AI LÀ NGƯỜI TRI KỶ Hơn nhiều chục năm trồi đầu vào vùng kỷ niệm, đếm từng phiến buồn ly biệt. Hôm nay luồng gió nhè nhẹ chuyển vào động, lùa những chiếc lá vàng rụng rơi – di nét mùa thu ảm đảm – len vào lòng tôi đến tận cùng… làm tưởng những rét mướt đơn phương... Dần dà Xuân, Hạ, Thu, Đông lại đến, lại đi… Ngoài trời Đông quân có lẽ đang rỏ từng giọt lệ sầu cho nhân thế đau thương – Việt Nam khói lửa! để vơi đi phần nao nét thê lương nơi chốn trần gian mà thả nét đặc thù của mùa màng đến đây theo thông lệ hằng nhiên... Mấy độ Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi, với tôi, tất cả đều vô nghĩa… Nhìn tất cả đều vô nghĩa! Nhìn tờ lịch giết mùa sống, tôi rùn mình nghe sự giẫy chết của những tế bào. Tuổi đời lần xuống trong cô đơn! Những ngày tháng đó, tôi tự an ủi mình bằng pháp vị của Đức Tôn Sư mà Ngài đã viết để lại. Toàn bộ Sấm Giảng Thi Văn là của quí báu nhất đời tôi. Tôi đã tâm nguyện phụng hành và hộ trì đến ngày nhắm mắt. Vì với tôi, nó không những là Pháp bảo mà còn là kỷ niệm. Có một lần trong mùa nhớ, giữa lúc tơ lòng đang dệt bi ai. Tôi bỗng lật trang Sấm giảng lại đúng nhằm bài “Ai người tri kỷ”, rồi ngâm nga đọc như bao lần: Nghĩ việc đời xưa, gẫm việc nay, Ai người tri-kỷ ai là ai? Tái-sanh chọn lực trang hiền thảo, Thức tỉnh tâm trung sẽ vẹn mày. Ven mày mới đẹp, đẹp Tiên-gia, Tông-Tổ thơm-tho hước hải-hà. Tịch-mịch huyền-sâu ai hiểu đặng, Ắt là thấu tích sĩ cuồng ca. Cuồng ca nẻo Đạo chốn huyền thâm, Nghĩ việc xa xa ruột tím bầm. Đau-đớn cho đời ôi thảm họa, Mạch sầu có miệng lại dường câm. Dường câm khó nói, nói còn e, Thiện tín thờ-ơ nỗi rụt rè. Tiếng động bên đường nghe văng vẳng, Sức hèn như chấu chống ngàn xe. Ngàn xe muốn nghiến, chấu còn bay, Nước túng tìm phương chống kẻ tài. Rốt cuộc tương-lai do quyết định, Phương trời xa thẳm nắm quyền oai. Quyền oai thế-hệ cực ta mang, Luân-chuyển nhơn-sanh lắm cuộc nàn. Ai hởi dân lành ta sẽ đợi, Đạo người sửa trọn dứt lầm-than. Lầm-tha khói lửa với binh-đao, Âu Á lung-tung nhuộm máu đào. Bá-tánh say-sưa mùi phú-qúi, Sau nầy sẽ vướng cảnh đồ-lao. Đồ-lao muốn lánh sớm nghe ta, Bố thí, trì chay giữ giới mà. Phật Đạo trau-giồi tâm tánh lại, Giác thuyền chuyên chở lúc can-qua. Can-qua dân chúng chớ buồn lo, Tích đức chờ ta chốn hẹn hò. Tiên cảnh Phật đài xem rực-rỡ, Hoàn-cầu đến đó ấm cùng no. Cùng no bốn biển một cho thôi, Bỏ dứt thói hư với tật tồi. Trên có Phật Trời soi việc thế, Dưới đầy cơm áo, Lão về ngôi. (lời Đức Huỳnh Giáo Chủ) Từng câu thơ ngọt ngào phảng phất ý niệm Từ Bi cao cả ngấm vào lòng, chạy đến tận ngỏ ngách tâm tư tôi. Tim tôi đập mạnh... hai dòng nước mắt lăn trên má, tôi khóc – khóc vì quá cảm động trước cái gì không thể nói nên lời. Đặt quyển Sấm giảng lên ngực, chẳng buồn lau nước mắt, tôi nhắm lại như đối diện với Đức Thầy mà khẩn nguyện: Bạch Tôn Sư, con là một tín đồ trẻ theo nguồn tín ngưỡng của cha mẹ phát nguyện qui y từ thuở bé. Con đã nghe được tiếng lòng của Ngài rồi. Con cảm động nhiều lắm! Con nguyện hy sinh thân mạng mình để phổ truyền lời dạy dỗ chúng sanh bằng tâm cơ của Ngài. Mong ơn trên Đức Ngài gia-nghị cho con và chúng sanh đang đau khổ! Tôi đã khóc vì mười hai bài tứ tuyệt đề tựa “Ai người tri kỷ”. “Ai người tri kỷ là ai?” - Một câu hỏi của Đức Thầy – Trong lúc đó, tôi có cảm nghĩ như Ngài đang đứng trước mặt tôi han hỏi: Con đã hiểu biết được ý Thầy chăng? Con đã làm tròn sự hiểu biết ấy rồi nhỉ? Tôi sợ lắm! Hòa trong xúc động lo âu: công hạnh mình phổng được là bao, biết có được Ngài chấp nhận trong kỳ Long Hoa hội? Chữ “ai” hẳn chỉ cho chúng sanh - Đối tượng của Ngài. Nghệ thuật, đem ba chữ “ai” đặt vào một câu thơ như thế Đức Thầy biểu lộ nỗi niềm của mình: Ai? Ai là người thông được việc làm, ý niệm của ta? Ai đả thông như Thúc-Nha với Quản-Trọng. Án-Anh với Việt-Thạch-Phủ và hơn thế nữa? Than ôi! không có hay ít người hiểu ta lắm, nên ta phải hỏi với vẻ hằn nhấn như thế! Trường trải bảy năm dư, Đức Thầy mang một nỗi niềm tha thiết: muốn thức tỉnh nhân sanh trong tràng mộng khổ, muốn dang tay ngăn vòng quay sanh tử, an bày một xã hội đại đồng nên chấp nhận tất cả trở lực bạo tàn, mọi hiểm nghi xú ác: Ngài đã thốt : Dầu cho phải chịu ngàn cay đắng Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng... Thần nầy ăn tuyết nằm sương Chẳng than chẳng thở vì thương thế trần... Cay đắng siểm gièm thân lão chịu Miển đời thạnh trị hết cuồng ngông... Nhìn dân châu lụy ủ ê Biết sao trút hết gánh về ta mang Mang cho hết tai nàn thế giơi ... Còn nhiều lắm! Và trên bước đường phổ hóa gian truân đó, Ngài đã nối theo truyền thống đạo Phật, xương minh ý nghĩa rõ ràng dễ hiểu, nhưng đạo Phật vi diệu thâm thâm, nên Giáo Lý của Ngài dầu có “tùy phong hóa dân sanh phù hạp”, cứu cánh của nó vẫn cao siêu huyền bí. Vậy có ai đã cảm thông được nổi niềm của Ngài chăng. Và nổi niềm đó Ngài đã phát hiện trong quyển Sấm Thi còn lại, ai đã suy nghiệm được! Nếu ai đã được tất cả thì mới có thể xem là đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu với Ngài. Quí Đạo hữu! Chúng ta đã quy y, chúng ta là tín đồ PGHH. Hẳn mình nếu không tri kỷ cũng đã tri ân với Đức Thầy. Đức Tôn Sư của chúng ta đã đưa ra con đường bằng phẳng quang minh, dạy chúng ta phương pháp tiến hàng thì chúng ta có tin chắc và trở về đi theo con đường như ý chí của Ngài đã vạch sẳn, để mục đích cứu cánh: “Lạc chân chi Đạo”, mới khỏi hổ danh đệ tử, và xứng đáng là người đã hoàn toàn tri âm tri kỷ với Ngài. Hôm nay, mây sầu còn bao kín đường bay của chim hồng hạc, người tín đồ chúng ta còn ôm châm vết lở của con tim mong đợi, thì ngày đến ấy có vui vẻ gì đâu! Nhưng, nếu theo ý nghĩa giao thời, chúng ta là những người đi trên nẽo về thiện mỹ, việc làm trau sửa thân tâm chờ ngày Sâm Thương hòa hợp, chúng ta hãy đồng xét lại công hạnh của ngày tháng qua, để rồi tăng thêm hung-lực theo Giáo Lý, tu trì và nguyện cầu Thầy Tổ gia hộ thắng lợi hơn trong những ngày tới. Ấy là chúng ta bằng hành động để trả lời câu hỏi của Đức Tôn Sư: “Ai là người tri kỷ ai là ai ?” là vậy . Những mong chúng ta đều đáp đúng tất cả! THƯỜNG NHƯ Vĩnh Lộc – An Phú – Châu Đốc * (Đệ có thay vào vài chữ.. chỉ ước muốn bài viết phù hợp cho cả năm tháng (thay vì chỉ là Xuân), xin Huynh miển thứ nhé. Ý không có vì thay đổi và ghi trọn vẹn lời Đức Thầy để cho các thân hữu bên ngoài dễ nghiên cứu).