“ông năm chèo” cứu nghĩa quân

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Huynhle, 24/4/12.

  1. Huynhle

    Huynhle Member

    “ÔNG NĂM CHÈO” CỨU NGHĨA QUÂN

    NGUYỄN HỮU

    Ông Năm Chèo nguyên là con sấu lạ, có đến 5 chân (bẩm sinh – như một vài người có bàn tay 6 ngón), khi lội dưới nước 5 chân ấy bơi trông như chiếc ghe có 5 cây chèo; và, bất cứ việc gì kể cả hiện tượng, nếu khác lạ, lành, dữ, dân gian thường nhân hóa là “ông” (hoặc “bà”).
    Hôm ấy ông Đình Tây (1) vâng lệnh Phật Thầy đi đỡ đẻ cho một người đang lâm bồn trong hoàn cảnh chỉ một mình trong mái chòi ở giữa đồng ruộng. Xong việc, người chồng tên là Xinh đi đồng về tới, thấy trong giỏ cá mang về có khá nhiều rùa và có một chú sấu con màu sắc sặc sở, trông rất dễ thương, lại có tới 5 cái chân. Thấy lạ, ông Đình Tây xin, anh ra rất vui lòng biếu để tỏ chút lòng tạ ơn người đã ra ơn giúp vợ mình được mẹ tròn con vuông. “Thơ xưa” kể:

    May đâu có một ông già
    Tên Đình (Đình Tây) lòng muốn vào chùa quy y
    Thầy (2) coi tướng mạng vậy thì
    Người tu chắc đặng ở thì với tôi
    Canh khuya Thầy bảo ông Đình
    Chơn mau đi riết xuống mà mé kinh
    Thằng Xinh bỏ vợ ở nhà
    Dưới vàm Xà Tón bắt rùa bỏ thê
    Cho nên chuyển bụng khóc la
    Mau đi tới đó cứu thì người ta
    Ông Đình xách gói bôn ba
    Nghe lời Thầy dạy tôi mà phải vưng
    Tới nơi ngó thấy dững dưng
    Vạc phên chẳng có vách dừng cũng không
    Ông Đình hết dạ hết lòng
    Viết bùa uống xổ; vách dừng chặt đưng
    Đốn lau làm vạc nằm chừng
    Hừng đông ngó thấy chàng về gần bên
    Ông Đình kêu hú riết về
    Vợ ông sanh đẻ đi lâu quá chừng!
    – Lạy ông cứu độ phen nầy
    Bằng ông tái tạo sánh bằng phụ thân
    Đình xem gánh nặng lại gần
    Thấy con sấu nhỏ Đình hầu lại xin
    – Cho tôi con sấu đỏ mình
    Xem qua quái lạ năm giò lạ thay
    – Lạy ông cho hết ông rày
    Đội ơn tái tạo tôi nào tiếc đây
    – Tôi xin mình sấu vậy mà

    Còn rùa tự ý chủ mà mần chi

    Ông Đình Tây đem sấu về hớn hở khoe với Đức Phật Thầy. Ngài nhìn thấy sấu, chẳng những không hài lòng mà còn dạy ông phải giết ngay để trừ hậu hoạn, vì nó là nghiệt súc, sau này sẽ gây hại khủng khiếp cho dân lành:

    Ông Đình ôm sấu ra đi
    Bon bon đi riết về chùa tỏ phân
    Thầy dòm ngó thấy sấu thần
    Ngày sau nó giết trong trần biệt ly
    Đem ra giết nó để chi
    Ngày sau nó báo vậy thì dương gian.

    Ông Đình Tây tiếc, lén nuôi. Sấu mau lớn như thổi, rồi một hôm nhân mưa giông ầm ào, sấu vặn mình bứt dây trốn thoát. Thế là “y như trong kinh”!

    Đình đem sấu giấu vào hang
    Cấp bánh cùng chuối đem sang nuôi rày
    Ba năm sấu lớn quá tay
    Tốc hang đi mất kiếm hoài không ra
    Lòng buồn sợ thấu tai Thầy
    Quở la thảm thiết sấu rày đi đâu.
    Ông Đình Tây không thể không thưa lên. Đức Phật Thầy nghe rất buồn, bèn tự tay làm mấy món “bửu bối” đưa cho Đình Tây và dạy ông phải tức tốc đi tìm diệt. Đình Tây lãnh lịnh, với bửu bối trên tay ông tích cực lặn lội khắp nơi... Nghe “sấu dậy” ở đâu ông bươn bả đến ngay nơi ấy, nhưng một đàng cố tìm, một đàng cố trốn, không thể nào gặp được. Ông Đình Tây tức giận, bèn xuống mé sông la lớn trong thinh không như thông báo với sấu về sứ mạng của mình mà Đức Phật Thầy đã giao phó. Có lẽ nó nghe biết nên từ ấy biệt tăm.
    Ông mà cúi lạy khấu đầu
    Bạch Thầy con sấu nó đi mất rồi
    Thầy than: Con hỡi Đình ôi!
    Cây lao cho đó, câu nầy sợi dây (3)

    Ngày sau tuôn lướt rồng mây
    Con mà ra bắt cứu trong dương trần
    Tuất, Hợi (4) dịch khí ôn binh
    Năm Chèo dậy riết đón vàm Mặc Dưng (5)
    Cho con sáu lá phù thần

    Ngày sau cứu độ trong trần người ta...

    Dân gian cho rằng nghiệt súc đã ăn năn hối lỗi và đang nằm yên ở một nơi nào đó dưới đáy sông cái, để... tu! Đã tu thì “có đức mặc sức mà ăn”, ổng cứ nằm yên một chỗ, chỉ cần há mồm ra hứng, thì giống như một miệng đáy to giữa sông, vô số cá tôm sẽ lội tọt vào, no nê. Do đó rất mau lớn. “Hiện” ông Năm đã dài đến mấy chục cây số, cái đầu giữa ngã ba sông chỗ nầy chớ cái đuôi mỵ mỵ ở “miệt dưới”. Nằm chết bộ mãi như thế, lâu ngày, phù sa bồi lấp thành cồn (nổi giữa sông), lâu lâu do tê mỏi, ổng không thể không nhẹ trở mình, cục cựa... vậy là đất lở, nhà sụp! Rồi một ngày nào đó, khi “đời tới” nó sẽ trừng lên, chừng ấy những kẻ hung hăng, gian ác kể cả máy bay, tàu chiến của giặc..., “trời khiến” kéo nhau tới nạp mạng – bị ông Năm Chèo nuốt trộng ráo hết. Còn những người có căn tu, ăn hiền ở lành thì được ổng rước, cho đi trên lưng về bên kia bờ an nhàn, cực lạc. Cho nên “người tu” trong vùng thường nói “ai tu tâm dưỡng tánh, hiền lành thì “chừng nữa” được coi tiên thánh, còn hung dữ, không hiếu thảo với cha mẹ thì phải vô họng ông Năm Chèo”!
    Tuy cấu trúc cốt truyện còn ở dạng thô, nhiều chi tiết còn để lộ sự bất cập do thiếu sự gia công hoàn chỉnh (thí dụ như ông Đình Tây dám cãi Đức Phật Thầy; còn ngài là một “vị Phật” mà sao cũng chẳng hay biết gì về việc ông Đình Tây đã lén nuôi nghiệt súc suốt 3 năm trời...), nhưng phải nói là trí tưởng tượng của dân gian thật đáng nể, và nó đã tác động giáo dục đáng kể đối với hạng người bình dân có trình độ nhận thức nhất định. Đáng quan tâm là sau này người ta đã nghĩ ra cách kết thúc rất có hậu, có lý, cho rằng khi cuộc khởi nghĩa của Trần Văn Thành thất bại, bị Pháp tấn công vào mật khu, truy đuổi gắt, ông Năm Chèo đã kịp thời xuất hiện ở Láng Linh trường lên vẹt cỏ, tạo thành một luồng trống sạch dẫn về miệt Bảy Núi, để nghĩa quân dễ dàng chống xuồng tránh thoát an toàn.
    Truyện ông Năm Chèo, cho đến nay vẫn còn được ông già bà cả kể lại và tin chắc rằng cảnh tượng “vô họng ông Năm Chèo” nhất định sẽ xảy ra, những kẻ gian ác có chạy đằng trời cũng không thoát!

    N.H
    ___

    Chú thích:
    (1) Ông Đình Tây tức Bùi Văn Tây, em chú bác với ông Tăng Chủ Bùi Văn Thân, đều là đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Ông có hai đời vợ. Người vợ trước ở Năng Gù (huyện Châu Phú), sinh được 1 trai. Người vợ sau ở Thới Sơn, sinh được 3 gái. Ông từ trần ngày 23/2 năm Canh Dần (1890, thọ 88 tuổi). Mộ của ông và mộ bà (sau) cạnh nhau, gần chùa Thới Sơn Tự.
    (2) Thầy tức Đức Phật Thầy Tây An.
    (3) Truyền rằng những món này ông Đình Tây (rồi sau này là con rể của ông) cất giữ rất kỹ. Có lần nhà bị hỏa hoạn, cháy sạch nhưng các “vật thiêng” vẫn còn nguyên vẹn, kể cả sợi dây.
    (4) Canh Tuất, 1850; Tân Hợi, 1851.
    (5) Mặc Dưng tức Mặc Cần Dưng cùng với Chắc Cà Đao đều là tên gọi cũ vùng đất phía trên Long Xuyên (thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành).
     

Chia sẻ trang này