Định vị bảo giang

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi slcsvnguyen, 27/1/17.

  1. slcsvnguyen

    slcsvnguyen New Member


    ĐỊNH VỊ BẢO GIANG

    ***​
    Gần như trong chúng ta ai ai cũng từng nghe hai câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
    Bảo giang thiên từ xuất
    Bất chiến tự nhiên thành


    Hàm ý hứa hẹn một vị vua thánh của đất Việt ở tương lai xuất hiện tại vị trí Bảo giang, với tài trí phi thường khuất phục quân ngoại xâm không cần chiến đấu, để đem lại một sự huy hoàng, thái bình vĩnh cửu cho đất nước. Câu sấm có giá trị củng cố ý chí và đem lại hy vọng cho dân tộc Việt, nhất là khi đất nước đang trong vòng nô lệ, bị láng giềng đe doạ, hoặc binh biến triền miên.

    Bài này chỉ bàn về vị trí sông Bảo giang.

    BẢO GIANG Ở ĐÂU?

    Có rất nhiều lời phỏng đoán vị trí sông Bảo giang trên khắp các diễn đàn mạng. Đa phần các nhà giải sấm đều cho rằng đây là một con sông ở miền Bắc, chẳng hạn như sông Châu Giang (Hà Nam) (01), sông Hồng (02), hoặc chiết tự thành Đông Anh (Hà Nội) (03), v.v… Những lời giải này không có tính thuyết phục cao.

    Là người miền Nam, nhất là những người trong khu vực thuộc địa bàn các đạo Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hoà Hảo, chúng ta đã quá quen thuộc với danh từ Hội Long Hoa, và sự xuất hiện của vị Minh Vương trong tương lai. Do vậy, chắc chắn địa danh "Bảo giang" phải có sự liên hệ đến những sự kiện này. Qua bài "Hố Hò Khoan" đã dẫn giải (04), ta thấy có sự tương quan giữa Trạng Trình và Đức Thầy. Như vậy, hãy tìm hiểu xem Đức Thầy có nói gì về địa danh huyền bí này trong những bài viết của ngài.

    Trong toàn bộ những bài viết của Đức Thầy, ngài chỉ dùng chữ "Bảo giang" có 1 lần trong bài thơ "Tỏ Câu Huyền Bí", với đoạn sau đây:

    BỬU ngọc mai danh ẩn nhục tràng,
    SƠN đài hồ-hải luyện tứ phang.
    KỲ sanh tạo giả thi truyền tục,
    HƯƠNG giải thao tồi thị Bảo-giang


    với lời chú giải nguyên câu cuối: Hiện nay nhân sanh đang sống trong cảnh khốn khổ, lòng dạ của Đức Thầy cũng thấy xót xa. Ngài khuyến cáo hãy chờ đợi con sông quí báu, đồng nghĩa với ngày chúa Thánh ra đời. (05)

    Cũng vẫn chưa chỉ ra được vị trí của con sông này.

    Chúng ta biết, vị thiên tử tương lai là một người vĩ đại, do vậy, nơi ngài phát sinh/xuất hiện phải đặc biệt hơn nơi các vị vua chúa của Đại Việt trong quá khứ. Thuyết "địa linh sinh nhân kiệt" nói rằng những vùng đất nào có núi non, sông ngòi linh thiêng hiển hách thì nhân kiệt mới cảm ứng sinh ra khi thời vận đến. Việt Nam chỉ có nhiều nơi đạt được những yếu tố này đó là vùng Sông Hồng/Núi Tản, Sông Lam/Núi Hồng, Sông Hương/Núi Ngự, và Cửu Long/Thất Sơn. Trong Việt Sử Siêu Linh, tác giả Lưu Văn Vịnh viết:

    "Xét theo đại thế phong thủy, Trung Hoa có núi cao sông dài hơn nước Việt nhỏ bé, nên Trung Hoa ở thế đại cường thiên hạ. Tuy vậy long mạch Dương Tử Giang đang bị cắt phá vì công trình xây cất đập nước, con rồng lớn Trung Hoa trong thiên kỷ tới có thể vì thế yếu đi, sẽ bị đại địa kết phát Bảo sơn Bảo giang khuynh loát. Lịch sử theo luật tiến hóa thăng trầm, không nước nào mạnh mãi, không nước nào yếu mãi. Long mạch cũng theo định luật đó, thời kết phát, thời suy vong"

    và, cũng cùng trang đã trích:

    "Các nhà phong thủy bàn rằng từ thế kỷ 16 tới 20, các long mạch đi vào phương Nam đất cũ của Chiêm Thành, Chân Lạp vong quốc, ma khí nặng nề, nên dân tộc chịu nhiều khổ ách tai ương." (06)

    Từ đó, ta có thể kết luận, vùng địa linh này chắc chắn phải là vùng Thất Sơn/Cửu Long. Điều này được cả quyết bởi tác giả A.T.Y trong cuốn Con Đường Nào, được tác giả Vương Kim trích dẫn trong Tận Thế và Hội Long Hoa, phần Thiên Thơ (07), diễn đạt qua câu thơ "Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh" (08

    Ngoài ra, ai cũng hiểu chữ "bảo寶" là quí, nhưng lại quên cũng có nghĩa là Phật, ví dụ như 寶剎 bảo sát: Phật quốc, Phật độ (09). Như vậy, "Bảo giang" là sông Phật, làm ta liên tưởng đến sông Cửu Long, xuất phát từ rặng Hy Mã Lạp Sơn xứ Ấn Độ gần nơi Phật Thích Ca thành đạo.

    Lại nữa, trong tiếng Hán, chữ "giang 江" nghĩa là sông lớn, và "hà 河" là sông. Có một sự trùng hợp về mặt địa lý của nước Trung Quốc và Việt Nam: các con sông lớn phía bắc đều dùng chữ "hà" như Hoàng Hà, Hoài Hà, và Hồng Hà, còn ở phía nam thì dùng chữ "giang" như Dương Tử Giang, và Cửu Long Giang. Điều này khẳng định thêm địa danh "Bảo giang" chính là Cửu Long Giang, hay một phụ lưu của nó.

    Nếu "Bảo giang" là sông Cửu Long, thì ở khúc nào của sông được nói đến trong sấm? Dĩ nhiên phải là khúc chảy vào Việt Nam. Chúng ta biết khi vào Việt Nam, sông Cửu Long chia làm hai nhánh Tiền và Hậu, đến An Giang có khúc nối liền là sông Vàm Nao. Đây chính là "Bảo giang" được nói đến trong bài này. Chứng minh?

    Bà Trúc Lâm Nương, giáo chủ tiên phái Hồng Tâm có đoạn sấm sau đây: (10)

    Đố ai biết Bảo-giang môn
    Là nơi Thánh-địa Thiện-tôn định phần.
    Làu làu ngọc chiếu cảnh trần,
    Là nơi Tiên, Phật, Thánh, Thần xuất thân.
    Xuất kim thân, hóa kim thân,
    Ly nơi Đông thổ xoay vần Tây-phương.


    Thật là một bài thơ thần tuyệt bút!

    Từ bài thơ, chúng ta gặp những ẩn ngữ: giang môn, kim thân, xoay vần, xuất, hoá. Câu cuối làm ta liên tưởng con sông chảy một cách lòng vòng từ Đông sang Tây qua hình tượng của chữ "xoay vần", khiến càc nhà giải sấm rất dễ bị lạc hướng.

    Giải thích những ẩn ngữ:
    - "giang môn 江門": tức cửa sông, đầu vàm
    - "kim thân 金身": thân vàng của Phật, tức Phật,
    - "xoay vần": xoáy, chuyển vần, vòng cầu, tức chỉ vùng nước xoáy,
    - "xuất 出": tức sinh, hay bắt đầu, và
    - "hoá 化": là chấm dứt (động từ chỉ một vị tăng Phật giáo mất).

    Sông chảy theo hướng Đông-Tây, hoặc gần như vậy. Việt Nam có 3 sông chảy theo hướng chính Đông-Tây:
    – Một đoạn sông Bằng Giang ở Cao Bằng
    – Sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn
    – Sông Sê-rê-pôk ở Đắc Lắc.

    Tuy nhiên các sông này không thoả mãn những ẩn ngữ trên, và không nằm trong vùng linh địa.

    Bảo giang chính là con sông Vàm Nao nối liền sông Tiền và sông Hậu, chảy (ly) theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, dài 6.5 km, nổi tiếng vì từng là nơi "nước xoáy tròn" (xoay vần). Đầu vàm (môn) phía Bắc là làng Hoà Hảo, bây giờ thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Cuối sông là phần nhập vào dòng Hậu giang tại Chợ Mới, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cả Tiền và Hậu giang gọi chung là sông Cửu Long, là Hoàng giang, tức sông vua, phát nguyên từ Tây Tạng, rặng Hy Mã Lạp Sơn, chảy qua vùng Vân Nam Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Miên và khi đến Việt Nam, phân thành 2 dòng rồi chảy ra biển Đông qua vùng Thất Sơn huyền bí, nơi có rất nhiều vị chứng đắc Phật, Tiên. Do vậy, Cửu Long có thể gọi là sông Phật (kim thân). Sông Vàm Nao bắt đầu (xuất) ở Tiền giang (kim thân), và chấm dứt (hoá) ở Hậu giang (kim thân). Sông Vàm Nao, chính là trái tim của sông Cửu Long, là vùng linh địa bậc nhất. Chính nơi đây Đức Huỳnh Phú Sổ đã khai sáng nền đạo Phật Giáo Hoà Hảo vào tháng 5 năm Kỷ Mão 1939, tại làng Hoà Hảo nằm ở đầu vàm sông Vàm Nao nơi giáp với Tiền giang. Và cũng sẽ là nơi hứa hẹn sự trở lại của ngài trong việc hàng phục nghiệt long (ông Năm Chèo) trong tương lai. (11)

    Rõ ràng không còn con sông nào thoả mãn những ẩn ngữ trong bải sấm của bà Trúc Lâm Nương bằng sông Vàm Nao, tức Bảo giang. Ngoài ra bài thơ còn cho biết nơi đây đã/sẽ là một thánh địa mà bậc thiện tôn, tức Phật Trời, đã chọn sẵn. Thánh địa là chữ dùng để chỉ nơi xuất phát một tôn giáo. Ở Việt Nam chúng ta chỉ có thánh địa Tây Ninh của đạo Cao Đài, và thánh địa Hoà Hảo của đạo Phật Giáo Hoà Hảo, nằm mặt bắc sông Vàm Nao.(12)

    GHI CHÚ:
    (01) https://hoangvanlac31.blogspot.com/2011/08/thien-tu-va-bao-giang-trong-sam-trang.html
    (02) http://tuvilyso.net/forum/forum_posts.asp?TID=4324
    (03) http://thuannghia.vnweblogs.com/post/7291/279013
    (04) http://phatgiaohoahaohaingoai.com/showthread.php?t=9755

    (05) http://phatgiaohoahaohaingoai.com/showthread.php?t=9189
    (06) http://www.nguyenthaihocfoundation.org/vanhoanghethuat/ttnbk_p10.htm
    (07) http://www.phatgiaohoahao.net/tu-sa.../chuong-thu-vi-phan-giai-thuyet/2---thien-tho
    (08) http://www.thivien.net/Lưu-Vũ-Tích/Lậu-thất-minh/poem-JWPrmsjRk924UQebHi-U_Q?Sort=Update&SortOrder=desc
    (09) Theo kinh Phật, Phật thổ có thất bảo trang nghiêm nên gọi tên như vậy. "Sát" là gọi tắt âm tiếng Phạn "sát-đa-la", nghĩa là quốc độ. ◇Trang Nghiêm kinh 莊嚴經: Chư Phật quốc giới tuy nghiêm sức, nan bỉ Như Lai bảo sát trung 諸佛國界雖嚴飾, 難比如來寶剎中 (Quyển hạ 卷下)(12)
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Vàm_Nao_(sông)
     

Chia sẻ trang này