Sự nhiệm mầu từ biến cố đốc vàng hạ

Thảo luận trong 'Phản ảnh của tín đồ PGHH' bắt đầu bởi Buile, 31/3/16.

  1. Buile

    Buile Member

    SỰ NHIỆM MẦU TỪ BIẾN CỐ ĐỐC VÀNG HẠ
    Kính thưa: Chư quí Thân Hữu, Đồng Đạo trong và ngoài nước.

    Còn một vài hôm nữa là đến Lễ Kỷ Niệm lần thứ 69 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo tạm thời ẩn ánh (25, tháng 02 Âl nhuần, Đinh Hợi, 1947 – 25.2. Bính Thân 2016) từ biến cố Đốc Vàng Hạ, ngay trong đêm dự phiên họp bất thường do những người cùng chiến tuyến âm thầm tổ chức, nhằm triệt hạ Ngài Ủy Viên Đặc Biệt. Tạo nên một thảm họa “nồi da” đáng tiếc khắp miền lục tỉnh Hậu Giang, đã khiến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giờ lại có thêm cuộc xâu xé nội tình đầy dẫy tang thương, mà nạn nhân chính phải gánh chịu là những người cùng chủng tộc, phải tiếp tục đổ máu vô ích cho cuộc chiến phi nghĩa kéo dài hơn một thế hệ. Đã để lại rất nhiều hệ lụy nghi ngờ và cừu hận lẫn nhau, tồn tại dai dẳng hơn 40 năm sau ngày hòa bình mà vẫn chưa có cơ hội hóa giải cho ổn thỏa đôi đàng!

    Đây là bài học lịch sử đắng cay đầy máu và nước mắt, nhằm nhắc nhở cho cả dân tộc về tác hại của sự độc đoán!!! Đấy là một vấn nạn lịch sử, đòi hỏi trách nhiệm của đoàn hậu duệ cả hai bên, đến lúc cần phải tỏ thiện chí ngồi lại để nhìn nhận đúng bản chất sự kiện, hầu tìm kiếm một giải pháp hóa giải ôn hòa, thẳng thắn, cho thật sự công minh nhằm thuyết phục công luận. Riêng đối với Đức Huỳnh Giáo Chủ là đấng siêu phàm đã hoàn toàn thoát ngoài vòng sinh tử một cách vô ngã tự tại… Không có loại kiến thức phàm phu nào có thể lý giải nỗi về sự sống chết của Ngài, cũng như không có bất kỳ một chướng ngại nào có thể ngăn trở được sứ mạng thiêng liêng và lòng đại nguyện của Ngài. Trái lại Ngài rất tự tại tùy thuận vào ra nơi cõi Ta Bà, để thể hiện rộng lớn lòng Từ bi và trí Bát nhã diệu mầu, hầu có phương tiện rộng bủa từ tâm cứu độ mọi tai kiếp cho đồng bào và nhân loại, thuận theo sắc lịnh Phật Trời, trong cơ biến chuyển bách cận của buổi hạ ngươn.

    Năm nay nhân kỷ niệm ngày thiêng liêng này, là dịp để chúng ta tôn vinh công lao trời biển của Đức Huỳnh Giáo Chủ, trong cơ cuộc đại bi hoằng hóa suốt chặng đường lịch sử nhiễu nhương của đất nước trong những năm 1939-1947. Đặc biệt là biến cố Đốc Vàng Hạ, cũng cần làm sáng tỏ những tình tiết quan trọng mà bấy lâu vẫn còn tiềm tàng bí ẩn bất khả phân minh. Vốn là một thách thức to lớn đối với các sử gia, nhà nghiên cứu và học giả Đông Tây, không tài nào khám phá cho ra manh mối, bởi sự giới hạn của trí thức phàm phu. Tất cả những sử liệu trước đây, đã được công bố trong quốc nội, cũng như những hồ sơ tình báo được lưu trữ trong các văn khố quốc tế Anh, Pháp… xuất hiện gần đây đã gây dư luận xôn xao cho rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chết. Sự đồn đoán thiếu cân nhắc như thế là sự nhận định phiếm diện, ảnh hưởng màu sắc chính trị, tuyên truyền thiếu cơ sở.. họ cố giải thích một cách đơn điệu dựa vào những tư liệu ngụy tạo mà thời chiến nào cũng có không ít. Sự hữu hình mà còn không rõ thực hư, thì làm sao đủ sức khám phá cơ huyền, để hiểu nỗi cách quyền dụng thần kỳ đã vô hiệu hóa một âm mưu độc địa, trở thành một cơ hội để Đức Giáo Chủ tạm thời ẩn ánh an toàn, với đầy đủ lý do chánh đáng do đối phương tạo ra. Điều đáng ngạc nhiên nữa là Ngài dùng kế “Khổng Minh” tài tình ngăn chặn từ xa rất hữu hiệu cho một cuộc đụng độ nồi da mà sự diệt vong đang cận kề về phía bộ đội Hòa Hảo, nếu không khéo sẽ rơi vào hiểm họa. Mệnh lệnh “…Cấm chỉ việc kéo quân đi tiếp cứu… trong bức thư ngắn gọn, được thần tốc gởi đến doanh trại Hòa Hảo kịp thời là một minh chứng “Thần cơ diệu toán”, chỉ có đấng siêu phàm mới đủ diệu năng quán thông xuất thần như thế!

    Để kích thích sự tò mò khám phá, chúng ta thử đặt vấn đề, có ai nếu không phải là bậc siêu nhân như Đức Huỳnh Giáo Chủ, mà có bản lĩnh dám thản nhiên chấp nhận lời mời, với phong thái không do dự, quyết thực hiện cuộc phó hội ban đêm, được tổ chức tận vùng đầm lầy trung tâm của chiến khu Đồng Tháp. Dù là trí thức thường nhân vẫn ước đoán được một hậu quả “Lành ít dữ nhiều” huống chi là bậc quán chúng như Ngài. Thế mà Ngài vẫn loại trừ các yếu tố nghi ngờ hoặc phòng thủ đối trọng tương xứng theo lực lượng sẵn có. Thậm chí có đủ lý do khước từ chánh đáng hoặc bàn chọn địa điểm thích hợp khác, tối thiểu là đề nghị một phiên họp vào ban ngày cho minh bạch…
    Nhưng bản lĩnh của bậc siêu nhân không hề ngăn ngại. Vẫn một mình với đoàn tùy tùng 4 người phòng vệ và 2 phu chèo, trên một chiếc ghe mui cỡ nhỏ, thẳng tiến tròng trành trên dòng sông Ba Răng lạnh lẽo, khi ánh hoàng hôn ảm đạm mờ dần trong bóng đêm tịch mịch. Hai bên dòng sông um tùm lau sậy, không một bóng người hay nhà ở, ngoại trừ những trạm gác được bố trí đều đặn trên bờ sông rất nghiêm nhặt (Theo lời kể của Ông Mười Tỷ một phòng vệ còn sống sót).

    Từ khi Pháp tái chiếm Việt Nam lần hai ngày 23/9/1945, Đốc Vàng Hạ đã trở thành vùng căn cứ địa kháng chiến của UB/KCHC Nam Bộ, là vùng cấm địa bất khả xâm phạm. Nay lại xuất hiện một chuyến thủy hành phó hội ban đêm, là đã báo trước một tiền đề ảm đạm, và điều nguy hiểm đã thật sự xảy ra một cách kinh hoàng, khi mà hai nhân vật chính đàm phán là ĐứcThầy và ông Bửu Vinh vừa ngồi vào bàn họp, thì từ bên ngoài gần đó, nhiều loạt tiểu liên chĩa vào phòng họp tiếp cận mục tiêu khai hỏa liên thanh, loạn xạ trong bối cảnh tối thui. Dự luận cho rằng “chỉ có Thánh mới thoát nỗi”. Nhưng rồi còn hơn ta tưởng “cả Thánh lẫn phàm (Bửu Vinh) vẫn còn sống tự nhiên, qua sự cho biết cấp thời trong đêm, từ lá khẩn thư viết tay (thủ bút của Đức Huỳnh Giáo Chủ) được trích như sau:“…Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh, bỗng có sự sự biến cố, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra…”. Lá thư viết xong lúc 9 giờ 15 phút đêm 16/4/1947 có chữ ký của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Lúc bấy giờ 4 phòng vệ của Đức Thầy, thì 3 người đã bị sát thương bằng dao đâm và một người thoát nạn chạy về kể lại là ông Mười Tỷ.

    Thưa quí Thân Hữu, Đồng Đạo,

    Qua lá thư Đức Thầy gửi về cho ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ, được một người (không phải ông Mười Tỷ) không rõ căn tích, mang về tới doanh trại PGHH khoảng 11 giờ trong đêm ấy. Cộng thêm lời kể của ông Mười Tỷ về cái chết của 3 phòng vệ. Đã đủ chứng lý để khẳng định Đức Huỳnh Giáo Chủ thoát nạn an toàn, sau sự biến cố nã súng trực diện cự ly gần. Nếu cách ám hại chính xác đúng mục tiêu định trước như vậy, mà Đức Thầy vẫn không chết. Vậy thì Đức Huỳnh Giáo Chủ có thể chết được trong trường hợp nguy hiểm nào hơn nữa đây, xin hỏi hết công luận Đông Tây hãy trả lời dùm?

    Thế mà đến giờ nầy vẫn có người cho rằng Đức Thầy đã chết. Nhất là hiện nay người ta lôi ra những tài liệu mật vụ tình báo từ văn khố Pháp thì có đủ tin không? Dù Pháp hay Anh, Mỹ hoặc Việt Nam… cũng đâu có sử gia hay nhà chính trị nào là Thánh đâu mà biết được “việc Thánh chết hay còn sống”, chúng ta chớ vội cả tin?
    Nếu căn cứ theo nghiên cứu khoa học hay suy luận duy lý thì không tài nào giải thích cụ thể được những câu hỏi có liên quan về biến cố Đốc Vàng Hạ được.

    Chẳng hạn:
    1.- Nếu Đức Thầy chết thì ai đã viết lá thư ấy? Nếu cho rằng Bửu Vinh mạo lá thư ấy thì với mục đích gì? Phải chăng nội dung lá thư là cấm không cho kéo quân tiếp cứu? Nếu Bửu Vinh sợ lực lượng Hòa Hảo thì đâu dám tổ chức ám hại Giáo Chủ PGHH, chỉ cách địa điểm đóng quân của doanh trại Hòa Hảo chỉ hơn 10 cây số?
    Nên nhớ Bửu Vinh lúc bấy giờ (1947) đã có thừa lực lượng hơn Hòa Hảo rất nhiều. Khi họ cố tình hại lãnh tụ Hòa Hảo, tức nhiên là họ đã dự trù sẵn kế hoạch bao vây lực lượng Hòa Hảo kéo quân vào chiến khu tiếp cứu, để diệt gọn không còn manh giáp, chứ ngăn lại làm gì cho mất cơ hội. Một lần nữa khẳng định, chính Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết lá thư ấy nhằm cứu sống sĩ binh Hòa Hảo một cách an toàn. Vậy ý kiến cho rằng Bửu Vinh viết mạo thư ấy là sai... Vả lại thủ bút ấy của Đức Thầy chính luật sư Mai Văn Dậu và hầu hết trí thức thân cận Đức Thầy đã xác định rất chính xác, cho đến bây giờ vẫn không ai có ý kiến tranh cãi.

    2.- Người đưa thư trong đêm ấy họ tên gì? Và 3 người phòng vệ tử thương ngoài phòng họp, đến nay có aibiết thành phần, lai lịch và địa chỉ gì chăng? Theo nguyên tắc quân sự thì trước khi được chọn làm phòng vệ cho Đức Thầy, bổn phận các tướng lãnh phải chọn người thích hợp theo đơn vị cụ thể từ tiểu đội, trung đội, đại đội… Vậy mà cho đến 69 năm nay vẫn không ai biết 3 vị phòng vệ quan trọng ấy tên gì, không làm lễ giỗ, không xây miếu đài tôn thờ linh vị, không báo tử đến thân nhân, nói chung họ đã trở thành chiến sĩ vô danh hết sức vô tình, thậm chí người cùng đi với 3 người này là ông Mười Tỷ mà cũng không biết họ là ai. Vậy xin hỏi tiếp các tài liệu tình báo nổi tiếng được lưu trữ trong các văn khố Pháp, Mỹ, Anh và VN có giải thích nỗi điều này chăng? Hay cũng bó tay? Nếu việc nhỏ như vậy mà không thể biết thì chớ khá tham vọng lạm bàn đến việc sống chết của Đức Huỳnh Giáo Chủ vốn là đấng siêu nhân, ẩn chứa đầy cơ mật diệu huyền làm sao trí phàmvới tới?

    3.- Đã tin chắc rằng ĐứcThầy viết lá thư ấy sau sự cố xảy ra khoảng từ 8 giờ đến 9 giờ 15 phút đêm như đã chứng minh trên, chúng ta còn cần phải suy luận thêm coi, Ngài viết dưới ánh đèn bằng cách nào và nơi nào cho an toàn sau khi đã thoát nạn, mà không bị phát hiện? Vì sau vụ nổ kinh hoàng ấy thì toàn khu vực xung quanh đương nhiên phải bị truy lùng gắt gao? và người tín đồ đưa thư không phải là người tùy tùng theo đoàn phó hội, xuất hiện cách nào để tiếp nhận thánh thư ấy từ tay Đức Thầy?. Và từ ấy Đức Thầy đã ẩn ánh một cách kỳ bí hoàn toàn, ngoài sự hiểu biết của phàm nhân, không bất kỳ ai kể cả Pháp, Việt Minh và lực lượng hay tín đồ PGHH đều không còn biết thêm gì nữa cả.

    Nếu như đã tận dụng tột đỉnh kiến thức phàm phu mà không sao lý giải thấu đáo nỗi những hiện tượng bí ẩn chung quanh câu chuyện lịch sử ĐốcVàng Hạ được, thì chỉ còn cách dựa theo niềm tin “Thiên cơ và Đạo lý” hy vọng có thể khám phá có phần khả quan thuyết phục hơn đôi chút.
    Vì Đức Huỳnh Giáo Chủ là đấng siêu phàm, được thể nghiệm trong nhiều lĩnh vực và nhất là trong giáo lý, Ngài đã nhiều lần tiết lộ cơ huyền, nêu rõ về sứ mạng, về sự tiên tri và cách hành xử đối ứng rất chu toàn và hữu hiệu trong mọi tình thế.
    Ngài đã tiên liệu được chiến tranh thế giới lần hai, khởi đầu năm nào và kết thúc năm nào một cách chính xác (1939-1945) bằng sự ẩn dụ mười hai con giáp. Biết “Nhựt Bổn ăn không hết nửa con gà”… Vậy đối với diễn biến trong nước Việt Nam đối với Ngài, nào có chi phải khó khăn ngăn ngại. Đọc lại lịch sử dấn thân của Ngài chúng ta sẽ thấy sức linh hoạt thần kỳ ngoài năng lực dự đoán phàm phu, Ngài đã từng biến nghịch hoán chuyển thành thuận lợi, biến họa thành phước, biến nguy ra an… Rồi đây trong tương lai gần còn biến loạn ra trị, khi mà thế giới lâm chiến!

    Chẳng hạn:
    Ngài mở đạo năm 1939, ngay trong thời điểm chiến tranh thế giới lần hai khởi chiến khốc liệt, thế mà Ngài đã thâu nhận gần hai triệu tín đồ trong thời gian rất ngắn trước sự hà khắc cực đoan của thực dân Pháp; Khi bị Pháp lưu cư nhiều nơi, Ngài biến các nơi bị quản thúc của Pháp, thảy đều trở thành diễn đàn truyền đạo có tấp nập tín đồ.
    “Càng đi càng biết nhiều nơi
    Càng đem chân lý tuyệt vời phổ thông”

    Khi lánh nạn miền Đông thì: - Ngài giáo dục tinh thần kháng chiến cho Bình Xuyên. - Khi xảy ra nạn đói Bắc Kỳ thì Ngài đi khuyến nông. - Khi Nhật đảo chánh Pháp, - Ngài thành lập Ban trị sự các cấp, và lực lượng gìn giữ hương thôn. - Và tổ chức phong trào Độc Lập Vận Động Hội, đòi Nhật trao trả độc lập. Khi Pháp tái chiếm Việt Nam lần hai (23/9/1945) - Ngài thành lập quân đội Bảo An để đương đầu với Pháp. Tháng 9/1946 khi Pháp đàn áp mạnh ở các đô thị, các lực lượng kháng chiến rút vào bưng biền thì - Ngài thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội, để huy động hầu hết các tổ chức trí thức yêu nước tại Sài Gòn, nhằm củng cố lực lượng kháng Pháp. Tháng 10/1946 do nhu cầu tăng cường thống nhất lực lượng dân tộc, khi được lời mời Ngài liền tham gia UB/KCHC/NB, với chức vụ rất khiêm tốn là Ủy Viên Đặc Biệt, với chức năng vừa hòa giải mọi xung đột hai bên, vừa hợp tác thành lập các khu kháng chiến, nhằm lập kế lâu dài cho vận hội dân tộc.
    Đầu năm 1947. Do tiên liệu đến giai đoạn “Ta dừng tay chờ đợi lịnh Thiên”. Ngài chấp nhận vào cuộc, nhân biến cố Đốc Vàng Hạ rất thuận duyên để Ngài thể hiện sự chấp hành kỷ luật tổ chức hành chánh và tận tình thực thi nghĩa vụ với non sông, vừa cứu nguy cho đoàn thể sinh tồn bằng một lá thơ “Thần kỳ” đồng thời vận dụng cơ huyền tạm thời qui ẩn chờ lịnh Hoàng Thiên. Sự khế hợp nhuần nhuyễn viên dung lý sự, về sự thoát nạn nhiệm mầu như vậy là một thông điệp Thiên cơ khắc sâu niềm tin cho tín đồ yên tâm “Kiên trinh gìn mối đạo” và hứa hẹn Ngài sẽ trở lại khi cơ Trời thuận lợi. Đúng như lời dặn dò trước đó:
    “Ít lâu ta cũng trở về,
    Khuyên trong bổn đạo chớ hề lãng xao”

    Có nhiều người không hiểu cho rằng, vì sao Đức Huỳnh Giáo Chủ nổi tiếng là một nhà Thánh triết tiên tri lại phải “thọ nạn Đốc Vàng” để phải kết thúc sớm sự nghiệp hoằng hóa, khiến đoàn thể PGHH rơi vào cơn Pháp nạn dai dẳng gần 70 năm.

    Xin thưa, nếu nhìn ở góc độ phàm phu, thì không thấy hết sự thành công vĩ đại của Đức Huỳnh Giáo Chủ trên 3 lãnh vực Tôn giáoChính trị -Quân sự. Nhưng xét theo Thiên lý sẽ thấu đáo được rằng: Đức Thầy lâm phàm trong thời kỳ Mạt hạ tức thời tận diệt, mọi cộng quả, cộng nghiệp của nhân loại đều nằm trong bộ máy lọc lựa để tuyển chọn người hiền đức, đưa sang thế giới Tân Ngươn Thánh Đức.
    Nên việc đào tạo phải thích nghi sự dịch chuyển tuần hoàn từ hạ sang thượng, điều ấy phải thuận theo sự thăng tiến nghịch chiều. Vì lẽ đó, Đức Huỳnh Giáo Chủ xây dựng nền tảng Giáo lý, chú trọng việc đào luyện tín đồ các đức tính: Trung, hiếu, hiền, lương trên cơ sở đền trả tứ ân. Tục ngữ có câu: “Nhà nghèo mới hay con thảo, nước loạn mới biết tôi trung”. Thế nên trong môi trường gian khổ đầy thử thách. Người tín đồ mới có nhiều cơ hội vừa nhẫn nhục đền trả oan khiên, vừa đáp đền tứ đại trọng ân và tự rèn đúc ý chí kiên trinh theo lẽ đạo, để đi đến trọn sáng trọn lành. Ngài đã từng cảnh báo thói thường của hạng giả tu.
    “Tu mà ham cho được giàu sang
    Với quyền tước là tu dối thế”

    Thực tế 77 năm qua, tín đồ PGHH do hấp thụ nền chánh đạo vô vi của Đức Huỳnh Giáo Chủ, hằng triệu triệu tín đồ chân chính, đều có cơ hội rèn luyện và thực hành, đạt rất nhiều thành tựu từ nhiều góc độ và nhiều lãnh vực siêu tuyệt khác nhau, nếu so với các tôn giáo khác, cùng đồng hành trên thế giới, thì PGHH có nhiều nét nổi trội hơn hẳn về những đức tính căn bản chủ yếu nêu trên.

    1./- Về Tôn Giáo: Sau hơn một ngàn năm Phật Giáo thất truyền Phật Giáo đang bị “Thế tục hóa” toàn diện. Ngài xuất hiện kịp thời đưa ra nền giáo thuyết “Học Phật Tu Nhân” nhằm vãn hồi đạo Nhân và chấn hưng Phật Giáo, rất phù hợp mọi căn khí chúng sanh. Trên thì có giáo pháp thắng diệu cao siêu, hạp với hạng thượng căn thắng sĩ, dưới thì dùng cách phổ cập trung đẳng, giúp đại chúng dễ dàng nương tựa thực hành để trở nên Hiền Đức Hiếu Trung.

    2./- Về Chính Trị: Đương nhiên tín đồ cư sĩ tại gia phải có nhiệm vụ đáp đền ơn Đất nước trong lúc Quốc gia nghiêng nghèo. Nhất thiết phải cần có một đường lối chính trị thích hợp nhân tâm đạo đức nhà tu, vừa có qui củ đánh đuổi ngoại xâm vừa có kế sách an dân và lộ trình kiến thiết Quốc gia công bằng nhân đạo và văn minh giàu mạnh. Nền chánh đảng “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội” là đường lối trung hòa hoàn toàn phù hợp xu thế dân chủ lúc bấy giờ và mãi mãi không lạc hậu với thì tương lai. Giúp cho người tín đồ có năng lực và ý chí giúp đỡ quê hương tương xứng với tiềm năng có thể của mình, mà vẫn giữ được phong cách nhà tu chân chánh.

    3./- Về Quân Sự: Tính chất quân sự của PGHH hoàn toàn khác hẳn mục tiêu Quân sự quốc gia. Ngoài việc tham gia kháng chiến chống ngoại xâm, gìn giữ an ninh làng xóm và bảo vệ đạo pháp, lúc nước nhà đang bị nô lệ, nền đạo còn sơ khai. Quân đội của PGHH không có mục đích cát cứ vùng miền, hoặc bạo lực cướp chính quyền hay thành lập quốc gia như các lực lượng chính qui quân với hình thức tổ chức quân đội quốc gia. Khi đất nước thanh bình, đương nhiên quân đội PGHH tự giải thể để trở về đời sống tu hành.

    Đó chính là mục tiêu cố định của quân đội Hòa Hảo. Đúng như lời Đức Huỳnh Giáo Chủ đã bày tỏ ý chí và trách nhiệm với Non sông:
    “Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
    Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
    Đền xong nợ nước thù nhà,
    Thuyền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”

    Điển hình là tháng 10/1946 khi Đức Thầy tham gia vào UB/KCHC/NB với chức vụ Ủy Viên Đặc Biệt, Ngài liền đem lực lượng quân sự PGHH sáp nhập vào chính qui quân của chính phủ Việt Minh, không bảo lưu thẩm quyền biệt lập.
    Tóm lại Đức Huỳnh Giáo Chủ có chủ trương rõ ràng minh chánh và rất thành công trên 3 lãnh vực Tôn giáo – Chính trị - Quân sự, từ nền tảng triết lý, cũng như trực tiếp treo gương và hướng dẫn thực hành, rất chu đáo và hợp pháp rất thí chứng nhân tâm và Đạo lý, là nền tảng kim chỉ Nam cho hầu hết tín đồ nương theo mà lập công bồi đức để trở thành tín đồ chơn thành và công dân ưu tú, từng bước tiến đến trọn sáng trọn lành đạt đến cứu cánh giải thoát.
    Tuy nhiên trong tình hình đất nước nhiễu nhương thời binh lửa, không sao tránh khỏi một số ít ngoại đạo gia nhập lợi dụng đi ngược chủ trương, nhưng cũng chỉ là nhỏ lẻ mà thôi.

    Kết luận: Chúng ta khẳng định biến cố Đốc Vàng Hạ là một chứng tích lịch sử hiển nhiên không thể đảo ngược, được diễn ra trong bối cảnh phức tạp, ẩn chứa nhiều tình tiết bí ẩn cơ huyền, ngoài sức lý giải của phàm nhân. Nếu không dựa vào chánh tín để cảm thụ “Thiên cơ đạo lý” thì không sao thấu đáo ý nghĩa cơ mật tiềm tàng. Là tín đồ PGHH chúng ta tuyệt đối tin Đức Huỳnh Giáo Chủ là Phật lâm phàm với nhiều sắc chỉ thiêng liêng, có sứ mạng trọng đại trong cõi Ta Bà thời mạt pháp, chứ không riêng VN. Vậy hiện nay địa cầu đang biến chuyển nghiêm trọng, mà công cuộc tận độ của Ngài vẫn còn dang dở nửa vời, tất nhiên Ngài không thể không xuất hiện trở lại để hoàn tất theo Thiên mệnh. Nên Ngài cũng không thể chết (Tịch diệt) trong mọi trường hợp để tái kiếp. Tin chắc điều ấy, vì trong câu cuối bài “Sứ Mạng” Đức Thầy đã thổ lộ là kiếp cuối cùng “Kiếp chót nầy đây há lại tiếc chi thân phàm tục, song vì tình cốt nhục tương thân, cũng ủng hộ chở che cho xác phàm bớt nỗi cực hình” .

    Vậy sự cố Đốc Vàng Hạ đối với Ngài là một việc rất nhỏ so với đại cuộc nhân loại. Chỉ cần Ngài cử động nhẹ cây “Trần Phất” cũng đủ tự tại“Một Thầy ba Tớ hết buồn lại vui”. Nếu như trong quyển một Sấm Giảng, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã mô tả cảnh “Một Thầy ba Tớ đi dạo lục châu” biến hóa thần kỳ thoạt đó thoạt đây, đủ hình đủ dạng tục, tiên. Thì tại sao chúng ta lại không tin “Một Thầy ba Tớ dùng hóa thân” để đi giải nạn Đốc Vàng Hạ, cho thuận cơ ẩn ánh tạm thời, và cứu tín đồ khỏi họa diệt vong. Đến như vấn đề bức thư khẩn cũng đầy thần bí. Người đưa thơ đã được gặp Đức Thầy lúc nào, sao không báo sự an nguy của Đức Thầy lúc ấy ra sao, lại cũng không lưu lại doanh trại cho an toàn.Vị nầy còn có vẻ bí ẩn thần diệu hơn nhiều, nửa đêm lại dám hối hả xông vào bản doanh soái tướng… rồi lại ra đi đột ngột.

    Chúng ta thử đặt ra tình huống ngược lại, nếu Bửu Vinh đã quá nghi ngờ và cố tâm triệt hạ, mà Ngài không ẩn ánh, chẳng lẽ Ngài phải đương đầu cho rơi vào thảm họa “nồi da”. Thánh nhân xưa nay không bao giờ tham dự trong cảnh ngộ đồng chủng tương tàn. Nhiều lần Ngài lánh nạn ở miền Đông chẳng qua cũng vì lẽ ấy!
    Đức Thầy là đấng Đại Bi vô ngã, không vướng hiềm riêng mà lúc nào cũng bao dung với từ tâm rộng độ. Vậy bổn phận tín đồ PGHH chúng ta. Còn trong địa vị phàm phu cứ tùy theo thời kỳ, có thể ứng xử hay nhận định lý giải cách nào về vụ ĐốcVàng Hạ cũng đều chánh đáng cả, tùy theo căn tánh và môi trường sao sao cũng tốt, miễn cho thích hợp theo từng giai đoạn lịch sử lúc thắt lúc mở, đều có thể dễ đồng cảm được nhau về mặt tương đối. Tuy nhiên trong giai đoạn này, thế giới đầy biến động, VN cũng không ngoại lệ, chúng ta cần có cách nhận định theo lẽ cơ huyền, thuận lý Thiên cơ, nhằm làm dịu dần đi bao nỗi bất bình, cho thần trí nhẹ nhàng thanh thản, hầu rảnh rang trau dồi thân tâm an lạc, củng cố niềm tin Đức Thầy trở lại, mà nỗ lực xây dựng tình đoàn kết đệ huynh, tương trợ lẫn nhau trong quan, hôn, tang, tế và dìu dắt nhau tiếp bước tu hành, cho đủ Đức, đủ Công, đủ điều kiện gặp lại Chơn sư như đã hằng mong đợi. Đồng thời tạo thêm hòa khí,vốn đã tốt ngày càng tốt hơn, đối với nhân sinh và các giới ngoại đạo. Nhất là, làm sao linh động phương cách tổ chức các ngày Đại lễ kỷ niệm, cho được an toàn êm thắm và nhân rộng lan tỏa khắp nhà nhà, mà vẫn thể hiện đầy đủ ý nghĩa tôn kính từ hình thức lẫn nội dung hành lễ, không kém gì các hình thức tổ chức nghi lễ tập trung, mà phải thường xuyên vất vả với nhiều chướng ngại khách quan, rất khó suôn sẻ như ý vậy.

    Chân thành kính chúc quý đồng Đạo quốc nội cũng như hải ngoại được hưởng nhiều phúc lạc trong các mùa đại lễ an lành, dưới sự hộ trì của Đức Phật, Đức Thầy tôn kính!

    Trân Trọng,

    Châu Lang
    TP Sa Đéc 22/02 năm Bính Thân (2016)
    Last edited by Buile; Hôm nay at 07:15 AM.​
     
    Sửa lần cuối bởi điều hành viên: 22/12/22

Chia sẻ trang này