, của Ông Sư Vãi Bán Khoai.
    - Cửu Khúc kiểng tiên, gồm 9 quyển, cũng gọi là Giảng Chín Bổn, của Ông Nguyễn Văn Thới, tục gọi Ông Ba Thới, Chín bổn đó là:
    1). Kim Cổ kỳ quan (văn thất bát)
    2). Giác mê (văn song thất lục bát, kệ, thất ngôn bát cú và lục bát). Quyển này có một lối văn siêu thoát, không giống lối văn các bổn kia. Tương truyền rằng của thời Đức Phật Thầy du hóa, về sau được ông Ba Thới sao chép lại, ghép chung vào các bổn của ông.
    3). Cáo thị (văn vè, lối vãn tư, có lúc thất ngôn, lục bát, thất bát)
    4). Vân tiên (văn lục bát. Trong đó có quyển Thiện Từ, lục bát, và quyển Cổ Vãng Kim Lai,thất ngôn trường thiên).
    5). Ngồi buồn (văn lục bát)
    6). Ngọc hải Quỳnh Lâm, cũng gọi Bổn tuồng (văn hát bội, có giáo đầu, vẵn viết, hựu viết, loạn viết).
    7). Thừa nhàn (văn lục bát).
    8). Tiền Giang (văn lục bát, có phụ phần thất ngôn, biến thể).
    9). Kiểng tiên (văn thất ngôn, thất bát).Bởi chúng tôi không có bản Nôm do chính tay Ông Ba Thới viết, mà chỉ tham khảo theo hai bản quốc ngữ, chắc chắn là in sai rất nhiều, nhất là sự sắp đặt đoạn mạch hết sức lôi thôi, cho nên sự phân chia làm Chín Bổn như trên chưa hẳn là đúng. Có người cho rằng hai quyểnGiác Mê và Kim cổ kỳ quan là của Phật Thầy hoặc do các đại đệ tử Ngài, mà thật sự Cửu khúc của ông Ba phải kể là: Cáo thị, Vân Tiên, Thiện từ, Cổ Vãng kim lai, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền Giang và Kiểng tiên. Điều này chưa có gì làm bằng chứng để xác nhận. Vậy xin đánh dấu tồn ghi (?).

    Nguyên Lai Quyển Sấm Truyền Của Tông Phái Phật Thầy Vừa Tìm Được

    Như chúng ta đọc thấy ở chương trước, Sấm truyền Bửu Sơn Kỳ Hương hiện nay còn được lưu hành thật quá hiếm hoi và chắc rằng trong số còn lại đó phần lớn bị sai chạy quá nhiều. Sai chạy từ việc không đúng nguyên tác cho đến việc lẫn lộn tác giả.Một lẽ giản dị để hiểu lý do sai chạy nguyên tác là vì tất cả kinh kệ ấy đều không được khắc in mà chỉ được chép tay. Người ta đã tam sao thất bổn từ các bản Hán, bản Nôm dẫn cho đến lúc được phiên âm quốc ngữ. Vấn đề chính tả quốc ngữ còn thêm một lần nữa làm cách cội xa nguồn nếu người phiên âm không có một trình độ kiến thức khả quan. Còn về việc lẫn lộn tác giả thì thường do thông lệ cữ tên. Người ta vì kính trọng người lớn, muốn húy tên người lớn. Vả lại với quan niệm thông thường ngày xưa là một tác phẩm chép tay dù có truyền bá rộng đến đâu thì ắt “những người chuyền tay nhau chép cũng đã biết tên tác giả rồi”, vậy cần gì phải phô trương để có thể đưa đến ít nhiều hậu quả này nọ...Đã sai chạy văn từ trên nguyên tác, lại cũng không biết tác giả là ai, tác phẩm còn dễ bị mai một bởi công việc chép tay thì số lượng phổ biến rất giới hạn, chúng chịu đựng làm sao nổi trước những biến cố của thiên tai, chiến họa, của những lần pháp nạn và của mối mọt làm tàn hoại lần hồi. Đó là một lí do khác khiến tác phẩm hiện nay còn lại rất hiếm hoi.Trong số những quyển Sấm Giảng bị thất truyền mà chúng ta đoán rằng khá nhiều đó, có một quyển chúng tôi vừa may mắn tìm được. Nó có một lịch sử lâu dài ngót cả trăm năm kể từ lúc được khai sanh cho đến ngày châu về hiệp phố. Xin phép được trần thuật nguyên lai.Độc giả hẳn còn nhớ, xưa kia, khi Đức Phật Thầy Tây An rời Tòng Sơn đến Trà Bư, thì dân chúng Tòng Sơn rất bối rối vì chứng bịnh thời khí tại đó càng lúc thêm nhiều. Ông Đoàn Văn Điểu cùng với hương chức làng đã phải đến Trà Bư để thỉnh Đức Phật Thầy trở lại. Nhưng Đức Phật Thầy không về Tòng Sơn, Ngài chỉ mách cho họ một cái mo nang để lại tại đình mà trong đó có bức trần đỏ, có một quyển Sấm Truyền và có một cây cờ ngũ sắc. Theo lời thuật đích xác của Ban quản tự Tòng Sơn cổ tự cũng như nhiều bô lão trong vùng, thì chính quyển Sấm Truyền đó được dân chúng chuyền tay nhau đọc và rồi thì vẫn đem về trả lại để trân tàng tại bàn Phật tại đình Tòng Sơn. Cũng theo lời các bô lão ấy kế tiếp, đó là một truyền thống lưu liên tại đây từ xưa.Đến thời ông Võ Văn Đống làm Hương cả (1) thì quyển Sấm truyền này được sao chép ra và được truyền về thôn Mỹ Chánh một bổn. Bổn còn lại lần hồi cũng được chép lại bởi quá cũ vì trao tay quá nhiều người.Trải qua biết bao nhiêu biến cố, nào khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây (1867) dân Tòng Sơn phải chịu nhiều khốn đốn; rồi tiếp đến những cuộc nổi dậy của các phong trào bình Tây sát tả, dân chúng tự vệ, nhất là cuộc kháng chiến của Quản cơ Thành (tức Đức Cố Quản) từ những năm 1868 đến 1873. Vì nghe theo tiếng gọi của người cùng một đạo mà dân chúng Tòng Sơn đã chạy theo Bình Gia Nghị (2) khá đông, bởi thế mà khi bộ đội của ông Đạo Thành bại trận (tháng 2 năm 1873), Tòng Sơn đã bị khủng bố tơi bời.Đến cuộc đảo chánh năm 1945, Việt Minh lên nắm chánh quyền kế bị Đệ tam sư đoàn rược đuổi tại Cái Tàu Thượng, rồi tiếp theo là quân đội Pháp trở lại, quân đội kháng chiến đánh nhau với Pháp... Những dồn qua dập lại gây nên cảnh khói lửa ngụt trời,, Tòng Sơn bấy giờ là xã Mỹ An Hưng, phải gánh chịu biết bao nhiêu tang tóc. Nhà cửa tiêu tàn, tủ ghế, chõng ngựa và cả đến chén bát, lu hũ cũng phải ném ra bờ tre để tránh lửa, người dân có lúc tản cư sạch ấp. Chạy mình không mà còn chưa ắt đủ vợ đủ chồng, còn sá chi đồ đạc...Bởi vậy mà bổn Sấm Truyền chánh gốc không rõ đã bị thất lạc về đâu.Được hỏi ra, người ta biết rằng có một bổn được sao chép lại từ năm Kỷ dậu (1909) theo một bản cũ ngày xưa để thờ trên bàn Phật đình Tòng Sơn, nhưng bổn ấy được vị Hương Chủ trong làng là ông Võ Tương Như mượn về nhà xem. Hỏi ra nữa, thì ông Võ Tương Như đã chuyền tay về ông Nguyễn Thanh Cự. Lại hỏi phăng ra lần nữa, thì ông Nguyễn Thanh Cự nhận rằng có mượn, nhưng vì trải qua bao nhiêu thế cuộc thăng trầm, không rõ đã lạc về đâu! Ông Cự bị ông Như đòi để trả lại làm bảo vật cho làng. Nhưng ông Nguyễn Thanh Cự đành bó tay vì nhà cửa đã bị giở, đồ đạc đã bị dời, lục soát lại mãi mà không thấy vật cũ đáng quí ấy. Chuyện này từ ấy lần hồi bị giải đãi bỏ trôi. (3)Mãi cho đến năm 1963, chùa Tòng Sơn được thành lập bên cạnh ngôi đình thần có mang dấu tích của Đức Phật Thầy, Ban trùng tu cùng với các giới chức trong làng mới kiểm điểm các vật xưa còn lại (như tấm trần đỏ của Đức Phật Thầy cho, như tấm biển sơn son thiếp vàng mang ba chữ Đoàn Phật Sư) đễ thỉnh từ đình sang thờ tại chùa. Trong dịp này người ta bỗng nhớ ngay đến bổn Sấm truyền ngày trước.Chuyện cũ giở ra thành mới, ai nấy đồng xuýt xoa tiếc rẻ. Ông Phan Tấn Xưa (tức Do) lúc đó là Trưởng ban trùng tu chùa Tòng Sơn, bèn đề nghị với ông Nguyễn Văn Phú (là con của ông Nguyễn Thanh Cự, cũng có chân trong ban trùng tu) nên cố sức về nhà lục soát lại để may ra,vì trước kia ông Nguyễn Thanh Cự già cả, có thể tìm sót chăng? Ông Nguyễn Văn Phú gượng gạo nhận lời với hy vọng cầu may mà thôi, vì ông tự biết gia đình của ông đã bị trải nhiều biến cố và thân phụ ông xưa kia từng đã không tìm được kia rồi!Nhưng sau đó bất ngờ ông Nguyễn Văn Phú lại kiếm gặp nguyên vẹn bổn Giảng xưa nói trên nằm thu mình trong một ngăn tủ đầy bụi nhện mà trước đó ông đã nhiều lần lục soát nhưng không thấy.Ông Phú đã mang quyển ấy đến chùa với sự hân hoan của toàn thề những người trong cuộc. Và quyển Sấm Truyền từ ấy được trân tàng cùng chung trong một chiếc hòm bằng gỗ quí đang đựng tấm trần đỏ thờ ở chánh điện của chùa Tòng Sơn.Muốn hiểu biết nội dung Sấm truyền khuyến dạy điều gì, cũng như muốn đem phổ biến quyển ấy cho đại chúng cùng hiểu,, nhưng ngặt vì tác phẩm toàn bằng chữ Nôm, mà trong Ban Quản Tự thì không ai đọc và phiên âm quốc ngữ được, cho nên rồi cũng đành thôi.Trong thời gian từ 1963 đến nay, ông Phan Tấn Xưa đã yêu cầu nhiều người đọc hoặc nhờ họ nhờ lại người khác đọc và phiên âm giúp. Trong số những người ấy có ông Phan Văn Nghi ở xã Bình Phước Xuân và Đại Úy Phan Thành Công ở Long Xuyên. Nhưng không ai làm thỏa mãn được yêu cầu đó của ông, nên chuyện vẫn đâu còn nguyên đấy.Cho đến ngày 14-7-1973, nhân một phiên họp tại Tòng Sơn cổ tự giữa Ban Quản Tự chùa này cùng với Ban Chẩn Tế Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo để lo chỉnh trang sân và đường vào chùa, chuẩn bị cho kỳ đại lễ kỷ niệm lần thứ 117 ngày viên tịch của Đức Phật Thầy Tây An, vấn đề trên mới được đề cập trở lại. Tất cả đồng đề nghị mang quyển Sấm Truyền ấy đến chúng tôi.Ngày 20-7-73, các ông Trịnh Văn Tại, Nguyễn Trường Chấp, Đỗ Văn Lùng và Bùi Ngọc Hưỡn, đại diện cho Ban Quản Tự và Ban Chẩn Tế, đích thân đưa quyển Sấm Truyền ấy đến tận tư thất của chúng tôi và ngõ ý muốn tôi nghiên cứu để nếu thấy quả thật đây là Sấm Truyền căn gốc Bửu Sơn Kỳ Hương thì biên khảo, phiên âm để các ông hoan hỉ ấn hành.Sau một tháng làm việc, khi Ban Chẩn tế Phật Giáo Hòa Hảo và Ban Quản Tự Tòng Sơn Cổ Tự đã đệ trình Đại Diện Tổ Đình PGHH duyệt lãm, ngày 21-8-1973, tôi thân hành đến Tòng Sơn cổ tự để sưu tầm, tham khảo thêm tại chỗ cho một số sự kiện còn lại. Hôm ấy, lúc 10 giờ 30, trước sự hiện diện của hằng ngàn tín hữu, đông đủ các nhân viên Ban Quản Tự, Ban Chẩn Tế, có sự tham dự của Trung tá Nguyễn Minh Tâm, Quận trưởng Chợ Mới; bác sĩ Huỳnh Trung Nhì, Trưởng y tế An Giang; bác sĩ Đào Tuấn Kiệt, Giám đốc bệnh viện Long Xuyên; bác sĩ Trần Lỹ, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trung Trực; bác sĩ Phan Văn Bàn, bác sĩ Ludwick và cô Lise Côté (Canada) chuyên viên của Trung tâm y tế toàn khoa Long Xuyên, và nhiều giáo sư, giáo viên, sĩ quan, thân hào nhân sĩ, chúng tôi đã diễn thuyết về vấn đề này và liền sau đó, được hội thảo, phỏng vấn, chụp ảnh và ghi âm lời nói của Ban tổ chức cùng với những tài liệu chi tiết hữu ích cho việc biên khảo sách này.Có lẽ nhờ vậy mà nguyên lai của quyển Sấm Truyền được thêm phần sáng tỏ đối với quý độc giả lâu nay còn xa lạ trước nguồn cội Bửu Sơn Kỳ Hương.Quyển Sấm Truyền được trần thuật nguyên lai trên đây mang một hình thức mỏng manh, nếu lật mạnh có thể bị rệu rã một cách dễ dàng. Nhưng may mắn là chữ cò nguyên vẹn trừ một ít dấu mối mọt gặm nhấm và một ít chỗ lằn xếp có bị rách sờn.Ngang một tấc 70, dài 3 tấc 90, xưa nó được viết bằng mực đen trên nền giất bạch, nay vì quá cũ quá đã sẩm xuống thành một màu xám đục. Nét chữ thật đẹp, thật đều. Văn lục bát, có điểm dấu chấm câu và chép đầy đặc tất cả các trang không hề bỏ trống. Sách gồm 8 tờ (16 trang). Chỉ tờ cuuối còn dư ra một trang. Hình như trước đây chừng khoảng 40 năm, tờ đó đã bị cũ rách, sứt ra, nên được một tuồng chữ khác chép lại trang đó trên một thứ giấy “nhựt trình trắng” rồi đóng kèm thay vào.Tuy nét chữ viết đẹp, bay bướm lắm, nhưng có lẽ vì theo một bản nào trước đó có bị chép sai, cho nên có lắm chữ không được Nôm đúng cách và có một số vần bị lạc. Có bôi xóa 6 chữ chép thừa và gạch thêm 11 chữ chép thiếu.Đầu sách có đề năm tháng và tên người chép giúp bổn Sấm Truyền, nguyên văn như vầy:“Tuế thứ Kỷ Dậu niên, nhuận nhị ngoạt, nhị thập thất nhựt – Đồ Trương trợ bút nhất quyện Giảng” (Năm Kỷ Dậu, tháng hai nhuần, ngày 27, quyển Giảng này do Trò Trương viết giúp).Tính theo âm lịch, nhờ người sao chép có ghi rõ là tháng hai nhuần, nên chúng ta được biết chắc Kỷ dậu này là 1909, cách nay 64 năm. Chúng tôi đã hết sức truy tầm, nhưng không rõ “Đồ - Trương” là ai, còn có miêu duệ gì ở Tòng Sơn – Hổ Cứ không, nhưng không được một ai biết mảy may gì liên hệ để giúp chúng tôi đạt được ý nguyện.Theo thời gian được ghi chép chắc chắn trên đây, bổn Sấm Truyền này đáng được coi là một bản Nôm chép tay xưa nhất trong các bản Nôm còn lại của Bửu Sơn Kỳ Hương. Xưa hơn bộCửu khúc, Kiểng tiên của ông Nguyễn Văn Thới và xưa hơn cả bộ Sấm Giảng người đời của ông Sư Vãi, nếu ai còn giữ được nguyên tác; bởi vì bổn Sấm Truyền này là một bổn được sao chép lại chớ không phải mới được sáng tác từ năm Kỷ Dậu 1909 ấy. Nó đã có trước năm sao chép lâu rồi!

    Sự Đồng Nhất Quan Điểm Giữa Quyển Sấm Truyền Vừa Tìm Được Và Sấm Giảng Toàn Bộ Phật Giáo Hòa Hảo.


    Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) khởi nguyên từ căn gốc Đạo Phật rồi noi theo truyền thống cách mạng Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An để trở thành một tông phái vững vàng trên hệ thống tư tưởng và chặt chẽ trên cơ sở tổ chức nghi thức tôn giáo hiện đại.
    Nếu chịu khó lần dò theo Sấm Giảng thi văn toàn bộ của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, chúng ta sẽ được thấy Ngài có khai thị những điều vừa nói đó cho ta.

    1-
    Về căn gốc đạo Phật

    *Phần cơ chỉ để lập tông:
    Đạo vô vi của Phật ân cần,
    Nối theo chí Thích Ca ngày trước.”
    (Giác mê tâm kệ)

    *Phần căn bản để thuyết giáo:
    Nhìn Phật giáo mà tìm cái lý,
    Coi tại sao ta phải tu hành.
    (Giác mê tâm kệ)

    *Phần sắc thân Giáo Chủ:
    Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,
    Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca.
    (Kệ dân của Người Khùng)

    2- Về truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương

    *
    Phần xác định sự đồng nhất của tông phái:
    Huỳnh sanh cơ thẩm đáo trung đàn,
    Tự giác âm thầm kiến tiên bang.
    Bửu Ngọc Sơn trung Kỳ Hương chí,
    (Sưu tập thi văn giáo lý)

    *Phần hòa hợp giữa giáo điều:
    Những Sấm truyền xưa của Phật Thầy,
    Dân ráng kiếm mà truy thì biết.
    (Giác mê tâm kệ)

    *Phần liên hệ giữa hóa thân tái kiếp:
    Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,
    Chớ chẳng phải của người lãng trí.
    (Giác mê tâm kệ)

    Đã nắm chắc được những điểm căn bản của tông phái như vậy rồi, giờ đây chúng ta mới có đủ yếu tố đi sâu hơn vào sự tìm hiểu những gì được coi là đồng nhất giữa quyển Sấm Truyền mới tìm được với toàn bộ Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo.
    Trườc hết, chúng ta cần thấy rõ những điều di giáo xưa kia của đức Phật Thầy Tây An và những điểm minh thị của Đức Huỳnh Giáo Chủ hôm nay.
    Nếu Đức Phật Thầy xưa kia có những câu Sấm truyền di giáo:
    Chừng nào gốc mục lên chồi,
    Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.
    Hoặc là:
    Chừng nào trâu rống dưới sông,
    Lòng Ông bảy chợ thì Ông trở về.

    Thì Đức Huỳnh Giáo Chủ hôm nay đã đương nhiên xác nhận:
    Khùng này quê ngụ núi Sam,
    Còn Điên chẳng có chùa am dưới này.
    (Sấm giảng quyển nhất)
    Hoặc là:
    Bàn tay lật ngửa vậy mà,
    Chờ đừng lật sấp vì Thầy tái sanh.
    (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

    Kế đến, tưởng cũng nên hiểu qua địa điểm xuất phát tác phẩm, căn gốc tông phái và danh xưng tông phái, được chép trong bổn Sấm Truyền:
    Câu vào đầu xác định địa điểm phát tích tác phẩm cũng như của vị Giáo Tổ (1):

    Thừa nhâm Hổ Cứ bước sang,
    Tháng heo giáo giác kiếm đàng chạy ra.

    Và những câu nối tiếp cho biết căn gốc tông phái:

    Nhiệm mầu vui đạo Thích Ca,

    Thiền môn hứng chí Di Đà lòng chuyên.
    Nương thuyền Bát Nhã cho yên,
    Vào non ngũ uẩn tín thiền sùng tu (2)

    Danh xưng tông phái cũng được thấy đưa ra trong quyển Sấm Truyền:
    Bao giờ hưởng thọ Kỳ Hương,
    Tuế tăng vạn tuế lưu phương lâu dài.

    Tiến sâu hơn vào sự đồng nhất quan điểm giữa xưa và nay trong Sấm Kinh BSKH và PGHH, chúng ta càng thêm thấy rõ cái diệu thâm của Đức Huỳnh Giáo chủ qua những biện giải, những nhận định và những lời tiên báo. Đó là những gì bàng bạc đều khắp trên giấy trắng mực đen nếu chúng ta chịu khó thành lập những bản đối chiếu. Ở đây trong phạm vi giới hạn, chúng tôi chỉ rút ra một ít quan điểm tương đồng của quyển Sấm Truyền mà thôi.

    3- Về giáo lý căn bản.

    *Đề cập trong Sấm Truyền việc tu tứ ân:
    Kỉnh trời kỉnh đất thần minh
    Tông môn phụng tự giữ toàn tứ ân (3)

    Được nhắc tới trong bài Vọng Bắc hòa nam của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
    Câu quân ly tứ ân chạm dạ,
    Nếu chẳng gìn phải đọa đừng than.

    *Đề cập trong Sấm Truyền về tu quốc vương thủy thổ, tu hiếu hạnh, tu huệ và tu phước:
    Làm người tự giác tự minh,
    Phật tiên mến tưởng thiên đình cũng thương.
    Tu tâm tu tánh giữ thường,
    Tu trong kinh giáo Phật Đường truyền ra.
    Tu tánh tu hạnh, nết na,
    Tu câu lục tự Di Đà đừng quên.
    Tu hiền hiếu nghĩa đôi bên,
    Tu cang tu kỷ gắng bền hiếu trung.
    Tu nhơn tu đức để lòng,
    Tu trao vóc ngọc lắm bùn đừng mang.
    Tu công bồi đắp miếu đàng,
    Tu tài bố thí việc gian thì đừng.
    Tu cầu thánh thọ thiên xuân,
    Dân khương vật phụ khỏi oan cơ hàn.
    Tu cầu van hải thiên san,
    Hà thanh hưng vượng vạn bang thái bình.
    Thần hôn lạy Phật đọc kinh,
    Lạy Thầy đức hóa tái sanh đạo mầu.

    *Được Huỳnh Giáo Chủ cũng giảng giải tương tợ trong Sấm Giảng quyển ba:
    Ai mà tu tỉnh chuyên cần,
    Làm đường ngay thẳng có thần độ cho.
    Thương đời hết dạ cần lo,
    Chẳng lo niệm Phật nhỏ to làm gì.
    Tu là tâm trí nhu mì,
    Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong.
    Tu cầu cứu vớt tổ tông,
    Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.
    Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,
    Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.
    Tu đền nợ thế cho rồi,
    Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.
    Người tu phải lánh hơi men,
    Đừng ham sắc lịch lắm phen hại mình.
    Tu là sửa trọn ân tình,
    Tào khang chồng vợ bố kình đừng phai.
    Tu cầu Đức Phật Như Lai,
    Cứu dân ra khỏi nạn tai buổi này.
    Chữ tu chớ khá trễ chầy,
    Phải trau phải sửa nghe Thầy dạy khuyên.

    4- Về thiên cơ.


    *Đề cập trong Sấm Truyền cái diệu lý của máy trời:
    Mèo kêu vang, Mèo kêu vang,
    Rắn Rồng sợ chạy vào ngàn ẩn thân!

    *Được Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH minh họa khá rõ ràng trong Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm:
    Mèo kêu bá tánh lao xao,
    Đến chừng Rồng Rắn máu đào chỉn ghê!

    *Đề cập trong quyển Sấm Truyền về Hội Long Hoa:
    Long Hoa thắng hội tiêu diêu,
    Dữ lành đến đó mai chiều sẽ hay!

    *Được Đức Huỳnh Giáo Chủ xác nhận trong quyển Kệ dân cuả Người Khùng:
    Lập rồi cái Hội Long Hoa,
    Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu!

    5-
    Về đả phá dị đoan mê tín.

    *Đề cập trong Sấm Truyền việc những tà thuyết mê hoặc:
    Dị đoan án nội rõ ràng,
    Diêm đình tội để khó toan luân hồi.

    *Được Đức Giáo Chủ PGHH thuyết minh trong Giác mê tâm kệ:
    Bỏ dị đoan mới thấy đạo mầu,
    Bớt giả dối gặp người thượng cổ.

    6- Về tá danh ẩn hiện.


    *Đề cập trong Sấm Truyền về danh xưng Cư Sĩ:
    Phận mình Cư Sĩ dám bày,
    Luật ghi phép tắc giảng bài tỏ phân. (4)

    *Được Huỳnh Giáo Chủ tự xưng trong quyển Khuyến Thiện:
    Ta là Cư Sĩ canh điền,
    Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành (5)

    Sau khi lược qua những quan điểm tương đồng – xin nhấn mạnh, đây chỉ là những quan điểm – chắc độc giả đã có được những ý thức khái quát về sự liên hệ giữa Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chính ở những liên hệ ấy mà Phật Giáo Hòa Hảo có được một lịch sử sâu dày, một nền móng vững chắc mà trên đó cơ sở tư tưởng càng thêm phong phú.

    * * *
    Ghi chú:
    (1) Đức Giáo Chủ PGHH lúc mới mở đạo tại Thánh Địa Hòa Hảo, khi đến viếng các làng kế cận, Ngài cũng có sáng tác thi kệ ở đó, thí dụ bài Viếng Làng Phú An, Viếng Làng Mỹ Hội Đông.
    (2) Trong kinh Giác Mê, chánh gốc BSKH, cũng có câu tương tợ:
    Vào non ngũ uẩn mới thông,
    Luyện nên linh dược thì lòng mới an.
    (3) Trong kinh Giác mê, cũng viết:
    Loài cầm thú còn hay biết ổ,
    Huống chi người nỡ bỏ tứ ân.
    (4) Đức Phật Thầy Tây An cũng có danh xưng là Tây An Cư Sĩ
    (5) Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo cũng có bút hiệu là Hồng Vân Cư Sĩ.


    Một Chút Nhận Định

    Để bước sang phần phiên âm bổn Sấm Truyền của tông phái Phật Thầy, thiết tưởng những ai là hàng tu học theo truyền thống BSKH của Đức Phật Thầy và PGHH của Đức Huỳnh Giáo Chủ đều nên chú ý đến những lời khuyến giáo và những điều nhắn nhở sau đây của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Bởi vì theo Ngài trong Kệ dân, thì là: “lời của Người Di Tịch Núi Sam, chở chẳng phải bày điều huyễn hoặc”.
    Những lời khuyến giáo đó là:
    Những Sấm truyền Xưa của Phật Thầy,
    Dân ráng kiếm mà truy thì biết.
    Xưa để lại nhiều câu thảm thiết,
    Mà nào ai có biết để lòng!
    Chuyện thiên cơ nói rất não nồng,
    Câu hữu lý bá tòng khó sánh
    (Giác mê tâm kệ)

    Và những lời nhắn nhở cần ghi tạc:
    Lời khuyên Xưa cũng một lần,
    Nay mượn xác trần xuống bút ra cơ,
    (Sám Giảng quyển ba)

    Bữa xưa
    giảng kệ một nang,
    Bởi vì ta mắc dời thoàn cảnh xa.
    (Thiên lý ca)

    Khi Xưa ta cũng làm thơ,

    Mà đời trần hạ làm ngơ ít nhìn!
    (Sám Giảng quyển ba)

    Còn một điều nữa tưởng cũng nên đề cập là đối với một tác phẩm tôn giáo, chúng tôi dụng ý không làm công việc phân tích và phê bình như đối với công việc khảo luận một tác phẩm văn chương. Bởi vì, trong tác phẩm tôn giáo, phần quan trọng là tính chất mặc khải, được sùng tín như một khai thị thiêng liêng, trong đó thường hàm súc những ý tưởng u vi, những lời lẽ pha lẫn thực hư hư thực, tóm lại là những cao từ ẩn ngữ, ý tại ngôn ngoại, không giống như các tác phẩm văn chương lịch sử thường lệ.
    Mặc dù vậy, chúng ta cũng nhận thấy cần phớt qua rằng, trừ những chỗ chép sai mà chúng tôi không hề dám tự tiện sửa đổi một chút gì, bổn Sấm Truyền có một hình thức văn chương độc đáo so với các tác phẩm tôn giáo trong tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương kể từ Cửu khúc kiểng tiêntrở về trước. Nếu kinh Giác mê phảng phất đầy hương hoa thoát tục thì phẩm Sấm Truyềncũng ngào ngạt những thi vị thần tiên. Còn về nội dung thì:

    - Triết thuyết rất cao siêu huyền diệu.
    - Nhân sinh quan thích thực, phù hợp với thời kỳ mạt pháp hạ ngươn.
    - Nhiều tiên tri ứng nghiệm với thực tế thời cuộc.
    - Khuyến giáo tu hành rất gấp rút thiết tha.

    Thật quả như lời của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo dặn dò mà chúng ta đã thấy:

    Xưa để lại nhiều câu thảm thiết,

    Mà nào ai có biết để lòng!
    Và:
    Chuyện thiên cơ nói rất não nồng,
    Câu hữu lý bá tòng khó sánh.

    Dù sao, đây chỉ là một chút nhận định. Dám mong độc giả “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy tự mình làm ngọn đèn soi sáng cho mình. Hãy tự mình làm chỗ nương cậy cho tự chính mình”, để chúng ta cùng đồng đi sâu vào chân lý tuyệt diệu của đạo!

     
    Sửa lần cuối: 29/3/13
  2. Thuma

    Thuma Member

    Phần Thứ Hai - Hình Ảnh, Bản Phiên Âm, Bản Sao Nôm Quyển Sấm Truyền Của Tông Phái Phật Thầy

    Hình Ảnh Liên Hệ.

    Sau đây là các hình ảnh có liên hệ đến Bửu Sơn Kỳ Hương. Mỗi hình ảnh đều có một xuất xứ riêng biệt, do đó cần dẫn giải để độc giả tiện việc theo dõi.


    • Tấm trần điều
    [​IMG]
    Tấm trần điều do Đức Phật Thầy để lại, cách đây 124 năm

    Đó là một bức vải màu đỏ, ngang chừng 7 tấc, dài hơn 1 thước, hai đầu có may muông dùng căng thẳng ra để treo lên trên bàn thờ Tam Bảo.Thay vì tượng cốt hoặc hình vẽ Đức Phật, Đức Phật Thầy Tây An chủ trương theo đúng tinh thần vô vi, không tạo nên hình tướng mà chỉ thờ một bức trần điều. Dầu cho ở tại nhà hay tại chùa, Ngài cũng dạy chỉ nên thờ như vậy.
    Bức trần điều được in sau, là một căn tích đầu tiên mà chúng ta được thấy đề cập trong một chương trước. Chính Đức Phật Thầy đã để bảo vật này trong một mo nang cùng với một bổnSấm Truyền và một “cây thẻ năm ông”. Ngài dạy thượng bức trần điều này lên để thờ, dùng quyển Sấm truyền để làm giáo pháp tu hành; còn cây thẻ Năm ông, tức cây cờ ngũ sắc, thì để chữa bịnh.Như chúng ta sẽ thấy trong ảnh, bức trần vì trải qua trên 100 năm, nên màu đã bạc, có lủng rách nhiều chỗ, nhưng luôn luôn được gói kín, cất giữ cẩn thận.Năm 1951, ông Trần Văn soái, Tổng tư lịnh quân đội PGHH đến hành hương tại đình Tòng Sơn. Ông có xin phép được xem qua của thiêng ấy. Nhìn vật cũ rồi nhớ tới căn tích xa xưa và công đức hoằng hóa của Đức Thầy, bất giác ông Tổng tư lịnh chạnh lòng rơi lệ. Ông phát tâm hiến cúng một cái hộp dài bằng gổ quí để dùng đựng tấm trần điều này.
    Hiện báo vật nói trên được tôn quý tại Đại Hùng Bảo điện của ngôi cổ tự Tòng Sơn.


    • Mớ tóc của Đức Phật Thầy.


    [​IMG]
    Mớ tóc của Đức Phật Thầy sau khi Ngài thế phát

    Lúc ở tại Tòng Sơn, Đức Phật Thầy có đi xuồng qua rạch Cái Dứa, thôn Tân Phước và Bình Đức để hóa độ. Nơi đây Ngài có thâu nhận mấy vị đệ tử là ông Chánh bái Nguyễn Văn Duyên và ông Nguyễn Văn Kỉnh đạo hiệu Thần Tự Kỉnh. Những vị này tu niệm chí tâm, được Đức Phật Thầy cấp cho lòng phái và có cho chép kinh để tu học.Khi Phật Thầy vân du đến Xẻo Môn rồi bị bắt về An Giang, kế được lịnh xuống tóc, thì các vị này vẫn không đổi ý, cứ một mực trung thành với đạo.Để khuyến khích họ tinh tấn tu hành, Đức Phật Thầy đã gởi cho hai vị kể trên mỗi người một mớ tóc. Ngày nay miêu duệ ông Duyên không thấy còn ai, không biết mớ tóc đó về đâu. Còn ông Kỉnh thì lưu truyền được đến bây giờ. Hiện cháu huyền tôn của ông là thiếu tá Nguyễn Ngọc Chơi còn giữ. Ông Chơi đã phát tâm cúng hiến về ngôi Tòng Sơn cổ tự một nửa mớ tóc, còn một nửa thì dành làm gia bảo truyền đời.Mớ tóc của Đức Phật Thầy được chụp ảnh in sau là phần nguyên vẹn trước ngày Ban Quản Tự Tòng Sơn cổ tự làm lễ thỉnh về thờ tại chùa Tòng Sơn (1)
    Rằm tháng 10 Quý Sửu (1973), nhân ngày đản sinh Đức Phật Thầy, một cuộc lễ Cung Nghinh Bảo Phát đã được cữ hành trọng thể để rước mớ tóc này từ Thánh Địa về ngôi cỗ tự Tòng Sơn.


    • Bổn Sấm truyền
    [​IMG]
    Bổn Sấm truyền căn gốc do chính tay ông Đồ Trương sao chép từ năm Kỷ Dậu
    [​IMG]
    Bổn Sấm truyền căn gốc, được lật ra bên trang trong

    Được ông “Đồ Trương” sao chép lại từ năm Kỷ Dậu, ngày 27 tháng 2 nhuần. Gốc tích của bổn giảng xưa này đã được nói rõ trong chương Nguyên lai.Tuy bổn Sấm Truyền được chép trên giấy bạch, một thứ giấy rất dẻo dai và bền bĩ, nhưng bởi xưa kia từng trải qua nhiều người xem đọc, nên vật cổ ấy có mòi dễ dàng rách rã nếu chúng ta lật mạnh.
    Sau khi tôi nghiên cứu, chụp ảnh và phiên âm quốc ngữ, bổn Sấm Truyền hiện được giao hoàn cho Ban Quản Tự Tòng Sơn để lưu trữ tại chùa.


    • Mộ Phật mẫu
    [​IMG]
    Phía trước mộ Đức Phật Mẫu ở Cái Nai
    [​IMG]
    Phía sau mộ Đức Phật Mẫu ở Cái Nai

    Mộ phần của thân mẫu Đức Phật Thầy hiện còn ở rạch Cái Nai, được dân chúng tôn xưng là mộ Phật mẫu. Từ Tòng Sơn cổ tự đến đó, cách xa chừng 10 cây số.Theo con đường trải đá trước chùa Tòng Sơn, rẽ về tay mặt, đi thẳng đến chợ Cái Tàu Thượng, rồi tiến theo hữu ngạn của con rạch Cái Tàu mà đến Cái Nai.Truyền rằng khi chưa có người coi giữ mộ này, mộ vẫn không bị trâu bò phá phách hay chuột rắn làm hang ổ như các mộ phần khác. Nhiều mục đồng cho trâu ăn khuya, có lúc lạc đường đến gần phần mộ, thì trâu giựt mình, ngó nghinh một chút rồi thụt lùi bỏ chạy, chừng như nó bị ai chận đuổi. Cũng theo tương truyền, nhờ vậy mà cho tới bây giờ, trải qua cả trăm năm, vùng mộ vẫn là một khu đất gò cao, không bị sụp lở.Cũng theo căn tích Bửu Sơn Kỳ Hương, mộ không làm nấm mà chỉ khỏa bằng. Cạnh mộ có nhà thờ, khói hương không tắt.Tiếc vì xưa không làm mộ chí, nên không rõ năm sanh và năm mất của Phật mẫu.

    Mộ Phật Thầy.

    Sau Tây An Tự núi Sam, về phía đông, là ngôi mộ của Đức Phật Thầy. Ngày xưa trước khi viên tịch, Đức Phật Thầy có di giáo các đệ tử sau khi chôn xác Ngài, thì đừng đắp nấm. Đó là một biểu lộ khác nữa trong tinh thần vô vi của Bửu Sơn Kỳ Hương.Về sau, để tỏ lòng sùng kính, và để bảo vệ cho một khu vực bất khả xâm, thiện tín đã góp tay xây đúc một vòng thành rộng 5m45 bề dài, 4m75 bề ngang, nằm cao trên chín nấc gạch làm thang lên.Trước mộ có bi ký, nhờ vậy mà chúng ta biết chắc Đức Phật Thầy họ Đoàn, tên húy là Huyên, sanh năm Đinh Mão, tháng 10, ngày rằm, giờ ngọ; và Ngài viên tịch năm Bính Thìn, tháng 8, ngày 12, cũng giờ ngọ.


    • Tấm biển Đoàn Phật Sư


    [​IMG]
    Tấm biển Đoàn Phật Sư

    Tấm biển thờ tại đình Tòng Sơn được bao bọc bằng một chiếc khánh, chạm trổ bằng cây thao lao, sơn son thếp vàng mỹ thuật.
    Đây cũng là một cổ vật lưu truyền từ xưa, nó nói lên được căn gốc Phật Thầy sanh trưởng tại Tòng Sơn và xác nhận được Đức Phật Thầy họ Đoàn, phù hợp với lời khắc trong mộ chí của Ngài tại núi Sam.
    Biển thờ đề đại tự:Đoàn Phật Sư(Phật Thầy họ Đoàn)Và một đôi câu đối:
    "Tòng Sơn đắc ngộ Phật,Tây An quả giác Sư". (Làng Tòng Sơn được hiện Phật,Chùa Tây An chứng quả Thầy)
    Tấm biển và chiếc khánh thờ hiện được thỉnh từ đình thần làng Tòng Sơn sang Tòng Sơn cổ tự để làm nơi chánh vị thờ Đức Phật Thầy.

    * Cây da

    [​IMG]
    Cây da chùa Tòng Sơn

    Cách đình Tòng Sơn chừng 150 thước và kế cận bên hành lang của chùa Tòng Sơn. Xưa, cây da cũ rất to, đường kính rộng trên 3 thước. Trong ruột có một bộng to, chứa hàng chục người mỗi khi có việc cần ẩn trốn nào đó. Nó có một lịch sử đáng nhớ.
    Lúc Đức Phật Thầy về ngụ trọ tại mái hiên đình, thì chính Ngài đã quét lá da khôn của cây da này để đêm đêm đốt làm ánh sáng và cũng dùng nó để đun nước uống. Đình lúc đó nghèo, lợp bằng cỏ tranh. Ông từ lo sợ hỏa hoạn có thể gây ra do sinh hoạt đó của Phật Thầy, nên có lần ngăn cản. Nhưng Đức Phật Thầy đã đoan chắc không sao đâu.Từ khi Đức Phật Thầy ra đi về sau, thì cây da thường bị lửa cháy lan. Rồi có lúc nó lại bị cho lịnh triệt hạ.Nguyên là năm 1947, lúc Pháp trở lại, Việt Minh ra lịnh dỡ các nhà lớn, đồng thời triệt hạ các cây to vì sợ quân Pháp dò hiểu các mục tiêu. Vì vậy họ cho bán đấu giá cây da làm củi. Trong làng có hai ông, tên là Xiệng và Ký, hùn nhau mua với giá 200 đồng. Nhưng hai người chỉ hạ được có ít nhánh da thì cùng phát bịnh thổ huyết và rồi cùng chết cả hai. Do đó mà cây da vẫn còn sừng sững giữa làng.Những chuyện kỳ bí, linh ứng luôn luôn được bao trùm cây da. Dân làng kính trọng cây da ấy ngang hàng với sự kính trọng ông thần làng. Đứa trẻ ấm đầu, người ta sợ nó chơi nghịch, khuấy phá dưới gốc cây da; vợ ông từ đau nặng, kéo dằn dai nhiều năm tháng mà không mạnh, người ta sợ bà đã có những cử chỉ vô ý nào đó với cây da. Và rồi lư hương, bệ thờ được đặt đầy trên cháng hai, cháng ba của cây da.Nhưng bỗng đến khoảng cuối năm 1968 thì cây da đổ lá, trơ cành. Người ta tưởng nó thay lá rồi trở lại sum xuê như trước. Nào ngờ lá không mọc lại. Cây da chết mòn từng nhánh rồi gãy lần đến sát gốc. Và lạ thay, dưới gốc mục của cây da hiện nay một chồi nhỏ được mọc lên, sum xuê tươi tốt...Người ta thì thầm, nhẩm đọc lời tiên tri của Đức Phật Thầy:Chừng nào gốc mục đâm chồi,Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.Và người ta trông đợi sự tái hồi của Đức Huỳnh Giáo Chủ với một sắc thân nguyên vẹn xưa kia.
    * Những hột lúa
    [​IMG]
    Những Hột lúa, lấy ra từ trong ruột củ khoai rạng

    Năm 1963, lúc Tòng Sơn cổ tự được cây cất tại khuôn viên di tích của Đức Phật Thầy, thì một dân phu làm công quả tên là Sáu Câu, đã bắt gặp một củ khoai rạng ( một thứ khoai rừng tựa như củ khoai mì), nằm giữa một gốc sung mục, bề sâu xuống đất trên một thước tây. Trong củ khoai rạng kia có điều khác thường là nó không có ruột. Lắc mạnh thì nghe tiếng sột soạt. Ông Sáu Câu, người gốc ở kinh Cái Sắn, liền lấy xuổng xắn ra cho biết những gì ở trong. Bỗng ông thấy bên trong toàn là lúa hột, mùi thơm như lúa mới chín được gặt về.
    Người ta thử lấy vài hột ương ra, thì lúa lên tươi tốt, rồi trổ bông sai oằn. Trong bông lúa đó khi được bóc ra thành gạo thì có hột đỏ, hột trắng, có nếp, có gạo và do đó mà không ai xác định được là nó thuộc vào thứ nào trong các giống nàng tây, nàng rừng, nàng chô, nàng tri...Hiện những hột lúa xuất phát từ củ khoai rạng còn được giữ kỹ tại chùa.

    * Chùa Tòng Sơn
    [​IMG]
    Chùa Tòng Sơn

    Tòng sơn cổ tự nằm ở đầu làng Tòng Sơn ngày xưa. Xưa kia đây chỉ có đình và Đức Phật Thầy hằng ngày nương ngụ tại đó.
    Năm 1963, thập phương thiện tín muốn có một ngôi chùa cho phân biệt với đình, nên cũng trên khuôn viên khu đất mang vết chân của Đức Phật Thầy, người ta dựng lên một ngôi chùa, có sự đóng góp của thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ, để làm chỗ thờ Tam bảo và phụng tự Ngài.Từ năm 1918, làng Tòng Sơn được tháp nhập với làng Mỹ An Hưng. Do đó, địa chỉ của Tòng Sơn cổ tự ngày nay là xã Mỹ An Hưng, quận Lấp Vò tỉnh Sa Đéc.

    * Bản đồ chùa
    [​IMG]
    Vị Trí Tòng Sơn Cổ Tự
    Chùa nằm trên một vị trí sông ngòi chằng chịt, đường sá quanh co, vườn tược sầm uất. Trước mặt chùa là vườn cây, bên hông trái của chùa là đường vào chùa, rồi cầu, lộ đất, lộ đá, lưu thông Chợ Mới, Long Xuyên, Sa Đéc, Sài gòn.Hiện chùa được phát động một cuộc xây cất mở rộng theo một qui mô được ghi trên bản đồ in sau, do Nguyễn Thành Gia vẽ.

    * Bản sao lại bổn Sấm Tuyền
    [​IMG]
    Bản sao lại bổn Sấm Truyền

    Để lưu giữ nguyên tác bổn Sấm Truyền bằng chữ Nôm, tôi có ý định chụp ảnh tất cả các trang sách để in vào đây. Nhưng có hai điều trở ngại đáng tiếc khiến không thể thực hiện:
    1) Bổn Sấm Truyền do ông “Đồ Trương” sao chép đã quá cũ, chữ mực với màu giấy có nhiều chỗ gần muốn tiệp nhau, khiến độc giả không tài nào nhận nổi mặt chữ qua bản kẽm in lại.2) Theo khổ giấy bạch cũ thì bề ngang ngắn lối một nửa bề dài, khiến bản sách trồng vào ốm nhom như lá sớ, đem in vào đây sẽ bỏ trống giấy khá nhiều, mất thẩm mỹ và số trang cũng bị kéo dài, tốn kém lắm mà vẫn không dùng nghiên cứu được.Bởi đó mà bắt buộc phải sao y lại để in ra. Bản chép này là do “thủ bút của ông Thái Văn Ý phụng tả”, không thêm bớt chữ nào, không thay đổi cách Nôm, mặc dù chúng tôi biết chắc chắn trong bản cũ có chữ chép thừa, Nôm sai cách và chép sai vận.(Các trang sau đây là toàn bộ gồm 14 bản sao)

    Bản Phiên Âm Sấm Truyền Của Tông Phái Phật Thầy

    [​IMG]
    Tây An Cổ Tự, làng Long Kiến, An Giang

    Tuế thứ Kỷ Dậu niên - Nhuận nhị ngoạt nhị thập thất nhựt - Đồ Trương trợ bút, nhứt quyển giảng

    Thừa nhâm (1) Hổ Cứ (2) bước sang,​
    Tháng heo (3) giáo giác kiếm đàng chạy ra.​
    Nhiệm mầu vui đạo Thích Ca,​
    Thiền môn hứng chí Di Đà lòng chuyên.​
    Nương thuyền bát nhã cho yên,​
    Vào non ngũ uẩn tín thiềng sùng tu.​
    Hiếu trung trọn (4) giữ một câu,​
    Bãi tiên suối hạc cầm câu đợi chờ.​
    Liếc xem thuyền bá bơ vơ,​
    Sóng khơi biến thảm dật dờ sông mê!​
    Bớ ai ăn ở vụng về,​
    Không lo nước lửa nhiều bề chông gai.​
    Bởi mình, ai dễ mặc ai,​
    Để cho sa sẩy mình chôn lấy mình.​
    Phật Tiên chí hiển chí linh,​
    Một câu chánh niệm thì mình thảnh thơi.​
    Ai ai cũng ở trong trời,​
    Nhơn từ phải giữ đừng lời trớ trinh.​
    Biển đời cuộc thế thình lình,​
    Thiện tồn ác thất (5) thiên đình số phân.​
    Vần xây thế giái phàm trần,​
    Sự mình không biết mưu thâm ở người.​
    Hư nên nhờ phận, Phật Trời,​
    Non băng đất lỡ giữa vời linh đinh.​
    Phải làm như bổn nhựt trình (6)​
    Trẻ già xin nhớ giữ gìn mà coi.​
    Niên như điển, nguyệt như thoi (7).​
    Vần xây thế giái luân hồi chẳng chơi!​
    Có người thiện nữ truyền lời,​
    Nhứt Vân thiên lộ máy trời thinh thinh.​
    Nhị Vân thánh ứng quang minh,​
    Tam Vân triều hội gia đình phân vân.​
    Ngó xa xem cũng thấy gần,​
    Xa gần gió tạc bụi trần sạch không.​
    Hắc đầu tử, bạch đầu ông (8)​
    Bớ người dương thế sao không coi đời.​
    Đạo vơi vơi, đạo vơi vơi,​
    Đường xưa cảnh cũ lập đời sửa xây.​
    Buồn khoanh tay, buồn khoanh tay!​
    Thấy trong con tạo khéo xây lạ lùng.​
    Đời bạo ngược ít (người) hiếu trung,​
    Miệng thời toan tính, lòng dùng mưu sâu.​
    Thiện phùng thiện ác đáo đầu,​
    Oan oan tương báo ai hầu cứu cho.​
    Thằng mà tính, thẳng mà lo (9)​
    Thiên đường hữu lộ phải dò nẻo đi,​
    Nghe chi những tiếng thị phi,​
    Trách con mắt thịt vậy thì chẳng coi.​
    Mở hai con mắt thồi lồi,​
    Nước xao sóng dợn ầm ầm bên tai.​
    Cực bớ ai, cực bớ ai.​
    Cám thương trần thế dạy hoài không nghe.​
    Nước gần lớn gió đưa bè,​
    Giữ cầm lèo lái một bề thuận theo.​
    Dặm cheo leo, cảnh cheo leo.​
    Một mình khó nỗi chống chèo đặng đâu!​
    Làm sao chẳng xét trước sau,​
    Khinh khi chú lái ai hầu rước đưa.​
    Người đời như buổi chợ trưa,​
    Tan rồi lại hiệp, hiệp tan mấy hồi.​
    Khóc lỡ khóc, cười lỡ cười,​
    Tình tang hỡi bậu, cạn đời còn chi!​
    Lệ lâm li, lụy lâm li,​
    Thương chăng thương kẻ từ bi giữ lòng​
    Lọc nước trong, lọc nước trong,​
    Sợ chi lũ kiến chòm ong chơi bời,​
    Ăn nhịn miệng, nói nhịn lời,​
    Mặc tình thế sự chê cười mặc ai!​
    Dốc cầu đặng chữ Như Lai,​
    Phủi câu danh lợi mặc ai tranh tài.​
    Cảnh thiên thai, chốn thiên thai,​
    Chí công luyện sắt giồi mài nên kim.​
    Cảnh rất nghiêm, cảnh rất nghiêm,​
    Muôn thu xây dựng khó tìm đặng đâu.​
    Buồn dàu dàu, buồn dàu dàu,​
    Hỗn ngươn xoay lại đời nay mơ màng.​
    Mèo kêu vang, mèo kêu vang.​
    Rắn rồng sợ chạy vào ngàn ẩn thân.​
    Ngọn cờ phất, trống thùng tan,​
    Kẻ lên người xuống hai đàng khác nhau.​
    Quặn ruột đau, quặn ruột đau,​
    Phật Tiên thương chúng dạ sầu héo khô.​
    Gắng công (thường) lục tự nam mô,​
    Họa may cá suối gặp hồ liên hoa.​
    Phật trời lòng lại xót xa,​
    Giáo trong thiện chúng Long Hoa mà nhờ.​
    Gió đưa ngọn cỏ phất phơ,​
    Sẽ coi cuộc thế như cờ bị vây​
    Cảnh đã xây, cảnh đã xây,​
    Nhành lai đời khác, đổi thay cuộc đời.​
    Xem trong máy tạo hết rồi,​
    Ngửa ngiêng biển thẳm rã rời bờ ao!​
    Thuyền ai chạy tới sông đào,​
    Thuyền ông Bát nhã Phật vào độ dân.​
    Khuyên người sớm xả bụi trần,​
    Dắt cho khỏi chốn mê tân bớ người!​
    Súc sanh ngạ quỉ là loài,​
    Màng chi những chốn lạc loài đọa thân​
    Tây phương thắng bước chơn lần,​
    Hưởng nhờ muôn thuở bửu châu thiếu gì.​
    Tín thành truyền dạy vân vi,​
    Bớ người lớn nhỏ sao không giữ gìn!​
    Nay xem cảnh thế thình lình,​
    Vô thường quỉ dẫn ai binh đặng nào.​
    Sớm còn tối mất lao đao,​
    Tỉ như trời chớp, sáng nào đặng lâu.​
    Dặm canh thâu, dặm canh thâu!​
    Thở than than thở lo âu cho đời.​
    Nghĩ trong cuộc thế vơi vơi,​
    Khổ tăng gia khổ trong đời gian nan.​
    Kìa kìa quỉ mị khởi loàn,​
    Xà thương hổ giảo (10) đa đoan hội này.​
    Phần thời giặc giã phủ vây,​
    Phần thời đói khát thân rày chẳng yên.​
    Lăng xăng nhiều cuộc đảo điên,​
    Sợ trong thế sự như thuyền chạy khơi.​
    Đã hết lời, đã hết lời,​
    Khuyên răn dạy biểu cho người thiện duyên.​
    Trách lòng nhiều sự chẳng kiêng,​
    Ốm đau cầu giảm, an thuyên chẳng màng.​
    Biển sanh những sự tà gian,​
    Hủy tăng phá giới (11) lòng toan hại người.​
    Thế nay cạn , sự đã rồi!​
    Mở mang dời đổi Lập Đời Thượng Ngươn.​
    Chuyển luân thiên địa tuần hườn,​
    Hội này thấy lửa tàm lam cháy mày.​
    Ít ai tỏ biết đặng hay,​
    Ví như cầm chén rủi tay bể rồi!​
    Thầy xưa lời dặn hẳn hòi,​
    Thực nhơn nhơn thực đến hồi chẳng không.​
    Oan oan tương báo chập chồng,
    Tham tài tích đại, (12) không xét mình.Khiến xui phụ tử tương tranh
    Cha không lành thảo con lành đặng đâu
    Trung quân, phụ tử (13) làm đầu,
    Phản quân, sát phụ, hỡi câu sách nào?
    Trời xui trăm vật trăm hao,
    Để cho đồ khổ, xiết bao nhọc nhằn.
    Ngọn phù thủy (14) cuộc đất xây,
    Rồng nằm đáy biển, sông hằng hứng sương.
    Bao giờ hưởng thọ Kỳ Hương (15)
    Tuế tăng vạn tuế lưu phương lâu dài.
    Sanh thân này khổ bớ ai,
    Trăm ngàn việc khổ chất hoài vô thân
    Phú hết phú, bần hết bần,
    Thân vong tài tán quan dân cũng đồng.
    Khiến xui vợ lại giết chồng,
    Con mà hại mẹ tình không yêu vì.
    Anh em đồng khí tương li
    Quân thần phản nghịch thế thì (16) Hạ Ngươn
    Đổi dời hải thủy băng sơn,
    Tiêu đường quỉ mị, nghĩa nhơn Lập Đời.
    Tam Ngươn qui dựng lại rồi,
    Tang điền thương hải rã rời đổi xoay.
    Lần lần tay tính tối ngày,
    Người nay như thế thấy rày lại không
    Chữ rằng nhơn vật dữ đồng (17)
    Vật còn biết tánh người không tỏ tình.
    Ngồi buồn than trách một mình
    Thương trong thế sự thình lình tiêu tan.
    Đua nhau rượu thịt nghinh ngang,
    Chưỡi cha mắng mẹ, nhiều đàng ngược xuôi.
    Biến sanh thấy sự hẳn hòi
    Tử nhi vô hối (18) hết đời tà ma
    Nhiệm mầu thuyền đạo Thích Ca,
    Quan Âm (19) cứu khổ, Di Đà độ sanh.
    Non đoài giữ dạ tín thành,
    Thầy cho Cư Sĩ học hành chưa thông.
    Anh em ai có phục tùng,
    Theo tôi học đạo phải dùng tai nghe.
    Phật truyền chưởng thọ Bồ Đề,
    Giữ câu minh chánh chớ hề sai ngoa.
    Muốn cho vào (20) chốn ta bà,
    Phương tiện bố thí hà sa phước gìn.
    Kỉnh Trời kỉnh Đất, Thần Minh,
    Tông môn phụng tự giữ toàn Tứ Ân.
    Sanh tại thiên hiếu song thân,
    Một hậu vi nghĩa ân cần sớm mai.
    Trung quân lòng giữ chẳng sai,
    Giồi câu tiết chánh tỏ bày bia son.
    Mình tu phải dạy cháu con,
    Đạo truyền kế đạo Phật môn lâu dài.
    Thích Ca Phật tổ Như Lai,
    Lục niên tân khổ chẳng nài nhọc công.
    Đến nay về hạ thần long,
    Tỉ như thuyền nhỏ bị phong giang hồ.
    Di Đà lục tự Nam mô,
    Vãng sanh Tịnh độ ra vô thanh nhàn.
    Thoát nơi khổ hải mới sang,
    Lánh vòng trần tục khỏi đàng tử sanh.
    Phận tôi Cư Sĩ tín thành,
    Thầy truyền dạy chúng làm lành tu thân.
    Hạ ngươn cuộc thế cũng gần,
    Tỉnh tâm tự giác ân cần cho mau.
    Chuyện tu chẳng khó ở đâu,
    Lấy câu bố thí làm đầu rất nên.
    Thiên thần biên chép đôi bên,
    Thiện tăng ác giảm hư nên lời truyền.
    Thưở xưa Phật dạy chẳng tin,
    Kẻ nghe người bỏ, nói mình khôn ngoan.
    Tham tài dưỡng vật đa đoan,
    Để nuôi thân thịt không toan nghe lời.
    Sát sanh hại vật ăn chơi,
    Gian phu dâm phụ nhiều lời trớ trinh.
    Thấy rồi mình lại tủi mình,
    Nói ra thời tệ làm thinh thêm sầu.
    Cao bay xa chạy khỏi đâu,
    Mắc trong lưới nhặt dãi dầu khá thương.
    Phật Tiên tương hội ai tường,
    Cứu sanh độ tử mỗi đường trần gian.
    Giáo khuyên trần chúng nhiều phang,
    Giữ câu nhẫn thiện lòng toan tu hành.
    Chứ (21) lời đừng có đua tranh,
    Bồ Đề một hột tâm thành đặng siêu.
    Long Hoa thắng hội tiêu diêu,
    Dữ lạnh đến đó mai chiều sẽ hay.
    Phận mình Cư Sĩ dám bày,
    Luật nghi phép tắc diễn bài tỏ ra.
    Nhứt Ngươn Đức Phật Thích Ca,
    Giáng sanh cõi thế Long Hoa hội kỳ
    Người sanh bá tuế sở qui,
    Bá niên giảm thọ hạ di thiếu thời.
    Giảm chí tâm thập đến nơi,
    Người cao ba thước là đời cơ nguy.
    Tai ương khỗ não nhiều kỳ
    Giảm chí vậy thì nay thiệt chẳng sai
    Người cao hai thước chẳng dài,
    Ôn hoàng tật bịnh liên lai khốn nàn.
    Giảm chí thập tuế bước sang,
    Người cao một thước tai nàn bớ dân.
    Thiệt là đại biến phàm trần,
    Vạn nhơn nam nữ thẳng lần sơn trung.
    Sách còn ghi nói chẳng không,
    Con gái có chồng ngũ ngoạt thành song.
    Mạt hạ phong tục long đong,
    Thần hôn (22) quốc loạn người không y người
    Oan hình, lao ngục khắp nơi,
    Nhãn tiền tựu thị (23) là nơi để dành.
    Thác về lục đạo tứ sanh,
    Tiền đạo, nhơn đạo phước mình thảnh thơi.
    Tu la, Ngạ quỉ là loài,
    Súc sanh, Địa ngục nhiều tai khốn nàn (24)
    Tứ sanh phân nói rõ ràng,
    Noãn, thai, thấp, hóa là phang luân hồi (25)
    Trì trai, giái sát bớ người,
    Cảnh trên Tịnh Độ là nơi để dành.
    Làm người cho biết hiền lành,
    Vãng sanh vi đại cứu chư các loài
    Thánh thần minh chánh thiện tai (26)
    Ác sát mỗi vật đầu bài vi tiên,
    Chúng sanh nhiều việc đảo điên.
    Sát sanh hại mạng không điên đất trời.
    Đổi thừa sát hại ăn chơi,
    Sau về địa ngục tội hành không dung.
    Sát hại tà dâm tội hung,
    Vọng trôn trá ngữ thiên công gia hình.
    Lưỡng thiệt ác khẩu trớ trinh,
    Người tuy chẳng thấy, tội mình nhiều thay.
    Tham lam gian giảo vậy vay,
    Ngục hình dành để đợi khi luân hồi
    Bất hiếu phụ mẫu nghịch lời,
    Cha sanh mẹ dưỡng là nơi ơn dày.
    Âm quan (27) về đến mới hay,
    Hành hình phân xử đêm ngày khóc than.
    Bất kính Tam Bảo rõ ràng,
    Khinh khi Phật Pháp nhiều đàng thinh linh.
    Làm người tự giác tự minh,
    Phật tiên mến tưởng Thiên đình cũng thương.
    Tu tâm tu tánh giữ thường,
    Tu trong kính giáo Phật Đường truyền ra.
    Tu tánh tu hạnh nết na,
    Tu câu Lục tự Di Đà đừng quên.
    Tu hành hiếu nghĩa đôi bên.’
    Tu cang tu kỷ gắng bền hiếu trung.
    Tu nhơn tu đức để lòng,
    Tu trau vóc ngọc lấm bùn đừng mang.
    Tu công bồi đấp miếu đàng (28)
    Tu tài bố thí việc gian thì đừng
    Tu cầu thánh tọ thiên xuân,
    Dân khương vật phụ (29) khỏi oan cơ hàn.
    Tu cầu vạn hải thiên san,
    Hà thanh hưng vượng (30) vạn bang thái bình.
    Thần hôn (31) lạy Phật đọc kinh (32)
    Lạy Thầy đức hóa tái sanh đạo mầu.
    Sông sâu cá lội thấy đâu,
    Minh mông trời rộng chìm hầu bay cao.
    Giác thời đặng hưởng thiên đào (33)
    Mê thời địa ngục, ngày nào đặng sanh?
    Tay mình lại chặt lấy mình,
    Mắt thời thấy đó làm thinh không rằng.
    Tai nghe tội phước lăng xăng,
    Đau thời tưởng Phật, hết rằng thời thôi!
    Kiếm lời dễ cảm khua môi,
    Khen chê phải chẳng nói thôi chi màng.
    Dị đoan án nội rõ ràng,
    Diêm đình tội để khó toan luân hồi.
    Kinh rằng Phật dạy cạn lời,
    Giác thời đặng thấy, mê thời thấy đâu.
    Chốn vui chốn khổ thêm sầu,
    Đục trong hai ngã toan âu nẻo nào?
    Hửu duyên đặng hưởng quyền cao,
    Vô duyên lại gặp thân sau cơ bần.
    Lời vàng tạc để thiên lân (34)
    Có đâu trễ nải quá chừng dân ôi!
    Nước non nay đã cạn rồi,
    Nào hay vội lỡ một hồi Pháp Cơ.
    Mê man nhiều nỗi dật dờ.
    Hồn bay phưởng phất như tơ lộn cuồn.
    Thoát qua như ngọn tên bay,
    Khác quê, khác xứ, khác nay thú cầm.
    Đêm ngày mù mịt tối tăm,
    Hồn sa phách lạc mới nên luân hồi.
    Mở mang xoay lại Lập Đời,
    Khoác loài thú vật khác người tân dân.
    Còn người Phật Thánh Tiên Thần,
    Yêu ma nào có loạn trần được đâu!
    Tóm thâu thể giải một bầu,
    Phật trời phân định đâu đâu thái bình.
    Nay đà gặp Phật giáng sanh,
    Khá khuyên bá tánh làm lành tu thân.
    Sự đời xem thấy cũng gần,
    Trở người trở vật trở năm trở ngày.
    Trở ăn trở mặc bằng nay,
    Trở chồng, trở vợ, trở vì quân vương
    Trở non, trở núi, trở vườn,
    Trở trâu trở ruộng trở đường nào ra.
    Trở thời trở tiết những là,
    Trở cây trở trái bông hoa trở kỳ.
    Trở bậu trở bạn cố tri,
    Lời ăn tiếng nói vậy thì khác xưa.
    Trở lòng, ăn nói đẩy đưa,
    Trở căn trở bịnh thuốc xưa trị nào!
    Đời nay ma quỉ loạn vào,
    Pháp linh phù thủy cứu nào đặng chăng!
    Làm người chớ cậy tài năng,
    Mai thì thấy đó, tối rằng thấy đâu.
    Có khi hơi thở ra vô,
    Đứt hơi nào biết qui mô chốn nào!
    Sanh tiền mình chẳng biết sao,
    Tử về âm cảnh hồn vào ngục môn,
    Nhứt nhựt tam đả oan hồn (35)
    Oan thân nghiệt trọng ai hiềm cứu cho
    Nhãn tiền sao chẳng biết lo,
    Sông không cầu bắc mướn đò ai đưa?
    Để cho khát nước quá trưa,
    Ra công đào giếng cù cưa đặng nào.
    Thuở còn trai tráng dương bao,
    Sao không tụ tập già nào biết đâu.
    Xưa sanh tánh thiện làm đầu,
    Lớn khôn tích ác mình âu hại mình.
    Thiền sanh nhơn hữu tánh linh,
    Mê trần mê lẫn tại mình trách ai.
    Tôi làm một mảy chẳng sai,
    Xin người tự hối giồi mài tánh linh
    Để cho mình buộc lấy mình,
    Thê thằng tử phược (36) linh đinh không rời.
    Ta bà là (37) chốn thảnh thơi,
    Vui câu bát nhã gần với ma ha.
    Đói thời nhờ ruộng Thích Ca,
    Khát thời nhờ nước Phật Bà dưỡng thân.
    Lời Thầy xưa có cạn phân,
    Nương câu thanh tịnh dõi lần đường mây.
    Mặt trời chinh xế bóng cây,
    Giồi câu tứ trí tánh hằng học khôn.
    Tu hành chi luận giàu nghèo,
    Vùa hương bát nước mai chiều giữ coi.
    Hữu tình Trời Phật xét soi,
    Màng chi nhiều ít heo đòi không nên.
    Lưỡng thần cầm sổ đôi bên,
    Chép ghi tội phước tâu lên cho người.
    Ngọc lành sao chẳng trau giồi,
    Sá chi phấn thổ (38) vui cười tay trao.
    Chẳng coi trước, chẳng nhằm sau,
    Người nay như mộng thấy đâu cho bền.
    Gương loan sáng tỏ dưới trên,
    Ngựa hồng cất chạy xuống lên hai đường.
    Phất qua như bóng nguyện quang,
    Khi tròn khi khuyết nở tàn dưỡng bao.
    Hoa đông hồi lại xuân qua,
    Nhỏ không tu tập thì già biết chi!
    Buông lời nói chẳng kính vì,
    Biết đâu phép tắc lễ ngi chuyện nào.
    Sanh thân này khổ biết sao,
    Để cho sa sẩy kiếp nào đặng sanh!
    Khá khuyên cải dữ làm lành,
    Sùng tu Tam Bảo học hành cho thông.
    Rắn còn tu đặng thành rồng,
    Làm người sao chẳng xét trong thân mình.
    Để cho thân chịu linh đinh,
    Tai kia họa nọ biến sanh mọi bề.
    Dương là cảnh, âm là quê,
    Phước mình gánh vác đặng về cảnh xưa.
    Hữu duyên Thần Thánh tiếp đưa,
    Vì mình thiện niệm sớm trưa lần hồi.
    Vắn dài lời nói cạn rồi,
    Lạy Thầy trở lại phản hồi bổn gia.
    Lầm thầm miệng niệm Di Đà,
    Tay lần chuỗi hột lòng ta giữ lòng,
    Kỉnh dưng Minh Chúa hưng long,
    Dân khương vật phụ thiên xuân thái bình
    Phụ từ tử hiếu trung trinh,
    Hà thanh hải yến, (39) an ninh trong ngoài.
    (Hết)​

    Chú Thích:
    (1) Phải chăng muốn chỉ vào thiên can lúc Đức Phật Thầy trở về Hổ Cứ! Theo đó thì sau Kỷ dậu ba năm, là đến năm Nhâm tí (1852). Lúc đó Đức Phật Thầy đang mở nhiều trại ruộng và Ngài cũng vân du hóa độ nhiều nơi. Bản Nôm viết Thừa nhâm, không viết Thừa nhiệm.(2) Hổ Cứ là địa danh bên cạnh Tòng Sơn, nên viết là (chữ Nôm) mới đúng.(3) Bản Nôm chép là Nguyệt Trư tức tháng heo.(4) Bản Nôm chép toàn (chữ Nôm), đọc là trọn.(5) Cũng đọc là “Lành còn dữ mất”(6) Do chữ “Nhựt nhực trình báo” mà ra chữ Nhựt trình. Xưa các quan làm việc, khi có điều gì quan trọng, thì cấp trên buộc cấp dưới phải nhựt trình (trình báo hàng ngày) để hiểu biết, theo dõi và kiểm soát. Cũng do đó mà về sau, khi nước ta bắt đầu có nghề làm bao thì tờ báo được gọi là nhựt trình hoặc nhựt báo (journal). tờ báo đầu tiên xuất bản bằng Pháp văn tại nước ta là tờ Le Bulletin officiel de l’Expe1dition de la Cochinochine do Đô đốc Charner điều khiển 20 số, rồi kế đó là Đô đốc Bonard tiếp tục nhiệm vụ đến số 173. Số đầu ra ngày 29-9-1861. Còn tờ báo đầu tiên xuất bản bằng Việt văn tại nước ta là tờ Gia Định báo, số 1 ra ngày 15-4-1865. Điều khiển báo này do các ông E.Patteau. đến Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh CủaNhựt trình Vĩnh Ký đặt ra,Chép làm một bổn để mà xem chơi. (Thơ Thầy thông Chánh)Vậy từ ngữ Nhựt trình theo ý nghĩa những bản vần thông báo để mọi người cùng hiểu, đã có từ rất xưa, còn theo ý nghĩa của thông tin, báo chí thì về sau hơn, nhưng cũng khởi đầu từ 1861, tức cách nay (1973) lâu đến 112 năm.(7) Năm như chớp, tháng như thoi. Ý nói ngày giờ qua mau.(8) Con đen tóc, cha bạc đầu.(9) Thẳng tức thủng thẳng. Cũng đọc là thỉnh thoảng(10) Rắn cắn cọp ăn(11) Hủy báng thầy tu và phá bỏ giới luật(12) Tham của, chất chứa cho đầy túi, phải viết là (chữ Nôm)(13) Bản Nôm chép phụ tử. Đúng ra là hiếu phụ(14) Nước nổi. Mực nước dâng lên cao. Miền Nam không gọi mực nước lên vào mỗi mùa thu là mùa lụt, mà gọi là mùa nước nổi(15) Chỉ danh xưng tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy.(16) Tức thời thế, đây chỉ cuộc đời. Không phải như thế thì...(17) Người và vật cùng đồng nhau về tánh tình, cũng biết mừng giận, đau thương.(18) Đến chết mà không chịu ăn năn.(19) Tức Quan Thế Âm Bồ Tát. Không phải Quan Âm Thị Kính.(20) Có lẽ chữ thoát. Chắc chắn bản Nôm đã chép sai chữ này(21) Chữ: ghi nhơ. Nôm viết là (chữ Nôm)(22) Kẻ bề tôi tối tăm. Phải viết là (chữ Nôm)(23) Tựu thị: đến đó, lúc ấy(24) Lục đạo được chia làm hai:Tam thiện đạo và Tam ác đạo. Tam thiện đạo tương đối thảnh thơi, dễ chịu (Tiên đạo, thần đạo và nhơn đạo); còn Tam ác đạo thì nguy nan, khốn đốn (địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh).(25) Tử sanh cũng gọi là Tứ chủng sanh, gồm có Noãn sanh (sanh từ trong bào thai, như người, khỉ, ngựa) Thấp sanh (sanh từ chỗ ẩm ướt, như cá, rắn, cóc), Hóa sanh (sanh từ chỗ tự nhiên hóa ra, như loài bướm từ sâu mà đổi dạng).(26) Thiện tai: lành thay, Ý nói rất lành.(27) Quỉ thần ở cõi âm.(28) Chỉ triều đình, tôn miếu xã tắc. Nên viết là (chữ Nôm)(29) Nhân dân và vạn vật đều yên vui và phong phú.(30) Cảnh yên ổn phát đạt.(31) Buổi sớm mai và buổi chiều tối.(32) Nguyên văn chép “bái Phật tụng kinh”, nên Nôm là lạy Phật đọc kinh.(33) Quả đào ở cõi trời. Cũng gọi tiên đào. Đức Huỳnh Giáo Chủ có câu: Đào tiên tạm thực về ngồi cõi xa. Không phải chữ Đào yêu trong câu Đào chi yêu yêu trong Kinh Thi Trung Hoa.(34) Ngàn xóm. Xưa cứ năm nhà làm một xóm. Tựa như tiếng bá gia: một trăm nhà. Đây có nghĩa là ban rải ra cùng khắp các nơi.(35) Hồn oan mỗi ngày bị đánh đập ba lần(36) Vợ là cái dây, con là trói cột.(37) Có thể chữ nào bị chép thành chữ là. Chắc chắn người ta đã tam sao thất bổn câu này(38) Phấn thổ: Bụi đất. Những thứ không ra gì, đáng vất bỏ đi. Có câu “Tiền tài như phấn thổ...”(39) Sông trong biển lặng. Chỉ cuộc đời thái bình.

    Sấm Truyền Của Tông Phái Phật Thầy

    [​IMG]

    Trang 1

    [​IMG]

    Trang 2

    [​IMG]

    Trang 3

    [​IMG]

    Trang 4

    [​IMG]
    Trang 5

    [​IMG]

    Trang 6

    [​IMG]

    Trang 7

    [​IMG]

    Trang 8


    Trang 9
    [​IMG]
    Trang 10

    [​IMG]
    Trang 11


    [​IMG]
    Trang 12


    [​IMG]
    Trang 13


    [​IMG]
    Trang 14​
    Tài Liệu Tham Khảo

    Chữ Nôm:
    -Đạo Ông Giảng tập của Đặng Công Hứa (văn lục bát, chép tay, không đề năm sáng tác). -Trần Quản cơ dữ Gia Nghị binh của Vương Thông(viết năm Kỷ dậu (1809)không rõ ai chép lại).-Cáo thị cổ tích của Trần Quang Nhơn (bị mất đoạn sau, không rõ năm viết và không rõ ai sao chép). -Mùa đông phưởng phất gió tây – khuyết danh (văn lục bát, do Lê Văn Hứa chép lại năm Ất mão 1915).
    Chữ Hán:-Đại Nam nhất thống chí -Đại Nam Chánh biên liệt truyện -Gia Định thành thông chí. -Mộ chí, bài vị, biển thờ tại núi Sam và Tòng Sơn. -Bản triều bạn nghịch liệt truyện.
    Chữ Quốc Ngữ: -Sấm Giảng người đời (Sư Vãi Bán Khoai – Nhà in Nguyễn Trung Trực, 1949). -Kim Cổ Kỳ Quan (Bổn cũ soạn lại, rách mất bìa). -Bổn chánh Kim cổ kỳ quan (tái bản 1969). -Giảng Phật Thầy (bản chép tay năm 1941) -Giảng Tòng Sơn (bản chép tay rất cũ, không đề năm). -Sấm Giảng Thi Văn toàn bộ (Đức Huỳnh Giáo Chủ - BPTGLTU, 1965). -Nhận thức Phật Giáo Hòa Hảo (NVH – Hương Sen x.b.1969). -Thất Sơn mầu nhiệm (Dật Sĩ và NVH Liên Chính x.b.1955). -Đức Phật Thầy Tây An (Vương Kim- Đào Hưng, Long Hoa x.b.1954) -Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (NVH. Tân Sanh x.b.1956). -Việt khẩn hoang xứ Nam Kỳ dưới triều Nguyễn (Tiên Đàm, Tri Tân từ số 1 đến 29-1941)
    Chữ Pháp:-Les societes secrectes en terre d’An-nam, G. Coulet, Sài Gòn, Ardin, 1926. -Monographie de la province de Long Xuyên – Edition du Moniteur d’indochine – Hà Nội 1930. -Monogeaphie de la province de Châu Đấc (mất bìa)

    Giấy phép xuất bản.


    Quyển Sấm Truyền của Tông phái Phật Thầy, một tác phẩm Nôm cổ thời Phật Thầy và các đại đệ tử của Ngài cùng du hóa. Rồi sau đó được ghi chép lại, do Nguyễn Văn Hầu biên khảo phiên âm và chú thích. Ban Quản Tự Tòng Sơn Cổ Tự và Ban Chẩn Tế Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo ấn hành 5000 bản, dành biếu tặng với mục đích phổ truyền đạo đức. Cấm mọi lợi dụng để mua bán lấy tiền. Cấm mọi trích dịch làm sai lạc hoặc thay đổi làm mất tính cách toàn biên của tác phẩm.

    Giấy phép xuất bản số 4554/PTUDV/KSALP/TP
    Cấp ngày 09-11-1973
     
    Sửa lần cuối: 29/3/13

Chia sẻ trang này