TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC PHAN THANH NHÀN Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán khác nhau. Đối với người Việt Nam nói riêng, Tết cổ truyền tức là năm mới tính theo Âm lịch, được xem là quan trọng nhất. Tết không chỉ là dịp để quây quần sum họp bên gia đình, mà còn là thời điểm để bảo tồn bản sắc dân tộc qua việc duy trì những phong tục cổ truyền. Tùy theo mỗi vùng miền, hoặc theo những quan niệm về tôn giáo của người Việt Nam, các phong tục tập quán ở từng địa phương thường có chút khác biệt. Nhưng xét về tổng thể, có điểm chung của phong tục ngày Tết được phân chia làm ba thời gian: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chẩn bị, ứng với những nghi lễ hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau. Có người cho là Tết cổ truyền Việt Nam có từ Trung Quốc, nhưng Tết của Trung Quốc có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế từ năm 2879 (trước Tây lịch), thay đổi theo từng thời kỳ (Tam Hoàng Ngũ Đế cũng chỉ là những nhân vật truyền thuyết). Cũng vào thời điểm đó, thời các Vua Hùng dựng nước khoảng năm 2879 đến 258 (trước Tây lịch) ở Việt Nam cũng có Tết. Tết được biết qua truyền thuyết bánh chưng, bánh dày vật biểu trưng cho ngày Tết xưa nay ở Việt Nam. Sách Lĩnh Nam Chích Quái có ghi lại câu chuyện về nguồn gốc bánh chưng, bánh dày và nói rằng: “Đến ngày Tết, vua lấy bánh nầy dâng cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước…”. Căn cứ vào thời gian nêu trên thì Việt Nam và Trung Quốc đều có Tết riêng. Tết của Việt Nam lúc đó không theo Tết của Trung Quốc vì Việt Nam lúc đó là nước độc lập chứ không phải thuộc địa của Trung Quốc nghĩa là không bị Trung Quốc đô hộ. Sau khi bị Trung Quốc xâm lăng và đô hộ mười thế kỷ, Tết của người Việt Nam có lẽ bị ảnh hưởng Tết của người Trung Quốc. Là người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, ai chẳng đọc qua những thi phẩm nói về Xuân của Đức HUỲNH GIÁO CHỦ, trong đó, bài “Cám Cảnh Dân Nghèo”, Ngài viết: Nhắn nhủ khắp nơi hỏi một bài, Ba ngày xuân nhựt bởi nơi ai? Rượu trà cờ bạc ôi phung phí, Chẳng biết lệ xưa của ai bày? Hay: Tết rồi Tết nữa Tết liền tay, Năm cuối mỗi năm cũng Tết hoài. Làm cho dân sự vui nha nhớp, Chơi giởn ba ngày rước xuân lai. Chúng ta đọc để suy nghiệm về nguồn gốc của ngày Tết, rồi từ đó chúng ta có một cách nhìn đúng đắn về ngày Tết sao cho thích nghi với cuộc sống về Đời và Đạo. Tết cổ truyền là lễ hội quan trọng của người Việt Nam, cho nên được chuẩn bị chu đáo nhất. Theo phong tục ở Việt Nam khi thời gian bước sang tháng Chạp (tháng mười hai Âm lịch) thì không khí chuẩn bị Tết bắt đầu. Sự chuẩn bị Tết qua biểu hiện tại các cửa hàng bày biện hàng hóa cho ngày Tết. Gia đình nào cũng chuẩn bị mua sắm quần áo mới cho trẻ con để chúng vui chơi trong dịp Tết. Tùy theo điều kiện và sở thích, các gia đình trang trí lại làm cho nhà cửa mới mẻ và sáng đẹp để đón chào năm mới, với mong mỏi có nhiều điều may mắn mới. Không khí Tết biểu hiện càng lúc càng rõ khi thời gian năm cũ ngắn dần và các phong tục trước Tết được thực hiện. Việc trước tiên là phong tục “chạp mả” (thăm và sửa sang mồ mả tổ tiên vào dịp cuối năm Âm lịch). Thông qua phong tục “chạp mả”, con cháu được giáo dục, nhắc nhở về mồ mả ông bà tổ tiên hay nói cách khác là giáo dục về nguồn cội của giòng tộc. Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt Nam thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, khi phong tục đưa tiển ông Táo hay cúng ông Táo được thực hiện. Theo quan điểm của người Việt Nam, ông Táo vừa là Thần Bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ. Nhân dịp năm cũ sắp hết và năm mới sẽ bắt đầu, Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ đã gởi tâm tư trong bài “Trao Lời Cùng Ông Táo”, sau hơn một năm Ngài lãnh sứ mạng giáng trần để giáo hóa chúng sanh “Hơn năm dư quyết chí duy trì, Truyền sanh chúng phải kính thờ Trời Phật”. Trong tờ cáo thẩm Ngài nhờ Táo quân trình lên Thượng Đế với “yếu lược đôi câu trần tố” mà trong đó có hai hạng người “hiền lương” và “bạo ngược”, như “Kẻ lương hiền chờ giọt mưa ngâu, Người bạo ngược thừa cơ nguy thủ lợi”. Ngài muốn tâu cùng Thượng Đế tường lãm và xin Ngọc Đế phân minh dùm trần thế. Có một số gia đình ở nông thôn vẫn còn giữ gìn phong tục dựng “cây nêu”, trong khi ở thành thị, phong tục nầy đã bị lãng quên. Với niềm tin rằng dựng “cây nêu” sẽ trừ quỷ dữ và điều xấu trong khi ông Táo đi vắng, đây cũng là nét văn hóa của dân tộc. Đối với người Việt Nam, ngày Tết không thể thiếu các loại hoa để cúng kiếng hay trang trí nhà cửa. Miền Bắc thường chọn cành Đào để cắm trên bàn thờ hoặc cả cây Đào trang trí trong nhà. Màu đỏ của bông Đào tượng trưng cho sinh khí mạnh, màu đỏ thắm là màu may mắn, như lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân. Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành Mai hoặc cây Mai hoa vàng. Theo dân gian từ thời xa xưa quan niệm màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển; màu vàng còn tượng trưng cho vương quyền (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ Hành, theo quan điểm người Việt Nam, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống. Ngoài hai loại hoa trên, còn có cây Quất. Cây Quất thường được trang trí tại phòng khách hay trước cửa nhà. Cây Quất có quả chín vàng, tròn trịa, xum xê, tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn. Sau khi chuẩn bị xong các loại hoa trái đặc trưng cho Tết, mỗi gia đình không thể thiếu mâm Ngũ Qủa. Mâm Ngũ Qủa là một mâm trái cây có năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết của người Việt Nam. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Mâm Ngũ Qủa thường gồm dừa, đu đủ, mảng cầu, xoài, sung, với ngụ ý cầu mong gia đình luôn được thịnh vượng. Bước kế tiếp là phần chuẩn bị ẩm thực. Trước ngày Tết, người miền Bắc làm bánh chưng, bánh dày; người miền Nam làm loại bánh phổ biến là bánh tét và các món ăn thịnh soạn để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Vào ngày cuối năm, có thể là ngày 30 tháng chạp (nếu là năm đủ) hoặc ngày 29 tháng chạp (nếu là năm thiếu) lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới, một nghi lễ không thể thiếu đối với gia đình người Việt Nam là cúng “gia tiên” hay cúng “ông bà tổ tiên”, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”. Tùy theo khả năng và phong tục vùng miền, gia đình nào cũng sắm các loại hoa qủa và phẩm vật để dâng cúng và mời ông bà tổ tiên về dự vui trọn ba ngày Tết. Đây là thời điểm gia đình sum họp lại với nhau để cùng ăn bửa cơm tất niên. Trong một năm, thời khắc thiêng liêng, xúc cảm mạnh mẽ nhất là đêm giao thừa, thời diểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới; cảm xúc về tâm linh, đạo lý giữa cái cũ và cái mới. Đối với chư Phật, chư Bồ Tát, đối với tổ tiên ông bà, các bậc tiên hiền, anh linh chiến sĩ quên mình vì đất nước để bảo vệ non sông gấm vóc và mình dường như có một sự giao cảm với nhau vào thời khắc đó. Đây là nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người phương Đông. Đây cũng là lúc gia đình sum vầy, đoàn tụ, đầm ấm bên nhau, chào đón năm mới. Dân tộc Việt Nam có một truyền thống văn hóa, đạo đức nghìn năm văn hiến với tình yêu thiêng liêng quê hương đất tổ, con Hồng cháu Lạc và lòng nhân ái giữa bản thân mình và gia đình, làng xóm. Dẫu cho bôn ba xuôi ngược với dòng đời nơi phương trời nào, giờ phút đó chúng ta đều muốn được trở về bên ông bà cha mẹ, thắp lên bàn thờ tổ tiên một nén hương lòng tưởng nhớ tri ân, trao tặng nhau những câu chúc tốt lành đầu xuân, trở về nguồn cội tìm lại chút hơi ấm của tình thương gia đình, mà đôi khi chúng ta bỏ quên vì mãi chạy theo đồng tiền bát gạo trong cuộc sống mưu sinh nơi viễn xứ. Chúc Tết là nét văn hóa đẹp, cho nên không thể thiếu trong ngày Tết, như người Việt Nam có câu: “Mồng Một lễ cha, mồng Hai lễ mẹ, mồng Ba lễ thầy”. Cha tượng trưng cho bên nội, mẹ tượng trưng cho bên ngoại, còn thầy là đại diện cho những người để giúp cho ta hiểu biết. Theo tập tục, sáng mồng một Tết còn gọi là ngày Chánh đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới đến, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày nầy là ngày con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ và các bậc cao niên. Người lớn “mừng tuổi” các trẻ em bằng các đồng tiền mới bỏ trong các “phong bì”, còn gọi là “lì xì”. Trong nhân gian, việc dành cho nhau những lời chúc xuân là một phong tục tốt đẹp mang nhiều ý nghĩa tích cực. Những lời chúc tốt đẹp, tuy đơn sơ nhưng thấm đậm tình người mong cho thế nhân luôn gặp điều may mắn và hạnh phúc tràn đầy. Khi chúng ta hiểu đúng những ý nghĩa nầy, chúng ta không chỉ mang đến nguồn động lực tích cực cho người khác mà còn tạo ra được khuynh hướng tốt đẹp cho chính bản thân mình. Xét cho cùng thì những sự cầu mong, những niềm mơ ước lúc xuân về thực sự là những nỗ lực tích cực để cùng nhau vươn lên hiện thực. Trong ý nghĩa đó, những sự tốt đẹp trong cuộc sống thực sự đang được chúng ta tạo ra mỗi ngày chứ không phải là sự mong chờ dựa vào nội dung của những lời cầu chúc. Nếu gặp thuận lợi suông sẻ trong năm mới, ta biết mình đã gieo nhân thiện lành nhiều đời và càng tinh tấn hơn nữa để mai sau hưởng trọn vẹn niềm an vui hạnh phúc. Nếu gặp chuyện không được hài lòng như ý, ta có thể biết đó là hậu qủa của việc làm xấu của mình trong qúa khứ. Nếu ta chí thành sám hối, đồng thời nỗ lực tu hành, từng bước sẽ chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Nghiệp xấu hay tốt được hình thành từ thân, miệng, ý, nên ta chỉ cần kiểm soát chặt chẻ ý nghĩ của mình. Tin sâu nhân quả, kiểm soát thân khẩu ý trong từng phút giây để cho ta và người hưởng trọn vẹn mùa xuân thanh bình nội tâm do chính ta xây đắp. Như vậy, hạnh phúc thật sự của con người không phải từ bên ngoài đến, mà từ sự buông xả ngay ở nội tâm mình. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta xả bỏ những tranh chấp hơn thua, phải quấy, tốt xấu, đúng sai xem đó như là gió thoảng mây bay. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ dạy người tín đồ dùng ẩm thực trong ba ngày xuân nhựt như sau: “Hằng năm đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29, 30 và mồng 1 phải ăn chay, trong mấy ngày ăn chay phải cúng chay, qua ngày mồng 2 có chi cúng nấy cũng được, đến ngày mồng 3 ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng kiếng Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà thôi”. Trong bài “Thi Xuân”, Ngài chúc: Chúc mừng năm mới, mới buổi qua, Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà. Trong mấy ngày Tết, người ta thường đi thăm viếng họ hàng để gắng kết tình cảm gia đình cùng họ hàng. Lời chúc thường là sức khỏe, công việc làm ăn được thịnh vượng, gặp nhiều may mắn, ước nguyện thành công…Những người năm cũ gặp điều không may thì tác động nhau làm cho tinh thần phấn chấn, tăng thêm niềm tin, sức mạnh, hướng về sự tốt lành. Đến thăm những người hàng xóm của mình và những gia đình sống gần gia đình mình, chúc họ những câu tốt lành đầu năm mới. Việc thăm hỏi nầy giúp gắn kết mọi người với nhau, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ đón chào năm mới. Đến thăm bạn bè, đồng nghiệp và những người thân thiết với mình để chúc họ những câu tốt lành, giúp tình cảm bạn bè gần gủi nhau hơn. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ là bậc giác ngộ hoàn toàn, nên việc mừng xuân mới cũng là dịp để Ngài đưa ra một thông điệp cho toàn thể chúng sanh và vạch ra con đường tìm về nơi chánh giác: Bước qua năm mới, mới mừng à, Khuyến khích dân tầm Đạo Thích Ca. (Thi Xuân) Ngài đã từng dạy tín đồ: “Những ngày vía của các Đức Phật, ngày rằm hay ba mươi, mình muốn đi chùa cũng tốt, đặng lễ Phật, dưng hoa, không có cấm. Nếu chùa nào nghèo, hư, rách, mà mình giúp đỡ được cũng tốt (có điều mình không nên mua sắm hình tượng cho nhiều)” trích “Những điều được tránh hẳn hoặc được châm chế hoặc nên làm”. Đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về nơi chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vã mưu sinh, mong tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những phiền muộn, lo âu của năm cũ. Cách đón Tết của người tu theo đạo Phật nói riêng và những người có niềm tin đạo Phật nói chung thường phản ảnh nét văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo. Sau thời khắc giao thừa, Phật tử thường lựa chọn chùa làm nơi đầu tiên để đến cầu nguyện. Một số người đi lễ Phật đầu năm để cầu phước báu và những điều may mắn cho bản thân và gia đình. Họ nghĩ rằng Phật và Bồ Tát là những bậc siêu phàm, luôn luôn từ bi thương xót chúng sanh và sẽ phù hộ họ khi họ cầu nguyện. Thiết thực hơn, người Phật tử thấy rằng lễ chùa đầu năm là cơ hội quý báu để trải nghiệm tâm linh và hòa mình vào không khí thiêng liêng đầu năm nơi chốn thiền môn thanh tịnh. Sự trải nghiệm đó có thể làm cho tâm họ nhẹ nhàng và thư thái. Có người còn nặng về tín ngưỡng nhân gian đến chùa xin lộc đầu năm, cầu mong chư Phật, chư Bồ Tát ban cho sức khỏe, hạnh phúc và mọi điều may mắn trong cuộc sống. Họ nghĩ đến Phật như một đấng thần linh, có quyền ban phước, giáng họa cho mọi người. Tập tục “hái lộc” có thể là một bông hoa, một cành non ở chùa hoặc chốn tôn nghiêm. Các chùa ngày xưa có nhiều cây lớn cành lá sum suê nên việc hái lộc ít ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và ít ảnh hưởng đến mỹ quan cây cảnh. Ngày nay, các chùa, nhất là ở đô thị không gian nhỏ hẹp, thường trồng cây cảnh nhỏ, nên việc hái lộc ảnh hưởng đến cây cảnh và mỹ quan sân chùa. Ý thức được điều nầy, người Phật tử đã thay đổi thói quen bằng cách hoan hỷ những lộc chùa (được các chùa chuẩn bị), mang tính biểu tượng như cành hoa, tấm thiệp ghi câu Phật dạy, bao lì xì nhỏ tượng trưng. Dù hình thức đã thay đổi nhưng ý nghĩa của nó vẫn là bày tỏ niềm hy vọng có được phúc lộc và may mắn trong một năm mới. Thực ra đó chính là một tập tục mê tín. Đạo Phật lấy chánh tín làm nền tảng, như nghe pháp tức là được lộc, lộc nầy dùng mãi vẫn còn, dùng hoài không hết. Đầu năm chúng ta đến chùa hay thiền viện, gặp gỡ và chúc nhau những lời lành mạnh tốt đẹp, dùng đạo lý để khuyên bảo nhau sống có tình có nghĩa, khuyên nhau tinh tấn tu tập vững vàng bất thối chuyển. Đó mới là lộc của đầu năm. Từ đó chúng ta đã có được một lộ trình tu tập để sống thiện, sống lành mạnh, có ích cho mình và cho mọi người, như vậy Tết mới có giá trị và đầy ý nghĩa. Có một số người tu theo đạo Phật lại đi xem bói, coi quẻ, xin xâm, coi chỉ tay, coi chữ ký…Ảnh hưởng nổi bật nhất của tín ngưỡng Phật giáo trong cách đón Tết của người tu Phật như là cầu an đầu năm và thậm chí còn cúng sao giải hạn. Bên cạnh việc lễ Phật đầu năm và sự cầu nguyện, còn ghi tên tuổi các thành viên trong gia đình để gởi các chùa đọc tên cầu an. Cũng có người còn tin vào ảnh hưởng tốt xấu của các vì sao, hạn, nên ghi đầy đủ tên các sao, hạn để đưa các thầy trụ trì cúng, gọi là cúng “nhương tinh giải hạn”. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các Phật tử, hầu như các chùa đều thực hiện nghi thức cầu an, dâng sớ đọc tên cho các Phật tử dịp đầu năm. Một số chùa còn có các hình thức “cúng sao giải hạn” nhằm thu hút tín đồ. Những ngày đầu năm, thay vì chào đón mùa xuân, vui mừng Tết bằng nụ cười tươi mát, chúng ta lại bắt đầu sợ hãi, lo âu vì năm nay là năm tuổi! Việc cúng sao hạn không phải phát xuất từ đạo Phật, mà từ đạo Lão. Đầu năm mới, ai bị sao xấu chiếu mệnh, người nầy sẽ gặp chuyện không may… có thể là suốt năm. Vì vậy, năm nào gặp sao xấu phải cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai, tác quái. Tổ tiên ta đã bỏ ra nhiều công sức tạo nên một tập tục thật đáng quý là mừng xuân ăn Tết, hưởng lộc ông bà. Nhưng đa số chỉ lo khẩn cầu, vái van cho tai qua nạn khỏi. Thử hỏi còn tâm tư nào mà thưởng xuân ăn Tết. Những hủ tục dị đoan mê tín nầy đã làm tổn phí biết bao tiền của và những sự lo sợ vô lý viễn vông. Mùa xuân đến là mùa hoa trái đâm chồi nẩy lộc, mùa của sinh sản, tươi mát, nên ông bà chúng ta có câu đối ví ngày xuân như là một sự đổi mới của năm cũ: Đêm ba mươi, đạp thằng Bần ra cửa, Sáng mồng một, bồng ông Phúc vào nhà. Vậy mà những hủ tục, dị đoan, khiến chúng ta thêm âu lo khi năm mới đến, thay vì bồng ông Phúc vào nhà thì mình lại hoảng sợ vì bị sao xấu chiếu mệnh. Sáng mồng một lại vội vả đi chùa, đi miếu dâng sớ cúng sao vì sợ nếu không làm kịp các hung tinh lại giáng họa lên gia đình và chính bản thân. Nỗi ám ảnh ấy đã làm cho nhiều gia đình không đón xuân trọn vẹn vì lòng luôn nơm nớp lo âu. Trong thời gian Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ khai sáng nền Đạo để giáo hóa chúng sanh, có người đến nhờ Ngài đoán giùm vận mạng hoặc việc gia đình, Ngài đã viết ra một bài thi “Khuyên Bỏ Dị Đoan”: Thiện tín tới đây chớ ngã lòng, Xác trần mê mệt nỗi long đong. Cậu, cô, chú, bác đừng coi bói, Theo lối dị đoan mất bạc đồng. Bạc đồng chẳng dụng, dụng chơn không, Quyết chí nâng niu giống Lạc Hồng. Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp, Cho đời hiểu rõ lý chơn không. Là người tu theo đạo Phật, chúng ta phải triệt để không tin theo những hủ tục mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh nầy. Luật nhân quả đã xác định, nghiệp báo và phước báo đều do chính mình gây tạo ra và cũng do chính mình thụ hưởng. Điều Phật dạy là không có một vị Trời, Thần nào có quyền năng thưởng phạt hay làm giảm thiểu những tội phước mình đã tạo ra. Tiền bạc hay vật thực của chúng ta, thay vì dâng cúng cho những hung tinh, chúng ta có thể làm phước bố thí cho kẻ bất hạnh, rồi hồi hướng công đức lành nầy cầu cho gia đình được một mùa xuân an lành, hạnh phúc. Đó là cách làm đúng đắn nhứt là bồng ông Phúc vào nhà, là chào đón một mùa xuân tươi mát bên gia đình và người thân. Chúng ta tu Phật, phải tin sâu vào nhân quả, tin sâu vào đạo lý vô thường, duyên sinh của các pháp. Nhìn sâu thấy rõ chúng ta mới có niềm tin để bước vào cuộc đời mà không giao động. Chúng ta có những hoàn cảnh sống khác nhau, đây chính là biểu hiện của nghiệp lực, có người giàu kẻ nghèo, có người sang kẻ hèn, người đẹp kẻ xấu, người trí thức kẻ dốt chữ. Tất cả những hoàn cảnh chánh báo y báo có được biểu hiện ra không phải là hình thức thưởng phạt của đấng Thượng đế nào cả mà đó là vận hành tự nhiên của luật nhân quả tạo ở kiếp trước biểu hiện ra ở kiếp nầy. Hiểu được như thế, chúng ta sẽ thấy rằng tương lai tươi sáng đang ở phía trước do chính mình tạo chứ không do cầu khẩn ở một đấng quyền năng nào. Còn cầu bình an đầu năm, không có nghĩa là đi cúng sao giải hạn để được tai qua nạn khỏi, mà phải ý thức rằng các thành viên trong gia đình nhắc nhau trong dịp đầu Xuân mới cùng đi lễ Phật, nghe kinh, tụng kinh, tự mình phải làm mới, tạo thêm phước lành, tránh làm điều xấu ác, tu nhân tích đức; nhờ công đức nầy gia đình được yên vui, hạnh phúc suốt năm. Hành động đó mới đúng theo luật nhân quả: tạo nhân lành sẽ được hưởng quả lành. Người đi chùa lễ Phật, nghe pháp tiếp thu được những tinh hoa của nhân loại, hiểu được triết lý của nhà Phật để chuyển hóa thân tâm. Tất cả đều mới mẻ đúng như ý nghĩa của đêm giao thừa mà mọi người thường nói “tống cựu nghinh tân”, tức là tiển đưa năm cũ đón mừng năm mới. Một điều chúng ta đừng bao giờ quên, tống cựu, nhưng chọn lọc những cái cũ nào tốt nhớ giữ lại để duy trì, còn nghinh tân cho năm mới thì không phải cái gì cũng rước cả; đừng bao giờ rước buồn phiền, tham, sân, si, ganh tị, tật đố, ngã mạn vào thân trong năm mới. Ở đây, chúng ta cần phải biết, bỏ cũ tức là bỏ những cái xấu có hại cho mình, cho người. Rước mới là rước cái hay cái đẹp để duy trì, phát huy, làm nền tảng cho năm mới hầu tu tập theo tiến trình chuyển hóa từ nhân đến quả. Nếu chúng ta nghĩ, nói và làm theo điều xấu thì sẽ gặp điều chẳng tốt đẹp gì. Ngược lại, nếu chúng ta hằng tỉnh, hằng giác để nghĩ, nói và làm điều tốt đẹp thì chắc chắn sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp, cùng một ý nghĩa như “trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy”. Hiểu và tin sâu như thế thì trong năm mới chúng ta sẽ là người rất hạnh phúc. Khi mùa xuân trở lại, mọi người trao tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, bình an, phúc lạc trong năm mới. Riêng người có học giáo lý nhà Phật cũng chúc nhau bằng lời đạo lý để nương đó tu tập được tinh tấn, bớt mê mờ tăm tối, không tạo nghiệp dữ, sống có ích cho mình và cho mọi người, xây dựng xã hội hướng về chân, thiện, mỹ. Xuân Mậu Tuất (2018) PHAN THANH NHÀN