NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA PHẬT GIÁO HOÀ HẢO TU GIẢI THOÁT NHƯ THẾ NÀO ? BỬU SƠN Đã là tôn giáo thì việc phượng thờ, lễ bái, cầu nguyện là nhu cầu tất yếu, để qua đó người tín đồ thường hằng thể hiện tấm lòng cung kính và nuôi dưỡng niềm tin đối với các đấng thiêng liêng mà họ đã tín ngưỡng. Cũng như thế đó, nhưng do đều thuộc hạng tại gia cư sĩ (tu tại gia) nên về phương diện này Phật Giáo Hoà Hảo có phần hơi khác: Vẫn rất nghiêm cẩn nhưng không bày bố đa đoan, phiền toái, mà mọi việc đều được thực hiện một cách rất đơn giản, bởi Đức Huỳnh Giáo Chủ có dạy:“Sự tu hành cốt ở trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài”, nên Ngài chỉ định ra chứ không bắt buộc. Theo đó: – Về thờ phượng: Mỗi nhà người tín đồ có tôn trí ba bàn thờ. Hai bàn trong nhà là bàn thờ Cửu huyền thất tổ (thường gọi bàn thờ Ông bà), bàn thờ Phật (cũng gọi bàn thờ Tam bảo); và ngoài sân, trước nhà là bàn Thông thiên (hiểu là thông với trời đất, giữa trời đất – không phải bàn Ông Thiên với nghĩa thờ “Ông Trời”). Trên mỗi bàn thờ chỉ có lư hương đặng cắm nhang (khói hương để bán mùi uế trược), chung nước lạnh (tiêu biểu cho sự trong sạch), và bình hoa tươi (tiêu biểu cho sự thanh khiết). Ngoài ra chẳng cúng thêm một món gì khác kể cả thức ăn, trái cây (riêng bàn thờ Ông bà thì có chi cúng nấy, chay mặn đều được). Ở bàn thờ Phật thì không thờ hình/ tượng cốt Phật mà chỉ có một bức Trần dà (tấm vải toàn một màu như màu cánh con chim áo dà) để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật. – Về cúng lạy, lễ bái: Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy “Tụ không cần lạy cần quỳ” bởi cúng lạy, lễ bái tuy vẫn có thường hành mỗi ngày hai lần vào những lúc sáng sớm và chiều tối, nhưng đó là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc nhở hành giả nhớ phận sự mà làm. Làm là làm y theo lời Phật dạy. Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy, Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời... Nếu nhà cửa nhỏ hẹp quá, hoặc ngụ trọ nhà người khác thì “Việc tu không đợi hương đăng làm gì”. – Về nguyện, niệm: Cầu nguyện những bài Ngài đã dạy (trong lúc cúng), và niệm “Nam mô A Di Đà Phật” nhưng chỉ niệm trong tâm, không phát ra thành tiếng. – Về hành Đạo: Chỉ cần “Biết câu lục tự gìn Tứ Ân” là đủ. “Sáu chữ” đi, đứng, nằm, ngồi rán niệm chớ quên không đợi gì thời khắc. Niệm Phật là nghĩ tưởng đến cái thiện. Chuyên tâm nghĩ tưởng cái thiện thì các ác không thể len lỏi vào để “ác hoá” tư tưởng. Còn “Tứ Ân”, kể theo trình tự là: ân Tổ tiên cha mẹ, ân Đất nước, ân Tam bảo, và ân Đồng bào và nhân loại. Theo đó, đã là người thì nhất thiết và trước hết phải biết đáp đền trong muôn một công ơn sanh thành dưỡng dục. Lúc đất nước hữu sự thì tạm gác “ân trước hết” ấy để thực hành “ân trên hết”, dốc sức vào việc “cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị”. Bởi “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, Quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”. Và “Hãy tuỳ tài tuỳ sức nổ lực hi sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta phải rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đỗi làm cho nước nhà đau khổ”. Đồng thời cũng phải đáp đền ân Tam bảo, và ân Đồng bào và nhân loại... Tất cả đều vì mục tiêu tối thượng: giải thoát. Nói đến giải thoát không ít người cho rằng đó là sự chết – chết là giải thoát! Hiểu như thế là phiến diện, tiêu cực. Theo thiển ý, giải thoát không gì khác hơn là cởi bỏ sự trói buộc. Trong cuộc sống, con người phải chịu vô vàn sự trói buộc. Theo giáo lý nhà Phật đó là do tam nghiệp, tức thân nghiệp (tội lỗi do xác thân gây nên: sát sanh, đạo tặc, tà dâm), khẩu nghiệp (tội lỗi do miệng lưỡi gây nên: lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ), và ý nghiệp (tội lỗi do ý tưởng gây nên: tham lam, sân nộ, mê si). Người tu phải rán tránh (diệt) được mười điều ác vừa nói thì tự nhiên mười điều lành tương ứng (không sát sanh, không đạo tặc...) sẽ hiện ra. Thế là đã tiến được một bước trên con đường tu tập. Tuy nhiên để đạt được mục đích (giải thoát) hành giả còn phải hành thêm đạo Bát chánh. Bài bản thì như thế, nhưng tựu trung: “Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần”, ở đó trước hết phải tránh mê si, nghĩa là phải vẹt phá màn vô minh che mờ căn trí, đồng thời cũng có trách nhiệm “dẫn dắt giùm kẻ sa cơ, và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh” (như lời nguyện thứ 4 trong Bài nguyện trước bàn thờ: “Nam mô tứ nguyện cầu: Bá tánh vạn dân từ tâm bác ái, giải thoát mê ly”. Mà “Muốn lo giải thoát phải tu thân”), nghĩa là trên từng mặt, ta phải tự mình phấn đấu giải thoát cho được những khổ lụy riêng mình phải đa mang. Thí dụ: - Muốn giải thoát cái nghèo: Ta phải cần kiệm sốt sắng lo làm ăn (y như trong mục Bát chánh đã dạy), phải rán tránh đừng cho thiếu nợ... - Muốn giải thoát cái giàu (giàu có cũng là một sự lo, khổ): “Giàu thì lo chen lấn với người, Lo cho được đầy rương đầy tủ, Của dương thế góp tom bảo thủ, Sợ gian phi trộm cướp rình mò, Lo tước quyền cho được thơm tho, Sợ kẻ khó thiếu tiền chẳng trả...”; phải biết hành hạnh bố thí (xót thương và cứu giúp những người lỡ đường, đói rách, tàn tật...) – tất nhiên không phải bố thí theo kiểu vô ý thức, tuôn hết của ra, đặng... nghèo! - Muốn giải thoát u mê, ngu tối: Phải học, phải bỏ hẳn những điều dị đoan, mê tín thái quá. - Muốn giải thoát sự lạc hậu: Phải cầu tiến, phải đổi mới tư duy. Đức Huỳnh Giáo chủ dạy: “Tuỳ theo phong trào tiến hoá của nước nhà, Thầy cho phép bổn đạo tự do cải cách hầu hoà hợp với lương dân cùng tôn giáo khác”. Và cũng trong tinh thần đó, muốn giải thoát ách nô lệ của ngoại bang, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ta phải “rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho được trở nên cường thạnh”. Không chỉ chống giặc trong thời chiến mà ngay trong thời bình cũng “đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước” vì kẻ ngoại địch luôn có ý đồ xấu, bao giờ cũng muốn phá ta bằng nhiều cách, rất đa dạng, vì vậy phải hết sức cảnh giác. Để “làm cho đất nước được trở nên cường thạnh” thiết nghĩ không gì thiết thực bằng nếu mỗi người tự ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình, không làm điều gì sai trái, cũng không né tránh nghĩa vụ (đóng thuế chẳng hạn). - Nói tóm, con đường giải thoát là con đường lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh. Mục đích cuối cùng của việc tu là để phụng sự cho đời (“Đời đạo liên quan rạng chói ngời”). Xưa Thái tử Sĩ Đạt Ta sau khi đã chứng kiến những thảm cảnh sanh, lão, bệnh, tử, Ngài: Về đền đài cảm xúc buồn riêng, Hằng để trí tầm phương giải thoát. Đắc đạo, Ngài “đã khai sáng đạo Phật và đã dìu dắt quần sanh tìm đường giải thoát”. Rõ ràng theo giáo lý nhà Phật, giải thoát là việc làm cần kíp và cũng là hướng nhắm trước hết để mỗi con người ý thức, tự giải thoát những gì mình đang đối mặt trong cuộc sống. Vậy mà: Ôi! cả sang hèn chẳng ai thong thả, Sao nhơn sanh cứ mãi đắm say! Chẳng tu thân đặng dựa Phật đài, Cho thong thả hưởng mùi sen báu! Đức Huỳnh Giáo Chủ: Nguyện mười phương chư Phật đáo lai, Đồng tiếp dẫn chúng sanh giải thoát! Giải thoát là cởi bỏ cái mê để trở về cái giác, mà: “Bến giác chẳng xa cũng chẳng gần”. Cho nên, với “Lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ”, Ngài mong cho tất cả chúng sanh “Đồng bay về Cực lạc một đàng”. Về cực lạc là về đâu? Phải hiểu là về với cái tâm thanh tịnh của mình: Trau sửa thân tâm tìm cội cũ, Về nơi Tiên cảnh mới nhàn thanh. Nhàn thanh tìm kiếm, kiếm nơi tâm... Và: Phật tại tâm chớ có đâu xa. Hơn thế nữa, cho đến nay chưa hề ai – kể cả các nhà khoa học vũ trụ – phát hiện một hành tinh nào khác có sự sống được thiết kế hoàn chỉnh như ở trái đất chúng ta đang sống. Cho nên, là tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo, trong chúng ta không ai “tai nghe, mắt thấy, sờ đụng” một cõi nào khác, vì vậy những chuyện xa vời, lơ lững, thiết nghĩ tốt hơn hết và hợp thời hơn hết cần nên “gác lại” để hãy trở về với thực tại, cùng nhau chung lo giải quyết biết bao vấn đề bức thiết mà trước mắt là, hãy chí thú lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất, tròn phận sự với gia đình để cuộc sống ngày một vươn cao. Và giúp nhau cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nhà nhà hạnh phúc, xóm làng yên vui, “tốt đời đẹp Đạo”. Đó là mục tiêu mà mỗi người cư sĩ tại gia Phật Giáo Hoà Hảo đều phải phấn đấu “thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh”. Vì vậy, ta không nên hiểu giải thoát với nghĩa phiến diện mà cứ đi tìm “một hạnh phúc hư ảo ở bên kia thế giới [kiếp sau] chỉ bằng cầu nguyện thì không bao giờ có được” để rồi sanh tâm “chối bỏ cuộc đời”, bởi song song và sát khít với Đạo, đời luôn là mục tiêu phụng sự của Đức Huỳnh Giáo Chủ: Đầu ngưỡng vọng đất trời minh chứng, Tấm lòng thành quyết dựng đạo đời. Ngài đã bao phen dặn dạy bổn đạo của mình: Khuyên rán giữ cho tròn đời – đạo. Và, hãy thử hình dung xem, nếu mọi người hè nhau “về trển” (?) hết thì đất nước nầy, hành tinh nầy không khỏi sẽ trở thành hoang mạc! “Nhìn xuống” chắc ai cũng phải bồi hồi, luyến nhớ... Buồn thảm biết bao nhiêu! Tóm lại, tu giải thoát trước hết là giải thoát những gì bản thân mình cần giải thoát. Thế cũng đã quá hạnh phúc rồi! (*) Những chữ in nghiêng (màu đà )trong bài là của Đức Huỳnh Giáo Chủ. B.S.