THƯ NGÕ -oOo- Kính gởi: - Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo. Kính thưa quý vị, Chúng tôi vừa nhận được nguồn tin bán chính thức cho biết quý vị nhân danh Ban Trị Sự Trung Ương giáo hội đã lên kế hoạch sắp khởi công thực hiện chương trình trùng tu, tôn tạo ngôi An Hòa Tự (Chùa Thầy), coi như tiếp tục thực hiện đề án hũy diệt Ngôi Thánh Tích đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt trong đồng đạo, cụ thể đã ra đời Ban Bảo Vệ An Hòa Tự vào năm 2011. Thật ra cũng chưa xác định việc đúng, sai và có hay không của vấn đề, vì mọi việc hãy còn chờ đáp số cụ thể. Tuy nhiên, dù có hay không thì đây cũng là vấn đề băn khoăn, nhạy cảm của hầu hết người tín đồ kính Thầy trọng Đạo đối với một Thánh Tích thiêng liêng vốn đã có hằng trăm năm lịch sử. Vì lẽ ấy, nên chúng tôi không thể điềm nhiên, phó mặc trước bất cứ những gì mang tính chất hệ trọng đến sự thành bại, mất còn của đoàn thể, tôn giáo. Dĩ nhiên chúng tôi tự thấy có bổn phận và trách nhiệm cần phải lên tiếng cho dù có vấp phải tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô” cũng vẫn tốt hơn là bình chân như vại! Ít ra chúng tôi cũng bày tỏ được quan điểm, thái độ phòng xa của mình trong cung cách đồng thuận hay phản bác tùy theo phạm vi, mức độ đúng - sai của những người chủ xướng chương trình hành động, nếu vụ việc xảy ra. Trước hết, chúng tôi có lời chân thành nhắn nhũ với quý vị rằng: Chúng ta đều là tín đồ cùng chung một Thầy, một Đạo và cùng chung tôn thờ một lý tưởng, lẽ ra chúng ta cần phải gặp nhau ở một giao điểm nhất định, đó là dốc hết tâm lực của mình để lo phụng sự Đạo Pháp và nếu cần phải trả giá bằng cả sinh mạng để bảo vệ tiền đồ của Tôn Giáo, nhất là vĩ nghiệp của Đức Thầy đã dày công tạo dựng. Thế nhưng, xét trên bình diện thực tế thì quý vị lại có ý tưởng và việc làm đi ngược lại lợi ích chung của toàn thể tôn giáo. Ở đây chúng tôi xin nêu ra một vài trường hợp điển hình, chẳng hạn như quý vị đã đồng tình với chính quyền để triệt tiêu ngày Đại Lễ 25 tháng 02 nhuần năm Đinh Hợi - 1947, được thể hiện tại điểm a, điều 10 của Bản Hiến Chương Giáo Hội, chỉ thừa nhận tôn giáo chúng ta có 02 ngày Đại Lễ 18 tháng 5 âm lịch, ngày Đức Thầy Khai Sáng Đạo và ngày 25 tháng 11 âm lịch, ngày Đản Sinh của Đức Thầy mà thôi! Và còn hằng ngàn cơ sở của Đạo như Chùa chiền, Hội quán, Độc Giảng Đường… Đã bị nhà nước ngang nhiên tịch thu, chiếm dụng. Đúng ra với tư cách của quý vị có đũ cơ sở pháp nhân đứng ra đấu tranh đòi hỏi để lấy lại tài sản hợp pháp của Đạo, nhưng quý vị vẫn làm ngơ, xem như bàng quan ngoại cuộc.v.v... Rồi lại đến Ngôi An Hòa Tự, là nơi kính cẩn tôn nghiêm. Tượng trưng nơi xuất phát nền Đạo nội sinh của thời đại, mà quý vị còn có chủ trương phá hủy làm lại để không còn lưu dấu một chứng tích nào khả dĩ biểu trưng sắc thái đặc thù của Tôn Giáo. Đây là Bảo Vật Thiêng Liêng cuối cùng của nền Đạo, nếu không gìn giữ bảo tồn được thì tài sản của Tôn Giáo xem như hoàn toàn bị tiệt diệt! Sau đây chúng tôi xin nêu lên số vấn đề trọng yếu về nỗi băn khoăn lo lắng của hầu hết người tín đồ cả trong và ngoài nước về số phận của Ngôi Chùa, nơi biểu tượng cho Niềm Tin và Nguồn Cội của nền Đạo: Thứ nhất: Điều được khẵng định trước tiên là: Ngôi An Hòa Tự, là nơi tiêu biểu cho Niềm Tin Thiêng Liêng Bất Diệt đối với người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Là một Thánh Tích đi vào lịch sử không những trong phạm vi Tôn Giáo mà còn là Di Tích văn hóa tâm linh của dân tộc, và đã được các chuyên gia nghiên cứu Di Tích lịch sử và xã hội học thế giới đều công nhận Ngôi An Hòa Tự là một trong những di sản tinh thần của nhân loại. Bởi Ngôi Chùa đã có niên đại gần hai trăm năm tạo dựng (ở tiền bán thế kỷ 19) được Đức Phật Thầy Tây An nhìn nhận và chủ xướng việc xây cất qua công lao khai phá và tạo dựng bước đầu dưới hình thức chỉ là một thảo am bằng tre lá của ông Phạm Miêng. Mục đích của ông nầy là muốn tạo dựng một cơ sở đơn giản theo điều kiện có thể của mình để vừa lo tu hành và vừa hốt thuốc trị bịnh giúp đời. Điều quan trọng là chính Đức Thầy đã tiếp nhận quyền sở hữu ngôi chùa do Ban Hương Chức Hội Tề của xã Hòa Hảo dâng hiến. Rồi cũng chính Ngài đã trân trọng tổ chức buổi Lễ Cung Thỉnh Lư Hương từ Tổ Đình đến An Vị tại Chánh Điện của Ngôi Chùa. Trong dịp nầy, Ngài còn khuyên nhắc, chỉ bảo việc thờ tự khói hương và chăm nôm bảo quản Ngôi Chùa cho những người ở đây từ trước, trong đó Ngài gọi đích danh bà Tư Liên (Nguyễn Thị Liên) đến để bảo: “Cô Tư, cô ở đây lo tu hiền và trông coi, gìn giữ ngôi chùa cho chu đáo giùm tôi”. Ngoài ra, Ngài vẫn không quên dặn dò mọi người có mặt hôm đó rằng: “Chùa đã có sẵn, bổn đạo hãy giữ lấy mà lễ bái chư Phật. Giả như chùa có hư hao chỗ nào thì cứ hư đâu sửa đó chớ đừng xóa hết làm lại sẽ làm mất đi dấu vết của người xưa để lại”… Thứ hai: Chúng tôi sẽ nhiệt liệt hoan nghênh và sẵn sàng ủng hộ quý vị hay bất cứ ai nếu có nhiệt tâm và lòng chân thành muốn tu sửa, bảo dưỡng Ngôi An Hòa Tự nhằm mục đích duy trì bền vững Ngôi Thánh Tích tôn nghiêm của Tôn Giáo, đúng theo phương thức “hư đâu sửa đó” như Thánh Huấn của Đức Thầy mà không phải phá vỡ toàn bộ để làm mới. Tất nhiên chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối những ai có mưu đồ muốn cãi dạng, biến thể ngôi chùa đi ngược lại tôn Ý, Thánh chỉ của Đức Tôn Sư; và Thứ ba: Không được thừa cơ hội, lợi dụng việc tu sửa để đập phá cho hư thêm nhằm tạo cớ để thực hiện ý định lột xác, thay cũ đổi mới, tức hủy thể hoàn toàn công trình kiến trúc nguyên thủy. Thật ra, chúng tôi không thể yên tâm tin tưởng vào tinh thần thiện chí của quý vị trong công tác tu sửa Ngôi Chùa đúng theo Thánh Ý của Đức Thầy và nguyện vọng chung của toàn Đạo. Bởi căn cứ vào tiền đề của năm 2011, quý vị đã có một lần tổ chức Lễ “Động Thổ” để san bằng Ngôi Chùa trước sự chứng kiến của nhiều đồng đạo, trong đó có hằng trăm người phản đối mạnh mẽ và quyết liệt, họ đã sẵn sàng tự thiêu để bảo vệ sự tồn tại của Ngôi Chùa. Có lẽ vì thế nên “Dự Án” thực hiện đã bị đình chỉ. Ấy thế mà hôm nay quý vị lại còn muốn tái diễn kịch bản nầy bất chấp ý nguyện của tín đồ, nhất là Thánh chỉ của Đức Thầy! Xin nói rõ rằng: Chúng tôi không hề hoang tưởng và suy diễn để cường điệu trong nhận xét và đánh giá vụ việc mang tính chủ quan để quy kết trách nhiệm sai lầm của quý vị. Mà chúng tôi có đũ cơ sở dữ liệu chứng minh qua sự trình bày trong tập sách Lịch Sử An Hòa Tự (Chùa Thầy), do Tiểu Ban Nghiên Cứu giáo lý biên soạn dưới sự chỉ đạo nhất quán của Ban Trị Sự Trung Ương, nội dung xin được trích đoạn trang 18, 19 như sau: “…Theo thiết kế huy hoạch, nền của hai công trình trên (Trụ sở BTS/TƯ và Lưu Niệm Bảo Vật) được tôn cao hơn mặt bằng 1m40, do đó Ban Trị Sự Trung Ương trù liệu kế hoạch nâng cao nền chùa và lùi về phía sau cho cân đối, chừa phía trước rộng để thêm vẽ mỹ quan chuẩn bị cho những ngày Đại Lễ của Đạo. Từ khởi thủy (1850) đến nay (2008) tròn 180 năm. Đã trãi qua nhiều lần trùng tu phát triển, nét cổ kính của An Hòa Tự vẫn còn nguyên vẹn. Trong tương lai, nhu cầu phát triển cơ sở của Đạo có thể mở rộng quy mô cho phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại, nhưng nhất định những nét đặc trưng của Chùa Thầy vẫn được trang trọng bảo tồn và mãi mãi là điểm tựa tâm linh của Phật Giáo Hòa Hảo”. Xuyên qua phần trích dẫn trên đây đã chứng tỏ những điểm đầy mâu thuẫn và nghịch lý, thế mà quý vị vẫn cố tình diễn giải một cách vá víu theo cái kiểu lập lờ, nghĩa là lập luận theo tính cách chủ quan một chiều của những người trong cuộc, nhằm để định hướng dư luận, hay nói cách khác đi là quý vị đã quá xem nhẹ sự hiểu biết của các giới đồng đạo và hàng thức giả khách quan. Hãy thử đặt ra các câu hỏi để mọi người suy xét, đánh giá thế nào là mâu thuẫn và nghịch lý theo cách trình bày của quý vị. Chẳng hạng như quý vị bảo: “Theo thiết kế huy hoạch, nền của hai công trình trên được tôn cao hơn mặt bằng 1m40, do đó Ban Trị Sự Trung Ương đang trù liệu kế hoạch nâng cao nền chùa và lùi về phía sau cho cân đối…” Như vậy Ngôi Chùa đã bị phá hủy hoàn toàn và vị trí cũng đã bị dời đi nơi khác (lùi về phía sau) Thì thử hỏi làm thế nào để giữ được “nét cổ kính của An Hòa Tự vẫn còn nguyên vẹn” như những lần trùng tu trước đây??? Ở đây chúng tôi muốn biết quý vị định nghĩa thế nào khi một vật thể đã bị đập vỡ và phá hủy mà còn giữ được “nét cổ kính” và “nguyên vẹn”??? Có lẽ quí vị quan niệm đơn thuần, dù có biến cãi thế nào chăng nữa thì ở đây cũng vẫn có ngôi chùa được mô phỏng theo hình mẫu như một phiên bản, tức cũng hai mái chồng và một nóc chân phương, không tạo mái uốn cong và không thiết kế hoa văn hay rồng phụng…Và bên trong chánh điện vẫn giữ nguyên tượng Phật và thờ ba ngôi (ba cấp).v.v... như vậy cũng đũ chứng tỏ “nét đặc trưng” của ngôi chùa rồi chứ gì?! Thật hết sức sai lầm, quí vị đã phạm phải yếu tố thiêng liêng bất khả xâm phạm của ngôi Chùa! Quí vị đã quên đi giá trị tinh thần cao cả của những Di Tích Cổ cần phải được duy trì bảo quản như những bảo vật vô giá không thể hủy hoại từ hình thức cấu trúc đến chất liệu. Chẳng hạn những công trình thế kỷ như Tháp Eiffel của nước Pháp vừa rồi đã bị nghiêng lún cả mấy độ rất nguy hiễm, lẽ ra chính phủ nước nầy có thừa khả năng phá hủy để làm lại cái mới đẹp hơn và bảo đãm hơn so với cái cũ vật liệu phần nào đã bị xuống cấp, bởi ngôi Tháp đã xây dựng hơn một trăm năm qua rồi vào cuối thế kỷ 19 (1889). Thế nhưng, người ta vẫn bằng mọi cách khắc phục để duy trì, bảo dưỡng một công trình biểu tượng cho nền văn minh, văn hóa về kỹ thuật kiến trúc đặc sắc của thời kỳ cận đại. Rồi ở nước ta như cố đô Hoa Lư của Nhà Đinh; Trúc Lâm Yên Tử Nhà Trần; kinh thành Tây Đô Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa; Tháp Chàm; Phố Cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam; chùa Một Cột Hà Nội; chùa Bà Đen tỉnh Tây Ninh.v.v...Tất cả đều được bảo tồn cẩn trọng và vuông vẹn. Đến như các tổ chức văn hóa và viện khảo cổ còn phải khổ công đi sưu tầm tìm kiếm những di vật lịch sử như trống đồng Đông Sơn - Ngọc Lũ, những cung tên thành Cổ Loa, rồi búa rìu, giáo mác bằng kim khí hay đá nhẳn của các bộ Lạc, thậm chí còn tìm kiếm những di vật hết sức là tầm thường như mẻ ơ, nồi bể của nền văn hóa Óc Eo của Vương Quốc Phù Nam.v.v... để làm chi vậy, vì những sản phẩm ấy nó có ra gì đối với trình độ chế tác của thời đại chúng ta? Nhưng kỳ thực thì đó là những sản vật quí báu cần phải được lưu truyền, gìn giữ để phục vụ cho chương trình nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá tiến trình phát triển của xã hội loài người qua mỗi thời đại khác nhau. Chắc quí vị đã nghe thấy vụ việc đơn giản chỉ có di dời chiếc lư hương tại chân tượng của Đức Thánh Trần ở Bến Bạch Đằng, Sài Gòn mà đã xảy ra bao nhiêu chuyện rắc rối bởi sự phản ứng quyết liệt của đồng bào các giới ở Sài Gòn, khiến cho Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân phải đau đầu tìm cách trấn an và giải quyết. Dư luận còn đồn đoán về cái chết của bà Phó Chủ Tịch phụ trách văn hóa xã hội Thành Ủy liên quan đến chữ ký của bà hạ lịnh cho Quận ủy quận I thực hiện công tác di dời nầy… Huống hồ ngôi An Hòa Tự là một bảo tàng sống, chứa đựng các yếu tố nhiệm mầu bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể mà lại muốn hủy diệt??? Với ngần ấy quan trọng, nhưng lý do tại sao Ngôi Chùa Thầy đã hội đũ các yếu tố vật thể và phi vật thể lại được một vị Hoạt Phật chứng nhận và trực tiếp làm chủ mà lại muốn xóa bỏ là sao??? Nên nhớ rằng, nếu ngôi chùa không mang tính chất và ý nghĩa quan trọng thì có cần gì Đức Thầy phải dặn bảo bà Tư Liên và tất cả môn đồ của Ngài hiện có mặt trong buổi Lễ An Vị Lư Hương?! Lời phán bảo cẩn trọng của Ngài như một Huấn Thị cần phải được tuân thủ thực thi nghiêm túc chớ không được làm trái. Ngoài ra, mặc nhiên chúng ta còn phải hiểu thêm về hàm ý sâu xa qua lời dặn bảo ấy của Đức Thầy, bởi Ngài muốn lưu giữ nguyên trạng Ngôi Chùa để đánh dấu sự nghiệp cứu đời của Ngài còn để lại một chứng tích lịch sử nơi trung tâm xuất phát nền Đạo. Đồng thời đây cũng là lời tiên bão của Ngài về tương lai sẽ có kẻ tìm cách phá vỡ ngôi Chùa vì mục đích thủ tiêu nguồn cội. Điều đó đã được chứng minh cụ thể mà quí vị đã công khai chương trình hành động, là hủy thể ngôi Chùa để làm lại bằng kế hoạch tiệm tiến theo mô hình bản vẽ đã vạch sẵn. Ví dụ: Tại sao khi xây cất Trụ Sở và Nhà Lưu Niệm lại không lấy mặt bằng ngôi chùa làm chuẩn mà phải tôn cao hơn để bắt ngôi chùa phải theo cho phù hợp??? Đó có phải mưu đồ, dụng ý không? Chúng tôi cũng thừa biết cách lý giải của quí vị là phải làm như vậy để bảo đãm ngôi Chùa không phải bị nước ngập vào những mùa mưa lũ, song quí vị không hề quan tâm đến tính chất bất khả thay đổi của ngôi Chùa như đã đề cập ở phần trên. Vả lại, theo tinh thần thực tế hằng năm vào mùa nước nổi, Ngôi Chùa chỉ có thể bị ngập vào các năm có Đại Lũ mà thôi. Nhưng tình trạng nầy không riêng gì Ngôi An Hòa Tự mà hầu hết các tỉnh ven biên như Rạch Giá, An Giang, Đồng Tháp.v.v… đều cùng chung số phận phải chấp nhận sống chung với lũ! Vậy đứng trước tình trạng đã rồi không thể cưỡng như thế, tại sao chúng ta không chọn các giải pháp khắc phục khả thi tối ưu để vừa hạn chế sự tốn kém và vừa giữ được toàn vẹn cấu trúc và vị trí Ngôi Chùa mà không phải bị mang trọng tội làm trái tôn ý của Đức Thầy. Chẳng hạn như: chỉ cần xây đê bao và thiết kế hệ thống cống rãnh cho thông thoáng để thoát nước lúc mưa mùa là bảo đãm an toàn rồi cần chi phải dời đổi cho thêm lớn chuyện! Có một vấn đề tưởng nhỏ và bình thường nhưng tầm ảnh hưởng của nó vô cùng lớn nếu Ngôi Chùa bị phá hủy để làm mới, đó là phải đề rõ năm, tháng xây dựng, như vậy giá trị thâm niên, nguồn gốc của Ngôi Chùa đương nhiên phải bị xóa sổ! Bấy giờ khách thập phương đến đây tham quan vãn cảnh hoặc hành hương chiêm bái, họ có thấy gì đâu là nguồn cội phát tích của Ngôi Chùa, mà trước mắt họ chỉ thấy ngôi chùa mới được dựng lên ở thời kỳ hiện tại, nhất là các thế hệ hậu tấn, bọn chúng có biết gì khi tất cả đều đã bị lột xác !?? Kế hoạch cuối cùng mà quí vị sẽ thực hiện theo mô hình đã vạch đó là “trong tương lai, nhu cầu phát triển cơ sở của Đạo có thể mở rộng quy mô cho phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhơn loại, nhưng nhất định những nét đặc trưng của Chùa Thầy vẫn được bảo trọng, bảo tồn…” Thật vô cùng nghịch lý, lập luận có tính khiêng cưỡng nhằm để che đậy và trấn an dư luận nhưng khó thuyết phục được ai! Ở đây chúng tôi xin miễn lập lại vấn đề “những nét đặc trưng” và “bảo trọng, bảo tồn” ngôi Chùa vì đã có phân tích rõ ở phần trước rồi. Điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là cái ẩn từ, ẩn nghĩa của cái mệnh đề “… Trong tương lai, nhu cầu phát triển cở sở của Đạo có thể mở rộng quy mô cho phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhơn loại…” có nghĩa là vô hình trung, quí vị cho Ngôi Chùa và các công trình nằm trong khuôn viên nầy đều đã cũ kỹ, lỗi thời cần phải xóa bỏ làm lại theo hướng quy mô hiện đại để bắt kịp trào lưu tiến hóa của nhơn loại!? Xin thưa rằng: Chùa chiền là nơi nghiêm cẩn để phụng thờ Tam Bảo và các Đấng Tiền Hiền, chỉ cần được thiết trí cho trang nghiêm và giản dị như Ngôi Chùa hiện hữu là đã quá đũ rồi, cần chi phải bày vẽ phô trương cho nguy nga đồ sộ. Chủ yếu là làm sao có nơi cho tín hữu và bá tánh thập phương đến để vọng cầu, chiêm ngưỡng trong bầu không khí yên bình thanh thoát. Cái nhu cầu thiết yếu của Ngôi Chùa là làm thế nào càng cách ly mọi sinh hoạt của đời thường chừng nào càng tốt chừng ấy. Và do đó, điều cần phải được xác định là chốn Phật Đường không có chỗ dành cho sự tranh đua hơn kém, tất nhiên không cần đòi hỏi phải thích nghi với trào lưu tiến hóa của nhơn loại làm gì để phải ảnh hưởng đến tính chất Thiêng Liêng của Đạo Giáo!? Quí vị đã thừa biết giáo pháp độ đời của Đức Thầy tuy có đa dạng nhưng cốt yếu vẫn lấy Vô Vi Chánh Đạo làm gốc, noi theo chơn truyền vô tướng vô pháp của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni như Ngài đã từng minh thị: “… Đạo vô vi của Phật ân cần, Nối theo chí Thích Ca ngày trước…” Đó là nguyên lý của Phật Đạo, nên Đức Thầy đã hằng khuyên bảo môn nhơn đệ tử đừng quá đua đòi chạy theo hình thức mà xao lảng đến việc tu sửa nội tâm: “… Muốn cho dân hiểu đạo mầu, Chớ không có muốn chùa lầu cho cao…” Hoặc: “… Đúc Phật lớn chùa cao bối rối, Mà làm cho Phật giáo suy đồi…”. Như ta thấy, Ngôi An Hòa Tự trước đây được coi là nơi biệt lập, được tách rời những khu dân cư và chợ búa, cho nên nó còn giữ được nét hoang sơ cổ kính với một không gian yên lành tĩnh tại, đúng nghĩa của một quang cảnh già lam thoát tục. Ấy vậy mà hôm nay, nếu không khéo quí vị sẽ biến nó trở thành khu dân cư sầm uất thì còn đâu là nơi tĩnh mịch của Ngôi Chùa?! Vẫn biết thiện ý của quí vị là muốn sao cho Ngôi Chùa có đũ phương tiện đáp ứng nhu cầu cần thiết cho các ngày Đại Lễ của Đạo. Tuy nhiên, dù có phải phát triển mở rộng thế nào cũng phải giới hạng ở chừng mực nhất định để không phá vỡ không gian yên tĩnh và nét cổ kính của Ngôi Chùa. Riêng Ngôi Chùa Thầy dứt khoát phải được duy trì nguyên trạng không được thay đổi dưới bất cứ hình thức nào! Bởi Ngôi Chùa là nơi gởi gấm niềm tin trọn vẹn vào hình bóng hiện hữu của Đức Thầy. Vì vậy xin quí vị nhớ cho một điều hệ trọng mang tính quyết định sự sanh tử của toàn Đạo cả quốc nội và hải ngoại với quyết tâm sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nếu Ngôi Chùa bị phá sập là sẽ có bao nhiêu xác người tín đồ cùng đi theo số phận của Ngôi Chùa!!! Tóm lại, chúng tôi xin khẵng định và nhấn mạnh một điều cốt tử sau đây để thay cho lời kết: Không có bất cứ ai, thành phần nào, từ tổ chức đến cá nhân được quyền nhân danh đại diện cho toàn khối tín đồ PGHH để tự tiện thay cũ đổi mới Ngôi Chùa một Thánh Tích Thiêng Liêng đã được Đức Thầy chứng nhận như một bảo vật gắn kết với sứ mạng hoằng pháp độ sinh của Ngài cần phải được trân trọng lưu giữ. Do đó, chỉ có người ngoại đạo mới dám làm trái Thánh Ý của Đức Tôn Sư và nguyện vọng của toàn Đạo mà thôi! Rất mong quí vị nếu còn biết kính Thầy trọng Đạo thì hãy dừng ngay ý định để tránh đi một trọng tội đối với Ơn Trên, cũng như chúng ta còn được nhìn nhau trong nghĩa tình yêu thương, đùm bọc nhau trong khi Đức Thầy còn xa vắng. Rất mong thay!!! Thân ái kính chào quí vị. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam Mô A Di Đà Phật. Nam Mô Đại Từ Đại Bi Đại Hạnh Đại Nguyện Kim Sơn Phật. Cần Thơ, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Hợi – 2019. Thay mặt đồng đạo PGHH. (Ký tên) LÊ VĂN TÍNH Nơi nhận: -Các BTS khắp nơi và toàn thể đồng đạo PGHH quốc nội - hải ngoại. “Đồng kính tường và để theo dõi”.