NÓI VỚI NGUYỄN NGỌC NGẠN, Bài viết từ Việt Nam của Tín đồ PHẬT GIÁo HOÀ HẢO Nguyễn Quốc Anh Nhân một bài viết có nhiều điểm sai lầm về nền Đạo BSKH và PGHH của Ông Nguyễn Ngọc Ngạn viết trên tờ báo Culture life & Viet Style, do đó có những bài viết phản biện của tín hữu va các cấp Trị sự khắp nơi trong cũng như ngoài nước. ViệtNam , ngày 6 tháng 4 năm 2015 Từ Tạp chí Culture ở Canada, tôi có đọc được bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ngạn về Bửu Sơn Kỳ Hương & Phật Giáo Hoà Hảo đăng lần lượt 2 kỳ, nhằm để trả lời một câu hỏi của ông Nguyễn Hữu Thông-Buffalo, NY với một nghi vấn Bửu Sơn Kỳ Hương có phải là Phật Giáo Hoà Hảo không? Kính Thưa ông Ngạn, Nếu tôi là ông, tôi sẽ từ chối câu hỏi ấy bởi chính ông,trước hết cũng nhận thấy đó là một đề tài phức tạp và bản thân ông cũng không biết gì về hệ phả truyền thừa từ Bửu Sơn Kỳ Hương đến Phật Giáo Hoà Hảo, có chăng là ông chỉ cóp nhặt ở đâu đó một vài chi tiết thiếu tính chính thống, mang nặng tính hiện tượng, lẽ tất nhiên những điều đó không thể nào là bản chất của một thực thể, nên đôi khi chúng trở thành những lời đả phá và xuyên tạc…hơn thế nữa, bản thân ông là một con chiên của Chúa Ki Tô, nên những tình tiết của một dòng tín ngưỡng bản địa kéo dài từ 1849 cho đến nay, trong một hoàn cảnh lịch sử có quá nhiều thị phi và nhiều thế lực, làm cho sự tình càng thêm phức tạp mà với người ngoại Đạo như ông khó mà phân định đúng sai, tà chánh ! Người ta có thể hiểu là không có ông Nguyễn Hữu Thông nào cả, mà đó chỉ là một cái cớ để ông lấn sang một sân chơi khác, ngoài các sân chơi mà ông đã khá thành công với nhiều vai diễn; vừa là Nhà Văn, vừa là MC, vừa là người chuyên kể chuyện Ma… Nhưng tôi không nghĩ thế, tôi không cho là ông cố tình xuyên tạc và xúc phạm vào đức tin tín ngưỡng Tôn giáo BSKH & PGHH vì xét cho cùng ông không thể có một lợi ích nào phía sau bài viết, mà có lẽ vì quen chuyện “ đùa dai” mà lỡ lấn vào chuyện không thể nói đùa được. Chính vì lẽ đó, tôi sẳn lòng bổ khuyết các điều mà ông đã sai sót như đề nghị của ông ở cuối bài viết: Trước hết, tôi muốn nói đến bức thư của ông gởi cho ông Vương Học Thiêm từ Toronto đề ngày 12 tháng 3 năm 2015.Ông cho rằng ông không “hư cấu”bất cứ một chi tiết nào về các nhân vật được đề cập đến trong bài viết…(chữ nghĩa của Nguyễn Ngọc Ngạn). Vậy thì xin hỏi dựa vào tài liệu nào, con người khoa bảng nào hoặc là một phả hệ huyết thống nào lại có thể hiểu biết rõ ràng rằng: “Như vậy thì rõ ràng, ông Đoàn văn Huyên (Đoàn Minh Huyên!), vốn xuất thân nhà nông, không được học hành nhiều và cũng không hề có ý định đi tu. Trên 40 tuổi ông mới thay đổi cuộc đời, tình cờ trở thành tu sĩ và được gọi là Phật Thầy với những huyền thoại người ta thêu dệt để ông trở thành người dựng nên Bửu Sơn Kỳ Hương…” (chữ nghĩa của Nguyễn Ngọc Ngạn). Không hề có ý định đi tu làm sao mà ông, mà tôi và mọi người biết được! Bởi ý định nó thuộc về ý niệm, mà hễ là ý niệm thì luôn là trừu tượng, thế thì tại sao ngay phần kết luận để đánh giá các hoạt đồng về đời sống tâm linh của một đấng Giáo tổ mà ông lại hạ bút viết sòng phẳng năm chữ: NHƯ VẬY THÌ RÕ RÀNG. Vậy, nếu không phải chính ông Nguyễn Ngọc Ngạn “hư cấu” thì là ai? Ông cho rằng tất cả các tài liệu mà ông sử dụng từ những nhà văn và học giả mà ông tin là có uy tín… những tài liệu này xuất bản công khai, ít nhất là trên 10 năm, mà không hề thấy các tác giả hay nhà xuất bản đính chính điều gì trong đó, có nghĩa là không hề có ai phản đối, cho nên ông tin đó là những tài liệu khả tín có thể trích dẫn được! Kính thưa ông Nguyễn Ngọc Ngạn, Nếu quả ông có những ý tưởng và lòng tin như vậy, thì xin lỗi tôi có thể mạo muội nói với ông rằng: ông đã quá ngây thơ ở tuổi đời thất thập cổ lai hy! Trên văn đàn hay nói chung hơn là trong rừng nhu bể thánh cho đến nay, không thiếu gì các tác phẩm văn học, các tài liệu nghiên cứu về y học, về thiên văn địa lý, về chính trị văn hoá, về nhân thân của rất nhiều nhân vật lịch sử(ảnh hưởng, thân thế những con người lịch sử này sẽ thay đổi phụ thuộc vào sự thay đổi của các thể chế chính trị)…những tài liệu mà ông cho là khả tín, cũng có nghĩa trước nhất là khả tín với mỗi ông, kỳ dư chưa chắc chúng có thể thuyết phục được bao nhiêu người khác. Tôi không hề có ý phản đối ngay bây giờ đối với các tài liệu mà ông trích dẫn, nhưng cũng không có nghĩa là tôi sẽ khả tín chúng như ông. Phải không ông Nguyễn Ngọc Ngạn. Do vậy cái mà ông đang viết trên tạp chí song ngữ Culture là viết cho mọi người, cho độc giả Culture chứ không chỉ đơn thuần cho duy chỉ một người Nguyễn Ngọc Ngạn? Không phải chỉ có các nhà văn, học giả mà ông khả tín là các người độc quyền viết về BSKH&PGHH, tôi có thề đề xuất với ông một vài nhà nghiên cứu cũng là nhà văn,cũng là học giả, cũng là giáo sư, bác sỹ như: Bộ Từ điển danh giá Encyclopaedia Britannica, GS triết học Phạm Công Thiện, Triết gia Kim Định, Học giả Nguyễn Văn Hầu, Lý Khôi Việt, Phạm Nam Sách, Trần Nguyên Bình, Dật Sĩ, Vương Kim, Phan Bá Cầm…Một tác phẩm nào đó mà tác giả, nhà xuất bản không đính chính sẽ không có nghĩa không hề có ai phản đối, trường hợp bộ Địa chí GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, viết về những vùng đất Nam bộ xưa do Trịnh Hoài Đức dốc kỳ công ghi chép vào đầu thế kỷ 19 (giữa năm 1820-1822), viết bằng Hán Nôm. Đã có rất nhiều bản dịch cụ thể như: *Năm 1964 Viện Sử học Việt Nam bao gồm Đỗ Mộng Khương và Nguyễn Ngọc Tỉnh đã dịch sang chữ Quốc ngữ với sự hiệu đính và chú thích của Đào Duy Anh *Năm 1972,tại Miền Nam nhóm Tu Trai Nguyễn Tạo đã dịch và xuất bản, đây là bản thông dụng nhất tại Nam Việt Nam trước 1975. *Năm 1991 tại Trịnh Châu Trung Quốc, nhà xuất bản sách cổ Trung Châu đã cho xuất bản ba bộ sách sử của Việt Nam: Gia Định Thành Thông Chí, Lĩnh Nam Trích Quái, Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả bằng chữ Trung giản thể do Đái Khả Lai và Dương Bảo Quân hiệu chú. Thế mà mãi đến đầu thế kỷ 21 (2004) nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng đã dày công tìm hiểu và tổng hợp các sai sót ở các bản dịch trước: - Dịch nhầm Địa danh. - Dịch nhầm Nhân danh. - Dịch nhầm tên sản vật địa phương. - Dịch nhầm ngữ nghĩa Hán văn. - Chép thiếu hoặc sai nguyên văn. - Lỗi Morasse. Kính thưa ông Nguyễn Ngọc Ngạn, Tôi chỉ xin phép đưa ra một trong số nhiều nhiều sách sử ghi chép sai sót trong nhiều thế kỷ, để cho ông nhớ lại câu nói của người xưa rằng: tận tín thư, nhu vô thư (Quá tin vào sách, thà không có sách còn hơn!) Xá gì chỉ với 10 năm mà ông vội đặt trọn vẹn lòng tin của mình vào một số ký hiệu của tư tưởng như vậy? Tại sao ông không chịu đối chiếu lại nhiều văn bản cho cùng một vấn đề cho dầu văn bản ấy thuộc về lề trái hay lề phải, để ông có thể có được một cái nhìn có giá trị hơn, ngoạn mục hơn cho một vấn đề vốn không phải là sinh tử.(mời ông đọc những phát hiện mới, những vấn đề được “lột xác” sau cả nghìn năm với:VIỆT NAM: SUỐI NGUỒN VĂN MINH PHƯƠNG ĐÔNG của Du Miên Lê Thanh Hoa) Ông cho rằng: Gọi ông Đoàn Minh Huyên là một giáo chủ cũng không chính xác, bởi ông không hề khai sáng ra một tôn giáo nào mới. Ông vẫn phải dựa vào Phật giáo là tôn giáo lớn nhất và lâu đời nhất của nước ta. Phải chăng nhận định như vậy là có hẹp hòi lắm không? Tôi tin rằng ông thừa biết, trong cái bao la của vũ trụ vạn hữu nầy không có cái gì thực sự được gọi là mới, bởi những cái được gọi là mới ấy nó vốn đã có sẳn ở đó từ thuở nào rồi! Giáo chủ hiểu thông thường là người khai sáng một tôn giáo,một nền đạo. BSKH&PGHH cho đến ngày nay đều được mọi người chấp nhận là một tôn giáo, là một nền đạo.Trước Đức Phật, tại Ấn Độ cũng đã có sẳn các giáo lý từ Áo Nghĩa Thư, từ Bà La Môn…và Đức Phật cũng đã dựa vào đó mà phát triển thêm. Tương tự như vậy Hippocrate sống trong một gia đình Thầy thuốc, ngoài những kiến thức do Cha truyền Hippocrate còn tiếp nhận những hiểu biết về y học tại trường y khoa Cos và còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền Văn hoá và y học Ai Cập. Vào những năm 431-404 trước Công nguyên, một cơn dịch bệnh lan rộng xảy ra trong cuộc chiến Peloponeso giữa hai miền Athène và Esparta, chính Hippocrate đã cho đốt lửa trong thành phố để dập tắt dịch bệnh. Trong cuộc đời hoạt động nghề nghiệp của mình Hippocrate đã để lại 87 bộ sách đề cập đến nhiều vấn đề của bệnh tật. Giá trị của bộ sách không chỉ là tập hợp, mà còn hệ thống hoá và hoàn chỉnh những hiểu biết về y học. Chính vì vậy mà Hippocrate được tôn làm ông Tổ của Tây Y. Ở Việt Nam, Tuệ Tỉnh và Hải Thượng Lãn Ông cũng không phải là người đầu tiên sử dụng thuốc Nam mà như Hippocrate, hai ông đã tập hợp, hệ thống lại và hoàn chỉnh phương pháp cùng các điều liên quan đến bệnh tật và chữa trị mà trở thành ông Tổ của nghành Y Nam Dược. Trước các vị này chẳng lẽ con người thời ấy khi ốm đau bệnh tật đều không biết chữa trị hay sao? Trước Đức Phật Đản sinh há chẳng có một nền giáo lý nào hoàn thiện được chúng sanh hay sao? Tôi không dám xem thường hai chữ giáo chủ, nhưng ở tư thế một người ngoài như anh mà cho việc đồ chúng BSKH hay PGHH tôn xưng Giáo chủ cho Thầy mình là không chính xác,cũng như việc anh đề cập đến Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Ông Ngô Lợi(Ngô Lợi chứ không phải là Ngô Hợi) với tôn danh Đức Bổn Sư theo anh là không xứng,bổn sư là Thầy căn bổn thôi mà(bổn là căn gốc, sư là thầy), ngày nay tại VN, các Phật tử thường được một vị Tăng nào đó qui y, người ta vẫn gọi vị Tăng ấy là Thầy Bổn Sư,có gì đâu mà xứng với không, Tôi cũng chưa từng thấy bất cứ kinh sách nào Đức Phật dạy phải dành ba chữ Đức Bổn Sư cho chính Ngài cả! Không khéo anh lại thể hiện ra cái tính nhỏ nhen của mình đấy. Kính thưa ông Nguyễn Ngọc Ngạn, Tôn giáo hay Đạo, nếu chúng ta bỏ bớt những phân thức về hình tướng,pháp môn...thì tôn giáo là một phương cách để giúp con người sống và tồn tại với sức mạnh siêu nhiên, để từ đó làm lợi ích cho vạn vật và con người.Tôn giáo đôi khi cũng đồng nghĩa với tín ngưỡng thường được định nghĩa là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, tục lệ và các nghi thức liên quan đến niềm tin đó. Những ý niệm về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: thiêng liêng và trần tục mà ngày nay người ta hay dùng gọn lại là thiêng và phàm. Hôm nay, chẳng những ông mà có cả tôi nữa, chúng ta đang nói về cả hai phần thiêng liêng và trần tục, vậy thì có nên chăng chúng ta nên buông xuống, mở lòng ra để có thể hoà nhập vào cái vũ trụ vạn hữu thường hằng nầy! Để chúng ta có thể hiểu được những điều chúng ta nói,chúng ta viết không phải là chuyện đùa, mà chúng ta đang nói về Thượng đế của chúng ta(của ông và của tôi!). Những chuyện mà ông viết về hành tàng của Giáo tổ BSKH, giáo chủ PGHH từ tên gọi đến sự nghiệp là không thể chấp nhận được! Cho dù những điều đó ông trích dẫn từ những người khác, nhưng ông vẫn không thể không chịu trách nhiệm thiếu cân nhắc của mình, thí dụ như ngay ở nhà văn Sơn Nam tại sao ông không nhìn thấy trong Tập san Nghiên cứu văn học số 16, tháng 6 năm 1972 Sơn Nam đã viết: “Trong hoàn cảnh khó khăn, thầy Đoàn Minh Huyên đã hiện đại hoá đạo Phật, nêu thái độ dấn thân (khẩn hoang, giữ nước).Thầy và Giáo Chủ Phật Giáo Hoà Hảo nối tiếp sau này, chẳng những góp công về mặt chính trị, kinh tế để tô điểm vùng đất nghèo nàn, khó sống nhất.Công ơn mà bấy lâu nay chúng ta đánh giá không đúng mức là sự xây dựng về văn chương: đó là những lời khuyên dạy về đạo lý được diễn đạt bằng lời lẽ bình dân, theo văn Nôm và theo thể thơ lục bát. Nhiều đoạn trong sấm vãn đã thật sự trở thành ca dao ở vùng biên giới…”. Thông thường ở Việt Nam ta, dù Miền Bắc hay Miền Nam, nhiều đứa trẻ khi “lọt lòng” người ta thường tặng cho một cái tên thường gọi (tên quai nôi), bên cạnh cái tên được ghi vào giấy khai sanh…con trai Miền Bắc được gọi là “thằng cu”, con gái gọi là “cái đĩ”, đôi khi người ta gọi “dồn” cả hai tên cho một người khi còn bé.Thằng Cu Ngạn là thằng con trai Nguyễn Ngọc Ngạn, sau này khi đã thành danh (cho dù danh đó không lớn) mà có ai đó gọi ông là văn sĩ Thằng Cu Ngạn thì đó là một điều “xúc phạm”, một điều “bất kính” phải không ông!. Tên Sển (nếu có) chẳng qua là một thông tục của người xưa, và không ai, cho dù danh “Đạo”được gợi lên với ý đồ nào cũng vẫn phải được gọi là “Ông”, chứ không thể gọi là “thằng”. Việc mà ai đó ghép tên thường gọi thời thơ ấu của một người phía sau đại danh từ “Đạo”,là một điều xúc phạm, bất kính, há ông lại không biết điều này! Hơn nữa, như đã nói, trong một thời thế hỗn độn bất an, có quá nhiều thế lực chính trị, vàng thau lẫn lộn, cái chánh cái tà đan xen khó mà phân biệt, nào là tự xưng, nào là mạo nhận, lại thêm thành phần ngoại giáo ngộ nhận như ông nên càng làm cho sự tôn nghiêm của “Ông Đạo”, của “nền Đạo”suy giảm đi cái giá trị vốn có!Ngày nay BSKH&PGHH là một nền Đạo chân chánh, chẳng những từ giáo pháp cho đến cung cách hành đạo đã được mọi người hàm ơn ghi nhận(trong đó bao gồm những thành phần trước đây có nhiều thành kiến với họ).Nên hay không nên đối với một người cầm bút, trút dồn mọi thứ thị phi vào một chữ “ĐẠO”!(Dù có đó những “ông thầy” trị bệnh bằng các phương lạ kỳ như sờ nắn, cho uống nước lã, uống “bùa”, những người này thường được người bệnh gọi là “thầy sờ”, “thầy nước lã”, “thầy bùa”chứ chẳng ai gọi là “ĐẠO SỜ”, “ĐẠO NƯỚC LÔ, “ĐẠO BÙA” bao giờ).Nói tới đạo thì ai cũng biết chính bản thân của đạo phải có giáo pháp lưu truyền, vậy ông Đạo Sờ mà ông hay ai đó nói, có giáo pháp lưu truyền không, nếu không thì các ông đang cố tình xuyên tạc!Lại nữa,cung cách ứng xử và giao tiếp của tộc người Việt ta, vốn được công nhận là nền Văn hoá chính phong. Việt tộc luôn có nề nếp tôn ti, thượng hạ, danh xưng thứ lớp đàng hoàng, Tổ, sơ, cồ, cố, nội ngoại, mẹ, cha, chú, bác, dì, dượng, cô, thiếm, đệ huynh đâu đâu cũng minh bạch rõ ràng, chứ không như người Tàu mà Ngộ, mà Nị…Cái lịch sự tối thiểu của người làm văn hoá, cho dù người được nhắc tới là ai, bao lớn tuổi cũng phải có tiếng ông, anh, chị hoặc Ngài, Đấng…việc chú thích tên của một Giáo tổ, giáo chủ mà chỉ ghi tên, không có được một chữ xưng tán nào là bất kính, là coi thường đồ chúng của họ. Hành vi ấy không thể được gọi là đắc nhân tâm! Trong “Lòng Phái” của BSKH, cũng như lịch sử PGHH không tìm thấy ở đâu ghi nhận hai ông Phan Xích Long và Lâm Văn Quốc là tín đồ BSKH.Chuyện mạo nhận hay lợi dụng uy tín của người khác, của tổ chức khác thì thời nào cũng có, người làm văn hoá phải sáng suốt điều này.Còn chuyện mê tín dị đoan, tuyên truyền thiên cơ thời cuộc thì tôi có thể mời ông đọc bài ĐÍNH CHÁNH của NGƯỜI mà các ông gán ghép: Gần đây lắm kẻ ngoa truyền, Một bài sấm ngữ nơi miền hậu giang. Nói rằng: tháng tám tai nàn, Tối tăm trời đất, tan hoang cửa nhà. Kẻ gần rồi đến người xa, Từ trong thôn dã đến ra thị thành. Hại cho quốc kế dân sanh, Ruộng đồng tươi đẹp dân đành ngó lơ. Thương thay những kẻ ngu khờ, Lầm mưu gian trá ngẩn ngơ ưu sầu. Hỏi rằng: Sấm bởi nơi đâu, Nói: “Ông Hoà Hảo làm đầu truyền ra”. Buộc lòng tôi phải đính ngoa, Cho trong toàn quốc gần xa được tường. Chuyện ấy là chuyện hoang đường, Của bọn phá hoại chủ trương hại mình. Anh em ta hãy đồng tình, Nếu gặp “nắm óc” đem trình “công an” Chúng ta giải quyết lẹ làng, Để chuyện huyễn tràn lan ra nhiều. Ký tên: HOÀ HẢO. Sàigon tháng 4 năm Ất Dậu(1945). Tôi cũng không thể mở lời cám ơn ông, vì ông cũng đã có những lời khen tặng và tiếc nuối đối với Đấng giáo chủ của chúng tôi,chúng tôi không cần lời tâng bốc và khen tặng,vì dù sao đó là những điều chân thật và mọi người nếu có được cái nhìn vô ngã đều sẽ thấy được như vậy.Tôi cũng muốn bổ khuyết thêm cho ông là, đối với những tác phẩm văn học thường phàm thì chúng ta có thể nhắc lại cho dù có sai, thiếu một vài từ. Đối với những kệ, giảng của các bậc Thầy thì không thể như vậy được, bởi vì đồ chúng của họ có thể nghĩ rằng ta xuyên tạc,ít ra là họ sẽ cho chúng ta là không biết tôn kính Thầy của họ.Cái mà ông, khởi đầu không thể tin bài thơ của một người bạn trao cho là của Đức Thầy, tôi có thể thông cảm được bởi ông đang kẹt vào cái kiến thức thế trí do học tập mà có, cho nên ông không thể nào hiểu được cái gì là vô sư trí, cái gì là hoát nhiên tỏ ngộ…Ở Phật giáo không thiếu gì những trường hợp tỏ ngộ như vậy, điển hình là Ngài Lục Tổ Huệ Năng, một chữ mà Ngài không biết viết, muốn làm một bài kệ còn phải nhờ người viết thay, thế mà đó lại chính là một Tâm kệ, xô ngã bài kệ của vị Giáo thọ Thần Tú.Ở Hồi giáo, Thánh Muhammad cũng không học được nhiều, thế mà khi được Thiên Thần khai sáng ông liền thông suốt... Bài thơ tình yêu của Đức Thầy chúng tôi là như thế này: Ta có tình yêu rất đượm nồng, Yêu đời, yêu lẫn cả non sông. Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ, Không thể yêu riêng khách má hồng. Nếu khách má hồng muốn được yêu, Thì trong tâm chí phải xoay chiều. Hướng về phụng sự cho nhơn loại, Sẽ gặp tình ta trong khối yêu. Ta đã đa mang một khối tình, Dường như thệ hải với sơn minh. Tình yêu mà chẳng riêng ai cả, Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sanh. Viết tại Miền Đông, năm 1946. Kính thưa ông Nguyễn Ngọc Ngạn, rong Kinh Thánh mà các Ki tô hữu đọc thường ngày, ở đoạn Kinh Tin Kính dạy rằng: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Ki tô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi;bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phong-Xi-Ô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống. Amen. Tôi là người ngoại đạo Ki tô nhưng tôi trân trọng lời cầu kinh của các Ki Tô hữu, vậy thì có nên chăng ông cũng nên xét lại thái độ nhận lỗi “kèo trên” của mình mà thành khẩn hơn,thành khẩn như lời cầu kinh với Chúa. Tôi có thể góp với ông một câu chuyện thuyết giáo của Đức Thầy chúng tôi: Nhân một buổi có mặt nhiều người, Đức Thầy cầm một tờ giấy trắng trên tay và chấm vào đó một chấm mực đen, xong Đức Thầy đưa tờ giấy ra trước và hỏi mọi người: -Các ông có thấy gì không?Mọi người đồng thưa: -Bạch Thầy chúng con thấy một chấm mực đen. Đức Thầy lại hỏi tiếp: -Ngoài chấm mực ra các ông còn thấy gì nữa?-Dạ thưa chúng con không thấy gì nữa! Sau đó Đức Thầy chúng tôi có giải thích tiếp, nhưng ở đây tôi sẽ không nói thêm gì, tuỳ ông suy gẫm. Kính chúc ông sống mãi trong lòng Chúa. Nguyễn Quốc Anh.