"HIẾU ĐẠO" của Cư sĩ Huỳnh Thị Tiền

Thảo luận trong 'Trao-Đổi Đạo Vị' bắt đầu bởi Hhuynh, 24/8/17.

  1. Hhuynh

    Hhuynh Administrator


    HIẾU ĐẠO

    Ca dao Việt Nam có câu:
    “ Công cha như núi Thái Sơn
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
    Một lòng thờ mẹ kính cha

    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con ”

    Những câu ca dao ấy đã nói lên công ơn to lớn như núi Thái của cha mẹ đối với con cái, và sự biết ơn sâu nặng của con cái đối với cha mẹ. Một hình thức so sánh rất độc đáo, nhưng trên thực tế, dẫu núi có cao đến đâu cũng không sao sánh bằng công dưỡng dục của cha. Nước trong nguồn có chảy nhiều cách mấy cũng chẳng thể bì kịp ơn sanh thành của mẹ. Bởi vì, núi tuy cao, nước tuy chảy mãi mãi chẳng ngừng nghỉ nhưng đó là những vật chất hữu hình có thể đông, đếm được, nhưng tình thương của cha mẹ đối với chúng ta liệu có lường được không? Vả lại, kể từ khi chúng ta được sinh ra cho đến ngày khôn lớn, cha mẹ chúng ta phải chịu biết bao khổ nhọc. Điều đó được Đức Thầy tôn kính dạy rất rõ: “ …ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta phải chịu biết bao khổ nhọc . Thấm thía qua lời dạy đó, cho thấy rằng, công sanh thành dưỡng dục và tình thương của cha mẹ giành cho chúng ta thật không thể nào tính đếm cho hết được. Thế nên, bổn phận làm con, muốn đền đáp lại công ơn đó chúng ta phải lo tròn câu hiếu đạo. Như Đức Thầy đã dạy khuyên và khẳng đinh:
    “Mẹ cha là kẻ trọng ân
    Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già”

    Vậy hiếu đạo mà Đức Thầy đã dạy cho tín đồ PGHH là gì?
    Từ ngàn xưa Hiếu đạo vốn dĩ là một nét đẹp văn hóa tuyệt vời hằng sâu trong tâm hồn dân tộc Việt Nam nói chung và nói riêng cho mỗi người con Phật qua bao thế hệ. Song song bên cạnh đó hiếu đạo cũng là một yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu, cần phải làm trước tiên cho những ai muốn thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống cả đời lẫn đạo. Kinh Liên Tông Bảo Giám dạy rằng:
    “Hiếu tâm tức thị Phật tâm
    Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh
    Dục đắc đạo đồng chư Phật
    Tiên tu hiếu dưỡng nhị nhân”

    Nghĩa:
    Tâm hiếu là tâm của Phật
    Hạnh hiếu không ngoài hạnh Phật
    Muốn đắc đạo như chư Phật
    Trước lo nuôi dưỡng cha mẹ mình”

    Tâm Kinh có câu:
    “Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ
    Nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên”

    Nghĩa: Trời có bốn mùa, mùa xuân đứng trước. Người có trăm hạnh, hạnh hiếu đi đầu.
    Giáo lý Tu Nhân Học Phật của PGHH trong tứ ân, ân Tổ Tiên Cha Mẹ được đặt lên hàng đầu. Kế đó là ân Đất Nước, ân Tam Bảo, ân Đồng Bào Và Nhơn Loại. Vì vậy Đức Thầy đã cho biết: “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy hiếu nghĩa làm đầu).

    Theo quan niệm thường tình của thế nhân: Một người con biết yêu kính cha mẹ, dâng cơm vùa nước, sớm thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh…cũng như thầy Tử Lộ xưa đội gạo đường xa để nuôi mẹ, như thế gọi là hiếu nhưng thật ra đó chỉ là cái hiếu thế gian, chưa phải tuyệt đối theo giáo lý PGHH nói riêng và nói chung theo góc độ Phật giáo. Bởi vì, luận theo phẩm Kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ, Đức Phật dạy các môn nhơn đệ tử về hiếu đạo, là không thể làm gì khác ngoài việc phát tâm giác ngộ lo tu để hồi hướng công đức cho song thân nếu còn sống thì được trường thọ, và nếu chết sẽ được vãng sinh về Tịnh Độ. Hôm nay, luận theo giáo lý PGHH, tuy Đức Thầy tôn kính của chúng ta, canh tân giáo điều cho phù hớp với hoàn cảnh và căn cơ của tín đồ nhưng không xa rời tính chân lý mà Đức Phật đã dạy khi xưa, ngược lại rất dễ hiểu và dễ hành đối với người cư sĩ tại gia về hiếu đạo đó là phải làm tròn ba điều sau đây:

    Thứ nhất: về phương diện vật chất “phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau”
    Thứ nhì: về phương diện tinh thần “gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn”
    Thứ ba: về tâm linh “rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ, lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân”.

    Hiếu đạo mà Đức Huỳnh Giáo Chủ muốn khuyến dạy tín đồ đối với cha mẹ của mình không quá quy tắt, khắc khe như thời xưa theo câu…phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Trái lại lời dạy của Ngài rất hợp thời và căn cơ trình độ của người Cư Sĩ Tại Gia. Bởi vì, sự hiếu chủ yếu phải xuất phát từ tấm lòng chân chính và thành kính. Khi cha mẹ còn sống thì chăm lo, cung phụng về miếng ăn, thức uống, thuốc thang khi đau yếu.
    “Vẹn mười ơn mới đạo làm con.
    Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc”

    Còn lúc cha mẹ qua đời phải trang nghiêm tưởng nhớ ngày giỗ kỷ niệm để tỏ lòng hiếu thảo.
    “Giường linh đơm quảy mới là
    Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi
    Ta là thân phận làm tôi
    Phải đền phải đáp cho rồi mới ngoan”.

    Đồng thời tu nhơn tích đức, tạo tác phước điền để hồi hướng công đức cho vong linh cha mẹ được hưởng nhờ.
    “Cháu con báo hiếu theo nhà Phật
    Cha mẹ qua đời thủ lễ chay
    Trong sạch nghĩa nhân vầy mới đáng
    Hồn linh siêu thoát nhẹ cao bay”

    Song song bên cạnh đó còn phải cố gắng tu hành đắc đạo để cứu vớt linh hồn của cha mẹ ra khỏi tam đồ, giống như đức Mục Kiên Liên khi xưa tu hành cứu được mẹ Ngài là Thanh Đề ra khỏi địa ngục vậy.
    “Mục Liên cứu mẹ bằng nay
    Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi”

    Sách Thánh có câu: Lập thân hành đạo, vang danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã” (Nếu người tu hành danh thể để muôn đời và cứu được cha mẹ tức là hiếu vậy). Đức Thầy tôn kính cũng dạy:
    “Đắc đạo rồi cứu vớt tổ tông
    Cũng như Phật xuất gia thuở trước"

    Hay là:
    “Chừng nào đắc được lục thông
    Vớt hồn cha mẹ tổ tông bảy đời”

    Tóm lại, trong tất cả chúng ta được sanh ra trên cõi đời này đã mang trong người dòng máu đỏ hình thành từ tinh cha, huyết mẹ, và giọt nước mắt mặn thể hiện sự gian lao vất vả khổ cực trăm bề sanh con ra, nuôi con khôn lớn thì hãy cố gắng tu thân, lo tròn câu hiếu đạo bằng cách là: “Lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh”. Có như thế chúng ta mới có thể đền đáp lại công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đức Thầy từng khuyến dạy:
    “Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền
    Thoát chốn mê đồ đến cảnh tiên
    Ngõ đáp ơn dày công sáng tạo

    Cho ta hình vóc học cơ huyền”.

    HUỲNH THỊ TIỀN
     

Chia sẻ trang này