YẾU TỐ TRUYỀN GIÁO CỦA NGƯỜI CÓ VAI TRÒ TRONG TÔN GIÁO ***Đa số người ta nghĩ đơn giản là việc giữ đạo và truyền giáo không khó. Nhà truyền giáo chỉ lo: giữ giới, làm lành, học hiểu kinh giảng, hoặc viết sách thuyết đạo cho người đời nghe để tu hành là đủ. Người ta hiểu lầm! Việc giữ đạo và truyền đạo rất khó, khó hơn việc “bình định” quốc gia. Bởi lẽ, quốc gia có bổng lộc, khám đường và quân đội hùng mạnh nên nhân viên không bỏ sở, dân chúng không dám phạm pháp và cường địch không dám xâm chiếm cương thổ. Trái lại, đạo chỉ sống “an bần”, “tự giác” và “hòa nhẫn” nên người ta dễ xa đạo, dễ gây rối và dễ đàn áp hơn. Để thắng vượt mọi khó khăn và hoàn thành trách nhiệm quan trọng, nhà truyền giáo của một tôn giáo phải có những yếu tố: 1./- VĂN CHƯƠNG PHONG PHÚ: Như chúng ta biết, những gì từ trong tư tưởng ta được diễn tả ra bằng lời nói, bằng câu văn, có thứ lớp làm cho người nghe dễ hiểu biết, đó gọi là văn chương. Tu sĩ truyền giáo, dù tôn giáo nào cũng không thể thiếu văn chương được. Bởi lẽ, “văn vi tải đạo” (dụng văn chương làm thuyền chở đạo). Nhà truyền giáo thiếu văn chương lấy đâu làm phương tiện truyền bá giáo lý và lưu lại giáo pháp cho hậu thế? Và người kém văn chương làm sao hiểu thấu nghĩa lý thâm sâu trong kinh giảng để tu hành cho đúng với chánh đạo? Vẫn biết rằng, giáo lý nhà Phật siêu vượt trên mặt văn tự. Nhưng chúng ta không đi qua ngưỡng cửa văn tự làm sao vào được bên trong của ngôi nhà Phật giáo để thấy biết chỗ nhiệm mầu? Vã lại, công thức “tam huệ” của nhà Phật, “văn huệ” đứng hàng đầu. Chúng ta thử nghĩ, các vị hoằng pháp xưa nay, ngoài tổ Huệ Năng và vài vị siêu đẳng khác có vị nào không cần đến văn chương mà giảng giải đạo lý được thông suốt chăng? Hơn nữa, thời khoa học tiến bộ, một chương trình làm việc, một công thức cần thiết, người ta đều dùng văn chương chỉ dẫn rất rành rõ. Nhà truyền giáo kém văn chương hơn họ, tức khó thu phục được hàng trí thức và làm sao theo kịp với thời đại văn minh tiến bộ để mở rộng học thuyết của tông phái mình? Thế nên, văn chương là phương tiện rất cần cho công cuộc hoằng pháp. Nhà truyền giáo không thể thiếu yếu tố này! 2./- KHOA HỌC RÕ BIẾT: Khoa học là sự hiểu biết có kinh nghiệm, có chứng cứ xác thực, không mơ hồ, tưởng tượng. Có số người cho rằng giáo lý nhà Phật là “tiêu cực”, “viễn vông”. Không phải như vậy, giáo lý nhà Phật rất “tích cực”, “thực tế”. Thuyết “duy tâm” Phật dạy: người tu hành lúc nào cũng phải lo tu sửa tâm tánh cho chơn thật, hiền lành, biết thương người, tức là gieo nhân lành làm cho đời vơi bớt đi quả ác, khổ đau… Phật cấm “đạo tặc”, làm cho người khỏi tù tội và xứ sở được trật tự an ninh. Phật cấm “vọng ngữ” để giữ còn uy tín và phẩm giá con người. Đồng thời thuyết “Tam Thiên Đại Thiên thế giới”, Phật giáo đã công bố cách đây trên 25 thế kỷ. Phật có “Lục thông”, ngồi một chổ nghe, thấy xa xôi khắp cõi. Sau này khoa học tiến bộ, người ta phải công nhận những phát minh kỳ diệu của Phật giáo đi trước khoa học không sai! Như vậy, sự hiểu biết về khoa học giúp cho chúng ta nghiên cứu Phật học rất rõ ràng, khúc chiết. Sự giảng giải đạo lý đi xa với tinh thần khoa học, là “tiêu cực”, “lạc hậu” và dị đoan mê tín. Thế nên, nhà truyền giáo theo khuynh hướng Phật giáo không thể bác bỏ và thiếu hiểu biết về phần lợi ích của “khoa học” được nếu muốn cho tôn giáo của mình phát triển, không sa sút với trào lưu tiến bộ của nhân loại trên thế giới ngày nay! 3./- CHÍNH TRỊ AM TƯỜNG: a/ Chính trị là việc thi hành chủ quyền và đặt chế chính thể của một quốc gia trên bình diện đối nội và đối ngoại. Nghĩa rộng, là việc lừa đảo, khôn khéo. Đó là việc chính trị của nhà nước. b/ Dùng trí óc sáng suốt ngăn ngừa gian dối, sắp xếp công việc làm ăn phát đạt, ổn định tâm lý con, em khiến cho gia đình đầm ấm. Đó là việc chính trị của gia đình. c/ Dĩ tâm chánh, chánh cải nội bộ thắt chặt tình đoàn kết tín hữu, gây thiện cảm với ngoại nhân, mở rộng tầm thính giác, tổ chức tài nguyên khôn khéo, đào tạo nhân tài, nâng cao đồ trí, thấy biết lợi hại xa gần; tu sửa “Hiến chương” lành mạnh…Và biết tận dụng trí lực đối với nội ngoại ma vương để lèo lái thuyền đạo của mình vượt qua cơn bão tố. Đồng thời, lo chỉnh lý và duy trì chính pháp đúng với “chân truyền” Phật giáo hầu đưa chúng sinh đến chỗ yên vui hiện tại và cảnh giới giải thoát trọn lành. Đó là việc chính trị của tôn giáo. Trái lại, nhà truyền giáo chỉ biết lo dịch kinh, chú nghĩa, giảng giải đạo pháp, lo tụng niệm, cầu cúng, sám hối…Mọi việc đều đổ cho định mệnh, nghiệp quả….Rồi ngồi chờ Trời Phật giúp cho. Thử hỏi, có giải quyết được mọi vấn đề và làm cho đạo hưng thịnh được ư? Ngược dòng lịch sử, chúng ta xét kỹ lại quá trình “lập giáo” của Đức Phật, chư Tổ và các cao Tăng, Giáo chủ Đông, Tây…chúng ta mới tìm ra được đáp số bài toán nan giải về trách nhiệm quan trọng của nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo phải am tường mục chính trị (trí đạo) nầy, mới không bị lạc hậu, bị lừa bịp, lợi dụng, ngớ ngẩn và không đắc tội với trách nhiệm thiêng liêng cao cả của mình. 4./- PHẬT HỌC UYÊN BÁC: Bất cứ người cán bộ của một tổ chức nào cũng phải hiểu biết rành rõ về ngành chuyên môn của mình mới có thể hoàn thành công tác bằng cách hữu hiệu được. Người tu sĩ truyền bá giáo lý thuộc về Phật giáo cũng phải dày công nghiên cứu thông suốt giáo lý của tôn giáo mình. Cũng như hiểu biết sâu rộng về “Phật học”, như: Luật nhân quả, Vộ thường, Vô ngã, Nhân duyên, Bát chánh đạo, Thiền, Tịnh v.v…Nói gọn hơn, là phải biết mọi sự khổ trên đời, nguyên nhân của sự khổ và phương pháp diệt khổ…Dù không đủ trí huệ thấu đạt diệu lý siêu văn tự như Phật và chư Tổ, nhưng về khả năng “Phật học” cũng phải tương đối. Nếu nhà truyền giáo kém khả năng chuyên nghiệp, dù có “thiện chí” chăng nữa, cũng khó thể đóng góp công quả trong cuộc chấn hưng Tôn giáo, đôi khi còn làm cho đạo phải đi dần đến chỗ suy hoại thêm! Đây là điều kiện trọng yếu mà tu sĩ truyền giáo nên xét kỹ lại về khả năng “Phật học” của mình. Bởi đó là “sở trường” và trách nhiệm quan trọng không thể thờ ơ. 5./- GIỚI HẠNH NGHIÊM MINH: Giới hạnh nghiêm minh, tức là “giới luật” và “đức hạnh” nghiêm chỉnh và minh chánh. Muốn đem đạo lành ban rải khắp mọi nơi cho người về đường lương thiện, nhà truyền giáo phải là một con người “gương mẫu”, “giới hạnh” khá đầy đủ. Vì điều nào ta dạy người làm, trước hết ta phải làm được điều đó. Thí vụ: ta dạy người đừng uống rượu, tham lam, thì những điều ấy ta không vi phạm. Ta dạy người trau giồi “đức hạnh” (tức là tâm lành và nết tốt), chính ta phải làm được điều đó. Trái lại, ta nói được, làm không được thì chẳng khác nào ông A quảng cáo thuốc ông bán trị bệnh lác rất tài, nhưng ông lại bị lác lến đầy mình! Như vậy, việc quảng cáo ấy có giá trị chi đâu!. Vả lại, “giới hạnh” là điều kiện căn bản cho nhà tu. Nhà truyền giáo thiếu nó, tức chưa hội đủ điều kiện để tiến xa trên đường giải thoát. Và giới hạnh cái “phẩm chất” tốt của con người; phẩm chất của nhà truyền giáo phải vượt hơn hạng thường nhân, hàng trí thức mới kính mến, tùng học. Trái lại, phẩm chất của nhà truyền giáo kém, khiến cho hàng trí giả khinh thường, làm sao độ đời cho được? Nếu có độ được chăng nữa, cũng chỉ là dung nạp số người ô hợp, non kém rồi chờ ngày hoại diệt đó thôi!. Là tu sĩ truyền giáo nên cố gắng tập luyện và gìn giữ cho mình được đầy đủ phần nào về “giới hạnh” như đã bàn xét ở trên. Tóm lại, yếu tố của nhà tu sĩ truyền giáo là phải: thông hiểu văn chương, khoa học, chính trị, Phật học và giới hạnh nghiêm minh. Thế mới đủ tư cách nhà truyền giáo của một mối đạo chân chính và tiến bộ. Đồng thời, công đức truyền giáo của mình mới được cứu cánh về cõi tịch tĩnh vô ưu!. Và chẳng phụ công ân Đức Phật và Đức Tôn sư dày công giáo hóa. Thất sơn, tàn thu năm Đinh mùi (1967) Cừ sĩ NVĐ