KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN ĐÙA ! QUANG LỄ THẨM Gần đây, sau khi Ông Nguyễn Tấn Đạt, Quyền Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo bị phát hiện trong tờ giấy Chứng Minh Nhân do Sở Công An Angiang cấp ngày 31/5/2000, mang chữ ký của Lê Thanh Hoàng, thì cùng một lúc có một số người cùng cảnh như vậy mặc dù chưa có người nào lên tiếng chính thức trên các trang mạng xã hội, hoặc thố lộ công khai, nhưng lại xầm xì cho cái chuyện khai gian, khai dối trong thành phần Tôn Giáo KHÔNG, là chuyện bình thường của cái thuở “trời đất nổi cơn gió bụi”! Người ta xem đó như là một chuyện đùa; vui thì ghi chơi vào thành phần Tôn Giáo là Hòa Hảo (không có hai chữ Phật giáo và hai chữ hòa hảo cũng vô chừng có khi viết hoa, có khi viết thường), buồn thì ghi đại một chữ KHÔNG có lẽ vừa tiện và cũng vừa “an ninh”. Xét vấn đề này, lấy công tâm mà luận, thì chắc không được mấy người cho hành động ấy là một chuyện đùa. Đứng ở cái nhìn khách quan thì: THỨ NHẤT: Thành phần Tôn giáo được đề cập trong tờ Giấy chứng Minh Nhân Dân (trước đây là Giấy Căn Cước) có nghĩa là những lời khai trong ấy phải chân thực và chính xác, người khai phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật hiện hành nếu lời khai bị phát hiện là khai man. Nếu cho đó là chuyện đùa thì cái nền tảng pháp lý của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hóa ra cũng là một chuyện đùa hay sao? Hay cái nền tảng pháp lý ấy chỉ nhằm áp dụng cho những người “khác cánh” mà thôi! THỨ HAI: Thành phần Tôn giáo là một đề mục để xác định anh thuộc thành phần tín ngưỡng Tôn Giáo nào, có nghĩa là anh đang tu tập theo giáo pháp của Đạo nào , hoặc là anh đang không có sinh hoạt trong đời sống tâm linh của Đạo giáo. Nếu Tôn giáo của anh là KHÔNG thì anh KHÔNG được quyền “XÍA” vào nội bộ Tôn Giáo cho dù anh là ai, là người đã được “cài đặt” của thế quyền, hay chỉ là một kẻ cơ hội! Dễ hiểu thôi vì anh chính là người không biết “ất giáp”ngì của Đạo để mà “XÍA” vào. THỨ BA: Nếu cho rằng ghi vào thành phần Tôn giáo một chữ KHÔNG là nhằm để cho bản thân và gia đình được “an ninh” thì cũng đồng nghĩa là anh đang tố cáo chế độ đương quyền nầy đã có một thời “trù ếm”, “khoanh vùng” những người công dân có tín ngưỡng Tôn giáo, và vấn đề được lật ra ở đây là giữa nhà đương cuộc và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nếu không muốn nói là những người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã có thời bị “truy quét”, có thời lọt vào kế hoạch tiêu diệt . Nếu một con người không có đủ đức tin trọn vẹn vào nền Giáo pháp đang theo đuổi, đang tu tập cứ hoang mang lo sợ , không dám đối đầu với thực tế cay nghiệt, mang mễnh quá nhiều chao đảo nghi ngờ. Khai thật mình là tín đồ PGHH mà có bị ai đó “trù ếm” cũng cam lòng, vả lại nền Đạo mà chúng ta đang tu tập không đáng để cho mình hy sinh thân mạng hay sao? Chỉ sợ là mình không được chết vì Đạo mà lại chết vì một vài chuyện “tầm phào” nào đó mới khổ! Nhìn vấn đề chân thật khách quan như vậy, để mọi người ý thức được rằng: Cho dù anh là ai; Kẻ đang điều hành một hệ thống pháp quy của Đạo , hay là kẻ đứng trên, đứng trước những người tín đồ để thuyết giảng Giáo pháp Đạo… thì những con người “ăn gian nói dối” này đều không có chỗ đứng trong hàng ngũ những người có tín ngưỡng Tôn giáo! Điều này, đúng ra không cần phải nói gì nữa, nếu vấn đề chúng ta nêu ra thuộc trong thế giới tự do dân chủ, nhưng đàng này vấn đề đau xót ấy lại xảy ra trong một chế độ “tự do được gò nắn”, dưới hình thức bầu chọn "Suy cử ". Còn nếu nhìn vấn đề theo chiều hướng nội tại chủ quan thì: * Trong vị thế của một người thực sự Phật Giáo Hòa Hảo đang tu tập, cho dù ta có là người can đãm hay không , trong một thoáng nào đó ta không thể nào không thấy rằng mình có lỗi với Thầy , với những người đồng đạo của mình! Tại sao nhiều người họ vẫn an nhiên, tự khai vào giấy Chứng Minh Nhân Dân (lý lịch gốc)của mình là tín đồ PGHH, trong khi mình lại hoang mang lo sợ để đến đổi phải phủ nhận nền Đạo mà mình đã tự nguyện hành trì? Tại sao mình không thể ứng dụng lời dạy của Thầy mình để chuyển hóa những suy nghĩ “chưa chính chắn” của ai đó cho dù quyền hành của họ có to lớn đến đâu? Giáo pháp PGHH là phải biết tự thể hiện cái phẩm chất tốt đẹp của người tín đồ, chính cái phẩm chất hiện hành ấy, tự nó là một đãm bảo về an ninh tuyệt đối cho mỗi đồ chúng của Đạo! * Nếu như mình là người đã lầm lỡ phủ nhận và chối bỏ mình là người “không có tôn giáo”, mà nay vì một “cơ may” nào đó, được đứng vào hàng trên trước, mở miệng ra là có thể chỉ đạo cho hàng chục, hàng trăm người, vậy trong những lúc đối diện với chính mình ta có tự thấy hỗ thẹn hay không? Nếu có thì tại sao ta cứ làm chuyện hỗ thẹn ấy mãi mà không thử một lần sám hối với mọi người thử xem? Nếu không, hoặc còn thấy hảnh diện thì có phải chăng mình cho rằng những người hạ cấp , những người tín đồ chân chất hai hàng trơn là dại dột và khờ khạo rất dễ dối lừa và nếu một mai có bị phát hiện khai gian, khai dối trong cái lý lịch gốc thì cũng không ai có thể làm gì được ta vì ta đang được “sủng ái”… Còn nếu nhìn vấn đề theo chiều hướng của Nhà đương cuộc, nhà quản lý Tôn giáo, cơ quan Mặt Trận Tổ Quốc thì : - Tại sao ngay từ khi cho phép PGHH tái phục hoạt, những người phụ trách chọn người thời ấy (1999), lại để lọt vào hàng ngũ lãnh đạo Tôn giáo những con người không có Tôn giáo như vậy? Hay đây chính là quan điểm dùng người của mình để kềm hãm, để kiểm soát một tổ chức Tôn giáo không thể tiêu diệt được nên đành phải cho tái phục hoạt? Nếu đã vậy thì vấn đề nầy phải chăng là một sai lầm cần phải kiểm điểm và tự phê bình (nói theo ngôn ngữ hiện hành), bởi vì đây là một hành động không thể chấp nhận được cho dù các ông có nhìn theo góc độ nào! Nếu người được chọn lựa ấy thực sự là người không Tôn giáo mà đưa vào lãnh đạo một tổ chức Tôn giáo thì tập thể người tín đồ của Tôn giáo ấy có chấp nhận hay là sẽ quyết liệt phản đối? Nếu anh ta là người tín đồ thực sự thì ngay đó đã là người vi phạm pháp luật về khai báo mà chính quyền lại công khai sử dụng và còn nâng cấp thì có phải chăng Nhà nước đã tự đánh mất chữ CHÍNH phía trước chữ Quyền! - Thời đại nào thì kỷ cương ấy, nhưng chẳng lẽ trong hơn bảy (07) triệu tín đồ PGHH lại không có lấy một người có “cãm tình” với chế độ đương quyền hay sao mà lại làm cái chuyện chọn người tréo cẳng ngỗng như vậy? Hay điều nầy chính là một động thái cấp thời chữa cháy? Qua những nhận xét thực tế trên, cho dù thế nào thì nó cũng đã xảy ra trên 10 năm nay rồi mới được phanh phui, âu cũng là một kinh nghiệm cho cả hai bên: Phật Giáo Hòa Hảo và các cơ quan phụ trách đoàn thể Tôn giáo địa phương và cả Trung Ương. Nên chăng trong nhiệm kỳ mới (2014 – 2019). Trong Hiến Chương Phật Giáo Hòa Hảo sửa đổi phải được quy định nghiêm khắc về Tư cách Đại Biểu với các quy định về căn gốc, về Giới điều, Giới luật, thời gian tối thiểu khi vào Đạo và phải có sự giới thiệu bảo lãnh của Ban Trị Sự địa phương nơi cư ngụ… thì mới được ứng cử vào Ban Trị Sự TƯ của Đạo. Nếu vẫn áp dụng “nguyên tắc Suy cử ” thì cũng phải tuân thủ nghiêm nhặt theo chế định trong Hiến Chương mới này. Một đoàn thể Tôn giáo mà được sự đồng thuận, đoàn kết cao chính là một tác nhân giúp cho Xã hội ổn định để đưa đất nước phát triển đi lên. Hãy dứt bỏ những sức ỳ tai hại làm rối loạn thêm một đoàn thể Tôn giáo mà thực chất của nó nhiều năm qua đã đóng góp không nhỏ vào những công tác Từ thiện Xã hội tích cực nhất… Đây là việc của các cấp thẩm quyền Nhà nước. Nên nhớ đây không phải là một chuyện đùa! Thành Địa Hòa Hảo 1/3/2014. Quang Lễ Thẩm