Thế nào là học Phật tu Nhân

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Hhuynh, 29/10/17.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    THẾ NÀO LÀ HỌC PH
    T - TU NHÂN

    (Một Pháp môn nền tảng của Đức Thầy khai thị để dẫn dắt chúng sanh trong thời kỳ mạt hạ nầy).

    Đây là một pháp môn bao gồm cả 2 lãnh vực Phật đạo và Nhân đạo được rút gọn. Nếu đứng trên bình diện nguyên lý thì đây không phải là một pháp môn có gì khác biệt và mới mẻ đối với chân truyền giáo lý của Phật giáo.

    Thế nhưng, nếu xét về phương diện lập ngôn thì phải xem đây như một cụm từ được xác lập có tính cải tiến chỉ mới xuất hiện đầu tiên vào tiền bán thế kỷ 19 do Đức Phật Thầy Tây An là vị Giáo tổ dòng phái Bữu Sơn Kỳ Hương xướng xuất và được nối truyền qua bao lần hóa thân chuyển kiếp đến Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH mới được phổ cập và áp dụng vào thực tiễn, có hệ thống và quy cũ hơn để làm nền tảng cho tất cả môn đệ và chúng sanh tu học trong thời kỳ mạt hạ này.

    Thực ra, từ trước tới nay đã có các vị cao minh, lão thành trong đạo trình bày, luận giải khá công phu theo quan niệm và góc nhìn của mỗi cá nhân nhưng chỉ đại khái mang tính chung chung chứ rất ít người chịu khó tư duy, nghiền ngẫm sâu hơn một pháp môn hàm chứa cả diệu lý huyền thâm của Phật đạo được cô động trong một cụm từ mới nghe qua như hết sức đơn giản. Đó chính là nguyên nhân làm cho tuyệt đại đa số người đã vấp phải sự ngộ nhận đáng tiếc cho bước đường tu tiến! Ví dụ, nếu có ai đó đặt câu hỏi: Tôn chỉ hành đạo của Đức Thầy dẫn dắt tín đồ hay người tu học đến điểm cứu cánh rốt ráo sẽ đi về đâu, đến đâu và cần phải tuân thủ trên căn bản luật giới thế nào và thực hành pháp môn nào để đạt đến quả vị tu chứng giải thoát? Tất nhiên sẽ nhận được câu trả lời vắn tắt và đơn giản là Đức Thầy chỉ có dạy người tín đồ về pháp tu tại gia cư sĩ, thực hành đạo làm người theo giáo lý học Phật tu Nhân thế thôi! Thật quá hời hợt bởi căn cơ và trình độ nhận thức của nhiều người chỉ giới hạn đến đó! Điều này chúng ta cần đặt câu hỏi rằng: Sứ mạng của Đức Thầy chúng ta xuống thế cứu đời, sáng lập một tông phái đạo Phật mà chỉ dừng lại ở phạm vi Nhân đạo có thế thôi sao?!! Nếu quả như vậy thì chúng ta nghĩ gì khi Đức Thầy đã từng hiển thị cả ba phương pháp tu chứng giải thoát đó là Thiền tông, Tịnh độ và cả Thiền - Tịnh song tu như Ngài đã từng chỉ dạy:

    - Về Tịnh độ:
    Lòng thương chúng thuyết phương tinh độ,
    Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
    Nếu như ai cố chí làm lành,
    Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc,
    Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật.
    Dầu Tiên, phàm, ma quỉ, súc sanh.
    Cứ nhứt tâm tín,nguyện, phụng hành,
    Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
    Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,
    Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.

    Và:
    Môn Tịnh độ là phương cứu cánh,
    Ráng phụng hành kẻo phụ Phật xưa.


    - Pháp tu Thiền:
    Hành đạo thiền cấp cấp sớm khuya,
    Lòng thương chúng khuyên răn đủ thế.

    Và:
    Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
    Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu.

    Hoặc:
    Nếu ai mà biết chữ tu trì,
    Tâm bình tịnh được thì phát huệ.
    Ta thương chúng viết ra giảng kệ,
    Khuyên tăng đồ cùng các tín đồ.
    Nghe cạn lời chớ có mờ hồ,
    Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc đạo.

    - Thiền - Tịnh song tu:
    Trau tâm luyện tánh cho minh(Thiền định quán xét ), Chuyên lo niệm Phật sữa mình cho trơn (hành Tịnh độ).v.v...

    Trên đây là sơ lược để nhấn mạnh khái niệm của một pháp môn tổng hợp tinh hoa giáo pháp của Phật đà (học Phật) và luận giải về đạo lý nhân luân của Nho Giáo (tu Nhân) được Đức Thầy kết tinh lại làm phương châm hành đạo cho mọi người và môn nhơn đệ tử. Sau đây hãy đi vào phần định nghĩa:

    1./- HỌC PHẬT.

    Có nghĩa là phải học hỏi theo công hạnh của chư Phật và thực hành lời dạy bảo để đạt đến quả vị tu chứng như các Ngài, vì Đức Phật đã bảo: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh" có nghĩa: Tất cả chúng sanh đều có thể tánh bình đẳng như Phật.Và: "Ta là chúng sanh là Phật đã thành, còn các ngươi là chúng sanh, là Phật sẽ thành". Cũng như ông Thường Bất Khinh Bồ Tát đã thường nói với mọi người rằng: "Ta không dám khinh thường các ông, vì các ông sẽ là Phật"! Điều này Đức Thầy đã nhiều lần khẳng định:
    Ngài bèn xét ở trong Phật chủng,
    Các chúng sanh đều có như Ta.
    Bị vô minh vọng tưởng dại tà,
    Nên quay lộn ta bà cõi khổ.

    Và:
    Phật,nhơn tạo hóa một bầu,
    Kẻ thanh, người trược mới hầu khác nhau.

    Hoặc:
    Nay ông nhập tự làm tăng,
    Trước sau tuy khác thiện căn vẫn đồng.

    (cho ông Cò Tàu Hảo).

    Ngoài ra, Đức Thầy còn khuyến dạy và chỉ rõ hơn về con đường học Phật "...Ngày nay đã tỉnh ngộ qui y cùng Phật pháp. Như vậy cửa trường sanh bất diệt các trò đã gặp bẽo, nương đèn trí huệ ,ly xuất phàm trần, chán cảnh phồn hoa, tìm nơi tịch tịnh. Nhưng các trò tuy có lòng mộ đạo, chớ chưa hiểu rành nẽo bước đường đi. Hãy tạm xét chữ qui y cho thấu đáo. Qui là về, mà về đâu? Về cửa Phật. Y có nghĩa là làm theo khuôn mẫu. Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta hãy từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách ấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhất ở chỗ giữ giới luật hằng ngày..." đồng thời Đức Thầy còn nhấn mạnh thêm ở điểm này: "...Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quãng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã chỉ dạy và vun trồng bồi đắp cho nền đạo được phát triển thêm ra, xây dựng một tòa lâu đài đạo hạnh vô thượng vô song, roi truyền mãi mãi với hậu thế. Nên bổn phận của chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhất là phải tiếp tục khai thông nền đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rãi khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy."

    Những dẫn chứng điển hình trên đây được trích dẫn từ lời vàng tiếng ngọc của Đức Thầy chỉ giáo chắc chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa và giá trị cao siêu của sự học Phật như thế nào rồi. Nói chung, học Phật là học đòi theo phẩm hạnh của Phật để đạt đến giác ngộ tu chứng như Phật. Chứ không phải như quan niệm của nhiều người cứ mãi chấp theo sở kiến hạn hẹp của mình làm cho giáo lý siêu thoát của Đức Thầy đã hiển thị và hoằng hóa bị đóng khung trong phạm vi của đạo làm người!

    Tóm lại, học Phật là lãnh thụ cái công hạnh và cái diệu lý huyền thâm mà chư Phật đã sở đắc để chúng ta noi theo đó mà tu luyện để được chứng đắc diệu quả Bồ Đề như các Ngài.
    Dù giáo pháp của Phật luôn có hằng vạn pháp môn nhưng qui nhiếp lại cũng không nằm ngoài 2 yếu pháp tối diệu đó là Thiền tông và Tịnh độ mà cả mười phương và Tam thế chư Phật đều thực thi, áp dụng. Còn giới luật và phương pháp tu tập để trợ duyên cho hành giả thì có nhiều, Nhưng trước hết chúng ta cần thực hành những điều luật và phương pháp cơ bản mang tính đặc trưng như Tam qui Ngũ giới và hành Bát Chánh đạo.v.v... Như Đức Thầy chúng ta vạch ra và khuyến bảo:
    Tam qui Ngũ giới lòng hằng gìn theo.
    Và:
    Câu Bác Chánh rõ ràng trong giấy,
    Là chơn truyền của Phật Thích Ca.
    Người tu hành cần phải tìm ra.

    2./- TU NHÂN.

    Có nghĩa là trau luyện, tu sữa tự thân của con người .Nhưng ở đây phải được hiêu ý nghĩa của một danh từ để chỉ chung cho lãnh vực Đạo Nhân (đạo làm người), tức là một giới tu đứng vào hàng thứ 5 trong Ngũ thừa của Phật giáo mà Đức Thầy đã hiển thị và chỉ giáo, đó là Nhân thừa, Thiên thừa, Thinh Văn thừa, Bồ tát thừa và Phật.

    Giảng về đạo Nhân, Đức Thầy chúng ta đã chỉ rõ: "Muốn làm tròn nhân đạo phải giữ vẹn Tứ ân. Nhưng trước hết phải tránh Tam nghiệp và chừa Thập ác cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ". Đây là 4 đại trọng ân mà đạo làm người thuộc cư sĩ tại gia cần phải lo tuân thủ thừa hành, bởi đó là nguồn cội, là nấc thang bước đầu cho hành giả lập thân tu tiến. Cho nên từ Đức Phật Thâỳ Tây An đến Đức Thầy đều khuyên dạy:
    Loài cầm thú còn hay biết ổ,
    Huống chi người nỡ bỏ tứ ân.

    (lời của Đức Phật Thầy).
    Và Đức Thầy cũng luôn nhắc nhở:
    Nào là luân lý tứ ân,
    Phải lo đền đáp xác thân mới còn.
    Ai mà giữ đặng vuông tròn,
    Long Vân đến hội lầu son dựa kề.


    -Tứ ân gồm có:
    1- Ân tổ tiên cha mẹ.
    2- Ân đất nươc.
    3- Ân Tam Bảo.
    4- Ân đồng bào và nhân loại.
    Và ngoài ra, dựa trên căn bản đạo làm người của Thánh nho do Đức Khổng Phu Tử đề xướng còn có: - Tam cang - Ngũ thường (Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang và Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) đồng thời còn phải giữ đạo Ngũ luân như: Đạo tôi chúa, Đạo thầy trò, Đạo cha con, Đạo chồng vợ và Đạo bè bạn như Đức Thầy đã dạy:
    Rán giữ gìn luân lý tam cang,
    Tròn đức hạnh mới là báu quí.

    Và:
    Ngũ luân lễ nghĩa năm hằng,
    Tam cang trung trực người rằng mê si.


    Đức Thầy còn khuyến giáo ở điều thứ nhứt trong 8 điều Răn cấm: "Ta chẳng nên uống rươu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm và phải giữ cho tròn luân lý tam cang ngũ thường".v.v...Về đạo Ngũ luân Đức Thầy cũng đã giảng giải rạch ròi trong bài 'Không Buồn Ngũ' như sau:
    Đạo tôi chúa chặt gìn câu chung thủy,
    Đạo thầy trò khắc cốt với ghi xương.
    Đạo cha con chặt chẽ chữ miên trường,
    Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác.
    Biết lễ nghĩa kính yêu cùng cô bác,
    Nội tông cùng ngoại tổ với cậu dì.
    Thêm kính nhường anh chị lẽ cố tri,
    Mắt chẳng thấy lũ gian phi xão trá.
    Đạo bè bạn bất phân nhân với ngã,
    Chữ nghĩa tình sắt đá mãi bền gan.


    Tóm lại, tất cả những trình dẫn trên đây chỉ khái quát qua các điểm chính về một pháp môn gồm cả 2 lãnh vực Phật đạo và nhân đạo mà Đức Thầy chúng ta ứng dụng để tùy theo cơ duyên của mỗi người lãnh hội để tu tiến. Điều cần được nhấn mạnh để có sự nhận thức cho rõ đây không phải là một pháp môn đơn thuần chỉ dành cho giới cư sĩ tại gia, chỉ đóng khung trong phạm vi Nhân đạo như nhiều người đã lầm tưởng!

    Hậu Giang,ngày 27/9/2017
    Tịnh Lạc cư sĩ.
     

Chia sẻ trang này