Trao đổi Giáo Lý PGHH (5)

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 30/11/23.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    GIÁO-HỘI PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO
    …Oo…
    ĐÀO-TẠO GIẢNG-VIÊN TRUYỀN BÁ GIÁO LÝ (SƠ CẤP)
    Môn học: Nghi-Thức Tôn-Giáo
    Bài Thứ Năm NGHI-THỨC KHI DỰ LỄ
    I./- Sự lễ-bái khi dự các lễ thuộc phạm-vi PGHH.
    II./- Sự hành lễ khi dự các lễ do Tôn-giáo bạn mời.

    Trong Đoàn-thể Phật-Giáo Hòa Hảo chúng ta, kể từ ngày Đức Thầy vắng mặt đến nay, có rất ít người quan tâm đến mọi cử-chỉ, thái-độ của mình khi đi dự lễ, nhất là khi dự các lễ có đông người. Và chắc chắn không một ai có thể hài lòng, khi cuộc lễ đang trong giờ phút cử-hành tập-thể (thường thấy ở các đền, chùa, hội-quán...), phần đông đều hướng về vị-trí tôn-nghiêm, hành lễ theo sự điều-khiển thống-nhất của Ban Tổ-chức, mà còn có vài đồng đạo vẫn tự tiện không theo lề-lối chung hoặc tự ý lễ-bái ung-dung như lúc bình nhựt.
    Hơn thế nữa, đôi khi vì quá tự tôn, một vài đồng-đạo vô tình xem thường hoặc có thái-độ khiếm-nhã khi đứng trước các nơi thờ tự của tôn-giáo bạn. Mặc dù trong quyển Cách Tu Hiền và Sự ăn ở của một người bổn đạo nơi mục "Đối với các Tôn-giáo khác và nhân-sinh" Đức Thầy cũng đã phán dạy rõ-ràng cách xử-sự.
    Cho nên suy ra, nếu trong sự hành lễ mà thiếu cử-chỉ hòa-hưỡn, thiếu sự nhún -nhường, đối với các bậc niên cao kỷ trưởng, đối với quan-khách, đối với các Tôn-giáo bạn, thì thành ra có chỗ thất lễ vậy.
    Để giữ đúng phần nào cái nền-nếp hiền hòa theo tinh-thần lễ-nghi Tôn-giáo PGHH., chúng ta hơn ai hết, cần để ý vài tiêu chuẩn cần có sau đây:

    I./- Sự lễ-bái khi dự các lễ thuộc phạm vi PGHH:
    a) Sự lễ-bái giản-dị khi dự lễ:
    Khi chúng ta đến dự lễ, có tổ-chức đông người, ngoài việc tôn-trọng thời-khắc, nghi-tiết sắp đặt của Ban Tổ-Chức, trong khi lễ-bái ta cần hành-lễ một cách giản-dị, gọn-gàng... Làm thế nào cho người sau ta khỏi đợi chờ lâu lắc. Tuy nhiên cũng tỏ thái-độ. hòa-hưỡn, đừng hấp-tấp vội-vàng quá độ.
    b). Sự nhún-nhường khi lễ-bái đông người:
    Trong khi lễ-bái đông người, chúng ta phải nhún-nhường khiêm-tốn, để cho những người niên cao kỷ trưởng, hoặc là quan-khách, hành lễ trước ta. Dù chúng ta phải chờ đợi ít lâu cũng không sao. Nếu ta chen vô lạy cho kỳ được, thiếu sự nhún-nhường thì hoá ra ta thất lễ đối với những người trên mà ta đáng-kính.
    c) Khi lễ bái từng đoàn hay chung phái đoàn.
    - Khi lễ-bái từng đoàn hay chung trong phái-đoàn, ta cần quan-sát mọi người cùng đứng chung trong đoàn của chúng ta xem có bao nhiêu người về địa-vị và tuổi-tác hơn ta, để khi sắp đặt vào hàng ngũ lễ-bái cho có thứ-tự hợp lý.
    d) Phải đứng theo thứ–tự hợp lý và chờ đợi cho ăn nhịp.
    Khi đứng chung trong phái đoàn phải sắp đúng thứ lớp trong khi hành lễ.
    - Trưởng Phái-đoàn đứng giữa kế đó là các vị tương đương hai bên và cùng hàng. Nếu đông, thì đứng kế tiếp hàng sau cũng theo thứ-tự lớn giữa, nhỏ hai bên.
    - Trong khi cử-hành nghi-lễ, toàn thể đều hướng theo vị trưởng phái-đoàn. Khi quỳ lạy, cũng như lúc nguyện hương phải luôn luôn chờ đợi nhau cho được nhịp-nhàng ăn rập.
    - Nếu kẻ lạy trước, người lạy sau, kẻ còn đang quỳ nguyện, người thì đã lạy, như thế, xem không được trang-nghiêm và trật- tự.

    II- Sự hành lễ khi dự các lễ do Tôn-giáo bạn mời:
    Điều này Đức Thầy đã phán dạy toàn thể tín-đồ: "Khi đến chùa phải tôn-trọng sự thờ phượng trong chùa, không nên hủy báng", hoặc: "Đối với những người theo Tôn-giáo khác, không nên động chạm đến cách thức tu hành của họ. Nhứt là không ỷ đông hiếp đáp hoặc nói xấu người ta. Nếu họ có làm dữ với mình, thì mình cũng chẳng được phép vì sự dữ của họ mà trả thù và phải luôn luôn làm lành với họ. Mình phải hoài hoài làm phải với những kẻ ấy dầu họ có làm quấy với mình cũng mặc và phải nhẫn-nhịn họ".
    Do đó trong sự chung đụng, giao-tiếp hằng ngày, chúng ta cũng có nhiều việc phải dự lễ do Tôn-giáo bạn có nhã ý mời. Trong trường-hợp nào cũng vậy (thơ mời cá nhân . hoặc là cấp Tri-Sự) Người đi dự hoặc được toàn thể trong Đạo cử đến dự lễ ấy cũng phải thận-trọng các điểm sau đây:
    a) Trang phục tề-chỉnh:
    Tùy hoàn-cảnh trường-hợp của lễ sắp dự, chúng ta có thể mặc quốc phục, đạo-phục hoặc là âu-phục. Nhưng dù mặc y phục nào, cũng cần cho chỉnh-tề, hợp thời-trang.
    b) Ngôn-ngữ và thái-độ:
    Luôn luôn thận-trọng về ngôn ngữ. Ngoài các vấn-đề có ích-lợi cho đạo-đức, không nên đề-cập các việc có tánh-cách riêng tư.
    Thái-độ cũng phải cho ôn-hòa, mực- thước. Ta nên nhớ Lời Đức Thầy dạy : "Tánh thuần-lương vẻ mặt vui tươi, Vậy mới đáng tính-đồ Phật-Giáo"..
    c) Tìm dịp gây cho đôi đàng có thiện cảm với nhau.Tránh mọi cử-chỉ,thái-độ có thể gây chia rẽ, hiểu lầm giữa người và ta./.
     
    Sửa lần cuối: 30/11/23

Chia sẻ trang này