CƯƠNG NHU *** Cương nhu là hai tánh nết cách xa nhau, đối nghịch nhau một trời một vực. Cương hay còn gọi là cang nó mang một ý nghĩa cương trực cứng gắn, mạnh mẽ. Còn nhu trái ngược lại với cang vì nó luôn mang bên mình sự nhu hòa, mềm yếu. Với sự xa cách nhau vời vợi ấy, nhưng hôm nay ta thử đem hai thái cực nầy gần lại hơn để tìm ra những ý nghĩa siêu mầu, xem như đi tìm một kỳ tích xuất hiện. Thói thường ở đời đa phần không cần ai bảo ai cũng hiểu rất rõ: những gì mạnh mẽ cứng gắn sẽ thắng những yếu mềm, mõng manh. Cũng như một tảng đá lại đem chội vào trứng, ắt trứng kia sẽ nát như tương. Nhưng ngược lại thể tánh của nước cũng yếu mềm, nếu lấy đá đem chội xuống nước thì chắc gì nước sẽ để cho đá làm tan tành như trứng mà còn ngược lại nữa : “nước chảy đá mòn”. Thế đấy, nếu nói rằng những cái yếu mềm sẽ luôn luôn bị chịu thất bại trước cứng gắn thì điều nầy cần xét lại, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã minh định điều nầy qua câu: “ Nhu hiền hòa nhược ắt thắng cang” Từ xa xưa cũng đã bao vị thành công ở đức tánh nhu hòa, chẳng hạng như Tư Mã Ý thắng kế của Khổng Minh, hay trường hợp của Lưu Bang thắng Hạnh Võ. Hàn Tín người ở đất Hoài Âm thời Hán Sở Tranh Hùng cũng đã thành công ở đức tánh nầy: Nhà nghèo chỉ câu cá độ nhựt, nhiều lúc phải sống nhờ chén cơm của bà Phiếu Mẫu. Ông hay mang theo bên mình một thanh gươm. Có lần bọn côn đồ muốn làm nhục, nên thách Hàn Tín đấu võ, nếu không phải lòn trôn bọn chúng. Lúc ấy Hàn Tín định dạy cho chúng một bài học, nhưng kịp suy nghĩ nên làm theo lời bọn chúng, khiến cho mọi người xung quanh chê cười là hèn nhát.Duy chỉ có thầy tướng số biết rõ sau nầy Hàn Tín sẽ làm nên đại sự. Trải qua một thời gian thăng trầm thử thách Hàn Tín cũng đã vang danh một tướng lãnh tài ba lỗi lạc, ông dùng kế minh tu sạn đạo ám độ Trần Thương chỉ một trận phá binh Tam Tần như chẻ tre, sau lại dùng mưu phục binh chính đạo bao vây quân Sở tại Cửu Lý Sơn bức tử Hạng Võ tại bến Ô Giang. Tấm gương nầy Đức Giáo Chủ PGHH cũng đã nhắc đến: “Gĩa như Hàn Tín đợi thời lòn trôn Đến sau danh nổi như cồn Làm cho Hạng Võ mất hồn mấy khi.” Là một người quân tử xứng danh, nhứt nhứt phải cần Cương Nhu đủ đầy. Một bực quân tử trượng phu luôn luôn cứng gắn mạnh mẽ, nhưng thiếu đi sự nhu hòa mềm mõng thì người ấy đáng xứng danh với từ trượng phu quân tử chăng? Ngược lại nếu bảo là quân tử thế mà lúc nào cũng hèn yếu, nhút nhát, mềm mõng một cách nhu nhược vậy cũng được gọi quân tử ư? Thế nên, để xứng danh quân tử phải hội đủ cả hai yếu tố, phải cần có cả hai thái cực Cương Nhu tuy là xa cách rất xa. Ngài Khổng Tử đã bảo: “Quân tử năng nhi, nhi bất nhược,năng cường nhi bất cương,như thủy chi tính dã”.{ Người quân tử tuy mềm mà chẳng yếu, tuy mạnh mà chẳng cứng, tánh như nước vậy.} Đức Đại Từ Kim Sơn Phật cũng đã minh huấn: “Đấng nam nhi ẩn nhẫn tùy thời Vậy mới gọi khôn ngoan hữu trí.” Cái lưỡi tuy mềm, cái răng lại cứng, nhưng cái răng phải thay đổi, còn cái lưỡi mang theo suốt cả đời. Vậy nên, mềm đâu phải yếu hèn, cứng cũng chưa phải gắn chắc mà hãy mềm cho đúng lúc, cứng cho đúng nơi mới có thể áp dụng được. Với người hành đạo phải cần đầy đủ lòng kiên trinh và đi đôi nữa phải hội đủ cả hai đức tánh Cương Nhu. Vì thử thách chông gai, bao hố sâu vực thẳm đang và sẽ tới rất nhiều với người con Phật, nếu không đầy lòng kiên trinh, không biết tùy thời áp dụng Cương Nhu cho đúng lúc e là khó tránh khỏi những việc đáng tiếc xảy ra. NGUYỄN VĂN NHỰT