Thân thế (xác phàm của Đuc Huỳnh Giáo Chủ)

Thảo luận trong 'Tiểu-Sử và Sứ-Mạng của Đức Huỳnh Giáo Chủ' bắt đầu bởi Hhuynh, 29/11/11.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    Thân thế
    xác phàm của Đức Huỳnh Giáo Chủ


    [​IMG]

    Sanh trưởng.

    Ðức Huỳnh Giáo Chủ tên tộc là Huỳnh Phú Sổ, sanh tại làng Hòa Hảo một thôn nằm trên Bắc ngạn sông Vàm Nao, thuộc Quận Tân Châu, Tỉnh Châu đốc, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, tính ra nhằm ngày 15 tháng giêng năm 1920.
    Thân sanh của Ngài là Ðức ông Huỳnh Công Bộ, lúc bấy giờ làm Hương Cả làng Hòa Hảo. Thân mẫu của Ngài là Ðức Bà Lê Thị Nhậm.
    Ðức ông có 2 đời vợ. đời vợ trước sanh được hai gái, hiện nay người chị thứ hai còn sống góa chồng, còn người em thì đã chết. Khi bà lớn mất, Ðức Ông tục huyền với bà Lê Thị Nhậm và sanh được ba người con:

    - Con đầu là Ðức Huỳnh Giáo Chủ.
    - Con thứ là Huỳnh thị Kim Biên.
    - Con út là Huỳnh Thạnh Mậu.


    Cô Huỳnh thị Kim Biên, nay là Bà Lâm đồng Thanh, còn cậu Huỳnh Thạnh Mậu thì đã bị Việt Minh giết năm 1945, vì đã tham gia cuộc biểu tình chống độc tài Cộng Sản, do anh em tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức tại Cần Thơ ngày mống 3 tháng 8 năm Ât Dậu, nhằm ngày 8-9-1945. Ngày 2 tháng 9 Ât Dậu, chúng đem cậu ra hành quyết, cùng một lúc với:

    - Trần văn Hoành con của Trần văn Soái
    - Nguyễn xuân Thiếp tức thi sĩ Việt Châu.


    Hiện nay tại sân vận động cũ, anh em tín đồ có xây mộ 4 liệt sĩ Hòa Hảo (trong đó có một ngôi mộ vô danh) và cất miếu thờ, hằng năm đều có làm lễ kỷ niệm vào ngày mồng 2 tháng 9 âm lịch. (Hiện nay Miếu thờ và các ngôi mộ đã bị nhà nước VNCS phá hủy tất cã các di tích)

    Ðức Huỳnh Giáo Chủ thường được người đời gọi là Thầy tư Hòa Hảo hay tôn xưng Ðức Huỳnh Giáo Chủ còn tín đồ thì gọi Ngài là Thầy hay Ðức Thầy, và nền đạo của Ngài khai sáng được mang danh là Phật Giáo Hòa Hảo. Từ trước đến nay, việc lấy địa danh làm tông danh là điều thường thấy trong đạo Phật. Như phái Thiên Thai Tông bên Trung Hoa sở dĩ thành danh là vì tông nầy xây dựng già lam trên núi Thiên Thai cũng như phái Trúc Lâm Yên Tử ở nước Việt Nam chúng ta được thành danh cũng do Ngài điều Ngự Giác Hoàng tức vua Trần Nhân Tôn khai sáng một Thiền phái Việt Nam trên núi Yên Tử, Tỉnh Quảng Yên.

    Tánh tình.

    Ngay từ khi còn bé, Ngài đã tỏ ra hơn người trong mọi phương diện. Tánh Ngài điềm đạm, ít chịu trứng giỡn cợt đùa, thường tìm nơi thanh vắng ngồi trầm tư mặc tưởng. Ngài không thích đờn ca xướng hát; vì thế những chỗ hội hè đình đám, những nơi tụ họp đông người, Ngài luôn luôn xa lánh.
    Từ lúc bé, Ngài đã có tánh hiếu sanh, không chịu bắt bướm, chuồn chuồn hay bắt dế để chọi nhau chơi. Những thú vui như đá cá thia thia, đá gà, những thú vui có ý sát hại, hay làm tổn thương thì Ngài không thích. Có lần Ngài ra ruộng, gặp con cóc, Ngài la lên nhưng đến khi các trẻ khác bu lại kiếm bắt thì Ngài lấy chơn đè giấu con cóc cho mọi người không tìm thấy. đến khi chúng bạn tản ra, Ngài mới lấy chơn lên cho con cóc thoát nạn. Lòng hiếu sanh của Ngài đã biểu lộ qua nhiều cử chỉ nhơn từ thương xót các loài vật.
    Ngài có tánh cả thẹn đối với phụ nữ. Khi đến tuổi trưởng thành, hễ ai đề cập đến vấn đề hôn nhơn là bị Ngài phản đối ngay. Ngài thường tuyên bố: thích sống độc thân để được tự do hoạt động.

    Học lực.

    Từ khi cấp sách đến trường, Ngài đã tỏ ra xuất sắc hơn chúng bạn. Ban sơ, Ðức ông cho Ngài học các lớp sơ đẳng tại trường Hòa hảo lúc bấy giờ tạm lấy nhà Công sở trước đình thần làm trường sở. Năm 1950, Công sở bị dở; nay là Thư Viện Hòa Hảo. Cứ như được biết niên học năm 1927-1928, Ngài đã học với ông giáo Phan văn Khoái.
    Sau khi học hết các lớp sơ đẳng ở Hòa Hảo, Ðức ông cho Ngài tiếp tục học tại trường Tiểu học bổ túc Tân Châu với ông giáo Lê văn Tám dạy lớp nhì, năm thứ nhứt (cours Moyen I). Trong lúc ấy, Ngài ở trọ nhà ông Huỳnh văn Sánh, thợ bạc ở Tân Châu. Sau khi đậu bằng Tiểu học (Certificat d’Etudes élémentaires), Ngài phải thôi học vì bịnh hoạn, mặc dầu Ðức ông đủ sức cho Ngài tiếp tục học thêm nữa.

    * - Sức khỏe.

    Thật ra thì lúc nào Ngài cũng đau ốm luôn, không mấy khi được khỏe mạnh. Lâu lâu lại phải lên cơn sốt rét dữ dội, vì vậy mà Ngài xanh xao ẻo lả, có lúc mất ăn mất ngủ nhiều ngày, xem chừng bịnh tình trầm trọng lắm, có thể chết được.
    Ðức ông, Ðức Bà hết sức lo buồn, hằng kiếm thầy chữa trị mà bịnh vẫn không thuyên giảm. Ban đầu còn chạy chữa ở những thầy thuốc Bắc thuốc Nam trong làng mà không hết, trái lại bịnh trạng xem khác thường khi mạnh khi yếu khiến mọi người nghi là mắc bịnh tà và nghĩ đến cách chữa trị bằng pháp thuật bùa ngải.
    Nghe đồn ở núi Trà Sư có ông Thầy Xom hay đạo Xom, tục danh là Lê Hồng Nhựt một tu sĩ nổi tiếng giỏi phát thuật, đã từng chữa mạnh nhiều bịnh bằng bùa ngải. Ðức ông bèn cho chở Ngài đến nhưng rốt cuộc cũng không thấy hiệu quả.
    Ngoài ra, Ðức ông còn đưa Ngài xuống ông Bảy Còn ở chợ Cà mau thôn Long Kiến nhờ chữa trị. Ông Bảy là cháu nội của ông đạo Thắng một cao đệ của Ðức Phật Thầy Tây An và đã được truyền nhiều diệu pháp để cứu dân độ thế. Ông đạo Thắng truyền lại cho thân phụ ông Bảy và ông nầy truyền trao lại cho ông Bảy tiếp tục nghiệp ông cha.
    Ông Bảy vốn là người thân thuộc của Ðức ông nên Ðức ông rất tin cậy, đưa Ngài đến nhờ chữa trị. Ban đầu thấy có mòi thuyên giảm nhưng về sau bịnh vẫn không thấy gì thay đổi.
    Nghe đồn ở Mặc Cần Dưng có ông Lục Cả chữa bịnh tà rất hay, Ðức ông cũng lo chở Ngài đến nhờ chữa trị. Nhưng bịnh Ngài không khác gì "giả ngộ", mới thấy nguy kịch đó, lại liền thấy mạnh khỏe.
    Như lần chở Ngài đi, sau bảy ngày bỏ ăn bỏ ngủ, tưởng là nguy kịch lắm, chẳng ngờ lúc đi ghe, Ngài lấy cơm nguội ra ăn hết hai tô lại uống thêm 2 tô nước sông. Phàm người bỏ ăn năm bảy ngày, muốn ăn lại phải cho uống nước cháo rồi lần lần cho ăn cháo lỏng, dạ dạy mới chịu nổi. Vậy mà Ngài vẫn ăn khỏe như người thường và không thấy sao cả.

    Lúc bấy giờ lại có tin đồn Bếp Ngoan, tục danh là Lê Minh Chiếu, ở Chợ Vàm một tay lão luyện về bùa ngải của Miên và Xiêm, từng học với thầy ngải ở Tà Lơn và chữa lành các bịnh bị thư, bị ngải hay mắc bịnh tà. Trong lúc bứt ngặt, Ðức ông cho chở Ngài lên Chợ Vàm, nhưng Bếp Ngoan chữa cũng trơ trơ.
    Ðiều đáng lo ngại nhứt là mấy lúc sau nầy, Ngài lại vướng thêm bịnh huợt tinh khá trầm trọng. Do chứng bịnh nầy mà Ngài trở nên xanh xao vàng vọt, con người tiều tụy, không còn thiết gì đến việc học hành. Về sau Ngài có thổ lộ cho một tín đồ ở Bạc Liêu biết: đó là ơn trên định dọn phần xác cho tinh khiết, chẳng khác nào súc ve cho sạch trước khi đựng lấy nước trong.

    Ra trị bịnh.

    Sau khi thôi học về nhà, Ngài thường tỏ ra nhiều cử chỉ kỳ lạ, khi thì nằm thim thíp, bỏ ăn bỏ ngủ, lúc thì mạnh mẽ như người không bịnh, đi đứng như thường, nói năng hoạt bát.
    Ðức ông cũng bao nhiêu người khác, đều cho Ngài có tà ma quỉ quái chi dựa vào nên mới có trạng thái khác thường như vậy.
    Mặc dầu, Ðức ông lo chữa chạy cho Ngài tận tình, nhưng Ngài thì cứ nói rằng không có bịnh chi cả, vì nễ Ðức Ông mới đi chạy thầy chạy thuốc như vậy.
    Một hôm, Ngài đi lên đầu trên xóm dưới truyền rao: nếu ai có mắc bịnh chi, cứ đem lại cho Ngài chữa trị cho.
    Thấy vậy Ðức Ông bĩu môi: Bịnh mình chề ê, như vậy mà không lo, còn đòi đi chữa bịnh người ta.
    Ban đầu không ai tin Ngài có thể chữa bịnh, nhưng có một vài bịnh ngặt nghèo, kể như hết phương cứu chữa, nghe Ngài nói chữa được nên cũng liều đem đến, may ra có phép Tiên phép Phật gì chăng. Vả lại, Ngài không có làm điều chi nguy đến tánh mạng con bịnh, hơn nữa phương pháp của Ngài cho uống nước lã không có gì nguy hiểm. Vì vậy mà người ta đánh liều chở bịnh đến nhờ Ngài cứu chữa. Nhưng lạ lùng thay, bịnh nào Ngài chịu chữa cũng đều được mạnh lành, mặc dầu đã tốn bao nhiêu tiền của và thuốc men.
    Do cách chữa trị huyền diệu ấy mà tiếng đồn lan rộng ra. Nhứt là từ ngày Ngài chữa bịnh cho con gái ông Hương chủ Hùng ở Hưng Nhơn mắc bịnh trùng, thập tử nhút sanh, đã chạy chữa đủ thầy pháp thầy bùa trong vùng mà không hết. Nghe Ngài chữa bịnh bằng phương pháp huyền diệu nên chở ra nhờ Ngài chữa.
    Ngài dùng nước rải vào mặt bịnh nhơn khiến bất tỉnh, ngất xiểu. Ngài bỏ đó, thân nhân lấy làm lo ngại, nhưng Ngài bảo khiêng vào nhà sau, đợi đến giờ Tý Ngài sẽ chữa cho. Quả nhiên, khi đến giờ, Ngài đem một chén nước lã bảo cạy miệng ra đổ. Trong chốc lát, cô ấy tỉnh lại rồi mạnh luôn và từ đó gia đình của Hương chủ Hùng không còn lo ngại về bịnh trùng nữa.

    Bắt đầu từ khi chữa dứt bịnh trùng cho gia đình ông Hương chủ Hùng, tiếng tăm của Ngài vang dậy khắp nơi. Chừng đó ngày nào người ta cũng nườm nượp chở bịnh đến, nhứt là các bịnh điên hay bịnh tà, xưa nay có tiếng là hung dữ không ai chữa nỗi, nay chở đến chật nhà chật cửa.
    Lúc bấy giờ nhà Ðức ông chật nức, nào bịnh nhơn, nào những người hiếu kỳ đến xem chữa bịnh, chen nhau không còn chỗ trống. Có nhiều con bịnh hết sức hung tợn, ở nhà la ó hay hành hung không ai dám lại gần, phải dùng thế bắt trói mới đem đi được. Thế mà khi đến Ngài, Ngài bảo lấy dây chuối cột tay dẫn lên, bịnh nhơn riu ríu đi theo không chống cự.
    Cũng có con bịnh chưa chịu phép, còn la ó hay múa tay múa chơn, Ngài rút chiếc khăn quăng ra và hét: Chư Thần đâu… để vậy sao? Hét vừa dứt tiếng thì bịnh nhơn chạy đến chụp lấy chiếc khăn quấn vào tay, càng siết chặt hai tay lại, vừa khóc lóc van lơn xin Ngài tha thứ.
    Ngài nói: Nếu biết ăn năn thì hãy xuất ra. Người ta có vợ có chồng rồi, đừng có xen vào phá gia cang người ta. Hãy hứa không còn phá nữa ta mới dung thứ.
    Con bịnh khóc lóc hứa từ nay không còn dám phá nữa. Ngài bảo mở trói; con bịnh tự tháo chiếc khăn ra. Ngài dạy lại lễ Phật, cho uống một chén nước lã rồi ra về.
    Ngoài bịnh trùng, bịnh điên, Ngài còn chữa nhiều thứ bịnh khác nữa, như dịch tả, phung đơn, nhứt là cai thuốc phiện, bỏ rượu một cách tài tình.
    Phương pháp chữa trị của Ngài hết sức giản dị. Ngài cho uống nước lã, hoặc giấy vàng hay giấy nhựt trình xé nhỏ ra. Về phương dược thì các thứ lá cây như: lá xoài, lá ổi, lá mít, các thứ bông như; bông trang, bông thọ. Còn về niệt để đeo thì dùng chỉ trắng se lại, có khi không có chỉ thì dùng dây chuối, dây bố…
    Chỉ có bấy nhiêu dược liệu, hết sức giản dị không tốn tiền mà bịnh nào uống vào cũng khỏi. Lạ nhứt là những người ghiền á phiện hay ghiền rượu, chỉ uống nước lã mà bỏ rượu bỏ á phiện cái một, không hành phạt chi chi cả.

    Ngoài ra Ngài cũng có cho toa thuốc Bắc, ai có mắc bịnh, cứ theo đó bổ về sắc uống: mười bịnh hết mười, khỏi phải đem đến Ngài chữa trị. Những phương thuốc còn ghi chép trong quyền "Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ". Ðến ngày nay nhiều người mắc bịnh đã theo toa thuốc ấy hốt uống vẫn thấy hiệu nghiệm như một thứ thuốc Tiên.

    HH

     

Chia sẻ trang này