ĐỨC GIÁO CHỦ PGHH Khuyên Tín Đồ “RÁN GIỮ CHO TRÒN ĐỜI ĐẠO”

Thảo luận trong 'Pháp-Luận' bắt đầu bởi Huynhle, 17/4/12.

  1. Huynhle

    Huynhle Member

    ĐỨC GIÁO CHỦ PHẬT GIÁO HÒA HẢO
    KHUYÊN TÍN ĐỒ
    “RÁN GIỮ CHO TRÒN ĐỜI ĐẠO”


    NGUYỄN HỮU

    Ngày 18/5 năm Kỷ Mão (1939), Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Hôm ấy Ngài trịnh trọng cáo trình:

    Đầu ngưỡng vọng đất trời minh chứng,
    Tấm lòng thành quyết dựng Đạo Đời.

    Từ ấy, hàng năm cứ đến ngày trọng đại này hàng triệu tín đồ trong đạo đâu đâu cùng hân hoan cử hành đại lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Thật là:

    Tháng năm mười tám rõ ràng,
    Cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo.

    Mừng “Xuân Đạo” người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo luôn cố gắng thực hành thật tốt lời truyền thụ của Đức Thầy: “Khuyên rán giữ cho tròn Đời Đạo… Cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, cũng như các thuộc địa khác trên thế giới nhân dân Việt Nam vẫn phải chịu ách đô hộ vô cùng tàn bạo nghiệt ngã của thực dân Pháp. Họ bị chính quyền thuộc địa bóc lột tận xương tuỷ. Kinh tế suy thoái, xã hội phân hoá trầm trọng, kẻ mạnh hiếp yếu, cường hào ác bá mặc sức nhũng nhiễu dân lành, đạo đức suy đồi, bại lụn, trộm cướp nổi lên khắp các thôn làng, thành thị... Tình thế nguy ngập đến mức... bó tay, khó bề cứu vãn!
    Ở Nam Bộ, các phong trào kháng chiến chống Pháp do Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Trần Văn Thành... đã lắng xuống – tan rã! Người Pháp có đủ điều kiện để tăng cường bóc lột, hà khắc. Tuyệt đại bộ phận người dân đều căm phẫn giặc Pháp, họ hưởng ứng các phong trào yêu nước, tích cực ủng hộ kháng chiến, thành ra không thể không hứng chịu sự đàn áp dã man ấy. Thế là đã cơ cực lại càng đảo điên, khốn khó!
    Vậy mà không ít người chỉ vì tiền bạc đành cam tâm theo giặc, phản bội Tổ quốc, quay lưng với đồng bào mình. Đức Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo (tên thật Huỳnh Phú Sổ, nên sau được tôn xưng là Đức Huỳnh Giáo chủ). Tỏ bày niềm xót xa thương hại:

    Thương ai ham võng ham dù,
    Cũng như những kẻ đui mù đi đêm.
    Ngài cảnh tỉnh họ – những kẻ ham danh vọng, tiền tài:
    - Đừng ham làm chức nắc nia,

    Ngày sau như khoá không chìa dân ôi.
    - Ai ai cũng cứ ham tiền,
    Ấy là đem sợi xích xiềng trói thân.

    Cũng không quên lên án những kẻ giả nhân giả nghĩa chốn nha môn:
    Quan trường miệng nói vang rân,

    Mà tâm dính chặt hồng trần bụi nhơ.
    Và kêu gọi hãy sớm trở về với nhân dân:
    Cả kêu kìa hỡi là ai,

    Quan trường rời dứt mặt mày chùi lau...
    Còn kẻ tu hành cũng có không ít người biến chất:
    Trong sáu tỉnh nhiều điều tà mị,

    Tu hành mà vị kỷ quá chừng.
    Họ bày đặt ra đủ điều lợi dụng, gây đố kỵ, làm suy thoái niềm tin nơi Phật pháp, bởi vì họ:
    Tu còn ham chay to đám bự,

    Đặng thế gian dưng cúng bạc tiền.
    Dối rằng: lo tu bổ chùa chiền,
    Mà làm của xài riêng cho thoả.
    Bảo làm sao dân không sa ngã,
    Nghe lời rù tông nọ phái kia.
    Cả tăng đồ trong nước chia lìa,
    Riêng pháp bảo, riêng chùa, riêng Phật!

    Còn người theo đạo thì:
    Bước vào chùa thấy Phật lạy dài,

    Lui khỏi cửa ra tay cấu xé.

    Cho dù kẻ trí hay ngu, người có tu hay người không có tu, dưới mắt Đức Huỳnh Giáo Chủ lúc bấy giờ là cả một bi kịch xót xa:

    Dân nay như thể không cha,
    Chẳng ai dạy dỗ thật là thảm thương!

    Nói chung, nguyện ước của tuyệt đại đa số đồng bào là mong sao thoát được ách đô hộ tàn ngược của thực dân, sớm có được cuộc sống mới đàng hoàng hơn.
    Về mặt đời, họ ước vọng có một vị “minh quân” đứng ra cứu nguy dân tộc, thoát ách nô lệ ngoại bang. Về mặt tâm linh, họ cầu mong sự xuất hiện của một đấng cứu thế lâm phàm để có chỗ dựa tinh thần hầu vơi đi phần nào bơ vơ tủi nhục, tạo cho mình kiếp sống mới ý nghĩa, hạnh phúc hơn.
    Lộ trình dạy đạo cứu đời của ngài được bắt đầu bằng một chuyến thâm nhập thực tế dài ngày. Trước khi chính thức khai đạo, Đức Huỳnh Giáo chủ đã chịu khó “đi thực tế” tại hầu khắp các nơi để nắm vững “đặc điểm tình hình” về đời sống văn hoá, kinh tế tín ngưỡng, thói ăn nết ở, thế thái nhân tình... của từng thành phần giai cấp:

    Thị thiềng khắp hết gần xa,
    Từ đây sắp đến quê nhà Điên đi.

    Ngài:
    Dạo lục châu chẳng có nghỉ ngơi,
    Mà lê thứ nào đâu có biết !

    Để dễ dàng thâm nhập thực tế, tại từng nơi, trước từng đối tượng. Ngài đã giả ra đủ hạng người, và cả giới tính, để tiếp cận hầu có cơ sở giáo hoá sát hợp, trúng tâm lý người đời.
    Sau cuộc đi “dạo lục châu” này (hiểu là lục tỉnh Nam Kỳ – toàn Nam Bộ), ngài đã thuật kể lại rất tường tận và cũng hết sức sinh động trong quyển Nhứt – Khuyên người đời tu niệm. Đọc, ta không khỏi ngạc nhiên khi được biết Ngài có phếp biến hoá: “Khi già lúc lại trẻ thơ, Giả quê giả dốt khắp trong thị thiềng”. Ngài chu du cùng khắp để cảnh tỉnh người đời khuyến tu, khuyến niệm.
    Qua lời thuật kể về cuộc phiêu liêu dương thế này, hẳn nhiều người không tin Ngài là bậc có quyền năng thần thông biến hoá, khi phân thân thành hàng chục người, lại có lúc dùng phép thuật đằng vân... Tin hay không tin là do sự nhận thức của mỗi người. Điều quan trọng là cần phải hiểu cho thật “tới” lời “tự bạch ” của ngài:

    Ta phần hồn dạo khắp thế gian.

    Sau khi đã “Thị thiềng khắp hết gần xa”, Đức Huỳnh Giáo Chủ về lại quê nhà (làng Hòa Hảo, nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang) trịnh trọng cáo trình:

    Đầu ngưỡng vọng đất trời minh chứng,
    Tấm lòng thành quyết dựng Đạo Đời.

    Để kịp thời cứu vãn phần nào “thảm hoạ sắp tràn lan” (hiểu là thế chiến thứ hai), Đức Huỳnh Giáo Chủ đã truyền đi bức thông điệp nói rõ sứ mạng thiêng liêng của mình như những lời mặc khải để cảnh tỉnh người đời. Ngài cho biết: “vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai hoạ”, “chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vị Chơn Tiên lâm phàm độ thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ huyền, khuyên kẻ thế hướng thiện quày đầu, cải tà qui chánh”, “ai liễu Đạo nơi quốc độ nào thì phải trở về quốc độ ấy mà trợ tế nhân dân” và Đức Huỳnh Giáo Chủ “là một trong những vị cứu đời ấy”, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ mão (1939) Ngài “hoá hiện ra đời cứu độ chúng sanh”.
    Thế là từ khắp nơi, thiên hạ ùn ùn kéo về xin ngài trị độ, hoặc tìm hiểu, thử tài để cuối cùng quy y thọ giáo. Nhờ chủ trương đơn giản hoá việc thờ phượng (không thờ tượng cốt mà chỉ thờ bức trần màu dà để tượng trưng tinh thần vô vi của Phật) và cách khuyến tu của ngài rất phù hợp với đại chúng nên số tín đồ ngày càng thêm đông, khiến người Pháp – chính quyền thuộc địa – sanh lo ngại, phải dời ngài đi lần lượt quận này tỉnh kia, từ vùng sâu, vùng xa đến Sài Gòn phồn hoa đô hội để nhằm ngăn trở sự hành đạo. Nhưng họ có dè đâu đó là một cách giúp ngài truyền khai mối Đạo rộng khắp, cho nên ngài không cho đó là trở ngại, trái lại còn tỏ ra hài lòng, vì:

    Càng đi càng biết nhiều nơi,
    Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông.

    Tuy “Tu không tu cũng không mời thỉnh, Mặc tình ai trọng kỉnh hay chê” nhưng khi đã thấm nhuần cái “chơn lý tuyệt vời” do ngài xướng xuất, truyền dạy, thập phương bá tánh từ hàng ngàn, hàng vạn, rồi hàng triệu lần lượt quy y, đua nhau làm lành lánh dữ!
    Ngài trước tác dưới nhiều dạng, loại. Hiện người trong đạo đã sưu tập được khoảng 200 bài thi, hơn 20 phẩm văn xuôi và 6 quyển giảng, đó là các quyển:
    1/ Khuyên người đời tu niệm, tức quyển Nhứt, viết năm 1939, thể lục bát, dài 912 câu.
    2/ Kệ dân của người Khùng, tức quyển Nhì, viết năm 1939, thể thất ngôn trường thiên, dài 846 câu.
    3/ Sấm giảng tức quyển Ba, viết năm 1939, thể lục bát, dài 612 câu.
    4/ Giác mê tâm kệ, tức quyển Tư, viết năm 1939, thể thất ngôn trường thiên, dài 846 câu.
    5/ Khuyến thiện, tức quyển Năm, viết năm 1942, thể lục bát, đoạn giữa xen thể thất ngôn, dài 756 câu.
    6/ Cách tu hiền và sự ăn ở của người bổn đạo, viết năm 1945, văn xuôi.
    Nếu đạo Phật chia làm hai hạng: xuất gia và tại gia thì toàn đạo Phật giáo Hòa Hảo đều thuộc hạng tại gia, tức không phải thọ ơn đàn na thí chủ. Hạng này không ngồi chờ sự cung cấp bất cứ vật thực nào của bá gia bá tánh, mà trực tiếp lao động, chí thú làm ăn, nhưng tự cảm thấy có bổn phận phải lo cứu giúp những người khó khăn, bất hạnh.
    Để nắm vững và hiểu rõ hơn “tính chất” của người cư sĩ tại gia, ta nghe ngài dạy về hạng này: “gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông Tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà sư, hay ni cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghênh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ phượng thờ Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con đường giải thoát.

    Đây là hạng người học Phật tu nhân.
    Bàn xét như trên, thấy rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu nhân vậy”.

    Học Phật là học lấy những gì Phật dạy. “Phật từ thiện cách nào, ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”. Bởi Phật là đấng toàn thiện toàn mỹ bác ái vô cùng!
    Ngài là bậc Chơn Tiên, đã tu và đã đắc. Đắc đạo nhưng không chịu thanh thản nhàn hạ, hưởng quả bồ đề trường thọ, mà vì quá yêu thương sanh chúng, quyết chí truyền khai đạo pháp, độ đời để bá tánh vạn dân đều được “Đồng bay về Cực lạc một đàng” tức chí ít cũng được làm dân Phật quốc, hưởng sự thái bình”.
    Về tu nhân, Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy:

    “Sanh ra ở đời, con người dầu muốn hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm vào một chữ đạo, đạo của con người kêu bằng “Đạo Nhân”, và nó là một con đường đi trúng thì sống, bước trật tất chết”!
    Cốt tuỷ của nhân đạo là hiếu nghĩa. Là con cháu trong nhà phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Là con dân của một nước phải có hiếu với tiền nhân – các thế hệ có công dựng nước, mở cõi. Là người tu Phật phải thể hiện bằng được chữ hiếu với đức Phật và những đệ tử chân chính của ngài tức các vị tăng sư – những người có công phổ truyền chân lý cao siêu do ngài chỉ dạy. Hiếu với ai cũng phải biết nghĩa với người ấy. Đã hiếu nghĩa tất nhiên phải trung, dũng. Còn đối với nhân quần xã hội cho dù cùng nòi giống hay khác chủng tộc ta cũng phải cư xử cho có tình, có nghĩa bởi đó đều là những người ơn – nhờ họ ta mới có được cuộc sống, mới tồn tại được trên cõi đời này.
    Nói tóm làm người phải làm tròn nhân đạo, tức đáp đền cho được trong muôn một bốn ân lớn là: ân Tổ tiên cha mẹ, ân Đất nước, ân Tam bảo, và ân Đồng bào và nhân loại. Như vậy mới được xem là đã đền xong nợ thế:

    Tu đền nợ thế cho rồi,
    Thì sau mới được đứng ngồi toà sen.

    Được đứng ngồi toà sen là được thành Phật. Mà Phật phải đâu là bức tượng được vẽ in trên giấy, đục đẽo trên gỗ, nay đắp xi măng rồi sơn phết đặt tên để khiến cho người ta khi thấy thì phải xuống gối lạy dài? Nếu Phật là thế (tượng cốt ấy) thì có thực sự giúp ích được gì cho ai?! Người Phật Giáo Hòa Hảo hiểu Phật trước hết là con người, một con người đã giác tỉnh, và tất nhiên phải năng động, chứ không toạ thị nhắm nghiền đôi mắt lại để ai khổ mặc ai, trái lại Phật vẫn luôn “đứng ngồi toà sen” tiếp tục tìm phương giải thoát cho tất thảy chúng sanh. Đó là giải thoát sự ngu dốt lạc hậu; giải thoát khỏi cảnh nô lệ, tù đày; giải thoát nghèo nàn đã đành, mà còn giải thoát cả cảnh khổ của người giàu sang nữa!
    Nói chung, hành giả phải giải thoát “mê ly”.
    Như vậy cứu cánh của người cư sĩ tại gia Phật Giáo Hòa Hảo là giải thoát. Mà như đã nói ở trên, giải thoát phải đâu là chán đời, đi tìm cái chết, hay chuyện của người đã quá vãng, ở kiếp sau? Giải thoát là vấn đề cần kíp, và bức xúc nhất của mỗi con người ngay trong cuộc sống hiện tại do sự phấn đấu tu sửa của chính bản thân mình.
    Ngài “khuyên rán giữ cho tròn Đời Đạo”, bởi Đời Đạo liên quan rạng chói ngời”, vì vậy người cư sĩ tại gia Phật Giáo Hòa Hảo phải “một đời một đạo đến ngày chung thân”.
    Trong tinh thần đó giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo đã đáp ứng được một cách trọn vẹn nhu cầu đời sống tâm linh của con người. Độc đáo nhất là Ngài đã biết tuỳ căn cơ chúng sanh, từng thành phần, giới người mà có những lời khuyên sát hợp, nên chỉ trong một thời gian ngắn, rất ngắn, đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã phát khai và chỉnh đốn được niềm tin con người ở vùng đất Nam Bộ tại một thời điểm lịch sử nhất định.

    (*) Những chữ in nghiêng đậm (màu đà )trong bài là của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

    NH
     

Chia sẻ trang này