Trao đổi vơi Cư sĩ PGHH Bụi Hồng về Ts Nhật Từ

Thảo luận trong 'Tin-Tức' bắt đầu bởi Hhuynh, 10/7/21.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    CƯ SĨ BỤI HỒNG ĐỐI THOẠI v/v Tiến sĩ NHẬT TỪ Nói Về Tịnh Độ Cư Sĩ Và Tôn giáo PGHH.

    Lời mở đầu
    Vừa qua Cộng đồng mạng phát hiện đoạn video clip về Tịnh độ cư sĩ và Tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) đăng trên YouTube của Tiến sĩ (TS) Nhật Từ trả lời câu hỏi của Phật tử về Tịnh độ cư sĩ nhưng trong đó ông Nhật Từ phát biểu không chính xác về Đức Huỳnh Giáo Chủ (ĐHGC) và Giáo lý PGHH. Để rộng đường dư luận, chúng tôi có mời đồng đạo cư sĩ Bụi Hồng là một nhân sĩ của PGHH thảo luận trao đổi vấn đề này, để công chúng hiểu đúng bản chất sự việc, qua đó thắt chặt mối quan hệ đoàn kết tôn giáo tránh những ngộ nhận và hiểu lầm lẽ ra không đáng có.

    Hỏi: Câu 1: Xin cư sĩ (Cs) Bụi Hồng cho biết sơ về TS Nhật Từ vì đây Là một nhân vật từng gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, nhưng còn khá xa lạ với cộng đồng PGHH.

    Đáp: Trước hết tôi xin xác nhận rằng chúng tôi đang nói đến cá nhân TS Nhật Từ mà không đề cập đến Phật Giáo Việt Nam (PGVN) nên chúng tôi gọi là TS Nhật Từ mà không gọi pháp danh hay giáo phẩm. Đây cũng là cách mà Hòa thượng (HT) Thích Từ Thông (Sư phụ ông ấy) gọi ông ấy như thế.
    Bản thân tôi là môt cư sĩ nông dân xuất thân từ gốc rạ, nên khi nói chuyện với một người có học vị TS như Nhật Từ chắc không tránh khỏi sơ suất, rất mong được sự thông cảm của mọi người.
    TS Nhật Từ tên thật là Trần Ngọc Thảo, sinh năm 1969 tại Gò Vấp, Tp. HCM. Xuất gia năm 1984 thọ giới Tỳ Kheo năm 1988, du học Ấn Độ năm 1994, tốt nghiệp TS triết học năm 2001.
    Tháng 12 năm 2010, ông được tấn phong Thượng tọa vượt cấp, sớm hơn 03 năm so với Hiến chương của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Ông là trụ trì chùa Giác Ngộ, tọa lạc số 92 đường Nguyễn Chí Thanh, phường 3, Quận 10, Tp. HCM và nhiều chùa khác. Ông là Phó viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam (HV/PGVN). Ông cũng trước tác dịch thuật nhiều kinh sách Phật Giáo.
    Vì là một người đa văn quãng kiến về Nhân minh học, nên TS Nhật Từ cũng mắc một căn bệnh mà các vị phàm tăng thường mắc phải đó là “Tăng Thượng Mạn” Cho nên thay vì an trụ chốn thiền môn chuyên tâm Phật pháp, thì Ông thường hay can dự vào tất cả việc thị phi chốn thế gian bất kể chuyện lớn hay nhỏ. Cụ thể gần đây nhất là tham gia tranh luận đúng sai trong cuộc chiến truyền thông: Lương y Võ Hoàng Yên và bà Nguyễn Phương Hằng.
    Trong quá khứ Ông đã nhiều lần phát biểu đụng chạm các Tôn Giáo bạn là Cao Đài, Thiên Chúa Giáo…
    Trong Phật Giáo Ông đã từng phát biểu tấn công Chùa Ba Vàng rất mạnh tay trong việc cúng vong, oan gia trái chủ. Nhưng khi Phật Giáo bị TS Dương Chí Dũng lăng mạ thì ông lại im lặng một cách khó hiểu, mặc dù có nhiều Phật tử yêu cầu ông lên tiếng.
    Riêng với Tịnh Độ tông, và Tịnh độ Cư sĩ, Ông đã nhiều lần phê phán, kể cả báng bổ Đức Phật A Di Đà và phủ định hoàn toàn sự hiện hữu của Thế giới Cực lạc. Trong một video clip trước đây (Nay do sự phản đối của Phật tử trong và ngoài nước nên Ông đã gỡ xuống) Nguyên văn Ông nói Phật A Di Đà không có thật và Cõi cực lạc là không có thật. Ông cũng nói Phật Thích Ca có hộ khẩu ở NePal và Ấn Độ, còn Phật A Di Đà không có hộ khẩu ở đâu hết. Ông nói tôi có thể mua vé máy bay đến quê hương Phật Thích Ca nhưng không thể bay đến Cực Lạc của A Di Đà. Nếu đại chúng có ai mua vé máy bay cho tôi đến được Thế giới cực lạc thì tôi mới tin. Ông cũng nói nếu Phật A Di Đà có thật thì đã phạm 2 tội: Là bao che tội phạm và lợi ích nhóm. Khi các chúng sanh có tội nghiệp nhờ niệm danh hiệu của Ngài mà được vãng sanh Tịnh Độ về cõi cực lạc an hưởng Thái bình!!.

    * Câu hỏi 2: Nhờ CS Bụi Hồng cho biết lý do tại sao ông TS Nhật Từ xúc phạm Tịnh độ cư sĩ với Tôn giáo khác mà người tín đồ PGHH lại có ý kiến trong cuộc hội thoại này.

    * Đáp 2: Xin cảm ơn đồng đạo đã nêu đúng câu hỏi trọng tâm PGHH và Tịnh độ Cư sĩ có nhiều điểm tương đồng cùng tu pháp môn niệm phật và đều là cư sĩ tại gia, nên khi TS Nhật Từ tấn công Tịnh độ cư sĩ, thì cũng xúc phạm PGHH. Nền đạo PGHH chúng tôi, là một Tôn Giáo có lịch sử gần 100 năm, có tư cách pháp nhân được Nhà nước công nhận hợp pháp đều bình đẳng như bao Tôn giáo khác. Vì chủ trương nối theo chí Thích Ca ngày trước. Nên Đức Giáo Chủ chúng tôi từng tuyên bố trên báo Quần chúng ngày 14/11/1946 rằng: “Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo tôi không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca”. Vì vậy trong giáo lý PGHH, Ngài cũng dạy Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, tu Thập Thiện như giáo lý nhà Phật. Nhưng để phù hợp căn cơ chúng sanh đời hạ Ngươn, Ngài đã dạy thêm pháp môn Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà nên Ngài nói:
    “Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
    Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
    Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.

    Và:
    “Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh độ.
    Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh…”.

    Đồng thời, Ngài cũng đã thành lập Việt Nam Phật Giáo Liên hiệp hội năm 1945, để xiển dương đạo Phật. Về giáo lý, Ngài cũng dạy tín đồ cung kính chư Tăng, trong tôn chỉ hành đạo. Vì vậy từ trước đến nay tín đồ PGHH luôn kính tin Tam Bảo và tôn trọng chư tăng.
    Rõ ràng, “nước giếng không phạm nước sông” nhưng do sự thiếu nghiên cứu cộng với tính kiêu căng ngạo mạn của một người ỷ lại vào học vị cao TS Nhật Từ đã nhiều lần miệt thị xúc phạm Đức Giáo chủ, giáo lý và tín đồ PGHH.
    Chúng tôi đã cố nhẫn nhịn, nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Nên chúng tôi buộc lòng phải lên tiếng trước công luận trong và ngoài nước về việc TS Nhật Từ có những lời phát ngôn đối với PGHH không đúng tinh thần hòa hợp chúng trong lục hòa của nhà Phật, vi phạm pháp luật, tự do tín ngưỡng tôn giáo, và phá hoại tinh thần đoàn kết dân tộc mà luật pháp Nhà nước đề ra trong Hiến Pháp 2013.

    * Hỏi 3: Xin Cư Sĩ Bụi Hồng có thể cho biết cụ thể nội dung mà ông TS. Nhật Từ đã nói về PGHH

    * Đáp 3:
    Xin mời quí vị nghe đoạn clip (trích) video “Tịnh độ cư sĩ Phật học hội là gì ?” Qua đoạn này có mấy điểm sau đây:

    1/- TS Nhật Từ nói: “Khi Cư sĩ Huỳnh Phú Sổ qua đời (chết) thì PGHH đi sai đường, trước đây có Tam Bảo sau này đã bỏ Tăng Bảo mà trở thành Cư Sĩ Bảo!?”
    2/- Giáo lý PGHH lấy chính trị cực đoan tề gia trị quốc bình thiên hạ làm nền tảng căn bản cho đạo PGHH.
    3/- Tín đồ PGHH thiếu nghiên cứu, nên nâng Giáo Chủ lên hàng Phật thánh, Phật sống.
    4/- Chúng ta (PGVN) không xem PGHH là Tôn Giáo Phật Giáo, chỉ là giáo phái chi nhánh.
    5/- TS Nhật Từ không nói ông Huỳnh Phú Sổ chết năm nào? đã chết như thế nào ?...

    ĐÁP 1:
    * Về câu thứ nhất: “PGHH không có Tăng Bảo chỉ có Cư Sĩ Bảo” tôi xin đọc nguyên văn, trọng ân Tam Bảo trong phần Tứ Ân của Giáo lý PGHH in trong quyển Sám giảng Thi văn Giáo lý toàn bộ do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 1999, để chứng minh là trong PGHH vẫn kính tin Tam Bảo, đầy đủ Phật, Pháp, Tăng như PGVN, mà không hề có cái gọi là Cư Sĩ Bảo như TS Nhật Từ vu khống.
    “Ân Tam Bảo là gì? Tức Phật, Pháp, Tăng.
    Con người nhờ tổ tiên cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy là về phương diện vật chất.
    Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sinh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho phép chư Tăng, đặng đem nền đạo của Ngài, ban bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ tử của đức Phật dạy. Bởi vì đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởng và tín nhiệm vào sự nghiệm cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư Tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm màu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vung trồng bồi đắp cho nền Đạo được phát triền thêm ra, xây dựng một tòa lầu đài Đạo hạnh vô thượng vô song, roi truyền mãi với hậu thế.
    Nên bổn phận chúng ta phải noi theo trí đức của tiền nhân hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt dùm kẻ sa cơ và nhất là phải tiếp tục khai thông nền đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy.”
    TS Nhật Từ cố tình hạ thấp phẩm cách của Đức Thầy, gọi Ngài là “cư sĩ Huỳnh Phú Sổ” tức là nhìn hình thức của Ngài qua trang phục thế gian nên xem Ngài như thường nhân thế tục, vì không đầu tròn áo vuông như các nhà sư. Nhưng bản thân của Ngài đã liễu ngộ Phật tánh chân tâm nên Ngài đã tự xem mình là một Tăng sĩ:
    “Tay Tăng sĩ gậy thiền quyết nắm,
    Lần bụi bờ xuống thẳm lên đèo.
    Dù cho gặp lắm hùm beo,
    Từ bi vẫn niệm quyết leo khỏi rừng.”

    Và:
    “Thân bần tăng mặc bộ sòng nâu,
    Cuộc thiên lý một bầu đều hản”.
    “Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa
    Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha”.

    Vì vậy, chúng tôi cật lực bác bỏ danh xưng cư sĩ mà ông TS Nhật Từ đã gán ghép cho Đức Thầy.

    * Về câu thứ hai: “TS Nhật Từ nói giáo lý PGHH lấy chính trị cực đoan làm nền tảng tề gia trị quốc cũng là một quy chụp sai lầm, thiển cận. Phật Giáo Việt Nam trong lịch sử ngàn năm đã luôn đồng hành cùng dân tộc, mà tấm gương nhập thế tham chính của đại sư Khuông Việt và thiền sư Vạn Hạnh, Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một điển hình. Nên trong Ân Đất Nước, Đức Huỳnh Giáo chủ đã nói: “Hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị lắp vùi. Nước còn thì nền Đạo được phát khai rực rỡ”. Nên khi tổ quốc lâm nguy nhà sư cũng phải làm bổn phận công dân. Rứt áo cà sa lên đường cứu nước, như Ngài từng thổ lộ:
    “Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
    Quyết rứt cà sa khoát chiến bào.
    Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước,
    Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.”

    Vậy nên, Ngài mới hóa thân từ tu sĩ trở thành tráng sĩ qua vầng thơ bi tráng hào hùng nhưng cũng đậm chất từ bi
    “..Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa
    Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha
    Đền xong nợ nước thù nhà
    Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô
    Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật
    Bụi hồng trần dứt sạch cửa không
    Chuông linh ngân tiếng Đại Đồng
    Ta Bà thế giới sắc không một màu…

    Trong thời kỳ Pháp thuộc Đức thầy chúng tôi hợp tác với các Đảng phái yêu nước và Mặt trận Việt Minh, để đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho xứ sở là chính trị cực đoan hay sao !?
    Ngày nay nước nhà đã độc lập, người tín đồ PGHH tiếp tục cần cù lao động, vừa lo làm ăn vừa lo tu hiền chơn chất tham gia từ thiện xã hội. Xóa đói giảm nghèo chấp hành pháp luật chẳng lẽ sự hành đạo ấy là hành vi chánh trị cực đoan hay sao!?

    3/- TS Nhật Từ cho mấy triệu người tín đồ PGHH thiếu hiểu biết, nên nâng Thầy mình lên hàng Phật thánh. Đoạn này ông Nhật Từ nói quá lố. Mấy triệu tín đồ của PGHH tuy đa số là nông dân ít học, bản thân vị Giáo Chủ cũng học hết bậc tiểu học, nhưng những tín đồ cao niên tiền bối đến thế hệ hôm nay. Chúng tôi cũng không thiếu những Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật sư, Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, họ đều là những người có trí thức lẫn văn hóa, nên TS Nhật Từ nói tín đồ PGHH thiếu hiểu biết, thiếu nghiên cứu là rất hồ đồ.
    Giáo lý PGHH được Đức Giáo Chủ dạy dỗ tín đồ rằng “sự học hành không làm trở ngại cho đạo đức, trái lại nhờ nó mà mình được biết rõ ràng giáo lý cao siêu của tôn giáo… sự hiểu biết khoa học không làm cản trở việc tu hành”. Nhưng Ngài cũng bài xích thói xa hoa, hợm hĩnh của những kẻ có học mà vô đạo đức. Ngài nói:
    “Học hay lợi dụng tiền tài,
    Lên quan xuống huyện ăn xài lả lê.
    Gặp ai đói rách cười chê,
    Miệng kia hể mở chưởi thề vang rân”.

    Với Ngài sự hiểu đạo không lệ thuộc vào văn hóa học vị:
    “Đức Lục Tổ ít ai dám sánh
    Người dốt mà nói pháp quá rành
    Lựa làm chi cao chữ học hành
    Biết tỏ ngộ ấy là gặp đạo…”

    Vậy nên ông đừng tự cao với học vị TS Triết học mà miệt thị mấy triệu người tín đồ PGHH là thiếu trình độ nghiên cứu. Còn việc ông nói tín đồ PGHH đã nâng Ngài lên thành Phật sống hoặc Phật thầy là hoàn toàn sai vì bản thân của Đức Thầy đã không còn Ngã chấp nên Ngài:
    “Mặc tình thế sự kêu thằng hay ông”
    Và:
    “Ra đời xưng hiệu Khùng Điên”
    Chứ không xưng Phật thánh, nhưng chúng tôi tôn Ngài là Phật Thánh vì xét thấy Ngài có đầy đủ phẩm cách đạo đức từ bi hỉ xả, tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Vì lời dạy của Ngài là: “Rút trong các Luật các Kinh” và “Ta dạy Thế mượn lời Phật Thánh”. Nếu TS Nhật Từ muốn được phong Thánh thì cũng rèn luyện tu dưỡng học hỏi, gương hạnh của các bậc tiền nhân Phật Thánh thì cũng sẽ được công đức viên mãn, vì Phật cũng đồng nhất thể với chúng sanh. Còn niềm tin Đức Thầy chúng tôi là Đức Phật Thầy tái sinh là niềm tin Tôn giáo. Hiến pháp và pháp luật nước CHXHCN Việt Nam cho phép công dân được quyền tin và không tin Tôn giáo nhưng không cho phép xúc phạm Đức tin của người khác, hành vi này là vi phạm pháp luật.
    Tôi đã từng xem video clip việc TS Nhật Từ có thái độ bức xúc đau lòng, khi trong bài Phép giảng tám ngày giáo sĩ Alexanderosh Hội Thừa sai Paris đã báng bỗ và lăng mạ Đức Phật rất nặng nề, tôi là một tín đồ PGHH cũng bức xúc đau lòng như ông vậy, khi thấy Đức bổn sư của mình bị xúc phạm. Vậy thì «Kỹ sở bất dục, vật thi ư nhân». Xin ông đừng xúc phạm đức tin của người khác. Chúng tôi không ép buộc ai tin Đức thầy như chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng không cho phép ai xúc phạm tín ngưỡng của mình và điều đó được luật pháp của nước Việt Nam bảo hộ.

    4/- Không xem PGHH là một tôn giáo mà chỉ là một giáo phái có nhiều vấn đề.
    * Đáp: Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã công nhận PGHH chúng tôi là một tôn giáo độc lập, không phải là một giáo phái chi nhánh đàn em trực thuộc giáo hội PGVN. Vì vậy nếu TS Nhật Từ đứng trên pháp luật thì hãy phát biểu câu đó. Chúng tôi xin nói rõ với TS Nhật Từ. Ngày nay PGHH đã vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam và đã thành lập BTS GHPGHH trên nhiều châu lục như Mỹ, Canada, Châu Úc, Châu Âu nên PGHH là một tôn giáo chân chính ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

    5/- Cuối cùng TS Nhật Từ nói Đức Thầy chúng tôi đã qua đời (chết) vậy ông đưa ra chứng cứ là có khai tử không? Có đám giỗ không? Có mồ mã không? Chết hồi nào ở đâu? Trường hợp nào? Ông có thể nêu bằng chứng không? Với Đức tin của người tín đồ PGHH thì Đức thầy chúng tôi chỉ tạm thời vắng mặt để thực hiện sứ mạng cứu độ chúng sanh của bậc Đại Bồ Tát như Ngài thổ lộ, dự báo trước sự vắng mặt của Ngài như sau:
    “Từ nay cách biệt xa ngàn,
    Ai người tâm đạo đừng toan phụ thầy.
    Giữa chừng đờn nỡ đứt dây,
    Chưa vui buổi hiệp bỗng Thầy lại xa.”

    Và:
    “Ít lâu ta cũng trở về,
    Khuyên cùng bổn đạo chớ hề lãng xao”.
    “Ta dù có cách thôn hương
    Vạn dân cứ chữ hiền lương mà làm”
    “Để cho Thầy đi dạo Ta Bà,
    Đặng dạy kẻ đàng xa chưa rõ.”

    Vì Ngài biết trước mọi việc như vậy, nên TS Nhật Từ không cẩn ngôn cẩn hạnh mà xúc phạm một bậc giác ngộ liễu tri là phạm lỗi và trái với tâm từ bi của chư Phật, cũng như chánh Pháp Thập Thiện, Bát Chánh Đạo mà đức Phật đã dạy. Chúng tôi còn nhớ trong Kinh Trung Bộ Đức Phật có dạy: «Này các tỳ kheo, khi hội tụ thì có 2 việc nên làm là: nói năng như Chánh pháp hoặc im lặng như bậc thánh». Với tinh thần bác ái vị tha của nhà Phật, Đức thầy chúng tôi cũng có dạy: «… Hãy thương yêu nhau như con một cha và dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức…».
    Vì vậy chúng tôi mong rằng TS Nhật Từ sẽ sớm hồi tâm để trở thành một tỳ kheo chân chính, thừa tự chánh pháp của Như Lai giáo hóa quần sanh và làm tấm gương sáng cho Phật Tử noi theo.
    Cuối cùng xin mời mọi người nghe trích 2 video clip. Đoạn TS Nhật Từ phủ định Phật A Di Đà và đoạn Hòa Thượng Thích Từ Thông. Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học PGVN tại TP Hồ Chí Minh nói về học trò của mình “TS Nhật Từ” để thay lời kết cho buổi hội thoại hôm nay.

    NÓI VỚI ĐỒNG ĐẠO PGHH

    Kính thưa chư quý đồng đạo,
    Khi tôi làm Video Clip này có một người khuyên tôi là đừng ra mặt chỉ thu tiếng, đừng ghi hình rất nguy hiểm, vì ông Nhật Từ có nhiều thế lực mạnh ủng hộ nên ông ấy sẽ cho người bắt tôi bằng những lý do và tội danh khác. Hoặc ông sẽ cho “xã hội đen” thanh toán hoặc cho “đụng xe” để giết tôi. Người nầy còn dẫn tấm gương của đồng đạo lão thành Cao Bá Hấn đã bị Nguyễn Long Châu sát hại năm xưa để cảnh báo. Tôi đã cảm ơn và không thay đổi chính kiến vì lẽ tôi đã khấn nguyện trước chân dung Đức Thầy trong đêm 17/05/2021 ÂL Cầu xin Ngài cho cầm bút viết nội dung đối thoại TS Nhật Từ từ 2h30 đến 7h30 rạng sáng Đại Lễ 18/5 Tân Sửu thì hoàn thành. Tôi tâm nguyện rằng: Người xưa đã nói “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” (làm người xưa nay có ai mà không chết). Nếu TS Nhật Từ muốn phong thánh cho tôi thì hà cớ gì tôi lại không nhận chứ. Tinh thần vô úy lục độ ba la mật của Đức Phật truyền dạy, tôi nguyện xác thân này cúng dường chư Phật mười phương và đem bố thí cái hạnh đức vô úy này cho nhân loại chúng sinh. Tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi này, cũng được Đức Thầy giáo huấn.
    “Dù cho gặp lắm hùm beo,
    Từ bi vẫn niệm quyết leo khỏi rừng
    Đâu nản chí mà ngừng việc phải . . .”

    Và:
    “Cho dù gặp phải ngàn cay đắng
    Cũng nguyện đạo mầu phải chấn hưng”

    Đó cũng là lý do mà video Clip nầy đến tay quý vị. Nhân mùa Đại Lễ Khai Đạo 18/5 Tân Sửu năm 2021. Tất cả chúng ta cùng cầu nguyện thế giới hòa bình. Đại dịch Covid -19 chóng qua. Và ơn trên vận chuyển để Đức Thầy kính yêu sớm trở về chấn hưng phật pháp cứu độ quần sanh.

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô A Di Đà Phật

    (Những chữ màu Nâu là do chính ĐỨC THẦY viết ra)

     
    Sửa lần cuối: 19/7/21

Chia sẻ trang này