"TU TÂM" Cư sĩ Phạm Xuân Uyên

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Tamtran, 1/2/18.

  1. Tamtran

    Tamtran Administrator


    'TU TÂM'

    Trong giới tu hành theo đạo Phật mọi người thường xuyên nhắc nhở với nhau, điều cần thiết nhất của sự tu là phải: trở về nội tâm. Nên có câu:
    “ Xứ xứ lục dương kham hệ mã,
    Gia gia hữu lộ thấu Tây Kinh”.

    (Tâm viên ý mã trong lòng mình cũng dễ bề trị, tại mình không cột nên nó chạy tứ tán. Nhà nào cũng có con đường đi đến Tây Kinh).

    Ta có bao giờ nghĩ thế nào là tu tâm, hình thức tu tâm dẫn đến tâm thanh tịnh, tâm phiền não diễn ra như thế nào trong đời sống hằng ngày của ta? Hãy lắng lặng cõi lòng cùng nhau suy gẫm kim ngôn của Tổ Thầy, hầu có thể cùng nhau rút tỉa kinh nghiệm và có cách nhìn chân thật về “tu tâm”, sự nghiệp cuộc đời của nhà tu. Đức Thầy Ngài cho biết:
    “Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
    Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu”.

    Để hiểu rõ về tâm, ta cần biết tâm là gì?
    Tâm: Theo từ điển Phật học thì tâm được xem là đồng nghĩa với Mạt-na (thức suy nghĩ phân biệt). Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí.
    Để được sự giác ngộ thường xuyên con người lúc nào cũng phải sống trong sự tỉnh thức, tâm không chất chứa nhiều điều phiền não làm náo loạn cõi lòng, sanh tâm không tốt ghét ngỏ ganh hiền, tranh giành hơn thua, ... Bởi vì:
    “Trong tâm vừa muốn mưa phiền,
    Thì là ngoài mặt lại liền kéo mây”.
    (TS)
    Hay là:
    “Tâm là gốc sanh ra vạn sự,
    Lành cũng tâm mà dữ cũng tâm”.
    (TS)

    Qua lời dạy trên từ việc làm, cử chỉ, lời nói hằng ngày do tâm hồn điều hành. Vì thế ta có thể dễ dàng nhận biết ta hay người đối diện đang ở trong trạng thái tâm lành dữ ít nhiều qua sự thể hiện bên ngoài “Việc làm do lịnh tâm hồn khiến sai”. (Dặn dò bổn đạo-Đức Thầy) Mường tượng như trên, ta có thể thấy tâm như thế nầy: Như bóng đèn có thể phát sáng được là do trong dây điện có nguồn điện. Dây điện chính là ta, nguồn điện là tâm, bóng đèn phát sáng hành động cử chỉ của ta . Cho nên hình thức bên ngoài hết sức quan trọng cần thiết đối với người tu. Ăn chay, giữ giới, làm lành, niệm Phật… những điều căn bản nhất của người tu, dùng hình thức có thể chuyển hóa nội tâm. Có câu: “Tâm vi xu cơ, mục vi đạo tặc, dục phục kỳ tâm, tiên nhiếp kỳ mục”. (Tâm như then khóa, mắt như trộm cướp, muốn diệt được vọng tâm, cần trước nhắm bít mắt).

    Thật khó có thể miêu tả rõ ràng chi tiết về tâm như một sự vật sự việc hiện tượng nào đó. Vì vật thể ta có thể thấy sờ đụng thực tế mà đại đa số người đều biết khi ta diễn tả chúng. Về “tâm” trong từ điển Phật học nói chung chỉ sự sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí. Còn trong giáo lý PGHH, Đức Thầy một vị hoạt Phật lâm phàm cứu độ chúng sanh, Ngài đem đạo vào đời sống theo giáo lý Học Phật Tu Nhân, tu thân hành đạo thì thuyết về tâm đó thế nào có đồng bộ hay có gì khác không, Ngài cho biết:
    “Địa ngục cũng tại tâm làm quấy,
    Về Thiên Đàng tâm ấy tạo ra.
    Cái chữ tâm mà quỉ hay ma,

    Tiên hay Phật cũng là tại nó”.

    Nói như thế tâm có ảnh hưởng rất lớn trong đời tu, là kết quả cả cuộc đời trường chay giữ giới. Đâu ai muốn ta đi vào đường lầm lạc sa đọa để linh hồn chịu thống khổ lúc mạng chung. Luôn nguyện cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm luân.
    Mỗi một vị Phật, vị Tổ khai đạo đem chân lý truyền thừa đều phải khế lý, khế cơ để giác ngộ quần sanh.Thuở xưa trình độ căn cơ chúng sanh ở hạng thượng căn thượng trí, Đức Phật Ngài dùng phương pháp thiền định diệt sự mê lầm trở về giác ngộ tiến đến trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật. Ngày nay, thời kỳ Hạ Ngươn mạt pháp trình độ căn cơ con người cao thấp khác nhau, Đức Thầy đem chân lý HPTN truyền dạy tất cả tín đồ hành đạo để đi đến cảnh giới Cực Lạc. Để đạt đến kết quả của sự tu tâm ngày xưa: tu đạo thì thành đạo. Ngày nay ta cần hành đạo mới đạt đạo.
    Hành đạo là nói đến những điều liên lũy với ta trong cuộc sống đời thường, cách ăn mặc ở, sự đối đãi với những người xung quanh:
    “Tập ở ăn theo nết Thánh hiền,
    Lòng tu tỉnh dòm Phật Tiên nối chí”. (lời Đức Thầy)

    Những hành động cách ứng xử ta như thế nào sẽ là minh chứng sự tu hành của ta ở mức độ đó. Thí dụ: Nói là “tu tâm” theo đạo Phật, thì “…Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy, Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời… cần hiểu cái lý vô ngã của nhà Phật. Hãy rán sức thi hành sẽ có Thầy ủng hộ”. Đức Phật có bốn đại đức, đó là Đức Từ, Đức Bi, Đức Hỷ, Đức Xã mà ta chưa ăn chay, chưa thật yêu thương lẫn nhau, không biết tha thứ những ai tối tăm lầm lỗi… thì đâu gọi là tu tâm. Nói như thế không có nghĩa là ta cố làm màu của đạo để người cho ta là đạo cả cao sâu. Vẫn biết trên đời không ai hoàn hảo nhưng phải sống thật với lòng, sửa những điều cần sửa, làm những việc nên làm, nói ra lời có nghĩa, giữ tư tưởng thanh cao...:
    “Nói làm bất cứ việc gì,
    Cũng nên lấy thước đạo nghì ra đo”.
    (TS)

    Sự tu hành không cần tìm kiếm ở đâu xa xôi mà trong thực tại, những gì gần gủi nhất với ta trong cuộc sống, chính đó sẽ tu luyện cho ta trở nên con người chân chính. Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh “ nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, tâm Phật và Tâm chúng sanh luôn đồng nhau, chỉ khác nhau ở chỗ niệm khởi mà thôi. Đức Thầy có câu:
    “Cũng gốc người thượng đế xuống trần.
    Quày đầu nghe tiếng chuông ngân,
    Trở về chốn cũ cho gần Phật Tiên”.

    Tóm lại, cần thiết nhất của người tu trước hết phải tu tâm. “Tu tâm” là sự huân tập tâm hằng ngày để hành xử đúng đắn đúng nghĩa của chữ tu. Khi tâm trở nên thuần tốt thì việc làm suy nghĩ, lời nói ta sẽ tốt, cửa Phật chắc sẽ không xa vậy. Ta hãy lắng nghe Đức Thầy khuyến tấn:
    “Hãy rán tu tâm dưỡng tánh lành,
    Đừng cho ma nghiệp vọng tâm sanh.
    Quay về cội phúc đường chân đạo,

    Phật Pháp Thiền Na dốc thực hành”.

    Cư sĩ Phạm Xuân Uyên
     

Chia sẻ trang này