Sự lễ bái của người tín đố PGHH theo tôn chỉ của Đức Thầy

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 21/11/17.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator

    Sự lễ bái của người tín đố PGHH
    theo tôn chỉ của Đức Thầy

    [​IMG]

    Xét thấy hiện nay vẫn còn một số đồng đạo phân vân chưa nắm vững về cách xá và lạy theo nghi thức Tôn giáo mà Đức Thầy đã chỉ dạy rất rạch ròi trong quyển Tôn Chỉ Hành Đạo. Cho nên trên thực tế vẫn còn số ít xá và lạy một cách tùy tiện thiếu sự đồng nhứt, đó chẳng qua là họ không chịu nghiên cứu kỹ lời từ huấn của Đức Thầy, cũng như không chịu để ý học hỏi thực tiễn qua sự hướng dẫn của người khác.
    Điều lấn cấn tồn tại hiện nay là cách xá và lạy người sống và người chết, nhất là trước chân dung của Đức Thầy phải xá cách nào cho đúng lễ, tức xá 2 xá hay 3 xá và lạy có được? Đó là mấu chốt của vấn đề cần phải được phân tích, chứng minh làm rõ. Do đó, tôi xin phép được tóm lược khái quát qua những trích đoạn sau đây trong quyển Tôn Chỉ Hành Đạo của Đức Thầy để chúng ta tuân thủ và thực hiện cho thống nhứt, vì đây là qui tắc bất khả cưỡng nhằm để tránh tình trạng chênh lệch không đáng có.

    1./- Hành lễ

    Trước hết chúng ta hãy nghe đây lời huấn dạy của Đức Thầy về đối tượng nào mà mình xá hay lạy từ người sống đến người chết ngay cả đến Đức Thầy đều đã được kể rõ trong phần hành lễ như sau:
    “Chỉ thờ lạy Đức Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh hùng cứu quốc. Với những kẻ khác, nên bỏ hẳn sự lạy lục người sống, cho đến Thầy mình cũng vậy, chỉ xá thôi”.
    Đúng ra chúng ta phải xá và lạy Đức Thầy mới đủ lễ nghi tôn kính bởi Ngài là hiện thân của một vị Phật. Mà đã là vị Phật thì dù còn tại thế hay đã tịch diệt đều phải được cung kính bái lạy đó là lễ đương nhiên như ta thấy qua lịch sử, lúc Đức Phật còn trụ thế và cả 33 đời tổ cũng đều chấp nhận hình thức này cho các môn nhơn đệ tử khi có việc thỉnh cầu và thọ giáo. Thế nhưng, chỉ riêng trường hợp của Đức Thầy vì Ngài luôn chủ trương giản dị để hạn chế bớt những thông tục rườm rà, đồng thời Ngài còn biểu tỏ đức khiêm nhường, từ tốn của một đấng siêu phàm quan thế để cho mọi người dễ dàng tiếp cận, gần gũi với Ngài hơn cho nên Ngài phải khuyến bảo như vậy, điển hình trường hợp của ông Bảy Còn vừa thụp lạy Đức Thầy tại Tổ Đình nhưng Ngài đã không cho, chính vì vậy nên chúng ta đâu dám làm trái lệnh của Đức Thầy dạy bảo. Vả lại, theo quan niệm của hầu hết đồng đạo của chúng ta là phải tránh hẳn việc lạy lục Đức Thầy để chứng tỏ Ngài vẫn còn sống thế thôi.

    2./- Nghi thức lễ bái thường nhật

    Việc công phu lễ bái hằng ngày 2 buổi (sáng, chiều) của người tín đồ đều đã được Đức Thầy chỉ dạy rạch ròi đầy đủ trong Tôn Chỉ Hành Đạo ở mục “Sự cúng lạy của người cư sĩ tại gia” được hiển thị qua các bài cầu nguyện trước bàn thờ Cửu Huyền, ngôi Tam Bảo và bàn Thông Thiên, tuy giản dị nhưng bao hàm ý nghĩa như các phẩm kinh nhựt tụng của Đức Phật dành cho các tăng đồ và Phật tử.
    Điều này đã được tất cả tín đồ đều phụng hành một cách triệt để, không có điều gì vướng mắc cần phải trao đổi hay nhắc nhở. Vậy xin miễn ghi lại ở phần này mà chỉ nêu lên một vài khía cạnh còn nghi vấn do cá nhân một đồng đạo đặt ra câu hỏi dưới đây với yêu cầu được giải thích. Đây là những vấn đề cần phải được giải nghĩa cho rõ ràng thông suốt ngõ hầu cùng nhau đi đến điểm thống nhứt và đồng hành trên thực tiễn.

    3./- Cách cầu nguyện cho người chết, người bệnh tật và tai nạn

    a) Cách cầu nguyện cho người chết.
    “Mỗi người đứng trước bàn Phật” (bàn hương án trước sân nhà) niệm, vái và xá, lạy theo lời dạy của Đức Thầy trong mục “Cách cầu nguyện cho người chết”.
    Còn vấn đề như trên đã nói, có một đồng đạo ở Chợ Mới đặt ra câu hỏi vì muốn biết rõ lý do thế nào Đức Thầy đã bảo khi cầu nguyện cho người chết là “Mỗi người đứng trước bàn Phật” mà trên thục tế lại thấy hầu hết các buổi lế cầu nguyện đa số đều quỳ xuống như vậy chúng ta làm trái với lời dạy của Đức Thầy không? Câu trả lời là không, bởi các yếu tố như sau:
    -Thứ nhất: Để tỏ lòng cung kính chư Phật và các đấng bề trên, vì theo thức lệ từ xưa tới nay khi có việc cần van xin, khẩn cầu với ơn trên rất ít có trường hợp nào thể hiện ở thế đứng, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng.
    -Thứ hai: Điều này Đức Thầy đã chỉ rõ trong nghi thức cầu nguyện và vái lạy ở 2 thời cúng thường nhật rồi, hãy lấy đó làm quy thức (làm mẫu) để ứng dụng cho trường hợp tương tự (chỉ cần thay đổi nội dung cho tương ứng với thực trạng thôi. Còn hình thức vẫn không có gì thay đổi). Và hơn nữa Đức Thầy đã quá thừa biết bối cảnh của những nơi tổ chức hành lễ cầu nguyện đông người luôn bị hạn chế bởi thời gian và không gian chật hẹp, nếu Đức Thầy khuyên bảo nhứt thiết phải quỳ thì lẽ tất nhiên sẽ gặp phải tình trạng khó khăn trở ngại. Lúc này chính chúng ta mới thấy sự lúng túng và bối rối không biết phải hành xử thế nào cho đúng lễ. Chính vì thế mà Đức Thầy phải vận dụng bằng phương tiện pháp để cho chúng ta tùy nghi mà thực hiện.
    b)- Cách cầu nguyện cho người bi tai nạn và bịnh tật.
    Cũng thiết trí một bàn Phật trước cửa nhà và mỗi người đều chắp hương (quỳ hoặc đứng tùy theo điều kiện) nguyện:
    -Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3lần)
    -Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
    Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư vị Sơn Thần, Chư vị Năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh: Nay con (hoặc chúng con) thành tâm cầu nguyện cho (tên, tuổi…) nhờ ơn trên cứu độ được tai qua nạn khỏi (nếu là tại tạn), hoặc giải hết căn quả, tiêu tan bệnh tật (nếu là người bịnh). Nguyện xong, cũng lạy 4 lạy và xá chính giữa 1 xá niệm Nam Mô A Di Đà Phật, 1 xá bên trái niệm Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát và 1 xá bên phải niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát.
    Cũng có câu hỏi đặt ra bởi sao cầu nguyện cho người chết không có nguyện vái các Quan Thượng Đẳng Đại Thần…như phần cầu nguyện cho người nạn tai, bệnh tật? Xin trả lời: Việc cứu vớt vong linh người quá cố được siêu thăng về cõi Tây Phương Cực Lạc chỉ có Đức Phật mới đủ quyền năng, công đức để tiếp dẫn mà thôi. Còn các vị Thánh, Thần vẫn còn nằm trong tam cõi sanh tử luân hồi thì làm thế nào cứu vớt được linh hồn của người khác, ví như người không biết lội thì làm sao cứu người chết đắm được!?

    4/ Ý nghĩa của việc xá và lạy

    -Ý nghĩa của lạy 4 lạy: Để bày tỏ lòng tri ân đối với 4 điều ơn trọng đại mà tất cả loài người đề phải thọ lãnh và lo đền đáp;
    -Ý nghĩa của 3 xá: Là thể hiện lòng cung kính đối với Tam Thế Chư Phật và bao hàm cả Tam Bảo.
    Còn Đức Thầy chúng ta là vị Phật (Bồ Tát Bổn Sư) cũng nằm trong hệ Phật Tam Thế và được tiêu biểu trong hàng Tam Bảo vì hiện tại Ngài đã vâng sắc lịnh của 2 vị Phật Tổ xuống thế cứu đời lẽ đương nhiên Ngài là bậc Thánh Tăng (xuất thế gian tăng) vì thế cho nên chúng ta phải xá 3 xá là đúng nghĩa chứ đừng đem chuyện phân biệt Đức Thầy còn sống hay nhập diệt để bàn luận ở chỗ này là không đúng!

    5./- Trường hợp ngoại lệ

    Đối với việc hôn nhơn cưới hỏi như ta thường thấy đôi trai gái xá và lạy tạ ơn ông bà, cha mẹ còn sống đều xá 2 xá và lạy 2 lạy đó thuộc về phong tục tập quán lâu đời đã được xã hội thừa nhận thì chúng ta phải theo, nhưng phải hiểu rằng nó không thuộc phạm trù của lễ nghi tôn giáo.
    Tóm lại, bài viết này mục đích nhắc lại lời chỉ giáo của Đức Thầy và cũng để hóa giải một số thắc mắc tồn tại như đã nêu trên, để làm thể nào đem lại sự thống nhứt trong việc hành lễ, tránh đi những hình thức tùy tiện và lệch lạc không đáng có.


    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô A Di Đà Phật

    Hậu giang, ngày 21 tháng 10 năm 2017
    Kính bút

    Tịnh Lạc cư sĩ
     

Chia sẻ trang này