Một số ý đồ muốn chia cắt mối tương quan mật thiết giữa dòng phái Bữu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo. --oOo-- Kính gởi: - Qúi đồng đạo trong và ngoài nước. Kính thưa qúi vị, Thời gian gần đây đã xuất hiện một vài hiện tượng mang ý đồ bất chính muốn phân rẽ mối liên hệ mật thiết giữa Đức Phật Thầy Tây An và Đức Thầy, tức BSKH và PGHH. Việc làm nầy được xác định bỡi các nguyên nhân chính sau đây: - Thứ nhất: Do một số người có tham vọng muốn lên ngôi giáo chủ bằng cách họ dàn cảnh, tạo dựng sự mập mờ dưới hình thức "Ông lên bà xuống" để tự xưng Đức Phật Thầy nhập xác... nhằm để lòa mắt và khuyến dụ những người nhẹ dạ cả tin với mục đích vừa mưu cầu trục lợi cá nhân và vừa có chủ ý làm lũng đoạn niềm tin về mối tương quan mật thiết giữa BSKH và PGHH. Điều nầy cần được xác định thêm rằng Đức Phật Thầy Tây An qua bốn lần tái kiếp... cho đến Đức Huỳnh Giáo Chủ là lần cuối cùng. Cũng đều thị hiện bằng những xác phàm cụ thể chứ không có vấn đề mượn xác dưới hình thức "Ông lên bà xuống" theo kiểu dị đoan mê tín để phỉnh gạt người đời. Hay nói cách khác, sẽ không bao giờ có chuyện Đức Phật Thầy tái xuất hiện xuống trần gian giáo độ chúng sanh thông qua hình thức đồng bóng. Lịch sử Phật Giáo đã mấy ngàn năm trãi cũng chưa hề có những hiện tượng quái dị đó xãy ra! Có chăngchỉ là bọn gian tà ma giáo mới bày trò dối mị để lường gạt bá gia, bá tánh mà thôi. Vả lại, trước khi viên tịch Đức Phật Thầy Tây An có để lại bài kệ báo trước rằng; Giáo hệ BSKH tạm chấm dứt sau năm (05) đời luân chuyển chờ cơ thiên định. Kệ rằng: "Thất niên trụ thế độ mê tình, Diệt địa trùng trùng khổ chiến chinh. Phật pháp hoằng dương khai ngũ hệ, Thượng ngươn tái lập kiến thanh bình." Vâng! Lời Kệ tiên tri về hậu lai chuyển tiếp của Đức Phật Thầy không hề xê dịch được... kiểm chứng thực tế qua lịch sử cho chúng ta thấy rõ qúa trình lập Đạo của Ngài đã trãi năm đời truyền thừa sứ mạng gồm có: * Đức Phật Thầy Tây An (1849 - 1856) * Đức Phật Trùm (1868 - 1875) * Đức Bổn Sư (1879 - 1890) * Sư Vãi Bán Khoai (1901 - 1902) * Đức Huỳnh Giáo Chủ (1939 - 1947) Còn việc xây cất thêm chùa chiền gọi là để thờ kính Đức Phật Thầy đồng thời có nơi cho tín đồ cùng bá tánh thập phương đến lễ bái, chiêm ngưỡng lại càng không nên bởi vì chủ tâm của Đức Phật Thầy là không bao giờ muốn tốn hao công lao, tiền bạc đóng góp của bá gia, bá tánh. Vã lại, nếu muốn tìm về nguồn cội, dấu tích Đức Phật Thầy thì đã sẳn có những thánh tích lịch sử rành rành do chính Ngài để lại... chẳng hạn như Ngôi Tây An Cổ Tự ở làng Long Kiến, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang; - Chùa Tây An và Ngôi mộ ở núi Sam; - Trại ruộng Thới Sơn (Nhà Bàng) thuộc quận Tịnh Biên, tịnh Châu Đốc; - Trại ruộng và Chùa Bửu Hương Tự ở Láng Linh, Xã Thạnh Mỹ Tây, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc v.v...Như vậy đã qúa đủ để cho hàng tín đồ và bá tánh khắp nơi tìm về nguồn cội chính thống... còn đúng nghĩa hơn là tạo thêm cái mới lại mang tính chất muốn biệt lập, tạo một 'giang sơn' riêng hầu đồ danh trục lợi cá nhân...như thế chẳng những mang lầy trọng tội đối ơn trên Thầy Tổ mà còn bị toàn thể đồng đạo tẩy chay và lên án! - Thứ hai: Đây cũng không nằm ngoài động cơ thúc đẩy của bàn tay "vô hình" nào đó khuấy cho nát khối đoàn kết thống nhất giữa hai thực thể gắn liền như hình dưới bóng đã có từ trước đến nay v.v... Nếu là người tín đồ thuần thành ngoan đạo có đủ trí tuệ sáng suốt thì rất dễ phân biệt đâu là đúng sai và đâu là tà chánh, để không phải bị mắc mưu, sa vào bẩy rập đen tối của những kẻ dối lừa, manh tâm phá đạo. Chúng ta nên hiểu và nhớ rằng cái âm mưu thâm độc của những thành phần đối kháng bao giờ họ cũng rắp tâm dùng mọi thủ đoạn và mưu ma, chước quỉ để lung lạc, gây chia rẽ tinh thần yêu thương, đoàn kết nhất là niềm tin của chúng ta đối với lý tưởng thìêng liêng cao cả của tôn giáo. Do đó, nếu chúng ta không đủ bình tỉnh, sáng suốt để xét đoán lẽ tất nhiên sẽ bị rơi vào con đường tội lỗi, nếu không muốn nói là vong Sư, phản Đạo! Sau cùng, ngưới viết xin nhấn mạnh rằng; Du bất cứ ai có dã tâm, ác ý hay mưu đổ chia tách giữa Đức Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ, tức giữa BSKH và PGHH đều phải mang lấy đại tội đối với các đấng thiêng liêng,Thầy Tổ và sự lên án nghiêm khắc của đoàn thể Tôn giáo. Bởi Đức Huỳnh Giáo Chủ là hiện thân chuyển kiếp của Đức Phật Thầy từ danh nghĩa BSKH chuyển sanh trở lại là lần sau cùng để sáng lập nền Đạo PGHH cho nên phải được nhìn nhận tuy hai mà chỉ có một mà thôi. Thế nên, không có lý do gì lại tôn Vị nầy phụ Vị kia hoặc chọn Vị nầy mà bỏ Vị kia... đó là sự sai lầm trong mâu thuẫn, xuất phát từ ý đồ bất chánh hoặc sự nông cạn và thiếu hiểu trong nhận xét! Dưới đây là những dữ kiện chứng minh sự tương quan mật thiết giữa Đức Phật Thầy Tây An vằ Đức Thầy. 1/- Nhân Thân. - Đức Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ tuy là giáo chủ của một chi phái đạo Phật nhưng đều để râu tóc chứ không thế phát (cạo tóc) như các vị tổ thiền lâm... vì lý để khế hợp căn cơ và phong tục, tập quán của xã hội Việt Nam đương thời như lời biểu thị của Đức Huỳnh Giáo chủ: 'Noi tục cổ xác khùng để tóc, Phải soi gương tập tánh ông cha'. Tuy nhiên vì sự bắt buộc của triều đình nhà Nguyễn nên Đức Phật Thầy phải chấp nhận cạo tóc cho phù hợp với hàng Sư sãi của Phật giáo, nhưng Ngài vẫn để bộ râu (có một giai thoại về vấn đề nầy sẽ được trình bày chi tiết vào dịp khác) cũng như Đức Huỳnh Giáo chủ buộc phải cắt tóc khi ra tham chánh trong Uỷ Ban Kháng Nam Bộ vậy; - Đức Phật Thầy và Đức Huỳnh Giáo Chủ đều không có lập gia đình v.v... 2./- Nghi thức Thờ Phượng và Công Phu Bái Sám. - Cùng thờ Trần Điều (sau đổi lại màu Đà) tượng trong cho Tam Bảo để thể hiện nền chánh pháp vô vi của Đức Phật như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã hằng minh thị: "Đạo vô vi của Phật ân cần, Nối theo chí Thch Ca ngày trước"... hoặc: "Làm vô vi chánh đạo mới mầu, Đạo Thích Ca nhiều nẽo cao sâu. Hãy tìm kiến cái không mới có, Ngôi Tam Bảo hãy thờ Trần Đỏ. Tạo làm chi những cốt với hình, Khùng nói cho gìa trẻ làm tin. Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú"... Và cũng thờ ba ngôi: - Ở trong nhà Thờ trên là Ngôi Tam Bảo, dưới là bàn thờ Cửu Huyền và một bàn Thông Thiên trước sân nhà. - Việc công phu bái sám (cúng lại và cầu nguyện) thường lệ ở gia đình mỗi ngày hai thời sáng và chiều hoặc hơn tuỳ theo hoàn cảnh điều kiện của mỗi cá nhân và khi cúng lại hay cầu nguyện chỉ thầm nguyện trong tâm chứ không có tụng kính, gõ mõ. 3/- Phương pháp độ đời, cũng dùng phương châm Tam Độ Nhứt Như; -Trị bệnh độ đời, cũng chỉ dùng tro, nhang, giấy vàng, nước lã.. - Thuyết pháp độ đời hoặc do thỉnh mời hoặc khi các bệnh nhân đến xin trị bệnh... nhân đó các Ngài thuyết Đạo chỉ dẫn họ về luật nhân quả, tội phước để khuyên bảo họ sớm lo tu hành, cải ác tùng thiện; - Viết sấm kinh để truyền bá Giáo pháp rộng rãi vào quãng đại quần chúng. Chủ yếu của các Ngài là dùng thể loại văn vần để được gần gũi và thích nghi với mọi giai từng xã hội, nhất là giới bình dân để họ dễ nhớ và dễ lãnh hội trên bước đường tu học. 4./- Nền tảng Giáo lý. - Cũng lấy Tứ Ân làm nền tảng; - Lấy Học Phật Tu Nhân làm giềng mối; - Đồng thời chỉ ra các pháp Thiền Tông và Tịnh Độ để dẫn giắt người tu tập đạt đến qủa vị niết bàn vàn vãng sanh về cõi Tây Phương Phật Quốc v.v... Đó là những yếu tố căn bản để hai bên giữa tín đồ của BSKH và PGHH nhìn nhận và xác định sự tương đồng mật thiết như bóng dưới hình không thể phân biệt và chia tách giữa hai nền Đạo theo quan điểm thiển cận chủ quan! Ômôn, ngày 09 tháng 4 năm 2018 Cư sĩ TỊNH LẠC