Tôn giáo là gì ?

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Ngoctruc, 3/4/14.

  1. Ngoctruc

    Ngoctruc Member

    TÔN GIÁO LÀ GÌ ?

    --oOo--
    THƯỢNG-ĐẾ vì nhơn sanh đã phải đến trần gian nhiều lần mở nhiều Tôn giáo, mượn nhiều hình thể, bày nhiều hình thức, xưng hô nhiều danh từ khác nhau để thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi phong tục tập quán, mọi ngôn ngữ để tùy thời tùy thế độ rỗi nhơn sanh cải ác tùng thiện, xa lánh nẻo mị tà trở về đường chánh giáo.

    Người thức thời hiểu Đạo, nhìn các hình thức Tôn giáo, Đạo giáo hành đạo có khác nhau không lấy chi làm lạ. Trong giới đó, thương hại thay cho những người còn nhận xét với phàm tâm, phàm ý, với nhục nhãn, rồi lại bài bác chỉ trích xuyên tạc những hình thức hành đạo khác với tập quán của mình... Do đó, thế nhân trong cửa Đạo thường mắc phải chứng bịnh kỳ thị. Đó là một trở ngại rất lớn trên bước đường tu thân, lập hạnh.

    Ví dụ một trường hợp rất mỉa mai và đau khổ: Nếu đất nước nầy, dân tộc nầy khi chưa có một Tôn giáo nào khai minh, người dân vẫn có tinh thần thương yêu nhau vì tình đồng chủng, đồng quốc gia, quốc tổ dân tộc Việt. Nhưng đến khi có một Tôn giáo, rồi nhiều Tôn giáo khai minh, mỗi một nhóm dân Việt thọ giáo mỗi Tôn giáo khác nhau. Vì sự nhận thức thiển cận nảy sanh óc kỳ thị. Từ đó, bắt nguồn sự chia rẽ giữa những nhóm người trong các Tôn giáo khác nhau. Rất đổi chỉ biết bênh vực cho giáo thuyết giáo điều, cho các hình thức lễ bái hành đạo mà quên đi tình dân tộc, nước non!

    Than ôi! Tôn giáo là gì? Phải chăng Tôn giáo là phương hướng giáo thuyết để dạy đời nhìn thấy những gì thiêng liêng cao cả. Chẳng những chỉ ở phần tâm linh tối thượng mà Tôn giáo còn dạy người đời xem nhau như tình ruột thịt huynh đệ đại đồng. Tuy khác ở màu da sắc tóc, nhưng cũng đồng thọ bẩm đức háo sanh dưỡng dục an bày của luật đương nhiên Tạo hóa.

    Tôn giáo dạy người phải lấy tình thương yêu hòa ái từ xã hội nhỏ, như gia đình, phu thê, phụ tử, đệ huynh, bằng hữu, đến một xã hội bậc trung là đoàn thể quốc gia dân tộc và chí đến nữa là đại xã hội nhân loại đại đồng. Xã hội nhỏ có thương yêu hòa ái thì gia đình được hạnh phúc, phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung.

    Một xã hội bậc trung có thương yêu hòa ái thì đoàn thể được phát triển nảy nở mau lẹ trong sự dìu dắt giáo dục bảo vệ cho nhau. Một quốc gia toàn thể dân trong nước đó, từ vua quan cho đến lê thứ dân giả cùng đinh mà biết thương yêu hòa ái thì quốc gia đó được thạnh trị, dân đó được phú túc sung mãn hùng cường.

    Nếu một xã hội nhân loại đại đồng biết thương yêu hòa ái nhau thì đại xã hội đó là một Thiên-Đàng Cực-Lạc tại thế gian.

    Bởi chưng con người không nhận thức được lý đó, chỉ nhìn sự kiện với óc thiển cận là trái ngược lại với đạo lý cũng như những người lãnh giáo nhận thức giáo lý thiển cận như thế, nên đã làm sai lạc tôn chỉ cao quí của Tôn giáo, đó là mầm đau khổ cho nhân loại.

    Đáng lý con người đã sẵn có tình quốc gia dân tộc, thêm được giáo lý đạo đức, biết dung hợp như gấm thêu hoa. Đàng này trái lại, xuyên qua sự thể ấy, thử tìm xem nguồn gốc do đâu nảy sanh, nếu không phải là bức màn vô minh mà Đức Phật thường hay dùng để chỉ con người tội lỗi.

    Thật vậy, mọi điều tội lỗi, độc ác, sa đọa đều do bức màn vô minh che lấp Nguơn Thần. Sự nhận thức của con người không nhận biết được cái nào là chơn, là giả, điều nào là thiệt, là hư, cũng đều do bức màn vô minh ngăn cách giữa con người và chân lý. Con người thường nhận xét các sự vật qua nhãn quang và óc chủ quan của mình, nên thường bị thất tình lục dục gạt gẫm đánh lừa.

    Thánh xưa cũng vẫn có thất tình lục dục, nhưng Thánh xưa biết sử dụng điều khiển những thất tình lục dục ấy đúng chỗ, đúng lúc và hợp hoàn cảnh. Thánh xưa vui với cái vui nội tâm thích hợp đạo lý, giận với cái giận của bậc siêu nhân, thương với lòng thương của hàng Thánh thiện, sợ với cái sợ của bậc trí tri, yêu với tình yêu của Đấng Tạo Hóa, ghét với ý ghét của bậc hiền nhân, muốn với lòng ham muốn của người Đạo Đức. Như thế mới gọi là mừng, vui, giận, ghét, yêu, sợ, muốn, của bậc siêu nhân.

    Mừng là mừng thấy có ý nghĩ lời nói và hành động có tác động vào sự tế nhân lợi vật. Vui là vui đã làm được những việc giúp đời. Giận là giận khi thấy lòng chưa được thanh tịnh hoặc ý nghĩ lời nói việc làm không thuận Thiên hòa nhơn, tự khắc kỷ để tự hậu không còn tái diễn. Ghét là ghét những điều trái đạo lý luân thường nhân nghĩa mà không thèm nghĩ đến, nhìn đến, nói đến và làm đến. Sợ là sợ những hành động trái với đạo đức, trái với lòng Trời, chớ không phải sợ dư luận khen chê tán tụng. Có điều khiển làm chủ hướng dẫn được thất tình thì chúng nó sẽ ngoan ngoãn tuân theo rồi lần hồi trở thành thói quen. Biết tận dụng điều khiển thất tình, chúng nó sẽ trở nên thất bửu là bảy món báu vô giá để làm tả phù, hữu bật, tiền xung, hậu kích, trước mọi cảnh ngộ đảo điên và chúng sẽ giúp trở lại chủ nhơn ông được trọn vẹn trên đường Thánh thiện .

    Còn qua lãnh vực lục dục, lục căn cũng thế, hễ điều khiển sai khiến, chúng phải tuân theo làm theo chủ nhân ông. Cũng thời chúng nó, nếu chủ nhân ông biết tận dụng, chúng sẽ trở nên hàng trung thần, hàng thân tín. Nếu ngược trở lại, không biết tận dụng điều khiển chúng thì chúng sẽ trở nên đám nghịch thần, phá hoại, ngăn cản, mọi bước tiến trên đường Thánh thiện.

    Lục dục, lục căn biết luyện thì chúng trở nên lục thông đưa chủ nhơn ông đến hàng Tiên Phật. Ngược lại, chúng sẽ là lục tặc rồi dẫn dắt kéo trì chủ nhơn ông trở xuống lục đạo luân hồi, hoặc sa tăng, ngạ quỉ.

    Thế nên, người tu luôn luôn phải xem xét suy nghĩ cân nhắc trước mọi sự vật xảy ra hàng ngày đến với mình. Rất dễ và cũng rất khó để phân biệt được cái nào chân giả, điều nào thiệt hư. Đừng thấy người chê rồi vội vàng phát giận, đừng nghe người khen rồi vội vàng mừng vui. Nếu sự chê ấy đúng chỗ, đúng lúc thì phải cố gắng nhẫn nại phục thiện để sửa chữa.

    Bần Tăng xin lập lại: Nếu sự chê ấy do nơi mình khuyết điểm thì phải cố gắng sửa chữa. Nếu gặp lời khen có tánh cách ve vãn nịnh bợ để làm hài lòng có dụng ý tư kỷ, tư lợi thì hãy coi chừng, đừng vội vàng mà mắc mưu ma quỉ.

    Thánh xưa có nói: "Người chê đúng chỗ là Thầy ta, khen ta đúng chỗ là bạn ta. Ngược lại, nếu chê không đúng chỗ là phá hoại ta, khen không đúng chỗ là hại ta".

    Đó là lời khuyên đối với hàng nhân sĩ để tiếp nhân xử thế. Còn ở cương vị của người học Đạo tu thân lập hạnh thì lại phải cần thận trọng cân nhắc thêm hơn.

    Người tu thân nên lạc thiện lạc đạo chớ không đợi người đời nhìn thấy để lời phê phán ngợi khen mới vui. Nếu vui như vậy là háo danh, bị động không làm chủ lấy mình. Nếu bị lời gièm pha, đố kÿ, xuyên tạc rồi bỏ dở dang việc hành đúng đạo lý là đã mắc mưu tà quái rồi đó.

    Những thí dụ đơn cử vừa qua cũng chỉ là những chi tiết trong sự điều khiển, hướng dẫn thất tình, lục dục mà thôi.

    Chư đạo hữu thử kiểm điểm lại một điều rất nhỏ này sẽ thấy có trong lòng mỗi người: Hằng ngày, sắp tới giờ lễ bái hoặc tham thiền, trong lúc đó những gì xảy ra đến cho mình? Bên trong nội tâm, cơ thể có khi nghe uể-oải nhức đầu, nóng lạnh, có lúc bụng đói, có lúc lười biếng vô cùng. Còn ngoại cảnh thường gặp khách đến và nể tình phải nán lại tiếp khách hết người này đến người khác, rồi giờ lễ bái tham thiền trôi qua không đúng giờ giấc. Đó là chưa nói đến người thân hay xảy ra bạo bịnh phải bận chạy thuốc kiếm thầy, v.v...

    Chư đạo hữu thấy chưa? Từ nơi thân tâm đến ngoại cảnh diễn biến luôn luôn, làm ngăn trở người tu không ít. Người càng gặp nhiều sự xảy đến là người còn quá nặng nghiệp chướng tiền khiên. Phải rán lo ngoài sự tu kỷ, phải làm thêm sự bố thí: là tài thí, pháp thí, vô úy thí, tùy theo hoàn cảnh sở hữu, sở năng, sở đoản, sở trường của mỗi người .

    Đây Bần Tăng cũng nói trở lại hai tiếng "Vô Minh". Hễ Vô Minh thì gặp minh. Minh trước là sáng, minh sau là mờ. Nếu không dùng tâm linh dung hợp, lý trí xét đoán các sự vật cho minh thì mọi hành động xử sự sẽ bị mờ ám.

    THI:

    Tu hành luyện tập phải luôn luôn
    Như nước luân lưu khắp ngọn nguồn
    Nếu nước bị ngăn thành bẩn thỉu
    Nghiệp dày che án điểm thiên lương.

    VẠN-HẠNH THIỀN-SƯ
     

Chia sẻ trang này