Sự khổ và phương pháp diệt khổ

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 24/8/17.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    SỰ KHỔ VÀ PHƯƠNG PHÁP DIỆT KHỔ
    Cư sĩ Nguyễn Văn Lía

    Trong “Cung Oán Ngâm Khúc”, cụ Òn Như Hầu Nguyễn gia Thiều đã nhận xét qua sự khổ của nhân sinh một cách trung thực. Nên chi Cụ đã thốt:

    “Nghĩ thân phủ thế mà đau,
    Nước trong bể khổ bèo đầu bến mê.
    Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ,
    Đường thế đồ gót rỗ khi khu”.

    Đồng quan niệm vừa dẫn trên, nhưng với vẻ siêu mầu, đáo để và tinh tế hơn, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cho biết khái quát sự khổ của nhân sinh, qua câu:
    “Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù,
    Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng”.

    Vậy sự khổ của loài người đã đa mang gánh lấy như thế nào?
    Theo Sấm Cơ của Đức Thầy, Ngài có nhắc lại lời của Đức Thích Tôn:

    “Đức Thích Ca từ xưa dạy bảo,
    Khổ Ta bà nhiếp lại tám phần”.

    Vậy sự khổ của cảnh trần gian nầy có muôn ngàn hình thức, nhưng tóm lược có tám điều. Tám điều khổ đó là: Sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oan tắng hội, mưu cầu bất đắc và ưu sầu lo ngại.
    Ở đây chúng tôi xin trình bày vài nét sơ lược những điều thống khổ ấy.

    Như ta đã thấy, chẳng phải đến lúc “cất tiếng khóc nếm mùi dương thế” (lời Đức Thầy) mới có khổ, mà là đã khổ từ lúc mới nhập vào làm thai nhi ở trong bụng người mẹ đã chịu khổ rồi. Ta hãy nghe Đức Thầy phân giải: “…Vì linh hồn chưa được hoàn toàn tròn đạo hạnh mà đắc quả vị nên còn phải đầu thai làm con người ở thế gian. Khi nhập vào thai trong bụng người đàn bà thì phải chịu sự tối tăm tồi túng, chẳng thấy trời trăng. Bị bao bọc ràng rịt, thai nhi bị sự nuôi dưỡng bằng tinh huyết của mẹ, lúc mẹ đau ốm thì thai nhi yếu ớt; lúc mẹ làm lụng mệt nhọc, thai nhi chẳng yên; lúc mẹ đói cơm, thai nhi dường nhi cái túi bị treo chẳng vững; lúc mẹ ăn uống no bụng, thai nhi bị sự lấn ép của bao tử và ruột rất nhọc nhằn. Khi đúng ngày giờ phải chun ra cửa sản nuôi ô uế như hai viên đá ép mình, khi ra khỏi mình mẹ, cảm thấy hơi gió cắt da, đau nhức khó chịu nên cất tiếng khóc để tỏ ý chẳng bằng lòng với cảnh cực nhọc…..”

    Rồi…Hễ sanh ra thì lớn, lớn rồi tất phải già; xét nghĩ trong lúc tuổi xuân xanh, đời sống cứng cỏi, hoạt động hăng hái, đi đứng lẹ làng, nói năng bặt thiệp, xác thịt mạnh mẽ, học hỏi dễ dàng tỏ tai sáng mắt, thấy biết nhiều điều. Ô hô! Mà nay sao lại răng rụng mắt lờ, ù tai, choáng óc, da nhăn, má cóp, gối mõi, lưng khòm, nằm ngồi chậm chạp, đi đứng xéo xiên, uống ăn đổ tháo, bọn trẻ dễ khinh, già đành nhờ cậy, tay đi nương gậy, phế việc dân quan, tinh thần hao kém; khí lực hầu tàn, thoạt nhớ thoạt quên, nhiều khi lầm lẫn, tóc bạc da mồi, lắm điều lao nhọc…”

    Thứ đến sự đau khổ về xác thân: “…con người sanh ra cõi trần, có lớn già thì tất nhiên yếu đuối; nếu đã yếu đuối ắt ăn ngủ chẳng được điều hòa, thêm ngoài thì bốn mùa thay đổi, tám tiết xoay vần, do nơi thân già yếu đuối, cảm những tà khí mà sanh ra bịnh tật. Ôi! Hễ thân huyễn giả nầy mang lấy bịnh tật rồi, nào là cơn tĩnh, cơn mê, tay chơn nhức nhối, gan ruột quặn đau, phổi héo tim khô, da teo huyết cạn, kể mang lao mang tổn, phương đàm ho suyễn, người thì đui cùi lở lói, bại xuội sưng tê, thang thuốc chẳng an, khẩn nguyền chẳng giảm, cầu sống chẳng đặng, cầu chết chẳng xong.

    Vậy thử hỏi khách trần gian ai mà không muốn xa muốn tránh, mà nào ai được khỏi? Muốn tránh, tránh chẳng được, lại đa mang; như còn khổ não về bịnh tật, bút nào mà tỏ ra cho hết.
    Cái khổ thứ tư là sự chết khổ, vì lúc gần chết “…sanh ra muôn ngàn kinh hãi, thần trí hôn mê rất trìu mến cõi đời, nhà cửa con vợ, mà không làm sao sống được nữa, nên lúc ấy kẻ phùng mang, trợn mắt; người chắt lưỡi, nghiến răng, lăn lộn giật mình, kêu than thảm thiết. Xét coi lúc ấy khổ não là dường nào”.

    Nhìn qua cảnh huống bốn điều khổ ấy, cho nên “Đức Thích Ca xưa ở lầu đài, Nghiệm tứ khổ nên Ngài tầm đạo“ (lời Đức Thầy). Và cũng chính thế, Đức Thầy cho biết:

    “Cõi Ta bà mấy ai tồn tại,
    Sống dư trăm như tuổi lão bành”.

    Bốn điều khổ vừa kể qua ta có thể tạm gọi đó là về phần thể xác.
    Còn bốn điều khổ sau tức là những việc mong mõi ham muốn mà chẳng đặng; sự thương yêu quí mến mà phải chia ly; chuyện tranh giành đối chọi hềm khích với nhau mà cứ gặp mặt nhau hoài; cuộc lo sợ giàu nghèo, túng thiếu cạnh tranh ngùn ngụt mãi trào dâng. Những sự ấy làm cho tâm trí cuống cuồng vào nẽo mê mờ đau khổ. Đức Thầy đã cảm nhận sự đau khổ ấy, nên Ngài đã cất tiếng buồn than:

    “Ôi! cả sang hèn mấy ai thong thả,
    Sao nhơn sanh cứ mãi đắm say”.

    Đã biết qua sự khổ của xác thân và tâm trí mà con người đã thọ lấy. Nay muốn diệt sự khổ não đó phải làm thế nào?
    Sở dĩ con người có khổ là vì có xác thân. Chính Lão Tử đã bảo: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, nhược ngô vô thân, hà hoạn chi khổ” (ta có cái hoạn nạn lớn, là tại ta có xác thân, nếu không có xác thân thì cái khổ không do đâu mà có). Mà sở dĩ có xác thân là tại…màn vô minh che lấp bản ngã (linh hồn) nên làm cho người phải tăm tối mê say, gây tạo ác nghiệp, chịu nẽo luân hồi thống khổ…” (lời Đức Thầy). Vậy muốn diệt vô minh thoát khỏi luân hồi thống khổ chỉ có nương theo “Môn hoàn diệt” mà Đức Thầy đã dạy là rốt ráo. Ngài dạy rằng:Nếu ta tìm con đường bát chánh đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh, làm việc nhơn từ, không lòng hờn giận, chẳng dạ ghét ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa điều phiền não và để bụng tham lam ích kỷ, gây mối thiện duyên, lần lần trí huệ mở mang, cõi lòng sáng suốt, thì màn vô minh sẽ bị diệt mất”.

    Khi màn vô minh được vén lên rồi thì ánh nhựt hiện bày, cõi lòng sáng suốt, sẽ đắc thánh quả, hưởng mọi tiêu dao trong cõi Nát bàn Cực lạc. Như lời Đức Thầy khẳng định:

    “Đường sanh mạng Phật ta đồng thọ,
    Tánh an nhiên bất diệt trường tồn”.

    Tóm lại, đã “thấy cảnh khổ” thì chúng ta hãy “mau mau tránh khổ”, bằng cách nương theo tám con đường chánh của Phật mà đi thì ngày kia sẽ an nhàn tự tại không còn khổ não nữa.

    Cư sĩ Nguyễn Văn Lía
     

Chia sẻ trang này