TRUYỀN BÁ GIÁO LÝ (SƠ CẤP phần 4)

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 30/11/23.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator

    GIÁO-HỘI PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO
    KHÓA ĐÀO-TẠO GIẢNG VIÊN
    TRUYỀN BÁ GIÁO LÝ
    (SƠ CẤP)

    Môn học: Nghi - Thức Tôn-Giáo
    BÀI THỨ TƯ, NGHI THỨC LỄ-BÁI THƯỜNG HÀNH​

    I- Cách trang trí và trang phục
    II- Cách cầm hương và xá
    III- Cách quỳ, lạy và xoay vòng
    IV- Thời khắc và vị-trí hành lễ
    V- Cách nguyện, tịnh niệm
    Về nghi-thức cúng lạy, cách thức nguyện vái, Đức Thầy đã rạch ròi cho toàn thể tín đồ qua quyển" Cách tu hiền và sự ăn ở của một người tín-đồ", Chúng ta chỉ y-cứ vào đó mà hành.

    Tuy nhiên, trong đồng-đạo, trên phương-diện thực hành còn có đôi chỗ bất nhất. Cho nên bài này chỉ đặc-biệt đề cập các điểm ấy.
    I- Trang-trí và trang-phục:
    1) Trang-trí chỗ thờ phượng:
    - Tại nhà, bàn thờ Cửu Huyền Thất-Tổ, cúng kiến món chi cũng đặng (có chi cúng nấy).
    - Trang thờ Tam Bảo tôn-trí bức Trần Dà. Cúng bông hoa nhang đèn và nước lạnh (ngày thường cũng như những ngày chay lạt).
    - Bàn Thông-thiên cũng cúng như ở trang Tam-Bảo. Hai nơi này ngoài các món cúng vừa kể, tuyệt-đối không chưng bánh trái chi cả.
    - Chơn-dung Đức Thầy nên đặt ở chỗ nghiêm-trang và cho phân biệt với các tranh ảnh thường.
    - Chẳng thờ lạy các vị tà thần mà mình không rõ căn tích.
    2) Cách trang phục:
    Lúc bình thường, đồng-đạo có thể tùy-tiện trong vấn-đề ăn mặc. Nhưng khi lễ bái hay phải dự lễ, bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, chúng ta cũng thận-trọng giữ-gìn, đừng để sai sót hầu làm tăng vẻ đứng-đắn và lịch-sự.
    - Mặc Đạo phục (áo tràng dà) khi lễ-bái tại nhà, tại chùa và khi đọc Sấm Giảng.
    - Khi có đại lễ trong Đạo, hoặc đi dự các lễ do Tôn Giáo bạn có nhã ý mời, chúng ta phải mặc quốc phục (áo dài với khăn đóng).
    - Nếu có thể được thì mặc âu-phục trong các cuộc lễ có tánh-cách tiếp rước thượng-khách hay khi cần tiếp-xúc với chính quyền.

    II–cách cầm hương và xá.
    a) cầm hương, cắm hương:
    Cầm hương có hai trường-hợp:
    - Nếu là một nắm hương thì cung tay lại, dùng những ngón cái và ngón trỏ giữ cho nắm hương đứng vững, dưng lên ngang trán nguyện cầu.
    - Nếu là một cây hương thì chắp hai bàn tay lại, kẹp hương vào giữa đưa lên trán, đầu hai ngón tay cái xếp lại chí giữa hai chơn mày: khi xá phải đem vào ngực mới xá xuống.
    - cắm hương vào lư-hương nên dùng hai tay để tỏ đầy đủ vẽ cung-kính.
    b) Cách xá:
    Chắp tay ngay thẳng (xếp các ngón lại) đưa vào ngực, đầu cúi xuống và xá:
    - Xá giữa niệm: Nam Mô A-Di-Đà Phật.
    - Xá bên trái, niệm: Nam Mô Đại-Thế-Chí Bồ-Tát.
    - Xá bên mặt, niệm: Nam Mô Quan-Thế- Âm Bồ-Tát.
    Cúng ở bàn Cửu-Huyền Thất-Tổ, chỉ xá ba xá và niệm, Nam Mô A-Di Đà Phật là đủ.

    III- Cách quỳ, lạy xoay vòng:
    a)- Quỳ:
    Lúc dưng hương hay những khi đau yếu, ta cũng đều phải quỳ mà làm lễ. Nhưng phải quỳ gối, cho thẳng lưng, hai bàn chân duỗi ra sau và khít lại:
    b)- Khi hành lễ, thì đứng ngay -ngắn, hai bàn chơn hở phía đầu ngón chơn cái, và hai gót sát lại nhau.
    c)- Lạy:
    Lạy có hai cách, lạy theo tư thế đứng và tư thế quỳ, tùy lúc mạnh, yếu.
    1- Lạy đứng:
    Lúc lạy xuống, bàn tay trái để nơi ngực, bàn tay mặt chỏi nghiêng. Từ từ cúi mình xuống, lật ngửa hai bàn tay lên, trán úp sát xuống. Hai khuỷ tay (cùi chỏ) xuống tới chiếu và đụng hai đầu gối. Hai chơn xuôi thẳng ra phía sau và khít lại.
    - Lúc đứng, bàn tay trái đem về ngực, bàn tay mặt chống, để nương thân mình đứng từ từ lên. Khi đứng thẳng, hai tay liền chấp vào ngực, xá một xá rồi mới lạy tiếp theo như trên cho đến khi xong.
    2- Lạy quỳ:
    Lạy theo tư thế quỳ, lúc lên cũng cho đến độ thẳng lưng, hai tay chấp lên trán đoạn đem vào ngực mới lạy xuống. (Không như lạy đứng, chỉ chấp tay nơi ngực).
    d)- Xoay vòng:
    Trong khi lễ-bái ở bàn thông-thiên, từ hướng này sang
    hướng kế tiếp,nên Xoay theo vòng thuận tức là từ phải sang trái (ngược với chiều đi của kim đồng-hồ).
    IV- Thời-gian và vị-trí hành lễ :
    a) Thời-gian:
    Về thời-khắc lễ-bái, qua sấm Giảng Thi-Văn, Đức Thầy đề-cập rõ-ràng:
    "Muốn tu-hành thì phải cần chuyên,
    Tưởng nhớ Phật chở nên sái buổi".
    hoặc:
    "Muốn cho nên, khuya sớm chuyên cần,
    Lòng chí nguyện sở cầu Phật thánh".
    Vậy tính theo thời-khắc hiện nay thì các thời lễ-bái nằm trong khoảng:
    - Sáng, từ 5 đến 7 giờ
    - Trưa, từ 11 đến 13 giờ.
    - Chiều, từ 19 đến 21 giờ.
    b) Vị-trí hành lễ quanh bàn Thông–Thiên:
    Dù nhà chúng ta cất day cửa hướng nào cũng căn cứ ở bàn Thông-thiên, làm hướng chánh, nguyện lạy trước nhứt. Kế đến là hướng Tây, tức hướng từ bàn Thông-thiên ngó vô nhà.
    Lễ-bái hướng Tây xong, xoay mình theo chiều thuận (từ phải sang trái) như vừa nói ở đoạn trên lạy hướng Nam và hướng đối diện với hướng Nam vừa lễ xong là hướng Bắc, lạy sau hết.
    V- Cách nguyện, tịnh niệm:
    1- Cách nguyện:
    Khi nguyện, (có thể đứng, quỳ tùy lúc), nên giữ thân , mình ngay-ngắn, mặt hơi cúi xuống một chút. Mắt ngó vào chót mũi.
    Nguyện thầm, không đọc ra tiếng, nhưng tai phải lắng nghe từng lời nguyện của mình một cách chín-chắn. Chúng ta nguyện trong tâm (mặc niệm) nhưng phải hết sức tập trung ý chí để lóng được rõ-ràng câu vừa nguyện vái. Như thế mới khỏi phóng tâm.
    2- Tịnh niệm:
    Thời lễ-bái xong, muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán
    già thẳng lưng niệm : Nam Mô A-Di-Đà Phật.
    Hay niệm : Nam Mô Tây-Phương Cực-Lạc Thế-Giới Tam Thập Lục Vạn Ức, Nhứt Thập, Nhứt Vạn, Cửu Thiên Ngũ Bá Đồng Danh Đồng Hiệu Đại-Từ Đại-Bi Phổ-Độ Chúng-Sanh A-Di-Đà Phật.
    (Niệm Phật nhiều ít tùy theo sức mình, lúc nguyện và niệm Phật chỉ niệm trong tâm).
     

Chia sẻ trang này