“TÌM KIẾM CHÂN TÁNH CỦA MÌNH” NHÂN MÙA VU LAN BÁO HIẾU Thưa quý vị! Chỉ còn vài hôm nữa là rằm tháng bảy chánh lễ Vu Lan Báo Hiếu, rất hân hạnh được quý vị đến vấn an sức khõe đồng thời còn đề ra hỏi qua đề tài “Tìm Kiếm Chân Tánh Của Mình”. Tôi thiết tưởng quý vị, nếu có đặt ra câu nghi vấn? đáng lẽ nên có liên hoan đến chữ Hiếu của nhà Phật, noi gương đại hiếu của Mục Liên. Nhưng không, lại là một đề tài khác. Nghe đặt ra câu hỏi, tôi tin vào sự tu hành của quý vị có trọng tâm tìm giác ngộ, phản chiếu đích thực chân như tự tánh vốn có trong mỗi chúng sanh mà Đức Phật đã dạy “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Trước khi quảng diễn ý nghĩa đi sâu vào chính đề “Tìm Kiếm Chân Tánh Của Mình” chúng ta cũng nên biết qua xuất xứ. Thưa quý vị! câu nghi vấn nêu trên được trích đoạn ở bài “ Trong việc tu thân xử kỷ” của Đức Thầy, Ngài viết vào năm nhâm ngũ 1942 tại Bạc Liêu, nguyên văn như sau: “Sự lễ bái không đủ cho ta tỏ ra một tín đồ chân thành của đạo Phật được. Tại sao vậy? Vì Đức Phật chẳng bao giờ ngỏ ý rằng: “Các người hãy lạy thờ ta cho thật nhiều rồi ta sẽ độ giúp các người” mà trái lại, Ngài dạy rằng: “Các người nên hiểu biết phận sự con người phải làm gì trong cuộc sống và tìm kiếm chân tánh của mình”. Trên đây là phần trích dẫn, giờ chúng ta đi vào nội dung. Trong đề trích dẫn gồm có sáu từ, những từ như “tìm kiếm” và “của mình” ý nghĩa thông thường dễ hiểu, xin miễn bàn bạc hoặc chờ ở một dịp khác có nhiều thời gian hơn. Chúng ta chỉ chú thích từ ngữ: “CHÂN TÁNH” mong quý vị thông cảm. Chân Tánh là gì? Chân có hai nghĩa: 1.- với nghĩa thông thường, chân đối với ngụy, ngụy là giả thì chân là thiệt. 2.- Dùng theo danh từ nhà Phật, Chân là như như bất động, không bị dời đổi ‘Chân Lý, Chân Như’. Tánh cũng có hai nghĩa: Một là nết ở đời, là làn sóng của cái tâm vọng động. Hai là Phật Tánh, bản lai thường trụ. Tìm kiếm Chân Tánh tức là thể hiện nết ở tốt và tìm Phật tánh, bản lai thường trụ. Kính thưa quý vị! Vừa qua đã chú thích từ ngữ Chân Tánh là gì giờ chúng ta đi vào chi tiết: Chân Tánh tức là tánh chân thật trong mỗi nhân sinh, dầu một nhân sinh nào đó rất xấu xa, tội tình ghê gớm… Chân Tánh cũng có trong kẻ ấy một cách bình đẳng như những người tốt phước. Những kẻ ác, xấu cỡ nào Chân Tánh cũng không rời bỏ họ, như vậy nó có vắng mất lúc nào đâu mà tìm? Đức Thầy nhân cách hóa việc tìm kiếm để đưa ra phương pháp tu. Chân tánh hay Phật tánh là tánh chơn như hằng hữu, không từ đâu đến và không đi về đâu, cũng không bị vấy đục bởi bất cứ sự cám dỗ nào. Chúng ta không phản diện được Chân Tánh của mình bởi trong chúng ta còn quá nhiều vô minh che phủ, người mà bị vô minh che phủ thì cuộc sống chỉ phàm tâm chứ không có thánh tâm, có phàm tánh mà không có thánh tánh. Đang trong mê cung phàm tâm thì không thấy chân tâm, trong phàm tánh tất nhiên là không thấy được Chân Tánh. Suốt ngày ở trong phàm mà cầu cho hiển lộ chân tâm thì sự cầu nguyện ấy là “vọng cầu” Vọng cầu là “quậy đục nước”, hạt minh châu lúc nào cũng sờ sờ ra mà vì nước bị quậy đục nên không thấy. Suốt ngày trong phàm tánh mà cầu cho hiển lộ Chân Tánh là không thể, cái tánh đen trắng bất thường, mặt mày lúc đen, lúc đỏ dễ dầu vì Chân Tánh xuất hiện. Nói đến việc cầu nguyện cho có kết quả như Đức Huỳnh Tôn Sư dạy: “Tây phương tuy ở cõi xa, Thành tâm thì có Phật mà đáo lai”. Hoặc: “ Thứ bảy Chánh Niệm vậy thì, Khi cầu khi nguyện chuyện vì thành tâm.” Thành tâm tức là cái tâm chơn không phải tâm vọng. Chơn tâm đã sẵn, Đức Phật cho biết, chúng sanh từ hồi vô thỉ có thói quen theo vọng bỏ chơn, giồi mài, sửa sang những vọng về các việc thế trần thì nó vọng mãi. Có vọng động là có vô minh bủa khắp che lấp chơn Tánh. Ta không thấy Chân Tánh tại vì ta đang thấy vô minh, phải làm sao đừng có vô minh trong cái thấy, Đức Huỳnh Tôn Sư dạy rất rõ về điều nầy: “Phá bức tường mây nhìn vạn vật, Ngặt vì trướng lụa lấp đèn pha”. Và trong khi “ Phá Bức Tường Mây” hành giả nào mà đạt trí huệ thì mới có thể: “Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp, Phật Tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên”. Bởi chúng sanh trong cõi trần ai ham mê vật dục mà sinh khởi lớp lớp vô minh che lấp chơn tâm. Nhưng chúng chỉ có khả năng che chụp là hết hạng chớ không cắp mất đâu! thay vì đi tìm kiếm, ta rán tu cho đạt trí huệ vẹt phá vô minh là có ngay Chân Tánh, như bầu trời rộng lớn mà không có mây che thì ở đâu cũng có ánh sáng. Mặt Trời là một định tinh, lúc nào cũng hiển hiện sáng chiếu, dân nước ta thấy lúc vừa sáng mặt Trời nhô lên từ hướng đông, đi từ từ suốt một ngày qua hướng tây rồi lặn mất ta nói mặt Trời mọc mặt Trời lặn, mặt Trời đi ngay đi xéo. Thật ra mặt Trời không đi đâu cả, sáng thấy ở hướng đông chiều qua tây, đi giữa đi xéo đều là do vòng quay của quả địa cầu ta đang ở, ta thấy Trời khi tối khi sang, lúc đêm lúc ngày không phải do ánh sáng mặt Trời khi tăng khi giảm mà do trong bầu Trời có mây hay không mây chớ mặt Trời thì lúc nào mà chẳng sáng. Cũng thế, Chân Tánh định vị như mặt Trời luôn luôn thể hiện sự trong sáng, bình đẳng, như như bất động, do vì chúng ta nhận thức sai lầm mà cơ hội cho phiền não xâm nhập gây náo loạn bất ổn, càng náo loạn bất ổn thì mê tối càng tăng, vô mình trùng trùng…nếu không có cách “Bố Ma” thì màn vô minh mỗi lúc dày thêm, tới chết, thoát một kiếp sanh tử mà không thoát khỏi vô minh, còn thấy đường đâu, tự do đâu mà đắc Phật hay đi về cõi Phật? khó chạy cho sứt cái nẻo luân hồi. Người tu muốn vẹt phá vô minh không phải là chuyện dễ, nhưng nếu biết được vô minh không thật có, chẳng gốc gác gì, cũng như mây không thật có, nó nổi lên là do nhiệt độ của trái đất rúng động, một chút thì gió thổi mây tan mặt trời xán lạn, ta cũng nên kiên nhẫn trong thế bất động mà Thiền Tịnh lòng, để lòng không phiền não thì sẽ không có vô minh. Vô minh do vì phiền não phát sanh đam mê vật dục, đam mê thì cơ hội cho vật dục nhập tâm, chủ quản. Vậy, không cần vẹt phá vô minh, chỉ cần đừng đam mê vật dục, nhận ngụy làm chơn nữa thì vô minh không còn chỗ để sống. Đức Huỳnh Tôn Sư dạy rõ điều này: “Tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt các thứ phàm trần lần bước đi đến cõi giải thoát”. Tôi xin kể cho quý vị nghe một câu chuyện xưa để tìm thêm tính xác thực của đề tài hôm nay “Tìm Kiếm Chân Tánh Của Mình”. Về sử học Phật Giáo, trong quý vị đây chắc có nhiều vị đã biết, Phật giáo ở Trung Hoa có phái Thiền được kết hợp bởi hai tư tưởng lớn của nhị vị đại lão Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu (771-853) và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch ( 807-883) đặt tên cho phái Thiền nầy là “Quy Ngưỡng”. Hòa thượng Quy Sơn mở thiền đường dạy chúng, dưới lớp đệ tử có Ngưỡng Sơn và Hương Nghiêm là nổi bậc… nhưng sau, Quy Sơn truyền tâm pháp cho Ngưỡng Sơn làm thừa kế tông môn, Hương Nghiêm phải học tu qua Ngưỡng Sơn. Một hôm Ngưỡng Sơn bảo với Hương Nghiêm rằng: “Ông hãy cho biết mặt mủi của Ông trước khi cha mẹ sanh ra”. Một câu hỏi nghe lạ tai, rất hiểm hốc, không có chỗ cho tri thức bấu víu, nhưng Ông suy nghĩ mãi để tìm ra mặt mủi của mình trước khi cha mẹ sanh ra là gì. Tư duy không ra mối, lòng động đậy hoài hoài, mở hướng tìm những ngữ lục của Hòa Thường Quy Sơn để có mai mắn hơn không. Lật hết những ngữ lục của tổ sư cũng không tìm cho mình một đáp số, túng cùng phải đến với Ngưỡng Sơn mà nói tiếng chịu thua vậy: Bạch Hòa Thượng! Tôi không có đáp số cho câu hỏi của Ngài dù tôi đã mất rất nhiều công tìm đọc những ngữ lục của tổ Quy Sơn. Ngưỡng Sơn nghe qua nói như nạc nộ; Tôi kêu Ông cho biết mặt mủi của mình trước khi cha mẹ sanh ra chứ đâu xúi Ông đi bươi lên mấy đống rác bỏ đó làm gì? Không thể tỏ ngộ qua công án, Hương Nghiêm xin từ biệt nhà chùa về quê dựng một chiếc am tranh tu riêng lối tự lực cánh sinh. Ông quên việc ở chùa, các việc trong đời cả đến cái bài toán đố mà Hòa thượng Ngưỡng Sơn đã nêu lên với Ông. Quên hết, phủi hết, chừng như thửa lòng Ông hoàn toàn yên lặng, thanh tịnh bao trùm, hôm Ông đang cuốc đất trồng trọt mưu sinh, lưỡi cuốc của Ông đã chạm vào miếng ngói bể kêu lên tiếng “cách” ngay khi đó Ông ngộ được câu hỏi mà Ngưỡng Sơn đã nêu lên với Ông, cái “mặt mủi trước khi cha mẹ sanh ra” …đây rồi… Thảo nào mà Mã Tổ Đạo Nhất chẳng mất công ngâm thơ: “Cố ý trồng hoa, hoa ủ rủ, Vô tâm tiếp liễu, liễu xanh um.” Xin kính thưa với quý vị! chúng ta trở lại câu chuyện dẫn trên. Với thói quen nhại cảm hễ nghe ai đặt ra câu hỏi hiểm hốc, không ý thức rằng câu hỏi của “Sự” hay của “Lý” để mắc phải sai lầm như việc chữa trị “đau nam chữa bắc”, đề tài đưa ra phải áp dụng bằng sự mà cứ dùng lý nói hoài, kêu phải “định tâm thần như mặt nước hồ” chớ không phải kêu giải nghĩa về định tâm thần như mặt nước hồ là gì. Có quy trình cưỡng ngồi thiền tịnh chóc lác cũng lẻo đẻo cho khởi động máy tư duy. Thiệt là ngược ngạo! suy tư cho đã đời mà không ra đáp số; tới việc đóng cửa nhà chạy đi tìm quý bậc trưởng thượng thưa hỏi qua đề tài. Nếu sự diễn giải của bậc trưởng thượng chưa làm hài lòng thì về nhà moi thêm kinh sách tiếp ứng, làm cho mỗi lúc lạc xa gốc gác. Xin thưa cùng quý vị! Giải thích về Chân Tánh với việc “Tìm Kiếm Chân Tánh” là hai thực trạng khác nhau, nếu Đức Thầy kêu: Hỡi đệ tử của ta ơi! Hãy giải thích về Chân Tánh để ta chấm điểm ai thông minh hơn thì cứ mà học cho thông minh cũng đành đi. Nghe dạy về Phật Học, biết mình vốn liếng về Phật học không nhiều đâu dễ trả lời Chân Tánh là gì thì phải cầu học để lấy câu trả lời đúng, tìm các tiền bối, những vị trưởng thượng hoặc tầm chương trích cú để giải đáp; đàng nầy Đức Thầy không dạy vậy, không dạy moi trong kinh sách để tìm lý giải Chân Tánh là thế nầy thế kia mà phải tìm ra bộ mặt thật Chân Tánh của mình, bộ mặt thật không dính líu đến chữ nghĩa thì không thể sử dụng chữ nghĩa để tìm bộ mặt thật của Chân Tánh. Sấm giảng như đã mỉa mai những nhà tu quá cậy vào văn tự, đọc chữ tu miết trên giấy, trên miệng, chứ không tu, có lý không có sự tu, giống như nói ăn mà bụng đói: “Nhiều người kinh sử lão thông, Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê”. Hương Nghiêm tìm đủ cách để có câu trả lời cho Ngưỡng Sơn mà không được, quá mỏi mòn và thất vọng về sự chạy đua bắt bống chân lý, thôi thì từ biệt nhà chùa về quê hương tu riêng lẻ; quên hết mọi chuyện để được tấm lòng không, lòng không thì phực sáng, chân không mà diệu hữu. Cuối cùng Sư Hương Nghiêm đã thấy mặt mủi của mình trước khi cha mẹ sanh ra. Kính thưa chư quý vị! “tìm kiếm chân tánh của mình” là câu Đức Thầy nhân cách hóa để dạy. Từ sự nhận định của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, mỗi chúng sanh đều có chân tánh (tánh Phật) nhưng vì chúng sanh trong mê không hay không biết để hiện hữu cái sáng làu làu tánh Phật của chính mình, chúng ta đã trao quyền hành sử cho mây đen vô minh phủ tràn cuộc sống, tánh Phật bị chìm trong quên lảng đến không còn thấy chút gì, bởi không thấy, nói nó mất thì cũng phải. Nhưng tìm nó, không giống như người ta tìm món đồ bị mất do ai lấy hoặc giấu đi. Thật ra thì không ai đem đâu được, lúc nào chân tánh cũng ở tại chỗ mà như như bất động. Một bức chân dung đẹp bị miếng vải đậy lên, ta không thấy bức chân dung mà chỉ thấy miếng vải. Tìm hình là chuyện không cần vì hình không đi dâu, và như thế thay vì tìm hình ta chỉ cần guộng bỏ miếng vải che thì sẽ thấy hình ngay. Ngài Sĩ Đạt Ta xưa lúc còn trải thân ra tu cũng chịu sáu năm khổ hạnh mới guộng hết mây che. Thấy được Chân Tánh là khi đã hết vô minh, còn Tổ Huệ Năng phải thốt lên câu nói chưng hửng: không ngờ rằng tâm mình vốn thanh tịnh, tâm mình vốn tròn sáng, tâm mình vốn sanh ra muôn pháp. Đức Huỳnh Giáo Chủ nói: “Nếu ai mà biết chữ tu trì, Tâm bình tịnh được thì phát huệ”. Và: “Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu”. Bình tịnh tâm hay lặng tâm để phát huệ, tỏ ngộ đạo mầu là con đường của Phật Phật, Tổ Tổ đã in đậm dấu chân, chỉ cần chúng ta theo dấu chân các Ngài chắc chắn chúng ta sẽ thành công việc “ Tìm Kiếm Chân Tánh Của Mình”. Kính thưa chư quý vị! tôi mạo muội dùng ngôn từ giảng luận lên cái chỗ không nên giảng luận, vì nghĩa của “tìm kiếm” là hành động ngay, không phải chổ lý luận mà tôi lại lý luận, nhưng dựa vào lòng hâm mộ của quý vị muốn hiểu ý nghĩa Chân Tánh là gì mà phải ra công tìm kiếm? khiến tôi không dám phụ tấm lòng người hiếu học Đạo, gượng gạo mượn từ và cũng gượng gạo dùng từ vào sự kiện “tìm kiếm chân tánh”. Hy vọng làm sâu duyên với khách thiền môn có dịp đến đây. Nguyện có Phật hộ trì cho cả chúng ta thân tâm an lạc. Lê Minh Triết 13/8/2013