Nỗi Nhớ Quê Hương

Thảo luận trong 'Văn-Tuyển' bắt đầu bởi Hhuynh, 20/6/12.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator

    Nỗi Nhớ Quê Hương
    Việt Hải

    Trong những bài viết của LM. Phan Văn Lợi gửi ra ngoài, tôi cảm nhận những suy tư, những trăn trở của ngài viết ra. Rung cảm với nỗi buồn quê hương từ tâm thức, vì những vấn nạn tại quê nhà từ vấn đề dân oan, bệnh tật vì thức ăn, bão lụt hoành hành trên quê hương mà bao xót xa phủ chụp lên đầu người dân vô tội, tôi viết bài này trong bối cảnh quê hương rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Miền Trung đang hứng chịu nhiều thiệt thòi, nhà thơ Phạm Hoài Việt trong bài thơ "Vọng Tưởng Quê Hương", đã diễn tả nỗi buồn cố hương như những dòng nhập đề của tôi:

    Nhìn lại giang san quá tả tơi
    Đêm về ngập nỗi nhớ không vơi
    Người đi chất ngất mang niềm hận
    Kẻ ở âm thầm nén lệ rơi
    Thấy xót quê Cha lòng khắc khoải
    Trông vời đất Mẹ dạ tơi bời
    Trăng khuya chiếc bóng mình cô lẻ
    Vọng tưởng cố hương... bỗng nghẹn lời.

    Xa quê hương thì ai lại không nhớ, khi quê hương ngụp lặn trong nghèo khó thì ta xót xa. Tôi đọc những bài viết cũ về quê hương, nỗi nhớ quê hương cứ mãi tràn dâng. Dù tình thế chưa thuận tiện cho bao người tại hải ngoại từ chối về quê hương, không có nghĩa là họ chối từ quê hương, nhưng họ không chấp nhận nhà cầm quyền độc đoán hiện nay mà thôi.

    [​IMG]
    Mọi người chúng ta khi sinh ra, rồi khi lớn lên chứa chất những hoài niệm về một góc trời quê hương trong trí nhớ nào đó, và quê hương chính là cái nôi sưởi ấm con tim, quê hương ru ta mỗi khi buồn vì lưu vong xa xứ, hay quê hương ru ta về những kỹ niệm xa xưa. Tôi nhìn những đám lục bình trôi trên sông Mississippi mà chạnh nhớ sông Vàm Cỏ Đông hay Cửu Long giang, nhớ bâng quơ rồi tim tôi xao xuyến. Rồi khi viếng cao nguyên Napa có những con đường rợp bóng mát do những cây sồi (oak) mà tàn cây to chụm vào nhau, đi giữa mùa hè mà không thấy ánh nắng dẫn vào thành phố Oakvillle của miệt Bắc Cali, như dạo nào tôi đi xuyên qua những con đường làng lối trúc ngõ tre ở Trảng Bàng, tôi còn nhớ hai hàng tre dọc hai bên đường che phủ rợp trời, che kín ánh nắng cho bóng mát tuyệt đối để hồn thơ trong tôi dâng trào:

    "Tôi đi giữa lòng quê hương
    Nắng Cali như bóng mát Trảng Bàng"

    [​IMG]

    Đó là quê hương mang theo, như những hành trang theo tôi, có lẽ đến hết cuộc đời, ôi quê hương nuôi ta từng ngày, ta mơ quê hương như yêu người tình. Một

    lần tôi thăm vườn trà ở Đài Trung bên Đài Loan, tối ngủ trong một nông trại mà
    cơn mưa rào tạc qua, nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn "lộp bộp, lộp bộp", lòng tôi chạnh xao xuyến nhớ về những ngày về Tây Ninh thuở nhỏ trọ ở nhà những bà con, sao mưa rơi trên mái tôn ở các nơi tạo ra một thanh âm thật giống nhau như thế, tôi tự hỏi. Hay khi tôi ghé ngang thành phố Carmel trên Bắc Cali với Ngọc Linh, người bạn cũ của 40 năm qua rồi và mừng vui khi gặp lại. Đứng trên mỏm đá nhô ra biển cả xa xăm, gió biển mát rượi tâm hồn, tôi ngước lên trời có đám hải âu gọi đàn, dưới chân là những con sóng trắng xóa vỗ vào ghềng đá rì rào, khung cảnh Carmel mang tôi về ghềng đá Bãi Dâu của Vũng Tàu. Ngày của thuở nhỏ tôi ao ước được xuất dương sang du học ở trời Tây, và ngày nay tôi nhìn về bên kia biển Thái Bình có quê hương tôi, tôi mơ một ngày trở lại quê hương bừng sống trong sinh khí tự do nhân bản, không bị trù dập, không bắt bớ vô lý, khi người dân tôi quá tội nghiệp, còn khao khát quyền làm người. Nhớ về quê hương với những nỗi vui mang theo, cũng như những nỗi buồn của hiện tại của cuộc sống khó khăn. Đời sống bao trùm những vô lý, những mâu thuẩn xã hội tràn lan khắp trên quê hương tôi.

    [​IMG]

    Tôi đọc bài thơ Quê Hương Nỗi Nhớ của thi sĩ Hà Ly Mạc mà chạnh lòng:

    Ðêm qua trong mộng tôi cười,
    Sáng nay thức dậy lại ngồi rưng rưng.
    Lạ lùng chưa, lệ ứa dòng,

    Giọt thương tôi nuốt, giọt hồng tuôn ra.

    Ðất người xót nỗi quê cha,

    O hay ! Trời cũng nhạt nhòa như tôi.
    Lâm râm từng hạt mưa rơi,
    Hàng cây đứng lặng trên đồi ngẩn ngơ.

    Niềm thương nỗi nhớ đong đưa,
    Tình quê hương đó, bao giờ mới nguôi.
    Việt Nam ơi ! Núi, sông, trời,
    Lũy tre, đồng ruộng, đâu rồi nước non ?

    Phải chi thấy lại mảnh vườn,
    Dang tay ôm lấy cộì nguồn mà hôn.
    Mấy mươi năm, một nỗi buồn,
    Lê thân viễn xứ, héo mòn ruột gan.

    Tình thâm đôi ngả quan san,
    Ngoài vời vợi nhớ, trong vàng vọt trông.
    Xa núm ruột, quặn thắt lòng,
    Mồ cha, mả mẹ, lạc vòng tay ôm.

    Trời chiều rủ bóng hoàng hôn,
    Quê hương nỗi nhớ, giọt buồn mang mang ...


    (Trong tập Quê Hương Nỗi Nhớ 2002)

    Quê hương là tiếng nói thương yêu, cho tâm hồn ta gần gũi như tình tự từ da thịt, như hơi thở từ nuối tiếc chia ly. Tôi có người bạn gốc Nha Trang, trên bàn thờ nhà anh có tảng đá mang từ quê nhà sang, anh khắc chữ Việt Nam, anh lý luận rằng niềm tin khi chúng thờ phượng ai là do sự thiêng liêng. Nếu quê hương Việt Nam thiêng liêng thì tại sao chúng ta không tôn thờ. Tương tự khi quốc gia Do Thái được các xứ Tây phương cho thành lập lại tại Trung Đông. Người Do Thái từ khắp nơi lủ lượt đổ về gây dựng lại quê hương mới. Có những người về đến quê hương mà họ đã khóc ròng, có người cúi xuống hôn lên mặt đất như lời chào mừng và tạ ơn quê hương.

    Trong bài viết "Nước Non Ngàn dặm... trở về ?" của tác giả Thâm Vấn, bà đã viết như sau:
    "Với những người xa tổ quốc mà phải đợi tới những lời kêu gọi thống thiết từ đồng bào của mình ở quê nhà mới sực nhớ rằng mình vẫn còn có một quê nhà để trở về, thì quả thật, sự về ấy, chỉ là trở lại. Một cuộc trở về kiểu của ông Hạ Trí Chương bên Tàu, tác giả mấy câu thơ nổi tiếng và đã được nhiều người (Việt) nhắc đến để so sánh sự ra đi và trở về của người Việt tha hương. Bài thơ tên là Hồi Hương Ngẫu Thứ (Ngẫu Nhiên Khi Về Quê), được Hải Đà dịch như sau:

    ”Quê nhà xa cách tháng năm,
    Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời
    Mặt hồ gương trước ngõ soi

    Gió xuân chắc chẳng đổi đời sóng xưa”
    (Hải Đà)
    Ông Hạ Trí Chương giã từ nhà ra đi tìm công danh sự nghiệp từ khi còn rất trẻ. Sau gần 50 năm trải qua bao thăng trầm trong bước công danh hoạn lộ của mình, ông trở về thăm lại quê xưa, tìm kiếm bạn bè cũ, nhưng chẳng còn mấy người sống sót, duy chỉ có mặt hồ trong như gương trước ngõ vẫn còn nguyên vẹn những dợn sóng ngày xưa. Sự ra đi của ông Hạ Trí Chương là một cuộc ra đi lập thân. 50 năm xa quê của ông là 50 năm ông lao vào cuộc giành giựt những hư ảo đời người. Ông chỉ trở về lại quê hương sau khi đã chán chê mọi thăng trầm cuộc đời vốn nhẹ tênh như lá mùa thu.

    [​IMG]

    Đem sự trở lại của ông Hạ Trí Chương mà so sánh với sự trở về của anh bạn tôi đang đứng giữa đường phố quê hương một ngày cuối năm thì cũng tội nghiệp cho anh quá. Hơn hai mươi năm nay từ ngày anh bỏ tất cả bước chân xuống chiếc thuyền mong manh lênh đênh giữa biển cả ra đi tìm tự do, và trên hết, mang một hoài bão làm chút gì để đổi thay vận mệnh của đất nước, cũng là hơn hai mươi năm anh canh cánh bên lòng những trăn trở cho mảnh đất nghèo quê nhà anh để lại sau lưng. Không về được, chưa về được, đâu phải chỉ là những khó khăn của đời thường, đâu phải chỉ là những mải mê với cuộc sống dễ chịu xứ người."



    Tôi muốn gửi bài viết này đến những người dân hiền hòa bị bất công xã hội chà đạp, những nạn nhân thiên tai bị chế độ bỏ quên vì bất tài, vì tham lam, và tôi gửi lòng nhung nhớ về cho quê hương Việt Nam, nơi đó có dân tộc tôi và không còn chế độ Cộng Sản nữa. Lời kết luận tôi xin mượn bài viết của Thấm Vân có thơ của Hạ Trí Chương và của thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long. Vì "Không về được, chưa về được, đâu phải chỉ là những khó khăn của đời thường, đâu phải chỉ là những mải mê với cuộc sống dễ chịu xứ người.". Quê Hương trong nỗi nhớ chỉ là Nỗi nhớ của quê hương mang theo trong tâm tưởng. Cái trân quý suốt đời: Quê hương trong tâm tưởng và trong lòng tôi.

    Việt Hải Los Angeles

     

Chia sẻ trang này