Có sự khác biệt giữa đạo phật giáo hòa hảo và đạo phật hay không?

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Tamtran, 7/5/16.

  1. Tamtran

    Tamtran Administrator


    SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ĐẠO PHẬT GIÁO HÒA HẢO ĐẠO PHẬT HAY KHÔNG?


    ***​

    Gần đây có một vài đồng đạo đến phản ảnh với tôi về những thắc mắc của một vị phật tử liên quan đến hai tôn giáo: Đạo Phật và Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

    Nay xin được trình bày, phân tích khái quát qua các yếu tố, sự kiện dưới đây, coi như gián tiếp trả lời các câu hỏi được đặc ra bởi vị phật tử nầy nhằm để đã thông với nhau về tầm nhìn, cách nghĩ trên tinh thần cảm thông, chia sẽ và xây dựng.

    Các câu hỏi: - Đạo Phật Giáo Hòa Hảo có phải là Đạo Phật không? Nếu phải thì vì sao qua nghiên cứu trong Sấm – Thi của Đức Huỳnh Giáo Chủ lại thấy có những đoạn Ngài chỉ trích có vẻ nặng nề đối với hàng tăng lữ của Phật giáo, cũng như nghi thức thờ phượng, cúng kiến và công phu bái sám không đồng nhứt với Đạo Phật?

    Câu hỏi nầy nhận thấy gồm có ba vế, xin được giải đáp theo trình tự như sau:

    I.- Đạo Phật Giáo Hòa Hảo có phải là Đạo Phật không?

    - Xin khẳng định Đạo PGHH là một Tông phái Phật đạo không có gì phải bàn cải, tranh luận.
    - Thật ra đây không phải là vấn đề xa lạ, mới mẻ bởi Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm, sáng lập nền Đạo PGHH đến nay, đã hơn nữa thế kỷ (1939 -2015) không những ở trong nước mà cả thế giới điều biết đến và đều thừa nhận là một Tôn giáo thuộc hệ Tông truyền của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, được khẳng định qua nguyên lý, giáo điều… giữa hai tôn giáo có mối tương quan mật thiết như hình với bóng, hay nói tóm gọn là những Tôn chỉ, Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ xương minh, phổ quá đều noi theo chân truyền chánh pháp của Phật giáo, như Ngài đã từng xác nhận:

    “Đạo vô vi của Phật ân cần,
    Nối theo chí Thích Ca ngày trước”…
    và:
    “Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,
    Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca”…
    hoặc:
    “Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
    Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp”…
    Nếu cần đi xa về nguồn gốc, tức ngược dòng lịch sử cách nay 196 năm Đức Phật Thầy Tây An ‘Tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ’ ra đời mở Đạo (1849) lập ra môn phái Phật giáo lấy Tôn danh là Bửu Sơn Kỳ Hương đã được triều đình nhà Nguyễn (năm Tự Đức thứ IV) ban chiếu chỉ công nhận Ngài là bậc chơn sư, hoán thế thuộc Tông phái đạo Phật, thông qua những cuộc trắc nghiệm, thử thách bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như hạch vấn về chân lý phật pháp, kể cả một vài nhục hình khác, để rồi cuối cùng triều đình đã phải chuẩn nhận cho Ngài được tự do truyền đạo cứu đời, đồng thời chỉ định cho Ngài phải thế phát (cạo tóc) để nhập tăng và đến quản nhiệm trụ trì (tại chùa Tây An núi Sam, thuộc Châu phú – Châu đốc)

    Chùa nầy là một trong những ngôi chùa cổ do phái Lâm tế xây dựng. Cho nên khi Đức Phật Thầy đến đây thì mọi cách thức, trần thiết, thờ phượng đều đã được an bày và Ngài vẫn duy trì, bảo dưỡng theo nguyên trạng chứ không thêm bớt gì. Dù biết rằng chủ trương của Ngài là muốn phục hưng, chỉnh đốn lại những gì mà Phật giáo bị vong bổn, thất truyền, nghĩa là cần phải đơn giản hóa mọi hình thức rườm rà để làm thế nào thể hiện được theo giáo truyền chánh pháp vô thượng của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.

    Và, để được thấu triệt vấn đề một cách chính xác hơn, chúng ta hãy nhìn vào hệ qui chiếu để thấy rõ mốt tuơng liên đồng nhất hoặc có thề nói; Đạo PGHH như một phiên bản của Phật giáo không có gì khác về nguyên lý và tính chất. Nói chung tất cả những gì thuộc giáo luật và pháp môn tu tỉnh do Đức Phật xướng xuất, chế định như Tam qui Ngũ Giới, Tứ Đại Trọng Ân, Bát Chánh Đạo, hành Thập Thiện, trừ Thập ác rồi Lục căn, Lục trần, Tứ vô lượng tâm cho đến Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên và Lục độ vạn hạnh v.v…thì Tôn chỉ hành của đạo PGHH cũng điều hội đủ như thế.

    Ngoài ra, tưởng cũng cần dẫn chứng một số nhân vật điển hình từ lãnh vực đạo lẫn đời hầu giúp cho chúng ta có cái nhìn khách quan hơn, như hoà thượng Thích Thiên Hoa, hòa thượng Thích Huyền Quang… và cả hội Phật giáo thề giới cho đến triết gia Phạm Công Thiện, Triết gia Kim Định, Tiến sĩ Lê Hiếu Liêm, Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Giáo sư Trần Nguyên Bình, Luật sư Phạm Nam Sách, Giao sư Phạm Cao Dương.v.v…tất cả đều nhìn nhận Đạo PGHH là một tông giáo Phật đạo. Ngay cả như bộ Bách khoa tự điển Encyclopaedia Britannica có danh gía nhất thế giới cũng đã công nhận Đức Huỳnh Giáo Chủ là một nhà Minh triết, Triết gia Việt Nam, một nhà cải cách Phật giáo, và là vị sáng lập ra Đạo PGHH.

    - Định nghĩa danh từ Hòa Hảo.

    - Hòa Hảo là địa danh của một làng nằm trên bán đảo giữa sông Tiền và sông Hậu, thuộc địa phận Tân Châu (Châu Đốc), Nay nhà nước VN cho đổi thành Thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Angiang.

    Sở dĩ danh từ Hòa Hảo được ghép chung với danh nghĩa Phật giáo gồm có hai ý nghĩa: - Nghĩa hẹp và nghĩa rộng, hoặc lý và sự.

    a)- Nghĩa hẹp (Sự); Đây không phải là trường hợp ngẫu nhiên đối với các đấng siêu phàm cứu thế. Tất nhiên Đức Huỳnh Giáo Chủ chọn địa danh nầy để thị hiện xuống trần và đặc Tôn danh cho nền Đạo với dụng ý, Ngài muốn biểu trưng một sắc thái đặc thù, nhằm để dễ phân biệt, tránh sự nhằn lẵn với các tông phái khác, bởi đã có qúa nhiều vị Tổ (Thiền phái) ra đời thường dùng tên họ, pháp danh hay địa danh để đặc danh xưng cho môn phái, chẳn hạn như Thiền phái Trúc lâm Yên tử của Ngài Điều Ngự Giác Hoàng, (Tức vua Trần Nhân Tông), lấy núi Yên tử và rừng trúc làm phuơng danh cho môn phái, Ngài Trí Khải Đại sư tu hành đắc pháp ở núi Thiên Thai (Trung Quốc) nên khi khai đạo độ đời cũng dùng tên núi nầy làm Danh môn, tức Thiền phái Thiên Thai tông. Rồi phái Tùy Nghi Đa Lưu Chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường v.v…

    b)- Nghĩa rộng (Lý). Thật ra danh từ Hòa Hảo mà Đức Huỳnh Giáo Chủ xữ dụng, nó còn hàm súc ý nghĩa sâu xa, thâm thúy hơn hơn nhiều, nghĩa là Ngài muốn biểu tượng cho một thế giới quan đại đồng, hòa hợp… nó chứa đựng cả triết lý tổng hợp của chử Hòa trong Tam giáo (Phật, Lão, Nho) như Ngài đã hằng hoài vọng:

    “Mãng chờ trong bá tánh thảnh thơi,
    Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo”…
    Và:
    “Ước mơ thế giới lân Hòa Hảo,
    Nhà Phật con Tiên hé miệng cười”…
    Qua những dữ kiện trưng dẫn trên đây cũng đủ yếu tố để kết luận rằng: Nếu hiểu Đạo PGHH là một Tôn giáo hay một trong những Tông phái truyền thừa của Phật giáo đều không sai!

    II.- Nếu Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là một Tôn giáo thuộc Đạo Phật, thì vì sao qua nghiên cứu Sấm – Thi lại thấy nhiều chổ Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ trích có vẻ nặng nề đối với hàng Tăng lữ của Phật giáo?

    Có lẽ đây là tiêu đề chính của câu hỏi! Vậy để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân xuất phát qua một vài lãnh vực điễn hình trước tình huống chung của đất nước từ: - văn hóa, xã hội và tôn giáo, nhất là Phật giáo trong bối cảnh lịch sử của những thập niên 30 – 40, khi Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời lập Đạo.

    1)- Tình hình đất nước, văn hóa, xã hội…
    Là người Việt Nam ai cũng hiểu ở thời điểm nầy đất nước chúng ta đã và đang bị đấm chìm trong cuộc chiến tranh đầy máu lửa do bọn cầm quyền thực dân đô hộ Pháp gây nên. Ở chiến trường không có ngày nào nhưng tiếng đạn bom tàn phá của kẻ thù xâm lược! thảm cảnh đau thương chết choc thường diễn ra như ăn cơm bửa! Nhà tan cửa nát! Xã hội loạn ly, dân tình luôn sống trong cảnh lầm than cơ cực, ta hãy nghe lời ta thán của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

    “Trời Tây chúng nó hùng hào,
    Đem lòng gây gỗ máu đào mới tuôn”…
    Và cảnh trạng thê lương, áo não của chiến tranh tàn phá:
    “Tiếng than lụy ngọc nhỏ tràn,
    Nạn tai dồn dập xớm làng còn chi!”…
    Địa hạt văn hóa vốn tự hào của một dân tộc con Lạc, cháu Hồng đã có trên bốn ngàn năm Văn hiến, thì giờ hầu như bị băng hoại bởi luồng gío mới của cái gọi là nền văn minh vật chất phương Tây tràn vào chi phối và lấp áp. Nhân tâm thế đạo bị thoái hóa, suy vong mà trong đó có một phần chịu ảnh hưởng của tầng lớp tân học vong bản, đến như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã phải than vắn, thở dài, trước thực trạng đau lòng bi đát ấy:
    “An nam phong hóa lễ nghi,
    Đời nầy văn vật bỏ đi chẳng gìn.
    Mảng lo chê nhạo chống kình,
    Chẳng toan đạo đức mà gìn thôn hương”…
    và:
    “Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa,
    Nghiệp tổ tiên con cháu vầy bừa.
    Học thói mới lăng loàn theo sở dục”…
    hoặc còn tệ hại, nguy hiểm hơn:
    “Đời vật chất văn minh tranh cạnh,
    Chữ lợi quyền giựt giết lẫn nhau”…
    2)- Lãnh vực Tôn giáo, nhất là Phật giáo đã bị thoái hóa, xuống cấp trầm trọng.
    Một thức tế mà không ai có thề phủ nhận đó là sự Thịnh – Suy của các tôn giáo tại Việt Nam, Nhất là Phật giáo qua các thời kỳ biến đổi của lịch sử. Trước hết, phải ghi nhận Phật giáo đã có quá trình tiếp cận và phát huy đáng kể bắt nguồn từ thời tiền Lý (Lý Bôn – Lý Phật Tử) đến nhà Đinh mở đầu cho các thời đại cực thịnh của tiền Lê – Lý và Trần mà tiêu biểu là Thiền phái Trúc Lân Yên Tử đã thống nhất được các chi phái Phật giáo quy về một mối. Nhưng rồi bước sang thời kỳ hậu Lê vào cuối thế kỷ 15 đạo Phật bắt đầu suy thoái nhường chỗ cho Nho giáo thịnh hành khi nhà Minh sang thôn tính nước ta.

    Tình huống nầy phải chịu kéo dài bao thế kỷ, nhưng lịch sử Phật giáo lại chứng minh rằng: - mạch nguồn của Phật giáo không bao giờ ngưng chảy theo định luật dịch chuyển của tuần hoàn vũ trụ. Đó là vào tiền bán thời kỳ 19 Đức Phật Thầy Tây An lại ra đời khai sinh dòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương (tiền thân của Đạo PGHH) để nối truyền sứ mạng cứu dân, độ thế, đồng thời cứu vãn nền Phật đạo đang trên đà xuống cấp, suy sụp. Dù chỉ có bảy (07) năm hoằng pháp độ sinh, nhưng Ngài đã gây ảnh hưỡng lớn lao về tín ngưỡng Phật pháp cho mọi giai tầng quần chúng ở vùng Miền tây Nam bộ. Đến đầu thế kỷ 20 “Trrước khi Đức Huỳnh Giáo Chủ xuất hiện” cũng đã có người đứng ra khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo nhưng vẫn vô hiệu bởi các nguyên nhân được lược dẫn sau:
    - Sống dưới chế độ Pháp thuộc, chúng luôn áp dụng chính sách kềm kẹp và kỳ thị gắt gao về tự do tín ngưỡng của các tôn giáo, ngoại trừ Thiên Chúa giáo. Do đó các tôn giáo khó có thể phát triển đạo giáo theo ý nguyện của mình.
    - Vì Đạo Phật đã bị tiêm nhiễm và ảnh hưởng quá lâu đời bởi sự bành trướng của phái Thần tú và các phái Bàng môn Tả đạo khác, đã bám sâu cội rễ vào mọi tầng lớp dân sinh, đến mức làm cho cả kẻ tăng, người tục không còn phân biệt được đâu là chánh – tà, chân - gỉa! Họ biến kinh văn, giáo điển thậm thâm di diệu, chánh đẳng, chánh giác của Đạo Phật trở thành như sự tín ngưỡng dân gian. Chùa chiền là nơi để họ dung thân, trục lợi chứ không còn mang ý nghĩa và gía trị thiêng liêng cao cả, để phụng thờ, qui nguỡng công đức từ bi vô lượng của Tam Bảo. Chủ trương của họ là khai thác triệt để về âm thinh sắc tướng. Nào tạo tượng, mỏ, chuông, lầu phướng, xá hạc, thầy bùa, thầy đám, đồng cốt, bóng chàng, xin xâm, bói quẻ cho đến đốt giấy tiền vàng bạc, để lo lót cho âm binh, qủy thần.v.v… Chủ yếu là để mê hoặc những hạng người nhẹ dạ cả tin, hầu mưu lợi cho bản thân và gia đình.

    Thực trạng bi thảm như vậy nến để buông xuôi thả nổi mà không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, thì thử hỏi tương lai của Phật giáo sẽ đi về đâu? Cũng như còn đâu là điểm tựa tinh thần, để bá tánh thập phương tin tưởng vào chân lý nhiệm mầu của Phật pháp khi mà người ta chỉ lợi dụng cửa thiền và lớp áo nhà tu để thực hiện công việc buôn thần, bán thánh! Như vậy trách sao Đức Huỳnh Giáo Chủ phải lên tiếng giáo khuyên, cảnh tỉnh:

    “Kinh với sám tụng nghe thảnh thót,
    Lũ nhưn bông tập luyện đã rành.
    Đẩu với đờn, kèn, trống, nhịp sanh,
    Làm ăn rập đặng đòi cao gía.
    Tâm trần tục còn phân nhơn ngã,
    Thì làm sao thoát khỏi luân hồi,
    Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi.
    Chớ có đốt tốn tiền vô lý,
    Xưa Thần Tú làm điều tà mị.
    Mà dắt dìu bá tánh đời Đường.
    Thấy chúng sanh lầm lạc đáng thưong,
    Cõi âm phủ đâu ăn của hối.
    Đúc Phật lớn chùa cao bối rối,
    Mà làm cho Phật giáo suy đồi.
    Tu vô vi chớ cúng chè sôi,
    Phật chẳng muốn chúnh sanh lo lót.
    Tăng với chúng ưa ăn đồ ngọt,
    Nên bày ra cúng kiến hoài hoài”…
    và:
    “Lũ thầy đám hay bày trò khỉ,
    Mượn kinh luân tụng mướn lấy tiền.
    Xuống diêm đình ghi tội liên miên,
    Mà tăng chúng nào đâu có rõ.
    Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mỏ,
    Từ xưa nay có mấy ai Thành”…
    Để rồi Ngài chỉ rõ:
    “Khuyên sư vãi mau mau cải hối,
    Làm vô vi chánh đạo mới mầu.
    Đạo Thích Ca nhiều nẽo cao sâu,
    Hãy tìm kiếm cái không mới có,
    Ngôi Tam bảo hãy thờ Trần đỏ,
    Tạo làm chi những cốt với hình.
    Khùng nói cho gìa trẻ làm tin,
    Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú”…
    Chưa hêt, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn thẳng thắn kêu gọi, nhắc nhở nhiều hơn nữa đối với tăng ni giáo đồ cần phải bình tâm quán xét lại tự than và vai trò của người hành đạo, khi đã khoát áo cà sa lánh nơi trần tục, thì cần phải thể hiện tinh thần xả thân cầu đạo, để cống hiến cho đời theo công hạnh và tịnh nghiệp của chư Phật, với phương châm Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn. Và hãy nên nhớ rằng, mình là người cầm luật mà lại để vi phạm luật tất nhiên tội lỗi sẽ gia trọng hơn những người bình thường khác:
    “Mong tiếng kêu thấu đến Tòng lâm,
    Cùng thiện tín bá gia hưởng ứng.
    Muốn Phật giáo từ nay bền vững,
    Đừng riêng lo lợi dưỡng một mình.
    Nếu xuất gia thì phải hy sinh,
    Cả vật chất tinh thần lo đạo.
    Chớ gỉa dối mà mang sắc áo,
    Mượn bồ đề chuổi hột loè người.
    Làm cho dân khinh dễ ngao cười,
    Tội lỗi ấy luật nào dung thứ.
    Tu mà ham chay to đám bự,
    Đặng bá gia dâng cúng bạc tiền.
    Dối rằng lo tu bổ chùa chiền,
    Mà làm của xài riêng cho thỏa.
    Bảo làm sao dân không xa ngã,
    Nghe lời rù tông nọ phái kia.
    Cả tăng đồ trong nước chia lìa,
    Riêng Pháp bảo, riêng Chùa, riêng Phật.
    Trong bá tánh sầu thành chất ngất,
    Mãi nghi nan chẳng biết đàng nào.
    Lòng mến yêu chẳng nệ công lao,
    Mượn bút mực đôi lời trần thiết.
    Tuỳ thiện tín hiểu Ta gỉa thiệt,
    Làm hay không chẳng dám ép nài.
    Nguyện mười phương chư Phật đáo lai,
    Đồng tiếp dẫn chúng sanh giải thoát”…
    Nguyên nhân sau cùng là sự dịch giải kinh luật của Phật giáo quá khó khăn, phức tạp vì phải trải qua ba công đoạn, tức từ tiếng Phạn dịch qua chữ Hán, rồi từ chữ Hán lại sang Việt ngữ, như vậy làm thế nào tránh khỏi sự lệch lạc và độ chính xác?
    Thêm một yếu tố khách quan nữa, đó là đất nước ta ở vào các thập kỷ trước đó, nền văn hóa quốc học hãy còn qúa giới hạn, chưa được phổ cập đến các tầng lớp nhân dân, nhất là quần chúng ở nông thôn. Thành thử phần lớn các nhà sư ở Am - Tự chỉ biết đọc tụng kinh điển qua phiên âm tiếng Phạn, cho nên không thể lãnh hội được nhiều về ý nghĩa cao siêu huyền diệu của lời Phật dạy, hệ qủa tất yếu là lý thuyết và nghĩa lý Phật pháp đã không thông thì bảo sao thực hành cho đúng được!
    Quả y như lời minh xác của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

    “Quá mắc mỏ bởi chưng phạn ngữ,
    Nên người đời khó kiếm cho ra.
    Mỏ chuông bày đọc tụng ó la,
    Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý.
    Dòm trước mắt thấy điều hồ mị,
    Nên động tình bác ái dạy răng.
    Réo những ai lợi dụng làm xằng,
    Cho suy sụp chơ nhơn mờ mịt.
    Nào có khác mây đen phủ bít,
    Rồi dắt nhau đến chổ dại ngây.
    Lấy tinh thần hiệp vén ngút mây,
    Trong bổn đạo tự thân phải xữ”…
    Đó là những nguyên nhân cơ bản đến tình trạng Phật giáo bị lu mờ, suy thoái một cách đáng buồn và lo ngại.

    III.- Nghi thức thờ phượng, cúng kiến và Công phu bái sám không đồng nhất với Phật giáo?

    Để hiểu tường tận vấn đề, Chúng hãy tìm xét về nguyên thủy của Phật giáo qua không gian và thời gian… Suốt 49 năm trụ thế, Đức Thế Tôn Như Lai chưa bao giờ xướng xuất, khuyên bảo các giới tăng đồ, Phật tử trong việc tạo tượng, mỏ chuông hoặc am to, chùa lớn gì cả, bởi Giáo pháp của Ngài chủ yếu là Vô vi tâm pháp, áp dụng qua Pháp môn Thiền và Tịnh để dẫn dắt môn đồ trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật chứ không có bài biện về mặt hình tướng. Do đó, người hành gỉa tu tập muốn được chứng đắc huệ tâm, ngộ nhập quả vị Vô thượng Bồ đề hay vào cõi Liên Hoa hóa thân của Tây phương lạc quốc, thì không có cách nào khác là phải hồi quan phản chiếu, chuyển hóa nội tâm (theo pháp Thiền) và trì niệm hồng danh Đức Phật An Di Đà (pháp môn Tịnh độ), làm thế nào cho tâm bình, tánh tịnh, dứt trừ ma chướng và vọng niệm chúng sanh, đó là chân lý cứu cánh rốt ráo của Phật giáo.

    Có phải chăng vào những thời điểm Đức Phật đăng đàn thuyêt giáo, lúc bấy giờ A Nan phải tạm dùng cái Găng ta (như cái Phèng la ta thường gọi) để đánh lên làm hiệu cho các tăng đồ, thính chúng tụ hội đến đông đủ đúng giờ. Có lẽ xuất phát từ đó nên sau khi Đức Phật nhập diệt, người ta mới nghĩ cách chế tạo ra hình thức cái chuông để thay thế cho cái khí cụ kia vừa được tiện lợi khi xử dụng, mà cũng vừa trong có vẻ thanh nhã hơn về mặt thẵm mỹ. Và, cũng vì sự tôn kính công đức vô lượng, vô biên của Đức Thế Tôn nên mới phát sinh việc tạc tượng của Ngài để tôn thờ, chiêm bái. Như vậy xét theo bình diện sự và lý đều có thể chấp nhận được, vì nó biểu hiện cho lòng tôn kính tự nguyện bất vụ lợi của các giới môn đồ. Và xem đó như một trong những phương tiện Pháp, có tác dụng nhắc nhở, khơi gợi niềm tin cho mọi người, tức mượn cảnh để tạo tâm hay dĩ huyễn độ chơn theo nguyên lý: “Phật pháp bất định Pháp của Chư Phật”. Tuy nhiên, nếu giới tăng đồ nhà Phật biết dửng lại trong phạm vi… có thể như vậy thì điều chắc chắn Đạo Phật sẽ không phải bị rơi vào tình trạng xuống cấp quá ư tệ hại, mà nguyên nhân chính là do phái Thần Tú bành trướng quá mạnh từ triều đại nhà Đường trở đi. Đây cũng là thời hiệu báo động sự suy duy của Phật giáo, theo chu kỳ biến dịch của tạo hóa. Đúng như lời tiên báo của Đức Phật, sau Ngài Viên tịch thì Phật giáo sẽ phải trải qua năm thời kỳ nhất định (mỗi thời kỳ là 500 năm) đó là:
    -500 thứ nhứt: - Giải thóa kiên kiên cố;
    -500 thứ hai: - Thiền định kiên cố;
    -500 thứ ba: - Đa văn kiên cố;
    -500 thứ tư: - Tháp tự kiên cố; và
    -500 thứ năm: - Đấu tranh kiên cố;

    Thật quả không sai! Nếu tính từ khi nhà Đường sang xâm chiếm nước Đại Việt ta vào khoảng thế kỳ thứ mười (thế kỳ thứ X) thầy trò của Thần Tú nối tiếp nhau thỏa sức phát huy về âm thinh, sắc tướng như đã đề cập ở phần trên, là đúng vào thời điểm nằm trong khung của chu kỳ thứ tư mà Đức Phật đã báo trước: (thời kỳ Tháp tự kiên cố), như lời than thở của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

    “Đạo Phật vồn từ xưa rạng tỏ,
    Nay lu mờ bị mỏ cùng chuông.
    Thấy chúng sanh đắp Phật bán buôn,
    Mà tội lổi ngàn muôn lao lý”...
    hoặc:
    “Muốn cho dân hiểu đạo mầu,
    Chớ không có muốn chùa lầu cho cao”…
    Qua dẫn chứng trên đây đã nói lên tính chất giản dị hóa nghi thức thờ phượng của Đạo PGHH, nào có sai khác gì với hình thức ban đầu của Phật giáo đâu? Có khác chăng là sau khi Đức Phật nhập niết bàn, các giới chức tăng lữ mới tổ chức xây dựng chùa chiền và tạc tượng để phụng thờ Ngài và Tam bảo… thì ở đây, thay vì tượng cốt Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy bản tín đồ chỉ thờ đơn giản bằng tấm Trần Dà, cũng đủ để tượng trưng cho việc thờ kính Tam bảo. Như vậy, nếu chỉ xét đơn thuần về “Dụng” (hình thức) thì có khác nhưng không có gì dị biệt với nhau về “Thể” (bản thất).

    Vậy xin dẫn ra đây lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ về cách thức thờ phường, hành lễ.. của tín đồ PGHH:
    Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo qúa nhiểu hình tượn. Đành rằng vì tôn kính đấng Từ Bi mới làm ra thờ phượng Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không tạo thêm nữa. Làm thế chúng ta không có ý hủy báng sự thờ phượng của các chùa chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều kiện các sư mà chúng ta cũng có thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa; nên thờ đơn giản cho lòng tin tưỡng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài. Từ trước chúng ta thờ Trần Điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thớ Trần Điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với Tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể trong đạo đổi lại màu Dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu Dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhơn loại, không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chổ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật.
    Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chổ trao tâm trỉa tánh hơn là sự lễ bái ở ngoài. Còn người nào có cốt Phật trong nhà để vậy cũng đặng…
    Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch; Bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết; Còn Nhang, dùng đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng.
    Ngoài sự thờ Phật, Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ và những vị anh hùng của đất nước. Không nên thờ vị tà thần nào mà mình không rõ căn tích”…

    Còn việc công phu bái sám hằng ngày (hai Thời, ba Thời hay bốn Thời) tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Đức Huỳnh Giaò Chủ cũng đơn giản bằng mấy bài cầu nguyện trước bàn thờ Cửu Huyền, Ngôi Tam Bảo và bàn Thông Thiên trước sân nhà thay cho các bài kinh nhật tụng của nhà chùa, mục đích để phù hợp căn cơ của người cư sĩ tại gia, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho mọi từng lớp dân sinh, ai cũng có thể thực hành tu tỉnh một cách dễ dàng trong mọi hoàn cảnh, thậm chí như Ngài bảo:

    “Tới với Ta chớ đem đồ cúng,
    Chỉ đem theo hai chữ thành lòng.
    Chẳng có cần trà quả hương nồng,
    Mong sanh chúng tuỳ lòng hối ngộ.
    Kẻ xa xôi có lòng ái mộ,
    Nghe kệ nầy tu tỉnh tại nhà.
    Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
    Phật bất chấp chẳng nài thời khắc.
    Và:
    “Khùng yêu dân chỉ rõ đạo mầu.
    Ráng trì tâm tưởng niệm canh thâu.
    Nằm, đi, đứng hay ngồi chẳng chấp”…
    Thật không còn gì rõ ràng, đầy hơn qua lời minh giải và chỉ dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ gồm cả sự và lý trong việc thờ cúng và công phu bái sám thường nhật của tín đồ nhà Phật.

    Duy có điều Đúc Huỳnh Giáo Chủ phác họa lại bức tranh ảm đạm của Phật giáo đương thời mà Ngài đã chứng kiến hiện thực qua sự sinh hoạt và cách thức hành đạo của đa số giới tăng lữ ở các am - thiền chỉ biết chú trọng vào việc phô trương, quảng bá về hình thức chứ không hiểu gì và phải làm gì để được chúng ngộ giải thoát theo chân lý thật tướng mà vô tướng của nhà Phật. Vậy thử hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ là một vị hoạt Phật ra đời được sắc chỉ của hai vị Phật tổ Thích Ca Mâu Ni và Đức A Di Đà xuống thế với sứ mạng chấn hưng Phật giáo và hoằng pháp độ sinh thì không có lý gì mà Ngài lặng nhìn, trơ mắt ngó trước thực trạng đạo Pháp bị suy đồi, biến tướng như vậy mà không nói thẳng, nói thật để đánh thức, giác ngộ thành phần dối tu, lạc đạo! Chủ tâm của Ngài là muốn chấn chỉnh, xây dựng lại những gì đạo Phật bị lạm dụng và bị bày thêm đó thôi, ngoài ra Ngài không có nhu cầu hay ý tưởng gì khác! Nếu ai đó nghĩ rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ có ý muốn xuyên tạc, bôi bác các nhà sư của Phật giáo là hết sức sai lầm, phi lý! Chúng ta không thể lấy phàm tâm để luận bàn so sánh hay đánh gía lời Phật ngôn, Thánh ý của chư Phật và Bồ Tác được, bởi tất cả ngôn từ và hành động của các Ngài đều xuất phát từ bồn đại đức là Từ, Bi, Hỉ, Xả, đều vì sự ban vui cứu khổ cho nhân loại chúng sinh như Đức Phật đã bảo: Phật vị nhất đại sự nhân duyên nhi xuất hiện ư thế”- Phật vì một nhân duyên lớn là cứu độ chúng sanh mà xuất hiện xuống trần. Cũng như bài Sứ Mạng Đức Huỳnh Giáo Chủ há chẳng bảo: Huống chi nay cơ mầu đà thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe kinh, ngao do tứ hải, dạo khắp tiên bang, cảnh an nhàn của người liễu đạo; muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả Bồ Đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh chê khen? Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa..và:

    “Ta thương đời len lỏi xuống trần,
    Đạo vô vi của Phật ân cần.
    Nối theo chí Thích Ca ngày trước”…
    Lòng thương yêu vô tận của Chư Phật và Bồ Tác đối với chúng sanh là thế đấy “Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử” vả lại, khi đề cập đến những điều sai trái như vậy Đúc Huỳnh Giáo Chủ đã có cân nhắc, phân biệt rõ ràng giữa chánh - tà, chân - gỉa chớ Ngài không bao giờ ‘vơ đũa cả nắm’ như có người lầm tưởng! Vỉ sự thật đã được phô bày, cho dù bất cứ ai muốn bao biện, bưng bít thế nào chăng nữa cũng không thể phũ nhận trong hàng ngũ giáo đồ ở địa phận miền nam lúc bấy giờ đa số là thành phần gỉa tăng hay còn gọi lá ác tăng, chớ còn giới chơn tăng thì lại quá hiếm hoi, chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi! Cho nên những gì Đức Huỳnh Giáo Chủ buộc phải nói ra là chỉ nhắm thẳng vào những phần tử dối tu, gỉa đạo hoặc lầm đường, lạc lối để cho họ còn có cơ hội thức tỉnh quay đầu như Ngài đã minh định:
    “Thấy lạc lầm đây động lòng son,
    Nên khuyên nhũ cho người lương thiện”…
    hoặc:
    Lời chơn chánh hình như nói xỏ,
    Mà không không nào có biếm đời.
    Thấy lạc lầm khuyên nhũ ít lời,
    Chớ nào có ngạo chi tăng chúng”…
    Đối với các nhà sư tu hành chân chính, Đức Huỳnh Giáo Chủ luôn luôn qúi trọng và Ngài vẫn không ngớt kêu gọi các vị chơn tăng cùng hợp tác, hưởng ứng với Ngài trong sứ mạng chần hưng nền Phật giáo đã và đang bị suy đồi, xuống cấp:
    “Dầu ai có bền gan sắt đá,
    Cũng động lòng trước cảnh ngửa nghiêng.
    Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên,
    Phận môn đệ phải lo vun quén.
    Tầm sức nhỏ còn làm nên kén,
    Người không lo có thẹn hay chăng.
    Cả tiếng kêu cùng khắp chư tăng,
    Với tín nữ thiện nam Phật giáo.
    Nên cố gắng trao thân gìn đạo,
    Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành.
    Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
    Công đức Phật Từ bi vô lượng.
    Đồng dẹp gát âm thinh sắc tướng,
    Lo chấn hưng Phật pháp mới là.”…
    và:
    “Lòng quảng ái xót thương nhân chủng,
    Buổi lố lăng Phật giáo suy đồi.
    Kẻ tu hành ai nở yên ngồi,
    Mà sớm kệ chiều kinh thông thà.
    Mình đã gặp con thuyền Bát Nhã,
    Có lý nào ít kỷ tu thân.
    Phật Tổ xưa còn ở nơi trần,
    Ngài gắng sức ra công hoằng hóa.
    Nền đại đạo lưu thông khắp cà,
    Bực tiên hiền đều trọng Phật gia.”…
    Đến đây người cầm bút tin rằng vị phật tử nào đó sẽ được hài lòng trước sự phân giải rạch ròi giữa đúng – sai, tà – chánh của Đức Huỳnh Giáo Chủ và nhìn nhận vần đề một cách thầu tình, đạt lý…Chúng ta hãy nghe thêm lời phân tìch và chỉ giáo sau đãy của Ngài trong muc ‘Đối đải các tăng sư’: Tất cả bổn đạo nên cung kính các tăng sư tu hành chơn chính. Nếu các Ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời. Đối với những hạng tu hành mà mình biét rõ là dối thế (như mấy ông thấy đám…) hãy tìm cách khuyên can các ông trở lại con đường chơn chính của Đạo Phật. Nếu các ông vẫn tiếp tục làm điều tà mị, mình phải bài trừ triệt để và giảng giải cho quần chúng cùng những tín đồ nhà Phật hiểu đặng xa lánh họ”…

    Nên hiểu rằng, phương pháp độ đời của Chư Phật và Bồ Tát là đa phương tiện, đa pháp môn, là bất định để tùy duyên hóa độ. Cho nên các Ngài không áp dụng duy nhất pháp môn nào dành cho chúng ta tất cả, do đó mà hằng vạn ngưới tu chứng ngộ đạo quả đều khác nhau, tuỳ theo sở đắc của mỗi người. Cũng như ở đây Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dùng ngôn từ đễ khuyến giáo hoặc qua thần cách siêu phàm quán thế của Ngài cảm hóa nhân loại chúng sinh. Cũng có những vị Tổ còn giác tỉnh môn đồ bằng các hành động được coi là táo bạo và gây “sốc” nặng nề hơn nhiều so với Đức Huỳnh Giáo Chủ, điển hình như Tổ Đơn Hà bảo đệ tử chẻ các tượng Phật bằng gổ trong chùa để sưởi ấm và pha trà cho Ngài dùng, làm cho vị sư trụ trì qúa run sợ đến nổi rụng hết cả râu nữa cơ! nhờ vậy mới đả phá được bệnh cố chấp vào hình tướng của hầu hết các sư sãi trong chùa và mới giác ngộ được lái lý chân không “Vô tướng mà thật tướng” của Chư Phật. Điều nầy Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng hơn một lần khuyên bảo:

    “Dẹp năm tên được mới mừng cười, (*)
    Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”....
    Rồi đến như Thiền sư Hoài Nhượng đã phải mài hòn gạch để thức tỉnh nhà sư Mả Tổ, vì vị sư nầy còn chấp chặt quan niệm là chỉ có ngội thiền mới được đắc đạo. v.v…

    Qua hai giai thoại vừa kể, tựu trung cũng chỉ vì bệnh mê chấp: - chấp tướng, chấp pháp, chấp có, chấp không, chấp thiền, chấp tịnh v.v… đều vướng mắt trong vòng khởi niệm của vọng tâm, vọng tưởng, nếu hành gỉa không dứt trừ các vọng niệm nầy mà muốn được chứng được đạo quả, thì không khác nào nấu cát mà muốn thành cơm như lời Phật thuyết. Chớ thực chất của việc Tọa Thiền hay Thiền định, Đức Lục Tổ Huệ Năng đều có dạy: “Ngoài, đối với tất cả cảnh giới thiện, ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Tọa. Trong, thấy tự tánh, chẳng động gọi là Thiền” cũng như Thiền định Ngài bảo: “Ngoại ly tướng vi Thiền, Nội bất loạn vi Định” – Ngoài lìa tướng là Thiền, Trong chẳng loạn là Định. Ngoài Thiền, trong Định gọi là Thiền định. Vấn đề nầy Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng chỉ rõ:

    “Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật,
    Đường đạo đức bước đi từ nấc.
    Ngoại quang hình vất chấp kỳ hình”…
    hoặc
    “Nếu ai mà biết chử tu trì,
    Tâm bình tịnh được thì phát huệ”...
    Để kết thúc vấn đề, tưởng cũng cần có tiếng nói vô tư, khách quan hơn, người cầm bút xin trích ra đây mấy đoạn nhận xét, đánh gía tình trạng của Phật giáo thời Pháp thuộc, cũng như nằm trong thời điểm Đức Huỳnh Giáo Chủ ra đời lập đạo:
    “…Đến khi người Pháp đặc nền đô hộ trên đất nước nầy thì Đạo Phật lại càng suy đồi, mất hết những gì là thuần túy, cao siêu, mà chỉ còn như là một Thần đạo, Mà nhiệm vụ chính chỉ là việc cúng, vái mà thôi”. (theo Phật học Phổ thông do thành hội Phật giáo Việt Nam ấn hành).

    Còn Thượng tọa Thích Mật Thể, một trong những cao tăng của Phật giáo cũng đã viết trong Việt Nam Phật giáo sử lược:
    “…Đến đây, từ vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo phật là ở sự cung cấp, cầu đảo, chứ không biết gì khác nữa…”
    (Ỏ miền Trung nguyên, Bắc kỳ,… về kỳ luật Tăng gìa bên ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ ở Trung kỳ… phần nhiều họ đã có vợ, có con một cách công nhiên không ái nái. Nhất là ở Nam kỳ lại càng hổn độn thêm nữa… phần đông các tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước: Xin bằng tăng cao, Trụ trì, Sắc tứ. v.v…hay chỉ biết cung cấp, cầu đạo, phù chú, làm tay sai cho các vua chúa, quan quyền, phú hộ để làm kế sinh nhai…”
    “Bởi vậy các cảnh chùa trong nước đã thành những cảnh gia đình riêng, không còn là tính đoàn thể của một tôn giáo nữa…”
    (Ở trong tăng đồ thì như vậy, ở ngoài thì tín đồ, cư sĩ cũng ngơ ngác, mù lòa tin tưởng theo càn, ít ai là người hiểu đạo lý…)

    Thực tế đã quá rõ, cho nên những gì mà Đức Huỳnh Giáo Chủ phản ảnh, nói lên nhằm để chỉ ra những việc làm sai trái, tội lổi đối với thành phần dối tu, mượn đạo tạo đời hoặc lầm đường lạc lối không ngoài mục đích thức tỉnh, giác ngộ họ trở về con đường chánh đạo của Phật pháp, đó là điều tối cần thiết phải làm, vì nó là sứ mạng duy nhất của các đấng cứu thế. Nếu lấy quan niệm thông thường của nhân thế mà luận về mặt tâm lý thì người ta hay sợ đụng chạm, làm phật lòng với người khác bởi tâm địa phàm tục của con người luôn mắc phải chứng bệnh bảo thủ, giàu tự ái bao gìờ cũng muốn bảo vệ cái “tôi” của mình bằng mọi cách và mọi gía dù vẫn biết cai tôi ấy đầy sai quấy và tội lỗi, thành thử ít có ai dám tự khoát áo quan toà để buộc tội chính mình! Còn trong vấn đề phê bình, xây dựng thì cũng còn ẩn chứa nhiều động cơ, khía cạnh khác nha.... Nhưng với Chư Phật và Bồ Tác các Ngài đều là bậc đại giác, đại ngộ, tự tại vô ngại, vượt lên trên mọi ràng buộc tầm thường của thế tục, chính vì vậy tất cả ngôn từ và hành động của các Ngài đều khởi phát vì lòng từ bi, vị tha, bác ái, vì sự ban vui, cứu khổ cho muôn loại chúng sinh.

    Phương châm của các Ngài là: Thà rằng chấp nhận “thẳng mực tàu đau lòng gỗ” hoặc “lời thật mất lòng “ còn hơn để nhìn thấy cảnh trạng chúng sanh cứ mãi lầm lũi, dấn sâu vào con đường tội lỗi, để phải lặn ngụp trong bể khổ trầm luân.

    Có lẽ, chúng ta cần thắm nhuần hơn nữa câu thánh huấn sau đây để thay cho lời kết:
    “Lương dượt khổ khẩu lợi ư bệnh, trung ngôn nghịch nhỉ lợi ư hành”!

    Ô Môn, ngày 27-12-2015
    Cư sĩ LÊ VĂN TÍNH


    (*) ‘Năm tên Tham, Sân, Si, Nhơn, Ngã’
    (*) Những dòng chữ màu NÂU là nguyên văn từ Đúc Huỳnh Giáo Chủ.

     

Chia sẻ trang này