"TU HÀNH"

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 14/10/21.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator



    TU HÀNH

    --oOo--

    [​IMG]

    Phật giáo là nền tảng của Phật Giáo Hòa Hảo bởi vì Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo lựa chọn con đường “Nối theo chí Thích Ca ngày trước” để; Nhìn Phật Giáo mà tìm cái lý, Coi tại sao ta phải tu hành”.

    Lựa chọn Phật đạo để tu hành là một sự lựa chọn trí tuệ, khôn ngoan, hợp khoa học, hợp truyền thống đạo lý dân tộc và cũng hợp thời đại,
    Tu hành đâu kể nhục vinh,
    Ta làm bổn phận ngạo khinh mặc đời”.

    và:
    “Ai ai cũng ở trong đời,
    Chốn nào không đạo là đời vô liêm”.


    Xưa nay số người tu hành rất đông, nhưng trường hợp phát tâm thì ít ai giống ai, xét về cơ duyên và trình độ chẳng đồng nhau. Song căn cứ vào giáo lý của Đức Phật, Đức Thầy, có một ít lý do như sau:
    1./- Vì muốn cứu khổ vạn loại chúng sanh: Vì lòng từ bi, thấy chúng sanh mãi luân chuyển trong bể trầm luân thống khổ, nên các bậc đại căn đại trí, phát tâm tìm Đạo để giải khổ cho muôn loài. Như trường hợp của Đức Thích Ca:
    Mình vàng Thái Tử ngôi còn bỏ,
    Vóc ngọc Đông Cung tước phế liền”.


    Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh chỉ vì thấy “Đời là bể khổ”. Ngài vào rừng sâu sống khổ hạnh chỉ để tìm phương cách cứu khổ. Kinh sách Phật được lưu truyền đến ngày nay là để dẫn dắt chúng sanh con đường thoát khổ. Cũng như ĐứcThầy hiện nay cho biết
    Tu hành tầm Đạo một mai cứu đời”.

    Đạo Phật không phải là một tôn giáo huyền bí; Đức Phật không tự cho mình là con của Đấng Tạo Hóa toàn năng tạo ra vạn vật, có khả năng ban phước giáng họa cho ai. Luật nhơn quả không phải do Ngài đặt ra và Niết Bàn cũng không phải là do nơi Ngài tạo nên và không kiểm soát cho phép ai ra, ai vào. Đạo Phật là con đường giác ngộ, giải thoát. Phật là người đã giác ngộ hoàn toàn tìm ra chân lý, chỉ đường cho chúng sanh đi đến giải thoát, an vui, tự tại, nghĩa là chấm dứt đau khổ (đạt đến Niết Bàn). Ngài đã bình đẳng tuyên bố:
    “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành nếu các người tu theo con đường ta chỉ dạy”.

    2./- Vì có duyên lành gặp được Phật pháp: đã gieo sâu duyên lành với Đạo pháp, trong nhiều tiền kiếp, nên kiếp nầy vừa nghe được lời sấm kinh là chúng ta phát tâm tu niệm. Ví như hạt giống có sẵn, hể gặp mưa thì nứt mầm đâm tược “Duyên lành rõ được Khùng Điên, Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”.
    3./- Vì tin nơi luật Nhân Qủa: có sự nhận xét trả vay của luật nhân quả rất nghiêm minh, hể gieo giống chi tất hưởng trái nấy; mọi cuộc sống sang hèn vui khổ trên đời đều do nghiệp nhân của mỗi người đào tạo vừa qua mà bây giờ nó trả lại “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” và “Luật nhân quả thật là cao viễn, Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”. Vì vậy chúng ta cải ác tùng thiện.
    4./- Vì nghĩ đến nỗi khổ của xác thân: “Khổ thứ nhứt sự sanh là khổ”, xác thân là nguyên nhân của sự khổ, hể có sanh tất có già, có bịnh rồi chết và mọi sự ái ân phiền não ràng buộc không ngừng. Khi chết chưa phải là hết khổ, thần thức phải tùy theo nghiệp lực mà tạo thành thân chúng sanh khác để rồi tiếp tục chịu khổ. Đối lại với cảnh giả tạm đau khổ nầy là có cảnh Cực Lạc. Thân người cõi ấy “không già không bịnh chẳng ngày nào lo” và an lạc trường miên, vì thế chúng ta mới phát tâm tu hành để thoát khỏi cảnh luân hồi sanh tử “Về Cực Lạc mới là hết khổ”.

    Theo giáo lý của Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ, Ngài giảng giải khổ ải, nạn ách là vì Tham, Sân, Si, Nhân, Ngã.
    - Tham tức là tham vọng luyến ái thúc đẩy con người hành động, tạo nghiệp ác, gây khổ cho mình và cho người khác.
    - Sân là lòng nóng giận, thù hận, oán ghét. Khi có xác thân, tức phải có sảu căn tiếp nhiễm sáu trần, song sự thèm khát ô nhiễm của sáu căn không thỏa mãn, nên sân hận.
    - Si là tâm mê tối chạy theo vạn vật hão huyền, là vô minh không nhận ra chân tướng của vạn vật.
    - Nhân là người. Từ chỗ mê tối ấy, mới phân biệt người và ta khác nhau, bao giờ cũng xem người là thấp kém, đáng khinh chê, lấn áp, ai đau khổ mặc ai. - Ngã là cái tâm chấp ta. Lúc nào cũng xem ta là cao hơn người, đáng qúy trọng, kính yêu rồi bảo thủ, nên mỗi vật chi cũng đều bao gồm về mình. Chính đó là lòng phân biệt, khát ái, là hạt giống sanh tử “Tâm trần tục còn phân nhân ngã, Thì làm sao thoát khỏi luân hồi”. Muốn tu theo đạo Phật cho thân tâm được an lạc, chúng ta phải chuyển hóa tham sân si bằng cách giữ thân khẩu ý thanh tịnh trong sạch, cũng như gạt bỏ nhân ngã. Đức Thầy thường răn dạy “Chữ Tham trong ý muốn mặc tình, Rán định tánh trừ cho nó tuyệt. Chữ gây gỗ là Sân hãy diệt, Cho nó đừng thấp thoáng trong lòng. Thêm chữ Si thiệt quá lòng dòng, Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt”.
    Trên lý thuyết thì không khó, nhưng trên thực tế tiêu diệt được tam độc nầy là cả cuộc chiến gây go với nội tâm, mà chính Phật cũng phải nhìn nhận “thắng một vạn quân dễ hơn thắng chính mình”.

    5./- Vì tin sự chuyển biến của lý Tam Ngươn: một ngày quả địa cầu biến hoại, nhân sanh phải trải qua cuộc tang thương biến đổi để lập lại Thượng ngươn, mà bấy giờ chỉ có những phần tử ưu tú thiện lương mới được tồn tại;
    “Khắp lê thứ biến di thương hải,
    Dùng phép mầu lập lại Thượng ngươn”

    và:
    “Kẻ tà gian sau bị lửa thiêu,
    Người tu niệm sống đời thượng cổ”.


    Mục đích tối thượng của người tu theo đạo Phật là đạt đến Niết Bàn. Niết Bàn không phải là một nơi tốt đẹp như Thiên đàng mà người ta lầm tưởng là khi nào chết con người mới có thể tới Thiên đàng được. Niết Bàn trong đạo Phật không là nơi chốn nào trong vũ trụ, mà là một Đạo quả, một trạng thái bình an tối thượng ngay trong kiếp sống nầy, nếu chúng ta không bị tham sân si nhân ngã điều khiển, tâm ta sẽ được thanh tịnh,an lạc, đó là đạt đến trạng thái Niết Bàn. Kinh Đại Niết Bàn, Phật bảo: “Tất cả phàm phu vì nghiệp chẳng thanh tịnh nên chẳng có Niết Bàn. Như Lai vì nghiệp thanh tịnh nên gọi là đại định, do đại định nên gọi là Đại Niết Bàn”
    Tu không cần đi chùa nhiều, đọc kinh nhiều, ăn chay giỏi, làm công quả chuyên cần, xây chùa cất miếu…, nếu làm được những điều nầy thì tốt. Nhưng vấn đề chính yếu của tu là thấu hiểu và quyết tâm ứng dụng những điều Đức Phật, Đức Thầy dạy cho đời sống hằng ngày của mình. Trong Từ Bi Hỉ Xả, chỉ cần một chữ “Xả” thôi, nếu thực hiện được là chúng ta cũng đến gần Niết Bàn rồi.
    Tu không cần ép xác khổ hạnh, tu luyện lâu dài hay học cao hiểu rộng, cũng không cần xuất gia, Đức Thầy hiện nay cũng khuyên:
    “Phật tại tâm chớ có đâu xa,
    Mà tìm kiếm ở trên Non Núi”.

    Chỉ cần cố gắng chuyển hóa tham sân si nhân ngã thành ra thanh tịnh.

    Tu là sửa đổi cho được tốt hơn, là dừng lại, là chuyển hóa cái tri thức sai lầm về thực tại. Vì tri thức sai lầm, chúng ta phát sinh tham sân si rồi hành động tạo nghiệp. Có chánh kiến chúng ta sẽ thay đổi thái độ đối với vạn vật, nhờ đó thế giới trở nên an lành, vui tươi, hạnh phúc hơn. Đức Tôn Sư HUỲNH GIÁO CHỦ đã cảnh tỉnh:
    “Nếu không tu chừng khổ cũng ưng,
    Đừng có trách sao không chỉ bảo”

    và:
    “Thơ với phú Thần Tiên giáng bút,
    Bởi cơ trời đà thúc bên lưng.
    Không tu chừng khổ cũng ưng,

    Tu hành gặp cảnh vui mừng toại thay!”.

    Khi tâm ta không còn bị tham sân si điều khiển, không còn vướng mắc thị phi, chúng ta sẽ đạt đến Niết Bàn. Đó là trạng thái yên bình tối thượng, tự tại, giải thoát ở kiếp nầy, nhờ đó nghiệp lực chấm dứt, không còn sức dẫn chúng ta trong lục đạo luân hồi ở kiếp sau. Đây là mục đích tối thượng của việc tu hành theo đạo Phật. Đức Thầy cũng cho biết: “Cảnh Niết Bàn là nơi cứu cánh, Về chốn ni xa lánh hồng trần” và “Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô A Di Đà Phật


    Phan Thanh Nhàn
    Ngày 05-08-2021
     
    Sửa lần cuối: 18/10/21

Chia sẻ trang này