HƯỚNG VỀ NẺO GIÁC của Đàm Liên Tịnh Giả

Thảo luận trong 'Sách Kinh' bắt đầu bởi baoquang, 8/1/13.

  1. baoquang

    baoquang Member


    HƯỚNG VỀ NẺO GIÁC

    Đàm Liên Tịnh Giả

    ***
    PHẦN I

    NGUYÊN NHÂN SANH TỬ

    Từ Đức Thích Ca Mâu Ni khai thị mà ta được biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đồng nhất thể bình đẳng với chư Phật. Và chư Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh. Nhưng vì vọng kiến hay cũng gọi là vô minh dấy khởi làm cho Diệu Minh Chơn Tâm bị che mờ. Từ đó vọng tình, vọng tưởng dấy khởi muôn trùng, tiếp nối ngự trị tâm hồn ta, tạo nghiệp thọ khổ trong suối luân hồi liên tiếp mãi. Tình là tình ái, tình dục thuộc về hắc nghiệp, bản chất thô trược, nặng nề đen tối nên chìm xuống. Tình lại có bảy chi: Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, muốn. Tình lại cấu kết với sáu thứ dục: Sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục, súc dục, pháp dục. Bảy tình, sáu dục hiệp thành “thập tam ma” sức mạnh vạn năng đưa chúng sanh vào nơi ác đạo. Tưởng là vọng tưởng, hư tưởng thuộc về bạch nghiệp, bản chất nhẹ nhàn thanh thoát hơn tình nên được bổng lên con đường thượng giới. Tưởng thường bị tình cám dỗ nên chuyên tưởng nghĩ đến “lợi, danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng”, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ảo ảnh ở thế gian, không nghĩ tưởng đến việc chi ngoài kiếp hiện sinh trong xã hội loài người ở hiện tại. Các triết gia, các nhà khoa học tư tưởng thật dồi dào, thật phong phú cung hiến cho nhân loại sự xây dựng xã hội tiến bộ đầy đủ tiện nghi, mức sống thoải mái theo khoa học, nhưng chưa ai nghĩ đến sự đóng góp cho nhân loại những gì được tiến bộ hơn sau khi con người đã chết !
    Về sự nặng nhẹ của tình và tưởng hoặc chìm xuống, hoặc bổng lên theo tri kiến Đức Như Lai, Ngài khai thị ta được biết:
    + Chúng sanh nào đời sống thuần về tưởng, không dấy khởi niệm tình, lại hằng huân tu phước huệ, chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tu sáu pháp Balamật, tứ vô lượng tâm và các công đức khác… hồi hướng cầu sanh về Phật độ thanh tịnh. Đến phút mệnh chung người ấy được thấy cõi Tây Phương Cực Lạc và liền được vãng sanh về Phật Quốc trang nghiêm, được vào địa vị Bất Thối Bồ Tát.
    + Chúng sanh nào sống thuần về tưởng, không khởi niệm tình, lúc mệnh chung được bổng lên thượng giới hưởng phúc lạc trên các cõi Trời vui nhiều khổ ít.
    + Chúng sanh nào tưởng nhiều tình ít, lúc mệnh chung được sanh lên Tiên giới hưởng phúc lạc dài lâu.
    + Chúng sanh nào tình và tưởng bằng nhau, lúc mệnh chung không thể bổng lên cõi trên cũng chẳng thể chìm xuống cõi dưới, tức là trở lại cõi nhơn gian làm người.
    + Chúng sanh nào tình nhiều tưởng ít, lúc mệnh chung sanh nơi loài súc sanh. Nhẹ thì làm chim bay, nặng thì làm thú chạy, cá lội.
    + Chúng sanh nào bảy phần tình, ba phần tưởng, vì nghiệp đen nặng nên sanh vào loài Ngạ Quỉ đói, khổ vô cùng.
    + Chúng sanh nào đến chín phần tình một phần tưởng lại cộng thêm các trọng tội như ngũ nghịch, thập ác, bất tịnh thuyết pháp, hí luận thuyết pháp, thuyết pháp không đúng với lý nghĩa trong Phật Pháp, lạm dụng của tín thí, lạm dụng sự cung kính của nhiều người cùng các tội khác… Lúc sắp mệnh chung cõi Địa Ngục hiện đến, kẻ bệnh khổ vừa thấy chỉ trong chớp mắt sanh vào Địa Ngục, bị hành phạt trải vô lượng vô biên kiếp.
    Tưởng là thế gian trí xây dựng qui cách của con người để tiến hóa lên thượng giới. Tình là thế gian trược đưa chúng sanh hiện tại đi vào tam đồ ác đạo.

    Ngài bèn xét ở trong Phật chủng,
    Các chúng sanh đều có như ta.
    Bị vô minh vọng tưởng vạy tà,
    Nên quay lộn Ta Bà cõi khổ.

    Bốn câu Thánh kệ nhiệm mầu của Huỳnh Phật Sư đã hiển thị tỏ tường về nhân sinh quan Phật Giáo.
    Hơn thế nữa, sáng tỏ rõ ràng hơn về nguyên nhân sanh tử và sự tiến hóa nhân loại. Ngài viết:

    Địa ngục cũng tại tâm làm quấy,
    Về Thiên Đàng tâm ấy tạo ra.
    Cái chữ tâm là Quỉ hay ma,
    Tiên hay Phật cũng là tại nó.
    Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
    Nếu đặng tâm tỏ ngộ đạo mầu.

    (Giác Mê Tâm Kệ)

    PHẦN II
    ĐỨC PHẬT ĐI TÌM ÁNH SÁNG

    Cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ, hồi khoản thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Tây lịch, thuộc đời Châu Đế Vương bên Tàu, tại cõi Ta Bà có một thanh niên lên đường đi tìm ánh sáng cho nhân loại.
    Thanh niên ấy tên là Sĩ Đạt Ta vừa tròn 19 tuổi, Thái tử của thành Ca Tỳ La Vệ nước Ấn Độ, con Tịnh Phạn Vương và Ma Da Hoàng Hậu. Ngài Sĩ Đạt Ta sau khi thành hôn với công chúa Da Du Đà La, Công Chúa Da Du Đà La hạ sanh một Hoàng Tôn, được chọn đặt quí danh là La Hầu La, làm cho cả nước hân hoan chúc tụng vì đã có được Hoàng Tôn cao quí trong khi ấy ngài Sĩ Đạt Ta vẫn bình thường không tỏ vẽ hân hoan vui thích.
    Sau khi nhìn tận tướng già, tướng bệnh, tướng chết Ngài Sĩ Đạt Ta quyết lên đường tìm ánh sáng cho nhân loại. Tuyên ngôn đầu tiên khi Ngài vừa vượt ra khỏi thành là: “Chính vì đêm tối ta mới đi tìm ánh sáng”. Ngài Sĩ Đạt Ta đã nhìn tận, thấy rõ chúng sanh trong cõi Ta Bà đang sống trong đêm tối của Vô minh tà kiến, trong phiền não, trong tham đắm, trong vô thường biến chuyển, trong sanh, già, bệnh, chết, khổ đau thống thiết. Ngài quyết tìm ánh sáng cho chúng sanh nhân loại, phá vỡ xiềng xích vô minh tà kiến, tác cạn biển nước tham dục, tận trừ rừng phiền não và đưa chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh, già, bệnh, chết nên ngài vững chãi lên đường mà không bao giờ nhìn về quá khứ.
    Với hùng tâm trí sáng, với vô úy vô ngại Ngài Sĩ Đạt Ta vượt thành trong canh khuya, Ngài bỏ lại vương quốc phồn thịnh thanh bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Ngài bỏ lại Vương phụ hiền đức, quần thần nghĩa khí trung cang. Ngài bỏ lại cung vàng điện ngọc đầy đủ tiện nghi muốn chi có nấy, bỏ lại bao người bạn trẻ mến thương. Cuối cùng ngài bỏ cả ngôi vua mà phụ Hoàng sắp tấn phong cho Ngài chấp chưởng trị vì thiên hạ, Ngài cũng buông bỏ luôn bà Công chúa Da Du Đà La thuộc hàng sắc nước hương trời, khi người vừa khai hoa đầu mùa, La Hầu La là gạch nối khắn khít vô cùng giữa ngài với công chúa ngài cũng vẫn đoạn lìa! Đoạn lìa một cách dứt khoát không nhìn lại!
    Sau khi từ biệt Hoàng cung, Ngài Sĩ Đạt Ta bỏ hết tất cả y phục triều nghi, phục sức theo một tu sĩ khổ hạnh. Ngài vào khổ hạnh lâm gần cạnh non tuyết, cùng tu khổ hạnh theo các thầy tu khổ hạnh tại bản xứ. Sau sáu năm tu khổ hạnh Ngài kiệt sức không còn sinh lực để sinh hoạt cho tinh thần, dù đã chứng đắc tột đỉnh theo lối tu của các Thầy Bà La Môn là vào cảnh giới phi tưởng, Phi phi tưởng. Bấy giờ Ngài thấy rằng chưa thỏa mãn hoài bảo của Ngài là “Chính vì đêm tối ta mới đi tìm ánh sáng”.
    Chỗ Ngài Sĩ Đạt Ta chứng đắc tột đỉnh mà những nhà tu khổ hạnh trong thời ấy cũng ít người đến đặng, nhưng Ngài cho đó là con đường của thế gian chưa ra khỏi Tam giới, vẫn còn trong vòng sanh tử luân hồi, Ngài chưa tìm ra được ánh sáng cho nhân loại. Thế là, Ngài từ giả các Thầy tu khổ hạnh tại khổ hạnh lâm gần non tuyết để tìm một lối sống khác.
    Khi ngài Sĩ Đạt Ta rời khỏi khổ hạnh lâm, Ngài ăn uống bình thường trở lại và Ngài đến bên bờ rạch Ni Liên Thiền, Ngài trải cỏ khô tại cội Bồ Đề, ngồi phẳng lặng suy tư gẫm Đạo suốt 49 ngày đêm, đến đêm cuối cùng khi sao mai vừa hé mọc bổng Ngài hốt nhiên trở thành bậc Đại Giác, Đại Ngộ thành Phật Thế Tôn. Ngài đã tìm được ánh sáng cho chúng sanh nhân loại.
    Đạt được kết quả tối cao của cuộc hành trình vô tiền khoán hậu là Ngài Sĩ Đạt Ta đắc vào ngôi Chánh Đẵng Chánh Giác Vô Thượng Bồ Đề thành Phật Thế Tôn. Thông điệp đầu tiên sau khi thành Phật, Đức Như Lai ban hành là:Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều được thành Phật, Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
    Thông điệp vĩ đại của Đức Phật nhằm khai thị cho chúng sanh con đường thành Phật rất tỏ tường, rất chính xác và đây cũng là lời thọ ký tất cả chúng sanh đồng được thành Phật.
    Thành Phật chỉ là một đoạn đường của Ngài Sĩ Đạt Ta. Vì nếu thành Phật mà không chuyển pháp hóa tha thì sự thành Phật trở thành là vô nghĩa. Nên sau khi tuyên ra thông điệp thọ ký cho chúng sanh thành Phật nơi tương lai, Đức Phật nghĩ ngay đến việc chuyển pháp luân hóa chúng. Đầu tiên Đức Phật tuyên nói Nhứt Thừa Kinh Hoa Nghiêm. Rồi sau đó tùy duyên để độ tận chúng sanh, từ Nhứt Thừa Ngài triển khai thành Tam Thừa trong ba thời kinh: A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã. Rồi từ Tam Thừa Ngài rút lại thành một Phật Thừa Pháp Hoa và Niết Bàn. Năm thời kinh Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết giáo độ chúng sanh được giải thoát thành Phật nhiều đến vô lượng. Dù trải qua trên 26 thế kỷ mà vẫn đượm nét chân truyền và vẫn độ được chúng sanh giải thoát thành Phật.
    Trước khi vào Đại Niết Bàn, Đức Phật không quên nghĩ đến chúng sanh tương lai sẽ thành Phật nên ban huấn từ Di Giáo: Các con rằng sau khi Như Lai tịch diệt các con sẽ không có thầy hướng đạo. Vì khi Như Lai tịch diệt, Như Lai có để lại cái pháp giới, đó là vị thầy hướng đạo cho các con. Người tu chơn chánh phải biết trọng pháp giới như trọng Phật

    “Mình vàng Thái Tử ngôi còn bỏ.
    Vóc Ngọc Đông Cung tước phế liền,
    Thấy đó hỡi người mau lập chí.
    Tu hành khá nhớ giữ cho nguyên”

    (Luận việc tu hành)
    Bốn câu Thánh kệ nhiệm mầu nầy Đức Thầy vừa tán dương Đức Phật, vừa răn nhắc ta hãy noi gương Đại Hùng, Đại Lực và Đại Trí của Ngài Sĩ Đạt Ta để rồi mình tự lên đường tiến về ngôi Chánh Giác.
    Quá trình xuất gia hành Đạo, hóa Đạo và vĩ nghiệp siêu thượng của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật cho ta thấy: 19 tuổi xuất gia, 5 năm tầm học các Đạo, 6 năm tu khổ hạnh, 30 tuổi thành Đạo, 49 năm chuyển pháp hóa tha, 80 tuổi vào đại Niết Bàn. Ngài lưu lại cho chúng sanh ba ngôi quí báu(Phật, Pháp, Tăng), 5 thời kinh, 3 tạng, 8 giáo môn. Đó là ánh gương mầu tuyệt diệu, đó là chơn hương tuyệt hảo, đó là hoa vô ưu tuyệt vời, đó là sinh khí thường hằng, đó là đất hồi sinh, đó là nước cam lồ vô tận, đó là nền giáo dục đại học cho nhân loại!

    PHẦN III
    CHÚNG TA LÊN ĐƯỜNG GIÁC

    Tiến trình lên đường hướng cầu Chánh Giác của chúng ta được kết thúc là khi nào ta trở thành Phật, Bồ Tát độ được nhiều chúng sanh giải thoát thành Phật như chư Phật đã thành thì mới thành tựu viên mãn. Đức Phật là ánh gương mầu cho ta nương tựa, ta hãy làm những gì mà Đức Phật đã làm, ta hãy tu cách nào mà Đức Phật đã tu, ta phải hành những gì mà Đức Phật đã chỉ dạy, ta phải tu chứng những gì mà Đức Phật đã tu chứng. Đức Phật thọ ký cho ta sẽ thành Phật và bình đẳng với Chư Phật.
    Cuộc cách mạng tư tưởng và quán cải tâm linh ta phải có tinh thần hùng tráng và quyết tâm phấn đấu với mọi khúc mắc khó khăn, mọi nhọc nhằn lao lý, mọi thử thách cam go để tiến và tiến mãi không lùi, cho đến khi nào đất tâm khôi phục, đèn trí sáng soi, yên ngồi tòa giải thoát. Ta đang sống khổ đau trong mộng cảnh, đó là kết quả mộng tâm, ta hãy dùng mộng pháp hóa giải mộng tâm, nương về đất mộng Liên Bang, diện kiến Đức Từ phụ Di Đà tức ta liền vỡ mộng. Từ ác kiến vô minh dấy khởi, ta bị nghiệp lực cuốn trôi lăn lộn trong dòng suối tử sanh vô vàn đau thương chua xót, ngấn lệ thành sông, xương thành núi từ vô lượng kiếp đến nay và còn vẫn liên tiếp mãi!
    “Tình” và “Tưởng” đã thảo luận nơi chương một, chương ba nầy đem chúng ra để kết thúc. “Tình, tưởng” chúng đấp đổi ngự trị nơi tâm ta chúng cũng gọi là niệm bất giác, cũng gọi là phiền não trần lao, bè lũ của chúng nếu tính theo số lượng thì đến 84 ngàn, còn nói theo vô lượng thì là vô biên không sao nói cùng. Trong Phập pháp chẳng những có 84 ngàn phương tiện pháp mà có cả đến vô lượng phương tiện, vô lượng diệu dụng, vô lượng pháp mầu để hóa giải cho vô lượng phiền não trần lao.
    “Tình” và “Tưởng” đang hoành hành, đang tung tóe, đang sôi sục nơi lòng ta, chúng cướp chủ quyền Chúa Tâm Vương, chúng ngự trị ta từ lâu đời, nay muốn trục xuất chúng ra khỏi đất tâm dành chủ quyền cho Chúa Tâm Vương ngự trị nếu không dùng danh Phật thì chẳng thể thành công.
    + Nam Mô A Di Đà Phật là Hải Ấn Tam Muội đổi loạn thành tịnh, đổi đục thành trong, đổi dơ thành sạch, đổi ác thành lương, đổi vọng tình, vọng tưởng thành Đại Bi và Đại Trí.
    + Nam Mô A Di Đà Phật là Bát Nhã Balamật đổi ngu thành trí, đổi dại thành khôn, đổi vọng tưởng, vọng tình thành Chánh Báo và Y Báo Cực Lạc Tây Phương.
    + Nam Mô A Di Đà Phật là Giới, là Định, là Huệ, là Giải Thoát, là Giải Thoát Tri Kiến đổi vọng tình, vọng tưởng, thành Thật Bảo Trang Nghiêm Tịnh Độ.
    + Nam Mô A Di Đà Phật là Pháp Thân, là Báo Thân, là Hóa Thân Phật đổi vọng tình, vọng tưởng thành Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
    + Nam Mô A Di Đà Phật là Giới, là Định, là Huệ đổi vọng tình, vọng tưởng thành Ba Bối và chín phẩm vãng sanh trên Liên Trì Hải Hội Tây Phương.
    + Nam Mô A Di Đà phật là Bồ Đề Tâm, là Bồ Đề Hạnh, là Bồ Đề Đạo đổi vọng tình, vọng tưởng thành vị Bất Thối, Hạnh Bất Thối, Niệm Bất Thối nơi cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ.
    Nếu ta tin bổn nguyện tiếp dẫn của Đức phật A Di Đà một cách vững chãi không đổi dời, hướng cầu đi sinh sống Cực Lạc trang nghiêm cho sâu, cho thiết và phát huy Thánh hiệu Nam Mô A Di Đà phật cho rắn chắc nơi tâm mình, thì đó là ta đã có đủ dữ kiện lên Ngôi chánh Giác vô Thượng Bồ Đề.
    Ta phải biết khổ cái khổ của chúng sanh, ta phải biết vui cái vui của Cực Lạc. Ta phải có nguyện lớn rộng độ chúng sanh, ta phải có hạnh to vãng sanh thành Phật, ta phải có chí bền hoằng pháp hóa tha. Đó là ta học theo nguyện của Phật, hạnh của Phật và đức giải thoát của Phật, thế mới đáng là người học Phật, tiếp nối dòng suối chánh pháp của Phật.
    Để kết thúc chương ba nầy, ta hãy phục thần, định tâm mà nghe lời Huỳnh Phật Sư Phán dạy:
    “… Ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu vớt quần sanh thoát nơi khổ hải của Đức Thế Tôn, phải nhớ rằng sanh linh đang chìm đắm trong bể hồng trần, Rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta có cái bổn phận giác ngộ trần gian bỏ những oan trái luân hồi cay nghiệt. Muốn thế trước hết phải tìm phương tự giác, nhằm cảnh Niết Bàn tấn tới, quyết chí tu hành đắc thành Đạo quả hầu dắt dìu bá tánh thập phương xa miền tục lụy.”

    (Bát Chánh Đạo)
    Đó là Thánh huấn tùy thân, là linh phù hộ mạng cho ta trên bước hành trình ”lên đường giác”.

    PHẦN IV
    CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU

    Tam giới ví như nhà lửa, đốt cháy chúng sanh vô tận khổ đau! Ta đang sống trong Dục giới tức tầng trời thứ ba trong Tam giới. Thân và độ cõi Dục Giới được cấu trúc bằng chủng tử thô trược bất tịnh, bất thanh nhơ nhớp tanh hôi. Chúng sanh bị giam nhốt phải chấp nhận sự khổ sầu liên tiếp mãi từ vô lượng kiếp đến nay và vẫn còn tiếp nối vô cùng tận. Bản chất trần trược trong cõi Dục có đến năm từng lớp, ta cần hiểu để rồi ta chuyển hóa từ trược đến thanh, từ Ta Bà thành Thanh Lương Cực Lạc.
    1. Kiếp trược: Thân phận kiếp con người ta đang sống đây được hình thành từ nơi dục chủng tử nên phải chấp nhận bốn điều trọng khổ: sanh, già, bệnh, chết. Thân mạng ngắn ngủi không quá trăm năm; sanh tử, tử sanh ví thể cành hoa, sớm nở chiều tàn không chi bền chắc, hay như phù vân tan hiệp, hiệp tan.
    2. Kiến trược: Thấy biết tà dại ngu mê đen tối, không phân biệt tà chánh giả chơn, không tỏ ngộ diệu huyền tâm pháp. Kiến trược lại có đến 5 chi: Thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cầm thủ, tà kiến. Năm thứ đần độn mê si nầy thường làm cho ta mê bổn tâm, muội bổn tánh và chúng sai sử ta tạo nghiệp đen tối để rơi vào ác đạo.
    3. Phiền não trược: Những thứ phiền não thô trược dấy khởi liên miên làm cho tâm ta chao động ví biển cuộn ba đào không chút đặng yên. Phiền não trược, bọn chúng có đến 5 chi: Tham lam, sân nộ, mê si, ngã mạng, nghi hoặc. Năm thứ phiền não căn bản nầy, chúng lại nãy sanh ra đến vô lượng trần lao sanh tử luân hồi trong tam giới.
    4. Chúng sanh trược: Thân mạng con người được hình thành từ túc nghiệp đen tối, mà kết tụ là do thập sử phiền não tạo nên. Thập sử phiền não là: Tham, sân, si, mạng, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến. Mười món phiền não căn bản này là nguồn cội sanh ra vô lượng những phiền não liên hệ, tạo thành nghiệp báo tử sanh luân hồi trong ba cõi, sáu đường đời đời kiếp kiếp.
    5. Mạng trược: Sinh mạng kiếp con người được cấu trúc từ nghiệp báo của tà mạng nên thô trược và ngắn ngủi, đau thương bởi vô thường sanh diệt. Con người mãi đi qua… đi qua cửa tử thật nhanh, thật là nhanh như điện chớp, như mây bay, như hoa xuân, như con phù du sanh đó rồi diệt đó! Sanh sanh, diệt diệt, mãi mãi và mãi mãi không cùng…!
    Chúng sanh nào sanh trong Dục Giới tức phải mang thân ngũ uẩn, tứ đại. Nếu đã thọ thân ngũ uẩn tức phải thọ ngũ trược, đó là việc không thể đổi thay mà phải y theo định luật. Có thân ngũ uẩn, tứ đại tức là có đủ thập sử (kiến hoặc, tư hoặc), thập triền (năm uẩn, năm trược) ta hoàn toàn mất hẳn tự chủ, mất hẳn trí giác linh minh; nói, làm toàn là tạo nghiệp sanh tử, trong lục đạo thọ khổ muôn đời, vạn kiếp không thể nào thoát ly ra đặng!
    Chuyển hóa khổ đau được an vui, hạnh phúc thường hằng nơi Phật Quốc trang nghiêm, nếu không hành trì cái phép chí huyền, chí diệu niệm Phật cầu sanh thì không một cách nào có được. Trong vô lượng pháp mầu Phật thuyết, duy chỉ có chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật là viên thông hơn hết, là mau lẹ hơn hết. Tin bổn nguyện tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà không khởi niệm nghi và mong cầu vãng sanh Phật Quốc, với chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật là nhất quyết chuyển hóa ngũ trược Ta Bà thành ngũ thanh Cực Lạc.
    + Chuyển kiếp trược thành Thanh Tịnh Hải Hội.
    + Chuyển kiến trược thành Vô Lượng Quang.
    + Chuyển phiền não trược thành Thường Tịch Quang.
    + Chuyển Chúng sanh trược thành Liên Hoa Hóa Thân.
    + Chuyển mạng trược thành Vô Lượng Thọ.
    + Hạ bối vãng sanh trong kinh Vô Lượng Thọ hành giả chỉ cần niệm mười niệm Nam Mô A Di Đà Phật là được vãng sanh Tịnh Độ.
    + Phẩm chín trong cửu phẩm Liên Hoa của Quán Vô Lượng Thọ Kinh kẻ tội khổ lúc sắp mệnh chung chỉ cần niệm mười câu Nam Mô A Di Đà Phật là được vãng sanh Cực Lạc.
    + Niệm mười câu trong Quán kinh, niệm mười niệm trong Vô Lượng Thọ kinh được vãng sanh là sự kết quả điều nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà. Thế mới được tựu nghĩa Phật độ tận chúng sanh, bằng không như vậy thì lời nói Phật độ tận chúng sanh đâu có thật nghĩa.
    + Mười phương ba đời chư Phật ứng thế đâu chỉ hướng về cứu độ chúng sanh có thiện căn, phúc đức, nhân duyên; mà các Ngài luôn hướng đến kẻ tội khổ, ác duyên, sa đọa để duỗi tay tế độ! Tế độ tận cùng cho tất cả chúng sanh…!

    Hỡi con đời tục rất hôi tanh,
    Trí Huệ trau dồi kiếm nẽo thanh.
    Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc,
    Hưởng công niệm Phật rất yên lành.

    Tiếng chuông mầu của Huỳnh Phật Sư ngân lên, bằng thánh kệ bi tâm là để cho chúng sanh đồng tỉnh thức.
    Nguyện cầu chư Phật hộ người mê sớm tỉnh, hộ người giác mau thành, hộ chúng sanh đồng thành Phật Đạo.

    Nam Mô A Di Đà Phật

    Mùa Thu Tân Mão (2011)

    Tĩnh Đạm Am.
    Đàm Liên Tịnh Giả
     

Chia sẻ trang này